Chiếc Áo Từ Nhân – P3

Chiếc Áo Từ Nhân – P3

Chiếc Áo Từ Nhân

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

1. Những Ánh Sao Ðêm

Tối hôm ấy, một chiếc phi cơ cất cánh lên đường băng qua biển Ðại Tây Dương, đang lúc hành khách đang dùng bữa tối và thoải mái nghe nhạc êm dịu thì bỗng dưng hệ thống truyền thông bị trục trặc, kim chỉ nam ngừng di động và không còn phải biết làm thế nào để tìm ra hướng bay được. Kỹ sư phi công đã tìm mọi cách sửa chữa nhưng vẫn vô hiệu. làm sao có thể tiếp tục bay an toàn qua biển cả giữa đêm tối mà không có mốc điểm chỉ dẫn được? Lập tức các chiêu đãi viên được lệnh đi tìm xem trong số hành khách trên máy bay có ai là kỹ sư điện tử chăng. Sau một lúc xớn xác lo lắng, cuối cùng một hành khách đứng dậy tiến vào buồng lái của phi công. Người phi công hỏi:

– Bà có phải là kỹ sư điện tử không?

Người phụ nữ đáp:

– Không, tôi không phải là kỹ sư và tôi cũng chẳng biết gì về điện tử cả.

Phi công bực mình la lên:

– Nếu bà không phải là kỹ sư và cũng không biết gì về điện tử thì bà vào đây làm gì?

Người phụ nữ vẫn bình tĩnh không chút phật lòng. Bà nói thêm:

– Xin ông cho tôi biết vấn đề khó khăn của ông lúc này là gì biết đâu tôi có thể giúp ông được.

Người phi công tức giận quát lớn tiếng:

– Nếu bà không biết gì về điện tử, xin bà hãy ra khỏi đây ngay, bà không thể làm gì giúp tôi được.

Một lần nữa với giọng bình tĩnh và rất lịch sự, người phụ nữ lập lại:

– Xin cho tôi biết ông cần gì, tôi hy vọng có thể giúp ông được?

Người phi công vùng vằng nói:

– Bà không thấy đó ư? Hệ thống truyền thông bị hư và đang ngừng làm việc. Tôi không biết chúng ta đang ở đâu và đang bị thất lạc trên biển cả mênh mông nào.

Người phụ nữ thản nhiên tiếp:

– Nếu vậy thì tôi có thể giúp ông được. Tôi biết có một thứ dụng cụ không bao giờ ngưng làm việc, trong quá khứ nó đã không hề sai lầm và cũng luôn chính xác mãi trong tương lai nữa.

Người phi công ngạc nhiên hỏi thêm:

– Bà muốn nói điều gì?

– Tôi muốn nói tới dụng cụ trên bầu trời, đó là những vì sao. Thật vậy, hãy nhìn xem ngôi sao kia, nó sẽ chỉ hướng cho ông. Ông hãy cho tôi xem bản đồ của phi lộ trên biển cả và đích điểm chúng ta phải tới.

Người phi công càng ngạc nhiên hơn nữa khi khám phá ra rằng người phụ nữ tầm thường trước mặt ông lại chính là một nhà thiên văn đã quá quen thuộc với những vì sao trên bầu trời mênh mông. Bà ngồi xuống bên cạnh người phi công với bản đồ mở rộng trên đầu gối và mắt bà chăm chú nhìn lên bầu trời đầy sao sáng. Với tất cả sự khôn ngoan và lão luyện của người đã từng kinh nghiệm, bà hướng dẫn phi công cầm vững tay lái. Bình minh vừa ló dạng, máy bay đã đáp xuống đích điểm được an toàn.

* * *

Câu chuyện trên đây cũng gợi lên tâm trí chúng ta biến cố kinh hoàng của vụ khủng bố vào tòa nhà Tháp Ðôi, Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế ở New York, ngày 11/9/2001. Ngày đó đánh dấu sự dòn mỏng của nền văn minh dựa trên khoa học, những phát triển phi thường của điện tử hoặc của trí thông minh loài người. Tất cả những tiến bộ đó hẳn không đủ và cũng không thể giải đáp được hết mọi vấn đề của đời sống con người.

Ðời sống con người từ lúc chào đời cho tới khi nhắm mắt lìa trần cũng giống như chuyến bay trên biển cả mênh mông và trong đêm tối mù mịt, nhưng chúng ta cũng không cần phải sợ hãi bị lạc đường vì luôn được những ngôi sao sáng của đức tin, niềm hy vọng cậy trông và lòng yêu mến dẫn đường cho để tiến bước an toàn tới đích điểm sau cùng là Nước Trời.

Nền văn minh của khoa học và những phát triển tinh vi của điện tử không đủ để bảo đảm sự an bình của đời sống con người và cũng không thể nào nắm vững vận mệnh cứu độ của con người được. Chúng ta cũng cần đến những người của Chúa, những dụng cụ Chúa dùng để vạch đường như kim chỉ nam nhắm thẳng tới những giá trị bất diệt. Ðể có thể vững vàng tiến bước, nhiều lúc chúng ta cũng phải dừng lại và ngẩng cao đầu lên nhìn ngắm những vì sao trên trời mà đào sâu những chân lý vô hình bên kia những sự hữu hình, tức là cần phải biết cầu nguyện. Bao lâu chúng ta còn biết ngước mắt nhìn lên trời, nhìn thẳng tới Chúa với tâm tình con thảo cầu nguyện, bấy lâu chúng ta sẽ không phải lạc đường sai lối, nhưng sẽ luôn tìm thấy những người vạch đường chỉ lối cho, để tới đích trong an bình chắc chắn.

Lạy Chúa Giêsu,

Như tông đồ Phêrô xưa, chúng con sẽ thưa với Chúa: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con sẽ theo ai. Chỉ nơi Thầy mới có sự ban đời sống đời đời mà thôi”. Xin tình yêu và Lời Chúa luôn là ánh sáng soi đường con đi trong tăm tối của cuộc đời, là như những vì sao sáng giúp con tìm lại được hướng đi cả những khi đêm tối xem như dải đất vô tận.

2. Ðiều Căn Bản Của Cầu Nguyện

Trong sách chuyện cổ tích người Do Thái kể rằng:

Dưới thời rabbi Ben Sen Tốp, mỗi lần dân chúng gặp thiên tai hoạn nạn, thầy rabbi thường vào nơi Thánh Ðịa trong khu rừng vắng, đốt lửa và sốt sắng cầu nguyện và đều tai qua nạn khỏi.

Nhiều năm trôi qua, đến thời rabbi Na Chít Men Trít, tai ương hoạn nạn lại ào tới trên dân chúng. Rabbi cũng vào rừng và cầu khẩn: “Lạy Giavê là Thiên Chúa cao cả, là Vua trời đất. Con không biết phải đốt lửa Thánh thế nào, nhưng con còn nhớ nơi Thánh này trong rừng này và lời kinh đặc biệt này dâng lên Chúa đây”. Thầy đọc kinh tại nơi Thánh trong rừng, rồi trở về và tai ương hoạn nạn cũng qua đi.

Ðến thời rabbi Mô Sê Pơ Lếch, dân chúng bị thù địch đe dọa gây chiến. Thầy rabbi cũng vào rừng và cầu nguyện: “Lạy Giavê là Thiên Chúa cao cả. Con vẫn còn nhớ nơi Thánh trong rừng này, nhưng con lại không biết đốt lửa Thánh và cũng không còn thuộc lời kinh đặc biệt để dâng lên Chúa nữa. Con chỉ biết tha thiết cầu xin Chúa đoái mắt nhân từ nhìn đến dân Chúa và giải thoát chúng con khỏi tay thù địch”. Cầu nguyện xong, thầy rabbi trở về và dân chúng được giải thoát khỏi tay thù địch.

Sau cùng, đến thời rabbi Jin Jin, nạn dịch lại lan tràn tới đe dọa mạng sống của dân chúng. Thầy rabbi đành phải ngồi ở nhà và thầm thĩ cầu khẩn cùng Chúa trong thâm tâm: “Lạy Chúa là Thiên Chúa độc nhất. Rất tiếc là con không còn biết đường tới nơi Thánh trong rừng sâu nữa, con không biết cách đốt lửa và hơn nữa con cũng không còn nhớ lời kinh đặc biệt để dâng lên Chúa nữa. Tuy nhiên, con chỉ biết kêu cầu Chúa ghé mắt nhân từ xót thương dân Chúa và cứu thoát chúng con khỏi tử thần đang muốn sát hại mạng sống của dân Chúa”.

Một lần nữa Thiên Chúa nhân từ lắng nghe lời cầu nguyện của rabbi và cứu chữa dân Ngài.

* * *

Vì đâu tất cả các thầy rabbi trên đây đều được Thiên Chúa thương nhận lời cầu nguyện của họ? Phải chăng vì nơi Thánh họ đến cầu nguyện, hoặc vì biết cách đốt lên ngọn lửa Thánh, hay là vì đã đọc đúng công thức của lời nguyện?

Hẳn không phải thế! Căn bản của cầu nguyện chính là lòng tin tưởng vào quyền phép của Chúa, là cậy trông nơi tình thương vô biên của Ngài, là Cha nhân từ luôn yêu thương chăm sóc con cái Ngài và lòng bác ái đối với tha nhân. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu quả quyết với dân chúng rằng: “Khi cầu nguyện, chớ ham dài lời, vì nghĩ rằng phải nói nhiều mới được việc, bởi vì trước khi các ngươi cầu nguyện, Thiên Chúa đã hiểu rõ các ngươi cần những gì rồi”.

Về nơi cầu nguyện, Chúa Giêsu dạy chúng ta tránh những hình thức phô trương tại những nơi công cộng để người khác chú ý tới. Trái lại, Ngài nêu bật tầm quan trọng nội tâm của mỗi người như đền thờ Chúa ngự, Ngài nói: “Còn ngươi lúc cầu nguyện cứ vào phòng đóng cửa lại, kín đáo cầu xin cùng Cha ngươi, Ngài thấu trước nơi bí ẩn, sẽ ban thưởng cho ngươi”.

Trong cuộc đối thoại với người phụ nữ thành Samaria bên bờ giếng tổ phụ Giacóp, Chúa Giêsu còn tỏ lộ cho bà ý nghĩa sâu xa của việc tôn thờ Chúa, không phải bằng những hình thức bên ngoài nhưng là bằng tinh thần và chân lý. Ngài nói với bà: “Hãy tin Ta, đã đến lúc các ngươi không cần thờ Chúa Cha trên núi này hoặc ở Giêrusalem nữa. Các ngươi thờ lạy điều các ngươi không hiểu. Còn Ta kính thờ điều Ta biết rõ. Nhưng thời giờ sắp tới, lại đã đến lúc các kẻ thành tâm sùng kính phải thờ phượng Cha bằng tinh thần và chân lý, vì Cha muốn cho người ta thờ kính Ngài như vậy”.

Thiên Chúa là Ðấng thiêng liêng nên ai sùng bái Ngài cũng phải lấy tinh thần và chân lý mà thờ kính Ngài.

Lạy Chúa là Thiên Chúa cao cả,

Chúa thống trị khắp mọi nơi, thông biết mọi sự. Toàn thể địa cầu không thể chứa nổi Chúa, nhưng Chúa lại ưa thích ngự trị trong tâm hồn mỗi người chúng con để gặp gỡ mỗi người cách thân mật, thân tình như bạn hữu. Thế mà biết bao lần con vẫn hững hờ không biết đón tiếp và hầu chuyện với Chúa đang hiện diện trong con.

Lạy Chúa,

Xin thêm lòng tin cho con. Xin giúp con biết trở về nội tâm con để gặp gỡ Chúa đang đợi chờ và luôn sẵn sàng lắng nghe con cầu xin.

3. Ý Nghĩa Và Giá Trị Của Thời Giờ

Có con cá thu bị cơn sóng lớn hắt lên bãi biển. Nó nằm sõng sượt trên bãi cát, vẫy đuôi cựa quậy để trở về mặt nước nhưng vô hiệu. Thất vọng, nó chỉ còn biết van xin cầu cứu có ai động lòng thương giúp nó. Một người giàu có đi ngang qua trên bãi cát, cá hổn hển kêu xin:

– Ông ơi, ông làm ơn giúp tôi với.

Người giàu có đáp:

– Rất tiếc, tôi không thể giúp cá được. Tôi phải đi ngay vì đã trễ giờ rồi. Xin cá thông cảm đợi ai khác tơi sau sẽ giúp cho.

Cá tiếp tục vẫy đuôi trên bãi cát, gặp lúc một khách du lịch đi ngang qua và cá lên tiếng kêu xin. Khách du lịch trả lời:

– Tôi cũng muốn giúp cá lắm nhưng không biết phải làm gì đây. Tôi không có gì để đưa cá trở lại biển cả được. Tôi đi du lịch không đem theo dụng cụ nào hết.

Cá khẩn khoản xin:

– Ông ơi, ông không cần dụng cụ nào cả, ông có thể cầm tay nắm lấy tôi và ném tôi vào biển cả là cứu sống tôi được rồi.

Khách du lịch nhìn cá lưỡng lự định giơ tay giúp đỡ nhưng rồi lại thôi. Ông nói:

– Tôi cũng có thể giúp cá được, nhưng tốt hơn cá hãy tự giúp mình đi, muốn là được mà.

Khách du lịch rút máy chụp hình con cá quằn quại trên bãi cát rồi bỏ đi.

Kế đó, một phụ nữ tay xách cặp đi ngang qua và cá lại van lơn cầu cứu.

– Xin giúp tôi với, tôi sắp chết rồi, tôi không thể sống ngoài nước lâu hơn được nữa.

Người phụ nữ dừng chân, quan sát, lắng nghe cá rồi nói:

– Trước khi cứu giúp cá, tôi cần biết lý lịch của cá đã.

Cá thều thào thuật lại mọi sự với hơi thở còn lại. Nhưng người phụ nữ vẫn chưa hài lòng, bà còn đòi được biết thêm vì lý do nào mà cá phải trôi giạt vào bờ và cá phải cam kết không được trở lên bờ nữa. Tuy nhiên, nói xong thì cá cũng tắt ngủm luôn. Người phụ nữ lắc đầu quay nhìn con cá chết rồi bỏ đi. Bà nhún vai thầm thì:

– “Ðời là thế, cũng tại lỗi của cá chứ đâu ta lỗi của ai hơn”.

Mặt biển vẫn phẳng lặng hồi lâu. Cuối cùng, một con sóng lớn nổi lên tạt vào bờ cuốn theo xác con cá chết đem nó chôn vùi trong lòng biển.

* * *

Ý nghĩa câu chuyện ngụ ngôn trên đây thật dễ hiểu. Con cá cần nước để sống. Con người cũng cần hít thở dưỡng khí để sống. Trong các nhân tố cuộc sống, Thiên Chúa ban cho chúng ta có thời giờ và dưỡng khí. Thời giờ để sống và dưỡng khí để thở. Thế nhưng, biết bao nhiêu người hàng ngày chạy bán sống bán chết và nổi điên vì có cảm tưởng là thiếu thời giờ. Một trong những nét đặc thù của con người trong xã hội hưởng thụ ngày nay là chạy. Chạy lui chạy tới, bôn chôn hớt hải. Xe chạy, thành phố chạy, tất cả đều chạy để khỏi mất thời giờ, để tranh thủ gấp rút và để được lợi giờ. Chúng ta chào nhau vội vã vì không có thời giờ. Chúng ta không thể suy nghĩ hay quyết định, hoặc đọc sách hay cầu nguyện, vì thiếu thời giờ. Thậm chí nhiều khi ăn không ngon, ngủ không thẳng giấc cũng vì thiếu thời giờ. Biết bao lần chúng ta còn vịn cớ là không có thời giờ để từ chối thực thi một công việc tốt lành, một hành động bác ái, một sự quan tâm tới nhu cầu sống còn của những người ở ngay bên chúng ta.

Phải chăng thực sự là thời giờ quá ít ỏi, quá ngắn ngủi hay là bởi vì chúng ta đang nhầm lẫn điều gì đó, hoặc là vì bậc thang giá trị của chúng ta đang bị đảo lộn và xáo trộn?

Phải chăng sở dĩ điều đó đã và đang xảy ra là vì chúng ta đã bỏ quên một điều rất quan trọng?

Như Chúa Giêsu đã nói với bà Mácta ngày xưa khi Ngài đến nhà thăm hai chị em bà. Vào dịp đó, bà Mácta lăng xăng sửa soạn nấu nướng dọn bữa ăn cho Chúa, trong khi cô em là Maria ngồi yên lặng dưới chân Chúa lắng nghe Ngài nói và nhìn ngắm Chúa với tất cả tình yêu thương trìu mến. Lúc đó, bà Mácta đã dám trách Chúa sao không bảo em bà phụ giúp bà một tay. Chúa Giêsu đã trả lời bà: “Chỉ có một điều cần thiết thôi mà em con đã biết chọn trước rồi, đó là biết dùng thời giờ để lắng nghe với tất cả tâm hồn và biết yêu thương”.

Lạy Thiên Chúa là nguồn tình yêu.

Thời giờ là của Chúa, đối với Chúa chỉ có hiện tại vì Chúa là Ðấng hằng hữu. Xin giúp con hiểu rõ ý nghĩa và giá trị của thời giờ và sống trọn vẹn mỗi giây phút hiện tại vì tình yêu, với tình yêu và cho tình yêu mà thôi, tình yêu Chúa và tình yêu tha nhân. Ước chi tình yêu trở nên như dưỡng khí con thở từng giây phút và thời giờ của cuộc sống con cũng chỉ là để yêu thương mà thôi.

4. Mầu Nhiệm Của Ðau Khổ

Trong tác phẩm có tựa đề “Ðêm”, tác giả Êliwisel, người sống sót từ các trại tập trung Ðức Quốc Xã trở về và sau được giải Nobel Hòa Bình, đã kể lại một cuộc hành quyết như sau:

Những người lính Ðức Quốc Xã xem ra có vẻ lo lắng và bị xáo trộn hơn mọi khi. Treo cổ một thiếu niên trước mặt hàng ngàn người không phải là chuyện cơm bữa. Người đứng đầu trại đọc bản án. Tất cả mọi con mắt đều hướng về cậu bé. Người cậu bé tái xanh nhưng nó mím môi để giữ bình tĩnh, giàn treo đang phủ bóng lên cậu bé. Lần này, người đứng đầu trại khước từ vai trò lý hình, ba người lính Ðức Quốc Xã thế chỗ ông, ba nạn nhân cùng leo lên ba chiếc ghế, ba cái cổ cùng được đưa vào ba cái lỗ dây thòng lọng. Hai người lớn hô: “Tự do muôn năm”, nhưng người thiếu niên giữ thinh lặng. Ðàng sau tôi có người hỏi: “Chúa đang ở đâu? Người đang ở đâu?” Khi người trưởng trại ra hiệu, cả ba cái ghế cùng bị xô ra một bên. Cả trại chìm ngập trong thinh lặng. Ở chân trời, thái dương đang từ từ lặn. Người trưởng trại la lớn: “Bỏ mũ ra!” Giọng của ông khàn. Tất cả chúng tôi đều khóc. Rồi ông lại ra lệnh: “Ðội mũ lên!” Và cuộc diễn hành về trại bắt đầu. Hai người lớn không còn sống nữa, những cái lưỡi của họ thè ra, tím lịm và sưng lên; nhưng chiếc dây thừng thứ ba còn động đậy, vì quá nhẹ cân cho nên cậu bé vẫn còn sống. Trong hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, em vẫn còn treo lơ lửng ở đó, chiến đấu giữa cái chết và sự sống. Chết từ từ dưới cái nhìn của chúng tôi. Và chúng tôi phải nhìn thẳng vào mặt em. Em vẫn còn sống khi tôi đi qua trước mặt em, lưỡi em vẫn còn đỏ nhưng mắt em đã mất thần. Sau lưng tôi, tôi vẫn còn nghe cái giọng lúc nãy hỏi: “Bây giờ, Chúa đang ở đâu?” Và tôi nghe có một tiếng nói trong tôi trả lời cho ông: “Chúa ở đâu ư? Ngài đang ở đây này. Ngài đang bị treo trong cái dây thòng lọng kia kìa!”

* * *

Có hai người cùng bị treo trên thập giá với Chúa Giêsu. Một người đã nhận ra Ngài như Ðấng cứu độ và được ơn tha thứ. Một người lại nguyền rủa và khước từ sám hối. Trước đau khổ của cuộc sống, có người tin tưởng và phó thác, có người nổi loạn và phạm thượng. Ðau khổ là thước đo nhân cách và lòng tin của con người. Ðau khổ là trường đào luyện và thanh tẩy con người. Giữa bao đau khổ, Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy được thái độ đúng đắn của con người. Ngài luôn thưa xin vâng với thánh ý Chúa Cha. Trước đau khổ của người khác, Ngài cảm thông tới độ đồng hóa với tất cả những ai đang đau khổ. Ngài là Thiên Chúa có mặt trong từng nỗi đau của con người. Ngài là Thiên Chúa đang quằn quại trong mỗi một người đang đau khổ. Ngài là Thiên Chúa đang bị bách hại. Ngài là Thiên Chúa bị ruồng rẫy khước từ trong tất cả những người bị bỏ rơi và bị đẩy ra bên lề xã hội.

Hằng năm, vào Mùa Chay, chúng ta sống mầu nhiệm khổ nạn của Chúa Giêsu. Chúng ta không dửng dưng trước nỗi khổ đau của người đồng loại. Khổ đau dường như là nơi ưu việt để Thiên Chúa của tình yêu tỏ mình. Chính qua và trong những người đang đau khổ mà Ngài mời gọi chúng ta nhận ra Ngài.

Lạy Chúa,

Trong thân phận con người, chúng ta không thể thoát khỏi khổ đau. Chúa đã nên giống chúng con trong mọi sự. Chúa đã trải qua đau khổ. Giữa những khổ đau, xin cho chúng con luôn cảm nhận được sự hiện diện của Chúa mọi nơi mọi lúc.

5. Tự Do Và Hy Vọng

Trong thời thế chiến, các máy bay địch thường bay là là trên các thành phố của Anh quốc và thả bom tàn phá những nhà máy. Ðiều này là một nguy hiểm lớn cho những người còn ở lại thành phố và cách riêng cho các trẻ em. Vì lý do an toàn, các trẻ em được sơ tán tới nơi an toàn hơn tại những vùng thôn quê, trong số đó có năm trẻ em được di tản tới một nông trại cách xa thành phố khoảng một trăm cây số. Chẳng mấy chốc, năm em ở thành phố đã được các em của miền quê dạy cho biết tên của từng con vật và từng loại cây, từng thứ hoa mọc lên ở ven đường.

Một ngày nọ, có một con chim héc, thuộc loại chim có tiếng hót hay, mệt lử, sa cánh vào một chuồng gà rộng lớn. Bọn trẻ bắt được con chim và làm cho nó một cái lồng từ một cái hộp gỗ cây đựng táo cũ kỹ. Các em tỏ ra rất quan tâm đến con chim héc và rất ân cần săn sóc nó từ thức ăn cho tới nước uống. Mấy hôm sau, chim bình phục, bay nhảy trong chuồng. Tuy nhiên, con chim héc vẫn không cho bọn trẻ nghe giọng hót hay của nó mặc dù các em vẫn hằng ngày cung cấp hạt giống là đậu phụng làm lương thực và thay nước sạch cho nó uống.

Sau một tuần, các em quyết định dọn sạch chuồng cho nó. Trong lúc làm vệ sinh chuồng, một em vô tình không đóng kỹ cái cửa sổ bé nhỏ, thế là con chim héc lợi dụng cơ hội tốt nhanh như chớp bay vụt ra ngoài. Nó bay một vòng trong chuồng gà rồi bay ngang qua cửa lớn và chẳng mấy chốc nó đã đậu trên ngọn cây cao nhất của bờ giậu. Trước sự ngạc nhiên của năm đứa trẻ, con chim héc bắt đầu hót những giọng dịu dàng và thanh thót nhất mà bọn trẻ chưa hề được nghe.

Sau cùng, các em đã hiểu. Con chim ở trong cái lồng do tay người ta làm nên thường không hót vì hy vọng được tự do kể như đã mất rồi, vì là một kẻ bị giam cầm. Nhưng giờ đây, được đậu trên cành cây cao, tức là tự do đã được hoàn trả lại cho nó. Tiếng hót của nó như muốn nói với mọi người rằng nó được tự do, nó thật hạnh phúc, nó có niềm hy vọng.

* * *

Không những chỉ con người mà thôi, nhưng cả đến loài vật cũng chẳng thích bị tù tội. Thời giờ phải sống trong tù quả là những giờ khắc bất tận và buồn thảm. Những chuỗi ngày trong tù là những chuỗi ngày tăm tối. Những đêm dài trong tù là những đêm dài bất tận đầy thất vọng. Thế nhưng, ngoài cái nhà tù giam hãm thân xác còn có những loại nhà tù vô hình nặng nề hơn nhiều, bởi vì không những cướp mất sự sống khỏi thân xác chúng ta, nhưng còn cầm nhốt tâm hồn, tinh thần, cá tính và trí thông minh của chúng ta trong cái cũi nhỏ hẹp và biến chúng ta thành vô dụng nữa. Những loại nhà tù vô hình đó chặt đứt sự nồng nhiệt của tình yêu thương và bẻ gãy đôi cánh của cuộc sống. Ðó là những nhà tù không có song sắt và không có cánh cửa bị khóa chặt, nhưng lại được xây bằng thái độ thiếu hiểu biết, ngăn cản không để cho chúng ta nhìn thấy tương lai và ánh sáng của trời cao.

Mỗi người chúng ta rất dễ có thể là tù nhân của chính những bản năng của mình, của vật chất mờ đục nhưng lại có sức quyến rũ mãnh liệt, là tù nhân của những ảo tưởng mà chúng ta nhọc công theo đuổi. Vì thế, bao lâu chúng ta còn để cho mình bị mê hoặc bởi chán chường thất vọng, còn chạy theo ảo vọng và chưa biết quyết định đổi hướng đi cuộc sống thường ngày, còn chưa biết tự giải thoát nó khỏi những ràng buộc vô ích và nặng nề của cái tầm thường xoàng xĩnh, bấy lâu chúng ta cũng sẽ mãi mãi là những tù nhân bị giam cầm khốn khổ. Trong căn ngục đó, chúng ta sẽ không thể nào thấy ánh sáng, không thể nào nghe được tiếng nói của trời cao và cũng không thể nào hát lên những nốt nhạc hay nhất của bài ca hy vọng nữa. Bị giam cầm trong những bức tường ấy, chúng ta có cảm tưởng là được yên hàn nhưng thực ra cuộc sống con người kể như đã bị chấm dứt. Khi giờ chết đến, chúng ta sẽ càng cảm thấy ngậm ngùi thất vọng hơn nữa vì chỉ còn thấy hai bàn tay trắng, và vì đã đánh mất đi tất cả vận mệnh cuộc sống bất tử của mình.

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con,

Chúa đã tạo dựng chúng con theo những hình ảnh của Chúa với trí thông minh và quyền tự do. Xin giúp chúng con đừng bao giờ lạm dụng quyền tự do để rồi bị rơi vào cảnh nô lệ của chính con người chúng con, bị nhốt chặt trong tình trạng thất vọng thê thảm đó. Xin Chúa giải thoát chúng con để được bay bổng như con chim thoát khỏi lưới giăng và cạm bẫy của thù địch và để chúng con được mãi mãi hát lên những tiếng hát êm dịu, thanh thót nhất của tình thương vô biên Chúa.

6. Người Dẫn Ðường

Một nhà tu hành nổi tiếng là người khôn ngoan thánh thiện lên đường hành hương. Cuộc hành hương dài với nhiều khó khăn, phải băng qua rừng, vượt đồi núi, vì thế chẳng bao lâu đã bị lạc giữa khu rừng rậm, không còn biết lối ra nữa. Vị tu hành tìm mỏi lối đi nhưng xem ra mỗi lúc một đi sâu hơn vào trong bóng tối. Ít lâu sau, vị tu hành gặp một đoàn hành hương khác cũng bị lạc giữa khu rừng dày đặc. Họ đang mò mẫm tìm lối thoát. Vừa gặp vị tu hành, họ vui mừng sung sướng nói với nhau:

– Chắc chắn vị tu hành thánh thiện này sẽ cứu thoát chúng ta và chỉ đường giúp chúng ta ra khỏi khu rừng đêm tối này.

Vì thế, họ tới thưa với vị tu hành:

– Lạy người của Thiên Chúa, xin chỉ đường cho chúng tôi với. Chúng tôi bị lạc, xin cứu chúng tôi với trước khi bị thú rừng ăn thịt mất.

Nhà tu hành trả lời:

– Rất tiếc là tôi không thể chỉ đường cho các anh được, bởi vì chính tôi cũng bị lạc đường và cũng đang mò mẫm tìm kiếm lối thoát,. Tôi chỉ có thể chỉ cho các anh con đường mòn đã đi qua và dường như dẫn sâu hơn vào trong rừng này.

Vậy chúng ta hãy cùng nhau tiến bước, vì chúng ta cũng đang tìm kiếm một con đường chung, con đường dẫn tới tự do và sự cứu thoát.

* * *

Ai trong chúng ta có thể quả quyết rằng mình đang đi đúng đường, dám tự hào mình biết rõ đâu là chính lộ và không cần tới sự chỉ dẫn của người khác. Người tự phụ như vậy thật là khờ dại và mù quáng biết bao.

Kinh nghiệm bản thân mỗi người đều cho thấy rằng có khi chúng ta cũng không biết mình đang đi đâu và phải tiến về đâu nữa. Chúng ta được chỉ dẫn cần có người khôn ngoan đã đi trước dẫn đường chỉ lối cho. Chúng ta cần chung bước tìm kiếm sự thật và đường ngay nẻo chính. Bao lâu còn sống trên thế trần, chúng ta đều là những người lữ hành trên đường tìm kiếm sự sống, tự do ở trên thế gian, nhiều khi lại cần nhiều cố gắng và lòng khiêm tốn và nhìn nhận mình đang bị lạc đường và khám phá ra con đường sai lầm của mình đi nữa. Tất cả mọi người trên con đường lữ hành, từ những vị lãnh đạo khôn ngoan cho tới những người tầm thường, những người ít thông minh, thiếu kiến thức đều là những người đi tìm kiếm chân lý và chúng ta đều cùng đồng hành tìm kiếm chính lộ. Không ai có thể tự hào và có thể giải đáp được tất cả mọi bí nhiệm của cuộc sống, nhưng nếu chúng ta biết cùng nhau tiến bước tìm kiếm chân lý, chúng ta có thể giúp nhau nhận định những khác biệt giữa sự thật và điều giả dối, biết phân biệt đâu là điều phải và đâu là điều trái.

Cũng vậy, trên con đường đến với Chúa, không ai dám tự hào là có thể đi một mình được, bất cần tới người khác. Nhưng chúng ta phải cùng nhau tiến bước dưới sự chỉ dẫn của vị lãnh đạo khôn ngoan, giàu kinh nghiệm. Vị lãnh đạo khôn ngoan đó là ai, nếu không phải là Chúa Giêsu, là vị thầy khôn ngoan duy nhất. Chỉ có Chúa Giêsu mới dám quả quyết rằng: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống. Ai theo Ta sẽ không đi trong tăm tối, nhưng sẽ được ánh sáng chân lý soi sáng. Ai tin Ta sẽ không phải chết, nhưng sẽ được sống đời đời”.

Qua mầu nhiệm nhập thể, Con Thiên Chúa cao cả vô cùng đã tự nguyện mặc lấy thân xác con người, sống giữa hai người, chia sẻ thân phận loài người, ngoại trừ tội lỗi để cùng đồng hành với con người trên con đường lữ hành về quê trời. Ngài dùng ngôn ngữ của con người để nói với loài người, để tỏ lộ cho con người những điều bí nhiệm và dẫn đường chỉ lối cho chúng ta noi theo. Khi hoàn tất sứ mệnh, Ngài trở về với Thiên Chúa Cha là Ðấng đã sai Ngài, nhưng Ngài không bỏ chúng ta lạc lõng trong đêm tối, Ngài tiếp tục dẫn đường chỉ lối qua trung gian những người được Ngài tuyển chọn để tiếp nối công việc của Ngài, và Ngài còn hứa ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.

Lạy Chúa Giêsu,

Con tin thật Chúa là đường, là sự thật và là sự sống. Chúa quá rõ sự yếu hèn khờ dại của chúng con nên đã muốn ở lại với chúng con luôn mãi trong Giáo Hội và trong lịch sử loài người. Con tin Chúa hiện diện trong các bí tích để ban ơn thánh và sự sống đời đời cho chúng con. Con tin Chúa hiện diện trong Kinh thánh để tiếp tục dẫn đường chỉ lối, soi sáng từng bước đi trên con đường lữ hành trần thế của chúng con.

Lạy Chúa,

Con cảm tạ Chúa và xin Chúa đừng bao giờ để con phải lìa xa Chúa vì tính kiêu ngạo tự phụ của con.

7. Tâm Sự Với Chúa

Nhắc đến cuộc đời của thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars, người ta không thể quên câu chuyện sau đâu về một nông dân xứ Ars. Mỗi ngày trước khi ra đồng anh đều ghé vào nhà thờ cầu nguyện giây lát rồi mới ra đồng. Khi trở về anh cũng ghé vào nhà thờ để cầu nguyện như vậy. Trong xứ ai ai cũng nể và kính phục. Một hôm có người hỏi:

– Ngày ngày ông ghé vào nhà thờ mấy lần để làm gì thế.

Anh nông dân trả lời:

– Tôi bàn chuyện với Chúa và Chúa bàn chuyện với tôi.

* * *

“Tôi bàn chuyện với Chúa và Chúa bàn chuyện với tôi”. Câu trả lời trên của anh nông dân xứ Ars diễn tả được tận gốc rễ của việc cầu nguyện. Hoạt động không cầu nguyện là vô ích trước mặt Thiên Chúa. Máy móc tự động có thể làm hơn con người, cầu nguyện là nền tảng của đời sống thiêng liêng, vì lúc cầu nguyện con người nối liền sự kết hợp với Thiên Chúa”.

Bí quyết nuôi dưỡng đời sống kitô là cầu nguyện, không cầu nguyện, dù có làm phép lạ ta cũng đừng tin. Các tông đồ đã thưa với Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”. Và Chúa Giêsu đáp: “Khi các con cầu nguyện hãy nói: Lạy Cha chúng con ở trên trời. Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển. Triều đại Cha mau đến. Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày. Và tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con. Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”. Thật vậy, nếu các con tha lỗi cho người ta thì Cha các con trên trời cũng sẽ tha thứ cho các con. Nhưng nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng sẽ không tha lỗi cho các con”.

Trong vài phút suy niệm này chúng ta hãy chú ý tới tinh thần phải có khi cầu nguyện. Trong đoạn Phúc âm vừa đọc lại trên đây, Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ lời kinh lạy Cha như những lời dạy nói về tinh thần phải có khi cầu nguyện, đó là tinh thần tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình và tinh thần đơn sơ khiêm tốn, nhằm gặp gỡ thân tình với Chúa hơn là nói nhiều lời ngoài môi miệng. “Khi anh cầu nguyện, thì đừng nhiều lời như những kẻ ngoại giáo, vì họ nghĩ rằng nói nhiều thì được nhiều”. Vì suốt ngày rao giảng Tin Mừng nên mỗi khi đêm về, quì gối trước Chúa Giêsu Thánh Thể, Thánh Phanxicô có những lúc quá mệt mỏi phải ngủ gật trên bàn thờ, lúc ấy ngài cầu nguyện với Chúa một cách đơn sơ như sau: “Lạy Chúa, nếu linh hồn con không tỉnh thức được với Chúa, thì ít nữa xác con đây muốn gần Chúa”.

Cầu nguyện là tâm sự với Chúa là Cha chứ không phải là làm bài. Giờ cầu nguyện là giờ của quả tim chứ không phải là giờ của lý luận. Ðừng nặn óc bóp trán để trình bày với Chúa. Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta không cô độc lẻ loi một mình. Thánh Phaolô tông đồ giãi bày như sau: “Chúng ta không biết phải cầu nguyện như thế nào cho phải, nhưng Chúa Thánh Thần cầu nguyện cho chúng ta với những lời kêu vang không thể diễn tả được”.

Nhờ bí tích rửa tội mà ta đã lãnh nhận, mỗi người kitô sẽ được kết hợp với Chúa Giêsu Kitô và được lãnh nhận hồng ân Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy cố gắng sống trong Chúa Thánh Thần để phát triển đời sống con người trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Nếu ta không phải là người cầu nguyện thì không ai tin ta làm việc vì Chúa. Nếu muốn biết công việc tông đồ của ai như thế nào thì hãy xem người đó có cầu nguyện hay không và cầu nguyện ra sao.

Lạy Chúa,

Xin hãy thương ban cho chúng con được tràn đầy Chúa Thánh Thần để canh tân chính mình và anh chị em trong môi trường chúng con sống. Xin Chúa sống trong con cho con gắn bó với Chúa để con ở luôn trong Chúa. Xin đốt nóng tim con trong Thánh Thần siêu vời để con hằng yêu mến Chúa mãi mãi.

8. Tôn Trọng Phẩm Giá Con Người

Người đã từng điều khiển bệnh viện phá thai lớn nhất thế giới, đã có lần đến Phi Luật Tân. Ông đến đây không phải để cổ võ cho hành động phá thai, mà để tham dự một hội nghị quốc tế bàn về những hậu quả khủng khiếp của việc phá thai.

Trong thời gian làm giám độc bệnh viện chuyên phá thai, bác sĩ Bernad Nafanson đã từng tham gia thực hiện khoảng bảy mươi lăm ngàn vụ phá thai. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho một tờ báo xuất bản tại Phi Luật Tân, bác sĩ Bernad Nafanson thú nhận rằng ông đã bắt đầu lao vào tội ác này từ năm 1964 và nạn nhân đầu tiên của ông chính là đứa con gái của ông với một người bạn gái. Ông cho biết rằng tại New York, Hoa Kỳ, tính cho tới năm 1993 là năm ông quyết định từ bỏ tội ác, bệnh viện của ông phải chịu trách nhiệm về tất cả bảy mươi lăm ngàn vụ phá thai. Ông cũng nói rằng ông cũng là người đầu tiên thúc đẩy việc hợp thức hóa hành động phá thai tại Hoa Kỳ hồi năm 1968. Bác sĩ Bernad Nafanson nói như sau: “Là một người vô thần không biết kính sợ Thiên Chúa là gì, tôi không hề cảm thấy áy náy trong lương tâm, tôi chỉ muốn giúp đỡ những người đàn bà bất đắc dĩ phải mang thai”.

Quyết định trở lại đạo công giáo của bác sĩ Bernad Nafanson đã đến trong một biến cố xảy ra tại Montreal, Canada. Lúc đó, một người đàn bà đã nhờ ông giúp phá thai. Thai nhi đã hầu như gần chết bởi tay của người cha. Bác sĩ Bernad Nafanson kể lại:

“Khi tôi thấy người đàn bà này, tôi bắt đầu có một cái nhìn khác về sự sống. Tôi bỗng nhận ra rằng được sống là một điều kỳ diệu biết chừng nào, cần phải dành cho các thai nhi không được sinh ra đặc ân được vui hưởng cuộc sống”.

Hiện nay, bác sĩ Bernad Nafanson là thành viên của nhóm người Mỹ đang tranh đấu để bãi bỏ luật cho phép phá thai. Ông nói rằng bệnh viện do ông điều khiển tại New York gồm có ba mươi lăm bác sĩ, tám mươi lăm y tá, mỗi ngày họ thực hiện một trăm hai mươi vụ  phá thai với giá một trăm hai mươi lăm mỹ kim một vụ. Mỗi năm, bệnh viện này thu nhập từ sáu tới bảy triệu mỹ kim.

Sau đây là lời khuyên mà ông muốn dành cho tất cả những ai đang tham gia vào hành động phá thai. Họ cần phải nghiên cứu kỹ càng hơn sinh thái học, hình thể học và những động thái của thai nhi để nhận thức rằng đây là một con người. Ðây là một thành phần trong cộng đồng của Chúa, cần phải được bảo vệ bằng bất cứ giá nào. Giết thai nhi là một xúc phạm đến Chúa và gia đình nhân loại.

* * *

Kinh nghiệm trên đây của bác sĩ Bernad Nafanson gợi lên câu nói thời danh của văn hào Nga, Doctoievski: “Nếu không có Thiên Chúa thì con người có thể phạm bất cứ tội ác nào”. Như viên bác sĩ này đã thú nhận chính vì vô thần, nghĩa là không hề biết kính sợ Thiên Chúa là gì cho nên ông mới xem nhẹ hành động sát hại thai nhi. Bất cứ một hành vi tội ác nào cũng đều bắt đầu bằng sự chối bỏ Thiên Chúa. Những trang đầu tiên của Kinh Thánh cho chúng ta thấy rõ diễn tiến ấy. Ông bà nguyên tổ loài người đã khởi đầu hành trình tội lỗi bằng hành động chối bỏ và loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Như thế, tội lỗi, theo định nghĩa, là một hành vi chối bỏ và khước từ Thiên Chúa, nhưng bởi con người là hình ảnh của Thiên Chúa cho nên khi chối bỏ và chà đạp con người, con người cũng chối bỏ và chà đạp chính Thiên Chúa. Thiên Chúa là Ðấng mà con người không thể không xúc phạm khi xúc phạm đến con người.

Mùa chay là trường dạy bác ái. Giáo Hội mời gọi chúng ta đào sâu ý thức về phẩm giá con người. Tôn trọng phẩm giá của chính mình là luôn tôn trọng tiếng nói của lương tâm mà Thiên Chúa đã ghi khắc trong đáy thẳm của tâm hồn. Tôn trọng phẩm giá của tha nhân là biết nhận ra và tôn trọng hình ảnh của Thiên Chúa trong mỗi người từ lúc còn trong lòng mẹ cho tới khi chết.

Lạy Chúa Giêsu,

Ðể mạc khải cho chúng con Thiên Chúa Cha, Chúa đã tự đồng hóa với mỗi một con người, nhất là những kẻ bé mọn nhất trong xã hội. Xin cho chúng con luôn biết nhận ra và yêu mến Chúa trong mỗi một tha nhân.

9. Sức Mạnh Của Ðức Tin

Một tác giả người Mỹ đã ghi lại một câu chuyện về niềm tin như sau:

Tại một vùng bên Hoa Kỳ, những tháng ngày nắng hạn kéo dài đã làm cho những cánh đồng nứt nẻ vàng úa. Ngày nào người dân trong vùng cũng ngước mắt nhìn lên trên trời với niềm mong đợi sẽ có một tín hiệu tốt, nhưng đất vẫn khô cằn, mưa vẫn không chịu rơi.

Một ngày chủ nhật nọ, tất cả các vị mục sư tại các nhà thờ trong vùng kêu gọi mọi người đến tham dự một buổi cầu nguyện chung tại quảng trường thành phố để xin trời đổ mưa. Mọi người được yêu cầu đừng mang theo bất cứ điều gì ngoài niềm tin của mình.

Vào giữa trưa một ngày thứ Bảy, tất cả mọi cư dân trong vùng tập trung tại quảng trường. Tất cả mọi người đều tin tưởng ở sức mạnh của lời cầu nguyện. Họ đến đó tràn trề hy vọng. Các vị mục sư rất cảm động khi nhìn thấy đám đông đã hưởng ứng lời kêu gọi của họ. Từng đám đông đứng sát bên nhau, nắm tay nhau liên kết với nhau trong cùng một niềm tin và hy vọng. Những bài thánh ca được cất lên một cách sốt sắng. Mọi người đều tin tưởng và chờ đợi phép lạ. Khi buổi cầu nguyện vừa kết thúc, như có một lệnh thần diệu nào đó, những giọt mưa nhỏ đã bắt đầu rơi, những tiếng reo hò cũng bắt đầu vang lên. Mọi người đều phấn khởi trước phép lạ tỏ tường. Cầm trong tay bất cứ đồ vật gì, người ta cũng giơ lên để biểu lộ niềm hân hoan. Nhưng từ xa nhìn về đám đông người ta chỉ thấy có một biểu tượng đáng chú ý, đó là hình ảnh một cậu bé trai chín tuổi cầm dù gương lên cao. Em là người duy nhất mang theo dù để chuẩn bị đón mưa.

* * *

Thánh Augustinô đã nói như sau: “Có đức tin là tin những gì chúng ta không thấy và phần thưởng của đức tin là thấy những gì chúng ta tin”.

Trong câu chuyện trên đây, mọi người tham gia buổi cầu nguyện xin trời đổ mưa đều là những người có lòng tin nhưng người duy nhất nhận được phần thưởng của lòng tin là em bé trai cầm theo chiếc dù để trú mưa. Lắm khi trong cuộc sống đức tin, chúng ta tưởng mình tin, nhưng kỳ thực chúng ta chưa dám thể hiện những cử chỉ đích thực của lòng tin. Ðúng hơn, niềm tin của chúng ta chưa đủ mạnh được thể hiện bằng những hành động cụ thể đòi hỏi nhiều hy sinh và từ bỏ. Một em bé cầm dù giữa đám đông, đó là hình ảnh của những đòi hỏi của đức tin.

Sống đức tin đích thực là dám sẵn sàng lên khỏi đám đông để sống thực cho những đòi hỏi của đức tin. Sống đức tin đích thực là sẵn sàng lội ngược dòng để cố gắng thực thi những giá trị của Tin Mừng.

Mùa Chay là trường đào luyện đức tin. Với những cố gắng chay tịnh hy sinh từng ngày, chúng ta được mời gọi đi vào một đức tin trưởng thành hơn. Sức mạnh của đức tin không dựa vào những biểu dương của số đông mà ở sự gặp gỡ của cá biệt thâm sâu của tâm hồn mỗi người, của Chúa. Ðó là sức mạnh mà Chúa Giêsu đã nói đến khi Ngài mượn hình ảnh của hạt cải để nói về lòng tin: “Nếu các con có đức tin bằng hạt cải, các con có thể chuyển núi dời non”.

Lạy Chúa,

Cảm tạ Chúa đã ban cho các con đức tin. Không có ơn Chúa, chúng con không làm được việc gì. Xin Chúa gia tăng lòng tin cho chúng con để chúng con luôn nhận ra muôn ơn lành của Chúa và đáp trả một cách quảng đại bằng những cố gắng sống cho đến cùng niềm tin của chúng con.

10. Sống Ðời Cầu Nguyện

Một ngày kia, các tu sĩ hỏi thầy Sirovin:

– Làm sao thầy có thể bảo những lời mà khiến cho những người thợ kia của thầy làm việc chăm chỉ đến thế và không cần trông chừng họ, trong khi mắt chúng con không rời khỏi những người thợ của chúng con mà họ vẫn đánh lừa chúng con?

Thầy Serovin trả lời:

– Tôi cũng không rõ. Tôi chỉ biết rằng vào mỗi buổi sáng, trước khi tới xưởng, tôi cầu nguyện cho họ. Tôi đến với họ bằng quả tim yêu thương. Khi tôi bước vào xưởng, tôi yêu thương họ với tình yêu dạt dào của lòng tôi. Tôi phân công cho họ rồi ra về với quyết định là sẽ cầu nguyện cho họ trong suốt thời gian họ làm việc. Trong phòng tôi, tôi đặt mình trước nhan Chúa và cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương nhớ đến Nicola, cậu còn nhỏ, mới hai mươi tuổi, cậu để lại con đầu lòng và vợ ở dưới quê. Chúa nghĩ xem cậu ta đau khổ biết mấy khi phải lìa xa vợ con như thế. Xin Chúa gìn giữ gia đình anh Nicola khỏi mọi tai biến”. Rồi tôi cầu nguyện cho những người thợ khác nữa. Tôi sống như vậy đó, tôi cầu nguyện cho mỗi một người thợ, người này rồi đến người khác. Cuối ngày, tôi đến trao đổi với họ vài câu chuyện. Chúng tôi cầu nguyện chung với nhau và họ ra về nghỉ ngơi. Phần tôi, tôi trở lại tu viện với nhiệm vụ còn lại của một đan sĩ.

* * *

Lời cầu nguyện luôn đi đôi với công việc bổn phận hàng ngày. Các cộng đoàn tu trì thường tổ chức làm sao để luôn luôn bất cứ giờ nào cũng có một tu sĩ cầu nguyện trước nhan Chúa thay cho những tu sĩ khác đang chu toàn bổn phận nơi khác.

Trong đời sống của từng chứng nhân, chúng ta tổ chức thế nào để tâm hồn luôn hướng về Chúa, làm sao cho mọi việc làm hàng ngày được đưa vào trong mọi lời cầu nguyện. Ðức cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách “Ðường Hy Vọng”, đã khuyên các người con tinh thần của mình sống đời cầu nguyện như sau: “Con hãy cầu nguyện luôn, bất cứ lúc nào, ở đâu. Chúa Giêsu đã nói: “hãy cầu nguyện luôn, không ngừng”. Người ta sống không nguyên bởi bánh, mà còn sống bởi Lời Chúa, Thánh Thể, Thánh Kinh, Thánh Nguyện. Nếu không, con sẽ không có sự sống thần linh. Lời cầu nguyện của con phải phổ cập, quả tim con phải chứa đựng cả thế gian. Nhưng đừng vì đó mà quên những thực thể trong con và chung quanh con. Ðặc biệt, với tâm hồn tận hiến, đáng lẽ trong căn cước phải khai nghề nghiệp là cầu nguyện. Các nghề khác thế gian đều làm cả. Thế gian đòi hỏi con làm đại lý và nài xin con “hãy cầu nguyện cho tôi”.

Như thầy đan sĩ Sirovin được nhắc tới ở trên, chúng ta cần cầu nguyện luôn, cầu nguyện cho tất cả mọi người, nhất là những ai ta gặp hằng ngày, những ai có liên hệ đến ta. Cần phải cầu nguyện luôn, cầu nguyện với hết lòng tin tưởng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã dạy các tông đồ: “Hãy xin thì sẽ được, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì bất cứ ai xin thì sẽ được, ai tìm sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. Nào ai trong các người thấy con mình xin bánh mà lại đưa cho nó hòn đá ư, hay là nó xin con cá mà lại trao cho nó con rắn ư? Vậy, nếu các con dù là kẻ xấu còn lấy của tốt mà cho con cái, phương chi Cha các con ở trên trời sẽ không ban những sự tốt lành cho những kẻ cầu khẩn Ngài hay sao?” (Mt 7,7-12).

Thử hỏi còn có lời nào có sức khuyến khích chúng ta cầu nguyện hơn những lời trên của Chúa Giêsu?

Thiên Chúa là Cha tràn đầy yêu thương đối với mọi con cái của Ngài. Chúng ta không cầu nguyện vì chúng ta không nhìn nhận, không tin tưởng vào người Cha cao cả là Thiên Chúa. Tin mà không cầu nguyện là chưa tin thật sự. Trong tập sách “Ðướng Hy Vọng”, Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã nhận định như sau: “Con ngạc nhiên vì sao nhiều người mất ơn cứu rỗi, mất đức tin, phản bội Giáo Hội. Trong bao nhiêu lý do luôn luôn có một lý do chính là họ đã bỏ cầu nguyện từ lâu rồi. Một người thánh mà không cầu nguyện là thánh giả. Con đợi xem, họ sẽ sụp đổ không mấy hồi”.

Lạy Chúa,

Xin thương củng cố đức tin nơi con để con được sống kết hiệp với Chúa luôn mãi trong mọi giây phút cuộc đời. Với Chúa cùng tiến bước, con sẽ không còn lo sợ điều chi nữa. Xin Chúa hãy đến ngự trong con cho con luôn sống tinh thần cầu nguyện và trung thành thực thi thánh ý Chúa mọi nơi và mọi lúc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *