Giới Thiệu Sơ Lược Về THÁNH KINH
1. Thánh Kinh
Thánh Kinh là những sách đã được viết dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, vì thế, tác giả các sách đó là Thiên Chúa và được truyền lại cho Giáo Hội như thế (Công đồng Vatican I).
Toàn bộ Thánh Kinh chia làm hai phần : Cựu Ước và Tân Ước. Cựu Ước gồm những sách viết trước Chúa Cứu Thế giáng sinh. Tân Ước gồm những sách đã được biên tập trong thế kỷ I sau Chúa Kitô.
Danh từ Cựu Ước dùng để chỉ giao ước giữa Thiên Chúa và dân Do Thái trên núi Sinai qua Môsê làm trung gian (Xh 24,1-8; 34,10-28; Lv 26,3-45). Nhưng dân Do Thái đã không trung thành giữ lời giao ước và Thiên Chúa đã hứa sẽ ký kết một giao ước mới với toàn thể nhân loại (Gr 31,31-34). Giao ước mới này gọi là Tân Ước, được ký kết bằng máu Chúa Kitô đổ ra trên thập giá (Mt 26,28). Theo lối hoán danh (métonymie), người ta đã dùng danh từ Cựu Ước để chỉ những sách chứa đựng lời giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với dân Israel, và danh từ Tân Ước để chỉ những sách chứa đựng lời giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với toàn thể nhân loại.
2. Các sách Cựu Ước
Cựu Ước có 46 quyển, chia làm ba loại : Sử ký (21 quyển), Giáo huấn (7 quyển) và Tiên tri (18 quyển).
a) Loại Sử ký có các sách : Sáng thế, Xuất hành, Lêvi, Dân số, Đệ nhị luật, Giôsuê, Thẩm phán, Rút, 1 – 2 Samuel, 1 – 2 Các Vua, 1 – 2 Ký sự, Esdra, Nehêmia, Tôbia, Giuđích, Esther, 1 – 2 Maccabê.
b) Loại Giáo huấn (cũng gọi là các sách Khôn ngoan) có các sách : Gióp, Thánh vịnh, Cách ngôn, Giảng viên, Diệu ca, Khôn ngoan, Huấn ca.
c) Loại Tiên tri có các sách : Isaia, Giêrêmia, Ai ca, Baruc, Ezekiel, Đaniel, Ôsê, Gioel, Amos, Abđia, Giona, Mikêa, Nahum, Habacuc, Sôphônia, Aggêô, Zacaria, Malakia.
3. Các sách Tân Ước
Tân Ước có 27 quyển và cũng như Cựu Ước, chia làm ba loại : Sử ký (5 quyển), Giáo huấn (21 quyển) và Tiên tri (1 quyển).
a) Loại Sử ký có 4 Phúc Âm (Matthêô, Marcô, Luca, Gioan) và Công vụ Tông đồ.
b) Loại Giáo huấn có 14 thư thánh Phaolô và 7 thư quen gọi là thư chung.
c) Loại Tiên tri có sách Khải huyền của thánh Gioan.
4. Tính cách duy nhất của Thánh Kinh
Tuy do nhiều tác giả khác nhau biên soạn và đề tài mỗi quyển sách khác nhau, nhưng toàn bộ Thánh Kinh có một tính cách duy nhất lạ lùng, không những về nguồn gốc Thánh Kinh là Thiên Chúa, mà còn về giáo lý chứa đựng trong đó. Thánh Kinh là lịch sử ơn cứu độ của chúng ta đã được hứa hẹn trong Cựu Ước và được thể hiện trong Tân Ước: những trang đầu của Thánh Kinh tiên báo một Đấng Cứu Thế sẽ giải phóng nhân loại (x. St 3,15), những trang cuối cùng trình bày Người nơi thành Giêrusalem thiên quốc cùng với những kẻ sẽ được cứu chuộc nhờ cuộc Tử nạn của Người (Kh 5,9; 21,3).
Hơn nữa, Thánh Kinh là lịch sử chính Đấng Cứu Thế, vì Người là trung tâm và tột đỉnh của Thánh Kinh, trong Cựu Ước, Người được các Tiên tri báo trước, trong Tân Ước, Người đã được các Tông đồ minh chứng. Người đã nối liền Cựu Ước và Tân Ước; như vậy, Cựu Ước và Tân Ước có tương quan mật thiết và hoà hợp với nhau. Do đó mà ta thấy có thành ngữ sau đây : “Tân Ước tiềm ẩn trong Cựu Ước, và Cựu Ước tỏ hiện trong Tân Ước”. Thánh Hiêrônimô đã nói một cách hữu lý rằng : “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”.
5. Giáo Hội với việc học Thánh Kinh
Các Đức Thánh Cha như Lêô XIII, Bênêdictô XV, thánh Piô X, Piô XI, Piô XII, Gioan XXIII, Phaolô VI luôn luôn đề cao sự cần thiết và lợi ích của việc học Thánh Kinh, vì Thánh Kinh là Lời Chúa. Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Tín Lý “Dei Verbum” về Mạc khải của Thiên Chúa đã tha thiết khuyên nhủ các tín hữu nhất là các linh mục, các tu sĩ nam nữ phải năng đọc Thánh Kinh, để học biết “khoa học siêu việt về Chúa Kitô” (Phil 3,8) vì không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô (thánh Hiêrônimô). Thánh Công đồng cũng nhắc nhở các linh mục, các tu sĩ nam nữ và các tín hữu rằng : “Việc cầu nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh, để có một cuộc trao đổi giữa Thiên Chúa và người ta, vì khi cầu nguyện là ta thưa chuyện với Chúa và khi ta đọc Lời Chúa là ta nghe Chúa phán với ta” (thánh Ambrôsiô).
Việc học Thánh Kinh rất cần thiết :
a) Đối với khoa Thần học vì Thánh Kinh là như linh hồn của khoa Thần học.
b) Đối với đời sống thiêng liêng của các tín hữu nói chung và của các linh mục, các tu sĩ nam nữ nói riêng, Thánh kinh chứa đựng Lời Chúa mà Lời Chúa là Lời hằng sống, Lời ban sự sống. Thánh Kinh chứa đựng những điều phải tin và những điều phải giữ để được sống đời đời.
c) Đối với đời sống mục vụ, nhất là đối với khoa giảng thuyết.
Muốn đọc và suy niệm Thánh Kinh một cách hữu ích, cần phải có những tâm tình xứng hợp:
a) Trước hết phải có một lòng tôn kính sâu xa đối với các sách chứa đựng Lời Chúa.
b) Vì Sách Thánh chứa đựng những chân lý nhiều khi vượt trên trí năng nhân loại, nên trong việc chú giải và tìm hiểu Sách Thánh không được theo ý riêng mình, nhưng phải khiêm nhượng theo những lời giáo huấn của Giáo Hội, vì theo sự quan phòng của Thiên Chúa, Giáo Hội có trách nhiệm gìn giữ và giải thích Lời Chúa.
6. Ý niệm và đối tượng của Khoa Kinh Thánh nhập môn
Trong thư thứ hai của người, thánh Phêrô viết về các thư thánh Phaolô rằng : “Trong các thư ấy có những đoạn khó hiểu mà những người không có học và những người không vững tin giải sai nghĩa” (2 Phr 3,16).
Lời thánh Phêrô trên đây có thể áp dụng ít nhiều vào các quyển khác trong bộ Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước, vì trong các sách đó có nhiều chỗ khó hiểu do nội dung, ngôn ngữ và vì chúng ta xa lạ với thế giới Cận Đông cổ thời, xuất xứ của bộ Kinh Thánh. Vì lý do trên và cũng vì lý do hộ giáo Năm 1835, David Friedrich Strauss xuất bản cuốn “Leben Iesu Kritish bearbeitet”. Bốn năm sau, Emile Littré dịch ra tiếng Pháp. Năm 1863, Ernest Renan xuất bản cuốn “Vie de Jésus”. Hai cuốn sách trên phủ nhận tất cả những gì là siêu nhiên trong Phúc Âm đã gặp phản ứng mạnh mẽ của các học giả Công giáo, đồng thời là dịp để Kinh Thánh được chú trọng học hỏi và sưu tầm hăng hái hơn. Từ đó đến nay, Kinh Thánh học Công giáo ngày càng tiến về nhiều phương diện : ngôn ngữ học, chú giải Kinh Thánh, điạ lý, lịch sử Kinh Thánh, cổ học Kinh Thánh…
Trong khi phản đối Strauss và Renan, các học giả Công giáo đã cố gắng thích nghi những phương pháp mới. Một số đã nhượng bộ đối phương một phần nào. Thí dụ : trường hợp Salvatore di Bartolo, Newman, Đức cha Hulst. Các tác giả này công nhận Kinh Thánh là do Thiên Chúa, nhưng thu hẹp ơn linh hứng lại trong phạm vi tín lý và phong hoá. Còn về các vấn đề lịch sử, các Thánh ký có thể sai lầm.
Dịp này Đức Lêô XIII đã ra thông điệp Providentissimus Deus (18-11-1893). Thông điệp này gồm ba phần :
1) Ích lợi của Thánh Kinh.
2) Phương pháp học Thánh Kinh.
3) Biện hộ Thánh Kinh.
Đức Thánh Cha dạy rằng ơn linh hứng bao trùm hết mọi phần trong Sách Thánh, không phân biệt về tín lý hay lịch sử “vì tất cả các Sách thánh và mọi phần trong các sách mà Giáo hội coi là chính lục, tất cả đã được viết dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần” .
Năm 1907, sắc lệnh Lamentabili và Thông điệp Pascendi của thánh Piô X lên án Duy Tân thuyết. Tiêu biểu cho thuyết này trong phạm vi chú giải Kinh Thánh là Alfred Loisy.
Năm 1920, Đức Bênêdictô XV ra Thông điệp Paraclitus Spiritus (15-09-1920). Trong dịp kỷ niệm 50 năm Thông điệp Providentissimus Deus. Đức Piô XII ra Thông điệp Divino Afflante Spiritu (14-10-1943), Trong Thông điệp này, Đức Thánh Cha nhắc lại những việc của các Đức Giáo Hoàng tiền nhiệm đã làm về việc học Kinh Thánh và chỉ dẫn các phương pháp phải dùng trong việc học Kinh Thánh. để chống lại những ai cố tình xuyên tạc tính cách linh hứng, chính xác, toàn vẹn của Kinh Thánh, các Đức Giáo Hoàng đã nhiều lần ra thông điệp tuyên bố Kinh Thánh học rất cần thiết và khuyến khích việc học Kinh Thánh. Đáp lại nguyện vọng, và hơn nữa lời truyền của các Đức Giáo hoàng, đừng kể các sách chú giải về mỗi quyển trong bộ Kinh Thánh còn có khoa Kinh Thánh Nhập môn dẫn lối chỉ đường trong việc tìm hiểu Lời Chúa.
Kinh Thánh nhập môn có thể hiểu theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp :
Kinh Thánh nhập môn theo nghĩa rộng gồm các khoa giúp ta hiểu Lời Chúa vì thế gồm cả các khoa phụ thuộc như : từ ngữ học, địa lý, lịch sử, cổ học Kinh Thánh, …
Kinh Thánh nhập môn theo nghĩa hẹp gồm hai phần: Kinh Thánh nhập môn đại cương và Kinh Thánh nhập môn chuyên biệt.
Kinh Thánh nhập môn đại cương bàn về các vấn đề có liên quan tới toàn bộ Kinh Thánh. Trước hết nói về tính cách linh hứng của các Sách Thánh, sau đó khảo sát xem những sách nào có tính cách linh hứng trong phần nói về Kinh bộ; tiếp đến khảo sát xem khi các chính bản đã mai một, Lời Chúa có được lưu truyền hậu thế một cách trung thành hay không trong phần nói về Lịch sử văn bản; sau hết dạy những qui tắc phải theo trong khi giải thích Kinh Thánh để tìm hiểu và trình bày ý nghĩa chân thực của Sách Thánh.
Kinh Thánh nhập môn chuyên biệt học về các vấn đề có liên quan tới từng quyển Sách Thánh : tác giả, nội dung, bố cục, niên hiệu biên tập, xuất xứ, độc giả, tính cách chính xác và toàn vẹn, những đặc tính của mỗi quyển.
7. Đại cương về Tân Ước
Danh từ Tân Ước (Kainh diaqhkh; Novum Testamentum) trong văn chương Kitô giáo buổi sơ khai chỉ ơn Cứu độ Chúa Giêsu Kitô đã lập thay thế cho Cựu Ước (x. 2 Cor 3,6; Gal 4,24; Dt 8,6; 9,15; 12,24). Danh từ đó chính Chúa Giêsu đã đặt ra trong bữa Tiệc Ly khi Người nói đến máu của Người (máu đổ ra trên thập giá) là nền tảng của Giao ước mới với nhân loại (Mt 26,28; Mc 14,24 : “Đây là máu Ta, máu giao ước mới”; Lc 22,20; 1 Cor 11,25: “Chén này là Tân Ước trong máu Ta”).
Từ cuối thế kỷ II, Giáo hội Công giáo dùng danh từ Tân Ước để chỉ những sách của mình, và danh từ Cựu Ước (Palaia diaqhkh; Vetus Testamentum) để chỉ những sách của dân Do Thái. Các sách Tân Ước được trước tác vào hậu bán thế kỷ I, nhưng chỉ trong thế kỷ II mới được liệt vào pho Sách Thánh thứ hai, ngang hàng với các Sách Thánh của dân Do Thái. Ban đầu số Sách Thánh không được nhất định; đến thế kỷ V, cả Giáo Hội Hy-lạp và
La-tinh đều công nhận 27 quyển sách mà bây giờ làm thành bộ Tân Ước.
Những sách đó là : Phúc Âm (theo thánh Matthêô, theo thánh Marcô, theo thánh Luca, theo thánh Gioan); Công vụ Tông đồ do thánh Luca biên tập, 14 thư thánh Phaolô, 7 thư chung và sách Khải Huyền của thánh Gioan.
Lm Trịnh Hưng Kỷ