Phụng Vụ Cử Hành Trong Không Gian

MỤC VỤ PHỤNG VỤ

Phụng Vụ Cử Hành Trong Không Gian

Lm.Ant Nguyễn Đức Khiết

 

PHỤNG VỤ CỬ HÀNH TRONG KHÔNG GIAN

Việc thờ phượng theo Thần Khí và Sự Thật (x. Ga 4,24) của Giao ước mới không bị ràng buộc vào một nơi nhất định. Tất cả trái đất đều là thánh và được giao phó cho con cái loài người. Khi các Kitô hữu tụ họp một nơi, điều quan trọng là chính họ “là những viên đá sống động để xây nên ngôi đền thờ của Thánh Thần” (1Pr 2,4-5). Thân thể của Đức Kitô Phục Sinh là ngôi đền thiêng liêng phát sinh nguồn nước hằng sống. Được tháp nhập vào Đức Kitô nhờ Thánh Thần, “chính chúng ta là đền thờ thiêng liêng của Thiên Chúa hằng sống”. (2Cr 6,16).

I. Giáo hội và các nhà thờ.

Những nhà thờ hữu hình do các Kitô hữu xây dựng không chỉ là nơi hội họp, nhưng biểu thị và biểu lộ Giáo Hội đang sống trong địa phương đó, ngôi nhà của Thiên Chúa ở giữa những người đã được hoà giải và liên kết với nhau trong Đức Kitô GL 1180.

1. Giáo Hội hiện diện nơi các Kitô hữu hội họp:

Sách Công vụ cho ta thấy các Kitô hữu đầu tiên vẫn cùng với các tông đồ lên Đền thờ Giêrusalem để cầu nguyện (x. Cv 2,46 ; 3,1 ; 5,12. 42 ; 21,26-30 ; 22,17), nhưng không phải là để cử hành phượng tự Kitô giáo. Để cử hành các lễ nghi Kitô giáo, họ tập họp tại các tư gia, tại những nhà anh em nào có thể dung nạp được một số người khá lớn (x. Cv 1,15). Các Kitô hữu hội họp nhau để “nghe lời giảng dậy của các tông đồ, sống hiệp thông huynh đệ với nhau, bẻ bánh và cùng nhau cầu nguyện” (Cv2,42).

Như thế, chỉ cần một căn phòng rộng rãi cho cuộc hội họp. Đó là trường hợp căn nhà ở Giêrusalem “của bà Maria, mẹ của Gioan cũng có tên là Marcô, nơi anh em hội họp khá đông để cầu nguyện” khi Phêrô bị bỏ tù (Cv 12,12). Tại Troa, các Kitô hữu hội họp nhau ngày Thứ Nhất trong tuần để bẻ bánh tại một phòng trên lầu (Cv 20,7-8). Phaolô gửi lời chào chị Prisca và anh Aquila cũng như “Giáo Hội tập họp tại nhà anh chị ấy” (Rm 16,3-5). Tại Laođixê, Giáo Hội tập họp tại nhà chị Nympha (Cl 4,15) ; tại Colôxê, Giáo Hội tập họp tại nhà ông Philêmon (Plm 2).

2. Không Đền thờ nào khác ngoài “Giáo Hội”.

Từ “Giáo Hội” dùng để chỉ cộng đoàn các Kitô hữu. Nhưng cộng đoàn này cần có một nơi, một nhà, để hội họp, gặp gỡ nhau, bởi vì “Giáo Hội” có nghĩa là “hội họp”. Bởi vậy, Giáo Hội (hay nhà thờ) là một quan niệm khác với đền chùa của dân ngoại, và khác cả với đền thờ của người Do thái. Đối với người Hy lạp cũng như người Rôma, Đền thờ là nơi ở của vị thần được tượng trưng bằng một pho tượng, chỉ cần một căn nhà nhỏ hẹp, không cần nơi hội họp.

Đền thờ Giêrusalem trong Cựu ước là nơi Thiên Chúa hiện diện giữa Dân Người. Trong Tân ước, chính Đức Giêsu là Đền thờ của Thiên Chúa (Ga 2,19-21). Trong Ngài, các tín hữu sẽ thờ phượng đích thực Chúa Cha trong tinh thần và trong chân lý (Ga 4,23). Được kết hiệp với Người nhờ Phép Rửa, các Kitô hữu trở nên những viên đá sống động cấu tạo nên Đền thờ của Thiên Chúa hằng sống, trong Chúa Thánh Thần ( 1Cr 3,16-17 ; 6,19-20 ; 2Cr 6,16 ; Ep 2,19-22 ; 1Pr 2,5). Phaolô đã tuyên bố tại tối cao pháp đình Athêna : “Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm nên” (Cv 17,22-31)

Như vậy, ngôi nhà vật chất chỉ là dấu chỉ cho ngôi nhà thiêng liêng là các Kitô hữu. Bởi vậy, lúc ban đầu, ngôi nhà thờ được gọi là “nhà của Giáo Hội”, rồi dần dần, người ta gọi là ecclesia (Ecclesia (Giáo Hội) và nhà thờ (ecclesia ; Eglise, église ; Church, church).

Bởi vậy, “vào nhà thờ” thường có nghĩa là bước vào một nơi, bước vào một ngôi nhà, nhưng theo danh từ Kitô giáo thì “bước vào nhà thờ” lại có nghĩa là gia nhập Giáo Hội, là lãnh nhận Bí tích Rửa tội.

Vào thế kỷ 3, Clêmentê thành Alexandria đã nói : “Tôi không gọi “ecclesia” là một nơi, nhưng đó là một cộng đoàn” (Stronates 7,5), và hai thế kỷ sau, Augustinô cũng nói như thế : “Nhà thờ này đã được xây dựng cho anh em, nhưng đúng ra chính anh em mới là nhà thờ” (bài giảng 359,9).

II. Các chức năng của nhà thờ.

Vừa là nhà của Thiên Chúa vừa là nhà của dân Chúa, nhà thờ phải bảo đảm nhiều chức năng chủ yếu của đời sống Giáo Hội : đó là nơi cộng đoàn Kitô hữu hội họp để nghe Lời Thiên Chúa, để cầu nguyện chung với nhau, để cử hành Thánh Thể và các Bí tích khác GL 1181.

1. Nhà thờ là nơi các “anh em” hội họp.

Từ ngữ đầu tiên được dùng để chỉ các Kitô hữu hội họp nhau chờ đợi Chúa Thánh Thần là “các anh em” (Cv 1,15) Trong các thư của Phaolô, ngài cũng gọi các tín hữu là “anh em” và kêu gọi họ “đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau” (1Cr 1,10).

Bởi vậy, các cộng đoàn Kitô hữu phải tỏ rõ tình huynh đệ này, một tình huynh đệ thuộc thần học, vì chúng ta chỉ có một Cha là Thiên Chúa duy nhất. Giáo Hội của Chúa không ngừng được xây dựng “bằng những viên đá sống động bởi Chúa Thánh Thần, và được liên kết lại bởi đức ái”, x. Kinh Tiền Tụng, Lễ Cung Hiến thánh đường cho nên, bất cứ xúc phạm nào đối với tình huynh đệ này đều là một phản chứng đối với niềm tin, dù do việc thiếu chia sẻ (1Cr 11,17-20), dù đó là những thiên vị và khinh chê người nghèo (Gc 2,1-4), dù đó là việc bỏ hội họp làm cho cộng đoàn bị nghèo nàn đi (Dt 10,25).

Vatican II nhấn mạnh về tính chất chủ yếu của cuộc hội họp huynh đệ này :

“Trong Phụng vụ, ngoài sự khác biệt do chức năng và do chức thánh…sẽ không có sự biệt đãi nào đối với các cá nhân, hoặc các đoàn thể trong khi cử hành các lễ nghi” PV 32.

Quy chế tổng quát Sách Lễ Rôma 2000 cũng nói : “Trong khi cử cử hành Thánh Lễ, các tín hữu hợp thành dân thánh, dân đắc hữu, hoàng tộc chuyên lo tế tự, để tạ ơn Thiên Chúa, dâng lên Ngài lễ phẩm tinh tuyền, không những nhờ tay vị tư tế, nhưng còn cùng với ngài, và để học cho biết dâng chính mình nữa. Họ phải chú tâm biểu lộ những điều ấy nhờ một tinh thần đạo đức sâu xa và nhờ đức bác ái đối với các anh chị em cùng tham dự Thánh Lễ. Cho nên, họ phải tránh mọi hình thức sống cá nhân và riêng lẻ ; họ phải nhớ rằng ; họ chỉ có một Cha ở trên trời và như vậy mọi người đều là anh chị em với nhau” QCTQ 95.

2. Nhà thờ là nơi giảng dậy đức tin.

Trong nghi thức Cung hiến nhà thờ, trước khi cử hành Lời Chúa, giám mục nhận lấy cuốn sách các bài đọc, giơ cao cho dân chúng thấy và nói : “Ước gì Lời Chúa vang lên ở nơi này”. Sau đó, bài đọc trích sách Nekhêmia kể lại việc dân Israel quy tụ lại sau thời gian lưu đầy để nghe đọc Lề Luật (Nkm 8,1-10). Đây có thề nói là mô hình của cuộc tập họp Kitô giáo.

Khi mô tả lại các cuộc hội họp của các Kitô hữu vào ngày Chúa nhật, thánh Justinô đã nói đến các bài đọc và việc giảng dậy (x 1 Apologie 67). Bởi vậy, từ thế kỷ 2 đến nay, nhà thờ là nơi các tín hữu được nghe giảng dậy về đức tin.

Bởi đó, ta sẽ dễ hiễu lý do tại sao Phụng vụ lại đề cao tầm quan trọng của nơi mà Lời Thiên Chúa được loan báo, tức giảng đài, của cuốn sách chứa đựng Lời Chúa, tức sách Phúc âm và của toà (cathedra), nơi giám mục ngồi để diễn giảng Lời Chúa.

3. Nhà thờ là nơi tôn thờ và cầu nguyện.

Nhà thờ là nơi của việc cầu nguyện cộng đồng. Nghi lễ Cung hiến Thánh đường đã làm nỗi bật lên ý nghĩa này trong Lời nguyện cung hiến : “Nơi đây hãy vang lên tiếng nói của mọi người, hợp với ca đoàn các thiên thần, làm như một lễ vật chúc tụng hoan hỷ ! Và một lời cầu nguyện không ngừng bay lên tới Chúa, vì ơn cứu độ của thế giới !” và “Ước chi, chúng con được thờ lạy Chúa, ngày này qua ngày khác, trong ngôi nhà cầu nguyện này” Lời nguyện cung hiến.

Nhưng, nhà thờ cũng là nơi các tín hữu đến cầu nguyện riêng : cầu nguyện và tôn thờ truớc Mình Thánh Chúa trong Nhà Tạm, cầu nguyện tôn kính và xin ơn trước Thánh Giá cũng như trước ảnh Đức Mẹ và các thánh. Như vậy, mọi sự bên trong nhà thờ phải phù hợp và giúp cho sự trầm tĩnh hồi tâm. Nhà thờ cần phải được bảo quản sạch sẽ, xứng hợp với việc cầu nguyện và những buổi cử hành Thánh Lễ PV 122-127. Trong nhà Chúa, các biểu tượng phải chân thật và hài hoà để giúp mọi người nhận ra Đức Kitô đang hiện diện và hoạt động nơi dây.

4. Nhà thờ là nơi cử hành Thánh Thể.

Lời nguyện Cung hiến đã nói đến trung tâm của nhà thờ là Bàn thờ, nơi phát xuất các Bí tích của mầu nhiệm Vượt qua, nơi hy tế thập giá được hiện tại hoá dưới những dấu chỉ bí tích, và là bàn tiệc Dân Chúa được mời đến tham dự :“Ước chi ở nơi đây, xung quanh bàn tiệc của bàn thờ, các tín hữu của Cha tưởng niệm cuộc Phục sinh của Chúa bằng những cử hành, và để họ được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa Kitô và bằng Mình Thánh Ngài” Lời nguyện cung hiến.

Trong lời kêu mời các tín hữu đến “hội họp” của thánh Inhaxiô thành Antiokia, ta khám phá ra được một trong những chủ đích chính của nhà thờ : “Tất cả anh chị em hãy chạy tới họp nhau như trong một đền thờ duy nhất của Thiên Chúa, xung quanh một bàn thờ duy nhất, trong Đức Giêsu Kitô”.

Vì thế, “Để cử hành Thánh Lễ, dân Chúa thường tập họp nơi thánh đường, hoặc nếu không có thánh đường hay thánh đường không đủ lớn, thì tập họp ờ một nơi trang nghiêm, xứng đáng với mầu nhiệm rất thánh này. Vậy, thánh đường và những nơi khác phải phù hợp với việc cử hành thánh và giúp giáo dân tham dự cách linh động” QCTQ 288.

5. Nhà thờ là nơi cử hành các Bí tích.

Nhà thờ cũng là nơi người tín hữu lãnh nhận các Bí tích. Vatican II đã nhấn mạnh về việc nên lãnh nhận các Bí tích trong nhà thờ : “Việc cử hành cộng đồng với sự tham dự đông đảo và linh hoạt của giáo dân thì nên nhớ rằng phải quý chuộng việc cử hành cộng đồng hơn việc cử hành cá nhân và riêng tư. Điều này có giá trị đặc biệt cho việc cử hành Thánh lễ… và việc ban phát các Bí tích” PV 27.

Điều này phải áp dụng trước tiên cho Bí tích Rửa tội : “Để Bí tích Rửa tội được bày tỏ cách rõ ràng đức tin của Giáo Hội và việc gia nhập vào dân Chúa, người ta thường cử hành Bí tích này trong nhà thờ giáo xứ là nhà thờ phải có giếng Rửa tội” Nghi thức Rửa tội trẻ em

Về giếng rửa tội, Sách Giáo Lý nhắc nhở chúng ta : “Cuộc triệu tập của dân Chúa bắt đầu bằng Bí tích Thanh tẩy, nên thánh đường phải có giếng Rửa tội để cử hành Bí Tích Thanh tẩy và có những bình nước thánh để nhắc các tín hữu nhớ đến những lời hứa ngày rửa tội” GL 1185

Bí tích Thêm sức cũng thường được ban tại nhà thờ giáo xứ để xứng với việc cử hành cộng đồng và đại lễ.
Sách Giáo lý nhắc tới việc cất giữ Dầu thánh (dầu S.C) trong nhà thờ như sau : “Dầu thánh theo truyền thống, được bảo quản và tôn kính tại một nơi chắc chắn trong cung thánh, vì xức dầu là dấu bí tích của ấn tín ơn Chúa Thánh Thần. Dầu dự tòng (dầu O.S) và dầu bệnh nhân (dầu O.I) cũng có thể đặt chung ở đó” GL 1183, 1241

Đối với Bí tích Hoà giải, sau Vatican II, sách nghi thức mới đã đề ra những cử hành sám hối mang tính cộng đồng và được cử hành trong nhà thờ, còn đối với việc hoà giải cá nhân, “cần phải có một nơi để mang lại cho sự đón tiếp và ơn tha thứ tất cả giá trị biểu tượng của chúng” GL 1185.

Các lễ Truyền chức thánh do giám mục chủ sự thường được cử hành tại nhà thờ chính toà. Nhưng có thể chọn một nhà thờ khác vì con số quá đông các tín hữu dự lễ.

Đối với Bí tích Xức dầu Bệnh nhân thì thường các bệnh nhân lãnh nhận bí tích này tại giường bệnh, nhưng sách nghi thức cũng dự trù những cử hành cộng đồng trong nhà thờ, vào một dịp hành hương hay một cuộc tập họp các bệnh nhân

Ngoài việc lãnh nhận các Bí tích, người ta còn đưa xác một người chết đến nhà thờ là để nhắc lại rằng đời sống của các Kitô hữu đã bắt đầu bằng Phép Rửa trong nhà thơ, và nay họ lại được đưa về nhà Cha, vì nhà thờ cũng còn là hình ảnh của nhà Cha trên trời GL 1186

6. Nhà thờ là nơi tưởng niệm và mang ý nghĩa cánh chung

Nhà thờ là nơi ghi dấu lịch sử của cộng đoàn : đó là nơi nhiều thế hệ đã sống nối tiếp nhau, là nơi các gia đình đã sống những giây phút hạnh phúc và đau buồn, là nơi đã diễn ra các biến cố đáng ghi nhớ.

Nhà thờ cón mang ý nghĩa cánh chung. Để vào “Nhà Chúa”, người tín hữu phải bước qua ngưỡng cửa, như thể từ thế giới tội lỗi bước vào thế giới của đời sống mới mà Thiên Chúa muốn dành cho mọi người. Với ý nghĩa này, nhà thờ là một dấu chỉ của thế giới bên kia, một thế giới mà con người cần phải nhớ tới giữa cuộc sống thường ngày, đó cũng là dấu chỉ sự hiện diện của Đấng Siêu việt, vừa rất khác vừa rất gần chúng ta.

Bởi vậy, cần phải mở cửa các nhà thờ ; các cửa này dẫn vào một không gian linh thiêng, vì ngoài các chiều kích hữu hình của một ngôi nhà, nhà thờ còn hướng về tương lai, chiều vĩnh cửu mà con người cảm thấy có mặt ngay trong hiện tại GL 1186.

III. Xếp đặt và trang trí Thánh Đường để cử hành Thánh Lễ (QCTQ, chương V)

A. Những nguyên tắc tổng quát

1. “Để cử hành Thánh Lễ, dân Chúa thường tập họp nơi thánh đường, hoặc nếu không có thánh đường hay thánh đường không đủ lớn, thì tập họp ở một nơi trang nghiêm, xứng đáng với mầu nhiệm rất thánh này. Vậy thánh đường và những nơi khác phải phù hợp với việc cử hành thánh và giúp giáo dân tham dự cách linh động. Hơn nữa các nơi thánh và các đồ vật dùng trong Phụng vụ phải đẹp, xứng đáng, đồng thời biểu thị và tượng trưng cho những thức tại siêu phàm” QCTQ 288.

2. “Việc trang trí thánh đường nên chuộng vẻ đơn sơ cao quý hơn là hào nhoáng. Khi chọn lựa các vật dụng để trang trí, nên dùng đồ thật và theo hướng góp phần giáo huấn các tín hữu và phù hợp với sự trang nghiêm của nơi thánh” QCTQ 292.

3. “Việc sắp xếp tổng quát thánh đường nên phản ảnh phần nào công đoàn tập họp, cũng như tạo thuận lợi cho mọi người thi hành đúng đắn phần việc của mình, nghĩa là :

a. Các tín hữu và ca đoàn phải có vị trí giúp cho việc tham gia tích cực của họ được dễ dàng;
b. Vị chủ tế, thầy phó tế và các người giúp khác phải có chỗ trên cung thánh. Còn khi số đồng tế quá đông, thì sấp xếp ghế ngồi đâu đó trong thánh đường, nhưng phải gần bàn thờ;
c. Mọi điều trên, tuy phải diễn tả thứ tự phẩm trật và sự khác biệt các chức vụ, nhưng phải mang lại sự hiệp nhất thân tình và hài hoà” QCTQ 294.

B. Việc sắp xếp cung thánh để cử hành Thánh Lễ

“Cung thánh là nơi đặt bàn thờ, công bố Lời Chúa, và vị chủ tế, phó tế và các người giúp khác thi hành nhiệm vụ mình. Cung thánh cần được phân biệt với lòng thánh đường bằng độ cao hơn, hay bằng một cấu trúc và trang trí đặc biệt. Nó phải đủ rộng để việc cử hành Thánh Lễ có thể diễn tiến tốt đẹp và được nhìn thấy” QCTQ 295

1. Bàn thờ :

a.“Trong nơi thánh, Thánh Lễ phải được cử hành trên một bàn thờ ; còn ngoài nơi thánh, thì có thể cử hành trên một cái bàn xứng đáng, nhưng luôn phải có khăn phủ bàn thờ và khăn thánh, thánh giá và đèn” QCTQ 296

b.“Trong mọi thánh đường phải có bàn thờ cố định tượng trưng cách rõ ràng và thường xuyên cho Chúa Giêsu Kitô, Tảng đá sống động (1Pr 2, 4 ; x. Ep 2, 20). Còn trong các nơi khác, dùng vào việc cử hành thánh, thì bàn thờ có thể di động.

Bàn thờ gọi là cố định, nếu được làm dính với nền cung thánh và do đó không thể di chuyển được ; nếu chuyển dời được thì gọi là di động” QCTQ 298.

c.“ Bàn thờ phải chiếm vị trí trung tâm mà tất cả cộng đoàn tín hữu tự nhiên hướng về đó. Thông thường bàn thờ phải cố định và được cung hiến” QCTQ 299.

d.“Vì lòng tôn kính đối với việc cử hành tưởng niệm Chúa và đối với bữa tiệc Mình và Máu Chúa, nên phủ bàn thờ nơi cử hành một khăn mầu trắng, có hình dáng, kích thước và trang trí thích hợp với cấu trúc của bàn thờ” QCTQ 304.

e. “Nên giữ chừng mực khi trang hoàng bàn thờ.

Trong Mùa Vọng, bàn thờ được chưng hoa cách vừa phải thích hợp với đặc tính của Mùa, để không cho thấy quá sớm niềm vui trọn vẹn của ngày Giáng Sinh. Mùa chay không được chưng hoa trên bàn thờ, trừ Chúa nhật Laetare (IV Mùa Chay), các lễ trọng và lễ kính.

Việc chưng hoa phải luôn chừng mực, và nên đặt hoa chung quanh bàn thờ hơn là trên bàn thờ” QCTQ 305.

f. “Trên bàn thờ chỉ đặt những gì mà việc cử hành Thánh Lễ đòi hỏi, nghĩa là : sách Tin mừng từ đầu cử hành cho đến khi công bố Tin mừng, chén thánh với đĩa, bình thánh, nếu cần, khăn thánh, khăn lau và Sách Lễ từ lúc dâng lễ vật cho đến khi tráng chén.

Phài đặt cách kín đáo những gì cần khuếch âm tiếng của chủ tế” QCTQ 306.

g. “Trên bàn thờ hay gần cạnh, phải có thánh giá có hình Chúa chịu đóng đinh mà cộng đoàn tập họp có thể thấy rõ. Thánh giá như thế sẽ gợi cho cộng đoàn nhớ sự thương khó cứu độ của Chúa, và được để thường xuyên gần bàn thờ ngay cả lúc không có cử hành Phụng vụ” QCTQ 308

2. Giảng đài :

a. “Phẩm giá Lời Chúa đòi phải có một nơi thích hợp trong nhà thờ, để Lời Chúa được loan báo và cộng đoàn tự nhiên hướng về đó trong phần Phụng vụ Lời Chúa.

b. Nơi đó thường phải là một giảng đài cố định, chứ không phải là một cái giá sách di chuyển được. Phải tùy theo cấu trúc của mỗi nhà thờ mà đặt giảng đài để cộng đoàn có thể dễ dàng nhìn thấy và nghe được thừa tác viên có chức thánh và các độc viên.

c. Tại giảng đài sẽ đọc các bài đọc, thánh vịnh đáp ca và bài công bố Tin mừng Phục sinh. Cũng tại đó, có thể giảng và đọc các lời nguyện cho mọi người, tức là lời nguyện tín hữu. Phẩm giá của giảng đài đòi chỉ có thừa tác viên Lời đi lên đó..” QCTQ 309. Như vậy, chỉ có một giảng đài mà thôi.

3. Ghế của vị chủ tế và các ghế khác

a.“Ghế của vị chủ tế phải nói lên vai trò chủ tọa cộng đoàn và điều khiển kinh nguyện. Do đó, chỗ thích hợp nhất là phía đầu cung thánh, hướng về giáo dân, trừ phi lối kiến trúc thánh đường hoặc những hoàn cảnh khác không cho phép, ví dụ : khoảng cách quá xa làm cho việc hiệp thông giữa chủ tế và giáo dân trở nên khó khăn, hoặc vì nhà tạm chiếm chỗ giữa phía sau bàn thờ. Phải tránh mọi thứ ngai toà.

b. Cũng đặt ghế trong cung thánh cho các vị đồng tế và các linh mục hiện diện trong buổi cử hành mà không đồng tế, các vị sau phải mặc “áo các phép”.

c. Ghế của thầy phó tế được đặt gần ghế của chủ tế.

d. Còn ghế các người giúp khác phải đặt làm sao cho phân biệt rõ ràng với ghế của hàng giáo sĩ và cho các người giúp có thể thi hành phận vụ mình cách dễ dàng” QCTQ 310.

C. Việc sắp xếp chỗ trong thánh đường.

1. Chỗ cho các tín hữu

a.“Phải xếp đặt cho các tin hữu có chỗ thích hợp, để bằng mắt và bằng tâm hồn, họ có thể tham dự tích cực những nghi thức thánh …

b. Phải loại bỏ thói tục dành ghế riêng cho một số cá nhân…

c. Phải liệu làm sao cho các tin hữu không những nhìn thấy vị chủ tế, phó tế hay các người đọc sách, mà còn nghe rõ nhờ những phương tiện kỹ thuật hiện đại” QCTQ 311.

2. Chỗ của ca đoàn

“Phải dựa vào cấu trúc của thánh đường mà xếp chỗ cho ca đoàn, để cho thấy bản chất của ca đoàn là thành phần của cộng đoàn tập họp và giữ một phận vụ riêng biệt, để ca đoàn dễ dàng thực hiện phận vụ mình, và mọi ca viên thuận lợi tham dự đầy đủ vào Thánh lễ, nghĩa là tham dự Bí tích Thánh Thể” QCTQ 312.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *