phụng vụ tháng 11

Phụng Vụ Chư Thánh Tháng 11

Phụng Vụ Chư Thánh – Theo lịch Phụng Vụ Rôma

Tác giả: ENZO LODI

Nhóm dịch: Linh Mục hạt Xóm Chiếu

 

THÁNG MƯỜI MỘT

Mục Lục

Ngày 1.11
LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ
Lễ trọng

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Lễ Các Thánh Nam Nữ có lẽ bắt nguồn ở vùng Celtique; trong thực tế, lễ này đã được Tổng giám mục Salzbourg là Đức cha Arnon tại công đồng Riesbach năm 798 chứng thực là mừng vào ngày 1 tháng 11. Đức cha Arnon, vốn là học trò của tu sĩ Alcuin († Tours năm 804), được thầy mình khen ngợi năm 800 vì đã ấn định lễ này vào ngày đầu tháng 11. Các sách Tử đạo và các sách Bí tích của người Pháp và Anh – tu sĩ Alcuin là người gốc Anh – cho thấy lễ này đã có từ cuối thế kỷ VIII ; sau đó, vào thế kỷ IX, qua sắc lệnh của vua Louis Sùng Đạo năm 833, lễ này được mở rộng sang lãnh thổ của người Francs.

Tại Rôma, ngày 13 tháng 5 năm 610, Đức Giáo Hoàng Boniface IV được phép hoàng đế Phocas đổi đền thờ Pantheon thành một thánh đường dâng kính Đức Mẹ Thiên Chúa và toàn thể các thánh tử đạo. Từ đó, cứ ngày 13 tháng 5 hằng năm, theo một truyền thống Syria, người ta mừng lễ tất cả các thánh tử đạo. Ngày lễ này trùng với mùa phục sinh không chỉ nhắc nhớ đến tục lệ Syria, mà còn nhắc đến ý nghĩa vượt qua trong chiến thắng của các thánh tử đạo. Tuy nhiên, đến thời Đức Giáo Hoàng Grégoire IV (827-844) lễ này được dời vào ngày 1 tháng 11 và mừng kính tất cả các thánh nam nữ, được phong thánh hay không. Vào thế kỷ X, hôm trước ngày lễ này là một ngày ăn chay và canh thức, và ở thế kỷ XV, lễ này còn có một tuần bát nhật.

II. Thông điệp và tính thời sự

Có thể tìm thấy nhiều chủ đề trong các bản văn phụng vụ lễ trọng mừng các thánh, không chỉ mừng các thánh đã được tôn phong, mà tất cả mọi người đã được cứu rỗi.

a. Lời Nguyện của ngày, khi ca mừng sự thánh thiện của tất cả những người được chọn, nhắc chúng ta nhớ rằng “có vô số vị thánh đang chuyển cầu cho chúng ta”. Về điều này, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo trích dẫn Lumen Gentium (số 50) : “Vì thực sự đang được kết hợp mật thiết hơn với Đức Kitô, các công dân trên trời góp phần làm cho Hội Thánh được thêm kiên vững trong sự thánh thiện . . . Các ngài không ngừng cầu xin với Chúa Cha cho chúng ta, bằng cách dâng hiến những công đức các ngài đã lập được khi còn ở trần gian, nhờ Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, là Đức Giêsu Kitô . . . Vì thế sự săn sóc ân cần của các ngài là trợ giúp lớn lao nhất cho tính yếu hèn của chúng ta.” (Sách Giáo Lý . . . số 956). Chúng ta cũng có những lời thánh Đaminh khuyên nhủ các tu sĩ của ngài: “Đừng thương khóc cha ; cha sẽ làm ích nhiều hơn cho các con sau khi cha chết, và sẽ giúp các con hiệu quả hơn là lúc cha còn sống”, và lời của thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu: “Con sẽ ở trên trời để mưu ích cho trần gian.”

b. Các thánh được ở gần Thiên Chúa Lời (Nguyện trên lễ vật), các ngài sung sướng dự vào “bàn tiệc” dọn sẵn cho các ngài trong nhà Chúa (Lời Nguyện sau hiệp lễ). “Đoàn người đông không thể đếm hết này” tạo nên “thành đô thiên quốc, thành Giêrusalem Mẹ chúng ta trên trời” không ngừng hát bài ca chúc tụng Thiên Chúa (Kinh Tiền tụng). Các thánh tạo thành “bức phù điêu khổng lồ của niềm vui / tình yêu rạng rỡ ngàn khuôn mặt / các ngài vẽ lên, trong ánh sáng / một hình ảnh vinh quang duy nhất : Chúa Giêsu Kitô.” Các ngài hát mừng Đấng Cứu Thế đã chia sẻ thử thách với các ngài và các ngài tạ ơn Người vì đã lấy máu mình mà thanh tẩy các ngài, và nuôi dưỡng các ngài bằng bánh sự sống (Giờ Kinh Sách, Đáp ca sau bài đọc 1). Trong Thánh Thể, Chúa đã thánh hóa những kẻ Người chọn “trong tình yêu viên mãn của Người”. Và bí tích này là nơi để chúng ta hiệp thông với các thánh, là bàn tiệc mà chúng ta được “tiếp nhận khi còn đang lữ hành” trước khi được nhận vào bàn tiệc trên trời (Lời Nguyện sau hiệp lễ).

c. Các thánh “đã noi gương Chúa Giêsu trong đời sống các ngài” trước khi được nhận triều thiên vinh quang (Kinh Nguyện Thánh Thể riêng). Chúa Giêsu đã công bố hiến chương của sự thánh thiện là Các Mối Phúc thật được đọc trong Tin Mừng thánh lễ. Cũng vậy, bài thánh thi của Kinh Chiều 1 công bố người hạnh phúc là “người tay sạch lòng thanh… người hiền lành…người cảm nghiệm ân huệ của nước mắt…người đói khát công chính…người chịu đổ máu mình và tha thứ…người không một vết nhơ … người rắc gieo hoà thuận…và tất cả những ai được xét là xứng đáng chịu sỉ nhục vì thập giá”.

Thánh Polycarpe viết : “Chúng ta thờ lạy Chúa Kitô, vì Người là Con Thiên Chúa ; còn đối với các thánh tử đạo, chúng ta yêu mến các ngài vì các ngài là môn đệ và người noi gương Chúa Ki-tô… , ước chi chúng ta được làm bạn với các ngài” (Sách Giáo lý, số 957). Thật vậy, vì được sống gần Thiên Chúa, các thánh tử đạo và mọi người Chúa chọn đều cầu nguyện cho chúng ta : “Các ngài rất có thế lực trong cuộc đời chúng ta” (Sách Lễ Rôma).

* * *

Ngày 2.11
CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI

I. Ghi nhận lịch sư – phụng vụ

Việc tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời đã có từ thế kỷ IX và là sự tiếp nối truyền thống các tu viện dành một ngày cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, một truyền thống đã có từ thế kỷ VII. Tuy nhiên, phải đến thời thánh Odilon đan viện phụ Cluny (khoảng 879-942), lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời mới được ấn định vào ngày 2 tháng 11. Thánh Augustin từng ca ngợi tập tục cầu nguyện cho người đã qua đời, kể cả không phải ngày giỗ của họ, để không một ai bị lãng quên. Thực ra, hằng ngày Hội Thánh đều nhắc tới việc tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời và “mọi người quá cố mà chỉ một mình Chúa biết lòng tin của họ” (Kinh Nguyện Thánh Thể IV). Lễ nhớ này được phổ biến ở Rôma vào thế kỷ XIV, và đến thế kỷ XV, các tu sĩ Đaminh ở Valentia đã thiết lập truyền thống cử hành 3 thánh lễ —giống như ngày lễ Giáng Sinh— để cầu cho các tín hữu đã qua đời. Năm 1915, trong Thế Chiến I, năng quyền này đuợc Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV mở rộng cho toàn thể Hội Thánh, và nghi thức thánh lễ có thêm một bản Kinh Tiền Tụng riêng lấy từ Sách Lễ Paris năm 1738. Năm 1969, các bản văn phụng vụ được canh tân để diễn tả rõ ý nghĩa Vượt Qua của sự chết. Vì thế người ta đã bỏ ca khúc Dies Irae (Ngày Thịnh Nộ).

II. Thông điệp và tính thời sự

Hiến chế Phụng vụ của Vaticanô II đòi hỏi rằng “nghi thức an táng phải diễn tả rõ ý nghĩa Vượt qua của sự chết Kitô giáo” (PV 81). Vì thế các bản văn Thánh lễ đã được canh tân để đáp ứng các chỉ thị này : bốn Kinh Tiền Tụng mới đã được thêm vào với Kinh Tiền Tụng hiện có. Các Kinh Tiền Tụng này khai triển các chủ đề sau : – 1. Sự đau buồn và hi vọng trước cái chết – 2. Chúa Kitô chết để chúng ta được sống – 3. Đức Kitô, sự sống và sống lại của chúng ta – 4. Thiên Chúa, Đấng dựng nên chúng ta, sẽ làm cho chúng ta sống lại – 5. Được Chúa Kitô cứu chuộc, chúng ta sẽ sống lại với Người.

a. Chúng ta đọc trong Kinh Tin Kính: “Tôi tin xác loài người sẽ sống lại”, và Sách Giáo Lý giải thích tín điều này như sau : “Xác sống lại có nghĩa là sau khi chết, không chỉ có linh hồn bất tử sẽ sống, mà cả thân xác chúng ta cũng sẽ sống lại.” (số 989). Niềm tin này được khẳng định rõ ràng trong các lời nguyện thánh lễ, diễn tả mối tương quan giữa “sự phục sinh thân xác” với sự phục sinh của Chúa Kitô : “Lạy Chúa, xin gia tăng lòng tin của chúng con vào Con Chúa, Đấng đã sống lại từ cõi chết, để chúng con tràn trề hy vọng vào sự sống lại của tất cả anh em chúng con đã qua đời.” (Lời Nguyện của Mẫu 1).

b. Công đồng Vaticanô II tuyên bố trong Hiến chế Lumen Gentium rằng : “Ngay từ những thời kỳ đầu của Kitô giáo, Hội Thánh trong các phần tử còn lữ hành ở trần gian đã có lòng sùng mộ sâu xa đối với việc tưởng nhớ những tín hữu đã qua đời, bằng cách dâng cho họ các việc độ vong của Hội Thánh, vì việc cầu nguyện cho những người đã qua đời để họ được giải thoát khỏi tội lỗi của họ, là một ý tưởng đạo đức và thánh thiện.” (2 Mcb 12, 45). Vì vậy, trong Lời Nguyện trên lễ vật, chúng ta cầu xin Chúa “cho mọi người đã qua đời được đón nhận vào Nước Chúa” (Mẫu 1) và xin cho họ được xóa sạch mọi tội lỗi “nhờ máu Chúa Kitô hiến dâng” trong Thánh Thể (Mẫu 2).

c. Tính chất Vượt Qua của mầu nhiệm sự chết của các tín hữu đã qua đời được sáng tỏ trong Lời Nguyện sau hiệp lễ, khi chúng ta cầu xin Chúa mở cửa cho các anh em quá cố của chúng ta được vào ngôi nhà bình an và ánh sáng của Người “vì chúng ta dâng mầu nhiệm Vượt Qua chính là để cầu cho họ” (Mẫu 1). Cũng thế, Thánh thi Giờ Kinh Sách gợi lên ý tưởng “Đức Kitô sống lại từ cõi chết / Quả đầu mùa của những người đã an nghỉ”.

d. Thánh Ambroise, trong bài giảng ngày giỗ em trai ngài là Satire, cũng nhấn mạnh ý nghĩa Vượt Qua này –bước từ sự chết sang sự sống– trong bài đọc Giờ Kinh Sách : “Đức Ki-tô là gì? Người chính là cái chết của thân xác và là thần khí ban sự sống. Chúng ta cũng chết với Người để sống với Người… Người không thể cứu chúng ta bằng cách nào tốt hơn là cái chết của Người. Vì thế cái chết của Người ban sự sống cho tất cả chúng ta.” Câu Xướng đáp tiếp sau bài đọc trích thư thánh Phaolô : “Đức Kitô đã chết và sống lại, là để làm Chúa kẻ chết và người sống.” (Rm 14, 9).

* * *

Ngày 3.11
THÁNH MARTIN DE PORRÈS
Tu sĩ (1579-1639)
Lễ nhớ

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Martin de Porrès qua đời tại Lima, xứ Pêru, ngày 3 tháng 11 năm 1639 và đuợc Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII phong thánh năm 1962. Lễ nhớ ngài được ghi vào lịch từ năm 1969.

Thánh Martin sinh năm 1579, tại Lima. Ngài là con ngoại hôn của một hiệp sĩ Tây Ban Nha với một phụ nữ da màu, bà Anna Velasquez, chính bà là người chăm lo việc giáo dục Kitô giáo cho ngài. Ngài từng làm thợ hớt tóc, học nghề thuốc rồi hành nghề y tá trước khi quyết định nhập Dòng Anh Em Giảng Thuyết (Đa-minh) để làm một trợ sĩ. Năm 1603, ngài được tiếp nhận chính thức vào Dòng. Ngài tiếp tục hiến mình phục vụ các bệnh nhân trong cộng đồng của ngài và cả những người tàn tật, nghèo khổ mà ngài đón tiếp trong tu viện hay chăm sóc tại nhà em gái ngài.

Ngài còn mở một cô nhi viện, một nhà trọ cho người nghèo, và những cơ sở từ thiện khác. Chính vị phó vương của Pêru đích thân tới hỗ trợ ngài và phục vụ trong phòng ngài. Ngài mất năm 1639, hưởng thọ 60 tuổi, sau một cuộc đời tàn tạ vì những việc hãm mình và bệnh tật, nhưng đã được tôn kính như một vị thánh ngay sau khi ngài qua đời.

II. Thông điệp và tính thời sự

Lời Nguyện của ngày làm nổi bật sự thánh thiện của thánh Martin de Porrès, người đã “đạt tới vinh quang nước trời bằng con đường khiêm nhường”.

Lòng khiêm nhường của ngài lộ rõ trước hết trong việc chọn sống trong Dòng như một trợ sĩ hay người sám hối, với nhiệm vụ trông nom những nhu cầu vật chất của cộng đoàn. Thánh Martin ưa thích những công việc hèn mọn nhất, theo đuổi con đường nên thánh bằng sự nghèo khó và bé mọn.

Là con người chiêm niệm, ngài kín múc trong kinh nguyện liên tục và trong việc ăn chay sức mạnh để sống đời Tin Mừng thực sự. Theo gương Chúa Giêsu, ngài rất ưa thích cầu nguyện vào ban đêm, nuôi dưỡng lòng yêu mến rất đặc biệt đối với Chúa Giêsu chịu đóng đinh, và ngài quì thờ lạy trước Thánh Thể hàng giờ. Nhờ đời sống khiêm nhường và chiêm niệm này, ngài đạt được một tâm hồn thanh thản tuyệt vời và một lòng bác ái đáng cảm phục, không loại trừ một ai, thậm chí mở rộng cả ra cho loài vật nữa . . . Chính vì thế người ta đã tặng ngài biệt danh “Martin bác ái”.

Các bài đọc thánh lễ càng làm nổi bật hơn nữa những nhân đức cao vời này của thánh Martin : …Anh em hãy mặc lấy tâm tình hiền lành và nhân hậu, khiêm tốn, dịu dàng, kiên nhẫn…(Bài đọc 1). Ai xin, anh em hãy cho (Bài đọc Tin Mừng).

Đời sống thiêng liêng của ngài toả sáng đặc biệt trong những bài giảng giáo lý, làm những ai nghe phải ngưỡng mộ và bị lôi kéo đến Thiên Chúa không thể cưỡng lại được.

Giờ Kinh Sách đọc lại một đoạn trích bài giảng của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII ngày lễ phong thánh cho Martin de Porrès : “Ngài bao bọc các anh chị em mình bằng một lòng bác ái tuyệt đối… Ngài yêu mến mọi người vì ngài coi họ thật sự là con cái Thiên Chúa và là anh chị em của mình… Ngài săn sóc những bệnh nhân với lòng nhân hậu. Với những người nghèo, ngài cung cấp của ăn, áo mặc, thuốc thang. Với những người dân quê và những dân da màu, đen hay lai, mà người thời đó coi như hạng nô lệ đáng khinh, thì ngài mang đến sự nâng đỡ bằng mọi sự trợ giúp và quan tâm có thể được.”

Chớ gì hào quang kỳ diệu của người con hèn mọn của châu Mỹ La tinh này, được tuyên dương là “bổn mạng của công bằng xã hội”, dạy cho con người ngày hôm nay biết “thật dịu ngọt và hạnh phúc biết bao khi người ta biết đi theo bước chân của Chúa Giêsu Kitô và vâng giữ giới luật của Người.” (Gioan XXIII).
* * *

Cùng Ngày 3.11 (ở Bỉ)
THÁNH HUBERT
Giám mục († 727)
Lễ buộc

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Hubert là vị thánh rất nổi tiếng nhưng chúng ta lại biết rất ít về đời sống của ngài. Chúng ta chỉ biết về ngài nhờ một cuốn tiểu sử rất cổ, viết năm 743, rồi nhờ những tài liệu khác viết vào những năm 825-831.

Người ta nói ngài là một vương công người Franc, cận thần của vua Pépin dHerstal, có vợ rồi vợ chết. Người ta cũng nói ngài có con, trong số đó có người con tên là Floribert, sau này làm giám mục Liège (727-745) và được phong thánh.

Theo truyền thuyết, trong thời gian thánh Hubert trú trong rừng Austrasie, ngài thấy phép lạ một con hươu mang cây thánh giá. Ngài thấy cây thánh giá cắm trên sừng con hươu đang bị ngài săn đuổi, và nghe có tiếng nói : ”Này, Hubert, anh còn đuổi theo những con vật này cho đến bao giờ ? Cái đam mê này đã làm anh quên mất việc cứu rỗi linh hồn anh rồi sao ?… Hãy đến Maastricht tìm tôi tớ ta là Lambert, người này sẽ nói cho anh biết phải làm gì.” Sau khi hoán cải và sống tu đức trong học tập và cầu nguyện, có lẽ ngài gia nhập cộng đoàn tu viện Stavelot. Ngài kế vị Giám mục Lambert ở toà giám mục Maastricht (705), dấn thân rao giảng Tin Mừng cho miền đông nước Bỉ, thay thế việc thờ cúng các thần ngoại ở đây bằng đức tin và phụng tự Kitô giáo. Truyền thống kể lại những phép lạ của ngài : ngài đeo dây các phép và chữa lành cả những người bị quỉ ám và những người bị bệnh dại.

Ngài đặt toà giám mục ở Liège, góp phần làm cho nơi này trở thành một thành phố lớn và thịnh vượng. Ngài mất ngày 30 tháng 5 năm 727 ở Tervuren (Brabant), và thi hài ngài được chôn cất tại nhà thờ Các Thánh Tông Đồ ở Liège, thành phố mà ngài bảo trợ. Năm 825, một phần di hài của ngài đuợc dời về tu viện Andage (vùng Ardennes thuộc Bỉ), tu viện này lấy tên là tu viện Thánh Hubert.

Sau khi qua đời, thánh Hubert trở nên rất nổi tiếng. Ngày 3 tháng 11 nhắc nhớ việc xác ngài được “siêu thăng”, sự kiện này xảy ra ngày 3 tháng 11 năm 743, và theo tục lệ thời đó, việc sùng kính ngài đuợc thiết lập. Từ ngày đó, đặc biệt những người đốn củi và thợ săn bắt đầu tôn sùng ngài như vị thánh bổn mạng của họ, và tới thế kỷ XV, thánh nhân trở thành người hùng của một truyền thuyết lấy cảm hứng từ truyền thuyết của thánh Eustache (con hươu mang hình thánh giá).

Khoa ảnh thánh trình bày thánh Hubert khi thì như một giám mục với mũ ba tầng, khi thì như người thợ săn quì gối trước một con hươu mang hình thánh giá, khi thì đang đón nhận một dây các phép của Đức Mẹ.

II. Thông điệp và tính thời sự

Một thánh thi xưa trong lễ thánh Hubert hát như sau : “Theo lời thánh Lambert khuyên / Hubert hiến mình phụng sự Chúa / và trở nên một tôi tớ nhiệt thành của Chúa Kitô.” Cũng thế, Lời Nguyện riêng nhắc nhớ lời nói và gương sáng của vị thánh giám mục, luôn sẵn sàng nâng đỡ đoàn dân mà ngài coi sóc.

Truyền thống mô tả thánh Hubert là người sùng đạo, khiêm nhường và vâng lời, chuyên chăm tu đức và học hỏi đời sống các thánh. Được thụ phong giám mục, ngài hướng tới sự thánh thiện bằng việc hoàn toàn dâng hiến bản thân và tài sản của mình, chăm lo cho người nghèo và Thiên Chúa. Ngài phá hủy các ngẫu tượng và các linh vật của dân ngoại, ngài chiếu toả ánh sáng Chúa Kitô tới tận những vùng xa vùng sâu nhất. Sau 20 năm làm giám mục, cảm thấy giờ chết gần kề, ngài nói với các tín hữu như sau : “Giờ chết đã gần . . . Kìa vị thẩm phán của cha đang đến gần, Người sắp nói với cha : Những người mà con đã dạy dỗ đâu ? Khi ấy, nếu cha thấy đuợc điều gì tốt nơi các con, cha sẽ nói : Những người kia đã giữ luật Chúa. Và các con sẽ cảm thấy hài lòng ôm những bó lúa vàng đến trước nhan Chúa để đón nhận hạnh phúc đời đời.”

Các người viết tiểu sử ngài kể rằng, khi trở về nhà, ngài đọc kinh nhật tụng, kinh Tin Kính, Lạy Cha, và qua đời giữa tiếng gà gáy. Là người mục tử đích thực, đầy yêu thương và tỉnh táo, ngài đã trung thành cách anh hùng với sứ mạng mình cho tới hơi thở cuối cùng.

* * *

Ngày 4.11
THÁNH CHARLES BORROMÉE
Giám mục (1538-1584)
Lễ buộc

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Charles Borromée qua đời tại Milan ngày 3 tháng 11 năm 1584, được phong thánh năm 1610 và có tên trong lịch phụng vụ từ năm 1613. Lễ nhớ ngài giới thiệu cho chúng ta một trong những vị thánh quan trọng nhất của cuộc cải cách hậu-công đồng Tren-tô.

Charles (Carolus) là con của bá tước Gilbert Borromée và bà Marguerite de Médicis, sinh tại Arona (Lombardie) năm 1538. Đậu tiến sĩ luật năm 21 tuổi, ngài đuợc phong Hồng y do cậu ngài là Giáo hoàng Piô IV và được vị Giáo hoàng này triệu về Rôma để cai quản các công việc của Hội Thánh. Thế là ở tuổi 22, ngài là vị Quốc vụ khanh đầu tiên của Vaticanô, theo nghĩa hiện đại của từ này.

Từ 1560 đến 1563, ngài đóng một vai trò tích cực trong những khóa họp cuối của Công đồng Trentô. Sau khi vượt qua một khủng hoảng nghiêm trọng khi anh cả Frédéric của ngài qua đời (1562), ngài được thụ phong linh mục và giám mục. Được bổ nhiệm làm tổng giám mục Milan, ngài cai quản một địa phận rất rộng lớn, bao gồm cả ba thung lũng của Quận Grisons (Thuỵ Sỉ) và một phần lãnh thổ Genova và Venetia. Trong bầu khí đặc biệt tạo ra do sự thống trị của Tây Ban Nha ở Lombardie, thánh Charles Borromée đã biết bảo vệ những quyền lợi và đặc quyền của Hội Thánh, thậm chí chống lại việc đưa Toà Án Dị Giáo (Inquisition) vào địa phận ngài.

Năm 1589, ngài thoát một cuộc mưu sát do một nhóm tu sĩ chống đối cuộc cải cách của ngài, nhưng vị thánh giám mục càng kiên quyết theo đuổi công trình của mình hơn bao giờ. Là nhà cải cách nhiệt thành, ngài cũng là một mục tử đích thực, nhậy cảm trước mọi vấn đề của thành phố. Là người thúc đẩy nhiều công cuộc xã hội, ngài tận tuỵ đối với dân của mình, nhất là vào những giờ phút nghiêm trọng nhất, như trường hợp xảy ra nạn dịch tễ năm 1576 tại Milan. Ngài bán hết tài sản tại Napôli của mình, kể cả những vật dụng cá nhân để cứu giúp những người khốn khổ.
Sức lực cạn kiệt vì lao nhọc, ngài qua đời tại Milan lúc 46 tuổi, sau khi đã xưng tội chung lần cuối.

II. Thông điệp và tính thời sự

a. Lời Nguyện của ngày giới thiệu thánh Charles Borromée như một người thúc đẩy cuộc cải cách Giáo Hội : “Lạy Chúa, xin giữ gìn trong dân Chúa tinh thần sống động của thánh Charles Borromée, để Hội Thánh Chúa không ngừng canh tân và luôn trung thành với Tin Mừng, nhờ đó có thể tỏ lộ cho thế giới khuôn mặt đích thực của Đức Kitô.”

Từ 1565, khi triệu tập hội đồng tỉnh của giáo phận ngài, giám mục Charles Borromée đã thúc đẩy việc áp dụng các sắc lệnh công đồng. Trong hai thập niên làm giám mục, ngài đã triệu tập nhiều hội đồng giáo phận và tỉnh. Các nghị quyết của các hội đồng này được in trong các Văn kiện của Giáo Hội Milan với các Huấn thị cho Dân Chúa của ngài, được sử dụng trên toàn nước Ý và cả ở nước ngoài như mẫu mực cho các vị giám mục cải cách khác.

b. Lời Nguyện trên lễ vật gợi ý “sự đề cao cảnh giác” và những “nhân đức mục tử” của thánh giám mục Milan. Là mục tử rất nhiệt thành, ngài không chỉ giới hạn vào các cuộc kinh lý mục vụ – lên tới hàng ngàn lần– mà ngài còn xây dựng những thánh điện và chủng viện, trong đó có chủng viện Milan. Cũng thế, ngài đã sáng lập hay khích lệ việc sáng lập các trường trung học cho thanh thiếu niên. Ngài cũng là tác giả của các “huynh hội” –như huynh Hội Thánh Thể để thờ lạy Thánh thể (chống lại lạc thuyết Tin Lành)–, những nhà trọ cho thanh niên và một ngọn-đồi-sùng-đạo. Sau hết, ngài đã nâng đỡ các “trường đức tin” để đào luyện tôn giáo và đạo đức cho dân chúng.

Trong số các “nhân đức mục tử” của thánh Charles Borromée, chúng ta cũng kể đến khả năng đánh giá cao việc đối thoại và hợp tác. Ngài mời gọi nhiều giáo sĩ và giáo dân hợp tác với ngài và thiết lập các “bộ” để xem xét và giải quyết các vấn đề khác nhau. Ngài được thông báo đều đặn về diễn tiến công việc, không ngần ngại cho ý kiến của ngài hay đề nghị những giải pháp, như được chứng minh trong hàng chục ngàn lá thư còn để lại cho chúng ta. Nhưng cũng nên nhớ rằng, thánh Charles, được gọi là “giám mục lỗi lạc” trong Lời Nguyện trên lễ vật, đã khuyên nhủ các “người của Giáo Hội” như sau: “Thưa anh em, xin hãy hiểu rằng không gì cần thiết bằng việc phải nguyện ngắm trước, trong, và sau mỗi hành động của chúng ta.” (Giờ Kinh Sách).

c. Lời Nguyện hiệp lễ nhấn mạnh những khía cạnh khác nơi tính cách phi thường của thánh Charles Borromée : “sức mạnh nội tâm”, lòng trung thành “với sứ mạng” và “lòng bác ái” vô bờ của ngài.

Ngài để ý khiển trách những sự lạm dụng và bảo vệ đức tin công giáo, nhưng trên hết ngài lo lắng cho việc đào luyện các giáo sĩ : “Nếu anh em ban bí tích, hãy nghĩ đến điều anh em làm ; nếu anh em cử hành thánh lễ, hãy nghĩ đến điều anh em dâng ; nếu anh em đọc thánh vịnh trong cộng đoàn, hãy nghiền ngẫm những lời anh em nói hay đọc ; nếu anh em hướng dẫn các linh hồn, hãy nghĩ đến máu đã đổ ra để rửa sạch các linh hồn ; hãy làm các việc đó với tất cả lòng yêu mến . . . Bằng cách đó chúng ta sẽ có khả năng sinh ra Đức Kitô nơi chúng ta và nơi người khác” (Giờ Kinh Sách).
* * *

Ngày 7.11 (Ở Luxembourg)
THÁNH WILLIBRORD, Giám mục,
bổn mạng thứ hai của Luxembourg (658-739)
Lễ kính

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Willibrord (hay Wilibrod) là con của nhà quí tộc Wilgins, sinh ngày 6 tháng 11 năm 658 tại Northumbrie (Anh), thời vua Oswy. Thời trẻ, ngài được dạy dỗ tại tu viện Ripon rất nổi tiếng gần thành phố York (Anh) do các tu sĩ thánh thiện Wilfried và Ceolfrid, theo qui luật thánh Biển Đức.

Năm 678, lúc còn là một thày dòng trẻ 20 tuổi, thày Willibrord sang Ai-len hoàn tất việc đào luyện tại trường của thánh Egbert ; chính vị thánh này đã phong chức linh mục cho ngài và đào tạo ngài thành nhà truyền giáo. Khoảng năm 690, ngài cầm đầu một đoàn truyền giáo gồm 12 tu sĩ người Anh được gửi sang Frise (Hà Lan) để rao giảng Tin Mừng tại đây. Nhưng trước tiên ngài muốn đệ trình kế hoạch của ngài cho Đức Thánh Cha ở Rôma ; Đức Giáo Hoàng Sergius I (687-701) đã niềm nở tiếp đón ngài và ban cho ngài một số di cốt các thánh, sách vở và những vật dụng phụng vụ. Vài năm sau, năm 695, vị thánh truyền giáo này lại trở lại Rôma để được tấn phong giám mục.

Sau khi đặt xong cơ sở truyền giáo ở Anvers và truyền bá Phúc Âm ở vùng Frise phía nam, là vùng đất vừa bị đặt dưới quyền cai trị của dân Francs, thánh Willibrord lập toà giám mục tại Utrecht, trên giòng sông Rhin. Ngài xây dựng tại đây những ngôi nhà thờ, tu viện, và tổ chức đời sống giáo xứ. Thế là xuất hiện ngôi thánh đường Chúa Cứu Thế ở Utrecht, tu viện Murbach ở Alsace và tu viện Echternach ở Luxembourg, nơi đây trở thành trung tâm cho hoạt động của ngài.

Năm 699, ngài thử thực hiện một chuyến truyền giáo ở vùng Frise phía bắc, gồm Helgoland và Đan Mạch, với mục đích lôi kéo lương dân trở về Kitô giáo. Để chứng tỏ tính vô tích sự của các thần dân ngoại, ngài đập phá các ngẫu tượng của họ, nhưng hành động này đã tạo ra sự thù hằn và bách hại. Năm 714, sau khi ông vua bảo trợ ngài là Pêpin II qua đời, Radbod, vua người Frisons tới tàn phá Utrecht và các vùng vừa được rao giảng Tin Mừng, nhưng tướng Charles Martel đẩy lui được quân xâm lược, và thánh Willibrord đã có thể trở về Utrecht.

Vị thánh giám mục qua đời tại Echternach, hưởng thọ 80 tuổi, sau một thời gian rất dài làm giám mục (695-739). Theo lời di chúc, ngài được an táng trong tu viện do ngài xây dựng ; mộ của ngài đã trở thành một trung tâm hành hương. Năm 906, hài cốt ngài được di dời về vương cung thánh đường mang tên ngài và trở thành trung tâm của lễ hội múa lừng danh của các khách hành hương Echternach, bắt đầu từ thế kỷ XIV. Lễ hội này được tổ chức ngày thứ ba lễ Hiện Xuống, và được thiết lập để cầu xin ơn chữa lành những người mắc bệnh tâm thần và động kinh, là một cuộc rước trong đó những người múa nắm tay nhau luân phiên bước năm bước về phía trước rồi lại lui ba bước về phía sau, giống như “vũ khúc Saint-Guy”.

Thánh Willibrord được ghi trong Sách Tử đạo Rôma ; việc tôn sùng ngài được phổ biến vào thời Trung Cổ, không chỉ ở Hà Lan, mà cả trong vùng sông Rhin, Alsace và nước Anh. Năm 1940, vị thánh của Esternach này được tuyên dương là bổn mạng của giáo tỉnh Utrecht. Ngài cũng là bổn mạng phụ của Luxembourg, nơi mà lòng sùng kính ngài vẫn còn rất phổ biến.

II. Thông điệp và tính thời sự

a. Lời Nguyện riêng của lễ thánh Willibrord gợi lên sứ mạng của ngài: “Rao truyền vinh quang Thiên Chúa cho muôn dân và củng cố đức tin cho các tín hữu.”

Trong 12 năm được đào luyện truyền giáo tại trường của thánh Egbert ở Ai-len, thánh Willibrord cùng nhóm 12 tu sĩ dấn thân cho việc rao giảng Tin Mừng với lòng hăng say và kiên trì, dám đánh đổi cả mạng sống mình, tại những miền đất rộng lớn vùng trung bắc châu Âu (nay là Hà Lan, Đan Mạch, Luxembourg và những vùng chung quanh).

Ngài dùng phương pháp của Dòng Biển Đức: hoà hợp hoạt động của các Giáo Hội địa phương bằng cách gắn liền các họat động này với những trung tâm tu viện hay toà giám mục ; rao giảng Tin Mừng bằng việc hăng say chiến đấu chống lại các thói mê tín và ngẫu tượng, chứng minh sự bất lực và vô tích sự của chúng. Trong khi khơi dậy chung quanh mình những ơn gọi vào đời tu trì, ngài thiết lập những tu viện để trở thành những trung tâm chiếu toả đức tin và tin mừng hóa. Hơn nữa, vì cần có các người trợ giúp, ngài đã đặt các “phụ giám mục”, là những giám mục không có toà, nhưng cộng tác chặt chẽ với ngài và những vị này sẽ phục vụ đắc lực cho Hội Thánh trong suốt một thế kỷ.

b. Kinh Tiền tụng riêng của lễ nhớ thánh Willibrord nhấn mạnh hiệu quả của công việc của ngài, vì “những điều ngài giảng dạy bằng lời, ngài cũng rao giảng bằng gương sáng: đời sống của ngài chiếu toả những nhân đức siêu vời, và những phép lạ đã tỏ lộ vinh quang của ngài.” Bằng cách đó, “ngài đã đưa chúng ta ra khỏi bóng tối mê muội, và chúng ta trở thành những con cái của ánh sáng vĩnh cửu.”

c. Giờ Kinh Sách cho chúng ta đọc một bài giảng của vị tu sĩ nổi tiếng Alcuin, nhà thần học người Anh qua đời ở Tours năm 804 : “Vì Thiên Chúa đã khấng ban cho chúng ta một đấng bảo trợ lớn (thánh Willibrord), nên Người muốn nhận lời với chúng ta qua sự chuyển cầu của thánh nhân, và chúng ta càng cầu xin thánh nhân với lòng tin tưởng bao nhiêu, chúng ta càng chóng được nhận lời bấy nhiêu.”

Và tu sĩ Alcuin nói tiếp : Việc suy niệm các gương sáng và lời giảng dạy của thánh Willibrord “phải kéo chúng ta ra khỏi sự nguội lạnh và hèn nhát, khiến chúng ta trở nên can đảm trong cuộc chiến vì Nước Trời… Điều chúng ta tuyên dương nơi ngài, chúng ta phải thể hiện nơi bản thân mình… Chúng ta hãy cất bước theo vết chân ngài… Ngài đã cải hoá đông đảo các dân tộc về với Đức Kitô… Ngài đã đóng cửa hỏa ngục, đã mở cửa thiên đàng.”
Câu Xướng đáp của bài đọc nói về những ai “đặt niềm tin vào Chúa” : “Hãy can trường và bền chí… Đừng sợ hãi khiếp đảm : Thiên Chúa của ngươi ở với ngươi bất cứ ngươi đi đâu !”

Tin Mừng của thánh lễ nhắc lại sự khẩn trương của sứ mạng : Hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật (Mc 16, 15-20), Tin Mừng không tự mình mà đến : chúng ta hãy xin Chủ mùa sai các người rao giảng Tin Mừng đến với thế giới hôm nay.
* * *

Ngày 9.11
CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LATÊRANÔ
(9 tháng 11 năm 324 ?)
Lễ kính

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Khoảng năm 312, hoàng đế Rôma Constantinô vừa mới trở lại Kitô giáo, đã dâng tặng Đức giáo hoàng Miltiade (311-314) cung điện Latêrani trên núi Coelius. Một ít thời gian sau, Đức giáo hoàng cho xây ở đây một thánh đường, đó là vương cung thánh đường Latêranô, là ngôi thánh đường cổ nhất và có địa vị cao nhất trong số các thánh đường của phương Tây. Một truyền thống nói rằng thánh đường này được Đức Giáo Hoàng Sylvestre (314-335) cung hiến ngày 9 tháng 1 năm 324. Bảng chữ trên cửa lớn của thánh đường ghi : “Mẹ và Đầu của mọi thánh đường”. Thật vậy, vương cung thánh đường này là nhà thờ chính của Đức giáo hoàng trên cương vị Giám mục Rôma, nhưng vì ngài cũng là mục tử tối cao của Hội Thánh Công Giáo, nên các nhà thờ thuộc nghi lễ Rôma trên toàn thế giới, khi long trọng mừng kỷ niệm thánh đường Latêranô, thì đồng thời cũng mừng sự hiệp nhất hoàn vũ của Hội Thánh Chúa Giêsu Kitô, và thánh đường là biểu tượng của sự hiệp nhất đó.

Ban đầu thánh đường được cung hiến dưới tước hiệu Vương cung thánh đường Chúa Cứu Thế, sau đó được dâng kính hai thánh Gioan Tẩy Giả và Gioan Tông Đồ ; thực vậy, thánh đường này có giếng rửa tội cổ xưa nhất của Rôma : hàng ngàn tân tòng đến đây lãnh phép rửa tội, nhất là trong đêm Phục Sinh. Vì vậy thánh đường này đã giữ lại tước hiệu Thánh Gioan Latêranô (Saint-Jean-de-Latran). Sau khi bị hư hại nặng vì chiến tranh, hoả hoạn và bỏ hoang, thánh đường đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XIII cho xây dựng lại và được cung hiến lại năm 1726.
Cung điện Latêranô là một phức hợp gồm các căn hộ, phòng họp lớn của các công đồng, thư viện và tu viện, và đã là toà của các vị Giáo hoàng trong hơn một ngàn năm, cho đến khi Đức Giáo Hoàng Nicolas V (1477-1455) rời Coelius và đến ở Vaticanô. Cung điện này cũng từng là nơi nhóm họp của 250 công đồng, trong đó có 4 Công Đồng Chung. Bị hỏa hoạn năm 1308 và bị bỏ hoang trong thời các Giáo hoàng đến ở Avignon, cung điện đã bị tàn phá và được xây dựng lại thời Đức giáo hoàng Sixtô Quint (1585-1590). Trong một toà nhà ngày nay được ngăn đôi, có gian Thánh và gian Cực Thánh (nhà thờ cũ của Giáo hoàng).

II. Thông điệp và tính thời sự

a. Đoạn sách thứ nhất trong hai đoạn được đề nghị cho bài đọc 1 trích từ sách Êdêkien (47, 1. . .12) có đoạn này : Có nước vọt ra từ dưới ngưỡng cửa Đền Thờ và chảy về phía đông… Người ấy đưa tôi ra ngoài và nói với tôi : “Nước này chảy về miền đất phía đông, xuống vùng thung lũng Giorđan, và đổ ra biển Chết và làm cho nước biển hóa lành. Nước chảy đến đâu thì mọi sinh vật sẽ được sống và sinh sôi nảy nở. . .”

Trong đoạn sách này, ta thấy rõ ràng biểu tượng về phép rửa, và về Hội Thánh như là Dân Thiên Chúa và như là Đền Thờ. Điều này cũng nhắc nhớ chúng ta rằng lịch sử cứu độ có tính đặc trưng bí tích và được hoàn thành nơi Đức Kitô, Đấng thể hiện nơi bản thân Người chân lý viên mãn của mỗi biểu tượng, kể cả biểu tượng về Đền Thờ, như thánh Gioan nhấn mạnh trong Tin Mừng của thánh lễ (2, 13-22): “Nhưng Đền Thờ mà Người (Chúa Giêsu) nói đến, đó là thân mình Người.”

Tiếp theo chủ đề bí tích, phép rửa và Kitô học, đoạn sách thứ hai được đề nghị cho bài đọc 1 (1 Cr 3, 9. . .17) triển khai chủ đề giáo hội học, vì các tín hữu giống như những viên đá sống động, những vật liệu làm thành toà nhà thiêng liêng được đặt trên viên đá góc là Đức Kitô: Anh em là nhà được Thiên Chúa xây lên. . .Vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô.

b. Trong nhiều thế kỷ, thánh đường Latêranô từng là nơi mà nền phụng vụ của Giáo hoàng được triển khai những bước đầu tiên, trước khi nó truyền lại kiểu cách cử hành của nó cho tất cả các Giáo Hội phương Tây. Ở đây thánh đường Latêranô không chỉ là một “trung tâm mới của thế giới”, thay thế cho Giêrusalem, mà còn là một kiểu mẫu cho mọi thánh đường, cũng được gọi là mẹ, vì sinh ra những con cái Thiên Chúa qua phép rửa, và cũng vì sinh ra những Giáo Hội và cộng đoàn khác qua lực đẩy truyền giáo của những thánh đường này. Do đó, cử hành lễ kỷ niệm này cũng có nghĩa là trở về nguồn khai sinh và phát triển của người Kitô hữu, phần tử của một Giáo Hội địa phương được sinh ra bởi phép Rửa, được trở nên phong phú bởi phép Thêm Sức và được nuôi dưỡng bởi Thánh Thể. Tuy nhiên, mọi Giáo Hội địa phương đều gắn kết với Giáo Hội Mẹ, được biểu trưng bằng Giáo Hội Rôma, với nhà thờ lớn là vương cung thánh đường Latêranô, “Mẹ và Đầu của mọi Giáo Hội”.

c. Chúng ta thấy rõ tính thời sự của lễ này : là những phần tử sống động của Giáo Hội địa phương, tất cả chúng ta có trách nhiệm làm cho Giáo Hội này noi gương Giáo Hội mẹ, sinh ra những Giáo Hội và cộng đồng khác, đi ra khỏi những bức tường kín hay những ranh giới địa lý của mình, để mở ra cho toàn thế giới.

Cũng vậy, mừng lễ cung hiến thánh đường Latêranô nhắc chúng ta nhớ lại phép rửa tái sinh của chúng ta: “… Trước khi chịu phép rửa, chúng ta là những đền thờ của ma quỉ ; sau khi chịu phép rửa, chúng ta được trở nên những đền thờ của Thiên Chúa. . .Vì thế, thánh Phaolô đã nói : Đền thờ của Thiên Chúa là thánh, và đền thờ đó chính là anh em.” Nhưng ân huệ này đòi hỏi chúng ta rất nhiều : “Anh em muốn có một thánh đường sáng láng ư ? Đừng để tội lỗi làm nhơ bẩn tâm hồn anh em. Nếu anh em muốn thánh đường được chiếu sáng, và Thiên Chúa muốn điều đó, hãy để ánh sáng của các việc lành chiếu sáng nơi anh em. . .” (Trích một bài giảng của thánh Césaire dArles, trong Giờ Kinh Sách).
* * *

Ngày 10.11
THÁNH LÊÔ CẢ
Giáo hoàng và tiến sĩ Hội Thánh (kh 395-461)
Lễ buộc

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Giáo hoàng Lêô có lẽ qua đời ngày 10 tháng 11 năm 461, và lễ nhớ ngài đã được chứng thực trong Sách Tử Đạo của thánh Hiêrônimô. Ở phương Đông, ngay từ xa xưa, lễ này được mừng vào ngày 18 tháng 1 tại thánh đường Sainte-Sophie ở Constantinople. Còn tước hiệu tiến sĩ Hội Thánh chỉ có từ 1754. Lăng mộ của ngài được đặt dưới hành lang của thánh đường Thánh Phêrô ở Rôma.

Thánh Lêô sinh vào cuối thế kỷ IV, có lẽ là người gốc Toscane, nhưng hấp thụ nền giáo dục Rôma. Là tổng phó tế thời các Đức Giáo Hoàng Celestin I và Sixte III, ngài nổi bật về sự nhiệt tình phục vụ Hội Thánh. Trong số những hoạt động của ngài, chúng ta chỉ kể ra đây một số quan trọng :

– Năm 430, vì lo lắng cho giáo lý chính truyền, ngài đã nhờ tới tu sĩ Jean Cassien người Marseille : “Xin giúp chúng tôi chống lại Nestorius, là người chủ trương Đức Kitô có hai ngôi vị…” Vị tu sĩ này trả lời bằng một khảo luận vững chắc về Nhập Thể, đề tặng cho tổng phó tế Lêô, “điểm son của Hội Thánh và của thừa tác vụ thánh”;

– Năm 439, nhờ tổng phó tế Lêô, Đức Sixte III lật tẩy được lạc thuyết của Julien dÉclane, giám mục ở Benevent, là người bênh vực thuyết Pêlagiô và bị truất ngôi sau đó;

– Năm 440, trong khi đang ở tại triều đình xứ Gaule trong sứ mạng hoà giải cuộc xung đột giữa tướng Rôma Aetius và tướng Gaulois Albitius, ngài được hàng giáo sĩ và giáo dân Rôma kêu gọi kế vị Đức Sixte III.

Hai mươi mốt năm giáo hoàng của ngài (440-461) có thể chia thành 2 thời kỳ, với những biến cố quan trọng nhất sau đây:

a. Năm 443, Đức giáo hoàng Lêô triệu tập ở Rôma một hội nghị để tố giác những lạc thuyết của phái Manikê từng bị Đức giáo hoàng Innocente I kết án năm 416 : tất cả tác phẩm của họ bị đốt hết. Ngài cũng làm như thế đối với phái Pêlagiô mà công đồng Êphêsô đã kết án cùng với phái Nestoriô năm 431 ; năm 437, ngài cũng chống lại phái Priscilla và kêu gọi một công đồng cấp quốc gia kết án phái này. Đức giáo hoàng cũng can thiệp trong lãnh vực kỷ luật tại châu Phi, để tạo điều kiện cho việc phong chức các giám mục. Về cuộc tranh cãi giữa ngài với đức Hilaire, giám mục thành phố Arles và là đại diện giáo chủ Rô-ma tại Gaule, ngài kêu gọi vị giám mục này trở về với trật tự và ra hình phạt đối với vị này. Như thế Đức Lêô có ý khẳng định uy quyền toàn cầu của giám mục Rôma. Ngài tuyên bố trong một lá thư viết năm 446 : “Rôma đề ra những giải pháp trong trường hợp được người ta yêu cầu ; những giải pháp này có giá trị sắc lệnh. Trong tương lai, Rôma sẽ ra những hình phạt theo luật.”

b. Trong thời kỳ thứ hai của đời giáo hoàng, ngài chủ yếu quan tâm tới việc bảo vệ tín lý về Nhập Thể chống lại Eutychès, với tất cả những bước thăng trầm gắn liền với Công đồng Chalcédoine (451).

Chúng ta nhắc lại những sáng kiến rất dồi dào của ngài. Trên bình diện giáo lý có bức thư nổi tiếng Thư gửi Đức Flavien. Trên bình diện phụng vụ : rất nhiều bản văn của Sách Bí Tích Vêrona cũng được gọi là “của Đức Lêô”. Trên bình diện chính trị, các sáng kiến cá nhân của ngài, như việc chống lại Attila, vua người Huns, ở Mantoue (452), hay chống lại Senséric, vua người Vandale, ở Rô-ma (455).Trên bình diện văn chương hay tu từ : 96 thiên khảo luận hay bài giảng liên quan tới 5 năm thi hành thừa tác vụ đầu tiên của ngài, và 173 lá thư.

Khi Đế quốc Rôma tới ngày suy tàn, và khi những đạo lý mới lạ ngày càng lôi cuốn người ta và các lạc giáo xưa kia nổi dậy trở lại, Đức giáo hoàng Lêô ý thức vai trò kế vị thánh Phêrô của mình, đã có những hành động quyết định đối với vận mệnh của Hội Thánh và của Đế quốc.

II. Thông điệp và tính thời sự

Các lời nguyện thánh lễ lấy từ Sách Bí tích Vêrona, làm nổi bật một số đặc điểm của thánh Lêô.

a. Lời Nguyện của ngày lấy ý từ Tin Mừng thánh lễ (Mt 16, 13-19), kêu mời tín hữu cầu nguyện để Hội Thánh, “được xây dựng trên đá tảng không lay chuyển của các thánh Tông đồ”, được luôn “vững vàng trong sự thật” và “bình an”.

Vào một thời kỳ đầy khủng hoảng và Đế quốc Rôma tan rã, thánh Lêô đã triển khai thần học về quyền tối thượng của giám mục Rôma đối với Hội Thánh toàn cầu. Như thế ngài thể hiện sứ mạng đảm bảo truyền thống công giáo bằng cách hăng say bảo vệ sự tinh tuyền của đức tin chống lại mọi lạc thuyết và nền ngoại giáo La -Hi. Ngài đứng lên chống lạc giáo Pêlagiô, Priscilla, Manikê. . . và chống cả những pháp sư, phù thuỷ và bói toán đang quyến rũ rất nhiều tín hữu của Chúa Giêsu Kitô.

Ngài có hành động đặc biệt trong cuộc tranh luận chống Êutychès, tu viện trưởng của một tu viện ở Constantinople. Bị lôi cuốn bởi sự hăng say chống lạc thuyết Nestoriô, Êutychès cuối cùng lại rơi vào lạc thuyết đối nghịch, cho rằng nơi Chúa Ki-tô chỉ có một bản tính duy nhất (thuyết một bản tính). Đức Lêô phản ứng bằng một khảo luận tín lý dưới dạng một lá thư gửi cho Đức Flavien, giáo chủ Constantinople: đó là tác phẩm nổi tiếng Thư gửi Đức Flavien trong đó vị thánh tiến sĩ công bố rõ ràng Lời tuyên xưng (Credo) của Kitô giáo về mầu nhiệm Nhập Thể: “Đấng là Thiên Chúa thật sinh ra trong một bản tính hoàn hảo và toàn vẹn của con người, hoàn toàn trong bản tính của Người, hoàn toàn trong bản tính của chúng ta. . .Đấng là Thiên Chúa thật cũng là người thật. . .”

Năm 451, hoàng đế Marcianô thoả thuận với Đức giáo hoàng triệu tập công đồng Chalcédoine, là Công Đồng Chung thứ 4, do các đặc sứ của giáo hoàng chủ tọa. Tại công đồng này đã hình thành tín điều liên quan tới Chúa Giêsu Kitô : “Chúng tôi tuyên xưng chỉ có một Đức Giêsu Kitô duy nhất. . . Sự kết hợp không xoá bỏ các bản tính, mà trái lại các thuộc tính của mỗi bản tính được duy trì và thống nhất nơi một ngôi vị duy nhất.” Công đồng phê chuẩn bằng lời ca ngợi giáo huấn của Đức Lêô trong Thư gửi Đức Flavien, được đọc cho hội nghị: “Đây đúng là đức tin của các Tông đồ. Thực vậy, đúng là thánh Phêrô đã nói qua miệng Đức Lêô.”

Điệp ca của bài Magnificat : “Mỗi ngày, trong Hội Thánh, thánh Phêrô tuyên xưng : Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”, làm vọng lại lời lẽ trong lá thư Đức Lêô viết cho giám mục Hilariô thành Arles: “Thiên Chúa, Đấng đã truyền cho các tông đồ sứ mạng rao giảng Tin Mừng, đã đặt thánh Phêrô lãnh đạo tất cả các tông đồ, để từ thánh Phêrô, trong tư cách là đầu, các ân huệ của Chúa có thể đổ tràn xuống toàn thân ; và ai dám cắt lìa khỏi sự duy nhất với thánh Phêrô, người ấy không được dự phần vào nhiệm cục cứu độ của Chúa.”

Thánh Lêô thật xứng đáng nhận tước hiệu Đức Lêô Cả. Đức Giáo Hoàng Sergiô I (687-701) đã đề tặng trên mộ ngài văn bia này : “Các tác phẩm, thư từ của ngài chứng thực giáo lý chính xác của ngài. Các tâm hồn đạo đức tôn sùng chúng, quân vô đạo sợ hãi chúng. Sư tử đã gầm lên, tim của mọi dã thú run lên vì khiếp sợ, nhưng đoàn chiên thì đi theo các lệnh truyền của chủ chiên.”

Mọi hoạt động của vị giáo hoàng này luôn đi kèm với một thái độ lạc quan cơ bản và một sức mạnh thanh thản. Ngài giảng như thế này khi cử hành lễ Giáng Sinh : “Chúng ta hãy vui mừng, vì không ai được phép buồn sầu trong ngày sự sống sinh ra. . . Người tội lỗi hay vui mừng, vì họ được mời lãnh ơn tha tội. Người ngoại đạo hãy can đảm lên, vì họ được kêu gọi vào sự sống. Người Kitô hữu, hãy ý thức phẩm giá của mình… Hãy nhớ lại anh em thuộc về vị thủ lãnh nào, và anh em là chi thể của thân mình nào.” Thánh Lêô trước hết là một con người của Chúa, và Luật Chúa ghi tạc trong tim ngài (Tv 36).

Thánh Lêô Cả được trình bày trong nhiều bức họa, trong đó phải kể đến những bức phù điêu của Fra Angelico và một bức hoạ của Raphael (Thánh Lêô ngăn chặn Attila), tại viện bảo tàng Vaticanô. Ngoài ra, một bức thảm danh tiếng của Gobelins (thế kỷ XVII), được trưng bày ở cung điện các giáo hoàng ở Avignon, vẽ hình Thánh Lêô ngăn chặn Attila trước cổng thành Rôma.
* * *

Ngày 11.11
THÁNH MARTIN DE TOURS
Giám mục (khoảng 317-397)
Lễ buộc

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Martin de Tours mất ngày 8 tháng 11 tại Candes (Touraine). Lễ nhớ được mừng từ thế kỷ VIII, vào ngày 11 tháng 11, là ngày ngài được an táng tại thành phố Tours. Nhưng ở Gaule, việc tôn kính ngài đã phổ biến từ thế kỷ V.
Tên gọi Martin lấy từ tiếng Latinh Martinus = thần Marx nhỏ, thần chiến tranh. Theo ông Sulpice Sévère († 420), học trò và người viết tiểu sử ngài, ngài sinh tại Pannonie (Hungari) khoảng năm 317. Là con một sĩ quan Rôma, ngài được học hành tại Pavia (Ý) và được chiêu mộ vào đội cận vệ hoàng gia. Tuy cha mẹ ngài là dân ngoại, ngay từ tuổi nhỏ, ngài đã xin học đạo. Được gửi sang Gaule, người lính trẻ này khi đến cổng thành Amiens đã chia sẻ áo choàng của mình cho một người nghèo. Đêm hôm sau –Sulpice Sévère thuật lại– thánh Martin “thấy Đức Kitô mặc một nửa tấm áo choàng mà ngài đã phủ lên người nghèo khổ kia. Và ngài nghe Chúa Giêsu nói với các thiên thần bằng một giọng nói vang dội : Trong khi còn là người dự tòng, Martin đã mặc cho Ta tấm áo này.”

Ngài rời bỏ binh nghiệp và chịu phép rửa tội năm 20 tuổi, rồi trở thành học trò của thánh Hilariô, giám mục thành Poitiers. Giám mục Hilariô ban chức trừ tà cho ngài. Khi giám mục của ngài bị phe lạc giáo Arius bắt lưu đày, thánh Martin đã đến tận Pannonie để cải hóa mẹ ngài theo đạo. Sau đó ngài trở lại Gaule qua vùng Illyria và Bắc Ý rồi đến Poitiers với thánh Hilariô, lúc đó đã từ nơi lưu đày trở về.

Ở Ligugé, trong vùng Vienne, ngài lập tu viện đầu tiên ở Gaule. Nhờ lời cầu nguyện, ngài làm cho một người dự tòng đã chết sống lại, nhờ đó danh tiếng ngài lan rộng khắp vùng. Nhiều môn đệ đi theo ngài.

Thánh Martin được chọn làm giám mục thành Tours năm 371 : nhiệm kỳ giám mục của ngài đánh dấu sự phát triển của Kitô giáo trong vùng Gaule phía tây. Vì có ơn gọi tu sĩ, ngài lập gần thành phố Tours một tu viện tên là Marmoutier ; từ đó ngài thường xuyên cư ngụ trong tu viện này. Các môn đệ qui tụ quanh ngài rất nhiều, trong đó phải kể đến Paulin của Bordeaux, sau này là giám mục Nole, và nhà chép sử Sulpice Sévère, tác giả cuốn Tiểu sử Thánh Mác-ti-nô, tác phẩm có công lớn trong việc phổ biến tiểu sử của vị thánh thành Tours. Công cuộc truyền giáo của thánh Martin mở rộng ra bên ngoài giáo phận. Ngài rảo qua khắp vùng Touraine, Berry, Auvergne. . . Người ta gặp ngài ở Autun, ở Paris. Trong những vùng đồng quê, ngài đã tổ chức những giáo xứ đầu tiên và nhiều tu viện được thiết lập với các tu sĩ truyền giáo theo gương thánh Martin, vừa chăm lo đời sống tu đức, vừa hăng say hoạt động rao giảng tin mừng.

Là con người hoà bình, thánh Martin kết thúc cuộc đời ở Candes, gần thành phố Tours, nơi ngài đến để hoà giải hàng giáo sĩ đang chia rẽ. Hôm đó là ngày 8 tháng 11 năm 397. Ngài được an táng ở Tours, thành phố có toà giám mục của ngài, và phần mộ này đã trở thành trung tâm hành hương đầu tiên ở Gaule. Thánh Martin là một trong số các thánh đầu tiên được tôn kính mà không phải là một thánh tử đạo. Người ta kể ra rất nhiều phép lạ ngài đã làm ; không vị thánh nào trong thời Pháp cổ xưa nổi tiếng như ngài. Bốn ngàn ngôi nhà thờ được dâng kính ngài và gần năm trăm làng mang tên của ngài.

Các ảnh thánh về ngài rất nhiều, thường vẽ ngài dưới dạng một lính lê dương Rôma hay một giám mục với mũ gậy, hay như một người làm phép lạ. Truyền thống dân gian đã giữ lại kỷ niệm về ngài qua lễ hội Mùa hè của lễ thánh Martin : người ta đặt tên như thế cho những ngày đẹp trời cuối cùng mà người ta thường tổ chức quanh ngày 11 tháng 11.

II. Thông điệp và tính thời sự

Lời Nguyện của ngày lấy ý tưởng từ cuốn Tiểu sử Thánh Martin của Sulpice Sévère, cũng như các điệp ca của Các Giờ Kinh Phụng Vụ : “Lạy Chúa, Chúa được tôn vinh nơi đời sống và cái chết của thánh giám mục Martin, xin canh tân nơi lòng chúng con những điều kỳ diệu của ơn sủng Chúa, để dù sự chết hay sự sống cũng không thể chia lìa chúng con khỏi tình yêu ngài.”

“Đời sống chứng tá” của thánh Martin, người lính, linh mục, giám mục, tu sĩ truyền giáo… chứng tỏ là một gương mẫu hoàn hảo của người chiến sĩ Chúa Kitô, biết qui hướng trước hết vào việc khám phá ra Chúa Giêsu nơi những anh em nghèo khổ nhất, hèn mọn nhất. Lời Tin Mừng (Mt 25, 31-40) : … Ta mình trần các ngươi đã cho mặc, và điệp ca Hiệp lễ : … Tất cả những gì các ngươi đã làm cho một trong số những người bé mọn này… đều chỉ về “lòng bác ái của thánh Martin” với điển hình là hành vi chia sẻ trên đường đến Amiens. Cái chết gương mẫu của thánh nhân cũng được nhắc đến trong Các giờ kinh Phụng vụ. Quả thực, chúng ta đọc trong đó : “Thánh Martin, con người khiêm nhường và nghèo khó ở dưới đất, nhưng giàu có Thiên Chúa, đã được đón nhận vào lòng ông Ábraham”(Điệp ca 3, Giờ Kinh Sáng). Điệp ca này lấy ý từ bài đọc tiểu sử của ngài : “Ngài (thánh Martin) thấy ma quỉ đứng gần ngài : “Mày đứng đây làm gì, hỡi con ác thú ? Đừng hòng làm gì được tao ; ông Ábraham sẽ đón nhận tao vào lòng Ngài.” (Tiểu sử thánh Martin của Sulpice Sévère). Cái chết lành thánh của ngài còn được nhắc đến trong điệp ca 2 của Kinh Sáng: “Hai tay và cặp mắt hướng lên trời, ngài để lòng trí ngài chìm sâu vào kinh nguyện.”

Tác giả Sulpice Sévère ghi lại những lời thánh Martin nói với anh em tu sĩ của mình : “Anh em hãy để tôi nhìn lên trời…” Cũng thế, lòng sẵn sàng vâng theo thánh ý Thiên Chúa của ngài được làm nổi bật trong Điệp ca 2 của Giờ Kinh Chiều, trích từ Tiểu sử thánh Martin : “Lạy Chúa, nếu con còn có ích cho dân tộc con, con sẽ không từ chối làm việc. Xin cho ý Chúa được thể hiện.” Ngài đã trả lời như thế khi các anh em tu sĩ than khóc : “Cha ơi, sao cha bỏ chúng con ?.. Bày lang sói sẽ tấn công đoàn chiên của cha.”

Lời Nguyện trên lễ vật nhấn mạnh những “thử thách” của đời này và ám chỉ tới lòng can đảm của thánh Martin cũng như những đau khổ ngài đã phải chịu vì Tin Mừng. Luôn luôn trên đường đi loan báo Tin Mừng, ngài chiến đấu chống lại lạc giáo Arius ở Illyria và Milan, khiến ngài phải bị đánh đòn nơi công cộng, bị trục xuất và bị bạo hành. Cũng thế, với những người ngoại đạo, ngài luôn là mục tiêu tấn công của họ vì ngài phá huỷ các đền thờ và chặt bỏ những cây linh thiêng của họ. Vào cuối đời, ngài bị bách hại bởi các giám mục và linh mục khi họ chỉ trích quá khứ quân đội của ngài, lòng tốt lành đối với những kẻ lầm đường lạc lối, và đời sống đơn sơ của ngài. Chính vì vậy điệp ca của kinh Magnificat đọc: “Hạnh phúc thay thánh Martin ! Ngài đã yêu mến Vua Trời mà không sợ hãi các thế lực trần gian ! Ngài đã nhận cành cọ chiến thắng.” Và Đáp ca của Giờ Kinh Sách khích lệ chúng ta : “Đừng sợ hãi khiếp đảm : Chúa là Thiên Chúa của bạn ở với bạn bất cứ nơi nào bạn đến.”

Sulpice Sévère kết thúc sách tiểu sử thánh Martin bằng những lời sau : “Tôi hi vọng từ trên trời, ngài nhìn xuống và bảo vệ chúng ta, tôi là người viết, và bạn là người đọc những giòng này.”
* * *

Ngày 12.11
THÁNH JOSAPHAT
Giám mục và tử đạo (khoảng 1580-1623)
Lễ buộc

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Josaphat chịu tử đạo tại Vitebsk (Biélorussie) ngày 12 tháng 11 năm 1623, được phong thánh năm 1867 và được ghi vào niên lịch năm 1882. Lễ nhớ ngài làm chúng ta sống lại một trong những trang sử bi hùng nhất của lịch sử đại kết.

Thánh Josaphat tên thật là Jean Kuncewycz, sinh khoảng năm 1580 ở Wolodymyr (Ucraina) trong một gia đình quí tộc theo chính thống giáo, từ tuổi trẻ đã gắn bó với Giáo Hội Ucraina hiệp nhất với Rôma, sau khi ngài bỏ nghề buôn bán tại Vilna (Lituanie), trung tâm văn hóa và tôn giáo của dân tộc Ruthènes. Dân tộc này đã được rao giảng Tin Mừng bởi người Hi Lạp, nhưng sau cuộc ly khai của Photius (thế kỷ X) và của Michel Cérulaire (1054), họ bỏ Giáo Hội Rôma để theo phái ly khai phương Đông.

Jean Kuncewycz tin rằng chỉ có các tu sĩ khổ hạnh và những người thấm nhuần phụng vụ mới có thể đưa các anh em Ruthènes ly khai trở về hiệp nhất với người công giáo. Từ thế kỷ XIV, người công giáo đã thiết lập những giáo phận la-tinh ở Ruthènes.

Năm 1595, một thượng hội đồng miền đã diễn ra tại Brest-Litovsk (Biélorussie) và quyết định sự hiệp nhất của Giáo Hội Ruthènes với Rôma, với sự phê chuẩn của Đức giáo hoàng Clément VIII. Năm 1604, Jean gia nhập dòng thánh Basilius, tại tu viện Chúa Ba Ngôi ở Vilna, tại đây ngài lấy tên là Josaphat. Từ lúc đó, ngài hoàn toàn dấn thân vào việc dẫn đưa các anh em ly khai trở về hiệp nhất ; ngài viết một khảo luận hộ giáo (1617), trong đó ngài thu thập những bản văn hoàn toàn bằng tiếng Slavơ có nội dung bênh vực sự hiệp nhất Hội Thánh. Đây là thời kỳ vùng đất Ruthènes bị phân chia thành ba Giáo Hội : Giáo Hội công giáo theo nghi lễ la-tinh, Giáo Hội ly khai Hy lạp với các thế lực liên minh được Constantinople và Mascơva ủng hộ, và sau cùng là Giáo Hội công giáo theo nghi lễ Hy lạp. Thánh Josaphat là tập sinh đầu tiên của tu viện Chúa Ba Ngôi, là tu viện đầu tiên của dòng thánh Basilius gắn bó với sự tái thống nhất với Giáo Hội Rôma. Sau đó ngài trở thành tu viện trưởng của tu viện này. Được phong giám mục của Polotz (1617), ngài sống trong một xứ sở có rất đông người ly giáo. Vì thế trong nhiều năm, ngài dấn thân không mỏi mệt cho việc rao giảng, cải cách, tổ chức các thượng hội đồng và cũng ra những hình phạt chống lại những giáo sĩ bất xứng.

Nhưng tất cả những hoạt động này đã khơi dậy những phản ứng quyết liệt của giới quí tộc Ruthènes, vì họ thấy bị đe doạ mất hết những đặc quyền của giới quí tộc nhờ gắn liền với nghi lễ quốc gia, và họ chống đối việc du nhập các tập tục la-tinh ; ngài cũng còn bị dân chúng chống đối, vì không thích có những thay đổi.

Cuộc tấn công chống lại thánh Josaphat khởi sự từ giáo chủ của Giêrusalem, người Byzantin, Théophane III ; vị này đã đến Ucraina năm 1621 và đã truyền chức các giám mục ly giáo cho mọi giáo phận của Ruthènes. Tại Léon Sapieha, ông đã liên kết với thủ tướng của Lituanie chống lại thánh Josaphat. Thế là thánh nhân bị tố cáo là phá hoại hoà bình xã hội, bị sát hại một cách rất dã man đang khi ngài trở về nhà, sau khi tham dự phụng vụ ở nhà thờ lớn Vitebsk trong một cuộc kinh lý mục vụ. Thi thể ngài bị ném xuống sông Dvina.

II. Thông điệp và tính thời sự

Các bản văn phụng vụ ca mừng đời sống và cuộc tử đạo của thánh Josaphat, người đã hi sinh mạng sống mình vì sự hiệp nhất của Hội Thánh.

a. Lời Nguyện của ngày nhấn mạnh việc thánh giám mục Polotz đã hiến mạng sống mình vì dân. Sự dâng hiến này là tột đỉnh của mọi hoạt động tông đồ của ngài, được thánh hiến trên hết cho sự hiệp nhất của Hội Thánh qua lời rao giảng và việc viết lách của ngài. Ngài cũng quan tâm tới việc cải cách hàng giáo sĩ, phần lớn thường dốt nát và hư hỏng. Ngài nói với họ những lời van nài khẩn thiết : “Vì Thiên Chúa vĩnh cửu, chúng tôi nài xin các linh mục của chúng tôi.” Để dạy dỗ dân chúng, ngài soạn cuốn Giáo Lý Cơ Bản và theo đuổi việc cải cách của mình bằng cách công bố những sắc lệnh của các Thượng hội đồng, phục hồi các tu viện và hăng say bảo vệ sự chính thống và các quyền lợi của người Ruthènes hiệp nhất với Giáo Hội công giáo. Khi những gia nô xông vào nơi ở của ngài, ngài nói với họ những lời sau đây để bảo vệ những người trong nhà đang bị họ đe dọa và đánh đập : “Xin Thiên Chúa ở với các con ; nhưng tại sao các con lại hành hạ các tôi tớ của cha ? Nếu có điều gì chống lại cha, thì này cha đây.” Và ngay trước khi chết, lúc sắp sửa ngã gục dưới lưỡi đao và búa, ngài còn nói với các kẻ thù : “Các anh ghét tôi đến chết được, nhưng tôi luôn ôm ấp anh em trong lòng tôi, và tôi vui lòng chết vì anh em.”

b. Lời Nguyện trên lễ vật, chúng ta cầu xin Chúa “kiên cường nơi chúng ta đức tin mà thánh Josaphat đã anh dũng bảo vệ bằng chính máu của ngài.”

Thông điệp Hội Thánh Thiên Chúa của Đức Giáo Hoàng Piô XI, được đọc vào dịp mừng 300 năm ngày thánh Josaphat tử đạo (1923), mô tả thánh nhân là “người bảo trợ lỗi lạc nhất và cao quí nhất cho dân tộc Slavơ phương Đông”, người có ơn gọi “tái lập sự hiệp nhất Kitô giáo trên toàn thế giới.” Đức Piô XI cũng nhắc nhớ rằng thánh Josaphat, “lo lắng trên hết cho sự hiệp nhất của đồng bào của ngài với tòa thánh Phêrô..sau khi đã chuẩn bị hết sức chu đáo, ngài thực hiện việc tái lập sự hiệp nhất, và đã lao mình vào công việc này với tất cả sức lực và sự dịu dàng, đồng thời với thành công to lớn, khiến chính kẻ thù của ngài đã mệnh danh ngài là kẻ ăn cắp các linh hồn” (Giờ Kinh Sách).

* * *

Ngày 15.11
THÁNH ALBERT LE GRAND
Giám mục và tiến sĩ Hội Thánh (kh 1206-1280)
Lễ nhớ

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Albertô Cả qua đời tại Cologne ngày 15 tháng 10 năm 1280, và lễ nhớ ngài là ngày giỗ của ngài. Ngài được Đức Giáo Hoàng Grégoire XV phong chân phước ngày 15 tháng 9 năm 1622, và được Đức Piô XII phong thánh với tước hiệu tiến sĩ Hội Thánh ngày 16 tháng 12 năm 1931. Ngài cũng là “thánh bổn mạng của tất cả những ai chuyên nghiên cứu các khoa học vật lý và tự nhiên” (Piô XII).

Thánh Albert sinh tại Lauingen (Bavière), trên bờ sông Danube, khoảng năm 1206. Cha ngài là một sĩ quan cận vệ của vua Fréderic II. Năm 1222, chàng thanh niên Albert vốn tỏ ra có nhiều đức tính, đặc biệt óc quan sát và sự ham thích thí nghiệm, nên được gửi đến thành phố đại học Bologne. Tại đây ngài gặp vị tu sĩ lỗi lạc Jourdain de Saxe, bề trên tổng quyền Dòng Đaminh, biệt danh là “tiếng còi hụ của các trường học” và ngài xin gia nhập giòng Anh Em Thuyết Giáo.

Năm 1229, tại Padua, thày nhận áo dòng thánh Đa-minh từ chính cha Jourdain de Saxe, và cha nhận ra thày là một con người “thực sự cao quí, cả thể chất lẫn tinh thần” (Thư gửi Diane dAndalo).

Năm 1228, thầy Albert sống tại Cologne, thành phố đại học, tại đây thầy vừa dạy học vừa theo đuổi việc nghiên cứu. Nhận thấy rõ sự xâm nhập ồ ạt của khoa học Hi Lạp và Ả Rập ở phương Tây, “Thầy Albert” là người tiên phong lao mình vào việc nghiên cứu các bản văn ─đã dịch sang tiếng la tinh─ của ba “triết gia-y sĩ” lỗi lạc trong việc truyền bá tư tưởng Aristote: Avicenne, Averroes, và Maimonide. Thế là Aristote được thánh Albert đánh giá là “triết gia siêu hình tinh tế”, và không bị phủ nhận, trái lại còn được chấp nhận và “Kitô hóa”. Triết học Aristote bấy giờ trở thành “nữ tì” của tín lý Kitô giáo, vì theo Maimonide trong Hướng dẫn những người lầm lạc, thì “suy tư triết học không mâu thuẫn với mạc khải, trái lại còn giúp hiểu mạc khải rõ hơn.”

Từ 1245 đến 1248, thầy Albert giảng dạy ở Paris và tiếp tục việc học hỏi và nghiên cứu, luôn luôn trung thành với việc suy gẫm mỗi ngày một trang Kinh Thánh. Cho tới hôm nay, nhiều nơi trong thủ đô còn gợi nhớ đến vị thánh tiến sĩ: công trường Maubert (viết tắt của chữ Magister Albertus), đường Maỵtre-Albert… Trong số các học trò của ngài có thánh Thomas dAquin, vị “tiến sĩ thiên thần” tương lai.

Cuối năm 1248, thánh Albert trở về Cologne, tại đây ngài lập Trường Thần học Cao cấp (Studium Generale). Thánh Thomas theo ngài làm học trò, được ngài gửi sang Pháp với lời nhắn nhủ sau : “Bây giờ con hãy trở về Paris, vì con thông minh hơn thầy.” Có thiên khiếu hoà giải, thánh Albert đứng ra làm trọng tài cho nhiều vụ xung đột, trong đó có cuộc xung đột giữa thành phố Cologne với vị tổng giám mục của ngài. Năm 1254, ngài được chọn làm bề trên tỉnh dòng Đaminh vùng Teutonie, gồm nước Đức, Alsace, Bỉ và Hà Lan. Khi ấy ngài phát động phong trào nghiên cứu. Ngài nói với các hội viên tu sĩ của ngài : “Anh em hãy là ánh sáng thế gian và nhà vô địch đức tin”. Ngài cũng trông coi việc tuân giữ hiến pháp Dòng và không ngần ngại ra những hình phạt khi cần.

Năm 1256, thầy Albert đến thành phố Anagni thuộc quyền giáo hoàng, gần Rôma, để bênh vực trước Đức giáo hoàng Alexandrô IV cho vụ kiện các Dòng Khất Sĩ bị tố cáo bởi các giáo sĩ “triều” cho rằng họ là những kẻ lừa đảo khi dám kết hợp việc nghiên cứu với sự nghèo khó. “Các ông là tai ương của thời đại mới !” nhà thần học của Paris tên là Guillaume de Saint-Amour tuyên bố. Thánh Albert và thánh Bonaventura đáp lại : “Trái lại, chúng tôi là niềm hi vọng cho thời đại mới !” Đức giáo hoàng xử các “khất sĩ” thắng kiện, và phong Albert làm giám mục Ratisbonne.

Nhưng đây là một thất bại ! Sau hai năm giám mục (1160-62), ngài từ chức. Ở tuổi 60, thầy Albert tiếp tục viết các tác phẩmvà sẵn sàng cho các hoạt động truyền giáo. Năm 1263, ngài thất bại trong cố gắng phát động cuộc thập tự chinh thứ tám trong vùng nói tiếng Đức, sau đó ngài lại tiếp tục việc giảng dạy : ở Wurzbourg (1264), ở Strasbourg (1267) và ở Cologne (1270). Năm 1274, là năm thánh Thomas Aquinô qua đời, thánh Albert tham dự Công đồng Lyon, tại đây “Người phương Đông và phương Tây─theo ghi nhận của vị thánh tiến sĩ─cùng nhau hát chung Kinh Tin Kính bằng tiếng la tinh rồi bằng tiếng Hy lạp”. Năm 1277, khi giám mục Tempier của Paris kết án những luận đề của thánh Thomas, thánh Albert trở lại Paris để biện hộ cho học trò của mình. Thánh nhân tuyên bố về thánh Thomas Aquinô như sau : “Ngài vẫn đang sống giữa chúng ta bằng sự uyên bác và thánh thiện của ngài.”

Những năm cuối đời, thánh Albert Cả mắc những chứng bệnh nghiêm trọng : mắt bị mù và mất trí nhớ. Ngài luôn ở nơi cô tịch “để cầu nguyện và ca hát”, theo lời kể của người viết sử, H. Hedford. Ngài qua đời tại Cologne ngày 15 tháng 11 năm 1280, hưởng thọ gần 80 tuổi, để lại mọi tài sản của mình cho các công cuộc từ thiện.

II. Thông điệp và tính thời sự

a. Lời Nguyện của ngày, thánh Albert biết “phối hợp kiến thức loài người với chân lý mạc khải”. Các tước hiệu “cao cả” và “tiến sĩ hoàn vũ” mà người ta dành cho ngài nói lên công trình vô song của ngài như là người mở đường cho công trình tổng hợp của thánh Thomas Aquinô, và cả của khoa học thời cận đại. Ngài giảng dạy triết học như một khoa học độc lập, và nhất là như một “nữ tỳ của thần học”: như thế ngài đã mở đường cho phương pháp kinh viện trung thực nhất. Xác tín rằng giữa khoa học và đức tin có sự phân biệt nhưng không mâu thuẫn, ngài đã chăm chỉ quan sát và thí nghiệm.

b. Phụng vụ Giờ Kinh Sách trích một bài bình luận của thánh Albert Cả về phép Thánh Thể, với một sự rõ ràng đáng kinh ngạc : “Chúa không thể truyền cho chúng ta một điều gì ích lợi hơn, êm ái hơn, tốt lành hơn, đáng yêu hơn, mang lại sự sống vĩnh cửu hơn… Bí tích này là bí tích của cây mang quả trường sinh… Bí tích này thể hiện tình yêu và sự hợp nhất… Giống như thể Chúa nói : Họ không thể kết hợp với Ta, và Ta với họ, một cách thâm sâu và gần gũi hơn… Trong sự dịu dàng của Người, Thiên Chúa tự trao ban chính mình cho những con người có phúc.”

c) Trong một sắc thư năm 1933, Đức giáo hoàng Piô XI tuyên bố : “Giọng nói hùng hồn của thánh Albert Cả vang lên trong các tác phẩm tuyệt vời của ngài. Giọng nói đó la to lên cho chúng ta với tất cả sức lực rằng khoa học đích thực, đức tin và đời sống dựa trên đức tin có thể hoà hợp trong tinh thần con người, thậm chí bắt buộc phải như vậy, vì đức tin siêu nhiên vừa bổ túc cho khoa học, vừa là đích điểm hoàn hảo nhất của khoa học.”

Một phần quan trọng trong tác phẩm của thánh Albert được dành cho Đức Maria, mà thánh nhân đã học biết và cầu nguyện với Người từ tuổi trẻ, khi đang thời kỳ nhà tập : “Bao giờ chúng ta sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng dung nhan dịu dàng của Đức Maria, Mẹ chúng ta, mà chúng ta đã từng khao khát bấy lâu ở trần gian này ? Bao giờ chúng ta sẽ được sống gần Me ? Chúng ta có đủ kiên trì không ? Khi ấy chúng ta sẽ nghe Mẹ nói : Các con của Mẹ, đây là Mẹ của các con. Các con của Mẹ, đây là Giêsu, anh của các con!”
* * *

Ngày 16.11
THÁNH MARGUERITE DÉCOSSE
(TÔ CÁCH LAN, khoảng 1046-1093)
Lễ nhớ

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Marguerite qua đời tại Edinburg, Tô Cách Lan, ngày 16 tháng 11 năm 1093. Lễ nhớ trước kia mừng vào ngày 19 tháng 6, nay được mừng đúng ngày giỗ của ngài, 16 tháng 11. Ngài là bổn mạng nước Tô Cách Lan.
Thánh Marguerite là cháu nội thánh Stephan nước Hungari. Ngài sinh khoảng năm 1045 tại Hungari, trong thời kỳ gia đình sống lưu vong tại đây. Năm 1057 ngài được trở về nước Anh, quê hương ngài, sau cuộc trở về của vua Édouard, anh cùng cha khác mẹ với ngài, sau này cũng làm thánh. Nhưng vài năm sau, thánh Marguerite cùng gia đình lại phải lánh nạn sang Tô Cách Lan, vì cuộc chiến do Guillaume Nhà Chinh Phục dấy lên chống lại vua Harold II, và vua đã thua trận ở Hastings năm 1066.

Tại Tô Cách Lan, quyền bính nằm trong tay bạo chúa Malcom III, biệt danh là “tên Khát máu”, vì đã tru diệt tất cả những người ủng hộ Macbeth. Vua này đã cưới Marguerite. Bà trở thành hoàng hậu nước Tô Cách Lan. Là người phụ nữ có học và người vợ gương mẫu, ngài đã thành công làm cho vua bỏ đi những thói quen man rợ và biến đổi triều đình. Ngài được tám người con, trong đó hai con làm thánh : Thánh Đavít và thánh Édith, sau này làm hoàng hậu nước Anh dưới danh hiệu Mathilde.

Theo Tiểu sử thánh Marguerite Tô Cách Lan do cha giải tội của ngài là Theodoric Dunfermline viết, ngài triệu tập một Công đồng cấp quốc gia, tại đó người ta loại bỏ các lạm dụng (cử hành Thánh Thể chung với các nghi lễ ngoại giáo, hôn nhân giữa những người họ hàng gần…) và đưa vào các cải cách (Mùa chay bắt đầu bằng thứ tư Lễ Tro, rước lễ mùa phục sinh, nghỉ ngày Chủ nhật…). Thánh Marguerite còn tỏ ra là một nhà thần học ; với những người nói với ngài : “Chúng tôi là người tội lỗi, chúng tôi thà không rước lễ còn hơn rước lễ bất xứng”, ngài trả lời : “Nhưng Hội Thánh tiếp nhận mọi người tội lỗi biết ăn năn sám hối.”

Trong mùa Vọng và mùa Chay, ngài thực hành việc hãm mình nghiêm nhặt và cầu nguyện. Theo nhà viết tiểu sử, ngài cũng xây các tu viện, thánh đường và nhà trọ cho những khách vãng lai và chuộc lại những tù nhân người Anh bị giam giữ ở Tô Cách Lan. Vị nữ hoàng thánh thiện này qua đời chỉ một thời gian ngắn sau khi chồng và con trai cả của ngài bị giết trong trận chiến chống lại Guillaume Râu Đỏ của nước Anh. Trước khi trút hơi thở, ngài đọc bằng tiếng la-tinh lời nguyện lúc chuẩn bị rước lễ : “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. . .”. Ngài được an táng trong tu viện Dunfermline do chính ngài đã xây cất.

Dân chúng Tô Cách Lan tự động phát triển lòng sùng kính vị nữ hoàng thánh thiện của họ. Năm 1673, thánh Marguerite được Đức giáo hoàng Clément X tôn làm bổn mạng nước Tô Cách Lan, và năm 1693, việc sùng kính ngài được mở rộng cho Hội Thánh toàn cầu.

II. Thông điệp và tính thời sự

Lời Nguyện của ngày khen ngợi thánh Marguerite là vị thánh “kỳ diệu” đã thể hiện “lòng bác ái cao cả đối với người nghèo”. Ngài không chỉ hài lòng là một người vợ gương mẫu biết dung hoà tình yêu vợ chồng và gia đình với một đời sống tôn giáo sâu đậm. Mỗi ngày ngài đọc nhiều Giờ Kinh Phụng vụ và hết sức sốt sắng tham dự Thánh Thể, được cử hành trọng thể. Ngài cũng dấn thân vào rất nhiều công cuộc từ thiện. Mỗi ngày, ngài phục vụ cho 80 người nghèo trước khi ngài dùng bữa, và rửa chân cho 6 người trong số họ. Vào mùa Vọng và mùa Chay, ngài không chịu vào bàn ăn trước khi đã phục vụ cho 300 người nghèo trong một căn phòng to lớn.

Là mẹ của tám người con, ngài cũng là một người vợ trung thành, cộng tác hoàn toàn vào việc cai trị đất nước. Ngài có ảnh hưởng to lớn đối với vua là chồng của ngài, ngài làm dịu bớt những thói tục man rợ của ông và góp phần một cách hiệu quả và lâu bền vào việc canh tân tôn giáo cho dân Tô Cách Lan. Ví dụ sau đây làm chứng sự thánh thiện của đời sống hôn nhân và gia đình của ngài: “. . . Gia đình Kitô giáo, vì phát sinh từ hôn nhân là hình ảnh và là sự tham dự vào giao ước tình yêu kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, nên sẽ tỏ cho mọi người thấy sự hiện diện sống động của Đấng Cứu Thế trong thế giới, và bản chất đích thực của Hội Thánh. Gia đình Kitô giáo sẽ làm điều đó nhờ tình yêu vợ chồng, sự quảng đại trong việc sinh sản, sự hợp nhất và trung thành của vợ chồng, sự hoà hợp của mọi phần tử trong gia đình.”

Bài đọc I (Sách Châm ngôn 31, 10. . .31) và Tin Mừng (Mt 13, 44-46) của thánh lễ nói về những viên ngọc hay châu ngọc rõ ràng ám chỉ tới tên của thánh nữ. Thực vậy, tên của ngài tiếng la-tinh là “margarita” có nghĩa là châu ngọc. Các tranh ảnh thánh trình bày thánh Ma-ga-ri-ta là một hoàng hậu đang làm việc bác ái cho người nghèo.
* * *

Cùng Ngày 16.11
THÁNH GERTRUDE
Trinh nữ (khoảng 1256-1301/2)
Lễ nhớ

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Gertrude qua đời ngày 17 tháng 11 năm 1301 (hay 1302) tại tu viện Helfta, miền Saxe (nước Đức). Ngài được ghi tên trong Sách Tử Đạo năm 1678 và trong lịch Rôma năm 1737. Trong một lá thư toàn xá cho ngày lễ thánh Anschaire thành Brême năm 1360, người ta đã nhắc đến việc sùng kính thánh nữ Gertrude. Lễ nhớ được mừng ngày 16 tháng 11, vì lễ nhớ thánh Élisabeth của Hungarie rơi vào ngày 17. Thánh Gertrude là bổn mạng người Ấn Độ phía tây.

Sinh năm 1256, từ 5 tuổi cô bé Gertrude đã vào sống trong tu viện Helfta, được thành lập từ năm 1229, sống theo qui luật thánh Biển Đức, nhưng trong bầu khí Xi-tô. Tại đây, ngài được hấp thụ một nền giáo dục hoàn hảo trong lãnh vực văn học và nghệ thuật (văn chương cổ điển, ca hát, thêu thùa và vẽ trang trí sách), dưới quyền của mẹ bề trên Gertrude de Hackeborn, em gái của thánh nữ Mechtilde ; đan mẫu này là chị giáo tập của Gertrude.

Khoảng tuổi 25, thánh nữ đã có những kinh nghiệm chiêm niệm và thần bí đầu tiên. Ngài bị cuốn hút bởi khoa linh đạo phụng vụ đặc trưng của tu luật Biển Đức và học thuyết của thánh Augustinô và thánh Bênađô. Được Chúa ban cho nhiều mạc khải, ngài được Chúa truyền ghi lại sứ điệp Chúa muốn ban cho loài người.

Tác phẩm viết của thánh Gertrude bao gồm trước tiên là cuốn Linh thao. Trong sách này có một loạt bài suy niệm về sự trong trắng của phép thanh tẩy, sự hoán cải, những “cuộc đính hôn” và sự hiến thánh cho Thiên Chúa, tình yêu thần linh, lời ngợi khen và tác động của ân sủng, sự đền bù tội lỗi và dọn mình chết lành. Tác phẩm khác cũng được coi là của thánh Gertrude, chứa đựng những bài tường thuật và những ơn thần bí, gồm năm cuốn sách mang tựa đề Người Loan Tin tình yêu Thiên Chúa ; nhưng trong thực tế, chỉ có cuốn thứ hai là do chính thánh nhân viết ; các cuốn kia được biên soạn trong tu viện dựa theo lời kể và những ghi chép của thánh nữ.

Bộ Tác Phẩm của thánh Gertrude thành công lớn ở thế kỷ XV và đến thế kỷ XIX lại còn thành công hơn. Các chủ đề được ca ngợi : tình yêu, sự chết, thiên nhiên, nỗi nhớ người yêu, và giọng điệu diễn tả rất đánh động sự nhậy cảm của con người thời nay. Linh đạo của thánh Gertrude vừa đơn sơ vừa phong phú, lấy nguồn mạch từ Kinh Thánh, Phụng vụ và các Giáo phụ, đặc biệt hướng tới nhân tính của Đức Kitô. Nơi thánh Gertrude, chúng ta đã thấy có lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Người thời nay vẫn còn quí chuộng và tìm đọc các tác phẩm của ngài.

Đời sống thánh nữ rất đơn sơ –ngài không giữ một chức vụ quan trọng nào– suốt đời chỉ sống trong tu viện ở Helfta, cho tới ngày 17 tháng 11 năm 1301 (hay 1302), là ngày ngài qua đời sau một cơn bệnh kéo dài, lúc chưa đầy 50 tuổi. Nhưng với thánh Gertrude, ngay cả cái chết cũng đáng yêu, vì nó dẫn tới Người Yêu: “Ôi Tình yêu –Bà hát lên– , vào giờ chết của con, xin nói với con lời từ biệt dịu dàng, để con được an nghỉ ngọt ngào trong Người, trong bình an” (Linh Thao VII, 420).

II. Thông điệp và tính thời sự

a) Trong Lời Nguyện của ngày, chúng ta đọc : “Lạy Chúa, Chúa đã chọn và chuẩn bị cho Chúa một nơi ở trong lòng thánh nữ Gertrude…” Lời nguyện này hình như gợi lên lời tuyên bố đầy kinh ngạc của Chúa Giêsu với thánh nữ Mechtilde: “Nếu ai muốn tìm Ta, họ hãy tìm Ta trong lòng của Gertrude.”

Lời nguyện tiếp tục : “…nhờ lời cầu nguyện của thánh nữ, xin Chúa xua tan bóng tối trong lòng chúng con, để chúng con nếm cảm niềm vui vì có Chúa hiện diện.” Thực vậy, thánh Gertrude là một trong những nhà thần bí vĩ đại nhất của lịch sử Kitô giáo, ngài cũng là người đã ca hát về niềm vui bằng những giọng điệu cảm động đặc biệt. Trong một cuộc mạc khải đầu tiên, Chúa Giêsu đã hứa với thánh nữ : “Hãy đến với Ta, ta sẽ đổ thác tình yêu thần linh để làm con say sưa.” Thánh nữ Gertrude tự mình không đủ sức vượt qua những cản trở, nên trong khi “do dự, cháy bỏng niềm khao khát và hầu như bất lực”, ngài được Chúa nắm lấy, nâng lên và đặt ngồi cạnh Chúa Giêsu. Đó là cuộc “hoán cải” của ngài. Ngài viết : “Từ lúc đó, tâm hồn an bình nhờ một niềm vui thiêng liêng hoàn toàn mới mẻ, con bắt đầu lao mình đuổi theo hương thơm ngào ngạt của Chúa, bắt đầu hiểu rằng ách của Chúa êm ái, và gánh của Chúa nhẹ nhàng” (Người Loan Tin, quyển II, chương 1).

c. Giờ Kinh Sách đề nghị hai đoạn trích quyển II của Người Loan Tin, kết thúc bằng những lời linh hứng này : “…Thêm vào đó, Người còn ban cho con tình bạn thân mật khôn tả của Người, và để làm con tràn ngập niềm vui, Người dùng nhiều cách khác nhau để ban cho con Trái Tim thiên hóa của Người, là cung điện cao sang của Thiên Chúa.” Các chủ đề “niềm vui”, “tình bạn” vốn rất quen thuộc với thánh nữ, được lặp lại trong Đáp ca của bài đọc : “Hãy vui mừng hân hoan… Ta sẽ đính hôn với ngươi muôn đời, trong tình yêu và trung thành.”

Tính “tân thời” của khoa linh đạo Gertrude cũng phát xuất từ việc ngài luôn lấy Chúa Kitô làm trung tâm. Ngài cầu nguyện : “Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin cho con khát vọng Chúa hết lòng, với một niềm ao ước hoàn toàn và một tâm hồn khát khao ; xin cho con hít thở trong Chúa như trong không khí êm ái dịu ngọt nhất, và từ đáy thẳm tâm hồn con, được gọi tên Chúa bằng hơi thở dồn dập, ôi hạnh phúc duy nhất của con” (Người Loan Tin, quyển II, ch. 4).

* * *

Ngày 17.11
THÁNH ÉLISABETH DE HONGRIE (HUNGARI) Nữ tu (1207-1231)
Lễ buộc

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Élisabeth qua đời tại Marbourg, Thuringen (nước Đức) đêm ngày 16 rạng ngày 17 tháng 11 năm 1231. Bốn năm sau, 1235, ngài được Đức Giáo Hoàng Grégoire IX phong thánh, và năm 1274 được ghi vào lịch phụng vụ Rôma. Cùng với thánh Louis nước Pháp, ngài được chọn làm bổn mạng Dòng Ba Phanxicô.

Sinh năm 1207 ở lâu đài Saros Patak, Élisabeth là công chúa của vua Anđrê II nước Hungari. Từ 4 tuổi đã được đính hôn với thái tử Louis IV của Thuringen (nước Đức), lúc đó thái tử 11 tuổi, và kết hôn với thái tử khi cô 14. Hai vợ chồng được ba người con : Hermann (1222), Sophie (1224) và Gertrude (1227). Năm 1227 chồng bà Élisabeth tử trận tại Brindisi (Ý) khi tham gia thập tự chinh. Trở thành goá phụ, bà Élisabeth bỏ lâu đài Wartburg trong hoàn cảnh cô cùng khó khăn, để hiến mình hoàn toàn cho các công cuộc bác ái. Năm 1228, bà mở một bệnh viện ở Marbourg và chuyên chăm cầu nguyện và phục vụ người nghèo. Ba năm sau, người góa phụ thánh thiện này qua đời, lúc đó bà mới hai mươi bốn tuổi, để lại tiếng tăm vang dội về sự thánh thiện.

Các tranh ảnh về thánh nữ Élisabeth rất phong phú và đã góp phần truyền bá sâu rộng lòng tôn sùng ngài. Một bức tranh khắc vào thế kỷ XIII, còn lưu trữ tại Marbourg nơi ngài được an táng, mô tả những thời kỳ của cuộc đời ngài. Bức Phép Lạ Hoa Hồng được trình bày rất độc đáo bởi Cavallini (Napôli). Simone Martini đã vẽ hình thánh nữ trong vương cung thánh đường thánh Phanxicô ở Assise : Ông diễn tả thánh nữ đầu đội vương miện và bận y phục hoàng hậu. L. Vanni (Washington), Van Eyck (New York), và H. Holbein (Munich) vẽ hình thánh nữ trên những khung cửa kính nhà thờ.

II. Thông điệp và tính thời sự

a. Thánh Élisabeth đã biết “nhận ra và tôn kính Đức Kitô nơi những người nghèo” (Lời Nguyện của ngày). Sống vào thời kỳ chịu ảnh hưởng sâu đậm của gương sáng và lời nói của thánh Phanxicô Assise (1181-1226), vị thánh nữ trẻ tuổi đã sớm bị chinh phục bởi tinh thần Phanxicô. Là người mẹ gương mẫu và người vợ hoàn hảo, ngài còn dành rất nhiều thời giờ cho những người nghèo khổ, khiến ai ai cũng nhắc đến lòng bác ái của ngài.

Tình thương ngài dành cho các người nghèo khổ, bệnh tật chỉ là kết quả của sự giàu có nội tâm và tinh thần chiêm niệm của ngài. Cha Conrad de Marbourg, linh hướng của ngài, nói về ngài trong một lá thư viết năm 1232 như sau : “Tuy bà có nhiều công cuộc trong đời sống hoạt động, nhưng tôi quả quyết trước mặt Thiên Chúa, tôi hiếm thấy một phụ nữ nào có tinh thần chiêm niệm hơn bà.”

Chính tinh thần này là nguồn vui cho thánh nữ. Ngài nói: “Tôi không muốn làm Chúa khiếp sợ vì một vẻ mặt thiểu não. Chắc chắn Người thích trông thấy tôi vui tươi, bởi vì tôi yêu Người và Người yêu tôi.” Cha linh hướng của ngài còn nói về ngài như sau : “Rất đông tu sĩ, nam nữ, nhiều lần trông thấy bà khi kết thúc giờ kinh nguyện thinh lặng, vẻ mặt bà rạng rỡ tuyệt vời, và đôi mắt bà sáng ngời như ánh mặt trời.”

b. Lá thư của cha Conrad de Marbourg trong bài đọc Giờ Kinh Sách là một bức họa chân dung thánh nữ Élisabeth Hungari, đồng thời cũng nhấn mạnh tinh thần phúc âm của việc đền tội và từ bỏ : “Ngày thứ sáu tuần thánh, bà đặt hai tay lên bàn thờ của một nhà nguyện trong thành phố của bà, bà từ bỏ ý riêng, mọi sự phù phiếm thế gian, và tất cả những gì mà trong Tin Mừng Chúa đã dạy chúng ta từ bỏ.” Sau khi xây một bệnh viện ở Marbourg, bà chăm sóc các người ốm đau tật nguyền ở đó, cho những người nghèo khổ và bị khinh dể nhất đến dùng bữa với bà.

Thánh nữ Élisabeth đã chết vì kiệt lực khi còn rất trẻ, mới chỉ 24 tuổi, để lại mọi của cải cho người nghèo. Chứng tá của ngài về đời sống Phan-sinh, tình thương những người nghèo khổ, lòng khiêm nhường và kiên nhẫn trong các thử thách đã được tưởng thưởng và xác nhận qua rất nhiều phép lạ của ngài. Lòng tin nồng cháy và tinh tuyền của ngài vào Đức Kitô mà ngài thờ lạy trong chiêm niệm, yêu mến và phục vụ trong những người hèn kém nhất, đã làm cho thánh Élisabeth Hungari trở thành một mẫu gương thánh thiện đáng ngưỡng mộ, vẫn còn chiếu toả hoàn hảo cho chúng ta ngày hôm nay.

* * *

Ngày 18.11
CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ và THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHAOLÔ,
hai thánh Tông đồ
Lễ nhớ

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Ngày kỷ niệm cung hiến giáo đường thánh Phêrô (khoảng 350) và thánh Phaolô trên đường Ostia (khoảng 390), cử hành vào ngày 18 tháng 11, đã được nhắc đến ngay từ thế kỷ XI trong một quyển sách viết về cuộc tử đạo của thánh Phêrô. Năm 1568, Đức Giáo Hoàng Piô V đã cho ghi vào lịch phụng vụ Rôma ngày mừng lễ cung hiến này chung cho cả hai thánh đường.

Truyền thống kể rằng vương cung thánh đường thánh Phêrô nguyên thuỷ được hoàng đế Constantinô và các người kế vị xây dựng, được hoàn thành và cung hiến khoảng năm 350. Thánh đường này xây trên mộ của thánh tông đồ Phêrô ở Vaticanô, nằm trên khu nghĩa trang cổ (thế kỷ I và II) của người ngoại giáo và Kitô giáo, tại đây vào cuối thế kỷ II, người ta đã đào xuống thành ba tầng kế tiếp nhau. Một linh mục người Rôma tên là Caius, dưới thời Đức giáo hoàng Zéphirin († 217), đã để lại một chứng từ về tầng thứ ba của khu nghĩa trang, và được giám mục sử gia Eusèbe thành Césarê thuật lại : “Phần tôi, tôi có thể chỉ cho bạn thấy những chứng tích (phần mộ hay hài cốt) của các tông đồ. Nếu bạn đến Vatican hay trên đường Ostia, bạn sẽ thấy chứng tích của các vị đã sáng lập Hội Thánh.” (Lịch Sử Hội Thánh II, 25-7). Những cuộc khai quật ở thánh đường thánh Phêrô (1940-1949), dưới thời Đức Piô XII, đã khám phá ra khu nghĩa trang này, và có vẻ như đã khám phá ra phần mộ của thánh Phêrô.

Vào thế kỷ XV, dưới thời Đức Giáo Hoàng Nicolas V, người ta phá ngôi thánh đường cổ lúc đó đã đổ nát, nhưng việc xây dựng lại ngôi thánh đường này chỉ bắt đầu dưới thời Đức Giáo Hoàng Jules II (1503-1513). Đức giáo hoàng đã chọn mẫu thiết kế hình chữ thập hy lạp của Bramante (1506). Công trình được kiến trúc sư Maderna thực hiện từ 1606 đến 1617. Theo lệnh Đức Giáo Hoàng Phaolô V, ông Maderna nối dài lòng nhà thờ thành hình chữ thập la-tinh và vẽ thiết kế phần mặt tiền. Michel-Angelo (1546) vẽ phần vòm thánh đường và phần này đã hoàn tất năm 1590. Bên dưới vòm là khu Thánh Phê-rô tuyên xưng, gồm nhà hầm mộ thánh tông đồ và bàn thờ chính đặt trên một phương du bằng đồng, tác phẩm của Bernin (1624). Công trường thánh Phê-rô, với hai hàng cột đặt theo hình bán bầu dục, cũng là tác phẩm của Bernin. Thánh đường thánh Phêrô được Đức Đức Giáo Hoàng Urbain VIII cung hiến lại năm 1626.

Vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoài thành, theo truyền thống, cũng do hoàng đế Constantin và các người kế vị xây dựng trên mộ thánh Tông đồ. Được Đức Giáo Hoàng Sirice cung hiến vào cuối thế kỷ IV ; một cuộc hỏa hoạn đã tàn phá thánh đường vào năm 1823 và được xây dựng lại theo cùng mẫu thiết kế cũ. Thánh đường được Đức Giáo Hoàng Piô IX cung hiến lại ngày 10 tháng 12 năm 1854, với sự tham dự của các giám mục từ khắp nơi trên thế giới qui tụ về nhân dịp công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Tuy nhiên, vì việc mừng kính thánh Phaolô trong phụng vụ không thể tách rời việc mừng lễ thánh Phêrô, nên lễ kỷ niệm cung hiến thánh đường này (ngày 10 tháng 12) cũng được gộp chung vào ngày kỷ niệm cung hiến thánh đường thánh Phêrô (18 tháng 11).

II. Thông điệp và tính thời sự

a. Ca Nhập lễ mời gọi chúng ta tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, “là tổ tiên của chúng ta trong đức tin”. Lời Nguyện của ngày diễn tả ý nghĩa của ca nhập lễ khi nói rằng chính nhờ các ngài mà Hội Thánh được “khởi công rao giảng Tin Mừng”. Thực vậy, nếu phần mộ của hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô đã thu hút vô vàn khách hành hương qua mọi thời đại, thì công cuộc rao giảng Tin Mừng của các ngài chính là điều làm các ngài trở thành chứng nhân của Hội Thánh Chúa Giêsu Kitô cho tới tận cùng thế giới. Lời chứng của linh mục Caius người Rôma sống vào đầu thế kỷ III : “Nếu bạn đến Vatican hay trên đường Ostia, bạn sẽ thấy chứng tích của các vị đã sáng lập Hội Thánh.”

b. Bài đọc I (Cv 28, 11. . .31) mô tả việc thánh Phaolô đến Rôma như một tù nhân vì Tin Mừng. Sau đó, ở trong thành với một lính canh, ngài tiếp nhận mọi người đến thăm, loan báo triều đại Thiên Chúa và giảng dạy những điều liên quan đến Đức Giêsu Kitô với một sự dạn dĩ, không gặp một trở ngại nào.

Bài Tin Mừng (Mt 14, 22-23) mô tả Chúa Giêsu cứu thánh Phêrô trên mặt biển, và các môn đệ khác cùng tung hô với người vừa được cứu: Quả thật, thầy là Con Thiên Chúa.

c. Công trình “sáng lập” của thánh Phêrô và Phaolô tiếp tục qua các thế kỷ đối với Giáo Hội toàn cầu, nhưng đặc biệt đối với Giáo Hội Rôma là Giáo Hội của thánh Phêrô và Phaolô, và là Giáo Hội đứng đầu sự hiệp thông toàn cầu. Giờ Kinh Sách trích một bài của Thánh Lêô Cả, ca tụng sự bảo trợ và công đức của các “bậc tổ tiên lỗi lạc”. “Như chính chúng ta cảm thấy, và như các bậc tiền bối của chúng ta đã chỉ cho chúng ta, chúng ta hết lòng tin tưởng rằng chúng ta sẽ luôn được nâng đỡ bởi lời cầu nguyện của các thánh bổn mạng đặc biệt của chúng ta. . .” (Bài giảng lễ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô).

* * *

Ngày 21.11
ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ
Lễ buộc

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Lễ Đức Mẹ Dâng mình trong đền thờ bắt nguồn ở phương Đông; lễ này có liên quan tới ngày kỷ niệm lễ Cung hiến thánh Đường Đức Mẹ (Sainte-Marie-la-Neuve) (21 tháng 11 năm 543), thánh đường này được hoàng đế Justinien (527-565) xây dựng tại Giêrusalem gần Đền thờ và bị quân Ba Tư phá huỷ năm 614.

Giáo Hội phương Đông liên kết sự kiện này với lễ kính nhớ sự kiện mà Giáo Hội Byzantine gọi là việc “Đức Mẹ Thiên Chúa vào đền thờ”. Lễ này là lễ bậc 2 đối với người Hi Lạp, bậc 1 đối với người Slavơ, được mừng trong 6 ngày (20-25 tháng 11) và hình như lấy ý tưởng từ Ngụy thư thánh Giacôbê, được viết giữa thế kỷ II. Tác phẩm này cũng có tên là Lịch sử của thánh Giacôbê về việc Đức Maria sinh ra, và kể rằng Đức Mẹ, hồi thơ ấu, đã được dâng vào Đền thờ và sống ở Đền thờ cho tới năm 12 tuổi. “Vị tư tế đón nhận ngài, chúc phúc và nói : Đức Chúa đã tôn vinh danh ngài qua mọi thế hệ. . .Đức Chúa đã ban tràn ơn phúc cho ngài, và ngài nhảy mừng, và toàn thể nhà Ítraen yêu mến ngài. . .” (Ngụy thư Giacôbê).

Ở phương Tây, người ta đã cử hành lễ này từ thế kỷ IX trong các tu viện đông phương ở miền nam nước Ý, rồi từ đó truyền sang nước Anh vào thế kỷ XI. Nhưng mãi đến năm 1373 giáo triều Rôma ở Avignon mới bắt đầu cử hành lễ Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ, nhờ Philipe de Mézière, hiệp sĩ người Pháp từng cư trú ở phương Đông và muốn mình là người truyền bá việc tôn sùng này ở phương Tây, với mục đích thiết lập sự hiệp nhất với người Hi Lạp. Đức Giáo Hoàng Grégoire XI (1370-1378) cho phép cử hành thánh lễ này với giờ kinh phụng vụ riêng ; và năm 1472, Đức Giáo Hoàng Sixte IV mở rộng lễ này cho Giáo Hội công giáo toàn cầu với một phụng vụ giờ kinh riêng trong sách nguyện.

Các bài giảng về lễ Đức Mẹ Dâng Mình Trong Đền Thờ rất nhiều. Các bài giảng đích thực đầu tiên có lẽ là của thánh Germain, giáo phụ Constantinople (715-730) và của André de Crète († 740). Vào thế kỷ XI có : Tarasios, giáo chủ Constantinople († 806), Basile de Philippes và Georges de Nicomédie.

Các tranh ảnh thánh cũng rất nhiều, lấy hứng từ các tác phẩm nguỵ thư, mô tả Đức Mẹ đứng trên bậc Đền thờ : tranh ghép của Daphni, tranh trang trí sách Menologe de Basile (Vatican, thế kỷ XI), tranh dầu của Giotto (Pađua), Carpaccio (Milan), Titien (Venise), tượng điêu khắc của V. Stoss (Cracovie). Một bức tranh khắc trên gạch lát (thế kỷ V) được giữ trong nhà thờ hầm Saint-Maximin de Provence, mô tả “Đức Trinh Nữ Maria phục vụ trong Đền thờ Giêrusalem”.

II. Thông điệp và tính thời sự

Phụng vụ lễ Đức Mẹ Dâng Mình không dừng lại ở những bài tường thuật nguỵ thư, nhưng làm sáng tỏ ý nghĩa thần học và thiêng liêng của nó.

a. Lời Nguyện của ngày nói đến sự chuyển cầu của Đức Mẹ, để ngài xin cho chúng ta được “sống hạnh phúc ở đời này” trước mặt Thiên Chúa. Bài đọc I (Cn 8, 22-31) cũng gợi lên cùng ý tưởng đó: . . . Ta đã hiện diện ở bên Người. Ngày ngày ta là niềm vui của Người, trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi, vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người.

b. “Giá trị gương mẫu cao vời” của việc Đức Mẹ Dâng Mình (x. Marialis Cultus 8) cũng nhấn mạnh ơn gọi và phẩm giá của Đức Maria. Nhờ việc hoàn toàn sống trước sự hiện diện của Chúa và giữ mình trinh khiết, ngài cũng trở thành “Mẹ Thiên Chúa, Đền Thờ Đấng Tối Cao, Nhà Ở của Chúa Thánh Thần” (điệp ca của Magnificat). Chính nơi ngài, Lời của Thiên Chúa được thể hiện (điệp ca của Benedictus).

c. Bài giảng của thánh Augustin trong Giờ Kinh Sách mô tả sự vĩ đại của Đức Maria trong tư cách “môn đệ Chúa Kitô”. “Đối với Đức Maria, là môn đệ Chúa Kitô quan trọng hơn là Mẹ Chúa Kitô … Ngài đã nghe lời Thiên Chúa và đã ôm ấp Lời ấy …Tâm hồn ngài đã giữ gìn chân lý hơn là lòng dạ ngài giữ gìn xác thể. Chân lý, đó là Đức Kitô trong tâm hồn Đức Maria ; xác thể, đó là Đức Kitô trong lòng dạ đức Maria. Điều ở trong tâm hồn thì lớn hơn điều ở trong lòng dạ.”

Còn chúng ta, làm thế nào trở thành “mẹ Chúa Kitô ?” Thánh Augustin trả lời bằng Tin Mừng : Ai nghe và làm theo ý của Cha thầy, người ấy là anh em, chị em, và là mẹ thầy.

Sau cùng, việc Đức Mẹ Dâng Mình là một biểu tượng của việc hoàn toàn thánh hiến cho Thiên Chúa, nên sự kiện này cũng được hiểu như một mẫu mực cho việc chuẩn bị đời sống tu trìb hay thánh hiến. Noi gương cha Olier (1608-1657), vị sáng lập hội các cha Xuân Bích, nhiều nhà giáo dục đã đề nghị lấy mầu nhiệm Đức Mẹ Dâng Mình làm mẫu mực hoàn hảo cho sự thánh hiến.

* * *

Ngày 22.11
THÁNH CÉCILIA
Trinh nữ và tử đạo († khoảng 250)
Lễ nhớ bắt buộc

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Cécilia được tôn sùng như một trong các vị thánh tử đạo nổi tiếng nhất của Hội Thánh thời sơ khai, và việc sùng kính ngài đã được chứng thực ngay từ năm 545 ở Rôma. Thực vậy, theo Liber Pontificalis, Đức giáo hoàng Virgilê đi đến vương cung thánh đường thánh Cécilia ở Transtevere ngày 22 tháng 11 năm ấy, ngày kỷ niệm cuộc tử đạo của thánh nữ. Cũng vào thế kỷ VI này, trong nhà thờ thánh Apollinare Nuovo ở Ravenne, người ta vẽ cảnh thánh Cécilia đi rước giữa các trinh nữ. Vào thế kỷ V xuất hiện câu truyện truyền thuyết về đời sống và cuộc tử đạo của thánh Cécilia : Cuộc Tử nạn của Cécilia, Valérien và Tiburce. Có vẻ như tài liệu này đã lấy một giai thoại trong cuộc bách hại của quân Vandales ở Châu Phi (cuối thế kỷ V) để kể về Rôma và chắc chắn là một sự pha trộn của truyền thuyết và lịch sử, nhưng chính nhờ tài liệu Cuộc Tử nạn này mà hình ảnh trong trắng, quảng đại và anh hùng của thánh Cécilia đã trở nên vô cùng rực rỡ trong toàn thể Hội Thánh. Tên của ngài cũng được đọc trong Lễ Qui Rôma.

Những điểm sau đây có vẻ là chắc chắn :

– Cécilia xuất thân từ gia đình quí tộc Rôma gọi là Caecilii, gia đình này có một thửa đất trên đường Appia mà thánh Calliste, sau này trở thành giáo hoàng năm 217, đã làm một nghĩa địa năm 210.

– Thánh nữ đã dâng cúng nhà mình ở khu phố Rôma Transtévère cho Hội Thánh sử dụng. Một vương cung thánh đường trên đường Transtévère được xây dựng để dâng kính thánh Cécilia.

– Cécilia là một Kitô hữu đã quyết định thánh hiến đời mình cho Chúa Kitô trong bậc sống trinh nữ. Theo truyền thuyết, bị cha mẹ ép buộc, ngài lấy một thanh niên ngoại giáo tên là Valérien, anh được ngài cải hóa trở lại Kitô giáo, tôn trọng sự đồng trinh của ngài, và anh cũng được tử đạo với em trai mình là Tiburce.

– Sách Cuộc Tử nạn kể rằng “khi tới ngày cưới, trong khi đàn nhạc nổi lên, Cécilia ca hát trong lòng cho một mình Chúa Giêsu.” Từ chi tiết này của câu truyện, từ thế kỷ XV, truyền thống đã gọi thánh Cécilia là quan thầy của các ca sĩ và nhạc sĩ. Cũng vì thế các tranh ảnh thánh thường vẽ thánh Cécilia gảy đàn và ca hát, chung quanh có các thiên thần (các bức hoạ của Le Dominiquin, le Guerchin ở Louvre ; Nicolas Poussin ở Prado ; Rubens ở Berlin ; Véronèse ở Vienne).

– Truyện kể về Cuộc Tử nạn của thánh Cécilia mô tả cuộc tử đạo với nhiều yếu tố truyền thuyết, nhưng giàu ý nghĩa thần học và thiêng liêng. Theo truyền thống, thi thể của thánh nữ được đặt trong hang tử đạo thánh Caliste, gần hang mộ của các giáo hoàng, và một bản sao bức tượng của Maderna ngày nay được đặt trong lăng mộ ngài mô tả tư thế của ngài : thánh nữ nằm nghiêng đầu, với những vết búa của những tên đao phủ, các ngón tay của ngài chỉ dấu Ba Ngôi (một và ba). Hiện nay thi thể của thánh nữ tử đạo an nghỉ trong vương cung thánh đường mang tên ngài tại Rôma ; thánh đường này được Đức giáo hoàng Pascal I († 824) xây dựng.

II. Thông điệp và tính thời sự

Phụng vụ của thánh lễ kính nhớ thánh Cécilia trinh nữ tử đạo gợi lên những chủ đề về sự tử đạo và sự trinh khiết.

a. Bài đọc I (Kh 19, 5-9), với các lời : Một thiên thần nói với tôi : Hãy viết lời này : Hạnh phúc những ai được mời dự tiệc cưới Chiên Con, trình bày Chúa Kitô như là phu quân của Hội Thánh. Chết vì Chúa Kitô, tức là được dự tiệc cưới Chiên Con. Và tác giả cuốn Cuộc Tử nạn của Cécilia, Valérien và Tiburce viết : “Người ta trông thấy các ngài chạy đến với cái chết như đến một bữa tiệc.”

b. Bài Tin Mừng (Mt 19, 3-12) ca ngợi những giá trị của bậc trinh khiết thánh hiến : … Có những người đã chọn không kết hôn vì Nước Trời…

Sách Hạnh tử đạo của thánh Cécilia– cũng là một bài thơ ca ngợi sự trinh khiết Kitô giáo – kể lại những lời thánh nữ nói vào đêm tân hôn với Valérien : “Chàng trai xinh đẹp, em tiết lộ cho anh điều này : không bàn tay phàm tục nào được chạm tới em, vì em được một thiên thần canh giữ. Nếu anh tôn trọng em, ngài sẽ yêu mến anh giống như ngài yêu em, và ơn sủng của ngài sẽ đổ xuống trên anh.” Theo truyền thống, Valérien đã cam kết tôn trọng đức đồng trinh của vợ mình, và sau khi được cải hóa theo đức tin của Célicia, “chàng cũng được về trời với nhành vạn tuế tử đạo.”

c. Điệp ca của Magnificat lấy cảm hứng từ sách Hạnh tử đạo của thánh nữ, hát rằng : “Thánh Cécilia mang trong lòng mình Tin Mừng Chúa Kitô ; ngày đêm ngài trò chuyện với Thiên Chúa.” Sự thân mật với Lời Chúa và đồng thời với lời cầu nguyện liên tục diễn tả rõ nét đặc trưng của sự thánh thiện Kitô giáo.

d. Giờ Kinh Sách đề nghị suy niệm một bản văn rất hay của thánh Augustin về Tv 32 : “Tạ ơn Chúa, gieo vạn tiếng đàn cầm, kính mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt. Nào dâng Chúa một khúc tân ca, rập tiếng hoan hô nhã nhạc vang lừng.”

Truyền thống đã làm cho thánh nữ Cécilia trở thành người gợi lên sự hoà điệu của âm giọng, bài hát và thánh nhạc. Nhiều nhà soạn nhạc đã tôn kính ngài như thế. Đức Giáo Hoàng Piô IX đã sáng lập Hàn Lâm Viện thánh Cécilia (1847). Và các ban hợp xướng mang tên “Cécilia”, xuất phát từ Ratisbone năm 1867, cũng được đặt dưới sự bảo trợ của thánh nữ tử đạo này. Theo lời thánh Augustin, vì Thiên Chúa là Đấng không thể diễn tả nổi, nên bạn hãy để cho lòng bạn ca mừng mà không cần lời nói, và đừng để cho niềm vui vô biên của bạn bị giới hạn bởi những âm tiết. Hãy hát cho hay, với tiếng reo hò vui sướng.”

* * *

Ngày 23.11
THÁNH CLÉMENT I
Giáo hoàng và tử đạo (Thế kỷ 1)
Lễ nhớ

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Theo chứng từ của thánh Hiêrônimô (392), thánh Clément ngay từ thế kỷ IV đã được tôn kính ở Rôma như một “linh mục và tử đạo”, trong nhà thờ mang danh “tước hiệu thánh Clément”. Lễ nhớ này lưu truyền một lòng sùng kính rất phổ biến ở Rôma, Bắc Phi, vùng Gaule, Tây Ban Nha, và cả ở Byzance, nơi những tác phẩm của thánh Clément được biết đến qua bản dịch Hy Lạp.

Thánh Clément I, hay Clément Rôma, sống ở thế kỷ I. Theo sử gia Eusèbe, ngài là “giám mục thứ 3 của Rôma” (từ 92 đến 101?) và là một cộng sự của thánh Phaolô. Thánh Irênê nói ngài là giáo hoàng kế vị thứ 3 của thánh Phêrô sau thánh Linô và Cletô, và làm chứng về ngài như sau : “Thánh Clément đã tận mắt thấy các thánh tông đồ, tiếp xúc với các ngài, nghe chính các ngài rao giảng, và còn được chứng kiến truyền thống của các ngài.”

Truyền thống cổ xưa đồng thanh nhìn nhận vai trò của thánh Clément như giám mục của Giáo Hội Rôma. Cũng thế, Thư gửi “Hội Thánh của Thiên Chúa ở Rôma, Hội Thánh của Thiên Chúa ở Côrinthô”, viết khoảng năm 95-98, được mọi người coi là của thánh Clément. Thư được viết trong hoàn cảnh có những rắc rối nội bộ đang đe doạ cộng đồng ở Co-rin-thô, Giáo Hội Rôma mà ngài là giám mục đã dùng quyền bính can thiệp để khuyên nhủ các tín hữu sống hoà bình và vâng phục.

Dưới khía cạnh giáo lý, Thư này trình bày Đức Kitô như là Chúa và Đấng Cứu Thế, Người Con được Thiên Chúa sai đến, “là Thượng tế của chúng ta”. Chúa Giêsu lại sai các tông đồ, và các tông đồ đã lập các giám mục, linh mục và phó tế : Hội Thánh có phẩm trật được lưu tồn như thế trong sự kế tục các tông đồ. Nhưng qua tài liệu này, ta cũng thấy rõ Giáo Hội Rôma can thiệp bằng quyền bính trong công việc của một Giáo Hội khác, và thi hành quyền tối thượng (hay quyền chủ trì) của mình “trong đức ái” (thánh Ignatiô Antiochia)

Thư gửi tín hữu Côrinthô là một trong những tài liệu quí báu nhất của Hội Thánh sơ khởi, và thánh Clément có uy tín rất lớn khiến cho nhiều tác phẩm nguồn gốc không rõ ràng đã được lưu hành dưới danh nghĩa của ngài và thậm chí còn được kể vào số những sách qui điển. Ngoài ra chúng ta còn phải kể đến: Thư thứ 2 của Clément (khoảng 150), bài giảng cổ xưa nhất mà chúng ta hiện có ; hai mươi Bài giảng, được lưu trữ bằng tiếng Hi Lạp, và tác phẩm Nhìn nhận (mười cuốn), một loại tiểu thuyết, tả về những thành viên trong gia đình Clément bị thất lạc rồi tìm lại được nhau nhờ thánh Phêrô.

Theo một truyền thống có từ thế kỷ IV, thánh Clément có lẽ đã chịu tử đạo. Ngài bị bắt trong cuộc bách hại của Trajan và bị kết án lao động trong hầm mỏ ở vùng bên kia Pont-Euxin, và bị ném xuống biển với một cái neo cột vào cổ.

II. Thông điệp và tính thời sự

Phụng vụ Giờ Kinh Sách đề nghị chúng ta bài trích Thư gửi tín hữu Côrinthô, trong đó chúng ta khám phá ra thông điệp phong phú của thánh Clément I, người môn đệ của các thánh tông đồ, mà theo thánh Irênê, thánh Clément “được nghe chính các tông đồ rao giảng”.

a. Ở chương 49, thánh Clément ca ngợi sự tuyệt hảo của agapè (đức ái) bằng những lời lẽ nhắc chúng ta nhớ đến lời giảng dạy của thánh Gioan và thánh Phaolô : “Ai có đức ái trong Chúa Kitô, người ấy hãy thực hành giới luật Chúa Kitô. Đức ái kết hợp chúng ta với Thiên Chúa ; đức ái che phủ rất nhiều tội lỗi. Đức ái chịu đựng tất cả, kiên nhẫn vì tất cả. . .Đức ái không chia rẽ, không gieo rối loạn, làm mọi sự trong hoà thuận.”

b. Tất cả sức mạnh lời giảng dạy của thánh Clément dựa trên nền tảng Kinh Thánh và các mẫu gương trong Kinh Thánh. Nhưng trên hết, Đức Kitô chính là “mẫu mực được ban cho chúng ta.” (16, 17). “Con đường qua đó chúng ta tìm được ơn cứu độ, đó là Chúa Giêsu Kitô, vị thượng tế của chúng ta, đấng bảo trợ chúng ta; đấng cứu giúp sự yếu đuối của chúng ta.” (38, 1).

c. Thánh Clément kết luận lá thư bằng một lời cầu nguyện dài với Thiên Chúa cho “những người được chọn trên toàn thế giới, vì Con yêu dấu Người là Chúa Giêsu Kitô.” Ngài viết : “Chúng con nài xin Người, lạy Chúa, xin cứu giúp và bảo vệ chúng con. Xin cứu những ai trong chúng con đang gặp gian truân, nâng dậy những người sa ngã, chữa lành những người bệnh tật, dẫn về những người lạc lối, cho người đói ăn, giải phóng người tù đày, cho người yếu đuối đứng dậy, ban can đảm cho kẻ yếu nhược, cho mọi quốc gia nhận biết Chúa là Thiên Chúa duy nhất, và Đức Giêsu là Con Chúa, và cho chúng con được làm con Chúa và làm đoàn chiên trong đồng cỏ của Chúa.” (59, 3).
Hội Thánh sơ khởi thích đọc lại những bản văn này trong các cuộc hội họp, ngang hàng với các thư của thánh Phaolô. Cũng như các vị mục tử của Hội Thánh có thói quen kết thúc các bài giảng bằng lời mời gọi các tín hữu cầu nguyện, thánh Clément cũng kết thúc lá thư của ngài bằng một lời cầu nguyện dài để nài xin và tạ ơn, vì đó là thói quen của phụng vụ thời xưa.
* * *

Cùng Ngày 23.11
THÁNH COLOMBAN
Tu viện trưởng (khoảng 530-615)
Lễ nhớ

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Colomban qua đời ngày 23 tháng 11 năm 615 tại tu viện Bobbio miền bắc nước Ý. Từ thế kỷ VIII, ngài được tôn kính tại nhiều miền Châu Âu, nhưng mãi đến năm 1969, lễ nhớ ngài mới được ghi vào lịch Rôma.

Sinh năm 530 tại Ai Len, thánh Colomban được hấp thụ nền giáo dục và đào luyện tại tu viện Bangor (quận Down) là nơi thánh Gomball, đại biểu của trường phái tu đức nghiêm ngặt nhất của quần đảo Britanica, đã thích nghi đời sống tu trì với việc rao giảng Tin Mừng.

Khoảng năm 590, cùng với mười hai tu sĩ bạn –trong đó có Attala, Gall và Colomban Trẻ– thánh Colomban vượt biển Manche, đến sống tại vùng Vosges. Có nhiều môn đệ đi theo, ngài lập tu viện nổi tiếng Luxeuil (Bourgogne), tu viện này bị tàn phá trong cuộc Cách Mạng. Các tu viện khác cũng được xây dựng trong vùng: Fontaines, Remiremont, Jumièges. Lúc đó thánh Colomban soạn cho các tu sĩ của mình (hơn ba trăm ở Luxeuil!) một Qui Luật rất nghiêm ngặt, gồm việc ăn chay, cầu nguyện, làm việc và đọc sách. Ngài cũng soạn một bộ luật Sám hối với những hình phạt rất nặng và thay đổi tùy theo lỗi của các tu sĩ. Ví dụ, “ba mươi roi cho ai quên đáp câu Amen ở giờ kinh cộng đoàn.”

Thánh Colomban không ngần ngại tấn công những thói tục đồi trụy ở triều đình Bourgogne và của hàng giáo sĩ địa phương. Thế là ngài bị tố cáo là đã cử hành lễ Phục Sinh theo phong tục Centique và bị dẫn ra trước Hội đồng giám mục, năm 603. Về sau, do âm mưu chống lại ngài ở triều đình Theodoric II, vì ngài đã dám tố giác hạnh kiểm gây gương xấu của hoàng hậu Brunehaut, nên ngài bị buộc phải rời khỏi tu viện của mình ở Luxeuil (610).

Bị trục xuất khỏi Luxeuil, thánh Colomban muốn đi sang Ai Len, nhưng thuyền bị mắc cạn khi vừa rời Nantes. . .Thế là ngài quyết định ở lại trên lục địa và thậm chí muốn sang Rôma. Ở Thuỵ Sỉ, ngài rao giảng Tin Mừng cho người Alamans và lập một tu viện trên bờ hồ Constance. Sau khi đã uỷ thác tu viện này lại cho học trò ngài là Gall, thánh Colomban sang Ý, đến ở vùng đồng bằng sông Pô, tại đây ngài thiết lập tu viện Bobbio (Émilie) năm 612. Ngài thu hút được đông đảo môn đệ đến sống với mình, tất cả đều sống đời thánh hiến tu trì. Vị tu sĩ thánh thiện này không ngừng rao giảng Tin Mừng và tấn công lạc giáo Arius do những người Lombardie truyền bá.

Thánh Colomban, vị thánh tu sĩ và nhà rao giảng Tin Mừng nhiệt thành, cũng tỏ ra là một nhà văn, một người thông thái, thành thạo các tác phẩm cổ điển Hy Lạp và La-tinh. Ngài còn để lại cho chúng ta những bài thơ, những thư từ và bài giảng. Sau khi lui về sống ở tu viện Bobbio, ngài ở lại đó cho tới lúc qua đời ngày 26 tháng 11 năm 615. Hơn hai trăm ngôi làng, cũng như rất nhiều ngọn núi vẫn còn lưu truyền tên tuổi của ngài, một trong những nhà truyền giáo vĩ đại nhất của Giáo Hội Celtique vào cuối thế kỷ VI và đầu thế kỷ VII.

II. Thông điệp và tính thời sự

Giờ Kinh Sách cho chúng ta đọc một đoạn trích Những Giáo Huấn Thiêng Liêng của thánh Colomban, vị tu sĩ tông đồ vĩ đại, nơi ngài Chúa đã “ban ơn đặc biệt là vừa hăng say rao giảng Tin Mừng, vừa yêu chuộng đời sống đan tu chiêm niệm”, như Lời Nguyện của ngày diễn tả.

a. Thánh Colomban trước hết là một đan sĩ, nghĩa là một nhà chiêm niệm, một người tìm kiếm Thiên Chúa bằng đời sống tu đức và cầu nguyện. Ngài viết: “Hãy tìm kiếm sự hiểu biết cao siêu nhất, không phải bằng tranh luận mà bằng một đời sống trọn lành, không phải bằng lời nói mà bằng đức tin phát xuất từ một quả tim đơn sơ … Quả tim trong sạch có thể thấy được Thiên Chúa một cách nào đó” (Giáo huấn về đức tin).

b. Lời nói của thánh Colomban hoàn toàn thấm nhuần và được nuôi dưỡng bằng lời Kinh Thánh mà ngài không ngừng trích dẫn. Chẳng hạn khi ngài cố gắng chứng minh rằng để đạt tới Thiên Chúa, cần phải tìm kiếm Người và khao khát Người : “Ai khát hãy đến với Ta mà uống… Các anh em là những người đang khát, hãy đến mạch suối… Thiên Chúa là suối nước cho những ai khát chứ không cho những ai đã thoả mãn… Nguồn suối khôn ngoan, lời Thiên Chúa trên trời, chúng ta hãy khát khao, tìm kiếm, và yêu mến nó không ngừng” (Giáo huấn về Đức Kitô, nguồn mạch sự sống).

c. Niềm khát khao Thiên Chúa cũng được diễn tả qua kinh nguyện : “Lạy Chúa Giêsu, con nài xin Chúa gợi lên nơi lòng chúng con hơi thở của Thần Khí Chúa, xin làm cho tâm hồn chúng con bị thương tích bởi tình yêu Chúa, để mỗi người chúng con có thể nói trong thực tế : Hãy chỉ cho tôi thấy người tôi yêu, vì tôi đã bị thương tích của tình yêu Người.”

Như thế thánh Colomban dạy chúng ta thấy rằng nguồn gốc của mọi hoạt động tông đồ trước hết là một đời thiêng liêng sâu xa : “Hạnh phúc thay tâm hồn được tình yêu gây thương tích…Luôn luôn tìm kiếm và luôn luôn yêu thương.”

d. Giới luật của Chúa là yêu thương “bằng hành động và sự thật”. Vì thế, thánh Colomban nói với các tu sĩ của mình, chúng ta phải phản chiếu hình ảnh Thiên Chúa “bằng tình yêu, sự dịu dàng và sự thật, vì Thiên Chúa tốt lành và chân thật.”

Một người viết tiểu sử thánh Colomban nói về ngài : “Ngài đã tung lửa của Chúa Kitô đến mọi nơi ngài có thể.” Và ngài đã làm việc này trung thành với sứ điệp Tin Mừng, không sợ hãi kẻ quyền thế cũng như những kẻ lạc giáo. Lo lắng dẫn đưa mọi người đến với Chúa Giêsu Kitô, ngài đã rao giảng lòng nhân từ, vì “Thiên Chúa là tình yêu”. Và cũng nhờ ngài và các tu sĩ của ngài mà chủ nghĩa khắt khe của kỷ luật sám hối thời ngài bị tấn công trực diện ; từ đó, việc xưng tội cá nhân ngày càng phổ biến, để dần dần trở thành hình thức thông thường của bí tích sám hối.

* * *

Ngày 24.11
THÁNH AN-RÊ DŨNG LẠC
Linh mục, và các bạn, tử đạo (thế kỷ XVIII và XIX)
Lễ buộc

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Lễ này mừng kính một trăm mười bảy vị thánh tử đạo tại Việt Nam (thế kỷ XVIII và XIX) mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong thánh tại công trường Thánh Phêrô ngày 19 tháng 6 năm 1988. Các ngài là những vị tử đạo đã được phong chân phước vào bốn dịp khác nhau : sáu mươi bốn vị được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII phong chân phước vào năm 1900 ; tám vị do Đức Giáo Hoàng Piô X năm 1906 ; hai mươi vị năm 1909, cũng do Đức Piô X ; và hai mươi lăm vị do Đức Piô XII năm 1951.

Danh sách các thánh tử đạo gồm tám giám mục, năm mươi linh mục, năm mươi chín giáo dân, tất cả có tám mươi sáu vị người Việt Nam, mười một vị người Tây Ban Nha, mười vị người Pháp. Trong số các ngài, mười một vị thuộc dòng Đa-minh, mười vị thuộc Hội Thừa Sai Paris, các vị khác là giáo sĩ triều, và một chủng sinh. Trong số giáo dân có nhiều vị là cha gia đình, một bà mẹ, mười sáu thày giảng, sáu binh sĩ, bốn thầy thuốc, một thợ may, các nông dân, thuyền chài, và các trùm họ đạo. Sáu vị được phúc tử đạo ở thế kỷ XVIII ; các vị khác chịu tử đạo từ 1835 tới 1862. Bảy mươi lăm vị bị xử trảm, các vị khác bị treo cổ, thiêu sống, róc thịt, hoặc bị tra tấn đến chết trong tù, vì từ chối bước qua thánh giá hay không chịu bỏ đạo.

Trong số một trăm mười bảy vị thánh tử đạo này, văn thức phong thánh nêu bật danh tánh của sáu vị đặc biệt đại biểu cho những bậc khác nhau trong Hội Thánh và những quốc tịch khác nhau. Vị thứ nhất là thánh An-rê Dũng Lạc, mà Giờ Kinh Sách trích một lá thư của ngài : ngài sinh tại Bắc Việt năm 1795, là thày giảng, rồi thụ phong linh mục. Bị giết năm 1839, ngài được phong chân phước năm 1900. Hai vị khác xuất thân từ miền Trung và Nam Việt Nam : vị thứ nhất là Tô-ma Trần Văn Thiện, sinh năm 1820 và bị bắt khi đang là chủng sinh chuẩn bị chức linh mục, bị giết năm 1838 lúc ngài 18 tuổi. Vị thứ hai là Em-ma-nu-el Lê Văn Phụng, thày giảng và là cha gia đình, bị giết năm 1859 và được phong chân phước năm 1909.

Trong số các thừa sai nước ngoài, hai vị người Tây Ban Nha và một vị người Pháp được nhắc đến : Đức cha Hi-ê-rô-ni-mô Hermosilla người Tây Ban Nha, thuộc dòng Đa-minh, đến Việt Nam năm 1829, làm đại diện tông tòa ở Bắc Kỳ, bị giết năm 1861 và được phong chân phước năm 1909 ; Đức cha Valentinô Berrio Ochoa, người xứ Basques, cũng thuộc dòng Đa-minh, đến Bắc Kỳ năm 1858 lúc ngài 34 tuổi, bị giết năm 1861 và được phong chân phước năm 1906. Cha Jean-Theophane Vénard người Pháp, thuộc Hội Thừa Sai Paris, đến Bắc Kỳ năm 1854, bị giết năm 32 tuổi và được phong chân phước năm 1906 : các lá thư của ngài đã gợi hứng cho thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su cầu nguyện cho các xứ truyền giáo, và thánh nữ đã được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo, cùng với thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê.

II. Thông điệp và tính thời sự

a. Thánh An-rê Dũng Lạc và các bạn tử đạo đã “đổ máu mình ra để trung thành với thập giá Chúa Kitô” (Lời Nguyện của ngày).

Các vị thánh tử đạo này thuộc mọi hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều đã trung thành với thập giá Chúa Ki-tô đến độ chịu đựng những khổ hình ghê sợ nhất : một số bị treo vào cột hành hình và bị cắt lưỡi ; số khác bị chém đầu, bị bỏ cho chết đói, bị cưa thân thể hay bị róc thịt; lại còn một số bị nhốt trong hầm tối như loài vật hay bị phơi dưới mặt trời để bị thiêu cháy hay chết khát, hay bị đánh đòn, trói chân tay và bị giam trong ngục hôi thối. Bất kể thế nào, các ngài vẫn mạnh hơn mọi cực hình.

b. Bài đọc hạnh thánh của Giờ Kinh Sách cho chúng ta một chứng từ cảm động về cuộc khổ nạn của các thánh tử đạo Việt Nam, làm chứng lòng can đảm và đức tin anh hùng của các ngài. Lá thư của một thánh tử đạo, thánh Phao-lô Lê Bảo Tịnh, gửi cho các chủng sinh của mình ở chủng viện Kẻ Vinh năm 1843, cho chúng ta thấy sự khủng khiếp của các cực hình cũng như sự anh hùng mà loài người không thể cắt nghĩa nổi. Ngài viết : “Ngục thất này đúng là hình ảnh sống của hoả ngục đời đời. Không chỉ có xiềng xích, gông cùm, còn có sự căm giận, thù hằn, những lời chửi bới, những câu chuyện tục tĩu, cãi vã, những hành vi xấu xa, những lời thề gian, nói xấu, cộng thêm sự buồn chán.” Ngập chìm trong cảnh tăm tối đó, ngài tự hỏi : “Làm sao con có thể sống nổi khi trông thấy mỗi ngày những tên bạo chúa và những tay sai vô đạo của chúng nhục mạ thánh danh Chúa, lạy Chúa, Đấng ngự giữa các thần Kê-ru-bim và Sê-ra-phim?”

c. Bài giảng của Đức Gioan Phaolô II trong cuộc phong thánh các ngài cho thấy tính thời sự của chứng tá mà các thánh tử đạo để lại cho đất nước Việt Nam, một đất nước ngày nay có sáu triệu người công giáo và hai mươi lăm giáo phận : “Nếu các thánh tử đạo đã gieo trong nước mắt, thì trong thực tế các ngài đã đặt nền móng cho cuộc đối thoại sâu xa và có sức giải phóng với dân tộc và nền văn hóa của đất nước họ, bằng cách công bố trước hết tất cả sự thật và sự phổ quát của đức tin vào Thiên Chúa và đề nghị một bậc thang các giá trị và bổn phận thích hợp đặc biệt cho nền văn hóa tôn giáo của phương Đông. Đối diện với những gì mà các nhà cầm quyền áp đặt cho việc thực hành đức tin, các ngài đã khẳng định quyền tự do tín ngưỡng của mình và với lòng can đảm khiêm tốn, các ngài đã khẳng định rằng đạo Chúa Kitô là điều duy nhất các ngài không thể từ bỏ, bởi vì các ngài không thể không vâng lời Thiên Chúa. Mặt khác, các ngài mạnh mẽ khẳng định ý chí trung thành với quyền bính của nhà cầm quyền đất nước, nhưng không chối bỏ những gì là chính đáng và tốt lành. Các ngài đã giảng dạy lòng tôn kính tổ tiên, theo phong tục của đất nước các ngài, trong ánh sáng của mầu nhiệm Phục Sinh. Hội Thánh Việt Nam, với các thánh tử đạo và nhờ chứng tá của các ngài, đã có thể công bố ý chí của mình không từ bỏ truyền thống văn hóa và những cơ chế pháp lý của quốc gia; ngược lại, Hội Thánh Việt Nam đã tuyên bố và chứng tỏ ý muốn hội nhập vào những cơ chế ấy, để trung thành góp phần vào việc thực sự xây dựng tổ quốc.”

* * *

Ngày 26.11 (Ở Bỉ)
THÁNH JEAN BERCHMANS
Tu sĩ (1599-1621)
Lễ nhớ

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Jean Berchmans sinh ở Driest (Brabant, Bỉ), ngày 13 tháng 3 năm 1599. Ngài là con một thợ thuộc da và là anh cả trong số 5 anh em. Tuy gia đình nghèo và cậu bé phải đi giúp việc cho người khác, nhưng cậu đã có chí học hành nghiêm túc để trở thành linh mục.

Năm 1616, chàng thanh niên Berchmans xin vào dòng Tên tại Malines. Trải qua thời kỳ nhà tập của Dòng với một lòng sốt sáng phi thường, nhất là trong việc thực hành lòng sùng kính Thánh Thể và Đức Mẹ. Thầy tiến bộ nhanh trên đường thiêng liêng và tuyên khấn lần đầu. Năm 1618, thày được gửi sang Rôma học triết và thần học tại Học viện Collegium Romanum nổi tiếng. Là một sinh viên chăm chỉ và thông minh, thầy nuôi dưỡng linh hồn mình bằng một đời sống cầu nguyện và tu đức sâu xa, nghiền ngẫm các Thư của thánh Hiêrônimô, tiểu sử thánh Louis de Gonzague và các tác phẩm của Gerson.

Năm 1621, thầy Jean Berchmans đậu bằng triết học dân sự, nhưng cùng năm ấy, thầy nghe thấy lời khuyên Phúc Âm này : Anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa sẽ đến (Mt 24, 42). Vài hôm sau, ngày 5 tháng 8, thầy thấy có những triệu chứng đầu tiên của một căn bệnh trầm trọng. Tuy nhiên, thầy không tỏ dấu lo lắng nào, cả lúc cơn bệnh kiết lỵ trong vài ngày đã dẫn ngài tới cửa tử thần. Sau khi lãnh nhận các bí tích cuối cùng, thầy thổ lộ với Cha Giám đốc là thầy chưa hề phạm một tội cố tình nào. Ngài mất ngày 13 tháng 8 năm 1621, rạng rỡ sự an bình. Ngài được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII phong thánh năm 1888. Thi thể ngài được kính viếng tại thánh đường thánh Ignatiô ở Rôma, và tim của ngài được đưa sang nhà thờ các cha Dòng Tên ở Louvain.

II. Thông điệp và tính thời sự

Thánh Jean Berchmans đã phụng sự Chúa “trong sự chính trực và lòng tin” (Lời nguyện).

Người ta đoán được lòng tin và sự chính trực này trong lá thư ngài viết về cho cha mẹ năm 1616 để loan báo quyết định hiến mình cho Thiên Chúa trong đời sống tu trì. Chúa Giêsu như nói với ngài : “Con nên theo Ta ; Ta đã sinh ra vì con ; vì con, Ta bị đánh đòn, đội mũ gai và cuối cùng chịu đóng đinh…” Khi ấy thánh Berchmans thổ lộ với cha me : “Ôi! Cha mẹ yêu dấu, khi con suy về những lời này, lòng con như bị thiêu đốt, khiến cho nếu có thể, con sẽ bay ngay tới tu viện, và tâm hồn con sẽ chỉ được yên nghỉ khi tìm được Người Yêu của con. Vì vậy, con dâng hiến cả trái tim con cho Chúa Giêsu Kito…” (Giờ Kinh Sách).

Một khi đã quyết định, sự dâng hiến của ngài hoàn toàn vui vẻ. Người ta tặng cho ngài biệt danh là “thầy cười”. Ngài không làm việc gì đặc biệt, nhưng biết làm những công việc nhỏ bé hằng ngày một cách hoàn hảo, trong sự trung thành tuyệt đối với đức vâng lời. Ngài tự hứa với lòng : “Tôi sẽ chết trên thánh giá Chúa Giêsu, được đóng chặt bởi ba cây đinh nghèo khó, thanh khiết và vâng lời.” Chính vì thế trên giường bệnh, tay cầm thánh giá, tràng hạt và sách Tu Luật, ngài đã nói những lời này : “Đây là ba bảo vật thân thiết nhất đối với tôi ; tôi rất vui lòng chết với ba bảo vật này.”

Bài đọc I của thánh lễ rất thích hợp với vị tu sĩ trẻ dòng Tên này, chết lúc mới hai mươi hai tuổi : “… Tôi đã tìm kiếm đức khôn ngoan khi dâng lời cầu nguyện… đức khôn ngoan làm lòng tôi hoan hỉ…Trong đức khôn ngoan, hồn tôi đã phấn đấu, và chuyên cần tuân giữ Lề Luật. Tôi đã hướng lòng về đức khôn ngoan, và khi giữ mình trong sạch, tôi tìm được đức khôn ngoan.” (Sách Huấn Ca, 51, 13. . .27).

Người Yêu mà ngài khao khát gặp gỡ tối hôm trước ngày khấn dòng không để ngài phải chờ đợi lâu, bởi chính Người đã hẹn gặp ngài trước : “Vì Người, tôi bỏ hết mọi sự, và tôi chỉ đuổi theo một mục tiêu duy nhất : Bằng tất cả sức lực, tôi muốn bắt được Người, vì chính Người đã bắt được tôi trước” (Xướng đáp, Giờ Kinh Sách).
* * *

Ngày 30.11
THÁNH ANĐRÊ
Tông đồ († khoảng 60)
Lễ kính

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Lễ kính thánh Anđrê tông đồ đã được cử hành ngay từ đầu thế kỷ V vào ngày 30 tháng 11, theo lịch của Giêrusalem, như Sách Tử đạo của thánh Hiêrônimô và các sách bí tích xa xưa làm chứng. Lễ này từng được thánh Grégoire thành Nazianze và các Giáo phụ khác biết đến, và luôn được cử hành một cách đặc biệt long trọng từ thời Đức giáo hoàng Simplice (468-483). Vị giáo hoàng này đã cung hiến một thánh đường kính thánh Tông đồ Anđrê vào năm 475 ở Rôma, gần nhà thờ Đức Bà Cả ở Esquilin.

Thánh Anđrê (tiếng hi lạp là andreas, “can đảm”), là một trong số mười hai Tông đồ của Chúa Giêsu. Là con ông Giona và là anh thánh Phê-rô, ngài xuất thân từ Bétsaiđa, một làng nằm ở phía bắc hồ Tibêriade, và làm nghề đánh cá ở Caphácnaum. Là môn đệ thánh Gioan Tẩy Giả, ngài là người đầu tiên trong số các Tông đồ tương lai được gặp Chúa Giêsu bên giòng sông Giorđan, ngay buổi sáng sau ngày Chúa chịu phép rửa. Nghe Gioan Tẩy Giả nói về Chúa Giêsu : Đây là Con Chiên Thiên Chúa, ngài đã đi theo Chúa cùng với một môn đệ khác (chắc là Gioan tác giả sách Tin Mừng) và hỏi Chúa Giêsu : Rabbi, thầy ở đâu? Và Người trả lời : Hãy đến mà xem. Tin Mừng Gioan viết thêm : Họ đi và ở lại với Người ngày hôm ấy (Ga 1, 35tt.). Sáng hôm sau, Anđrê dẫn anh là Phêrô đến gặp Chúa Giêsu sau khi đã nói với anh : Chúng tôi đã gặp Đấng Mêssia !

Ơn gọi chính thức của Anđrê và Phêrô được Tin Mừng Mátthêu (4, 18 ss) kể lại : Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê thì thấy hai anh em kia, là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anđrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông : “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.”

Các sách Tin Mừng còn nhắc đến thánh Anđrê ba lần khác :

a. Lúc Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều (Ga 6, 8) : Ở đây có cậu bé có năm cái bánh và hai con cá … ;

b. Khi ngài gặp những người tân tòng gốc Hy Lạp ở Đền Thờ (Ga 12, 22) ;

c. Trước khi Chúa nói lời tiên báo về việc Con Người ngự đến (Mc 13, 3).

Theo một số truyền thuyết, về sau thánh Anđrê đi giảng Tin Mừng cho nước Nga, dân tộc Scythes, và nước Hy Lạp, tại đây ngài chịu tử đạo ở Patras, bị treo trên thập giá hình chữ X (thập giá thánh Anđrê).

Giáo Hội Constantinople có lòng sùng kính nhiệt thành đối với thánh Anđrê bổn mạng của Giáo Hội này, và gọi ngài là “vị được kêu gọi đầu tiên”. Ngài cũng được tôn kính như Đấng Sáng Lập Giáo Hội Kiev (Ucraina) và như bổn mạng chính của Tô Cách Lan.

Trong số các họa sĩ, Murillo đã vẽ Cuộc Tử Đạo của thánh Anđrê (viện bảo tàng Prado, Madrid).

II. Thông điệp và tính thời sự

Các bản văn phụng vụ lấy ý chủ yếu từ ơn gọi và cuộc tử đạo của thánh Anđrê.

a. Lời Nguyện của ngày nhắc đến vai trò rao giảng Tin Mừng và mục tử của thánh Anđrê. Khi kêu xin sự chuyển cầu của ngài, phụng vụ nhìn nhận ngài đã “rao giảng Tin Mừng và hướng dẫn Hội Thánh”.

Nhưng trước khi nhận sứ mạng, đã có ơn gọi dựa trên một chọn lựa được thực hiện vì tình yêu. “Chúa yêu thương thánh Anđrê, môn đệ mà Người đã chọn.” (Điệp ca 2 Kinh Sáng). Cũng thế, trong Bài Đọc I thánh lễ, chúng ta đọc thấy : … Làm sao nghe được Lời nếu không có ai rao giảng? Làm sao rao giảng nếu không được sai đi?

Trong tiểu sử ơn gọi của thánh Anđrê, có một chi tiết đáng chú ý. Sau khi tìm thấy Chúa Giêsu, ngài cảm thấy cần phải cho những người khác biết. Trước hết ông gặp em mình là ông Simon và nói : “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêssia! Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. (Ga 1, 40t.). Trong một bài giảng về Tin Mừng Gioan (Bài đọc 2 Kinh Sách), thánh Gioan Kim Khẩu nhấn mạnh về ơn gọi của thánh Anđrê như sau : “Ngài không giữ kho tàng này cho riêng mình: ngài vội chạy đi tìm em mình, để chia sẻ với em điều tốt lành ngài đã nhận được.” Như thế thánh Anđrê bộc lộ “một tình bạn và tình anh em đích thực, một tình cảm sâu xa và một sự chân thành rất tự nhiên… nghĩ mình không có khả năng cắt nghĩa mọi sự, ngài đã dẫn em mình đến chính nguồn ánh sáng.”

Chủ đề ơn gọi và sứ mạng không thể không kèm theo thập giá, được gợi ý trong Lời Nguyện sau hiệp lễ : “Xin cho việc kết hiệp với bí tích của Chúa làm cho chúng con mạnh sức, lạy Chúa, để noi gương thánh Anđrê, chúng con mang trên mình thập giá Chúa Giêsu, và được sống với Người trong vinh quang.”

Bài đọc I thánh lễ (1 Cr 1, 18 – 2, 5) gợi ý về thập giá: Tôi đã quyết không biết gì nơi anh em, ngoại trừ Đức Giêsu Kitô, và Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Cũng vậy, câu Xướng đáp của Bài đọc 2 :”Tất cả những ai muốn đẹp lòng Thiên Chúa đều phải biết đến đau khổ.” Đoạn kết bài Thánh thi giờ Kinh Sáng như sau : “Trước ngưỡng cửa nhà Người, thập giá Người, ôi Giêsu, cho chúng con dấu hiệu…. Xin kính chào, Thập giá ban sự sống !” Điệp ca của kinh Magnificat ca mừng thập giá thế này : “Kính chào, thập giá vô cùng cao quí ! Ngươi đã mang thân thể của Thầy ta : hãy tiếp nhận môn đệ của Người.” Một truyền thống kể lại cuộc tử đạo truyền thuyết của thánh Anđrê rằng, khi nhìn thấy cây thập giá mà ngài sắp phải treo lên, ngài chào thập giá như sau : “Ôi thập giá tốt lành, thập giá từ lâu mong đợi, thập giá được yêu mến chừng nào, hãy trả ta về với Thầy chí thánh của ta, Đấng đã cứu độ ta nhờ ngươi !”

Một bức tranh thánh cổ mô tả thánh Phêrô và thánh Anđrê đang trao cho nhau nụ hôn bình an. Chính bức tranh này được giáo chủ Constantinople, Athenagoras I, trao tặng Đức giáo hoàng Phaolô VI năm 1964, khi hai vị gặp nhau trên núi Ô-liu trong khi trao đổi nụ hôn hoà giải. Lễ thánh Anđrê vì thế mời gọi chúng ta cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa Giáo Hội Constantinople, được đại diện bởi thánh Anđrê, với Giáo Hội Rôma, được đại diện bởi thánh Phêrô.

* * *

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *