Chiếc Áo Từ Nhân – P2

Chiếc Áo Từ Nhân – P2

Chiếc Áo Từ Nhân

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

1. Tình Mẹ

“Cánh cửa không bao giờ khóa”, đó là tựa đề của câu chuyện có thật mà văn sĩ Robert Stain đã kể lại.

Câu chuyện xảy ra tại nước Scotland về Cristout một cô gái quê trẻ. Cô ta cảm thấy chán chường trong cuộc sống gia đình nề nếp. Cô đến thưa với cha mẹ:

– Con không muốn tin ông trời của cha mẹ. Con quyết định ra đi khỏi nhà.

Thế là cô bỏ nhà ra đi. Tuy nhiên, chẳng bao lâu cô bị người ta chê cười và ruồng bỏ vì không tìm được việc làm, cô đã phải làm nghề đứng lề đường bán thân nuôi miệng. Thời gian trôi qua, cha cô đã qua đời trong sự buồn chán và xấu hổ vì đứa con gái hư đốn của mình. Mẹ cô ngày một già nua. Còn cô thì mỗi ngày một sa đọa trong lối sống hư đốn của mình.

Sau đó bà mẹ cũng bặt tin con. Rồi tin đồn về cuộc sống xấu xa của con gái. Bà đã đi tìm con khắp thành phố. Bà đến từng nhóm cứu trợ với lời thỉnh cầu:

– Làm ơn cho tôi treo tấm hình này.

Ðó là tấm hình của bà đang mỉm cười kèm theo dòng chữ: “Mẹ vẫn mãi yêu con. Mẹ mãi chờ con. Về nhà với mẹ đi con, con gái của mẹ”.

Vài tháng sau đó, một ngày nọ cô gái đến chỗ một toán cứu trợ nhận bữa ăn tối. Cô chẳng màng chi đến những lời khuyên răn của những người hữu trách. Lơ đễnh nhìn tờ thông báo cô chợt nhận ra tấm hình của mẹ cô với hàng chữ đầy thương mến như nài van cô hãy trở về với bà, cô vội đứng lên xem rõ bức ảnh và cô bật khóc.

Khi trời đã nhá nhem tối, cô quyết định trở về nhà nơi cô đã ra đi từ lâu. Về tới nhà thì trời cũng vừa hửng sáng. Cô sợ hãi khép mình bên cánh cửa và băn khoăn không biết phải nói lời nào với mẹ. Nhưng rồi cô quyết định khẽ gõ cửa, cô nhận ra cánh cửa chỉ khép lại chứ chưa khóa. Cô nghĩ chắc có trộm vào nhà. Lo lắng, cô chạy vội tới giường ngủ của mẹ và thấy bà vẫn đang ngủ yên. Cô đánh thức mẹ và thưa:

– Mẹ ơi, con đã về.

Bà vùng chỗi dậy như không tin ở mắt mình. Nước mắt lăn dài trên gò má đã hom hem của bà, bà vội ôm chầm lấy cô con gái như sợ cô sẽ vuột mất. Cô gái cố bình tĩnh nói với mẹ:

– Mẹ ơi, con lo quá, cánh cửa không khóa, nên con tưởng ăn trộm đã mở cửa để lẻn vào nhà mình.

Bà mẹ dịu dàng nói:

– Không phải vậy đâu con. Từ ngày con đi thì cánh cửa nhà mình chẳng bao giờ khóa cả.

* * *

Thế giới có biết bao những bài hát, lời thơ, những câu ca dao, câu hò câu ví, những câu chuyện nói về tình mẹ. Và đối với người Việt Nam chúng ta thì tình mẹ càng thể hiện cách đậm đà và khắng khít hơn, bởi tình mẹ bao giờ cũng tinh tuyền, vô vị lợi, diễn tả gần hết tình yêu tinh ròng của Thiên Chúa. Nhận ra tình thương của người mẹ đã sinh ra chúng ta, chúng ta cũng được mời gọi để sống quảng đại và yêu thương hơn. Có nghĩa là tâm hồn chúng ta luôn rộng mở để đón nhận người khác như cánh cửa phòng sẽ không bao gờ đóng để đón chờ người con hoang trở về.

Một trong những yếu tố nổi bật của tình yêu và cũng là con đường dẫn chúng ta đến tình yêu đích thực là biết tha thứ và chấp nhận những khác biệt của tha nhân. Những khác biệt đó có thể bao gồm cả những ưu điểm lẫn khuyết điểm, nhưng những ưu khuyết điểm này không thể nào trở thành những hố sâu ngăn cách con người, nếu con người tự do đón nhận những khác biệt của người khác. Biết rằng đây là điều căn bản để tiến vào thế giới của yêu thương, nhưng cũng là đoạn đường cam go nhất mà chúng ta phải bước qua. Nhưng chúng ta tin rằng Chúa đã đi qua đoạn đường này rồi và Ngài tiếp tục đi bước trước để dẫn chúng ta đi sau, để chúng ta giảm bớt thái độ dè dặt và mạnh dạn bước đi, để chúng ta nhìn về phía trước, bám chặt vào Chúa Giêsu và phó thác nơi Ngài, với sức mạnh của Thánh Thần Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ đạt đến bến bờ của tình yêu chân chính và hoa trái đích thực của nó là lòng quảng đại vị tha.

Lạy Chúa,

Xin dẫn chúng con bước theo đường lối Chúa.

2. Ðường Công Chính

Có lẽ đôi khi quí vị đã nghe nói về sự hiếu khách và thân thiện của người dân Philippines. Bản thân tôi thì đã vài lần trở thành nạn nhân khi đối diện với lòng tốt đó. Lần mới nhất chỉ cách đây vài ngày. Số là mới sống ở đất Phi chưa đầy một năm lại cũng rất lười đi đây đó, nhưng một ngày vì muốn tạo niềm vui bất ngờ cho một người thân, tôi đích thân đi sắm một món quà ở một nơi nghe nói rất nổi tiếng. Vì không biết đường nên tôi chỉ đi xe buýt đến gần đoạn đường mà tôi đã được người thân ở nhà chỉ dẫn và tiếp tục cuốc bộ cho yên tâm. Và chắc bẩm là mau tìm thấy chỗ mình muốn đến, cho nên tôi xuống xe, cứ đi một chặng rồi dừng lại hỏi đường, tôi gặp năm người và năm người cùng chỉ đường cho tôi. Nhưng chẳng một ai chỉ đúng cả, tất cả năm người đều không biết địa chỉ mà tôi muốn tới. Và người cuối cùng là người thứ sáu. Bởi cảm thấy mệt mỏi và thất vọng vì đã đi bộ bốn tiếng đồng hồ theo sự chỉ dẫn của năm người trước, cho nên khi tôi cất tiếng hỏi người thứ sáu, sự kiên nhẫn của tôi cũng gần cạn kiệt nên vừa sau khi người thứ sáu chỉ đường cho tôi, tôi liền hỏi lại:

– Xin lỗi, ông có biết rõ chỗ đó không?

Ông ta thú thực là chỉ nghe nói về nó nên cũng chỉ đường cho tôi mặc dù chưa một lần đặt chân đến đó và cũng không chắc là hướng đi mà ông chỉ cho tôi có đúng hay không. Tôi phát cáu lên và nói:

– Nếu không biết thì nói là không biết, sao lại cứ chỉ bậy bạ như vậy?

Ông là người thứ sáu cũng như năm người trước không biết đường mà cứ chỉ. Dầu sao thì tôi cũng cám ơn ông.

Nói xong tôi bỏ đi một mạch. Tội nghiệp cho đôi chân của tôi rã rời vì suốt cả buổi chiều vừa đi vừa chạy dưới vòm trời nắng như thiêu như đốt. Tôi quyết định đón một chiếc taxi nhờ tài xế đưa tôi tới nơi tôi muốn đến. Trên đường đi, tôi phàn nàn với người tài xế về tính cách lạ đời của những người vừa chỉ đường cho tôi. Người tài xế taxi nói:

– Người Phi chúng tôi không bao giờ muốn làm cho người khác buồn nên không muốn từ chối ai bao giờ. Vì thế họ nghĩ thái độ sẵn lòng của họ sẽ làm cho người khác vui mà không biết hậu quả tai hại của thái độ hiếu khách lạ thường như vậy.

Thà nói thật là mình không biết còn hơn là nói sai hay nói khác đi để chỉ muốn làm vui lòng kẻ khác cách nhất thời và sau đó lại gây nhiều hậu quả tai hại.

Trên đường về tôi cứ miên man với ý nghĩ về giá trị của sự thật với câu nói của thánh Gioan: “Chân lý sẽ giải thoát anh em” mà hôm nay tôi xin chia sẻ cùng quí vị và các bạn.

* * *

Có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy nhức nhối khi mình trở thành nạn nhân của những gì là trái sự thật, vì thế chúng ta thường xuyên nhắc nhớ nhau phải sống theo sự thật, luôn bước đi trên đường công chính. Nhưng để mình luôn sống trong sự thật thì không phải là dễ, bởi chúng ta chứng kiến biết bao những người đã phải chết khi bênh vực và làm chứng cho sự thật mà Chúa Giêsu là người tiên phong trên con đường này. Những điều đi ngược với sự thật sẽ phải trực diện với sự thật, bởi những điều chân thật thuộc về Thiên Chúa và những điều ngược với sự thật thì do ma quỉ mà ra, nên nó chỉ đánh lừa được con người và sẽ biến đi khi sự thật xuất hiện.

Hôm nay chúng ta chỉ suy nghĩ về một khía cạnh của sự thật là khi chúng ta chứng kiến những điều không đúng với sự thật diễn ra trước mắt chúng ta, bổn phận của chúng ta là phải ngăn ngừa. Chắc chắn chúng ta sẽ phải chấp nhận nỗi đau cũng như những thiệt hại khi phải bênh vực sự thật. Thà rằng để cho chúng ta và anh chị em đau khổ cho dù phải chết để sự thật, sự công chính được tỏ lộ và vì yêu mến sự thật thì cũng cam lòng, còn hơn là chúng ta vui và làm cho người khác vui trong sự giả trá với những lời nói bóng bẩy, những vỏ bọc hào nhoáng bên mình, bởi đó là niềm vui giả tạo và niềm vui đó không thể bền vững.

Vì thế, khi chấp nhận nói lên sự thật, có thể chúng ta sẽ không còn được người khác thương yêu ở mức dộ lãng mạn, nồng nhiệt, ngay cả bị chối từ thua thiệt. Nhưng chúng ta tin rằng tình yêu thương đích thực không thể đặt nền tảng trên những thái độ và những tư tưởng dối trá. Nếu chúng ta thường muốn để mình chìm đắm trong niềm vui, trong tình cảm, tình yêu giả tạo với người khác, thì đó đâu phải là tình yêu chân chính và chắc hẳn một ngày nào đó chúng ta sẽ phải ân hận về thái độ này, bởi nó làm cho chúng ta bất an mãi. Trái lại, khi phải chấp nhận những thua thiệt và những giảm sút ở một vài khía cạnh nào đó chỉ vì muốn cho sự thật được tỏ lộ, thì chính sự thật sẽ làm cho chúng ta vui, giải thoát chúng ta khỏi những niềm vui của sự thật giả dối. Tôi thực không đồng ý với thái độ lạ đời của một vài người tuy đã chỉ đường cho tôi, thà là họ nói họ không biết còn hơn là vì muốn làm vui lòng tôi mà chỉ đường bậy làm tôi càng cực và đau hơn khi nhận ra đó không phải là điều đúng sự thật.

Vậy, mỗi chúng ta hãy cố gắng sống theo sự thật và giúp người khác cũng hướng về sự thật, cùng nâng đỡ, động viên, khích lệ và giúp nhau đón nhận những thua thiệt do những thế lực trái ngược với sự thật gây ra.Nhưng chúng ta tin chắc rằng chúng ta sẽ không bị mất phương hướng và lầm đường vì Chúa Giêsu là đường và sự thật sẽ đưa chúng ta đến nơi mà sự thật thống trị.

Lạy Chúa Giêsu,

Xin giúp chúng con vững bước trên đường ngay nẻo chính.

3. Truyền Thống Gia Ðình

Sau khi mẹ tôi qua đời, cha tôi bỏ căn nhà vẫn dùng để ở trong những kỳ nghỉ hè, cha bảo chúng tôi: “Này các con, cứ việc lấy những gì mà các con thích”.

Thế là cả ba chị em chúng tôi đến dọn dẹp đồ đạc cho cha. Tôi chọn bàn viết cao cao mà mẹ tôi ngồi để viết thư bên cửa sổ có ánh nắng soi vào rất đẹp. Em gái tôi chọn bức tranh vẻ ngôi nhà nghỉ mát; và em út tôi chọn bức tượng bầy ngựa, bởi mẹ và em út tôi có chung sở thích cưỡi ngựa. Rồi chúng tôi bỏ tất cả những thư từ cũ kỹ và những bức ảnh đã phai màu, tất cả những vật lưu niệm của gia đình vào trong mười hai chiếc hộp, và mỗi chúng tôi giữ bốn hộp. Sau đó, tôi ngồi nơi bậc tam cấp lần giở từng trang của cuốn album và ngắm nghía những tấm hình của gia đình. Này là hình của cha rất oai vệ trong sắc phục hải quân và một tấm chụp với mẹ đang đứng cạnh chiếc xe hơi đầu tiên mà mẹ đã mua được. Lần giở những trang sau có thể nhận ra tiến trình hình thành và phát triển của cả gia đình, nhà và xe cũng ngày một lớn hơn. Rồi nơi trang cuối cùng của cuốn album là hình ba chị em chúng tôi bận đồ đồng phục. Lúc này tôi gần như cảm nhận được tiếng sột soạt của từng chiếc áo đầm mà chúng tôi đã mặc. Tôi cũng mường tượng ra niềm vui sướng của mẹ khi tìm ra những bộ quần áo giống hệt nhau cho cả ba chị em chúng tôi trong một tiệm bán quần áo trẻ em ở trong làng. Tôi còn nhớ rất rõ là ba chiếc áo được may bằng lụa Thụy Sĩ màu trắng và có điểm hoa màu xanh dương, váy và cổ áo được viền bằng những đường chỉ xanh dương thật mảnh. Mẹ bảo: “Cổ xanh dương cho hợp với màu mắt xanh của các con”.

Chúng tôi được mặc thử bộ áo đó trong một lần để tập buổi trình diễn thời trang cho cha xem vào tối hôm đó, cha tôi vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt khi cả ba chị em chúng tôi xúng xính trong bộ đồ mới, xoay qua xoay lại trong phòng ăn, sau đó chúng tôi cũng dịu dàng khẽ nâng chiếc váy và cúi chào. Ngắm nhìn tấm ảnh, những ký ức thật đẹp của chung ba chị em chúng tôi trong những bộ đồng phục tiếp theo. Chúng toi mỗi ngày một lớn lên, dần dần mẹ nhận thấy mỗi chúng tôi có những sở thích khác nhau nên không sắm đồ giống nhau cho chúng tôi nữa. Và chẳng bao lâu cả ba chị em chúng tôi đã lập gia đình.

Năm đầu tiên vắng mẹ vào lễ Giáng Sinh chúng tôi biết trước là sẽ rất buồn. Tôi vẫn luôn nhớ cứ mỗi mùa Giáng Sinh bố tôi lại tặng cho mẹ một chiếc áo ngủ thật đẹp. Giáng Sinh năm nay mẹ không còn nữa, cây Noel vẫn được trang hoàng rực rỡ nhưng những hộp quà trang trí hôm nào mà mẹ tôi đặt dưới gốc cây Noel thì không còn nữa. Vì thương ba chị em và chồng con chúng tôi, cha tôi cứ phải tỏ ra vui vẻ. Thình lình, em gái tôi lôi từ sau cây Noel ra ba hộp quà màu trắng giống y hệt nhau, trên mỗi hộp có giòng chữ rắn rỏi do cha tôi viết: “Quà của chú lùn tặng trong đêm Giáng Sinh”. Cả ba chúng tôi đều mở quà, đó là ba chiếc áo ngủ bằng lụa đỏ. Chúng tôi nhảy lên sung sướng. Sau đó cả ba đều chạy đi thay áo rồi cả ba cùng chạy trở lại trong bộ áo mới. Cha tôi đang mở bản nhạc mà chúng tôi đã từng nghe vào những đêm Giáng Sinh trước. Cả ba chị em chúng tôi nắm tay nhau nhảy quay cuồng. Nhạc càng cuồng nhiệt thì chúng tôi càng quay nhanh, không hề để ý tới những đôi mắt mở to đầy ngạc nhiên của các ông chồng và những cái miệng há hốc của các con cái chúng tôi. Nhớ lại tôi vẫn cảm thấy tức cười về cảnh ba bà mẹ trong bộ áo mới nhảy múa như điên cuồng giữa đống hộp còn mở để bề bộn. Và khi tiếng nhạc dồn dập rồi chấm dứt, cả ba chị em chúng tôi cũng té dụi vào nhau cười như nắc nẻ, trong khi các ông chồng thì lắc đầu không thể tin vào mắt mình. Các con của chúng tôi cũng bò lê ra mà cười, còn cha chúng tôi thì mỉm cười sung sướng. Có lẽ mẹ tôi cũng không bao giờ ngờ vì đã tạo ra một truyền thống gia đình như vậy.

* * *

Thói quen đã trở thành truyền thống tốt đẹp của gia đình trên đây, cũng đã trở thành niềm vui sướng của cả nhà. Trong cuộc sống thường nhật của chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta thường xuyên tạo ra những ý tưởng yêu thương và những nét nghĩ đặt nền tảng trên tình yêu thì cuộc sống của chúng ta thật hạnh phúc biết bao.

Niềm vui sống đã làm tan biến những mối ngờ vực, xóa đi những ranh giới nối liền những khoảng cách, lấp đầy những hố sâu giữa những con người, nhưng để được như thế thì trước hết mỗi chúng ta phải là những con người thực sự sống trung thực trong tình yêu. Chỉ khi đó chúng ta mới dám chứng tỏ cho người khác tình yêu của mình cũng như không ngại ngùng để biểu lộ tình thương mà mình có với người mình yêu, sẵn sàng hy sinh những tình cảm riêng tư để hòa vào niềm vui chân chính của người mình thương mến.

Cầu chúc quí vị và các bạn luôn tìm kiếm và thiết lập những thói quen tốt đẹp vào niềm vui và hạnh phúc cho anh chị em như người mẹ trong câu chuyện trên đây, để thế giới này sẽ ngày một xích lại gần nhau trong niềm vui, dạt dào tình Chúa, đượm thắm tình người.

Lạy Chúa,

Xin thương chúc lành cho tất cả các gia đình trên thế giới này. Xin cho tình thương được hiện diện nơi mỗi gia đình, biến gia đình thành tổ ấm trước con người phát triển và cảm nghiệm được tình yêu Chúa.

4. Người Mục Tử Nhân Hiền

Hồi đó, tôi vừa tròn hai mươi lăm xuân xanh tuổi đời với một giấc mộng thật tươi đẹp. Tôi mơ ước con đường sự nghiệp đầy thắng lợi sau khi tốt nghiệp đại học. Tôi mơ ước một gia đình hạnh phúc với những người con ngoan và những cơ hội thuận tiện để phục vụ tha nhân. Nhưng rồi những trang Phúc Âm nghiền gẫm hàng ngày như cơm bữa đã thấm nhuần và thay đổi tất cả cuộc sống khiến tôi không ngờ. Tôi thấy Chúa Kitô luôn bận rộn với việc phục vụ và thi hành thánh ý Chúa Cha. Tôi nghe như trong thâm tâm có tiếng Ngài mời gọi và thúc bách tôi: “Không có tình yêu nào cao quí hơn cho bằng hy sinh mạng sống vì người mình yêu mến”. Tôi tự nhủ: “Thật vậy, Ngài đã yêu thương tôi, ban cho tôi tất cả, tôi cũng muốn dâng hiến Ngài tất cả để đáp trả tình yêu”. Từ ngày đó tất cả cuộc sống tôi thuộc trọn về Ngài để rồi cho tới nay chỉ thi hành tất cả những gì Ngài muốn và ưa thích.

* * *

Trên đây là cách cụ thể cô Sandra đã đọc và thực hành lời Chúa trong Phúc Âm. Chúa Giêsu quả là thầy dạy khôn ngoan thông thái, vì Ngài thực sự thi hành những gì Ngài phán dạy dân chúng. Ngài là mô phạm hoàn hảo cho những ai muốn noi theo gương Ngài. Ngài dùng những hình ảnh cụ thể quen thuộc với mọi người để dẫn đưa thính giả của Ngài tới những chân lý cao siêu.

Một trong những hình ảnh được Chúa Giêsu dùng để diễn tả sứ mệnh quan trọng của Ngài là hình ảnh người chăn chiên và đàn chiên. Như người mục tử hiền sẵn sàng liều mạng sống mình để bảo vệ sự sống của đàn chiên, Chúa Giêsu cũng đã tự hiến chính mạng sống của Ngài vì phần rỗi của toàn thể nhân loại, tức là đàn chiên Thiên Chúa Cha đã trao phó cho Ngài. Sứ mệnh đó Ngài đã hoàn tất một lần qua mầu nhiệm khổ nạn chết và sống lại. Thế nhưng, Ngài cần có những người chăn chiên khác để tiếp tục sứ mệnh cứu độ của Ngài qua thời đại, cho mọi dân tộc trên khắp mặt đất. Ðó chính là lời mời gọi trở nên môn đệ Ngài, trở nên những cộng tác viên sẵn sàng liều mạng sống mình vì sự sống của cả đàn chiên của Ngài. Thế nhưng, không ai có thể chấp nhận thách đố đó nếu không cảm nghiệm được mình thuộc về đàn chiên của Chúa, là con chiên được chủ chăn biết tên và biết nhận ra tiếng của người chăn chiên. Chúa Giêsu muốn nêu bật mối liên hệ mật thiết giữa người chăn chiên và từng con chiên, Ngài nói: “Ta là Ðấng chăn chiên lành, Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta. Người chăn chiên hiền gọi tên từng con chiên. Chúng quen tiếng người chăn và đi theo sau”.

Ngài còn nói thêm Ngài đến đem sự sống để những ai tin Ngài được sự sống dồi dào hơn. Tiến bước theo Chúa tức là tiến bước trên con đường cứu độ, là tìm thấy đồng cỏ xanh tươi và dòng suối nước mát, là cảm nghiệm được cuộc sống sung mãn tràn đầy. Qua hình ảnh người mục tử, Chúa Giêsu còn muốn nêu bật mối liên quan giữa người chăn chiên và đàn chiên, tức là nói lên sự mật thiết giữa Ngài với mỗi người. Sự liên hệ ấy không dựa trên chiều dài của thời gian nhưng hơn nữa là trên chiều sâu của lòng yêu mến. Lòng yêu mến Chúa khác nào ngọn lửa bốc cháy sưởi ấm mọi người, mọi vật chung quanh. Vì lý do đó Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trở nên những con chiên của Ngài, để rồi một khi đã cảm nghiệm được tình yêu thương của Chúa, chúng ta cũng sẽ trở nên những người mục tử khác tiếp nối công việc chăn chiên của Chúa và truyền đạt sự sống của Ngài đến cho những người khác đang ở ngoài đàn chiên, ở xa chuồng chiên của Chúa, bởi vì sứ mệnh chính yếu của người mục tử là đi tìm kiếm những con chiên lạc và ân cần chăm sóc cho những con chiên bị bệnh tật, bé nhỏ và yếu đuối.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa là mục tử nhân hiền đã sẵn sàng hiến mạng sống vì chúng con. Xin ban cho chúng con một trái tim quảng đại đầy tình yêu mến Chúa để chúng con cũng trở nên như người chăn chiên hiền lành, thánh thiện, theo gương Chúa vì sự sống của đàn chiên là Giáo Hội. Nếu không có ơn Chúa phù trợ, che chở, làm sao chúng con có thể đối phó được với thú dữ đang rình chực và cắn xé như con mồi ngon.

Lạy Chúa,

Chỉ có Chúa mới là người dẫn đầu khôn ngoan trên con đường đời đầy chông gai khó nguy, là ánh sáng soi giữa những bóng tối của những băn khoăn lo lắng trong cuộc sống hằng ngày của chúng con.

5. Lòng Tham Vô Ðáy

Ông Thâm vốn là người nổi tiếng có lòng tham vô đáy. Tiền bạc, của cải, hầu như không bao giờ đủ với ông cả. Ông luôn gây gỗ với mọi người trong nhà chỉ vì vấn đề tiền bạc. Thế rồi, mấy người thù địch tìm mưu lập kế làm hại ông, họ đem đến tặng ông Thâm một con cá vàng nhỏ xíu đựng trong cái bầu thủy tnh. Họ nói với ông rằng: “Này ông Thâm, đây là con cá vàng nhỏ xíu, nếu ông chịu khó nuôi con cá vàng này tới khi nó phát triển hết cỡ tới mức tối đa, rồi nó sẽ chết cách tự nhiên. Lúc đó, thân thể cá sẽ trở thành khối vàng ròng và ông sẽ là người phú hộ giàu có nhất không ai có thể sánh được”.

Lòng tham đã làm cho ông Thâm mờ mắt và mất trí khôn. Ông mù quáng tin lời phỉnh gạt của mấy tên thù địch và còn tỏ ra vui mừng biết ơn họ nữa. Ông dồn hết nghị lực vào việc chăn nuôi con cá vàng với tham vọng trở nên giàu có nhất làng. Ông không quản ngại mua các thức ăn cần thiết và rộng tay cho cá ăn để nó mau lớn. Cá ăn nhiều và lớn rất nhanh, nên ông phải chuyển nó vào thùng nước lớn hơn. Ngày tháng trôi qua, thùng nước trở nên quá bé nhỏ và ông phải bỏ tiền đào ao cho cá.

Năm tháng trôi qua, cá lớn hơn nữa và ông phải xây hồ nhân tạo cho cá được bơi lặn và lớn thêm hơn với hy vọng khối vàng cũng lớn hơn nữa. Ông Thâm đã chi phí hầu như hết tài sản vào việc nuôi con cá này, nhưng con cá cứ lớn mãi không ngừng. Ông bắt đầu mong cho cá mau chết để được thấy con cá trở thành khối vàng vĩ đại và được trở thành người phú hộ vô địch như lòng ông vẫn thầm mơ ước.

Cuối cùng, ông Thâm già yếu lại bị phá sản. Ông buồn sầu vì mỏi mòn trông chờ, và đã từ trần trước khi con cá chết để trở thành cá vàng thực sự. Ông Thâm không bao giờ hiểu rằng kẻ thù của ông đã tặng ông con cá voi thay vì là con cá vàng làm cảnh.

* * *

Quả thật, tham thì thâm, như chúng ta vẫn thường nghe nói. Ai trong chúng ta lại không biết mối nguy hiểm của tiền bạc. Thế nhưng, tiền bạc vẫn có sức mạnh thu hút lạ thường và làm cho những ai chạy theo nó đều dễ bị mê hoặc tới mức độ mù quáng dại dột. Chúng ta vẫn biết là những người có lòng tham vô đáy thường không bao giờ được an bình hạnh phúc cả, vì họ luôn muốn giàu có thêm nữa. Hơn nữa, lòng tham lại còn là gốc rễ phát sinh ra nhiều thứ tội ác.

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu không lên án sự giàu có hoặc của cải vật chất, nhưng giàu lòng ao ước không kiềm chế và sự thèm muốn, ghen tương, tranh đấu để chiếm cho bằng được những của cải mau qua. Ðó là dấu chỉ tinh thần quyến luyến của cải trần gian và chúng có nguy cơ trở thành một mối dây ràng buộc còn hiểm độc hơn là sự chiếm hữu những của cải trần gian đó.

Tham vọng chiếm hữu này có thể bóp nghẹt tâm hồn và làm tê liệt ý chí. Vì thế, càng biết tự thoát khỏi những ràng buộc của cải thế trần, con người sẽ càng sẵn sàng đón nhận sự cao cả đích thực. Của cải vật chất mau qua có thể cống hiến cho chúng ta một bước tiến thân nhỏ bé và nghèo nàn. Nhưng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể ban tặng cho con người những cái vô cùng tận mà thôi. Nếu người giàu có biết chia sẻ của cải với những người nghèo khó thiếu thốn hơn thì những của cải giàu sang đó sẽ trở thành những phương thế giúp họ không thu tích được những công nghiệp đời sau. Tuy nhiên, những người nghèo khó mà ham muốn của cải trần gian cũng sẽ không thể hưởng được những của cải đó vì không có chúng, và rồi cũng sẽ nghèo nàn mãi trong cuộc sống vĩnh cửu nữa.

Lạy Chúa là Thiên Chúa giàu sang vô cùng.

Xin ban cho chúng con quả tim của Chúa, một trái tim quảng đại không đóng kín vì cái nhìn trục lợi ích kỷ, không mù quáng vì những đam mê bất chính, cũng không quá ti tiện hẹp hòi chỉ muốn báo oán, trả thù. Xin đổi mới tâm hồn chúng con biết luôn rộng mở, sẵn sàng đón nhận và chia sẻ với tha nhân những gì mau qua thế trần để đổi lấy món quà vĩnh cửu vô tận là tình thương vô biên của Chúa.

6. Lòng Khoan Nhượng Và Tha Thứ

Với nhiều người trẻ hồi giáo trên thế giới, Osama Bin Laden vẫn là một anh hùng. Ðiều này được thấy rõ tại một chủng viện hồi giáo tên là Alnidmin tại Indonesia. Ðối với hai ngàn học sinh của trường này, Osama Bin Laden, con người đang bị thế giới săn lùng này hiện đang được thần thánh hóa. Hình của ông được dán đầy trên những bức tường của phòng ngủ. Gương mặt của ông được in trên những chiếc áo thun của các học sinh của trường.

Osama Bin Laden đối với các học sinh của trường Alnidmin sáng giá hơn cả những ngôi sao điện ảnh hay nhạc Rock đối với thanh thiếu niên tây phương. Nhưng nếu người trẻ tây phương tự chọn cho mình thần tượng, thì tại ngôi trường này, người hướng dẫn giới trẻ hồi giáo đi vào con đường bạo động và khủng bố của Osama Bin Laden không ai khác hơn là ông Abubaca Baasir, hiệu trưởng của trường. Ông đề cao Osama Bin Laden trong những bài thuyết giảng của ông và khuyên những người hồi giáo hãy đi theo con đường của kẻ khủng bố. Theo các quan chức Hoa Kỳ và Á Châu cho biết Abubaca Baasir là người đã đứng ra chiêu mộ các cảm tử viên cho mạng lưới Al Qaeda tại Ðông Nam Á. Theo chính phủ Singapore, ông là người lãnh đạo nhóm hồi giáo có tên là Jêmaa Islamia mà các viên chức chính phủ xem như là một tổ chức khủng bố của nhiều nhóm rải rác trong vùng Ðông Nam Á. Bị cảnh sát Indonesia thẩm vấn, ông Baasir đã nhìn nhận rằng ông đã từng huấn luyện cho mười ba người bị Malaysia và Singapore bắt giữ vì liên can tới một âm mưu tấn công Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Singapore. Trong một cuộc phỏng vấn, ông tuyên bố rằng Hoa Kỳ là một quốc gia khủng bố, ông cho biết rất vui mừng về cuộc khủng bố ngày 11/9/2001 vì Ðấng Ala đã trừng phạt Hoa Kỳ.

Trong bốn trăm năm qua, Indonesia là quốc gia rất tự hào về các trường hồi giáo này. Chính tại những trường này mà dưới thời cựu tổng thống Suharto, các học sinh đã đắc thủ được tinh thần tự túc và sáng kiến. Trong một quốc gia vốn bị đè nặng bởi óc phong kiến, các trường hồi giáo này được xem như là những nơi ươm trồng tinh thần dân chủ, những giá trị đạo đức và nhất là thái độ khoan nhượng. Nhưng Alnidmin là một trường hợp cá biệt. Dưới sự lãnh đạo của ông Baasir, trường này đã trở thành một trung tâm cổ võ và đào luyện khủng bố. Brado Gotman Goji, người bị xem là người lãnh đạo cuộc âm mưu cho nổ tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Singapore đã từng theo học bốn năm tại đây. Thánh chiến là con đường của đấng Ala. Ðó là khẩu hiệu mà Goji đã từng tâm niệm tại đây và hiện nay đang được hai ngàn học sinh của trường hàng ngày tụng niệm.

* * *

Tại cuộc gặp gỡ liên tôn để cầu nguyện cho hòa bình của thế giới tại Assisi ngày 24/1/2002, các vị đại diện tôn giáo đã đồng thanh tuyên bố rằng không có tôn giáo nào dạy con người nhân danh Thiên Chúa hay tôn giáo để sát hại người khác, nhất là những người vô tội và vô phương tự vệ. Nhân danh tôn giáo hay Thiên Chúa để khủng bố là một hành động vô tôn giáo.

Thật ra, dù có niềm tin tôn giáo hay không, không một người có lương tri nào chấp nhận một thứ đạo đức cổ võ cho bạo động và khủng bố. Nhân loại sẽ mãi mãi dựa trên tinh thần khoan nhượng để đánh giá các nhân vật lịch sử. Những kẻ dù tài ba lỗi lạc đến đâu, một khi đã lấy bạo động, hận thù làm chính nghĩa, sẽ mãi mãi là bia cho người đời nguyền rủa.

Máu của người vô tội vẫn là tiếng kêu không bao giờ tắt trong lịch sử nhân loại. “Hãy học cùng Ta vì ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến học nơi mái trường của Ngài. Trong các thức học thì học làm người là điều khó nhất và trong các bài học làm người, quan trọng hơn cả là lòng khoan nhượng và sự tha thứ. Trong những giây phút cuối cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã muốn để lại cho chúng ta bài học quan trọng nhất và là linh hồn của mọi thứ giới răn, đó là Ngài đã tha thứ cho những kẻ đang hành hạ Ngài. Không có cử chỉ ấy thì toàn bộ Tin Mừng sẽ trở thành vô nghĩa. Không có bài học ấy thì mọi lời rao giảng sẽ trở thành trống rỗng.

Lạy Chúa Giêsu,

Xin cho chúng con biết lấy tinh thần khoan nhượng và sự tha thứ làm cốt lõi của cuộc sống đạo của chúng con.

7. Danh Hiệu Kitô

Tháng 4/2986, hai người đàn ông bạc đầu gặp nhau tại phi trường quốc tế Tokyo, Nhật Bản, họ ôm nhau và khóc thành tiếng. Một người là công dân Mỹ tên là Ponist, một người tên là Osibasi, công dân Nhật Bản. Lần cuối cùng họ gặp nhau cách đó hơn bốn mươi năm trong một hầm kín tại Okinawa. Dĩ nhiên, lúc đó họ là hai kẻ thù không đội trời chung.

Ponist lúc đó là một trung sĩ người Mỹ đang bồng trên tay một cậu bé Nhật Bản năm tuổi. Cậu bé đã bị trúng đạn ở hai chân. Osibasi là một trong hai người lính Nhật Bản đang ẩn nấp trong một góc của cùng một căn hầm. Thình lình, Osibasi và người đồng đội của anh nhảy ra khỏi nơi ẩn nấp, chĩa súng vào người Ponist và chuẩn bị nổ súng. Ponist chỉ còn biết đứng như trời trồng, rồi anh lặng lẽ đặt cậu bé xuống nền đất, lấy băng và bắt đầu lau các vết thương của cậu bé. Anh nghĩ rằng nếu anh có chết thì ít ra anh cũng chết khi đang làm một nghĩa cử. Hai người lính Nhật Bản đứng nhìn với tất cả sửng sốt rồi từ từ họ hạ súng xuống. Vài phút sau đó, người lính Mỹ làm điều mà Osibasi không bao giờ quên được, anh bồng cậu bé trên tay, đứng dậy và cúi đầu cám ơn hai người lính Nhật rồi mang cậu đến một bệnh viện dã chiến của Mỹ.

Năm 1985, Ponist viết một lá thư cho một nhật báo tại Tokyo để cám ơn nhân dân Nhật Bản đã tha mạng cho ông tại một căn hầm ở Okinawa khoảng bốn mươi năm về trước. Osibasi đọc được lá thư, ông liền liên lạc với tờ báo để nhờ dàn xếp cuộc gặp gỡ. Ðây là một trong những cuộc gặp gỡ cảm động nhất của hai người.

* * *

Nếu Osibasi đã dùng súng hạ sát kẻ thù của mình, điều mà có lẽ người lính nào cũng có thể làm trong chiến tranh, rất có thể anh sẽ chẳng bao giờ nhớ hay muốn nhớ lại chuyện đó; nhưng bởi lẽ Ponist đã muốn được chết trong lúc đang làm một nghĩa cử, và chính Osibasi cũng đã tha chết cho kẻ thù của mình cho nên biến cố ấy được ghi mãi trong tâm khảm của họ.

Người ta luôn muốn quên đi một cơn ác mộng hay một hành động xấu xa đê tiện của mình, nhưng ai cũng muốn ghi nhớ mãi trong ký ức một việc làm vốn làm cho mình lớn lên trong tư cách con người. Và người thọ ơn thường cũng không quên được một nghĩa cử người khác dành cho mình. Một nghĩa cử dù nhỏ bé đến đâu cũng có một giá trị vô biên. Một lời nói ủi an, một nụ cười, một cái vỗ nhẹ trên vai và nhất là một cử chỉ tha thứ sẽ không bao giờ qua đi mà không để lại một ấn tượng khó quên trong tâm khảm con người. Ðó là nét nổi bật trên dung mạo của một con người.

Khi Chúa Giêsu hiện ra với hai người môn đệ đang trên đường đi về Emmau, Ngài vừa đi vừa trò chuyện với họ và nhất là diễn giải Kinh Thánh cho họ, nhưng hai người môn đệ vẫn không nhận ra Ngài, mãi cho đến khi ngồi vào bàn ăn, Ngài cử hành nghi thức bẻ bánh, mắt các ông mới mở ra để nhận ra Ngài.

Bẻ bánh trao ban vốn là một cử chỉ quen thuộc của Chúa Giêsu, cử chỉ ấy là nét đặc trưng trên dung mạo của Ngài. Ngày nay, Giáo Hội lập lại cử chỉ ấy từng giây từng phút trên khắp thế giới, không chỉ qua cử hành Thánh Thể mà còn bằng vô số những nghĩa cử trong đời sống mỗi ngày của tất cả những ai mang danh hiệu kitô. Chúa Giêsu được tiếp tục nhận diện qua những nghĩa cử ấy.

Lạy Chúa,

Chúa đã dạy chúng con: người ta cứ dấu chỉ của bác ái và yêu thương để nhận ra chúng con là môn đệ của Chúa. Xin cho chúng con luôn được trở thành những dấu chỉ sống động của sự hiện diện của Chúa giữa mọi người.

8. Dấu Chỉ Của Sự Hiệp Nhất

Theo báo New York Times, đã có sự tin tưởng giữa các tù nhân Taliban bị giam giữ tại căn cứ Guantanamo và các bác sĩ săn sóc họ. Một vài ngày sau, điều khó tưởng tượng được sẽ xảy ra đó là cảnh tượng một trong các tù nhân sẽ ngồi uống trà với một trong những người đã từng bắt giữ anh.

James Galagey, một bác sĩ nhãn khoa thuộc hải quân Hoa Kỳ dang dự định sẽ giải phẫu mắt cho một tù nhân. Tù nhân này năm nay hai mươi mốt tuổi. Anh đã bị một trái banh bắn trúng vào đầu năm lên mười sáu tuổi, từ đó anh bị mù một mắt mà không bao giờ được chữa trị. Sau vài lần được nói chuyện với bác sĩ James Galagey, anh đã chấp nhận được giải phẫu. Cuộc giải phẫu sẽ được diễn ra tại một bệnh viện dã chiến được dựng lên để đáp ứng nhu cầu của các tù nhân được đưa về từ Afghanistan. Ðể biểu lộ sự tin tưởng của mình, tù nhân đã mời viên bác sĩ uống trà với mình sau cuộc giải phẫu. Bác sĩ Galagey nói như sau: “Anh ta muốn tôi ngồi xuống và uống trà với anh sau cuộc giải phẫu, và tôi đã trả lời hoàn toàn đồng ý”.

Mời uống trà là thể hiện một cử chỉ thân thiện và tôn trọng. Tuần trà thân hữu này sẽ diễn ra bên giường của bệnh nhân. Ðây hẳn phải là một nghi thức đánh dấu tình trạng bớt căng thẳng giữa những quân nhân Mỹ và các tù binh Al Qaeda. Với cử chỉ này, hai bên sẽ bắt đầu nhìn nhau bằng tình người chứ không bằng hận thù nữa. Các sĩ quan cũng như binh lính Mỹ mô tả thái độ của những tù binh là bình tĩnh và cộng tác. Trung tá Kerry Carryko, chỉ huy trưởng của trại tù hiện đang giam giữ một trăm năm mươi tù binh Al Qaeda nói như sau: “Tôi nghĩ họ đã hiểu rằng họ sẽ được đối xử một cách nhân đạo. Bị chuyển đến đây là cả một vấn đề đối với họ, nhưng khi chúng tôi đã chứng minh cho thế giới thấy rằng chúng tôi đang đối xử với họ một cách nhân đạo, họ đã cảm thấy thoải mái hơn”.

* * *

Thời Chúa Giêsu có một bức tường ngăn cách rõ rệt giữa giàu và nghèo, giữa biệt phái và thu thuế, giữa kẻ tự xưng là thánh thiện và người tội lỗi. Khi đến ngồi đồng bàn với những người bị đẩy ra bên lề xã hội, Chúa Giêsu đã muốn xóa bỏ mọi ngăn cách giữa người với người. Trong bất cứ xã hội nào, ngồi đồng bàn cũng luôn nói lên sự bình đẳng, tình thân hữu. Chúng ta vẫn thường nghe nói: bàn ăn là dấu chỉ của sự hiệp nhất. Chia sẻ với nhau một chén cơm, nhâm nhi với nhau một ly rượu hay như trường hợp hai kẻ cựu thù trên đây uống với nhau một tuần trà, đó là những cử chỉ rất người để xóa bỏ những ngăn cách của hận thù, nghi kỵ và thắt chặt tình người.

Sáng một hồi chuông, tối một hồi chuông, tên cướp nghe mãi cũng có lúc phải hồi tâm. Trái tim con người quả thực được tạo nên để cảm xúc. Không một nghĩa cử nào mà không có sức đánh động. Trừ một trái tim chai lì và sơ cứng. Bao lâu còn rung lên những nhịp sống, con người khó có thể dửng dưng trước những cử chỉ đẹp của người đồng loại. Những ai sống theo Thần Khí Chúa, đều cảm nghiệm được sức mạnh của sự thiện và những nghĩa cử của con người. Trong thư gửi giáo đoàn Rôma đoạn 12, thánh Phaolô đã khuyên chúng ta như sau:

“Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em. Chúc lành chớ đừng nguyền rủa. Vui với người vui, khóc với người khóc. Phải đồng tâm nhất trí với nhau, dừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn, Anh em đừng cho mình là khôn ngoan, đừng lấy ác báo ác. Hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm để được sống hòa thuận với mọi người”. (Rm 12:14-18).

Lạy Chúa,

Xin đổ tràn Thần Khí yêu thương của Chúa trên chúng con để trong tất cả mọi sự, chúng con biết lấy tình thương mà đối xử với mọi người.

9. Sống Và Yêu Thương Ðến Cùng

Tháng 4 năm 1940, quân đội Ðức Quốc Xã xâm chiếm Ðan Mạch, người ta không thấy có bất cứ một kháng cự quân sự nào về phía Ðan Mạch bởi vì Ðan Mạch biết rằng có chống cự cũng vô ích. Một chính phủ bù nhìn được dựng lên và người dân Ðan Mạch phải làm những biểu hiệu cụ thể cần thiết để sống còn.

Nhưng năm 1943, Ðức Quốc Xã quyết định áp dụng cho Ðan Mạch cùng một chủ trương độc ác như tại những nước bị chiếm đóng khác ở Âu Châu. Một cách cụ thể, họ cũng muốn người dân Ðan Mạch tích cực cộng tác trong việc truy lùng và quét sạch người Do Thái ra khỏi xã hội, nhưng một số sĩ quan Ðức còn có lương tâm đã tiết lộ cho quân kháng chiến Ðan Mạch chương trình độc ác của Ðức Quốc Xã. Những con đường trốn thoát đã mau chóng được thiết lập, những người hoàn toàn xa lạ đã tiến đến gặp người Do Thái ngoài đường phố và trao cho họ chìa khóa nhà của mình để họ có thể lẩn trốn, những nhân viên hỏa xa và các thuyền trưởng cũng tham gia vào kế hoạch cứu thoát người Do Thái. Chỉ trong vòng vài tuần lễ đã có ít nhất bảy ngàn người Do Thái đã trốn khỏi Ðan Mạch để qua Thụy Ðiển vì nước này chưa bị Ðức Quốc Xã xâm chiếm. Một số người Do Thái còn cho biết tàu của họ bị những chiếc tàu tuần duyên của hải quân Ðức Quốc Xã kiểm soát nhưng các sĩ quan Ðức đã để cho họ trốn thoát.

Ðối với nhiều người Ðan Mạch, kế hoạch giúp người Do Thái trốn thoát có thể đồng nghĩa với tử hình hay trại tập trung. Nhưng đứng trước nhu cầu sinh tử của người Do Thái, cả dân tộc Ðan Mạch và nhiều người Ðức đã bỏ thái độ thù nghịch oán hờn để sẵn sàng hy sinh cả vì một nghĩa cử yêu thương cao cả.

* * *

Thái độ của người Ðan Mạch và một số người Ðức tại Ðan Mạch đối với người Do Thái trên đây gợi lại cho chúng ta gương của thánh Maximiliano Kolbe, người đã hy sinh mạng sống của mình để cứu một người bạn tù trong thời Ðức Quốc Xã. Chết thay cho một người bạn tù, thánh Maximiliano Kolbe đã sống cho đến cùng lời dạy của Chúa Giêsu: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người thế mạng vì người mình yêu”.

Chúa Giêsu đã sống cho đến cùng, yêu thương cho đến cùng, cho nên Ngài đòi hỏi các môn đệ của Ngài cũng phải có thái độ tận căn. Cầm cày mà ngó lại đàng sau thì không xứng đáng làm môn đệ Ngài. Ai không từ bỏ tất cả mọi sự, kể cả cha mẹ, vợ con, anh em, thì không đáng làm môn đệ của Ngài.

Quả thực, trong cuộc sống cũng như giáo huấn của Ngài, Chúa Giêsu không chấp nhận thái độ nước đôi hay thỏa hiệp. Thỏa hiệp nào cũng là một tính toán và trong tính toán luôn có hơn thiệt, có khi cái lợi trước mắt là một mất mát lâu dài, có khi được của cải vật chất mà mất những giá trị đạo đức, có khi được một chút dễ dãi mà mất tự do đích thực, có khi được một chút lợi lộc mà hư thiệt bản thân. Chúa Giêsu đã chẳng cảnh cáo: “Ðược cả thế gian mà mất chính bản thân thì được ích gì”. Con người chỉ tìm lại được bản thân bằng sự hiến thân vô vị lợi mà thôi. Chân lý về con người này như được Công Ðồng Chung Vaticano II nhắc nhở trong hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng cũng cần được chúng ta đem ra tâm niệm và thực hành mỗi ngày.

Lạy Chúa,

Xin cho chúng con luôn biết sống quảng đại, biết cho đi mà không tính toán. Xin cho chúng con không chờ đợi một phần thưởng nào khác hơn là biết chúng con đang thực thi thánh ý Chúa.

10. Ánh Sáng Hy Vọng

Một chuyên gia tâm lý trị liệu kể lại một kinh nghiệm như sau:

Một thanh niên bị ung thư xương đến xin tôi cố vấn. Một chân của anh đã bị cưa tới háng. Anh xem nỗi bất hạnh này như một nỗi bất công đối với anh, cho nên anh căm thù tất cả mọi người khỏe mạnh. Bằng tâm lý trị liệu và cụ thể, bằng các hình vẽ, tôi cố gắng giúp anh vượt qua sự căm hận ấy. Chỉ sau hai năm trị liệu, anh mới ra khỏi chính mình để tìm đến với người khác. Anh bắt đầu đi thăm viếng những người tàn tật có khi phải chịu những mất mát lớn lao hơn anh và kể lại cho tôi nghe những câu chuyện vô cùng lý thú.

Ngày nọ, anh đến thăm một thiếu nữ cùng tuổi với anh. Hôm đó là một ngày hè nóng, vì mặc quần ngắn cho nên anh để lộ chiếc chân giả khi bước vào nhà thương. Người thiếu nữ vừa mới giải phẫu ngực. Sự mất mát này làm cho cô thất vọng đến nỗi cô không muốn nhìn tới người thanh niên. Có lẽ, để làm cho cô khuây khỏa, các y tá mở nhạc thật lớn. Dù vậy, người thiếu nữ vẫn không để ý tới bất cứ người nào. Không biết làm cách nào khác hơn, người thanh niên liền tháo chiếc chân giả của anh ra và bắt đầu nhảy múa theo điệu nhạc. Cử chỉ lạ thường của người thanh niên tạo được sự chú ý của cô gái. Cô nhìn anh và bật cười thành tiếng. Cô nói:

– Nè ông bạn, nếu ông bạn nhảy múa được thì tôi cũng có thể hát.

Một năm sau, chúng tôi ngồi lại với nhau để nhìn lại kết quả của công việc. Người thanh niên nói về những gì là có ý nghĩa nhất đối với anh và tôi cũng chia sẻ những gì mà tôi cho là có ý nghĩa nhất trong quá trình làm việc. Trong khi nhìn lại diễn tiến của công việc trong hai năm qua, tôi mở hồ sơ của anh ra và thấy có nhiều tấm hình được anh vẽ trước đó, tôi trao cho anh, anh xem qua rồi cầm lên một bức hình. Trong bức hình này, theo đề nghị của tôi, anh đã vẽ điều mà anh cho là tượng trưng cho thân thể của anh. Ðó là bức hình của một chiếc bình vỡ có một đường nứt chạy xuyên qua. Ðường nứt này được anh dùng một cây bút chì đen để tô đậm nét. Lúc đó, tôi nhận thấy anh đã trút bỏ lên đó tất cả những cơn giận dữ của anh, hẳn anh đã phải đau khổ nhiều bởi vì chiếc bình là thân thể của anh dường như sẽ không bao giờ có thể hoạt động bình thường được nữa. Chiếc bình vỡ thì làm sao có thể giữ nước. Thế nhưng, giờ đây sau nhiều năm, nhìn lại bức hình, anh thốt lên:

– Tôi chưa vẽ xong tấm hình.

Tôi trao cho anh hộp bút chì và nói:

– Thế thì tại sao anh không vẽ cho xong?

Anh liền cầm lấy cây bút chì màu vàng rồi bắt đầu tô đậm lên chỗ nứt trên chiếc bình. Anh giải thích như sau:

– Chính tại chỗ nứt rạn này mà ánh sáng mới chiếu xuyên qua.

Thay cho chỗ nứt rạn ấy là một luồng ánh sáng. Ánh sáng đã chiếu xuyên qua chỗ nứt rạn trên thân thể anh.

* * *

Chúng ta có thể lớn mạnh trong những chỗ đổ vỡ. Ðó là bài học mà chuyên viên tâm lý trị liệu trong câu chuyện trên đây muốn chia sẻ cho chúng ta. Không có nỗi bất hạnh nào trong cuộc sống có thể giam hãm chính mình trong võ ốc thất vọng của chúng ta. Niềm tin Kitô giáo luôn mang lại cho chúng ta ánh sáng của hy vọng. Niềm tin này nói với chúng ta rằng mỗi người là một ngôi vị độc nhất vô nhị, và như vậy có một chỗ đứng và một vai trò cá biệt trong thế giới này. Nếu chúng ta ý thức được chỗ đứng ấy, và nếu chúng ta biết tận dụng khả năng của chúng ta, chúng ta sẽ góp phần làm cho thế giới này thành một nơi đáng sống hơn, và như vậy, cuộc sống của chúng ta mới có ý nghĩa. Thay vì ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối, hãy đốt lên một ngọn nến; thay vì ngồi đó mà than khóc những nỗi bất hạnh của cuộc đời, hãy ra khỏi bản thân và làm bất cứ một điều gì đó hữu ích cho người khác.

Phải chăng đó không là bí quyết để chúng ta tìm được niềm vui và ý nghĩa cho cuộc sống?

Lạy Chúa,

Dù chỉ là một nén bạc nhỏ, nhưng xin cho chúng con cũng được đón nhận như là một nén bạc đặc biệt Chúa đã trao gửi riêng cho mỗi người chúng con và ra sức làm cho nén bạc ấy sinh lợi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *