MỤC VỤ PHỤNG VỤ
Phụng Vụ Cử Hành Trong Một Nền Văn Hóa
Lm.Ant Nguyễn Đức Khiết
CỬ HÀNH TRONG MỘT NỀN VĂN HÓA
I. Tập thể xã hội và môi trường văn hoá.
Là con của vũ trụ thiên nhiên, con người dâm rễ rất sâu vào vũ trụ văn hoá. Mỗi người là thành viên của cộng đồng xã hội, nơi con người được sinh ra. Là con người có nghĩa là sống trong một xã hội, sinh trong một gia đình, một bộ lạc, một dân tộc, với những hệ thống truyền thống, những liên hệ và trao đổi đủ loại. Mỗi người chúng ta khi sinh ra đã gia nhập ngay vào một nhóm xã hội, giữa lòng nhân loại.
Nhóm xã hội của mỗi người đã ban cho mỗi người một tên gọi, một chỗ đứng trong thị tộc, với một quy chế về quyền lợi và bổn phận. Nhóm xã hội này cũng đồng thời truyền đạt cho mỗi người “những truyện tích”, trong đó ký ức, các hình dung về các giá trị, cũng như những ước mơ của nhóm, được nói lên bằng nhiều cách khác nhau.
II. Con người, một hữu thể văn hoá.
Môi trường tự nhiên của cá là nước. Môi trường tự nhiên của chim là không khí. Là hữu thể trong thế giới, con người cũng cần nước để sống và khí để thở. Nhưng vì con người mang tính xã hội, nên môi trường tự nhiên của con người là văn hoá.
Theo ngôn ngữ bình dân, người ta thường hiểu văn hoá là “thông thái”, có học thức”, ngược lại với “dốt nát” và “mọi rợ”, nhưng ở đây, ta hiểu từ này theo một nghĩa chuyên môn hơn của các nhà nhân chủng học. Lèvi-Strauss định nghĩa như sau :
“Bất cứ nền văn hoá nào cũng được coi như một toàn bộ các hệ thống biểu tượng mà ở hàng đầu là ngôn ngữ, các luật lệ hôn nhân, nghệ thuật, khoa học, tôn giáo. Tất cả các hệ thống này nhằm biểu thị một số các khía cạnh của thực tại vật lý và của thực tại xã hội và nhất là những liên hệ mà hai thứ thực tại này có với nhau và cũng là những liên hệ mà các hệ thống biểu tượng duy trì giữa chúng với nhau”.
Từ định nghĩa của Lévi-Strauss, ta thấy các yếu tố cấu tạo nên văn hoá là “các biểu tượng”, “các quan niệm” mà con người có về vạn vật. Con người, cũng như nhóm xã hội của nó, không trực tiếp đối diện với bản thân, với thế giới và với thần minh của mình. Con người đạt tới những thực tại đó qua “những trung gian”. Các trung gian văn hoá, chính là những cách con người hình dung, quan niệm về vũ trụ và thần thánh, và là cách con người vận dụng các hình ảnh để nói năng với nhau, để kể truyện, để viết lịch sử, để nối những liên lạc với nhau, cũng như để cử hành những chặng đường đời của mình.
III. Các nghi thức tôn giáo, những cột trụ của văn hoá.
Để tham dự cách tích cực vào việc thờ tự của một dân tộc, cần phải biết rõ văn hoá của dân tộc đó : ngôn ngữ, các truyện cổ tích, các quan niệm, các phong tục, tục lệ, tổ chức kinh tế và chính trị. Bởi vì các nghi thức tôn giáo biểu thị và duy trì nền văn hoá của mỗi xã hội.
Ngược lại, để hiểu biết văn hoá của một dân tộc, không gì bằng tham dự các lễ hội và các nghi thức của dân tộc đó: đó là nơi tâm hồn dân tộc này được bầy tỏ cách sâu xa.
Tuy nhiên, các nghi thức lễ hội, tôn giáo cũng có thể không còn tác dụng đến văn hoá của một dân tộc nữa, đó là trường hợp những xứ đang bị khủng hoảng về trào lưu thời đại mới. Các nghi thức lễ hội, tôn giáo có thể trở thành những chuyện xa xưa còn sót lại. Các nghi thức cũng có thể bị mất đi ý nghĩa sâu xa của nó để trở thành vẻ trang trí hoặc cái uy của một tầng lớp xã hội.
IV. “Ngôi Lời đã thành nhục thể”
Nơi tâm điểm Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng rằng “Ngôi Lời đã làm người”. Thiên Chúa đã mặc lấy bản tính loài người, và như vậy, cũng có nghĩa là Nhập thể diễn ra trong “hội nhập văn hoá” : Đấng mà chúng ta tuyên xưng là Chúa là một người có văn hoá Do thái, đã sống ở một giai đoạn lịch sử và trong một xã hội cá biệt.
Ngay từ buổi đầu, Giáo Hội sơ khai đã đứng trước hai đòi hỏi trong vấn đề các nền văn hoá :
1. Hội nhập văn hoá (inculturation) :
Khi đức tin được loan báo cho một dân tộc và được loan báo bằng ngôn ngữ của họ, hội nhập vào văn hoá của họ chú ý đến các nghi thức, các biểu tượng và cách suy nghĩ về cuộc sống của họ.
2. Thích nghi văn hoá (acculturation) :
Làm sao chúng ta có thể hiểu biết Đức Giêsu, tin Ngài và trở thành môn đệ của Ngài, nếu ta không hiểu gì về nền văn hoá của Ngài . Vấn đề không phải là trở thành Do thái như Ngài, nhưng là sống và loan báo đức tin với nền văn hoá của chúng ta.
V. Những trao đổi của lịch sử.
Những trao đổi qua lại này vẫn luôn xẩy ra trong Giáo Hội và chúng đã làm nảy sinh ra nhiều cuộc khủng hoảng. Sách Công vụ cho ta nghe âm vang về cuộc khủng hoảng đầu tiên loại này : có nên bắt buộc những người không phải là Do thái chịu cắt bì và tuân giữ một số giới răn về vấn đề ăn uống khi họ tin theo Đức Kitô không ? (x. Cv 15,1-21).
Thái độ bất khoan nhượng của một số Kitô hữu thiên Do thái sẽ phải nhượng bộ trước thái độ cởi mở của Phaolô (thái độ cởi mở này đã được chính Đức Kitô bắt đầu, x. Mc 7). Vị tông đồ của những người không chịu cắt bì đã đặt nền móng cho việc hội nhập văn hoá (x. Gl 2). Nhưng cũng chính Phaolô giúp cho người Do thái cũng như dân ngoại thấm nhuần tinh thân của Phúc âm. Đối với người Kitô hữu gốc Do thái muốn trở lại với các quan niệm của lề luật Môsê, ngài dậy cho họ về sự tự do của Thần Khí Chúa Kitô (x. Rm 7), còn đối với các Kitô hữu gốc dân ngoại nhớ nhung những thói tục thờ ngẫu tượng, thí ngài cảnh cáo họ về ảnh hưởng tai hại của một số tư tưởng triết học (x. 1Cr 10 và Cl 2).
Qua dòng lịch sử, tại Tây phương, ta thấy Phúc âm đã hội nhập nhiều nhất vào văn hoá La Tinh, vay mượn của nền văn hoá này không những từ ngôn ngữ, tổ chức, luật pháp, mà còn cả một số mô hình Phụng vụ. Điều này đã dẫn tới sự lẫn lộn giữa loan báo Tin mừng và truyền bá văn minh La tinh.
Hiến chế về Phụng vụ của Công đồng Vatican II đã đã đặt nền móng cho việc hội nhập Kitô giáo vào các nền văn hoá không phải là Tây phương (vd : các nển văn hoá Á châu, Phi châu…) như sau :
“Ngoài những lãnh vực liên quan đến đức tin và lợi ích cho toàn thể cộng đoàn, Giáo Hội không muốn ấn định một hình thức cứng rắn nào, ngay cả trong Phụng vụ. Hơn nữa Giáo Hội còn tôn trọng cũng như phát huy những tinh hoa, những đặc tính của các dân nước. Bất cứ những gì trong tập tục, không liên quan mật thiết với dị đoan và lầm lạc, đều được Giáo Hội mến phục với thiện cảm, và nếu có thể, còn được bảo tồn trọn vẹn. Hơn nữa, đôi khi những tập tục đó còn được Giáo Hội nhận vào trong Phụng vụ, miễn sao hoà hợp với những nguyên tắc của tinh thần Phụng vụ đích thực và chân chính” PV 37.
Hiến chế Phụng vụ còn trao quyền cho Giáo hội địa phương trong vấn đề thích nghi và hội nhập văn hoá :
“Trong giới hạn được ấn định nơi các bản mẫu của các sách Phụng vụ, Thẩm quyền Giáo hội địa phương, như đã nói trong số 22, 2, có quyền xác định những thích nghi, đặc biệt trong việc cử hành các Bí tích, á Bí tích, rước kiệu, ngôn ngữ Phụng vụ, thánh nhạc và nghệ thuật. Tuy nhiên, phải theo đúng những quy tắc căn bản trong Hiến chế này” PV 39.
Sách Giáo lý Hội Thánh công giáo viết về mối dây liên hệ giữa Phụng vụ và các nền văn hoá như sau :
“Phụng vụ phải được cử hành phù hợp với đặc tính và văn hoá của các dân tộc. Để mầu nhiệm của Đức Kitô được thông báo cho muon dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa (x. Rm 16,26), Giáo Hội phải loan báo, cử hành và sống trong tất cả các nền văn hoá. Mầu nhiệm Đức Kitô không xoá bỏ, nhưng cứu chuộc và kiện toàn các nền văn hoá. Chính nhờ nền văn hoá riêng được Đức Kitô tiếp nhận và thanh luyện, đông đảo con cái Thiên Chúa đến được với Chúa Cha để tôn vinh Người trong cùng một Thánh Thần” GL 1204.