Thánh Lễ Đồng Tế: Ý Nghĩa Thần Học và Quy Luật Phụng Vụ

MỤC VỤ PHỤNG VỤ

THÁNH LỄ ĐỒNG TẾ: Ý NGHĨA THẦN HỌC VÀ QUY LUẬT PHỤNG VỤ

Lm.Ant Nguyễn Đức Khiết

 

THÁNH LỄ ĐỒNG TẾ : Ý NGHĨA THẦN HỌC VÀ QUY LUẬT PHỤNG VỤ

 

I. NHẬP ĐỀ :

Hiến chế Phụng vụ (12.12.1963) nói về Thánh Lễ đồng tế như sau :

“Việc đồng tế biểu lộ chính đáng tính cách hiệp nhất của chức tư tế, cho đến nay vẫn được dùng trong Giáo Hội, Đông Phương cũng như Tây Phương…” PV 57

Câu nói này cho thấy Công Đồng Vatican II muốn ưu tiên làm nổi bật ý nghĩa thần học của Thánh Lễ đồng tế. Cho đến thời điểm của Hiến chế Phụng vụ ra đời, Giáo Hội Đông Phương vẫn duy trì truyền thống tốt đẹp này, trong khi Giáo Hội La Tinh chỉ còn cử hành đồng tế trong các Thánh Lễ phong chức giám mục và linh mục. Mặc dù Hiến chế Phụng vụ đã mở rộng quyền đồng tế vào những dịp đặc biệt PV 57-58, nhưng chỉ vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh năm 1965, lần đầu tiên, người ta mới thấy Thánh Lễ đồng tế tái xuất hiện trong Giáo Hội La Tinh. Một lý do dễ hiểu sự chậm trễ này là, vì ngày 7 tháng 3 năm 1965, Thánh Bộ Nghi Lễ (Bộ Phượng Tự) mới công bố Nghi Lễ mới về Thánh Lễ đồng tế với sắc lệnh “Ecclesiae semper”.

Việc công bố Nghi Lễ mới này đã mau chóng được đón nhận khắp nơi. Đây là dấu chỉ cho thấy ý hướng canh tân của Công Đồng Vatican II vừa nói lên một ước nguyện trở về nguồn vừa được đón nhận như một ân huệ của Thiên Chúa ban cho thời đại chúng ta.

II. TRỞ VỀ NGUỒN :

Theo cách diễn tả của chính Công Đồng thì “việc đồng tế… cho đến nay vẫn được dùng trong Giáo Hội, Đông Phương cũng như Tây Phương” PV 57.

Các chứng từ cho thấy trong những thế kỷ đầu tiên Giáo Hội đã cử hành Thánh Lễ đồng tế như dấu chỉ biểu lộ mầu nhiệm duy nhất của Giáo Hội và Thánh Thể.

A. Chứng từ của thánh Inhaxiô thành Antiokia (+110)

Trong thư gửi cho giáo đoàn Philadelphia, ta đọc thấy những chỉ dẫn liên quan đến Thánh Lễ do giám mục địa phương cử hành cùng với linh mục đoàn và các phó tế phục vụ bàn thờ :

“Anh em hãy cẩn thận ! Chỉ tham dự một Thánh Lễ Tạ Ơn (Eucharistie) duy nhất mà thôi, bởi vì chỉ có một Thân mình của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, chỉ có một chén duy nhất để hiệp nhất chúng ta trong Máu thánh Người, chỉ có một bàn thờ cũng như chỉ có một giám mục cùng với linh mục đoàn và các phó tế là những bạn phục vụ của tôi ; như thế, những gì anh em thực hiện, anh em thực hiện theo như ý Chúa” Phil 4, 1-2

Theo thánh Inhaxiô, cộng đoàn Thánh Thể là dấu chỉ sự hiệp nhất cho Giáo hội địa phương, bởi vì Mình và Máu Đức Kitô chỉ là một, cũng như chỉ có một bàn thờ và một giám mục. Khi nhấn mạnh đến nguyên lý về một bàn thờ duy nhất, thánh Inhaxiô rút ra một hệ luận vừa mang chiều kích giáo hội học vừa mang chiều kích phụng vụ, đó là việc giám mục cử hành Thánh Thể cùng với linh mục đoàn với sự phục vụ bàn thờ của các phó tế cho cộng đòan tín hữu bày tỏ sự hiệp nhất của Giáo Hội.

B. Chứng từ của Eusêbiô thành Xêsarê.

Trong cuốn Lịch sử Giáo Hội (Histoire ecclésiastique) của mình, sử gia Eusêbiô trích lại câu chuyện mà thánh Irênê thành Lyon đã kể, đó là cảnh Đức Giáo Hoàng Anicet và Giám mục Polycarpô thành Smyrna, đứng tại cùng một bàn thờ để cử hành cùng một Thánh Lễ, mặc dù giữa hai vị đang có khác biệt về ngày mừng lễ Phục Sinh (Trong ba thế kỷ đầu, có hai tập tục khác nhau về ngày mừng lễ Phục sinh. Một vài giáo đoàn bên Tiểu Á mừng lễ Phục sinh đúng vào ngày 14 tháng Nisan, tức là ngày trăng tròn, trùng với lễ Vượt Qua của người Do Thái (x. Xh 12, 6). Như vậy, lễ Phục sinh có thể rơi vào bất cứ ngày nào trong tuần. Tuy nhiên, đa số các giáo đoàn mừng lễ Phục sinh vào ngày Chủ Nhật sau ngày 14 tháng Nisan). Công đồng Nixê (325) đã quyết định thống nhất ngày cử hành lễ Phục sinh trong toàn thể Giáo Hội vào ngày Chủ Nhật sau 14 tháng Nisan.. Hơn nữa, Đức Giáo Hoàng Anicet còn mời Giám mục Polycarpô đọc Kinh Tạ Ơn, một kinh dành riêng cho giám mục địa phương. Sự kiện này xảy ra vào khoảng năm 155 (Histoire ecclésiastique V, 24, 17 : SC 41, 1955, trad. G. Bardy.). Theo tác phẩm Giáo Huấn của Mười Hai Tông Đồ (Didascalie des douze apôtres) được viết vào khoảng đầu thế kỷ III, giám mục địa phương phải mời giám mục khách của mình, không chỉ đứng bên cạnh mình giữa linh mục đoàn mà còn phải mời ngài ngỏ lời với dân chúng và đọc kinh tạ ơn (Chương 12, 58, 2-3).

C. Chứng từ của thánh Hippolitô thành Rôma.

Theo tác phẩm Truyền Thống tông đồ của thánh Hippôlitô (La tradition apostolique de saint Hippolyte), viết khoảng đầu thế kỷ III, khi tấn phong giám mục, các giám mục hiện diện đặt tay trên đầu vị thụ phong và một vị trong các ngài đọc lời nguyện phong chức. Sau đó, vị tân giám mục chủ sự Thánh Lễ cùng với linh mục đoàn đồng tế ; các linh mục thinh lặng đặt tay trên lễ vật, nhưng chỉ một mình giám mục đọc Kinh Tạ Ơn (Chương 2-3, LQF 1989, Trad. B. Botte..)

Qua chứng từ của thánh Hippolitô về Thánh Lễ đồng tế, ta nhận ra một cử chỉ của các vị đồng tế làm là cử chỉ đặt tay tập thể trên lễ vật, đồng thời thinh lặng trong khi một mình giám mục đọc Kinh Tạ Ơn. Cử chỉ này được lấy lại trong Nghi Lễ Đồng Tế hiện nay( QCTQ 222, 227, 230, 233 hướng dẫn về cách thức đọc kinh Tạ Ơn).

III. NHỮNG BIẾN CHUYỂN CỦA THÁNH LỄ ĐỒNG TẾ :

Qua những chứng từ lịch sử, ta thấy Thánh Lễ đồng tế do giám mục chủ tọa cùng với hàng linh mục đã trở thành nguyên tắc cho việc cử hành Thánh Thể trong thời cổ đại Kitô giáo, Tuy nhiên, với thời gian, nguyên tắc về một bàn thờ duy nhất đã mang nhiều hình thức khác nhau.

A. Giáo Hội La-Tinh

Cuối thế kỷ VIII, người ta thấy có một sự thay đổi lớn là các vị Hồng y đẳng linh mục (cardinaux prêtres) chỉ còn đồng tế với Đức Giáo Hoàng vào 4 dịp lễ : Lễ Phục Sinh, Hiện Xuống, Giáng Sinh và lễ Thánh Phêrô. Các vị này cùng đọc Kinh Tạ Ơn với Đức Giáo Hoàng, nhưng tiếng của Đức Giáo Hoàng phải nổi bật lên (Ordo III, 1 :x. M. Andrien, Les Ordines romani du haut Moyen Age, T. II, 1948.). Hình thức đồng tế này còn kéo dài cho tới thế kỷ XII.

Giai đoạn từ thế kỷ XIII đến trước phong trào canh tân phụng vụ, cuối thế kỷ XIX, là thời gian việc cử hành đồng tế trong Giáo Hội bị suy thoái. Lý do đầu tiên là có nhiều giáo xứ miền quê sống tản mác xuất hiện. Trước một thực tế xã hội như vậy, người ta dần dần hờ hững với nguyên tắc “một Thánh Lễ duy nhất” của Giáo Hội cổ thời. Các linh mục miền quê, mỗi người một nhà thờ, một lãnh địa riêng, cử hành Thánh Lễ cho giáo dân của mình. Trong khi đó, giám mục thỉnh thoảng mới tới kinh lý các giáo xứ miền quê được, vì địa bàn dân cư càng ngày càng rộng, và phương tiện di chuyển trở nên khó khăn hơn nơi những vùng quê. Đây cũng là lý do Đức Giáo Hoàng Lêô đã từng khuyên thượng phụ Alexandria cử hành thêm một thánh lễ vào những ngày đại lễ, để cho một phần dân chúng không thể tham dự Thánh Lễ vì các nhà thờ thiếu chỗ, không vì thế mà mất lễ (Thánh Lêô Cả, Thư gửi thượng phụ Alexandria Dioscorô : PL 54, 626).

Trong một bối cảnh như vậy, Thánh Lễ đồng tế mất “đất dụng võ” và tạo thời cơ cho các các thánh lễ riêng phát triển, để rồi cuối cùng chỉ còn giới hạn vào hai dịp phong chức giám mục và linh mục mà thội.

Phong trào canh tân phụng vụ cuối thế kỷ XIX đã trở về với Giáo Hội cổ thời, khám phá lại các chứng từ về Thánh Lễ đồng tế và đào sâu ý nghĩa ban đầu của việc thực hành này, đó là ý nghĩa hiệp nhất của giáo hội địa phương quanh giám mục của mình. Chính trong ý nghĩa này mà Công Đồng Vatican II đã khôi phục lại một Truyền Thống tốt đẹp bị mai một đi vì thời gian.

B. Giáo Hội Đông Phương

Nơi các Giáo Hội Đông Phương, người ta thấy có một sự khác biệt đáng kể về Thánh Lễ đồng tế.

Nói chung, Thánh Lễ đồng tế được xem như một nghi thức long trọng trong các ngày đại lễ, (un rite solennel, festif) nhằm đề cao mầu nhiệm được cử hành, phẩm chức của người chủ sự hay cuộc tập họp các tin hữu. Chỉ có các Giáo Hội theo nghi thức Byzantin và nghi thức Maronite mới chấp nhận việc đồng tế như hình thức “thông thường” (ordinaire) của Thánh Lễ. Ngược lại, Giáo Hội Arménie chỉ chấp nhận đồng tế trong các Thánh Lễ phong chức giám mục và linh mục.

Về nghi thức liên hệ tới kinh Tạ Ơn, ta thấy có một sự khác biệt lớn lao giữa các Giáo Hội. Nơi các Giáo Hội hiệp thông với Rôma, khi đọc kinh Tạ Ơn, các linh mục cùng đọc chung với nhau ít ra lời truyền phép (Tường thuật việc lập Thánh Thể) và tất cả hay một phần kinh khẩn cầu Thánh Thần (Epiclèse). Giáo Hội Chính Thống Nga cũng làm như thế. Tại các Giáo Hội không hiệp thông với Rôma, một số nơi chỉ một mình chủ tế đọc kinh Tạ Ơn, trong lúc các vị đồng tế đứng chung quanh bàn thờ hay không ở bàn thờ (Các Giáo Hội chính thống Hy lạp, Syria và Canđêô-Nestôriô) ; một số nơi khác, các linh mục đồng tế đứng chung quanh bàn thờ hay không ở bàn thờ, chia nhau đọc các phần của kinh Tạ Ơn (như Giáo Hội Copte và Ethiopie). Cuối cùng, tại những Giáo Hội hiệp thông hay không hiệp thông với Rôma, nhiều linh mục cử hành “các thánh lễ đồng thời” (les messes synchronisées) tại cùng một bàn thờ hay tại các bàn thờ khác nhau (như Giáo Hội Syria và Ethiopia).

Để kết luận, ta có thể nói rằng Thánh Lễ đồng tế, dù mang nhiều hình thức khác nhau, đã cắm rễ sâu trong Truyền Thống.

IV. Ý NGHĨA THẦN HỌC

Ý nghĩa nổi bật nhất của Thánh Lễ đồng tế là biểu lộ mầu nhiệm hiệp nhất, mầu nhiệm nói lên bản chất của Giáo Hội và Thánh Thể trong ý hướng của Đức Kitô tại Bữa Tiệc Ly : “để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha” (Ga 17,21).

Ý nghĩa này đã được Quy chế tổng quát Sách Lễ Rôma 2000 nói lên :

“Việc đồng tế biểu lộ thích đáng sự hiệp nhất của chức tư tế và hy lễ của Chúa Kitô, cũng như của toàn thể Dân Chúa” QCTQ 199.

Chúng ta nói đến sự hiệp nhất này trong ba hướng nhìn căn bản :

A. Hiệp nhất của chức tư tế

Sự hiệp nhất của chức tư tế trong Thánh Lễ đồng tế bắt nguồn từ chức tư tế duy nhất và vĩnh cửu của Chúa Kitô. Khi cử hành Thánh Lễ, vị chủ sự cử hành “nhân danh Chúa Kitô” (in persona Christi). Chính Đức Kitô là nguồn cội của thừa tác vụ trong Giáo Hội. Từ nơi Người, các giám mục và linh mục nhận sứ mạng và quyền năng để hành động thay quyền Đức Kitô là Đầu “Khi thừa tác viên thi hành chức vụ trong Hội Thánh, chính Đức Kitô hiện diện với tư cách là Đầu của Thân Thể, là Mục Tử đoàn chiên, Thượng Tế của Hy Lễ cứu độ, Thầy dạy chân lý” GL 1548

Mặt khác, giám mục hay linh mục không thể tách mình ra khỏi đoàn thể (collège), mà qua đó, ngài được tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô, “đặc tính tập đoàn phát xuất từ bản chất bí tích của thừa tác vụ Hội Thánh. Khi bắt đầu thừa tác vụ của mình, Đức Giêsu đã thiết lập Nhóm Mười Hai, mầm mống của dân Israel mới, đồng thời cũng là nguồn gốc của hàng giáo phẩm. Được tuyển chọn chung với nhau, họ cùng được sai đi chung với nhau và tình hiệp nhất huynh đệ của họ sẽ giúp cho mọi tín hữu được hiệp thông huynh đệ ; sự hiệp thông này sẽ phản ánh và làm chứng cho sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa” GL 877 .

Trong Thánh Lễ đồng tế, việc các linh mục tập họp chung quanh giám mục là dấu chỉ cho thấy tất cả các ngài vừa được tham dự cách cộng đoàn vừa được tham dự cách cá nhân vào chức tư tế của Đức Kitô trong tư cách là thừa tác viên của Người.

B. Hiệp nhất của Hy Tế

Thánh Lễ là hy tế của Đức Kitô cách bí tích, nghĩa là một hy tế không đổ máu. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã viết như sau : “Hy tế của Đức Kitô và hy tế Thánh Thể chỉ là một. Lễ vật duy nhất là Đức Kitô, xưa chính Người dâng trên thập giá, nay được dâng lên nhờ thừa tác vụ linh mục. Chỉ khác biệt ở cách dâng : “Vì trong hy lễ thần linh được cử hành trong thánh lễ, chính Đức Kitô, Đấng đã một lần dâng mình bằng cách đổ máu trên bàn thờ thập giá, cũng hiện diện và được sát tế mà không đổ máu, nên hy tế này thực sự có giá trị đền tội”. (GL 1367 ; Công Đồng Triđentinô, Khóa XXII, Giáo lý về Hy tế Thánh Lễ, c. 2 : DS 1743)

Hy tế này, nhờ quyền năng của Thánh Thần, liên kết với hy tế của toàn thể Giáo Hội và của mỗi người, “Thánh lễ cũng là hy tế của Hội Thánh. Là Thân Thể của Đức Kitô, Hội Thánh tham dự vào lễ tế của Đức Kitô là Đầu. Cùng với Người, Hội Thánh cũng được dâng hiến trọn vẹn cho Chúa Cha. Hội Thánh hiệp nhất với Đức Kitô để chuyển cầu cho toàn thể nhân loại. Trong thánh lễ, hy tế của Đức Kitô trở thành hy tế của mọi chi thể trong Thân Thể. Đời sống, lời ca ngợi, đau khổ, kinh nguyện, công việc của các tín hữu đều được kết hợp với Đức Kitô và với lễ dâng toàn hiến của Người; nhờ đó tất cả có được một giá trị mới. Hy tế của Đức Kitô hiện diện trên bàn thờ đem lại cho muôn thế hệ Kitô hữu khả năng được kết hợp với lễ dâng của Người” GL 1368

Vì chỉ có một hy lễ, nên dù một linh mục cử hành Thánh Lễ hay nhiều linh mục đồng tế, các ngài cũng chỉ dâng một hy lễ duy nhất lên Chúa Cha là hy lễ của Đức Kitô và cũng là hy lễ của Hội Thánh, như kinh Tạ Ơn III diễn tả qua lời nài xin “Nguyện xin Cha đoái nhìn hiến lễ của Hội Thánh và nhận đây chính là hy lễ Con Cha đã dâng hiến để nhân loại được giao hòa với Cha” Kinh Tạ Ơn III.

C. Hiệp nhất của cộng đoàn Dân Chúa

Khi nói đến tầm quan trọng và sự cao quý của việc cử hành Thánh Lễ, dưới ánh sáng của Công Đồng Vatican II, Quy chế tổng quát sách lễ Rôma một lần nữa nhấn mạnh rằng “Việc cử hành Thánh Lễ, với tính cách là hành động của Đức Kitô và của dân Thiên Chúa, được tổ chức theo phẩm trật, là trung tâm toàn bộ đời sống Kitô giáo, đối với Hội Thánh toàn cầu, cũng như Hội Thánh địa phương và đối với từng tín hữu” (QCTQ, 16 ; Công Đồng Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ thánh, số 41)

Trong cử hành Thánh Lễ, tất cả mọi thành phần của cộng đoàn, tùy theo sự khác biệt về đặc sủng, nhiệm vụ, thừa tác vụ, đều hiệp nhất với nhaụ trong cùng một hành động, “Trong Thánh Lễ, tức là bữa tối của Chúa, dân Thiên Chúa được triệu tập thành một khối, có vị tư tế chủ tọa và đại diện Chúa Kitô, để cử hành nghi thức tưởng niệm Người, tức là hy lễ Tạ Ơn” QCTQ 27

Như vậy, sự hiệp nhất của cộng đoàn dân Chúa trong cử hành Thánh Lễ phát xuất từ Chúa Kitô. Chính Chúa Kitô quy tụ, tập họp dân Người, cũng như chính Người là lễ vật, là tư tế và là bàn thờ.

Sự hiệp nhất của cộng đoàn dân Chúa khi cử hành Thánh Lễ còn phát xuất từ sự duy nhất của Phép Rửa. Phép Rửa tháp nhập các tin hữu vào Hội Thánh. Thánh Thể củng cố sự hiệp nhất uyên nguyên này. Khi nói đến hoa quả của việc rước lễ, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nhắc lại mối tương quan giữa Thánh Thể và Giáo Hội đã được các giáo phụ nhấn mạnh, đó là Giáo Hội làm nên Thánh Thể và Thánh Thể làm nên Giáo Hội :

“Bí tích Thánh Thể làm nên Hội Thánh. Ai hiệp lễ, đều được liên kết chặt chẽ với Chúa Kitô. Nhờ đó, Chúa Kitô kết hiệp họ với các tín hữu khác thành một thân thể duy nhất là Hội Thánh. Bí tích Thánh Tẩy tháp nhập ta vào Hội Thánh, bí tích Thánh Thể canh tân, củng cố và kiện toàn sự tháp nhập này. Trong bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được mời gọi để tạo thành một thân thể duy nhất (x. 1Cr 12,13). Bí tích Thánh Thể thực hiện ơn gọi này : “Khi ta nâng chén tạ ơn mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư ? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao ? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,16-17)” GL 1396.

Thánh Lễ đồng tế biểu lộ rõ nét sự duy nhất và hiệp thông giáo hội. Hiệp thông giữa giám mục và linh mục đoàn, hiệp thông giữa các linh mục với nhau trong chức tư tế thừa tác, hiệp thông giữa chức tư tế thừa tác và chức tư tế cộng đồng của người tín hữu, bởi vì cả hai đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô theo cách thế của mình. Đây cũng chính là lý do mà Phụng Vụ đề cao các Thánh Lễ do giám mục giáo phận chủ tọa với sự tham dự của linh mục đoàn, các phó tế và giáo dân :

“Thật vậy, với tư cách là người phân phát chính các mầu nhiệm của Thiên Chúa trong Hội Thánh địa phương được trao phó cho mình, Giám Mục giáo phận là nhà điều hành, cổ võ và bảo vệ toàn bộ đời sống phụng vụ. Trong các cử hành được thực hiện dưới sự chủ toạ của ngài, nhất là trong cử hành Thánh Lễ được ngài đảm trách với sự tham dự của linh mục đoàn, các phó tế và giáo dân, thì mầu nhiệm Hội Thánh được biểu lộ. Chính vì thế, tính long trọng của các Thánh Lễ thuộc loại này phải là mẫu mực cho toàn giáo phận” QCTQ 22

“Phải hết sức quý trọng thánh lễ đồng tế mà các linh mục trong mỗi giáo phận cử hành với Đức Giám Mục của mình, trong lễ trạm, nhất là vào những dịp lễ trọng của năm phụng vụ, trong lễ phong chức tân Giám Mục giáo phận hay giám mục phó hoặc phụ tá của ngài, trong lễ làm phép dầu, lễ chiều Tiệc Ly, lễ kính các vị Thánh Sáng Lập Hội Thánh địa phương hay Thánh Bổn Mạng giáo phận, lễ giáp năm của Giám Mục, cuối cùng vào những dịp Hội Nghị hay viếng thăm mục vụ.

Cũng một lẽ ấy, khuyên nên đồng tế mỗi lần các linh mục hội họp với Giám Mục của mình, vào dịp tĩnh tâm hay hội họp nào khác. Trong những trường họp này, dấu chỉ sự hiệp nhất của chức tư tế, cũng như của Hội Thánh, là đặc tính của mọi đồng tế, được biểu lộ một cách rõ ràng” QCTQ 203

V. NGHI LỄ ĐỒNG TẾ

Hiến chế Phụng vụ thánh đã chỉ thị “Phải soạn thảo một nghi lễ dồng tế mới và phải sát nhập vào Sách Nghi Lễ Giám Mục và Sách Lễ Rôma” (PV 58. Nghi lễ đồng tế đã được công bố từ năm 1965 Ritus servandus in concelebratione missae được Thánh Bộ Nghi Lễ công bố ngày 7-3-1965, An bản mẫu Vaticana 1965.). Điểm nổi bật trong Nghi Lễ đồng tế mới này là sự hài hòa giữa các luật hướng dẫn cử hành nghi lễ đồng tế (chữ đỏ) và sự tự do chọn lựa. Nghi lễ cũng đưa ra những chỉ dẫn về các cuộc cử hành khác nhau, chẳng hạn như Thánh Lễ đồng tế do giám mục chủ sự có phó tế hay không có phó tế trợ giúp, Thánh Lễ đồng tế có hát hay chỉ đọc. Thánh Lễ đồng tế khi phong chức giám mục và linh mục cũng như khi chúc phong viện phụ có nhiều thay đổi đáng kể so với trước. Nghi Lễ này cũng dự trù trường hợp các linh mục già cả, yếu đau hay mù lòa đồng tế với một tư tế chủ sự. Các chỉ dẫn về cử hành trong Nghi Lễ này được nhắc lại sau này trong Quy chế tổng quát sách lễ Rôma được công bố năm 1970.

Ngoài ra, Sách Lễ Rôma năm 1970 còn đưa vào 4 kinh Tạ Ơn và hướng dẫn cách thức đọc các kinh Tạ Ơn này trong các Thánh Lễ đồng tế. Tất cả đều được sắp xếp hài hòa để làm nổi bật lên tính duy nhất của chức tư tế, của hy lễ Đức Kitô và của cộng đoàn dân Chúa đang cử hành. Một ví dụ điển hình là không được phép cử hành Thánh Lễ riêng (messe privée) trong cùng một lúc hay cùng một nhà thờ có Thánh Lễ đồng tế PV 57, 2, 2

Trong Thánh Lễ đồng tế có ba vai trò khác nhau : chủ tế, các vị đồng tế và cộng đoàn. Chúng ta sẽ tìm hiểu các vai trò này cũng như sự gắn bó giữa các vai trò này với nhau như thế nào trong Thánh Lễ đồng tế.

A. Chủ tế

Vai trò này ưu tiên dành cho giám mục giáo phận. Công đồng Vatican II đã nói đến vai trò chủ tế cũng như tầm quan trọng của giám mục giáo phận trong đời sống phụng vụ của giáo hội địa phương

“Giám mục phải được xem như thượng tế của đoàn chiên ; có thể nói rằng sự sống trong Chúa Kitô của các Tín hữu ngài phát xuất từ ngài và tùy thuộc ngài một cách nào đó. Vì vậy, mọi người phải hết sức mến chuộng đời sống phụng vụ của giáo phận chung quanh giám mục, nhất là tại nhà thờ chính tòa ; họ phải xác tín rằng Giáo Hội được đặc biệt biểu lộ khi toàn thể dân thánh Chúa tham dự trọn vẹn và linh động vào những cử hành phụng vụ, đặc biệt trong cùng một lễ Tạ Ơn, trong cùng một kinh nguyện, trước cùng một bàn thờ dưới sự chủ tọa của giám mục với linh mục đoàn và các thừa tác viên bao quanh” (PV 41 ; x. Thánh Inhaxiô thánh Antiokia, Phil, 4, 1-2)

Quy chế tổng quát sách lễ Rôma 2000 nhấn mạnh đến ý nghĩa giáo hội học của Thánh Lễ đồng tế do giám mục giáo phận chủ sự. Thánh Lễ đồng tế này không nhằm mục đích tăng phần long trọng bề ngoài cho nghi lễ, nhưng nhằm làm sáng tỏ mầu nhiệm Hội Thánh là bí tích hiệp nhất.

“Mọi cử hành Thánh Thể hợp pháp đều do Giám Mục chủ sự, hoặc trực tiếp hoặc do trung gian các linh mục là những trợ tá của ngài.

Khi Giám Mục hiện diện trong Thánh Lễ có giáo dân tham dự, chính ngài nên chủ toạ buổi lễ, và liên kết các linh mục đồng tế với ngài trong việc cử hành thánh. Điều này không nhằm làm tăng phần long trọng bề ngoài cho nghi lễ, nhưng nhằm làm sáng tỏ mầu nhiệm Hội Thánh là bí tích hợp nhất”. (QCTQ 92 ; x. GH, nn.26, 28 ; PV 42)

Vai trò của chủ tế trong Thánh Lễ đồng tế là :

1. Nghi thức mở đầu :

Chủ tế chào dân chúng, nói lời dẫn nhập đưa
cộng đoàn vào mầu nhiệm cử hành, (thừa tác viên khác cũng có thể nói), nhân danh cộng đoàn đọc lời nguyện nhập lễ QCTQ 124-127; 211

2. Phần phụng vụ Lời Chúa :

Nếu chủ tế là giám mục thì ngài sẽ ban phép lành cho phó tế hay linh mục trước khi đọc Tin Mừng. QCTQ 212 Thông thường, vị chủ tế sẽ là người diễn giảng. QCTQ 213

3. Phần Phụng vụ Thánh Thể :

Chủ tế nhận lễ vật, các vị đồng tế ở tại chỗ như dân chúng QCTQ 214, chủ tế đọc lời nguyện tiến lễ. Trong kinh Tạ Ơn, chỉ một mình chủ tế đọc kinh tiền tụng, làm các cử chỉ dành riêng khi truyền phép, trừ khi chữ đỏ ghi cách khác. Trong các phần mà tất cả các vị đồng tế cùng đọc, thì các vị đồng tế phải đọc nhỏ tiếng, và tiếng của vị chủ tế phải được nghe rõ hơn QCTQ 216-218. Trong phần nghi thức hiệp lễ, một mình chủ tế đọc lời nhắn nhủ trước kinh Lạy Cha, kinh Embolisme, các phó tế hay các linh mục đồng tế có thể giúp chủ tế bẻ bánh QCTQ 237-238 ; 240. Sau khi hòa Mình Thánh vào Máu Thánh, một mình chủ tế đọc thầm kinh “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống…” hoặc kinh “Lạy Chúa Giêsu Kitô, con sắp rước MÌnh và Máu Thánh Chúa…” QCTQ 241, , chủ tế nâng cao Mình Thánh trên đĩa thánh, hướng về giáo dân và đọc “Đây Chiên Thiên Chúa…” QCTQ 243, chủ tế đọc lời nguyện hiệp lễ QCTQ 165 ; 250

4. Nghi thức kết thúc :

Chỉ một mình chủ tế chào và ban phép lành cho cộng đoàn, rồi một mình chủ tế hôn bàn thờ (QCTQ 251).

B. Các vị đồng tế:

Vì Thánh Lễ đồng tế biểu lộ tính duy nhất của chức tư tế, của hy lễ và của cộng đoàn, nên tất cả các vị đồng tế đều vừa cùng cử hành vừa tham dự vào các nghi thức khác nhau của Thánh Lễ đồng tế, cụ thể là :

1. Các ngài cùng cử hành (concélébrants) với vị chủ tế, đặc biệt là trong việc đọc Kinh Tạ Ơn, một kinh dành riêng cho vị tư tế, “điểm trung tâm và cao nhất của toàn bộ cử hành” (QCTQ 78). Các vị đồng tế cùng đọc kinh khẩn cầu Thánh Thần (Epiclèse), Lời Truyền Phép (récit de linstitution), kinh Tưởng nhớ (Anamnèse), kinh khẩn cầu thứ hai (seconde épiclèse), cũng như Vinh tụng ca (Per ipsum..) (QCTQ 222, 227, 230, 233, 236). Ngoài ra, các ngài còn chia nhau đọc các lời chuyển cầu của Kinh Tạ Ơn (QCTQ 220, 223, 228, 231, 234).

Các ngài còn cùng cử hành với chủ tế qua 2 cử chỉ đặc biệt là :

– đưa hai tay về phía lễ vật (QCTQ 222a, 227a, 230a, 233a) trong lúc đọc kinh khẩn cầu Thánh Thần xuống trên lễ vật (kinh Epiclèse). Cử chỉ này đã có trong Giáo Hội cổ thời như chúng ta đã nói trong phần “Trở về nguồn”.

– đưa tay mặt hướng về bánh hay chén trong khi đọc Lời Truyền Phép (Récit de linstitution) (QCTQ 222c, 227c, 230c, 233c).

2. Các ngài cùng tham dự với cộng đoàn phụng vụ, nghĩa là các ngài không làm phận vụ của chủ tế, nhưng tham dự vào Thánh Lễ như mọi tín hữu khác. Điều này nói lên vai trò chủ tọa của chủ tế và diễn tả tính duy nhất của cộng đoàn phụng vụ.

C. Cộng đoàn phụng vụ :

Quy chế tổng quát sách lễ Rôma 2000 đã nói đến bản chất của việc cử hành Thánh Lễ thuộc về toàn thể Hội Thánh :

“Cử hành lễ Tạ Ơn là hành động của Chúa Kitô và Hội Thánh là “bí tích của sự hiệp nhất”, nghĩa là dân thánh được qui tụ có phẩm trật dưới quyền Giám Mục. Vì thế, việc cử hành này thuộc về toàn Thân Thể Hội Thánh, đồng thời diễn tả và biểu dương Thân Thể ấy ; việc cử hành liên hệ đến mỗi thành phần của Thân thể ấy một cách khác nhau, tuỳ theo sự khác biệt về phẩm trật, chức vụ và sự tham gia hiện tại” (QCTQ 91).

Trong khi cử hành Thánh Lễ, các tín hữu họp thành một cộng đoàn hiệp nhất dâng lên Thiên Chúa lễ phẩm tinh tuyền, không những nhờ tay linh mục mà còn cùng với linh mục, học để dâng chính bản thân mình nữa (QCTQ 95).

Để biểu lộ cách cụ thể tính duy nhất của cộng đoàn, các tín hữu tham dự cách tích cực và linh động qua lời ca tiếng hát, qua cử chỉ điệu bộ mang tính cộng đoàn, như Quy chế tổng quát sách lễ Rôma nhắc nhở :

“Họ phải họp thành một thân thể, nhờ việc nghe Lời Chúa, hoặc tham dự việc cầu nguyện và ca hát, nhất là nhờ việc cùng nhau dâng hy lễ và cùng tham dự bàn tiệc của Chúa. Sự hiệp nhất này được biểu lộ cách tốt đẹp qua những cử chỉ và điệu bộ, mà mọi tín hữu cùng làm như nhau” QCTQ 96

VI. QUY LUẬT ĐỒNG TẾ

A. Quy luật chung

1. Buộc đồng tế :

“Việc đồng tế biểu lộ thích đáng sự hiệp nhất của chức tư tế và hy lễ, cũng như của toàn thể dân Chúa. Do chính nghi thức, buộc phải có đồng tế trong nghi lễ truyền chức giám mục và linh mục, trong lễ chúc phong viện phụ và lễ dầu”. (QCTQ 199)

Như vậy, sự bó buộc phải có Thánh Lễ đồng tế là do chính nghi thức của Thánh Lễ đòi hỏi.

2. Khuyên nên đồng tế :

“Cũng khuyên nên đồng tế trong những trường hợp sau đây, trừ phi lợi ích của tín hữu đòi hỏi cách khác

a. Thánh lễ Tiệc Ly chiều thứ Năm Tuần Thánh ;
b. Thánh lễ vào các dịp họp Công Đồng, Hội nghị các Giám Mục và Hội Đồng Giám Mục ;
c. Thánh lễ nhà dòng và Thánh Lễ chính trong các nhà thờ và nhà nguyện ;
d. Thánh lễ trong mọi loại hội họp các linh mục triều hay dòng” (QCTQ 199 ; Công Đồng Vatican II, Hiến chế Phụng Vụ Thánh, số 57 ; CIC 902).

Như vậy, lời khuyên này liên hệ tới ý nghĩa của việc tập họp – việc tập họp mang tính giáo hội, cộng đoàn – hay của ngày lễ.

3. Được phép đồng tế nhiều lần trong một ngày (QCTQ 204)

“Vì lý do đặc biệt của ý nghĩa nghi thức hay của ngày lễ, còn được phép cử hành Thánh Lễ hay đồng tế nhiều lần trong cùng một ngày, trong những trường hợp sau đây:

a. Ai đã đồng tế trong lễ Dầu ngày thứ Năm Tuần Thánh, thì còn được đồng tế trong Thánh Lễ chiều Tiệc Ly ;
b. Ai đã cử hành Thánh Lễ hay đồng tế trong lễ Vọng Phục Sinh, thì có thể cử hành Thánh Lễ hay đồng tế trong lễ ngày Phục Sinh ;
c. Trong lễ Giáng Sinh, mọi tư tế có thể cử hành hoặc đồng tế trong ba Thánh Lễ, miễn là vào đúng thời điểm của những Thánh Lễ này ;
d. Vào ngày cầu cho các tín hữu đã qua đời, miễn là cử hành Thánh Lễ vào những thời gian khác nhau và giữ những điều đã qui định về ý chỉ của lễ thứ hai và thứ ba. (Đức giáo hoàng Bênêdictô XV, Tông Hiến Inscruentum altaris sacrificium, 10-8-1915 : AAS 7 (1915) pp. 491-414).
e. Nếu ai đồng tế với Giám Mục hay vị đặc sứ trong dịp Hội Nghị hay viếng thăm mục vụ, hoặc trong các dịp hội họp linh mục, thì có thể cử hành Thánh Lễ một lần nữa vì lợi ích giáo dân. Điều này cũng áp dụng cho các buỗi tụ họp các tu sĩ.

Các quy luật trên đây hướng tới việc cho phép. Sự cho phép này là vì ý nghĩa của nghi thức hay của ngày lễ.

4. Cấm cử hành thánh lễ riêng (messe privée)

Không được cử hành thánh lễ riêng trong những trường hợp sau :

a. Cử hành thánh lễ riêng cùng lúc trong nhà thờ hay nhà nguyện có đồng tế (QCTQ 199 : CIC 902)
b. Chiều thứ Năm Tuần Thánh (lễ Tiệc Ly) và đêm Vọng Phục Sinh QCTQ 199, .

B. Quy luật Phụng vụ về đồng tế

1. Bất cứ dưới hình thức nào, Thánh Lễ đồng tế cũng phải cử hành đúng theo các qui luật chung (x. nn. 112-198 của QCTQ), có nghĩa là theo các diễn tiến như trong Thánh Lễ chỉ do một linh mục cử hành. Tuy nhiên phải giữ hoặc thay đổi theo những điều nói trong QCTQ (x. nn. 210-251) liên quan đến Thánh Lễ đồng tế (QCTQ 205)

2. Một khi Thánh Lễ đã bắt đầu, thì không ai được tiến lên đồng tế hoặc được nhận vào đồng tế nữa (QCTQ 206)

3. Nếu trong Thánh Lễ đồng tế không có phó tế, thì các phần vụ riêng của phó tế được vài vị đồng tế đảm trách (QCTQ 208)

4. Khi có lý do chính đáng, chẳng hạn : đông số đồng tế quá mà thiếu lễ phục, thì, trừ vị chủ tế, các vị đồng tế có thể bỏ áo lễ, chỉ mang dây stola trên áo alba (QCTQ 209)

5. Trong cuộc rước đầu lễ, các vị đồng tế đi trước chủ tế, kế đó các ngài bái sâu, chào và hôn bàn thờ, và chỉ một mình chủ tế tùy nghi xông hương và khởi sự nghi thức đầu lễ (QCTQ 210-211)

6. Khi kết thúc Thánh Lễ, chỉ một mình chủ tế hôn bàn thờ, còn các vị đồng tế chỉ bái sâu và chào bàn thờ QCTQ 251

C. Trách nhiệm của giám mục địa phương liên hệ đến kỷ luật đồng tế:

“Chiếu theo luật, Giám Mục có quyền ấn định về kỷ luật đồng tế cho giáo phận của mình trong mọi nhà thờ và nhà nguyện” QCTQ 202 : PV 57

KẾT LUẬN

Thánh Lễ đồng tế giúp ta khám phá lại chiều kích giáo hội của bí tích Thánh Thể và giúp các linh mục tìm lại căn tính của mình như một con người phục vụ cho sự hiệp nhất. Khi cử hành Thánh Lễ đồng tế, các linh mục được mời gọi sống chức tư tế thừa tác như một hồng ân mang tính cộng đoàn. Linh mục không sống chức linh mục như một sở hữu riêng, nhưng thuộc về một đoàn, “linh mục đoàn”. Điều này không đi ngược lại lời mời gọi đích thân của Đức Giêsu đối với từng người : “Phần con, Hãy theo Thầy” (Ga 21,22).

Trong ngôi nhà hiệp thông của Giáo Hội, linh mục phải là con người hiệp thông và xây dựng sự hiệp thông : hiệp thông với giám mục của mình, hiệp thông với anh em linh mục, hiệp thông với các thừa tác vụ giữa lòng Giáo Hội và hiệp thông với giáo dân. Bản chất hiệp thông của chức linh mục làm cho thừa tác vụ của linh mục mang tính chất cộng đồng và chỉ có thể được hoàn thành như một công trình tập thề. Đây là điều mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói trong Tông Huấn Pastores dabo vobis :

“Thừa tác vụ được phong ban, do tự bản chất, chỉ có thể được hoàn thành trong mức độ mà linh mục hiệp nhất với Chúa Kitô bằng sự hội nhập hiểu theo nghĩa bí tích vào trong linh mục đoàn, và bởi đó trong mức độ mà linh mục hiệp thông với giám mục về phương diện phẩm trật. Tự căn rễ, thừa tác vụ được phong ban mang “bản chất cộng đồng” và chỉ có thể được hoàn thành như là “công trình tập thể”. Công đồng đã diễn tả rất nhiều về bản chất hiệp thông ấy của chức linh mục, đã lần lượt nghiên cứu các quan hệ giữa linh mục với giám mục của mình, với các linh mục khác và với giáo dân (x. PO 7-9). Thừa tác vụ linh mục trước hết là sự hiệp thông, sự hợp tác thiết yếu và có trách nhiệm vào thừa tác vụ của giám mục trong việc chăm lo cho Giáo Hội hoàn vũ và cho Giáo Hội đặc thù và cùng với giám mục, làm thành một linh mục đoàn duy nhất trong khi phục vụ Giáo Hội ấy” PDV 17, đ 1

Như vậy, Thánh Lễ đồng tế mời gọi các linh mục trở về với căn tính của mình như con người hiệp thông và cũng là căn tính của Giáo Hội, xét như mầu nhiệm hiệp nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *