Chiếc Áo Từ Nhân – P7

Chiếc Áo Từ Nhân – P7

Chiếc Áo Từ Nhân

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

1. Ban Tặng Sự Sống

Một văn sĩ nổi tiếng người Hy Lạp ghi lại trong sách sử mẩu chuyện sau đây:

Một hôm, vua Alexandre đến nhà triết gia Diojénais gặp lúc ông đang khảo cứu những bộ xương khô. Mỗi bộ xương được đặt trong một hộp khác nhau.

Vừa bước chân vào nhà, vua Alexandre ngạc nhiên hỏi Diojénais đang làm gì, triết gia thản nhiên đáp:

– Tôi đang suy nghĩ về những vấn đề quan trọng liên quan tới đời sống con người. Chẳng hạn như hai bộ xương này đây. Một hộp chứa đựng bộ xương của thân phụ vua, và hộp kia đựng bộ xương của người nô lệ đã nhiều năm phục vụ trong đền vua. Tôi đã mất nhiều thời gian quan sát rất kỹ lưỡng, nhưng bây giờ tôi phải thú thật rằng tôi không thấy có gì khác biệt giữa hai bộ xương khô này cả.

* * *

Tất cả mọi người sinh ra trên trần gian này đều phải chết. Và sau khi chết, thân xác con người cũng đều trở về tro bụi như nhau, vì thân thể con người được nhồi nặn lên từ bụi đất. Thế nhưng, không phải tất cả mọi người sinh ra đều thực sự sống và sống cách tốt lành như cuộc đời đáng sống. Ðiều khác biệt là sống với niềm tin vào sự sống hay là chỉ tồn tại cách trống rỗng, vô niềm tin. Ðối với những người có lòng tin, thì sự sống là món quà cao quí nhất Thiên Chúa ban tặng cho tất cả mỗi người được may mắn sinh ra trên trần gian này. Ðời sống là cả một kho tàng Thiên Chúa gửi gấm và trao tặng trong tay mỗi người, để giữ gìn, bảo trì và để tăng triển.

Sự sống là một hồng ân cao trọng ban tặng cách nhưng không, đồng thời cũng là một trách nhiệm lớn phải tôn trọng và bảo vệ sự sống. Tuy nhiên, con người không phải là ông chủ có toàn quyền trên sự sống mình. Trong Phúc âm, Chúa Giêsu tuyên bố: “Chỉ một mình Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống, và chỉ mình Ngài mới có toàn quyền trên sự sống của mỗi người”. Khi Chúa Giêsu làm phép lạ cho con gái ông Giarô đã chết được sống lại, khi Ngài chạm tay vào quan tài và truyền cho cậu thanh niên con bà quả phụ thành Naim đã chết được ngồi dậy, khi Ngài đứng trước mộ đá và lên tiếng gọi ông Lazarô đã được chôn táng trong mồ bốn ngày “Hãy chỗi dậy và ra khỏi mồ”, tất cả những sự lạ phi thường đó chứng tỏ Ngài là sự sống lại và là sự sống thật, Ngài có thể ban tặng cho ai và có thể cất đi lúc nào tùy theo ý muốn của Ngài, Ngài có thể tự hiến dâng đời sống mình và cũng có quyền lấy lại sự sống ấy nữa. Ngài còn tuyên bố thêm rằng: “Ai tin Ta, dù đã chết, cũng được sống lại. Vả lại, hễ ai còn sống mà tin Ta, sẽ không phải chết đời đời” (Ga 11,25-26).

Chúa Giêsu đến trần gian này để ban tặng sự sống và để những ai tin vào Ngài sẽ được sự sống dồi dào hơn. Tự nguyện chấp nhận thân phận con người, Chúa Giêsu muốn nói lên giá trị của đời sống. Ngài yêu chuộng sự sống và tất cả những gì thuộc về sự sống. Ngài cũng mủi lòng xúc động trước cái chết của thân nhân bạn hữu như một sự mất mát lớn. Ngài cũng đã khóc với những giọt nước mắt của tình thương, nhưng không phải của thất vọng, bởi vì chính Ngài là sự sống và những ai tin vào Ngài, thì bên kia sự chết không phải chỉ còn nắm xương khô, nhưng sẽ được sống đời đời.

Như Chúa Giêsu đã hỏi bà Mácta trước cái chết của ông Lazarô, Ngài cũng tiếp tục đặt câu hỏi cho mỗi người chúng ta: “Con có tin thật Ta là sự sống và là sự sống lại chăng?”

Lạy Chúa Giêsu, quả là điều an ủi vui sướng biết bao khi biết rằng có Chúa ở gần chúng con trong thân xác loài người như chúng con. Chúa không phải là Thiên Chúa lạnh lẽo xa lạ, nhưng Chúa cũng mang trong tâm hồn tất cả những cảm xúc như chúng con. Chúa hiểu rõ giá trị của tình bạn nghĩa thiết, trái tim Chúa cũng biết rung động vì vui mừng và đau khổ. Nhưng tiếc thay, chúng con lại không giống Chúa. Biết bao lần những xúc cảm cá nhân đã đóng kín chúng con lại trong cái mồ của lòng ích kỷ. Nước mắt của Chúa cũng đủ để đẩy tảng đá lớn cho cửa mồ sang một bên và hoàn trả sự sống đem lại niềm vui sướng cho bao tâm hồn.

Lạy Chúa,

Xin ban cho mỗi người chúng con một trái tim như Chúa. Xin Chúa hãy mở toang tảng đá che cửa mồ là tội lỗi chúng con và thắp sáng lên trong tâm hồn chúng con niềm hy vọng của đời sống mới, đời sống thật và đời sống vĩnh cửu.

2. Tin Tưởng Vào Tình Thương Của Chúa

Một thương gia nọ rất giàu có và nổi tiếng là hay kiêu hãnh. Một hôm, trong cuộc giao tranh vì tiền bạc, ông ta lỡ tay sát hại thù địch. Lần đầu tiên bàn tay nhà thương gia bị dính máu và từ ngày đó mối ân hận trở nên như khối đá đè nặng tâm hồn ông. Hình ảnh người thù địch bị sát hại oan ức luôn theo đuổi ông như hình với bóng, làm ông ta ban đêm thao thức mất ngủ, ban ngày mất an bình không làm được gì nữa. Cuối cùng, ông quyết định tìm đến một linh mục để xưng thú tội mình với hy vọng tìm lại được sự an bình cho tâm hồn. Vị linh mục khuyên bảo ông thực lòng ăn năn sám hối và cương quyết đền bù tội phạm. Ông ta về nhà bán hết mọi tài sản bố thí cho kẻ nghèo khó rồi rút lui vào rừng vắng cầu nguyện, ăn chay, phạt xác để đền tội. Thế nhưng, người ấy vẫn không thể nào tìm được chút an bình cho tâm hồn.

Một hôm, trong đêm tối, người thương gia nằm mơ thấy Chúa Giêsu đến và phán bảo:

– Hỡi con, con còn một điều nữa vẫn chưa dâng hiến hết cho Cha.

Run sợ, người ấy thưa:

– Lạy Chúa, con đâu còn gì để dâng hiến Chúa nữa. Con đã dâng hiến cho Chúa tất cả rồi, nào là tiền bạc, của cải, nhà cửa, vợ con và mọi thứ thú vui thế trần. Cả đời sống con nữa, con cũng đã dâng hiến cho Chúa hết rồi, con chỉ còn tấm thân xơ xác này đây thôi. Nếu Chúa thấy con còn gì có thể dâng hiến Chúa nữa thì xin Chúa hãy phán bảo, con xin sẵn sàng hiến dâng Chúa ngay.

Với cặp mắt đầy nhân từ, tha thứ, Ngài phán:

– Hỡi con yêu dấu. Ta biết, con vẫn còn một tài sản riêng của con nữa chưa hiến dâng cho Ta, con hãy trao cho Ta các tội lỗi của con. Ta muốn nhận tất cả mọi tội lỗi của con. Nếu con vẫn còn muốn giữ lại những tội lỗi ấy thì làm sao Ta có thể tẩy rửa hết để ban tặng cho con niềm vui sướng, an bình và ơn tha thứ của Ta được.

* * *

Mỗi người chúng ta thử đặt mình dưới chân Chúa và để cho lời nói của Ngài vang dội trong tâm hồn chúng ta. Lời của Chúa là lời đầy an ủi và khích lệ biết bao, nhất là những khi chúng ta nhận ra con người xấu xa và những tội phạm của mình. Ðối với những người thành tâm thống hối và quyết tâm cải tà qui chính, lời của Chúa không phải là lời tuyên án tử hình, nhưng là lời tha thứ, là lời ân xá của tình thương vô biên không đạt giới hạn. Chính vì thế mà Ngài đã tự hạ mình và tự nguyện sống hòa mình giữa loài người để cảm thông những yếu hèn của chúng ta và để cùng đồng hành với mỗi người. Chính vì biết nhân loại cần được tha thứ nên Ngài đã tự hiến mình để chuộc lại những gì đã hư mất. Vì thế, càng tiếp xúc với thực tại sứt mẻ của mình, chúng ta càng cảm thấy cần được Ngài giơ tay chữa lành và nâng chúng ta dậy khỏi những bùn lầy của tội lỗi. Ðó cũng là lúc chúng ta làm cho Chúa hài lòng, vì chúng ta nhìn nhận Ngài thực sự là Thiên Chúa toàn năng và đầy lòng nhân từ xót thương.

Khi Chúa Giêsu đồng hành với các môn đệ trên biển cả yên lặng, Ngài nằm ngủ trong thuyền nhưng các môn đệ đâu có ý thức được sự hiện diện của Ngài giữa các ông. Ðến khi sóng to gió lớn nổi lên làm thuyền họ suýt bị chìm, lúc đó họ mới tới đánh thức Ngài dậy và cầu xin để được Ngài cứu vớt.

Cũng vậy, đối với những người còn có lòng tin tưởng vào tình thương của Chúa, thì sự ý thức được tội lỗi của mình không phải là lý do để thất vọng hoặc để trốn chạy xa Chúa. Trái lại, đó là thời điểm của ơn thánh, là tiếng Chúa gọi để chỗi dậy trở về với tình thương tha thứ của Ngài, đó là lúc chúng ta có thể tuyên xưng một cách chân thực rằng:

Lạy Thiên Chúa là Ðấng cứu độ con, là nơi con nương tựa và con sẽ không bao giờ phải hổ ngươi thất vọng.

Con đặt hết tin tưởng vào Lời Chúa, cho dù tội lỗi của con đỏ như gấc và đen như mực, nhưng chỉ cần một cái nhìn xót thương của Chúa thôi, chỉ cần một giọt máu của Chúa thôi, cũng đủ để thanh tẩy con trở nên trắng hơn.

Lạy Chúa,

Con trông cậy vào tình thương tha thứ của Chúa.

3. Sống Niềm Tin Phục Sinh

Một linh mục làm tuyên úy nhiều năm tại thượng viện Hoa Kỳ thường kể lại câu chuyện Người giữ mùa xuân với nội dung như sau:

Người giữ mùa xuân là một nông dân người Áo âm thầm sống tại một ngôi làng dọc theo dãy núi Al. Từ nhiều năm qua, ông đã được hội đồng của một thành phố thuê vớt những lá cây rừng rơi xuống một dòng suối nhỏ chảy xuyên qua thành phố. Hàng ngày, người nông dân già này đi dọc theo dòng suối vớt lên từng chiếc lá ra khỏi dòng suối. Nhờ vậy, dòng suối lúc nào cũng trong mát và thu hút được nhiều người đến nghỉ mát và cắm trại bên cạnh bờ suối.

Năm tháng qua đi, một buổi tối nọ, hội đồng thành phố mở phiên họp bán niên. Khi xem lại ngân sách, một nghị viên bỗng chú ý đến số tiền được dành để trả lương cho người nông dân già chuyên vớt lá bên dòng suối. Có người thắc mắc người nhân viên này là ai? Tại sao chúng ta cứ phải trả lương cho một người mà chúng ta chưa bao giờ thấy mặt? Bây giờ thì dòng suối lúc nào cũng đã tươi mát rồi, thiết tưởng không cần phải giữ lại người nhân viên này một cách vô ích nữa. Người ta biểu quyết và đi đến kết luận sa thải người nông dân già.

Vài tuần lễ sau đó thị dân không thấy có thay đổi nào, dòng suối vẫn tươi mát. Nhưng khi mùa thu đến, cây rừng bắt đầu ngả màu, lá bắt đầu rụng, những cành khô bắt đầu đổ xuống, rác rưởi bắt đầu ứ lại một vài nơi trong dòng suối. Một buổi chiều nọ, ai đó nhận ra rằng dòng suối đã ngả màu nâu. Vài ngày sau đó, nước bỗng trở nên đen thẫm. Chỉ trong một tuần lễ sau, người ta đã bắt đầu ngửi được mùi hôi thối, những con thiên nga đã từng bơi lội trong dòng suối cũng biến mất, du khách cũng vắng tanh. Một vài chứng bệnh lạ cũng xuất hiện trong thành phố.

Hội đồng thành phố liền triệu tập một phiên họp khẩn cấp. Nhận ra sự sai lầm của mình, họ liền cầu cứu người giữ mùa xuân. Chỉ vài tuần lễ sau khi người giữ mùa xuân trở lại làm việc, dòng suối lại trở nên tươi mát như cũ. Sự sống trở về với thành phố.

* * *

Với sức sống mới của mùa phục sinh, chúng ta ý thức lại sứ mệnh của người tín hữu kitô trong trần thế. Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy trở nên muối đất và ánh sáng thế gian.

Dù âm thầm, nhưng vai trò của người giữ mùa xuân trong câu chuyện trên đây không thể thiếu được cho dòng suối chảy qua thành phố. Thế giới sẽ như thế nào nếu thiếu muối của niềm tin và ánh sáng hy vọng của người tín hữu kitô? Những lần hiện ra của Chúa Kitô Phục Sinh mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe và suy niệm trong những ngày này ghi lại một chi tiết đầy ý nghĩa: Ngài đến như một người vô danh, có khi như một người làm vườn, có lúc như một người bộ hành hoặc như một người vô danh trên bãi biển. Ngài hiện đến giữa lúc các môn đệ đang vất vả lao nhọc. Ngài chia sẻ bữa cơm với các ông. Ngài đến trong đời thường của họ.

Quả thật, cuộc sống âm thầm độc điệu mỗi ngày là nơi Ngài chọn như những giây phút ưu việt để đến với con người. Chính trong đời thường ấy mà họ phải luôn tỉnh thức để nhận ra Ngài. Chính qua cuộc sống âm thầm ấy mà họ cần phải làm chứng cho Ngài.

Sống niềm tin phục sinh hôm nay là qua những gặp gỡ mỗi ngày nhận ra được Chúa Kitô trên gương mặt của mỗi người. Sống niềm tin phục sinh hôm nay là qua những công việc mà bổn phận âm thầm hằng ngày tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh hằng. Sống niềm tin phục sinh hôm nay là qua những khổ đau từng ngày vẫn cố gắng chiếu lên niềm tin yêu và hy vọng cho mọi người chung quanh.

Lạy Chúa Kitô Phục Sinh,

Xin cho chúng con luôn vững tin rằng Chúa đang đồng hành với chúng con. Xin dâng lên Chúa cuộc sống âm thầm, đồng dạng từng ngày để được trở thành muối đất và ánh sáng cho mọi người.

4. Trọng Tâm và Tột Ðỉnh của Niềm Tin

Hiện nay tại Hoa Kỳ, một số người dường như muốn trở về với Ai Cập thời cổ. Họ đăng ký để được ướp xác sau khi qua đời. Công ty ướp xác tại bang Utah hiện đã nhận được đơn của trên một trăm bốn mươi người. Giám đốc của công ty nói rằng các thân chủ của ông không muốn quay về với kiếp bụi tro và bị muôn đời lãng quên. Họ muốn được mọi người vẫn nhắc nhở đến sau khi chết. Họ muốn được tiếp tục sống một cách nào đó.

Ðược trường sinh bất tử xem ra vẫn là giấc mơ của nhiều người Mỹ hiện nay. Ước mơ này cũng được diễn tả bằng nhiều cách khác nhau. Ðề tài sôi nổi trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe hiện nay vẫn là được trường thọ. Hai cuốn sách được báo New York Times xếp vào hạng bán chạy nhất và khuyến khích đọc là “Yếu tố giúp sống lâu” và “Một thân xác không có tuổi, một tâm trí siêu thời gian”. Cuốn sách thứ nhất khuyên người ta phải ăn uống cho đủ sức để sống lâu; cuốn thứ hai gồm những lời khuyên của một người ấn giáo. Tác giả khẳng định rằng thân xác chúng ta là sự sáng tạo của tâm trí chúng ta. Chúng ta có thể kiểm soát sức khỏe của chúng ta và sống lâu hơn nhờ làm chủ được ý thức của chúng ta.

Xã hội tục hóa đang cố gắng để ngày càng trở nên thế tục hơn, nghĩa là thoát khỏi điều mà nó gọi là những vòng vây hãm của kitô giáo, nhất là loại bỏ được giáo thuyết của kitô giáo về cuộc sống mai hậu. Nhưng càng cố gắng loại bỏ ảnh hưởng của kitô giáo, con người lại càng rơi vào một lỗ hỗng tinh thần để rồi cuối cùng phải tìm đến những tôn giáo khác, mà cốt lõi cũng chính là khát vọng trường sinh bất tử.

Thuật ướp xác của người Ai Cập thời cổ hay thuốc trường sinh của Tần Thủy Hoàng đang được con người thời đại làm cho sống lại.

* * *

Khát vọng trường sinh bất tử là vật chứng mà Thiên Chúa đã gieo sâu trong lòng người. Thời Ai Cập cổ hay hiện đại, dưới những hình thức khác nhau, nhưng khát vọng ấy vẫn giống nhau. Ở đâu và thời đại nào con người cũng cảm thấy rằng nếu cái chết thực sự là một tận cùng vĩnh viễn, thì tất cả những thành tựu trong cuộc sống này đều vô nghĩa. Nấm mồ là sự chế nhạo dành cho hy vọng và lý tưởng của con người. Chính vì thế mà con người vẫn luôn luôn đi tìm kiếm một cái gì đó bên kia cuộc sống này.

Thiên Chúa đã gieo hạt giống bất tử trong tâm hồn chúng ta. Vấn đề được đặt ra cho mỗi người là hoặc là làm những cái xác ướp, hoặc là hướng về sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết. Biến cố này đã thực sự diễn ra trong lịch sử. Và chính vì là một biến cố lịch sử cho nên sự phục sinh của Chúa Giêsu đã trở thành con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu.

Phục sinh là trọng tâm và tột đỉnh của niềm tin. Như thánh Phaolô đã quả quyết: “Nếu Chúa Kitô không sống lại, niềm tin của chúng ta chỉ là hão huyền, và chúng ta là những kẻ khờ dại nhất trên trần gian này”. Sự sống lại của Chúa Kitô chính vì là trọng tâm và tột đỉnh của niềm tin cho nên cũng đòi hỏi nơi người tín hữu kitô một thái độ tận căn. Sự phục sinh ấy phải là động lực của mọi cố gắng, hy vọng và lý tưởng của họ. Sự phục sinh ấy phải là linh hồn của mọi sinh hoạt và gặp gỡ của họ. Sự phục sinh ấy phải là ánh sáng hướng dẫn mọi suy nghĩ, hành động và cư xử của họ.

Lạy Chúa Kitô Phục sinh,

Chúng con tuyên xưng việc Chúa sống lại và cho tới khi Chúa lại đến. Xin cho niềm tin của chúng con không chỉ được biểu dương trên môi miệng, mà còn phải được diễn tả bằng cả cuộc sống của chúng con. Giữa những tăm tối của ích kỷ và thù hận. Xin cho niềm tin phục sinh của chúng con luôn được chiếu sáng bằng cuộc sống hiến thân, hy sinh vô vị lợi. Dưới những bóng đêm của thất vọng, xin cho niềm tin phục sinh của chúng con luôn khơi dậy niềm hy vọng và tin yêu.

5. Ánh Mắt Ðức Tin

Những tấm gương giàu lòng nhân ái vẫn luôn luôn được đề cao. Hiện nay tại Việt Nam, nhiều người đã biết tới tên của bác sĩ Jerry, người đứng đầu tổ chức chuyên giải phẫu miễn phí cho các trẻ em dị tật bẩm sinh. Cho đến nay đã có gần hai trăm trẻ em Việt Nam hưởng được sự trợ giúp của tổ chức này.

Sinh năm 1957, ngay từ khi được ba tuổi, bác sĩ Jerry đã ước mơ trở thành một bác sĩ giống như các bác sĩ hay đi giúp đỡ người khác ở các nhà thờ. Năm hai mươi ba tuổi, chàng thanh niên Jerry bước chân vào ngành y khoa ở trường đại học Harvard. Con đường sự nghiệp đầy hứa hẹn, bác sĩ Jerry có thể dễ dàng kiếm được nhiều tiền nhưng hình ảnh của các bác sĩ chuyên đi cứu giúp người khác vẫn cứ luôn đeo đuổi ông.

Năm 1993, bác sĩ Jerry vận động bạn bè quen biết để thành lập một hội bác sĩ từ thiện chuyên giải phẫu hàm mặt.

Tháng Giêng năm 1995, đoàn bác sĩ do Jerry làm trưởng đoàn đã quyết định sang Việt Nam. Ca đầu tiên mà bác sĩ gặp là một em bé có khuôn mặt giống người sói. Em bé này không hề biết đến nụ cười và cũng chưa bao giờ được đặt chân tới bất cứ trường học nào. Bác sĩ Jerry đã thực hiện ca phẫu thuật tạo hình này suốt sáu tiếng đồng hồ để trả lại nụ cười cho em bé. Sau ca mổ, bà ngoại của em bé này chắp tay cung kính trước mặt ông và nói rất nhiều. Mặc dù không biết một chữ tiếng Việt nào, bác sĩ Jerry cũng cảm động vô cùng vì hiểu đó là những lời cám ơn chân thành nhất.

Hình ảnh của bà ngoại và ánh mắt của em bé này như một nỗi ám ảnh thôi thúc bác sĩ Jerry đều đặn trở lại Việt Nam mỗi năm một lần. Không những thế, ông còn mang hai đứa con theo và giải thích như sau: “Ðể chúng hiểu rõ công việc của cha chúng và phải biết san sẻ hạnh phúc của mình cho những mảnh đời bất hạnh”.

* * *

Trả lại cho người khác một gương mặt khả ái, mang lại cho người khác một nụ cười không nhất thiết phải là một bác sĩ giải phẫu hàm mặt, mà bất cứ ai cũng có thể làm được điều đó. Người tín hữu kitô tin rằng mỗi một người sinh ra trên cõi đời này, dù xấu xa thấp hèn đến đâu, cũng đều có một phẩm giá cao trọng, bởi vì mỗi người đều mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa. Không có gương mặt nào xấu đến độ không phản chiếu được vẻ đẹp của Thiên Chúa. Thật ra, chúng ta không làm cho một gương mặt nên khả ái, mà chỉ khám phá ra sự khả ái trên gương mặt của người khác. Dĩ nhiên, chỉ với con mắt đức tin và tình yêu thương, chúng ta mới nhìn ra được vẻ đẹp của mỗi người.

Mùa Phục Sinh chúng ta nhớ lại ơn tái sinh. Trong cuộc trao đổi với người biệt phái tên là Nicôđêmô, Chúa Giêsu đã nói đến sự cần thiết của tái sinh. Nhưng dĩ nhiên con người không thể tự mình sinh ra hay sinh lại, đó là ơn nhưng không của Chúa. Cái nhìn mới cũng không phải là kết quả của cố gắng nơi con người mà là ơn huệ của Chúa. Với ơn đức tin nhờ phép rửa, con người sẽ nhìn bằng chính ánh mắt của Thiên Chúa, yêu thương bằng chính tình yêu của Ngài. Ðó là ơn mà các tín hữu kitô chúng ta cần xin Chúa củng cố trong chúng ta.

Lạy Chúa,

Lắm khi chúng con chỉ đoán xét người khác qua bề ngoài và tính toán so đo trong cách cư xử với người khác. Xin giữ cho ánh mắt đức tin của chúng con luôn được tươi mát để nhìn thấy vẻ đẹp nội tâm của mỗi người. Xin trao ban cho chúng con nụ cười trên môi để chúng con cũng biết khơi dậy niềm vui cho người khác. Xin cho chúng con biết rằng không có một niềm vui nào đáng quý hơn là niềm vui phục vụ.

6. Phép Lịch Sự Của Con Người

“Ðất nước của những con người tự do, quê hương của những con người can đảm”. Ðó là câu nói cuối cùng trong bài quốc ca của Hoa Kỳ. Nhưng mới đây, một ký giả làm cho hãng tin Coste News Service đã nhại lại như sau: “Ðất nước của hạ tiện, quê hương của cuồng nộ”. Với tựa đề này ký giả Pop Dorte đã viết về tác phong xử sự của một số không nhỏ người Mỹ hiện nay. Bài báo tường thuật lại kết quả của một cuộc nghiên cứu được thực hiện trong toàn cõi Hoa Kỳ mang tựa đề “Tường trình về thái độ thô lỗ tại Hoa Kỳ”. Theo tường trình này, 88% người được hỏi cho biết họ thường gặp những người thô lỗ và thiếu lễ độ, có 79% khẳng định rằng thiếu lễ độ và bất lịch sự là vấn đề nghiêm trọng, nhưng chỉ có 62% cho biết họ rất khó chịu về thái độ thô lỗ, bất kính, và 62% cho biết xưa kia họ đã có những hành động tương tự. Trong số người lái xe có 60% nói rằng họ thường gặp những người lái xe khác có hành động bất cẩn và đe dọa sinh mạng người khác.

Cũng theo tường trình trên đây, một nửa dân số Mỹ cho biết họ bị quấy rầy vì phải nghe những tiếng nói của những người khác nói chuyện bằng điện thoại lưu động tại nơi công cộng. Một nửa dân số Mỹ lại cho rằng họ đã bỏ ra khỏi cửa hàng và không mua gì trong năm 2001 vừa qua chỉ vì thái độ phục vụ không tử tế của những tiếp viên trong các cửa hàng. Có người cho biết họ đã phải nghe những lời thô tục từ những thanh thiếu niên phát ngôn bừa bãi. Một người đã nhận xét như sau: “Nếu quý vị ở trong một cửa hàng và đi sau ba em còn trong tuổi vị thành niên, quí vị có thể nghe thấy những từ ngữ tục tĩu trong mỗi câu nói của chúng. Những lời tục tĩu là một phần trong ngữ vựng của các em. Các em nói mà không hề suy nghĩ”. Hầu hết những người được phỏng vấn đều nói rằng thói thô lỗ đang gia tăng.

Thật ra đây không phải là vấn đề mới lạ. Tình trạng suy đồi về kinh tế xã hội diễn ra trong mỗi quốc gia trên thế giới vào mọi thời đại. Ðáng quan tâm chăng là nó thể hiện sự suy đồi về đạo đức.

* * *

Lịch sự, lễ độ, tử tế ở đâu và thời nào cũng được trân quí. Tổ tiên ông bà chúng ta xem trọng điều đó khi dạy con cháu: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Sức khỏe của một xã hội được thể hiện qua cung cách xã giao và đối xử của con người trong xã hội đó. Văn minh tiến bộ của con người không chỉ được đo lường bằng của cải vật chất hay các phát minh khoa học và những ứng dụng kỹ thuật mà trước tiên bằng sự tinh tế của phép lịch sự được thể hiện qua các quan hệ giữa người với người.

Trong tinh thần kitô giáo, phép lịch sự luôn được đề cao. Chúng ta vẫn nói lịch sự là hoa của bác ái, không thể sống bác ái mà tự miễn chước phép lịch sự, không thể tôn trọng và yêu thương người khác mà trước tiên không đối xử lịch sự và lễ độ với họ. Tựu trung, lịch sự là đòi hỏi của đức tin và yêu thương bác ái. Người tín hữu kitô không có những cử chỉ lời nói hay hành động cọc cằn, thô lỗ vì ý thức rằng mình là đền thờ của Thiên Chúa. Họ biết rằng bất cứ cử chỉ thiếu lễ độ nào cũng là một xúc phạm đến phẩm giá cao cả của chính bản thân họ. Người tín hữu kitô cư xử lịch sự là bởi vì họ nhận ra nơi mỗi tha nhân hình ảnh của Chúa. Người tín hữu kitô tin rằng Thiên Chúa mà họ tôn thờ tự đồng hóa với mỗi con người, Thiên Chúa ấy gần gũi thiết thân với con người đến độ bất cứ một thương tổn nào gây ra cho tha nhân cũng đều là một xúc phạm đến chính Thiên Chúa.

Việc Chúa sống lại mà các tín hữu kitô đang tuyên xưng một cách đặc biệt trong mùa này không phải là một mầu nhiệm xa lạ với cuộc sống con người. Thật thế, Ðấng phục sinh tự đồng hóa với mỗi một tha nhân, nhất là của những kẻ bé mọn nhất trong xã hội loài người. Hơn bao giờ hết, mùa phục sinh, các tín hữu kitô được nhắc nhở để nhận ra và yêu thương Ngài trong những kẻ bé mọn ấy.

Lạy Chúa Kitô Phục sinh,

Chúa đã không loại trừ một người nào. Chúa  đã ngồi đồng bàn với những người bị loại ra bên lề xã hội. Chúa đã yêu thương các trẻ em. Chúa cư xử nhân hậu với các tội nhân. Chúa đã tha thứ cho các lý hình của Chúa. Chúa tự đồng hóa với những kẻ bé mọn. Xin cho chúng con biết nhận ra Chúa nơi mỗi người và cư xử với họ bằng chính cung cách của Chúa.

7. Ý Nghĩa Của Ðau Khổ

Mareline Alson, một cầu thủ bóng bầu dục nổi tiếng của Mỹ đã viết về ý nghĩa của sự đau đớn như sau:

“Con người là một tạo vật biết thích nghi. Chúng ta khám phá ra được điều mình có thể làm hay không thể làm. Ðiều đó cũng giống như đi vào trong một chuồng bò. Ðiều đầu tiên bạn ngửi được là mùi phân bò. Bạn hãy đứng đó khoảng năm phút thôi và bạn sẽ không còn ngửi thấy mùi phân nữa. Ðiều này cũng đúng cho đầu gối của bạn. Ðầu gối bạn bị đau, bạn cảm nhận được điều đó. Nhưng rồi bạn lại bắt đầu chơi ở một mức độ khác, bạn đổi cách chạy hoặc là bạn sử dụng chân kia nhiều hơn… Sau khi trải qua cuộc giải phẫu đầu gối, tôi đã phải mỗi tuần đến bệnh viện để hút nước ra khỏi chân. Cuối cùng, nơi để đút kim vào hút nước chai đi đến độ người ta phải dùng tới búa mới có thể làm công tác này được”.

Tất cả những ai tham gia vào một bộ môn thể thao cũng đều trải qua kinh nghiệm trên đây của vận động viên Mareline Alson, phải chịu nhiều đớn đau trong thân xác hoặc do thương tích, hoặc do tập luyện. Nhưng tất cả những ai muốn đạt được thành tích tốt trong bất cứ bộ môn nào cũng đều sẵn sàng đón nhận đớn đau. Ðiều này cũng xảy ra ngay cả trong các tôn giáo ở những thế kỷ trước. Các tu sĩ thường trải qua những khổ luyện và ép xác rất đau đớn. Con người cũng tự ghép mình vào khổ luyện, dù chỉ để đạt được một chút danh vọng hão huyền. Trong hàng bao thế kỷ, những phụ nữ Trung Hoa phải bó chân để có được dáng đi uyển chuyển thanh lịch. Ngày nay, những người phụ nữ tân thời cũng sẵn sàng lao vào không biết bao nhiêu hình thức khổ chế để có được một gương mặt hay một thân hình đẹp.

* * *

Hơn bao giờ hết, con người thời đại không ngừng chiến đấu và đi tìm ý nghĩa của đau khổ. Chúng ta chỉ nghĩ rằng đau khổ làm giảm sức khỏe, tinh thần của chúng ta để được tự do và hạnh phúc. Tư cách con người được thể hiện rõ nét nhất khi đứng trước đau khổ. Con người càng cao cả khi nhận ra được ý nghĩa tích cực của đau khổ.

Bác sĩ Viktor Frankl, người đã từng trải qua nhiều năm tháng đọa đày trong những trại tập trung Ðức Quốc Xã đã có thể sống sót được là nhờ tìm thấy được niềm hy vọng trong khổ đau. Ông nói như sau: “Thất vọng là đau khổ mà không tìm ra được ý nghĩa”. Trong trại tù, văn hào Doctoievski đã ngấu nghiến đọc Tân Ước và chuyện các thánh. Với ông, cũng như sau này với văn hào Solzénissyn, nhà tù đã là yếu tố huyết mạch mang lại niềm tin tôn giáo. Giữa kiếp đọa đày, khi mất tất cả, con người lại tìm gặp được niềm tin tôn giáo, vốn là tất cả cho cuộc sống.

Trong tác phẩm có tựa đề “Một ngày trong đời của tác giả Ivan Denisovich”, văn hào Solzénissyn đã nói lên kinh nghiệm ấy khi ông biết rằng niềm tin nơi Thiên Chúa có thể không đưa bạn ra khỏi tù, nhưng nó đủ để bạn sống qua một ngày.

Mùa Phục Sinh là mùa của hy vọng, nhìn vào cuộc sống bằng ánh sáng phục sinh chúng ta sẽ nhận ra được ý nghĩa tích cực của khổ đau. Chúa Giêsu đã so sánh ý nghĩa cuộc khổ nạn của Ngài với sự lâm bồn của người đàn bà. Ngài nói như sau: “Khi người đàn bà sinh con thì bà đau đớn, bởi vì giờ của bà đã đến. Nhưng khi đứa con đã chào đời, bà quên hết mọi ưu phiền. Bà vui mừng vì một đứa con đã chào đời”. Quả thật nỗi đau đớn của một người mẹ làm phát sinh một sự sống mới. Một cách nào đó, bất cứ một nỗi khổ đau nào được đón nhận trong tinh thần tin tưởng phó thác, cũng đều làm cho con người được lớn lên trong nhân cách.

Lạy Chúa Giêsu,

Với sự phục sinh, Chúa đã minh chứng điều Chúa đã hằng dạy chúng con có chết đi mới được sống. Xin cho chúng con biết đón nhận thập giá Chúa gửi đến với niềm tin vững vàng chỉ qua thanh luyện của khổ đau chúng con mới có thể được mỗi ngày một nên đồng hình với Chúa hơn.

8. Hiến Dâng Trọn Vẹn

Hôm ấy, tại công trường một thành phố lớn kia, dân chúng tụ họp đông đảo để xem cuộc đấu giá một chiếc đàn vĩ cầm cũ kỹ, mặt đàn bị méo mó và trầy trụa. Người bán đấu giá thầm nghĩ là chẳng bõ công để tiêu phí nhiều thì giờ về cây đàn violon, tức là đàn vĩ cầm cũ kỹ này. Vừa giơ cây đàn vĩ cầm cũ lên ông vừa nói:

– Tôi phải ra giá cho người bạn thân yêu của tôi bao nhiêu đây?

Ông la lớn tiếng hơn:

– Ai sẽ bắt đầu ra giá giùm tôi? Một đôla, một đôla thôi. Ai sẽ trả hai đô nào? Hai đôla, ba đôla. Ai sẽ trả ba đôla? Ba đôla lần thứ nhất, ba đôla lần thứ hai… Tiếp tục vẫn chỉ được ba đôla thôi.

Kế đó, từ cái phòng ở phía sau, một người đàn ông có bộ tóc bạc tiến tới và cầm cây đàn vĩ cầm lên tay. Sau khi phủi bụi bám đầy trên cây đàn và so lại những sợi giây đàn, ông chơi một giai điệu thật thanh trong và ngọt ngào. Tiếng đàn ngưng lại và người bán đấu giá lên tiếng với giọng nói nhẹ nhàng, trầm trầm:

– Tôi sẽ ra giá cho cây vĩ cầm cũ kia bao nhiêu đây?

Vừa nói ông vừa giơ cây đàn vĩ cầm lên cao:

– Một ngàn đô, một ngàn đô. Ai sẽ trả hai? Hai ngàn đô. Ai sẽ trả ba? Ba ngàn lần thứ nhất, ba ngàn đô lần thứ hai…

Rồi nhất quyết ông nói:

– Thôi!

Ðám đông hò reo, nhưng cũng giữa đám đông có mấy người la lên:

– Chúng tôi chẳng hiểu gì cả. Cái gì đã thay đổi giá trị cây đàn vĩ cầm cũ kỹ kia?

Người bán đấu giá đáp:

– Ðó là ngón đàn của người bậc thầy.

* * *

Thật vậy, họ đã không nhận ra rằng trong đám đông cuộc bán đấu giá ấy có một ông già là tay chơi đàn vĩ cầm rất lão luyện. Cây đàn vĩ cầm không thay đổi điều gì cả, vẫn là cây đàn cũ kỹ, nhưng chính năng khiếu của đôi tay người nhạc công bậc thầy đã có thể làm phát sinh những âm thanh tuyệt vời và đã làm cho cây đàn có giá trị hơn trước cả ngàn đồng.

Mỗi người chúng ta có thể ví như cây đàn vĩ cầm trên đây. Tự nó chẳng có giá trị là bao nhiêu và cũng không thể tự mình phát ra âm thanh hay tiếng nhạc nào cả, nhưng phải có ngón tay của người nghệ sĩ biết gảy vào những giây đàn đó. Người nghệ sĩ càng lão luyện thì tiếng nhạc càng du dương thanh thoát.

Cũng vậy, là thụ tạo, con người chỉ là dụng cụ trong tay Chúa mà thôi. Nhưng nếu chúng ta biết ngoan ngoãn để Chúa sử dụng theo ý Ngài muốn, để cho Ngài tự do hành động, được toàn quyền chủ trị và an bày từng ngày, từng giây phút, Ngài sẽ biến đổi tất cả cuộc sống chúng ta thành bài ca tuyệt diệu và đời sống chúng ta sẽ mặc lấy giá trị rất cao trọng. Vấn đề căn bản là chúng ta biết dâng hiến và phó thác trọn vẹn trong tay Chúa với lòng tin. Có nhiều cách dâng hiến, có người dâng hiến một tay trong khi tay kia luôn sẵn sàng lấy lại điều mình đã hiến dâng. Người khác biết quảng đại hiến dâng cho dù phải rướm máu. Cũng có người sẵn sàng dâng hiến trọn vẹn cho tới khi được tan biến trong người mình hiến dâng. Còn Thiên Chúa, Ngài ưa thích người hiến dâng trong vui vẻ, bởi vì chính khi hiến dâng trọn vẹn là lúc được nhận lãnh trọn đầy.

Ðức tin chính là sự hiến dâng trọn vẹn giữa tình yêu và cho tình yêu Chúa mà thôi. Càng xác tín mình được Chúa yêu thương chúng ta sẽ càng mau mắn quảng đại hết tình đáp trả tình yêu Chúa. Ðiều quan trọng không phải là hiểu biết được chiều cao, chiều sâu và chiều rộng của tình yêu Chúa, nhưng là rộng mở tâm hồn để được Chúa đổ tràn sự sung mãn tình thương của Ngài, để rồi tình yêu Chúa sẽ biến đổi và sẽ thực hiện những điều cao cả mà tự sức riêng chúng ta không thể nào làm được.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa là ông thợ gốm tài giỏi. Con chỉ ước ao được làm nắm đất sét trong tay Chúa để được Chúa uốn nắn con như Chúa ưa thích. Chúa quá biết rõ, Chúa đòi hỏi con sự từ bỏ mình, nhưng bản tính yếu hèn làm con nhiều lúc kiêu căng chống cự lại thánh ý Chúa. “Xin Chúa ban cho con lòng khiêm tốn chân thành để con không bao giờ cản trở chương trình tốt đẹp mà Chúa muốn thực hiện trong đời sống con.

Lạy Chúa,

Xin giúp con luôn chỉ biết tìm kiếm và yêu mến những gì Chúa ưa thích mà thôi.

9. Sứ Ðiệp Bình An

Chúng ta đang sống trong niềm vui của mùa Phục Sinh. Ðể đóng trọn vai trò chứng nhân của niềm vui, đôi khi chúng ta cảm thấy lạc lõng vì dường như con người thời nay cũng phải trầm mình trong những ý nghĩ lo toan. Ðó cũng là cơ hội để cho mỗi tín hữu kitô chúng ta nhìn lại ý nghĩa của cuộc đời dưới ống kính của mầu nhiệm phục sinh.

Như thánh Ignatio đã khuyên chúng ta hãy thường xuyên chiêm niệm về sự sống lại của Chúa Giêsu, nhất là khi chúng ta gặp những khó khăn và khi chúng ta phải trực diện với những trăn trở của cuộc sống hiện nay. Vì khi chiêm ngắm mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ cầu nguyện tha thiết hơn để xin Chúa ban bình an, niềm vui và ân sủng của Ðấng đã phục sinh đem lại cho chúng ta, nhờ đó chúng ta sẽ thoát được những nỗi lo toan của cuộc sống hàng ngày, bởi Chúa Giêsu sau khi phục sinh đã trao lại cho chúng ta sứ điệp để trấn an và cũng giúp chúng ta tìm được sức mạnh của niềm vui với những lời sau đây: “Ðừng sợ, bình an cho các con”.

Vậy giờ đây chúng ta cùng nhau ôn lại sứ điệp bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh.

Sứ điệp của cuộc đời Chúa Giêsu khi Người sống trên trần gian rất rõ ràng là sứ điệp của bình an, như ngôn sứ Isaia đã loan báo Người là hoàng tử bình an và bình an được ban cho nhân loại như dòng sông từ trời tuôn chảy, lan tràn xuống trần gian. Khi Chúa đến trần gian, Người đã ban bình an cho chúng ta và Người cũng đã từng chúc phúc cho những người kiến tạo bình an. Nhìn lại những ngày Chúa Giêsu sống trên trần gian, chúng ta thấy tất cả những ai đến với Người đều tìm lại được bình an để thoát khỏi mọi lo lắng cả tinh thần lẫn vật chất. Và khi phục sinh, Người cũng chỉ nhắc lại sứ điệp và bảo chứng chính yếu của tình yêu Người là sự bình an. Người đã vượt qua những lo toan của kiếp người và với sức mạnh của Người, rồi chính bằng sức mạnh đó, chắc hẳn chúng ta sẽ vượt qua những lo lắng hàng ngày để chúng ta có được những niềm vui trọn vẹn khi chúng ta sống trong mầu nhiệm phục sinh của Chúa.

Sứ điệp phục sinh của Chúa là cả sứ điệp của niềm vui. Tại sao lại vui? Vì tất cả những gì mất đã tìm lại được, giống như con chiên bị lạc, đồng tiền bị mất hoặc như người con trai lạc lối. Và những mất mát đó như đã đi cùng cái chết của Chúa Giêsu để rồi bây giờ, tất cả đã được phục hồi trong cuộc sống mới. Mùa Phục Sinh là thời gian của niềm vui, bởi những tội lỗi, những nỗi đau đã được treo lên thập giá của Chúa và chúng ta cũng được phục sinh với Người. Thế giới cũng đã được phục sinh, được đổi mới bởi mang vết tích của Ðấng giải thoát thế giới và những gì là xấu xa hèn kém. Một thi sĩ khi nghĩ đến điều này đã vui mừng ca vang và mời gọi chúng ta hãy ca lên rằng: “Hãy vui lên, mùa đông của sự chết đã qua, những cơn mưa đầu mùa đã về và những đóa hoa đã nở rộ, mầm sống mới đã bừng lên. Tất cả hãy vui lên. Cùng nhau ta hãy vui lên để đón chào sự sống mới”.

Mùa Phục Sinh mang lại cho chúng ta niềm vui mới, niềm vui được tái sinh trong sự sống đời đời. Cuộc sống như đang mỉm cười với chúng ta và mời gọi chúng ta hãy bước vào một cuộc sống mới như lời thánh Phaolô mời gọi: “Anh em hãy vui. Tôi nhắc lại, anh em hãy vui lên, vì Chúa đã sống lại”.

Vậy, chúng ta hãy cùng nhau hát lên bài ca phục sinh, bài ca Alleluia như thánh Augustino đã nhắn nhủ. Chúng ta là những người đã được phục sinh bởi Ðấng đã được phục sinh trao lại cho chúng ta niềm vui đó. Và bài hát mà chúng ta cùng nhau cất cao lên là bài Alleluia. Chúng ta hãy mỉm cười với nhau cho dù tâm hồn chúng ta vẫn còn bầm giập bởi những vết đau. Chúng ta hãy mỉm cười với nhau, dù trái tim ta đang tan nát. Hãy ráng cười lên, một nụ cười hiền hòa, để mọi người cảm nếm niềm vui đích thực mà Chúa Phục Sinh đã mang lại cho chúng ta. Chúng ta hãy mỉm cười dù những đám mây đen đang bao phủ cuộc đời của ta. Ngày mai sẽ đến, ánh bình minh sẽ xua tan những gì là tối tăm mờ ám. hãy cười lên, cho dù đôi mắt chúng ta còn ngấn lệ, vì những giọt nước mắt đau thương còn chưa cạn. Hãy cố gắng để trao lại cho nhau những nụ cười mới nở và tinh tuyền nhất vì Chúa đã sống lại.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh,

Xin ban ơn trợ lực để chúng con được sống mãi trong niềm vui đích thực mà Ngài đã ban cho chúng con là niềm vui sự phục sinh.

10. Ðồng Hành Với Chúa

Một cậu con trai vừa tròn mười ba tuổi đã quyết định đến gặp một võ sĩ để xin thầy luyện cho cậu một môn võ Judo, nhưng điều đáng tiếc đã xảy ra, trong một tai nạn, cậu đã bị cụt mất cánh tay bên trái, vậy mà một võ sĩ Nhật nọ vẫn đồng ý nhận anh làm đệ tử. Cậu con trai rất đỗi vui mừng và ra sức luyện tập, tuân thủ nghiêm nhặt những điều thầy chỉ dạy và anh ta thực hành rất nhuần nhuyễn những bài học thầy mình đã truyền.

Thời gian trôi qua, cậu theo thầy đã lâu nhưng cậu thắc mắc tại sao thầy chỉ dạy cho cậu một thế võ, một đường quyền duy nhất và ngày nào cậu cũng chỉ luyện tập có thế thôi, cậu bèn xin thầy truyền thêm cho cậu một vài thế võ nữa, vài những đường quyền khác mà cậu thấy những người khác đã biểu diễn rất đẹp mắt. Võ sư trả lời:

– Con chỉ cần biết đường quyền ấy mà thôi và đó là đường quyền duy nhất cần thiết cho con, nên con phải học biết và tập luyện cho nhuần nhuyễn.

Mặc dù không thích thú gì với lời giải thích của thầy nhưng cậu tin tưởng vào thầy và tiếp tục luyện tập mỗi ngày một trở nên điêu luyện hơn. Vài tháng sau đó, võ sĩ cho cậu tham gia một trận đấu võ. Cậu cảm thấy rất ngạc nhiên vì mình đã thắng hai trận đấu đầu tiên cách dễ dàng. Trận đấu thứ ba chắc chắn sẽ khó khăn hơn và thử thách cậu nhiều hơn, nhưng rồi cậu cũng đã nhanh chóng khống chế được đối thủ thứ ba của mình. Trọng tài đã thổi còi chấm dứt trận đấu trước sự ngạc nhiên của biết bao nhiêu người, bởi cậu đã thắng được những đối thủ của mình là những võ sĩ có thân hình cường tráng và mạnh khỏe hơn, giàu kinh nghiệm hơn trong trường thi đấu. Cậu đã đoạt giải vô địch trong trận đấu.

Trên đường trở về nhà, cậu hỏi võ sư của mình:

– Thưa thầy, tại sao con thắng một cách dễ dàng như vậy với chỉ bằng một đường quyền duy nhất.

Võ sư trả lời:

– Con đã thắng được nhờ hai lý do: thứ nhất là vì con đã thành thạo và nhuần nhuyễn đường quyền khó nhất trong võ đạo Judo, thứ hai là vì đường quyền đó làm cho đối thủ của con phải bối rối vì không bao giờ chụp được cánh tay trái của con.

* * *

Cậu con trai đã thành công mỹ mãn bởi anh đã trung thành với người thầy dày dạn kinh nghiệm và hoàn toàn tin tưởng vào lời thầy dạy, cho dù có những lúc anh cảm thấy nhàm chán với việc tập luyện một đường quyền duy nhất. Thầy của anh cũng giúp anh gặt hái thành công mỹ mãn là vì ông đã hiểu được ưu khuyết điểm của thế võ cũng như của chính người học trò thân tín của mình. Sống trong cuộc đời, ai trong chúng ta cũng có những vị thầy để hướng dẫn chúng ta gặt được những hoa trái của thành công và ngay cả những thầy dạy cho chúng ta biết thế nào là thất bại.

Mỗi tín hữu Kitô chúng ta cũng có một vị thầy cao cả và muôn thuở là Chúa Giêsu Kitô, Người đã chiến thắng và sẽ giúp chúng ta đạt tới sự toàn thắng. Có thể nói mùa phục sinh là thời gian chúng ta sống trong niềm vui chiến thắng. Chiến thắng cao cả nhất là chiến thắng sự chết. Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết, vượt qua cái chết để bước vào vinh quang phục sinh. Con đường đó Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy tiếp bước để gặt hái được những hoa thơm trái ngọt của sự sống vĩnh hằng. Nhưng để được như thế, trước hết mỗi chúng ta phải biết làm theo những gì Người đã dạy chúng ta, vì chúng ta tin rằng Người thấu hiểu tất cả chúng ta và từng người chúng ta nhiều hơn cả những gì chúng ta biết về mình. Người biết con đường nào sẽ đưa chúng ta đến thành công và hạnh phúc viên mãn.

Với niềm tin tưởng đó chúng ta sẽ dễ dàng vượt qua những gì là gian nan, thử thách của cuộc sống cũng những gì là nhàm chán của cuộc đời với ý thức rằng chỉ có Chúa tồn tại muôn đời và muôn đời toàn thắng. Hãy cùng đồng hành với Người để đi qua các giai đoạn của cuộc sống. Như thế chắc chắn chúng ta sẽ luôn cảm nhận được bình an, hạnh phúc với niềm vui nội tâm sâu xa.

Cầu chúc quí vị và các bạn luôn cảm nghiệm được niềm vui thánh này không chỉ trong mùa phục sinh, mà trong suốt cuộc đời của bạn dọc trên cuộc lữ hành trần thế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *