Chiếc Áo Từ Nhân – P1

Chiếc Áo Từ Nhân

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

1. Chiếc Áo Từ Nhân

Marie Paranov, một bá tước phu nhân người Nga, đang trên đường đi Menton, bên Ðức để chữa bệnh lao phổi. Ngồi một mình trong toa xe lửa bà cảm thấy cô đơn lạc lõng. Người lão bộc Ivan cùng đi, chỉ đến toa của bà thăm hỏi và chờ lệnh của bà ở mỗi lần xe ngừng lại tại trạm nghỉ mà thôi.

Ðêm xuống dần trong khi tàu vẫn chạy nhanh, phu nhân cảm thấy khó ngủ nên bà mở ví ra trút hết những đồng tiền vàng trên lòng bàn tay và bắt đầu đếm, vì chồng bà đã cho bà một số tiền để hộ thân. Bỗng, bà cảm thấy một luồng gió lạnh tạt vào. Ngẩng lên, bà bắt gặp một người đàn ông cao lớn, ăn mặc chỉnh tề lịch sự và bị thương ở tay đi vào toa xe của bà. Ông ta đóng cửa lại và nhìn bà với đôi mắt đen nhánh. Bà run sợ quá đến nỗi những đồng tiền vàng rơi xuống sàn tàu. Người lạ mặt nhìn những đồng tiền vàng ấy và cúi xuống nhặt lên. Thừa cơ hội, bá tước phu nhân đứng dậy chạy ra phía cửa sổ định nhảy xuống tàu. Biết ý định của bà, ông ta nắm giữ bà lại và xin bà ngồi xuống rồi nói:

– Thưa bà, hãy nghe tôi. Tôi không phải là tên gian phi, tôi nhặt tiền này để trả lại cho bà. Tôi sẽ chết nếu bà không giúp tôi qua khỏi biên giới. Khoảng một giờ sau tôi phải có mặt ở trạm cuối cùng của nước Nga, mười phút sau đó tôi phải có mặt ở một nước khác. Nếu bà không cứu giúp tôi, tôi sẽ bị bắt, tôi không thể giải thích tại sao, nhưng xin bà hãy tin tôi. Tôi không sát nhân, không trộm cắp, không làm điều gì sai quấy. Tôi lấy danh dự thề với bà, xin bà hãy cứu giúp tôi.

Bà bá tước phu nhân lặng thinh, lấy lại bình tĩnh dần dần, còn ông ta thì ngồi bất động mắt nhìn về phía trước. Thỉnh thoảng, bà liếc nhìn ông thật nhanh. Tàu lướt chạy nhanh trong đêm tối rồi dừng lại ở một trạm nghỉ. Người nô bộc Ivan đến cửa toa để nhận lệnh của bà. Bà nhìn người bạn đồng hành xa lạ rồi nói với lão nô bộc:

– Ivan, ta không cần ngươi theo ta đến Menton nữa, hãy lấy tiền này mà mua vé trở lại Saint Peterbourg. Cảm ơn lão đã giúp ta, hãy cho ta cái áo khoác, cái mũ và cái giấy thông hành của lão.

Người nô bộc không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Nhưng theo lệnh của chủ, ông lột mũ, cởi áo khoác và trao giấy thông hành cho bà rồi ra đi. Bá tước phu nhân nói với người khách lạ:

– Hãy mặc áo, đội mũ vào. Bây giờ ông là Ivan, người nô bộc của tôi. Tôi chỉ cần điều kiện duy nhất là việc gì tôi làm cho ông, ông không được nói gì cả. Tôi không muốn bất cứ điều gì ngay cả khi ông chỉ nói với tôi một tiếng cám ơn.

Người khách lạ gật đầu, không nói một câu, im lặng làm theo ý bà. Chẳng bao lâu, tàu dừng lại lần nữa, nhiều cảnh sát đi vào toa. Bá tước phu nhân kiêu hãnh nói với họ:

– Tôi là bá tước phu nhân Paranov ở Saint Peterbourg, và đây là người đầy tớ Ivan của tôi.

Bà đưa cho viên sĩ quan coi giấy thông hành. Xem xong, họ trả lại bà. Trong đêm đó, hai người đều im lặng. Sáng hôm sau, tàu ngừng tại Menton. Ðây là trạm cuối cùng. Hai người chào từ giã nhau mà không nói với nhau một lời.

*  *  *

Tất cả những diễn biến trong chuyến tàu đêm ấy đã phát xuất từ trái tim đầy từ bi và nhân hậu của bá tước phu nhân. Chiếc áo khoác của người nô bộc Ivan đã trở thành chiếc áo từ nhân khoác lên một người cần lòng bao dung cứu giúp. Chiếc áo từ nhân ấy đã trở thành chiếc áo an toàn cho một người cần vượt biên giới. Trước một người van nài lòng thương xót, chiếc áo nô bộc đã trở thành chiếc áo từ nhân.

Biết bao nhiêu người chung quanh chúng ta đang cần một chiếc áo từ nhân để mong được sự an toàn trong cuộc sống, vượt qua biên giới sự xấu để trở thành một người tốt. Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới duy vật và thực nghiệm, mọi sự đều phải được kiểm chứng rõ ràng, dùng kiến thức để suy luận, dùng máy móc để phân định, dùng phán đoán của đám đông để kết luận, nhưng chỉ có tình người mới đo được chiều sâu và hiểu được hành động và ngôn ngữ của yêu thương.

Trong cái nhìn đức tin của kitô giáo, mỗi người sinh ra trên cõi đời này là một giá trị độc nhất, bởi vì mỗi người đều mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa. Giàu sang, nghèo hèn, thông minh hay ngu đần dốt nát, tất cả mọi người đều bình đẳng trong phẩm giá và nguyên vị khác biệt bất khả xâm phạm. Một con người dù có lầm lỗi bất toàn về thể xác cũng như tinh thần thì từ thâm sâu của cõi lòng họ vẫn còn ấp ủ một dấu tích tốt lành. Hãy trao tặng nhau những chiếc áo từ nhân, càng trao ban chúng ta càng lớn lên trong nhân cách. Thiên Chúa yêu thương đã bao phủ trên chúng ta biết bao nhiêu chiếc áo từ nhân của Ngài. Hãy nghĩ đến những hồng ân đó mà sẵn sàng trao ban một nhân ái, một ánh mắt cảm thông, một cử chỉ tha thứ, một lời nói xây dựng, một trang viết kính trọng.

Lạy Chúa,

Xin giúp mỗi người chúng con luôn mau mắn khoác chiếc áo từ nhân cho những người gần chúng con nhất từ trong gia đình, nơi trường học, tại công sở, nơi phố phường, chốn công viên. Nhờ đó, chúng con sẽ có một thái độ, một cái nhìn khác về đạo đức và luân lý hợp với lẽ đạo làm người như Ðức cố hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã nói: “Khi con sống trọn đạo làm người, là con sống trọn đạo Chúa”.

2. Chân Lý Về Cuộc Ðời

Nữ ca sĩ Madona (nữ hoàng nhạc pop) đã gửi lên mạng lưới Internet một bức thư trong đó cô tâm sự về những nỗi nghi ngại và sự thiếu an toàn mà cô phải hứng chịu từng ngày. Madona khẳng định như sau: “Thật là sai lầm khi cho rằng cô là một người may mắn”.

Say đây là nguyên văn lời tâm sự của Madona:

“Mọi người dựng nên một thế giới màu hồng ảo tưởng rồi nghĩ rằng tôi hẳn là nhân vật chính trong đó. Cũng đúng thôi, bề nổi cho thấy tôi rất nổi tiếng và giàu có. Tôi kết hôn với một người đàn ông tài năng và hoàn hảo. Tôi sinh được hai đứa trẻ xinh xắn. Nhưng đàng sau bề nổi ấy, cuộc sống của tôi rất mong manh, tựa như chỉ một cơn gió thị phi thoảng qua cũng đủ để làm sụp đổ hoàn toàn, lúc nào tôi cũng phải phấn đấu gồng mình để tồn tại. Mọi người bình phẩm về tôi cho nên tôi phải cố gắng, mỗi lần chuẩn bị cho một cuộc trình diễn tôi phải cố gắng, mỗi lần làm phim với chồng tôi phải cố gắng, cứ bình thản đi dạo phố tôi cũng phải cố gắng. Dường như chẳng bao giờ tôi được thả lỏng tâm hồn cũng như cơ thể của mình. Lý do tôi viết thư này cho các bạn là muốn nhận được sự cảm thông từ phía những người hâm mộ và đồng thời qua đây tôi cũng muốn chia sẻ kinh nghiệm sống của tôi. Trải qua nhiều sóng gió, tôi cảm nhận được rằng điều làm ta thanh thản nhất chính là hãy cho đi chứ đừng bao giờ mong đón nhận lại điều gì. Khi bị tuyệt vọng hoặc bế tắc, hãy làm điều tốt cho bạn bè và người thân của mình. Ðó chính là liều thuốc hữu hiệu để xóa tan sự u buồn lo lắng và ám ảnh”.

* * *

Những lời khuyên thốt ra từ miệng của một người đã từng trải qua không biết bao nhiêu sóng gió trong cuộc đời như Madona hẳn có giá trị. Có người khuyên chúng ta hãy quẳng gánh lo đi mà vui sống. Kỳ thực, dễ gì trút bỏ được gánh lo của cuộc đời.

Cuộc đời của chúng ta chẳng khác nào một giếng nước. Một giếng nước không còn được người ta đến kín múc nước sẽ không chóng thì chày trở nên khô cạn. Có biết bao nhiêu mạch nước nhỏ tiếp tế cho cái giếng, càng múc nước thì nước càng tuôn chảy vào giếng, nếu nước giếng không còn được múc lên nữa thì mạch nước ắt sẽ bị bịt kín và tắt nghẽn và phần nước còn lại trong đáy giếng sẽ dần dần bị bốc hơi, và như vậy giếng sẽ khô cạn.

Chúa Giêsu chính là giếng nước không bao giờ cạn mà Thiên Chúa đã mở ra cho nhân loại. Từ cạnh sườn Ngài khi bị một người lính La Mã chọc thủng, nước hằng sống đã tuôn trào để xoa dịu bao nỗi khát khao của con người. Mạch nước có được mở ra để trao ban thì nguồn nước mới tuôn trào.

Cái chết của Chúa Giêsu là tuyệt đỉnh của một cuộc đời hướng về tha nhân và tiêu hao vì tha nhân. Ðó cũng là chân lý về cuộc đời. Càng trao ban, càng dốc cạn, càng được múc lấy càng tiêu hao, càng mất chính mình con người càng trở nên phong phú, con người càng trở nên chính mình. Gánh lo của cuộc đời sẽ không tự nhiên mà vơi đi. Nó chỉ có thể nhẹ bớt khi con người biết ra khỏi bản thân và tìm đến với người khác.

Lạy Chúa,

Chúa biết chúng con đang khao khát sự bình an trong tâm hồn. Xin cho chúng con luôn xác tín rằng chỉ khi nào chúng con biết ra khỏi bản thân tìm đến với tha nhân và sống cho tha nhân, chúng con mới có được sự bình an đích thực ấy.

3. Tự Vây Hãm Chính Mình

Nhà tu đức học người Hòa Lan nổi tiếng là cha Henri Nouwen có viết một câu chuyện ngụ ngôn như sau:

Ngày xưa, dân chúng của một làng nọ sau khi đã thăm dò các nguồn lợi thiên nhiên của thế giới đã nói với nhau:

– Làm sao chúng ta có thể biết chắc rằng chúng ta có đủ nguồn lương thực để sống khi gặp khó khăn, bằng mọi giá chúng ta phải sống còn. Vậy thì trước tiên chúng ta phải tích trữ lương thực, vật liệu và sự hiểu biết để phòng khi có khủng hoảng chúng ta sẽ được an toàn.

Thế là chẳng bao lâu cái kho tích trữ của họ đều đầy ắp, những người khốn khổn chung quanh họ mới mở miệng xan xin:

– Quý vị đã có quá nhiều của cải dư thừa trong khi chúng tôi không có đủ lương thực để sống qua ngày. Quí vị có thể chia sớt cho chúng tôi một phần của cải dư thừa của quí vị không?

Nhưng những con người quá lo lắng cho ngày mai này trả lời:

– Dứt khoát là chúng tôi không thể san sẻ cho các người, chúng tôi phải đề phòng khi gặp nguy khốn.

Những kẻ khốn khổ vẫn tiếp tục van xin:

– Chúng tôi đang chết đói đây, xin quý vị vui lòng chia bớt cho chúng tôi một ít lương thực, vật liệu cũng như sự hiểu biết. Chúng tôi không thể chờ đợi được nữa, chúng tôi đang cần đến những thứ đó ngay bây giờ đây.

Nghe những lời van xin ấy, những người giàu có không những không động lòng thương mà còn lo sợ hơn nữa. Càng lúc họ càng lo sợ rằng những người nghèo đói sẽ tấn công họ. Họ liền nói với nhau:

– Chúng ta hãy xây tường chung quanh các kho lẫm của chúng ta để không một người lạ mặt nào có thể vào ăn cắp được.

Họ bắt tay vào việc xây tường. Tường cao đến độ chính họ cũng chẳng còn thấy ai ở bên ngoài và nhất là cũng chẳng còn biết có kẻ thù bên ngoài bốn bức tường không. Nỗi sợ hãi ngày càng lớn, họ nói với nhau:

– Kẻ thù của chúng ta nhiều đến nỗi họ có thể phá vỡ tường của chúng ta, tường của chúng ta không đủ kiên cố để chống đỡ họ, chúng ta cần phải đặt bom trên tường để không còn ai dám lai vãng đến.

Nhưng dĩ nhiên thay vì cảm thấy được an toàn bên trong bốn bức tường, những kẻ giàu có lại bị giam hãm trong bốn bức tường mà chính họ đã dựng lên. Họ còn sợ cả những trái bom họ cài trên tường. Họ không biết những trái bom ấy sẽ giết kẻ thù hay hãm hại họ. Và dần dà họ nhận ra rằng chính nỗi lo sợ chết đưa họ đến gần sự chết hơn.

* * *

Trong một cuộc biểu tình chống chiến tranh tôn giáo tại Ấn Ðộ, người ta đọc được một biểu ngữ như sau: “Nếu Chúng Ta lấy Mắt Ðền Mắt Thì Cả Thế Giới Sẽ Ra Mù Lòa”.

Quả thật, hận thù luôn đẻ ra hận thù, bạo động luôn làm phát sinh bạo động. Cuộc xung đột tại Trung Ðông hiện nay là một bằng chứng hùng hồn nhất về chân lý ấy. Ðối lại một cuộc nổ bom tự sát của người Palestin là một cuộc hành quân càn quét tàn bạo của người Do Thái. Cứ thế, người ta không biết chừng nào cái vòng lẩn quẩn của bạo động mới chấm dứt.

Trong khi những võ khí giết người hàng loạt đang đe dọa hủy diệt nhân loại thì các quốc gia lại tiếp tục gia tăng ngân sách quốc phòng, đeo đuổi nó như là một niềm tự hào dân tộc. Người ta quên rằng chính những phương thế người ta chọn lựa để tự vệ cũng có thể gây nguy hại cho bản thân mình chẳng kém gì khí giới của kẻ thù. Chưa bao giờ các quốc gia lại gia tăng ngân sách quốc phòng để chống lại các nước láng giềng, chưa bao giờ nhân loại đang bị đe dọa hủy hoại cho bằng lúc này.

Tựu trung, người ta nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng càng sống trong nghi kỵ và sợ hãi con người càng ngày thấy mình có nhiều kẻ thù và càng bị vây hãm.

Thật ra, trước khi bị kẻ thù vây hãm con người đã tự vây hãm chính mình trong bốn bức tường mà mình đã tự tay dựng lên. Quan hệ giữa các quốc gia hay quan hệ giữa người với người cũng đều xây dựng trên một nguyên tắc. Càng mở ra với người khác, con người càng được an toàn. Trái lại, càng bị giam hãm trong nghi kỵ và sợ hãi con người càng cảm thấy bất an.

Lạy Chúa,

Chúa biết chúng con đang khao khát sự bình an đích thực trong tâm hồn. Xin cho chúng con luôn xác tín rằng chỉ khi nào chúng con luôn biết mở rộng tâm hồn và lòng bàn tay ra để đến với người khác chúng con mới có được sự bình an ấy.

4. Bí Quyết Của Sự Bình An

“Adam là một người đàn ông đã hai mươi lăm tuổi nhưng không thể nói, không thể tự mình thay quần áo. Anh cũng không thể đi đứng một mình, ăn uống một mình. Anh cũng chẳng biết khóc hay biết cười. Thỉnh thoảng, anh mới dùng ánh mắt để liên lạc với người khác. Cuộc sống của anh bị câm, tay chân anh co quắp, người anh co giật liên hồi và dù phải uống thuốc rất nhiều, những cơn động kinh vẫn không thuyên giảm. Ðôi khi anh tru tréo, một vài lần rồi thấy những gịot nước mắt lăn trên gò má anh.

Hằng ngày, phải mất một tiếng rưỡi đồng hồ, để đánh thức Adam dậy, cho anh uống thuốc, dìu anh vào phòng vệ sinh, tắm rửa cho anh, đánh răng cho anh, mặc quần áo cho anh, đưa anh vào nhà ăn, cho anh ăn sáng, đặt anh vào xe lăn và đẩy anh đến nơi anh sẽ ở lại suốt ngày để tập cử động theo phương pháp trị liệu”.

* * *

Tác giả của những dòng tường thuật trên đây là cha Henri Nouwen, một linh mục người Hòa Lan, người đã để lại rất nhiều tác phẩm nổi tiếng về tu đức học. Ở tuyệt đỉnh của sự nghiệp, cha đã rời bỏ chân giáo sư tại đại học Harvard, Hoa Kỳ, để tìm đến một cộng đồng có tên là Bình Minh tại Toronto, Canada. Ðây là một trung tâm dành cho những người khuyết tật. Trong những người được cha Nouwen săn sóc có một người thanh niên tên là Adam. Theo mô tả trên đây, Adam quả là một người đàn ông mà nhiều người xem như đang sống kiếp cỏ cây, một con người hoàn toàn vô dụng cho xã hội, một con người lẽ ra đừng sinh ra thì hơn. Nhưng cho tới lúc qua đời, cha Nouwen vẫn luôn luôn xác tín và khẳng định rằng chính cha chứ không phải Adam là người được may mắn nhất trong mối quan hệ này.

Cha Nouwen nói rằng trong những tháng ngày ở bên cạnh Adam, cha đã có được sự bình an sung mãn đến độ tất cả những công việc khác đều trở nên nhàm chán. Ngồi bên cạnh người thanh niên tật nguyền, bất lực như một thơ nhi cha bỗng nhận thấy rằng đoạn đường đi trước kia của cha, trong đó cha phấn đấu để tìm kiếm danh vọng, đầy dẫy những giành giật và bạo động; nhưng từ Adam cha đã học được rằng: “điều làm chúng ta là người không phải không phải là lý trí mà là trái tim của chúng ta, điều làm cho chúng ta là người không phải là khả năng suy tư mà chính là khả năng yêu thương”. Ai nghĩ rằng Adam là một tạo vật sống như cỏ cây hay thú vật, người đó không nắm bắt được mầu nhiệm thâm sâu theo đó Adam cũng có thể trao ban và đón nhận tình yêu.

Tất cả những vị đại thánh trong xã hội đều đã khám phá và sống theo bí quyết của sự bình an trên đây. Các ngài thấy được điều mà mắt thường không muốn thấy; các ngài thấy được điều cao cả trong cái tầm thường nhỏ bé; các ngài thấy được lợi lộc trong mất mát, vinh quang trong đau khổ, sự sống trong cái chết. Tựu trung, điều mà các thánh thấy được đã được Chúa Giêsu công bố trong bài giảng trên núi: “Phúc cho những kẻ khó nghèo, những ai hiền lành, những kẻ khóc lóc, những người khao khát điều công chính, những ai có lòng xót thương, những ai ăn ở thuận hòa và những ai bị bách hại vì lẽ công chính”. Các thánh là những người đã thực thi châm ngôn của thánh Phaolô: “Vui với người vui, khóc với người khóc, nghèo với người nghèo, yếu đuối với người yếu”, đó chính là bí quyết của sự bình an đích thực.

Lạy Chúa,

Chúa biết chúng con đang khao khát sự bình an đích thực. Xin cho chúng con luôn xác tín rằng chúng con chỉ thực sự có được bình an trong tâm hồn khi nào chúng con biết sống thuận hòa và yêu thương mọi người, nhất là những kẻ bé mọn trong xã hội.

5. Nghịch Lý Của Tin Mừng

Ernest là một bác sĩ giải phẫn vừa ra trường. Năm 1968, ông đến phục vụ tại Việt Nam. Một trong những bệnh nhân đầu tiên của ông là một binh sĩ Mỹ mười chín tuổi vừa bị thương trong một trận phục kích. Ðôi mắt và cả đôi chân của anh đều bị tàn phá. Bác sĩ Ernest đã mất bảy tiếng đồng hồ liền để giải phẫu cho người thanh niên đáng thương; nhưng sau đó ông đã bị các bạn đồng nghiệp kịch liệt đả kích, họ chỉ trích ông không phải vì ông đã thiếu trách nhiệm mà chỉ vì ông đã chu toàn nhiệm vụ một cách quá tốt đẹp. Họ nói với ông như sau:

– Cậu lính này đã hoàn toàn bị tàn phế, lẽ ra anh không nên chữa trị cho nó mà phải để cho nó chết thì tốt hơn.

Những lời này đã ám ảnh bác sĩ Ernest trong suốt hai mươi năm trời. Ông luôn bị dày vò bởi ý nghĩ phải chăng mình đã chẳng đẩy người thanh niên này vào một cuộc sống vô tích sự và khổ đau. Cuối cùng, ông quyết định phải giải quyết vấn đề. Ông đã bỏ ra hai năm liền để dò tìm tông tích của người lính này, và điều mà ông đã tìm thấy đã giải tỏa được nổi ẩn ức trong tâm hồn ông.

Thật thế, người thương binh mà ông đã giải phẫu hồi năm 1968 giờ đây vẫn là một người đàn ông tàn tật đang ngồi trên xe lăn. Nhưng người đàn ông tàn tật này không hề là một người đang đau khổ, ông đã lập gia đình và có được hai người con gái, ông đã tốt nghiệp đại học, ông đã theo học cách lặn sâu dưới nước và hiện đang theo một khóa đặc biệt để giúp những người thương tật thích nghi với sự bất hạnh của mình. Ở vào tuổi bốn mươi ba, người cựu chiến binh này tỏ ra tràn đầy nhựa sống và có một niềm tin vững mạnh nơi Thiên Chúa. Khi được một ký giả hỏi về những thành tựu của mình, ông trả lời:

– Tôi đặt niềm tin nơi Chúa.

Cuộc tranh luận giữa bác sĩ Ernest và các bạn đồng nghiệp của ông cách đây trên ba mươi năm hiện vẫn tiếp tục sôi nổi trong giới y khoa. Bác sĩ Ernest bị người ta xếp vào phe bảo thủ, ông nói như sau:

– Tôi được dạy để chữa trị cho những người bị thương chứ không phải để cho họ chết.

Các bạn đồng nghiệp của ông đại diện cho một trường phái mới, họ chữa trị có tính toán, những ai họ xét thấy không đáng sống thì họ để đó mặc kệ rồi chờ chết. Khi người thương binh Mỹ được đưa về Hoa Kỳ để tiếp tục chương trình hồi phục, có người chất vấn bác sĩ Ernest:

– Tại sao để cho một người như thế tiếp tục sống?

Ngày nay, bác sĩ Ernest đã tìm được câu trả lời cho chính mình, ông biết rằng mình đã làm đúng. Và khi con người biết mình làm điều đúng, lương tâm họ không bao giờ trách móc họ.

* * *

Vì con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa cho nên sự sống của con người là thánh thiêng. Sự sống ấy là thánh thiêng trong mọi giai đoạn phát triển của nó, nghĩa là từ lúc được tạo thành trong lòng mẹ cho tới lúc chết tự nhiên. Sự sống ấy là thánh thiêng cho nên bất khả xâm phạm trong mọi điều kiện sống. Sự sống ấy là thánh thiêng cho nên có ý nghĩa trong mọi tình huống của cuộc đời. Chính vì con người có một phẩm giá thánh thiêng và bất khả xâm phạm cho nên giản lược nó để xây dựng thành một phương tiện để sử dụng, lèo lái, vứt bỏ là một tội ác. Có những người bị người khác loại trừ, chối bỏ hay chà đạp; nhưng cũng không thiếu những người tự chối bỏ chính mình bằng những hành động chối bỏ và loại trừ người khác. Khi chối bỏ và chà đạp người khác, con người cũng chối bỏ chính phẩm giá cao cả của mình. Không ai có thể làm tổn thương người khác mà không đồng thời làm thương tổn chính bản thân. Tôn trọng người khác cũng chính là tự trọng. Ðây chính là nghịch lý của Tin Mừng, con người chỉ lớn lên trong nhân cách khi họ nhỏ lại trong phục vụ và quên mình, con người càng trở nên giàu có khi họ biết dốc cạn để sống cho người khác.

Lạy Chúa,

Xin cho chúng con luôn thức tỉnh để nhìn nhận, tôn trọng và yêu mến Chúa trong mọi người, nhất là những kẻ bé mọn nhất trong xã hội.

6. Lớn Lên Trong Ðức Tin

Năm 1983, khi Israel chiếm Liban, một cậu bé mười ba tuổi tại bang Illinois, Hoa Kỳ, vừa lãnh nhận xong một nghi thức đặc biệt của người Do Thái. Nghi thức này được gọi là Pamisva. Với nghi thức này, người Do Thái được xem như một người trưởng thành. Sau nghi thức, cậu bé đã đọc lên cho mọi người nghe một lá thư cậu đã gửi cho thủ tướng nước Do Thái. Trong phần nhập đề, cậu bé viết như sau:

“Với nghi thức Pamisva tôi đã trở thành người Do Thái trưởng thành. Tôi thấy mình có nghĩa vụ phải nói lên điều mình suy nghĩ. Do đó, tôi viết cho thủ tướng một lá thư mà tôi xin được phép đọc lên như sau: “Thưa ngài thủ tướng, nhân dịp chịu phép Pamisva, tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải nói lên suy nghĩ của tôi về cuộc chiến tại Liban, tôi hiểu điều ngài đã làm và tại sao ngài đã làm, nhưng tôi nghĩ rằng chiến tranh là điều sai. Nếu chiến tranh có xảy ra một lần nữa, thì tôi xin được phép xin ngài hãy đi bước trước tiến về hòa bình bằng cách đi tới từng quốc gia Ả Rập, như tổng thống Saddad đã từng đến Israel. Nếu Israel sống trong hòa bình với các nước Ả Rập, thì tổ chức giải phóng Palestin sẽ không có một lý do nào để mà hãm hại và giết người Do Thái tại Israel nữa”.

Cậu bé kết thúc lá thư như sau:

“Thay vì kẹo bánh đặt trên bàn tiệc nhân ngày Pamisva của tôi. Tôi đã xin gia đình tôi gửi tiền đến bệnh viện Netania tại Israel, nơi những người Do Thái bị thương trong cuộc chiến đang được chữa trị”.

* * *

Với nghi thức Pamisva, một người Do Thái được xem là trưởng thành. Nghi thức này nhắc lại cho các tín hữu kitô nghi thức Thêm Sức. Thật thế, khi chịu bí tích Thêm Sức, người tín hữu kitô cũng được xem là trưởng thành. Một cách cụ thể, họ được trao phó cho một vai trò tích cực hơn trong cộng đồng tín hữu. Bí tích này mời gọi họ phục vụ và cư xử với tinh thần trách nhiệm. Cậu bé Do Thái mười ba tuổi trên đây đã cố gắng thể hiện tinh thần trách nhiệm của cậu đối với cộng đồng dân tộc qua lá thư gửi cho thủ tướng Do Thái cũng như món quà gửi tới những người cần được giúp đỡ.

Trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta tưởng niệm biến cố Giáo Hội được khai sinh và ôn lại ý nghĩa của bí tích thêm sức trong đời sống đức tin của chúng ta.

Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là một lời kêu gọi phục vụ. Lễ này nhắc nhở các tín hữu kitô rằng họ phải thể hiện đức tin của mình bằng cả cuộc sống của họ, tùy theo khả năng mỗi người đều được kêu gọi rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng một cách cụ thể hơn. Ðối với một số người, chứng từ cụ thể ấy là dấn thân hoạt động tích cực trong cộng đồng giáo xứ hay trong các phong trào. Với đa số chứng từ cụ thể ấy là những lời cầu nguyện và hy sinh âm thầm. Mỗi người một nhiệm vụ và một cách cụ thể thể hiện khác nhau, bởi vì trong Giáo Hội có nhiều đặc sủng khác nhau cũng như có nhiều chi thể khác nhau trong cùng một thân thể. Thánh Phaolô đã nói tới điều đó trong thư thứ nhất gửi cho giáo đoàn Côrintô đoạn 12 như sau: “Có nhiều đặc sủng khác nhau nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều phục vụ khác nhau nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa là mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung”. (1Cor 12, 4-7).

Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống kêu gọi mỗi người tín hữu kitô chúng ta ghi dấu ơn huệ mà chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép Thêm Sức.

Lạy Chúa Thánh Thần,

Xin hãy đến. Xin hãy đến như ngọn lửa để đun nóng tâm hồn chúng con. Xin hãy đến như cơn gió để thanh tẩy chúng con. Xin hãy đến như ánh sáng để hướng dẫn chúng con. Xin hãy đến để ban sức mạnh cho chúng con.

Lạy Chúa Thánh Thần,

Xin hãy đến.

7. Những Kỷ Niệm Ðẹp

Có lẽ ai trong chúng ta cũng có những ký ức, những hoài niệm về người mẹ. Và khi được hỏi đến những kỷ niệm đẹp nhất mà mình có về người mẹ thân yêu, tác giả Marie Martin có tâm sự như sau:

“Các bạn có nhớ lúc các bạn còn nhỏ thì hay té, và mỗi lần như vậy thường là khóc tửc tưởi bởi cảm thấy đau hay không. Và khi trường hợp đó xảy ra thì bạn có nhớ rằng người khác thường có những cử chỉ, biện pháp gì giúp đỡ bạn bớt đau hay không. Còn với tôi thì tôi nhớ rất rõ là mỗi khi tôi bị té là mẹ tôi thường ôm tôi và bế tôi về giường, hôn thật sâu vào chỗ đau của tôi và xuýt xoa như thể bà cũng đang cảm thấy đau như tôi vậy. Sau đó, mẹ tôi ngồi cạnh tôi, cầm  lấy tay tôi và bảo: “Khi nào thấy đau, con hãy nắm chặt tay mẹ, mẹ sẽ nói với con rằng mẹ yêu con”. Và cứ như thế, mỗi lần tôi cảm thấy đau là tôi lại nắm chặt tay mẹ và mẹ tôi lại nói với tôi rằng: “Marie, mẹ yêu con”. Nhiều khi tôi làm nững và giả bộ đau để được nghe mẹ nói những lời yêu thương đó.

Tôi mỗi ngày mỗi lớn lên theo thời gian, và cách thức của mẹ tôi giúp tôi bớt đau đớn cũng thay đổi. Hơn nữa, mẹ còn giúp tôi tìm thấy niềm vui trong mọi hoàn cảnh. Những ngày còn ở trường học, mỗi khi đi học về là tôi luôn thấy thanh chocolate hạnh nhân sẵn sàng nằm trên bàn học của tôi. Trong thời gian học đại học ở xa nhà, mẹ tôi thường gọi điện thoại cho tôi và thỉnh thoảng rủ tôi đi ăn và đi dạo ở các công viên. Khi tôi đã có gia đình, sau mỗi lần về cùng với chồng con thăm cha mẹ, vừa trở về tới nhà là tôi đã thấy cánh thiệp mẹ gửi để cám ơn về chuyến viếng thăm của chúng tôi. Dù mẹ tôi chẳng nói lời nào nhưng tôi cũng cảm nhận được tình thương của mẹ dành cho tôi. Còn mẹ thì luôn tỏ ra cho tôi biết là tôi chiếm vị trí đặc biệt trong tim mẹ biết chừng nào. Trong tất cả những cách tỏ lộ tình thương của mẹ dành cho tôi, tôi nhớ nhất là câu nói: “Con hãy nắm chặt tay mẹ, mẹ sẽ nói với con rằng mẹ yêu con”.

Một buổi sáng nọ, bố tôi gọi điện thoại ra công sở cho tôi với giọng đầy lo lắng, ông nói với tôi: “Marie, mẹ con có vẻ bất ổn, bố không biết phải làm sao, con có thể về thăm mẹ ngay bây giờ không?” Tôi vội vã xin nghỉ việc và lái xe về nhà. Tôi bồn chồn lo lắng vì không biết chuyện gì đã xảy ra với mẹ. Về tới nhà, tôi thấy bố tôi đang đi đi lại lại trong bếp, mẹ nằm trên giường, mắt mẹ nhắm nghiền và hai tay ôm ghì lấy bụng. Cố giữ giọng bình tĩnh tôi chào mẹ: “Mẹ ơi, con về thăm mẹ đây”. Mẹ tôi hỏi lại: “Marie đó hả con?” Tôi thưa: “Dạ con đây, thưa mẹ”.

Tôi không hề chuẩn bị tinh thần để nghe câu nói kế tiếp của mẹ nên khi nghe thấy mẹ nói, tôi lạnh cứng người chẳng biết nói gì nữa. Khi mẹ tôi hỏi: “Marie, mẹ sắp chết phải không con?” Tôi cảm thấy bất lực, mắt nhòa lệ và nhìn người mẹ thân yêu của mình nằm đó. Tôi tự hỏi: “Nếu là mẹ, tôi sẽ nói ra sao?”

Tôi lặng im nhìn mẹ, mỗi khoảnh khắc dài vô tận và tôi cứ lập đi lập lại trong trí tôi câu hỏi đó. Một lúc sau, khi nghe mẹ tôi than: “Marie, mẹ đau quá” tôi liền nói: “Mẹ ơi, khi nào mẹ đau mẹ hãy nắm chặt tay con và con sẽ nói rằng con yêu mẹ”. Mỗi lần mẹ bóp chặt tay tôi là tôi lại nói: “Mẹ ơi, con yêu mẹ”. Rất nhiều lần mẹ nắm chặt tay tôi và tôi lại nói: “Mẹ ơi, con yêu mẹ”. Và trong suốt hai năm chăm sóc mẹ trên giường bệnh trước khi mẹ qua đời, tôi đã lập lại câu nói ấy nhiều lần. Tôi không biết khi nào sẽ tới phiên tôi hoặc những người thân khác, nhưng tôi biết đến lúc ấy dù là ai tôi cũng vẫn thói quen ngọt ngào đầy yêu thương mà mẹ tôi đã từng làm.

“Khi nào đau hãy nắm chặt tay ta và ta sẽ nói rằng ta yêu người”.

* * *

Phương cách mà người mẹ trong câu chuyện trên đã thực hiện và trao lại cho con bà là những câu nói đầy ắp tình thương của một người mẹ đã giúp cô con gái mình sống vui suốt cả đời. Và không những thế, cô cũng cảm thấy mình có trách nhiệm để tạo niềm vui cho người khác với cùng một phương thế như mẹ cô đã làm.

Mỗi tín hữu kitô chúng ta cũng có một người mẹ đầy ơn phước là Ðức Maria, Mẹ Chúa Giêsu. Ngài cũng chỉ cho chúng ta những phương thức để giúp chúng ta cũng được chia sẻ hạnh phúc với Mẹ trong ơn nghĩa Chúa. Với tâm tình của một người con thảo của Mẹ, chúng ta hãy thưa với Mẹ Maria: “Mẹ ơi, con yêu mến Mẹ, xin Mẹ dạy con biết yêu mến Chúa Giêsu, Con Mẹ”.

Ước chi mỗi chúng ta luôn biết dùng những phương thế Mẹ Maria đã dạy để chúng ta đạt đến bến bờ yêu thương, được trưởng thành trong tình yêu mến Chúa, và vì yêu mến Chúa mà yêu thương và phục vụ anh chị em giúp anh chị em nhận ra những niềm vui của cuộc sống và hạnh phúc.

8. Tình Yêu Và Ân Sủng

Trong bộ sách có tựa đề “Những tấm lòng cao cả” có thuật lại một câu chuyện của Haroll Frulsen như sau:

Khi nghe con gái út của tôi tên là Bernadette vừa tròn mười tuổi, tôi nhận thấy mình bắt đầu lo lắng về cháu. Bốn năm vừa qua thật là những năm tháng khó khăn cho gia đình tôi, bởi vì trong một thời gian ngắn cả hai ông bà lần lượt qua đời. Nhất là với Bernadette, nó rất thân với ông bà nên lúc nào cũng quấn quít và gắn bó với ông bà, và ông bà cũng rất mực yêu thương Bernadette. Hơn nữa, bản chất của Bernadette là rất nhạy cảm, nên khi ông bà qua đời, cháu đã rơi vào cơn khủng hoảng trầm trọng. Tính tình của nó mỗi ngày một trở nên trầm mặc hơn và khi lên mười thì cháu thực sự lâm vào trạng thái trầm cảm. Trong gần một năm trời, thỉnh thoảng cháu mới nhoẻn miệng cười, cháu thờ ơ, lặng lẽ với mọi sự, ánh mắt của cháu dường như thiếu sinh khí, ai nhìn vào cũng có cảm giác đó là một cặp mắt vô hồn. Tôi thực sự lo lắng và cũng chẳng biết phải làm gì trong khi trầm cảm của Bernadette mỗi ngày một tệ hại hơn.

Một hôm, tôi chợt nhớ đến thời thơ ấu của mình, khi đó ông bà, cha mẹ và những người thân thường biểu lộ tình thương bằng cách ôm hôn đám trẻ chúng tôi. Từ khi xa cha mẹ, mỗi khi gặp khúc mắc hay buồn chán, tôi tưởng như mình đang ngồi trong lòng của cha tôi hỏi ý kiến người và xin cho có lời khuyên. Và lúc này cũng vậy, tôi thầm hỏi người cha đã khuất bóng của tôi: “Cha ơi, con phải làm gì để giúp cho bé Bernadette của con được vui vẻ, hồn nhiên trở lại?” Và tôi đã tìm ra phương thuốc để chữa trị cho cháu. Tôi quyết định âu yếm và ôm cháu nhiều hơn. Bất cứ khi nào có thể làm được là tôi sẽ ôm lấy cháu trong lòng. Thời gian trôi qua, Bernadette dường như vui vẻ hơn, thoải mái hơn, những nụ cười thật tươi đã thường xuyên nở trên đôi môi ngày một tươi thắm của cháu. Sức sống cũng được tỏ lộ trong đôi mắt của cháu. Tính cách vui vẻ hồn nhiên cũng trở lại trong cháu, cháu trở nên thích vui chơi và tham gia vào những sinh hoạt năng động hơn. Nỗi u buồn cũng không còn thống trị bản tính năng động của cháu nữa và bất kỳ khi nào cháu cảm thấy bối rối, xuống tinh thần hoặc buồn nản là cháu lại đòi tôi ôm lấy cháu. Hoặc khi tôi không vui là cháu cũng lại ôm lấy tôi và thì thầm rằng: “Con yêu mẹ”.

* * *

Ðọc qua câu chuyện trên tôi nhớ lại câu hát du dương tự thuở nào:

“Tình yêu có tự nơi nao,

Êm êm một khúc sông Cầu”.

Vâng, tác giả của bài hát cũng tỏ vẻ lúng túng bởi cũng chẳng biết tình yêu có từ bao giờ. Phải chăng đó là lý do người ta nhắc đến tình yêu muôn thuở, bởi chẳng có ai biết tuổi thọ của tình yêu là bao nhiêu và cũng chẳng bao giờ tình yêu lại trở thành một thực tế xưa cũ, nhàm chán? Chính vì thế, những biểu hiện của tình yêu, những ngôn ngữ chất chứa lời yêu thương cũng mang tính cách trường cửu như tình yêu vậy. Một cái bắt tay, một nụ hôn, những vòng tay siết chặt yêu thương là những yếu tố dường như không thể vắng bóng khi đã chín muồi. Và những cử chỉ yêu thương thắm thiết đó cũng có giá trị củng cố và phát triển tình yêu.

Xét trên bình diện thiêng liêng cũng vậy, đời sống đức tin cũng cần phải có những giây phút gần gũi, thân thương, nhằm biểu lộ tình liên đới giữa những con người với nhau, và giữa con người là thụ tạo hữu hình với Thiên Chúa, Ðấng tạo dựng nên chúng ta và đã đặt chúng ta trong quĩ đạo của tình yêu. Tất cả những thực hành có tính giới hạn của con người sẽ trở thành những thực tại có giá trị vô song khi nó gắn chặt với cái hồn là Thiên Chúa, là tình yêu. Cách thực hành đạo với những nghi thức phụng vụ được cử hành với mục đích là để thờ phượng Thiên Chúa thực ra cũng là những cách thức để chúng ta diễn tả sự gắn bó của mình với Thiên Chúa, và cũng giúp chúng ta một lần nữa khẳng định sự gắn kết của chúng ta với Ngài. Tất cả những điều đó nhằm củng cố và gia tăng nội lực của mình, nội lực đó chính là tình thương và ân sủng của Thiên Chúa cho chúng ta.

Lạy Chúa,

Xin cho mỗi chúng con luôn ý thức về mỗi giá trị của những việc thực hành thông thường, nhằm diễn tả tình yêu của Chúa và con người để cuộc sống mỗi ngày một đầy ắp những biểu hiệu của niềm vui, tình yêu và hy vọng.

9. Hành Trình Ðức Tin

Tác giả Tú Gàn có kể câu chuyện như sau:

Trong cuốn “Những hiểu biết về cuộc đời”, tác giả Trịnh Hiểu San, một nhà tư tưởng hiện đại của Trung Quốc, có trích dẫn một câu chuyện trong sách Uất Ly Tử như sau:

Một hôm, khi thấy chú cọp xuất hiện, các chim chóc trong rừng đều kêu hét om sòm. Con cóc đang nằm trong hang thấy thế cũng rít lên. Thấy vậy, chú quạ liền hỏi các bầy chim:

– Con cọp đi dưới đất, các chú ở trên cao, nó làm gì được các chú mà các chú la ầm lên thế?

Một vài chú chim trả lời:

– Chúng tôi nghe nói khi loài cọp gầm rống lên thì bảo tố có thể kéo tới làm hư những cái tổ của chúng tôi nên chúng tôi phải la hét như thế để đuổi nó đi.

Chú quạ nói:

– Thôi cũng được đi.

Rồi chú quạ quay lại hỏi chú sóc:

– Chú ở trong hang, bão tố làm gì được chú mà chú phải la?

Chú sóc trả lời:

– Tôi biết gì đâu, tôi nghe bầy chim la thì tôi cũng la, chỉ có thế thôi.

* * *

Trong thời đại chúng ta hiện nay, có những phương tiện truyền thông đại chúng tối tân, nhanh nhẹn, lượng thông tin được truyền đi mỗi ngày thật khổng lồ. Vì thế, nếu không cẩn trọng, chúng ta sẽ dễ dàng trở thành những nạn nhân của thông tin, những lời bình luận, những quảng cáo phô trương khuếch đại, những định hướng xu thời dẫn tới tình trạng vong thân. Ai nói gì thì tôi tin nấy, ai bảo gì thì tôi cũng làm theo, cách suy nghĩ của tôi cũng là những khuôn đúc sẵn của những người khác. Như thế, chúng ta cũng rơi vào tình trạng chẳng khác nào như con sóc trong câu chuyện trên: “Tôi nghe bầy chim la thì tôi cũng la”.

Ðiều tệ hại đáng chúng ta quan tâm là có những kẻ yếu khi nhận ra những thông tin không đúng sự thật họ cũng không dám nói ra và giả như họ có công bố thì tiếng nói của họ quá yếu ớt nên bị những thế lực khác đè bẹp, rồi có thể họ sẽ lãnh lấy những hậu quả tai hại của những kẻ bất đồng ý kiến, những bè phái độc tài cực đoan. Nếu tiến trình đó cứ tiếp diễn thì e rằng chẳng còn ai màng đến việc phân định thế nào là phải trái và thế thái nhân tình sẽ ra sao? Khi ấy, công lý còn được người ta quan tâm và bảo vệ hay không và thế giới sẽ đi về đâu?

Ðể đi đến cùng như vậy, để mỗi chúng ta cũng cần phải luôn nhìn lại mình, để biết nhận định những lẽ thật của cuộc sống mà người tín hữu kitô chúng ta đã có một kho tàng vững chắc là những giá trị chân thực và trường cửu của Tin Mừng, để chúng ta cứ nương theo đó mà phân định những sự vật và hiện tượng, những thực tại đang diễn ra trước mắt chúng ta. Hơn nữa, chúng ta cũng có một người dẫn đường khác luôn đồng hành với chúng ta và với toàn thể nhân loại là Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu. Có lẽ chúng ta cũng không quên những lời chỉ dẫn của Mẹ đã nói với ba em thiếu nhi là Lucia, Giaxinta và Phanxicô. Những lời ấy đã đưa thế giới tiến sang một bước ngoặt mới. Dù rằng có những lúc tưởng chừng những lời ấy không thể được công bố ra bởi sức ép tàn bạo của các thế lực bên ngoài. Nhưng đúng như lời Mẹ đã khẳng định, cuối cùng Mẹ đã thắng. Mẹ đã thắng cũng có nghĩa là chúng ta sẽ thắng nếu chúng ta thực hành những lời căn dặn của Mẹ. Ðiều đó không phải là dễ, bởi chúng ta biết rằng ba em bé đó cũng đã phải đau khổ nhiều và hy snh gian khổ, phải chấp nhận những tủi hổ và những hiểu lầm với lý do bằng mọi cách để cho những sứ điệp của Mẹ được công bố cho mọi người. Và có những lúc ba trẻ em đó đã lung lạc đức tin, nghi ngờ về sự hiện ra của Ðức Mẹ.

Và chúng ta cũng thế. Ðể cho sứ điệp của niềm tin và tình yêu của Thiên Chúa được công bố và triển nở, thì trên hành trình đức tin thế nào cũng có lúc chúng ta phải trải qua giai đoạn thử thách, thử thách có tác dụng thanh luyện đức tin của chúng ta mỗi ngày một tinh tuyền hơn và triển nở hơn. Chỉ trong thử thách và qua thử thách, chúng ta mới nhận ra đức tin của chúng ta có phải là sức sống, là nguồn sinh lực bắt nguồn từ Thiên Chúa, lan tỏa và điều khiển mọi thái độ, lời nói, cử chỉ, hành vi và củng cố các tương quan của chúng ta, hay chỉ là những lời tuyên bố trống rỗng, hời hợt, những tuyên xưng không có cơ sở, những lời nói bị điều khiển bởi một ai khác hay một thế lực bất chính nào đó.

Lạy Chúa,

Xin cho chúng con nhận ra hiện trạng thực của đời sống đức tin mình, để chúng con luôn biết so dây cuộc sống, nhờ đó những bài ca của cuộc đời chúng con được tấu lên mỗi ngày một tha thiết và du dương hơn theo cung bậc nghiêm trang của tình yêu, niềm tin, khởi đi từ chính Ngài là nguồn mạch của mọi sự.

10. Hai Người Mẹ

Khi nói về tình mẹ, ông Joseph Rosumbol đã tâm sự như sau:

“Mẹ luôn có mặt mỗi khi bạn cần đến. Mẹ luôn giúp đỡ, bảo vệ, lắng nghe, khuyên bảo, động viên, khích lệ và nuôi dưỡng cả tinh thần lẫn thể xác bạn. Mẹ luôn cố gắng làm cho gia đình luôn đầy ắp tình thương yêu. Ðó là những gì tôi có thể tóm tắt về hình ảnh hay đúng hơn là kỷ niệm của tôi về mẹ. Bởi trong những năm tháng ngắn ngủi mà tôi có mẹ ở bên cạnh, tôi luôn cảm thấy may mắn là mình có mẹ, nhưng tôi biết rằng chẳng có lời nào có thể diễn tả hết tình thương của mẹ với những hy sinh mà mẹ dành cho tôi. Tất cả những hy sinh đó chẳng có hy sinh nào là nhỏ cả. Tất cả đều vĩ đại. Bởi nó diễn tả tình thương trọn đầy của mẹ đối với tôi, một đứa con trai bé bỏng của mẹ. Khi ấy, tôi vừa tròn mười chín tuổi và đang trên đường dẫn tới cái chết. Thình lình, mẹ tôi chen vào và đổi chỗ cho tôi đi ra. Mặc dầu đã năm mươi năm trôi qua nhưng tôi không bao giờ có thể quên nổi những lời cuối cùng trước khi mẹ giả từ tôi để tiếp tục bước đường dẫn tới cái chết. Tôi cũng không bao giờ quên được ánh mắt tràn ngập yêu thương và hy vọng quyện lẫn những nỗi xót xa phải chia tay. Lúc đó, mẹ tôi đã nói: “Mẹ đã sống đủ rồi, con còn trẻ nên con cần phải sống”. Tôi nghĩ, phần lớn các đứa trẻ được sinh ra có một lần, nhưng tôi, tôi đã được sinh ra đến hai lần với cùng một người mẹ”.

* * *

Mỗi tín hữu kitô chúng ta cũng có thể nói được rằng chúng ta cũng đã được sinh ra hai lần nhưng với hai người mẹ: người mẹ thứ nhất là người đã sinh ra chúng ta để chúng được hiện diện trên cõi đời; và chúng ta cũng được sinh ra trong đức tin với người mẹ thứ hai là Giáo Hội.

Thật thú vị khi dùng hình ảnh người mẹ để chỉ về Giáo Hội. Với những bản tính của một người mẹ, Giáo Hội như muốn ôm trọn lấy mọi người, chăm sóc và lo lắng cho từng người bằng Lời Chúa và qua các bí tích. Và khi chúng ta nhận biết những cố gắng của người mẹ, đồng thời chúng ta phải có bổn phận để tiếp nối vai trò của người mẹ cũng như đón nhận những khác biệt của người mẹ trong tình thương mến.

Ðứng trước những thử thách mà Giáo Hội đang gặp phải hiện nay, mỗi chúng ta có cảm thấy được thúc đẩy phải đưa vai để gánh đỡ Giáo Hội không hay chúng ta cũng lại hùa theo những trào lưu chống đối Giáo Hội, và nhẹ nhàng hơn là chúng ta dửng dưng với những băn khoăn thao thức và những thách đố mà Giáo Hội đang gặp phải? Cả hai thái độ đó đều không phải là thái độ của người sống tâm tình của những người con đối với Giáo Hội.

Nhìn lại vai trò của mỗi tín hữu kitô chúng ta trong cương vị là những người con của Giáo Hội, khởi đi từ tâm tình của một người con như đã được nhắc lại trên đây. Mỗi người con nhận được sự sống từ mẹ, sẵn sàng hy sinh cho mình, chúng ta trước hết thấy hãnh diện vì có được một Giáo Hội mẹ như vậy. Và từ đó mà yêu mến Mẹ Giáo Hội của mình nhiều hơn nữa.

Song song với những gì là cao đẹp, có thể chúng ta cũng khám phá ra những vết nhăn, những vẻ xấu xí in hằn trên gương mặt đó, nhưng không vì thế mà chúng ta giảm bớt tình thương. Trái lại, càng phải biết thương nhiều hơn. Hơn nữa, chúng ta cũng phải biết nhớ đến những người đã đổ máu đào hy sinh mạng sống để bảo vệ cho người mẹ đó, để lúc nào chúng ta cũng được sống trong sự ấp ủ của người mẹ nhờ những dòng sữa ân sủng của Chúa được ban cho chúng ta qua người mẹ Giáo Hội; chúng ta cũng có bổn phận để tiếp nối cuộc sống của những người đã hy sinh nằm xuống cho chúng ta, để hạt giống đức tin được triển nở và sinh hoa kết trái trong đại gia đình của Thiên Chúa; đồng thời chúng ta cũng cần làm sao để có thêm những người con mới trong đại gia đình Giáo Hội, Mẹ chúng ta, nhờ qua dấn thân thực hành những việc làm tốt, thu hút anh chị em đến với Chúa.

Lạy Mẹ Maria,

Xin dạy chúng con biết yêu mến Giáo Hội là nhiệm thể của Chúa Giêsu, Con Mẹ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *