Phụng Vụ Chư Thánh – Theo lịch Phụng Vụ Rôma
Tác giả: ENZO LODI
Nhóm dịch: Linh Mục hạt Xóm Chiếu
THÁNG BA
Ngày 04.03
THÁNH CASIMIR (1458-1484)
Lễ nhớ
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Thánh Casimir, hoàng tử của Ba Lan, được mừng vào ngày 4 tháng 3, kỷ niệm ngày qua đời của thánh nhân, lúc được 25 tuổi. Vị thánh này có giá trị biểu trưng cho hai đất nước đã chọn ngài làm thánh quan thầy : Ba Lan và Lituanie.
Casimir được sinh ra trong một gia đình vương tộc của Ba Lan và được mẹ giáo dục theo đức tin Kitô giáo. Vào thời niên thiếu, thánh nhân đã có lòng nhân từ và tinh thần sám hối ; ngài được chọn làm vua xứ Hungarie thay cho nhà độc tài Mathias Corvin, bị triều đình đuổi đi ; với tuổi 13, ngài không chấp nhận vương quốc biến thành đội quân.
Nhưng sau khi hoà giải người Hungarie với vị vua của mình, ngài thoái vị, chỉ chấp nhận tham gia triều chính Ba Lan như một thủ trưởng tại Radom, trong khi cha ngài là Casimir IV đang ở Lituanie. Trong cơ hội này, ngài nêu gương cẩn mật và đạo đức. Vào năm 1483, ngài làm Phó Thủ tướng ở Vilnius vùng Lituanie, nhưng sau đó ngài trở về Grodno, ngã bệnh lao phổi và qua đời ngày 04.03.1488, vừa được 25 tuổi.
Đức Giáo Hoàng Léo phong thánh cho ngài vào năm 1521, dựa theo lòng yêu kính của dân chúng. Người ta gán cho lời cầu bầu của ngài trong việc giải phóng thành Polok, bị người Nga bao vây vào năm 1518. Ngày nay, xứ Lituanie vẫn tôn kính di hài của ngài trong nhà nguyện tại Lâu đài Vilnius.
2. Thông điệp và tính thời sự
a. “Phục vụ Thiên Chúa là cai trị…” Lời nguyện nhập lễ nhắc nhở chúng ta như thế. Cho dù thuộc gia đình vương tộc và phải tham gia vào các vấn đề của đất nước do cha trao phó, nhưng Casimir vẫn là con người cầu nguyện, sám hối và khiết tịnh.
Việc tôn thờ bí tích Thánh Thể, chiêm ngắm cuộc khổ nạn lôi kéo ngài luôn mãi ; đồng thời ngài cũng yêu mến Đức Mẹ và cầu nguyện cùng Mẹ.
Tình yêu Thiên Chúa làm cho ông hoàng trẻ tuổi này rất nhạy cảm trước nổi khổ của dân chúng ; vì thế ngài được tiếng là “cha và là kẻ bảo vệ kẻ nghèo và bất hạnh”. Đối với những người phê phán ngài về cách hoạt động không thích hợp với một ông hoàng, ngài trả lời : “Có gì vinh dự cho bằng phục vụ Chúa Kitô trong các chi thể đau khổ của Người ?”
Khi mở quan tài thánh nhân vào năm 1604, người ta tìm thấy dưới đầu thánh nhân có một tờ giấy viết lời kinh dâng lên Đức Maria, có lẽ của thánh Bênađô, mà ngài đọc và cầu nguyện hằng ngày : “Omni die dic Mariae…Mỗi ngày hãy nói với Đức Maria…” Ngài gọi Đức Trinh Nữ Maria là “Bà Mẹ tốt lành”.
b. Phụng Vụ Giờ Kinh trích một đoạn Hạnh thánh Casimir do một người cùng thời viết. Chúng ta có thể đọc :
“Ngài là một hoàng tử, miêu duệ một gia đình quí tộc, nhưng không bao giờ kiêu ngạo trong lời nói cũng như trong giao tiếp với bất cứ người nào ; đó là một con người khiêm tốn và yếu đuối nhất.”
“Ngài luôn muốn có mặt trong số những kẻ dịu hiền và khiêm nhường trong lòng, vì chính những kẻ này mới có được Nước Trời, hơn là hiện diện giữa hàng trí thức và quyền lực của thế giới.”
“Ngài sống khiết tịnh cho đến cuối đời. Đó là điều mọi người xác nhận, ngay cả những người hầu và thư ký cũng đều nói như thế.”
***
Ngày 07.03
THÁNH PERPÊTUA và PHÊLIXITA, tử đạo (203)
Lễ kính
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Cuộc tử đạo của hai thánh nữ Perpêtua và Phêlixita xảy ra bên Phi Châu thuộc La Mã trong thời bách hại của hoàng đế Septimô Sêvêrô, ngày 07.03.203, trong hí trường Carthagô. Tên của họ được ghi trong Kinh Nguyện Thánh Thể Rôma và cuộc tử đạo của họ được ghi trong Hạnh các tháh tử đạo của Carthagô, tài liệu rất quí giá vì do các chứng nhân ghi lại.
Khi bị bắt, Perpêtua, một nữ quí tộc, là người mẹ vừa sinh con và Phêlixita là nữ nô lệ, cũng đang mang thai, nhưng nhờ lời cầu nguyện của những người bị kết án, như Hạnh sử ghi lại, Bà đã sinh một con gái trong tù ; điều này có thể giúp Bà tránh khỏi cuộc tử đạo, vì không ai hành hình người vừa sinh con. Hai Bà tiến bước tay trong tay, đến trước con bò hung dữ sẽ giết mình.
Cùng với Perpêtua và Phêlixita còn có một số Kitô hữu khác cũng tử đạo : Ravocatus, Saturninus, Secundulus và Saturnus, thầy dạy giáo lý của họ.
2. Thông điệp và tính thời sự
Cuộc tử đạo của Perpêtua và Phêlixita, trong tình yêu đối với Thiên Chúa, “tìm được sức mạnnh để chống lại kẻ bách hại và vượt lên mọi cực hình”. Thánh nữ Perpêtua, chỉ được rửa tội không lâu trước khi được tử đạo, tuyên bố : “Khi tôi được dìm trong nước, Thánh Thần linh hứng cho tôi chỉ nên xin sự kiên nhẫn trong khi chịu cực hình.”
Trong tù, thánh nữ Phêlixita, đang đau đớn vì sắp sinh con, người gác ngục chê bai : “Bà rên la như thế này, thì sẽ làm gì trước con thú dữ ? –Bà trả lời : “Bây giờ thì tôi đau đớn, nhưng lúc ấy sẽ có một Đấng khác trong tôi và đau đớn cho tôi, chỉ vì tôi sẽ đau đớn cho Người.”
Cũng thế thánh nữ Perpêtua, trong lúc chờ chết, đã nói với các lính canh : “Khi còn sống tôi rất vui sướng và tôi còn sẽ vui sướng hơn trong thế giới khác.” Khi Perpêtua, Phêlixita và các Kitô hữu khác bị đem đến hí trường để quăng cho thú dữ ăn thịt, gương mặt họ thật rạng rỡ. Hạnh sử ghi : “Niềm vui tỏa ra trên gương mặt họ. Perpêtua đi cuối cùng, nhìn xuống. Bà hát.”
Perpêtua và Phêlicita chịu cực hình rất lâu dài. “Perpêtua là người đầu tiên, bị con bò hung dữ hút sừng vào người, Bà ngã ra sau. Bà lại đứng lên và khi thấy Phêlicita bị dẫm trên mặt đất, Bà chạy đến, nắm tay và cố dựng Phêlicita dậy. Cả hai đứng hiên ngang …” (Hạnh sử)
Perpêtua, trước khi chịu thử thách cuối cùng – Bà bị một giác đấu cắt cổ – còn sức lực để nói với người em và Rusticus: “Hãy vững tin, hãy yêu thương nhau, đừng bị lung lay vì những đau đớn của chúng tôi”.
Trong một thị kiến mà Perpêtua thấy được ngay buổi chiều bị tống ngục, một cái thang xuất hiện ; dưới thang là một con rắn to, trên đầu thang là Saturus, người dạy giáo lý cho bà, đứng đó, khuyến khích Bà : “Đến đây, leo lên, nhưng coi chừng con rắn có thể cắn Bà đó.”
Bà trả lời : “Không ! nó không cắn tôi được đâu, vì trong tôi có Đức Giêsu Kitô.” Niềm tin không lay chuyển vào Thiên Chúa đã giúp thánh nữ trả lời cho người cha đang mất hy vọng, yêu cầu Bà chối bỏ đức tin : “Chúng ta phải làm những gì đẹp lòng Thiên Chúa, chỉ vì chúng ta thuộc về Người.”
***
Ngày 08.03
THÁNH GIOAN THIÊN CHÚA, Tu sĩ
(1495-1550)
Lễ nhớ
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Sinh năm 1495 tại Bồ Đào Nha, João Ciudad được một em bé kỳ diệu gọi là Gioan Thiên Chúa ; sau khi theo đuổi một đời sống phiêu lưu cho đến tuổi 40, làm đủ thứ nghề : chăn chiên ở Oropesa (Tây Ban Nha), nông phu, lính cho Charles Quint, làm nghề nông ở Phi Châu, thợ tự do ở Gibraltar và cuối cùng vào năm 1538, bán sách ở Grenada.
Chính nơi đó Thiên Chúa chờ đợi ngài. Một bài giảng của thánh Jean dAvila đã giúp ngài trở lại và chuyển đổi dứt khoát cuộc sống. Bị người ta xem như một người điên, ngài bị nhốt trong một nhà thương, phải chịu biết bao cách chữa bệnh độc ác. Bấy giờ, ngài quyết định lập một nhà thương để chăm sóc bệnh nhân trong những điều kiện nhân bản hơn. Vì thế ngài lập tại Grenade vào năm 1539 một nhà thương và một cộng đoàn “Anh em bệnh viện – Frères hospitaliers”.
Sau 13 năm phục vụ một cách anh hùng, Gioan Thiên Chúa qua đời tại Grenade ngày 08.03.1550. Vào năm 1690, ngài được phong thánh và có tên trong lịch Rôma (1714) ; Đức Giáo Hoàng Lêô XIII vào năm 1886 đã tôn phong ngài làm thánh quan thầy bệnh nhân và các nhà thương.
Sau khi thánh Gioan Thiên Chúa qua đời, với sự phát triển của nhà thương và các cộng đoàn “Anh em bệnh viện” đã tạo nên một hình thức mới cho đời sống tu sĩ. Ngày 01.01.1572 Đức Giáo Hoàng Piô V công nhận Dòng “Anh em bệnh viện của thánh Gioan Thiên Chúa” với 3 lời khấn cổ điển (nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục) thêm vào đó là việc chăm sóc bệnh nhân.
Ngày nay, Dòng “Anh em bệnh viện của thánh Gioan Thiên Chúa” có mặt trên hầu hết 5 lục địa, liên kết giữa việc tận hiến cho Tin Mừng và lo lắng cho việc phát triển cách chăm sóc bệnh nhân. Hiện tại Dòng có tất cả là 240 trung tâm trên thế giới : nhà thương, bệnh viện cũng như trại phong, trung tâm tâm lý, trung tâm tái giáo dục, nhà nghỉ…
2.Thông điệp và tính thời sự
a. Lời nguyện nhập lễ nhắc lại hoạt động bác ái của thánh Gioan Thiên Chúa, Đấng đã lãnh nhận từ Thiên Chúa “một tinh thần đồng cảm dịu dàng”.
Bài giảng của thánh Jean dAvila tác động mạng, xúc động trước những điều kiện kinh tởm của nhà thương và khi thấy những người bị bỏ rơi khôn khổ : trẻ em, bệnh nhân, bại liệt… Gioan Thiên Chúa quyết định phục vụ cho các người này. Chính ngài đi tìm họ, nuôi nấng, chăm sóc họ. Ngài thuê cho họ một căn nhà và đi ăn xin ngoài đường phố Grenade, khuyến khích mọi người : “Anh em hãy làm việc thiện…”
Nhà thương đầu tiên do thánh Gioan Thiên Chúa thành lập tại Grenade, nhờ lòng quảng đại của các nhà hảo tâm, trở thành một công trình cách mạng trong thời đại. Điều mới lạ, chính là “tinh thần đồng cảm dịu dàng” đã đánh động Đấng sáng lập và các “Anh em bệnh viện” chia sẻ cuộc sống bác ái.
b. Qua lời cầu nguyện, chúng ta xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng “biết phục vụ anh em với tình bác ái” theo gương thánh Gioan Thiên Chúa. Sau đây là những lời thánh nhân nói trong một lá thư của ngài :
– “Nếu chúng ta chiêm ngắm lòng nhân hậu của Thiên Chúa, chúng ta sẽ không ngừng thực hiện những điều tốt lành…cũng như nước sẽ làm tắt lửa, đức ái sẽ xoá đi tội lỗi chúng ta.”
– “Biết bao người nghèo đến đây và tôi tự hỏi làm thế nào để cứu giúp họ ; nhưng Đức Giêsu Kitô có thể làm tất cả và nuôi cả thế giới.”
– Hiện tại, nhà này đã đón nhận tất cả bệnh nhân trong mọi hoàn cảnh : bại liệt, tàn tật, phong cùi, câm, điên khùng, già lão, trẻ em, nhất là những khách hành hương và du lịch. Họ đến đây và chúng ta đem cho những gì cần thiết: lửa, nước, lương thực. Chúng ta không đòi hỏi phải trả bất cứ tiền nào cả, chỉ Đức Giêsu Kitô sẽ đền đáp lại cho chúng ta.”
– “Đức Kitô rất trung tín, Người luôn ở đây, vì Người thấy trước tất cả. Bất cứ lúc nào chúng ta hãy cảm tạ Người. Amen.”
***
Ngày 09.03
THÁNH NỮ FRANCOISE ROMAINE, nữ tu
(1384-1440)
Lễ nhớ
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Thánh nữ Francoise (Francesca di Bussi di Leoni) được gọi là người Rôma hay là người “rất Rôma trong số các vị thánh”, chỉ vì Bà được sinh ra trong một gia đình quí tộc Rôma và sống suốt đời tại đây, vào lúc Giáo Hội Đông Phương ly khai khỏi Giáo Hội Tây Phương (1378-1417) và bệnh dịch tàn phá thành phố vào năm 1413-1414.
Được rửa tội và thêm sức tại đại thánh đường Saint-Agnès, kết hôn vào lúc 13 tuổi với quận công Lorenzo Ponziani, có được 3 người con. Francoise sống với chồng 37 năm, cho đến lúc ông qua đời. Bà thật là một mẫu gương làm vợ và làm mẹ.
Dù rất tất bật trong gia đình, Francoise cùng với chị dâu và cũng là bạn Vanozza, thích cầu nguyện, thực hành sám hối, viếng nhà thờ và các nhà thương, để chăm sóc người nghèo và bệnh nhân. Theo Hạnh thánh, Bà luôn làm sự lành để đối lại sự ác, luôn tạo việc thiện cho những người nói xấu, phê bình và chăm chít đời sống của Bà.
Khi chồng qua đời, Francoise bỏ lâu đài Transtévère để chia sẻ đời sống với các Người “Tận hiến cho Đức Maria – Oblates de Marie” mà Bà tập họp lại, theo luật Dòng thánh Bênêđicto, trong nhà Tor de Specchi tại Rôma. Các Bà đạo đức này sống cuộc đời khổ hạnh và phục vụ các công việc bác ái.
Được Thiên Chúa ban cho nhiều hồng ân đặc biệt, ngất trí và thị kiến, Francoise sống rất mật thiết với Thiên thần giữ mình của Bà. Bà qua đời ngày 09.03.1440 khi đến nhà người con Battista đang đau. Những lời cuối cùng Bà nói với những người con tinh thần của Bà : “Hãy trung thành cho đến lúc chết. Satan sẽ tấn công các chị cũng như đã tấn công tôi, nhưng không có thử thách nào dữ tợn cả, nếu chúng ta trung thành với Chúa Kitô.”
Được phong thánh vào năm 1608, Bà được chọn làm thánh quan thầy của các Bà đã lập gia đình, các Bà goá và các người lái xe. Mỹ thuật trình bày Bà cùng với Thiên thần giữ mình và mang một thúng thực phẩm.
2. Thông điệp và tính thời sự
Người Rôma rất kính trọng thánh nữ Francoise vì đã có “một đời sống gương mẫu trong hôn nhân, sau đó là đời sống của một nữ tu” ; vì thế chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta theo gương thánh nữ Francoise, trung thành phục vụ “trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.”
a. Trong đời sống hôn nhân và gia đình, Francoise đã biết những thử thách : cái chết của 2 người con còn nhỏ, lâu đài bị cướp phá và mất của cải, chồng bị thương nặng và bị lưu đày, con trai bị bắt làm con tin…Dù vậy, Bà không bị lay chuyển, luôn trung thành với chồng, Bà đã đáp ơn gọi làm vợ và làm mẹ một cách trung thành như trong các công tác bác ái giữa một thành phố bị chiến tranh và ghẻ chóc thử thách. Ngay trong lâu đài bị cướp phá, Bà lập một nhà thương, và khi tài sản không còn nữa, Bà đi ăn xin để giúp người nghèo và bệnh nhân.
b. Sự phong phú nội tâm thúc đẩy Bà đến với kẻ khác, và đồng thời rất nhiều người được lôi kéo đến với Bà.
Hạnh sử thánh Francoise Romaine được Phụng Vụ Giờ Kinh trích dẫn có ghi :
– “Thiên Chúa không chọn Bà để Bà trở thành một vị thánh cho chính mình, nhưng để Bà phục vụ cho những ân sủng mà Thiên Chúa ban cho Bà, để cứu giúp tinh thần và thể xác người đồng loại.”
– “Thiên Chúa đã gia ân cho thánh nữ Francoise với một sự dễ thương mà mọi người khi tiếp xúc với Bà, có thể cảm nghiệm tình yêu của Bà và sẵn sàng theo lời chỉ dẫn của Bà.”
– Tinh thần bác ái là động lực cho thánh nữ, thúc đẩy Bà đi tìm các bệnh nhân đem về nhà mình hay đến các nhà thương : “Bà làm giảm cơn khát, dọn giường, băng bó các vết thương cho họ…”
– Thánh nữ lo lắng việc chăm sóc tinh thần của bệnh nhân. Người ta thấy Bà đi tìm các linh mục và dẫn các ngài đến với bệnh nhân đã được chuẩn bị để lãnh nhận các bí tích sám hối và Thánh Thể.
c. Sứ điệp của thánh nữ Francoise đưa đến cho mọi người hôm nay, có thể tóm lại trong câu đáp của Phụng Vụ Giờ Kinh:
– Chỉ có tình yêu mới có những hoa trái công chính.
– Hãy để cho tình yêu theo đuổi trong anh em những công trình của nó.
– Hãy mở mắt ra cho ánh sáng tình thương.
***
Ngày 17.03
THÁNH PATRICE (Patrick), Giám mục
(khoảng 385-461)
Lễ nhớ
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Thánh Patrice, được gọi là vị Tông Đồ của Ái Nhĩ Lan, sinh tại nước Anh vào khoảng năm 385 ; đời sống của ngài có đầy chuyện phiêu lưu và truyền thuyết. Người ta nói vào lúc 16 tuổi, ngài bị rơi vào tay bọn cướp biển ; họ đã bán ngài đến Irland như nô lệ phải đi chăn chiên. Sau khi tìm cách trốn thoát, ngài theo thuyền về xứ Gaule, làm môn đệ nơi hai vị thánh Amateur và Germain ở Auxerre.
Sau khi được đào tạo kỹ lưỡng, đặc biệt về mặt Thánh Kinh, Patrice được thụ phong giám mục do thánh Germain, và, năm 432, ngài trở lại Ái Nhĩ Lan để truyền giáo. Giáo lý của ngài dựa trên Thánh Kinh, trở thành điểm đặc biệt cho Giáo Hội Ái Nhĩ Lan. Cố gắng cách nhiệt thành để rao giảng và tổ chức Hội thánh, ngài biết hoà hợp Kitô giáo với điều kiện xã hội và chính trị cũng như với những truyền thống khác nhau của các dân celtes. Nhờ ngài, Giáo Hội Ái Nhĩ Lan có được một cơ cấu vững chắc và cắm rể sâu trong đất nước này với ngai tòa của ngài tại Armagh (khoảng năm 444).
Cuối đời, thánh giám mục rút vào yên tịnh để chuẩn bị chết. Ngài qua đời vào ngày 17.03.461 và người ta đã chôn ngài trong một thành phố, từ bấy giờ, được gọi là Downpatrick (miền bắc Ái Nhĩ Lan). Được cả Ái Nhĩ Lan tôn kính vào thế kỷ thứ VIII và cả nước Anh vào thế kỷ thứ X, nhưng chỉ được ghi vào lịch Rôma vào năm 1362.
Việc tôn kính thánh Patrice được phổ biến trong thế giới là nhờ vào các nhà truyền giáo Ái Nhĩ Lan, luôn hiện diện trong nhiều nước truyền giáo. Trong xứ Ái Nhĩ Lan, lễ thánh Patrice là lễ quốc gia. Mỹ thuật trình bày thánh nhân như một vị giám mục đang xua đuổi hay chà đạp dưới chân các con rắn.
2. Thông điệp và tính thời sự
a. Trong bản Tuyên xưng đức tin (trích Phụng Vụ Giờ Kinh), thánh Patrice diễn tả khao khát được tận hiến cho việc rao giảng Tin Mừng : “Khao khát của tôi là : dù không có khả năng chu toàn một công trình tốt đẹp và xứng đáng, tôi ước ao giống như những người được Chúa sai đi loan báo Tin Mừng làm chứng cho Người trên khắp thế giới.”
b. Trước khi là con người hoạt động, thánh Patrice được ca tụng về sự khổ hạnh và cầu nguyện không ngừng. Người ta nói về ngài : “Mỗi ngày, ngài hát tất cả Thánh Vịnh, thánh thi, Khải Huyền và tất cả bài ca trong Thánh Kinh, dù ngài có đi du hành hay không.” Người ta xem đây là lời cầu nguyện của ngài : “Lạy Chúa Kitô xin ở với con ! Lạy Chúa Kitô xin ở trước con ! Lạy Chúa Kitô xin ở sau con ! Chúa Kitô luôn thấy con ; Chúa Kitô luôn nghe con. Trong Đức Kitô là ơn cứu độ. Ước gì ơn cứu độ của Người luôn ở với chúng ta.”
Lòng nhiệt thành trong sứ vụ xuất phát từ tình yêu đối với Thiên Chúa : “Do đâu mà tôi được ơn to lớn dường này là được biết Chúa và yêu mến Người, dù phải mất cả quê hương, gia đình và đến với dân Ái Nhĩ Lan để rao giảng Tin Mừng… Nếu thực sự con xứng đáng, con đây xin dâng hiến cho đến cuối đời, không do dự, để làm sáng danh Chúa.”
c. Người ta tin rằng thánh Patrice xây dựng rất nhiều Đan viện và “những trường học Đan viện”, được lan rộng rất nhanh trong nhiều thế kỷ, đã lôi kéo được nhiều sinh viên ngoại quốc (trong số đó có : Alcuin, Dagobert). Nhờ đó, Ái Nhĩ Lan được gọi là “Đảo của các nhà trí thức” (Duns Scot), “Đảo của các vị thánh” (Fursa, Fiacre, Kilian, Colomban…) và người Ái Nhĩ Lan là “dân tộc truyền giáo tuyệt hảo”.
Phụng Vụ ngày lễ thánh Patrice mời gọi chúng ta cầu nguyện như sau : “Lạy Chúa, nhờ lời cầu nguyện và công nghiệp của thánh Patrice, xin cho những người vui vì được làm Kitô hữu, luôn rao giảng những kỳ công của tình yêu Chúa.” Lời Tuyên xưng đức tin của thánh Patrice nhắc lại lời Thánh Kinh : “Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi trở thành ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất. Và : Họ đến từ đông sang tây để cùng ngồi đồng bàn với Abraham, Isaac và Giacóp.
***
Ngày 18.03
THÁNH CYRILLE THÀNH GIÊRUSALEM
(khoảng 315-386/387)
Lễ nhớ
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Thánh Cyrille được gọi là của thành Giêrusalem, là một người vĩ đại của Giáo Hội chính thống, được sinh ra khoảng năm 315 trong thành nầy, mà ngài trở thành Thượng Phụ giáo chủ vào năm 350, kế ngôi thánh Maxime. Ngài được tôn phong tiến sĩ Hội thánh do Đức Giáo Hoàng Lêô XIII vào năm 1882.
Thụ phong linh mục tại Giêrusalem, ngài nổi bật giữa hàng giáo sĩ nhờ sự lợi khẩu và dạy giáo lý. Ngài thay mặt giám mục trong Mùa Chay để huấn đạo cho các người dự tòng. Khi vị giám mục Maxime qua đời (năm 350), Cyrille được gọi vào ngôi giám mục tại Giêrusalem. Theo các chứng nhân, trong ngày lễ đăng quang có sự xuất hiện một cây Thánh giá sáng chói trên bầu trời Thành thánh Giêrusalem.
Cyrille thành Giêrusalem ở ngôi giám mục từ 350 đến 386, gặp nhiều thử thách, ngài bị lưu đày 3 lần trong những năm 357, 360 vào 367 : 17 năm ngài phải rời bỏ địa phận. Kitô giáo lúc đó bị chia ra hai phái Arius và Chống-Arius.. Thánh Cyrille là đối thủ của nhóm Arius và là kẻ bảo vệ thành quả của Công đồng Nicée (325) ; Thánh nhân chiến đấu không khoan nhượng, bảo vệ thiên tính của Đức Giêsu. Ngài xác quyết thiên tính tuyệt vời của Ngôi Lời và sự đồng đẳng trọn vẹn của Người với Thiên Chúa Cha.
Chỉ vào năm 378, ngài mới thực sự được trở về địa phận, sau thời gian bị lưu đày lần cuối cùng là 11 năm. Ngài tham dự Công đồng Constantinople (381), được công nhận là đã chiến đấu tích cực chống lại bè Arius. Vị thánh giám mục dùng những năm còn lại để xây dựng sự hiệp nhất về đức tin và hoà bình, cho đến ngày qua đời 18.03.386 hay 387.
Tác phẩm văn chương được gán cho thánh Cyrille thành Giêrusalem đáng chú ý, vì cho thấy quá trình hình thành kinh Credo của Giáo Hội thành Giêrusalem vào thế kỷ thứ IV ; cũng cho phép chúng ta nhận ra Phụng Vụ và việc cử hành các bí tích khai tâm (Rửa tội, Thêm Sức và Thánh Thể) vào thời gian này.
Sách “Giáo lý dự tòng” chắc chắn là của thánh Cyrille (tiền dự tòng và 18 bài giảng) dành cho các dự tòng, trong khi đó quyển Catéchèses mystagogiques (Giáo lý huyền nhiệm gồm 5 bài giảng) cũng là của thánh nhân, được hoàn tất trong tuần Phục Sinh, giải thích các bí tích mà các tân tòng sẽ lãnh nhận trong đêm Phục Sinh.
2. Thông điệp và tính thời sự
Lời rao giảng của thánh Cyrille ảnh hưởng rất nhiều vào thời đại ngài, giúp Hội thánh đi vào các mầu nhiệm của ơn cứu độ và tiếp tục giúp chúng ta hiểu biết nhiều về Đức Giêsu Kitô và sống mật thiết với Người.
Nhờ các bài Giáo Lý, chúng ta khám phá ra sự súc tích trong giáo lý của ngài. Ngài luôn lập lại : “Chân lý chỉ có một gương mặt”. Vì thế ngài chống lại mọi hình thức lạc giáo, nhất là khi ngài trình bày sự tốt đẹp, thánh thiện của các mầu nhiệm.
– Tỉ như, ngài giải thích những thay đổi trong bí tích Thánh Tẩy : “Hãy tưởng tượng một người sống trong bóng tối ; nếu như tình cờ, anh ta thấy ánh sáng, cái nhìn của anh ta được tỏ rạng, những gì trước kia anh ta chưa thấy, nay anh thấy rõ ràng. Cũng như những kẻ lãnh nhận Chúa Thánh Thần : họ có một tâm hồn được soi sáng và nhận ra những gì mà trước đây họ chưa được biết” (Cat.16,16).
– Lối hành văn của ngài trong sáng, cụ thể, trực tiếp, cảm hứng từ Thánh Kinh mà ngài thường trích dẫn. Ngài viết : “Phu quân gọi mọi người cách tuyệt đối… nhưng tiếp đó, chính Phu Quân, chọn lựa những ai được bước vào tiệc cưới, biểu trưng cho bí tích Rửa Tội…Ước gì không ai phải nghe : Bạn ơi, tại sao bạn bước vào đây mà không có áo cưới ?”
– Về việc Hiệp Lễ : “Đừng dựa vào lâu đài trần tục thể xác, nhưng vào đức tin không lay chuyển, vì không phải bánh và rượu mà người ta mời anh đến dùng, nhưng là Mình và Máu Thánh Đức Kitô. Khi anh đến gần, hãy đặt tay trái dưới bàn tay phải, như một ngai tòa đón vị quân vương, hãy lãnh nhận trong lòng bàn tay Mình thánh Đức Kitô khi nói : “Amen”… Hãy đến với chén Máu Thánh… nghiêng mình và nói : “Amen” trong một cử chỉ thờ lạy và tôn kính, hãy thánh hoá khi nhận lấy Máu Thánh Chúa Kitô” (Cat Myst V 20.21.22)
– Chúng ta cũng nhớ đến lòng nhiệt thành của ngài với dấu Thánh giá : “Lúc nào cũng phải làm dấu Thánh giá: trên tấm bánh mà chúng ta sắp dùng và trên rượu mà chúng ta uống ; khi chúng ta đi vào, khi chúng ta đi ra, trước khi đi ngủ, lúc trên giường, khi thức giấc, lúc ra đi và khi nghỉ ngơi.”
***
Ngày 19.03
THÁNH GIUSE, Bạn Đức Trinh Nữ Maria
Thánh quan Thầy xứ Canada
Lễ trọng
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Việc tôn sùng thánh Giuse, bạn Đức Trinh Nữ Maria và là cha nuôi Đức Giêsu, được phổ biến bên Phương Đông từ thế kỷ thứ V, lan tràn sang Phương Tây vào thời Trung Cổ. Lễ này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 800, trong Hạnh các thánh tử đạo xứ Gaule, vào ngày 19.03, trùng hợp với ngày lễ một thầy phó tế của Antiochia cũng mang tên Josippe.
Sau đó, việc tôn kính lan tràn khắp nơi vào thế kỷ thứ XIV, XV và XVI. Vào năm 1870, Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố thánh Giuse là quan thầy Hội thánh (lễ ngày 19.03) và vào thánh 04 năm 1956, Đức Giáo Hoàng Piô XII thiết lập lễ thánh Giuse Thợ (01.05), quan thầy các thợ thuyền. Ngài cũng được tôn kính như thánh quan thầy các thợ mộc và người hấp hối.
Nhiều hình ảnh trình bày thánh Giuse dựa theo Phúc Âm và Ngụy Thư : Phép lạ cây gậy trổ hoa của Giotto, Padoua ; Hôn nhân với Đức Trinh Nữ Maria của Raphael, Milan ; giấc mơ của thánh Giuse của Georges de La Tour, Nantes ; Trốn sang Ai Cập của Duccio, Sienne…
Thánh Giuse (tiếng Hipri : yôsep = xin Thiên Chúa thêm vào), con của Giacóp (Mt 1,16) hay Héli (Lc 3,23), cũng là “Con vua Đa-vít” (Mt 1,20). Tại Nazareth, ngài làm nghề tektôn (Mt 13,55) có nghĩa là : thợ xây nhà, thợ làm gỗ, đá hay kim loại. Ngài đính hôn với Maria vào lúc Thiên thần truyền tin (Mt 1,18 ; Lc 1,27). Ngài đón nhận Hài Nhi, hôn thê Maria và đóng vai trò quan trọng trong Tin Mừng thời thơ ấu (Mt 1 & Lc 1-2) ; trong Phúc Âm ngài được gọi là tektôn (thợ mộc), con ngài là Đức Giêsu.
Hình ảnh thánh nhân trong Tin Mừng gợi lên những ơn gọi trong Thánh Kinh. Lời loan báo cho biết về việc Đức Giêsu sinh ra (Mt 1,20-21) nhắc nhớ lại sự loan báo cho Abraham về sự sinh ra của Isaac và việc trốn chạy sang Ai Cập, việc lưu đày của Môisen đến Madian (Xh 4,19-23). Cũng như ông Noe (St 6,9), ngài được gọi là người công chính (Mt 1,19).
2. Thông điệp và tính thời sự
a. Trong niềm vui, chúng ta cử hành lễ thánh Giuse “người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, Thiên Chúa đặt lên coi sóc gia đình Người”. Kinh Tiền tụng lấy lại đề tài sứ vụ “người công chính” được ban cho Đức Maria như người hôn phu và như “người tôi tớ trung tín và khôn ngoan”, Thiên Chúa gởi gấm gia đình mình.
Phúc Âm thời thơ ấu chứng minh sứ vụ tiền định của thánh Giuse : ngài đem vị hôn thê về nhà mình và đặt tên cho hài nhi mà Đức Maria sinh hạ, là Giêsu (Mt 1,24-25). Ngài đem Đức Maria và trẻ Giêsu trốn sang Ai Cập và trở lại Israel khi Hérode qua đời, luôn luôn thực hiện sứ vụ làm cha.
b. Sự trung tín của thánh Giuse trong việc thực hiện sứ vụ được nhắc đến trong Tin Mừng thánh Matthêu : thánh Giuse thực hành điều Thiên thần truyền tin cho mình (1,24)… ngài chỗi dậy, đem con trẻ và mẹ em sang Ai Cập (2,14) ; Giuse tĩnh dậy, đem con trẻ và mẹ em, trở về đất Israel (2,21).
Nhờ vào sự vâng phục tuyệt đối mà các lời tiên tri đều được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu, như có nói trong các Phúc Âm : Tất cả các việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ” (Mt 1,22 ; 2,23).
c. Thánh Giuse như một cha chăm sóc Con Một Thiên Chúa. Ngài gìn giữ các mầu nhiệm cứu độ, điều này cũng đầy rẩy những khó khăn. Đức Maria nói với Chúa Giêsu : “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con” (Lc 2,48).
Và Phúc Âm nhấn mạnh : “Nhưng ông Bà không hiểu lời Người vừa nói” (Lc 2,50). Dù vậy, Đức Giêsu luôn vâng phục cha mẹ mình, nhắc tới một Người Cha khác, Đấng là “nguồn của mọi tình phụ tử” (Ep 3,15) : “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?” (Lc 2,49).
Cũng như Đức Maria, mẹ Đức Giêsu, trở thành Mẹ Hội thánh, thì thánh Giuse, “người gìn giữ trung thành” của Đức Giêsu, được tôn kính như “Đấng bảo vệ Hội thánh phổ quát”, Nhiệm Thể Chúa Kitô, mà ngài nâng đỡ nhờ lời cầu bầu. Như thánh Bernadin de Sienne kết thúc một bài giảng : “Lạy thánh Giuse, xin nhớ đến chúng con, xin cầu bầu cho chúng con nơi Con Nuôi của ngài ; xin làm cho chúng con cũng được phù hộ nơi Đức Trinh Nữ Maria, hôn thê của ngài, cũng là Mẹ Đấng, cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, luôn sống và hiển trị muôn đời.”
***
Ngày 23.03
THÁNH TURIBIO DE MONGROVEJO,
Giám mục
(1538-1606)
Lễ nhớ
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Turibio Alfonso de Mongrovejo, được sinh ra tại vùng Léon xứ Tây Ban Nha vào khoảng năm 1538 ; học luật tại Salamanca trước khi trở thành tỉnh trưởng Grenada. Dù được phong thánh từ năm 1726, nhưng việc nhớ đến ngài cũng mới đây thôi.
Thánh Turibio là vị Tông Đồ vĩ đại của Pêru và những vùng Châu Mỹ La Tinh. Đất nước này bị Pizarro chinh phục theo lệnh nhà vua Tây Ban Nha, được vua Philippe II thiết đặt một Tổng giáo phận mới tại Lima và Turibio được gọi làm Tổng giám mục vào năm 1580, khi ngài còn là giáo dân. Lima được nâng lên thành Tòa giám mục vào năm 1541 và thẩm quyền của ngài vươn dài trên tất cả các nước nằm giữa Panama và Rio de La Plata. Địa phận mà ngài lãnh nhận từ năm 1581, trải dài 520 km dọc Thái Bình Dương : đi từ Nicaragua của Paraguay đến Argentina.
Từ lúc khởi đầu sứ vụ, thánh Turibio cố gắng triệu tập nhiều Công đồng và công nghị để tạo dựng hàng giáo sĩ và nâng cao nền luân lý của dân chúng, đặc biệt của người Indiens. Ngài những nơi cư trú của dân nghèo địa phương để củng cố họ.
Ngài qua đời ngày 23.03.1606 trong một cộng đoàn người Indiens, vào cuối cuộc hành trình mục vụ. Đó là ngày thứ Năm Tuần thánh. Ngài ao ước trong những giây phút cuối đời, người ta hát cho ngài nghe Thánh Vịnh 115 và 30, có đệm đàn, trong khi người ta giơ Thánh giá cho ngài. Di hài của ngài được chuyển về Lima vào năm 1607.
2. Thông điệp và tính thời sự
Phụng Vụ gợi lên “những hoạt động Tông Đồ” của thánh Turibio và “tình yêu của ngài đối với chân lý”, đã làm cho Hội thánh phát triển. Với một lòng can đảm, vị Tân Tổng giám mục Lima đảm nhiệm công tác Phúc Âm hóa và canh tân, đối mặt với các gương xấu làm cho sứ vụ của ngài hóa ra khó khăn, cũng như đối mặt với sự kháng cự của chính quyền thực dân và của một số Dòng tu chống lại sự nhiệt tình của ngài. Đối lại với những người kết án ngài cứ theo phong tục, ngài luôn nhắc lại lời của Tertullien : “Đức Giêsu không nói “Tôi là phong tục”, nhưng Người nói “Tôi là chân lý”.
Thánh Turibio rất được người Indiens yêu mến vì ngài nói chuyện với họ bằng ngôn ngữ của họ. Ngài đã thăm viếng mục vụ 3 lần trong địa phận mênh mông. Ngài thành công tái lập lại kỷ luật khi triệu tập 13 công nghị địa phận và công bố các sắc lệnh của Công đồng miền ; trong đó có Công đồng Lima vào năm 1582-1583, có thể so sánh với Công đồng Tridentinô đối với Châu Mỹ La Tinh. Ngài cho thấy mức độ tình yêu của mình trong lúc dịch tả hoành hành đến độ dám hy sinh mạng sống mình vì ơn cứu độ cho đoàn chiên.
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XIV đã so sánh thánh Turibio với Thánh Charles Borromêô. Thật vậy, sự quảng đại của ngài đã làm cho dân Chúa được lớn dậy trong “một đức tin và một sự thánh thiện luôn tiến triển”, đã làm cho ngài trở thành một mẫu người truyền giáo.
Bản văn được trích dẫn trong Phụng Vụ Giờ Kinh, rút từ các Sắc Lệnh của Công đồng Vaticanô II (Trách nhiệm mục vụ của các giám mục), khuyến khích các giám mục trình bày giáo lý Kitô giáo có sự hoà hợp và luôn phải bảo vệ. Cũng thế, như tài liệu dạy, “trong việc chuyển đạt, các ngài phải xác tín sự lo lắng của Mẹ Hội thánh đối với mọi người …
Các ngài phải đặc biệt lo cho người nghèo và người bần khổ”. Các điều này đã được thánh Turibio thực hiện cách tuyệt vời, qua việc mình sống cho mọi người, để canh tân Hội thánh của Pêru. Trong lo lắng để mang đến cho mọi người ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, thánh Turibio đã trở thành hình ảnh của Người Mục Tử nhân lành, hiến mạng sống mình vì đoàn chiên. Ngài nói : “Thiên Chúa sẽ bảo tôi tường trình mọi hoạt động của tôi, nhất là trong việc thực hành sứ vụ. Ích gì khi tôi cứu được nhiều người, mà lại bỏ sót một người vì lỗi của tôi.”