Chiếc Áo Từ Nhân – P6

Chiếc Áo Từ Nhân – P6

Chiếc Áo Từ Nhân

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

1. Dấu Chỉ Của Tình Yêu

Trong vở kịch có tựa đề “Một con người của bốn mùa”, tác giả đã mô tả cảnh vua Henri VIII cố gắng thuyết phục thủ tướng của ông là thánh Thomas Moore hãy đồng ý với quyết định ly dị của ông và cưới nàng Pauline làm vợ. Vua Henri nói như sau:

– Thomas, khanh hãy hiểu cho rằng trẫm đang có nguy cơ mất linh hồn. Thật ra, giữa trẫm và vợ trẫm chẳng bao giờ có hôn phối cả, bởi vì nàng là quả phụ của anh trẫm.

Nhưng thánh Thomas Moore trả lời:

– Tâu bệ hạ, thần không có thẩm quyền để can thiệp vào vấn đề này. Thần nghĩ vấn đề thuộc thẩm quyền của Tòa Thánh…

Nhưng vua Henri VIII ngắt lời:

– Thomas ơi, phải chăng người ta cần có một vị giáo hoàng để nói cho mình biết khi nào mình đã phạm tội? Thomas, đây là một tội! Trẫm nhìn nhận điều đó, trẫm hối hận và Chúa đã trừng phạt trẫm, trẫm không có con trai. Thomas ơi, hết đứa con trai này đến đứa con trai khác, tất cả đều chết từ lúc mới sinh hay chỉ một tháng sau. Trẫm không bao giờ thấy bàn tay của Chúa tỏ tường như thế. Trẫm có một đứa con gái, đây là một đứa con ngoan, nhưng trẫm lại chẳng có con trai. Nhiệm vụ của trẫm là gạt bỏ hoàng hậu và xin các vị giáo hoàng đừng xen và giữa trẫm và nhiệm vụ của trẫm.

Rồi ông nài nỉ thánh Thomas Moore một lần nữa như sau:

– Tại sao khanh không thấy điều đó trong khi mọi người đều thấy?

Một cách bình tĩnh, thánh nhân trả lời:

– Thế thì tại sao bệ hạ lại cần sự ủng hộ của hạ thần?

Vua Henri VIII nói từng tiếng như sau:

– Bởi vì khanh là một con người lương thiện và ai cũng biết rõ sự lương thiện của khanh. Khanh nhìn xem, có những người phò trẫm là bởi vì trẫm đang đội triều thiên trên đầu. Có những người đi theo trẫm chỉ vì họ là những con gấu với răng nhọn, còn trẫm là một con sư tử. Có cả một đám đông đi theo trẫm, chỉ vì họ để cho đám đông lôi cuốn, nhưng khanh thì khác.

Những lời trên đây của một người nắm quyền sinh sát trên tay không chỉ là những lời đường mật mà đã vẽ ra cho thánh Thomas Moore một thập giá đang chờ đợi ở phía trước. Thánh nhân có thể khước từ thập giá ấy và sống trong phú quí và danh vọng, hoặc là thách thức nhà vua và chọn lấy cái chết. Nhưng cuối cùng ngài đã ôm lấy thập giá, ngài đã chọn con đường thập giá của Chúa Giêsu.

* * *

Cũng giống như chiếc ghế điện tại những nơi còn duy trì án tử hình, thập giá quả là một điều chướng kỳ. Chúa Giêsu đã bị treo lên trên ấy và chúng ta được kêu mời ôm lấy nó. Thật không gì ngu xuẩn bằng khi đặt trọng tâm của cuộc sống vào thập giá ấy, nhưng Chúa Giêsu lại dùng biểu tượng của nhục nhã khủng khiếp đó để nói lên tư cách của người môn đệ của Ngài: “Ai không vác thập giá và đi theo Ta không đáng làm môn đệ Ta”.

Thập giá không phải là một món đồ trang sức mà là một thách đố giữa sống và chết, giữa tình yêu và hận thù, giữa hy sinh và ích kỷ, giữa hạnh phúc và khổ đau.

Thập giá là dấu chỉ của tình yêu. Chúa Giêsu đã nói: “Không có tình yêu nào cao quí hơn mối tình của người thí mạng vì người mình yêu”. Thập giá là một lời mời gọi sống yêu thương. Chúa Giêsu đã nói: “Hãy yêu thương như chính Thầy đã yêu thương các con”. Thập giá là một mạc khải về tình yêu đích thực. Yêu là đau khổ, yêu là hy sinh. Thời đại của chúng ta là thời đại của giảm đau. Người ta sử dụng thuốc giảm đau để làm bớt cơn đau trong thân xác đã đành, người ta còn tìm đủ mọi cách để tránh hy sinh. Nhưng thập giá của Chúa Giêsu soi rọi cho chúng ta thấy rằng một cuộc sống không có thập giá là một cuộc sống vô nghĩa và không đáng sống.

Lạy Chúa Giêsu,

Xin cho chúng con biết can đảm bước theo con đường thập giá của Chúa. Xin cho chúng con biết dâng lên Chúa những hy sinh trong suốt tuần này để được kết hiệp với Chúa trong mầu nhiệm khổ nạn hầu được tham dự vào sự sống lại của Chúa.

2. Lời Mời Gọi Yêu Thương

Trong quyển tiểu thuyết có tựa đề “Người du hành”, tác giả Richard Masterson đã tưởng tượng ra một chuyến đi kỳ thú của một nhà khoa học tên là Paul Chirus. Chirus là thành viên của một nhóm nghiên cứu đã phát minh được một màn ảnh năng lượng có thể đưa con người trở về quá khứ.

Chuyến đi đầu tiên được dự định vào những ngày trước lễ Giáng Sinh. Chirus đã được chọn để thực hiện chuyến đi đầu tiên. Ông quyết định trở về với thời gian Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên đồi Canvê. Là một người vô thần, ông muốn có một cái nhìn về việc Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá khác với những gì được ghi lại trong Kinh Thánh. Khi giây phút lịch sử đến, Chirus được đưa vào trong màn ảnh năng lượng. Chuyến đi về quá khứ diễn ra thành công. Không mấy chốc, Chirus thấy mình lần lượt trở về với từng giai đoạn của quá khứ. Một trăm năm, một ngàn năm, và cuối cùng ông dừng lại ở thời điểm hai ngàn năm trước công nguyên. Màn ảnh năng lượng đã dừng lại đúng mục tiêu dự định. Chirus thấy mình đang tới gần đồi Canvê, dân chúng đứng đông nghẹt trên quả đồi. Tất cả mọi người đều dán mắt vào ba người bị đóng đinh trên thập giá. Trong màn ảnh năng lượng, Chirus chỉ đứng cách đám đông khoảng hai trăm thước. Ông liền liên lạc về trung tâm điều khiển để xin phép được đến gần với cảnh tượng hơn. Trung tâm đồng ý nhưng bảo ông không được rời khỏi màn ảnh năng lượng. Chirus từ từ tiến gần tới chỗ Chúa Giêsu bị đóng đinh, càng tiến đến gần ông càng nhìn thẳng vào Chúa Giêsu. Thình lình, một điều kỳ diệu dã diễn ra, như một miếng kim loại nhỏ bị nam châm thu hút, ông thấy mình bị Chúa Giêsu lôi kéo, ông cảm thấy tình yêu của Chúa Giêsu tỏa lan một cách mãnh liệt. Ðây là điều mà ông chưa từng cảm nhận được. Rồi, trái với sự chờ đợi của ông, tất cả mọi biến cố trên đồi Canvê bắt đầu diễn ra y như các sách Tin Mừng đã mô tả, Chirus cảm thấy bị dao động. Trung tâm điều khiển nhận thấy điều đó tức khắc và người ta sợ rằng Chirus đã bắt đầu để cho cảm xúc điều khiển ông, họ bảo ông hãy chuẩn bị trở về với thế kỷ 20. Chirus phản đối nhưng người ta cũng đã đưa ông trở về lại với hiện tại. Khi bước ra khỏi màn ảnh năng lượng, Chirus hoàn toàn là một con người đổi mới.

Tác giả kết thúc câu chuyện khoa học giả tưởng như sau: “Hôm đó là đêm Giáng Sinh và đó là một đêm tuyệt vời để tìm gặp đức tin”.

* * *

Chúng ta đã bước vào Tuần Thánh, chúng ta hãy trở lại đồi Canvê, chúng ta trở lại đó không phải để chỉ dừng lại với nỗi khổ đau của Chúa Giêsu trên thập giá, mà chính là để cảm nghiệm được tình yêu của Ngài. Thật thế, với cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta về tình yêu bằng ba cách:

Trước hết, thập giá của Chúa Giêsu là dấu chỉ của tình yêu. Thật thế, chính Ngài đã nói với chúng ta: “Không có tình yêu nào cao quí hơn tình yêu của người thí mạng vì người mình yêu. Chúa Giêsu chết trên thập giá là để nói với chúng ta rằng Ngài yêu thương chúng ta.

Thứ đến, với cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu muốn mời gọi chúng ta yêu thương. Thật thế, Ngài đã dạy chúng ta: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”.

Cuối cùng, thập giá là một lời mời gọi hy sinh. Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng tình yêu đích thực luôn đi đôi với hy sinh và khổ đau. Không có tình yêu nào mà không đòi hỏi hy sinh. Yêu là khổ đau, yêu là chấp nhận chết trong lòng một ít.

Trong những ngày này, khi đi lại con đường thập giá của Chúa Giêsu và chiêm ngắm Ngài trên thập giá, chúng ta hãy tha thiết xin Ngài dạy chúng ta biết sống yêu thương như Ngài.

Lạy Chúa

Chúng con chưa biết sống yêu thương, chúng con vẫn để cho ích kỷ và vụ lợi thúc đẩy những toan tính của chúng con. Xin dạy chúng con biết sống yêu thương và đón nhận mọi hy sinh và khổ đau vì yêu thương.

3. Ðáp Lại Lời Mời Gọi Yêu Thương

Trong năm mươi sáu năm cuộc đời của ông, Hittler đã sát hại trên sáu triệu người Do Thái và gây ra đau thương tang tóc cho không biết bao nhiêu triệu người khác. Nhưng trong địa ngục của hận thù ấy người ta vẫn thấy được những đóa hoa của yêu thương. Có khi người thắp lên được một tia sáng của yêu thương ấy lại chỉ là một con người vô danh, như trường hợp của người lính binh nhì tên là Joseph Suns trong quân đội Ðức Quốc Xã.

Joseph Suns là một người lính Ðức được gửi đến Nam Tư liền sau khi nước này bị Ðức Quốc Xã xâm chiếm. Anh là một người lính trẻ, có kỷ luật và trung thành với tổ quốc. Một ngày nọ, viên trung sĩ gọi tên của tám người lính trong đó có anh. Tất cả đều nghĩ rằng họ được giao công tác đi tuần tiễu. Họ tới trình diện trước mặt viên trung sĩ chỉ huy và được lệnh đi đến một ngọn đồi. Họ vẫn chưa biết sẽ làm gì.

Tại ngọn đồi, tám người Nam Tư, gồm năm người đàn ông và ba phụ nữ, bị trói tay đang chờ đợi họ. Tám người lính Ðức Quốc Xã đã hiểu được sứ mệnh ủy thác cho họ. Tám người lính Ðức đứng xếp hàng trước mặt tám người Nam Tư. Khi viên trung sĩ vừa hô hai tiếng chuẩn bị, tất cả đều lên cò và nhắm thẳng vào các nạn nhân. Thình lình, một cây súng được thả rơi xuống đất đánh tan sự thinh lặng nặng nề đang bao trùm pháp trường. Viên trung sĩ và bảy người lính khác cũng như tám phạm nhân Nam Tư nhìn về phía Joseph Suns, anh từ từ rời bỏ hàng ngũ và đi về phía những người sắp bị xử bắn. Viên trung sĩ gọi anh trở lại nhưng anh bước đi những bước thật cương quyết về phía các phạm nhân, nắm tay họ và quay về phía các lý hình. Pháp trường chìm trong thinh lặng một hồi lâu. Bỗng viên trung sĩ ra lệnh bắn. Những tiếng súng chát chúa nổ vang và binh nhì Joseph Suns ngã gục bên cạnh tám người Nam Tư. Máu của anh chan hòa với máu của họ. Khi thu dọn pháp trường, người ta tìm thấy trên thi thể anh một mẩu giấy có chép những lời thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi cho các tín hữu Côrintô đoạn 13:4-7 như sau: “Tình yêu không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả và chịu đựng tất cả…”

* * *

Tình yêu mạnh hơn sự chết. Trong những ngày này, chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thập giá. Với những người ngoài Kitô giáo, với những người mà sự thành công thịnh vượng là giá trị cao nhất trong cuộc đời, thì quả thật tôn thờ một con người đã bị treo trên thập giá là điều ngu xuẩn nhất trên trần gian này.

Những người Hy Lạp vốn đi tìm lẽ khôn ngoan dựa trên lý trí và sự hiểu biết, đã từng xem cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là điều ngu xuẩn nhất. Còn đối với người Do Thái thì cái chết ấy chỉ là phần số dành cho những kẻ yếu nhược mà thôi. Ông tổ của chủ thuyết vô thần cũng đã từng gọi các nhân đức được Kitô giáo đề cao là những đức tính của loài vật. Nhưng trong ánh sáng mạc khải chúng ta biết rằng tình yêu mạnh hơn sự chết. Quả thật, trên thập giá ấy, Ngài đã chiến thắng tội lỗi, sự dữ, hận thù và chết chóc. Không có cái chết nào hào hùng hơn cái chết của người hy sinh mạng sống vì người khác. Từ hai ngàn năm qua, biết bao nhiêu người đã chứng minh điều đó. Nhân loại sẽ mãi mãi đề cao những con người dám liều mạng sống của mình vì người khác nhưng lại nguyền rủa những con người chỉ gây ra đau thương tang tóc cho người đồng loại của mình.

Thập giá là phát minh bỉ ổi nhất trong lịch sử nhân loại, nhưng kể từ khi Chúa Giêsu đã biến nó thành khí cụ của tình yêu thì mãi mãi các tín hữu đón nhận nó như biểu trưng của tình yêu và lẽ sống. Thập giá đã trở thành niềm vinh dự của họ.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúng con đang chiêm ngắm Chúa trên thập giá. Xin cho chúng con luôn đáp lại lời mời gọi của Chúa để mỗi ngày biết đón nhận thập giá và hân hoan tiến bước theo Chúa.

4. Hướng Ðến Mai Sau

Ngày nọ, tại một khu rừng diễn ra một cuộc gặp gỡ của ba con vật: lừa, rùa và ruồi. Cuộc sống của loài ruồi chỉ kéo dài trong một ngày. Con ruồi nói với rùa và lừa như sau:

– Các bạn thử xem, nếu mà cuộc sống của tôi dài hơn một chút nữa thì dễ chịu làm sao. Thử xem, chỉ trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ mà tôi phải làm mọi việc, nào là được sinh ra, rồi phải lớn lên, phải học biết những kinh nghiệm, phải chịu đau khổ cũng như hưởng những niềm vui, rồi già cỗi và chết đi. Tất cả chỉ diễn ra trong hai mươi bốn giờ đồng hồ thôi.

Lừa nói:

– Nếu tất cả chỉ diễn ra trong hai mươi bốn giờ thì tôi thích chỉ được như thế thôi. Tôi sẽ cố gắng cho đi tất cả, rất ngắn ngủi nhưng cũng rất ngọt ngào.

Rùa nhìn lừa rồi nói:

– Tôi chẳng thể nào hiểu được các bạn. Tính cho đến lúc này là tôi đã sống được ba trăm năm rồi, vì thế cũng chẳng có thời gian để chia sẻ với các bạn những kinh nghiệm của tôi bởi tôi đã có quá nhiều kinh nghiệm. Khi vừa tròn hai trăm tuổi, tôi ao ước cuộc sống của tôi sớm được kết thúc.

Rồi quay nhìn lừa, rùa nói:

– Tôi ganh tị với bạn và với ruồi.

Lừa nói:

– Thật đáng tiếc cho bạn.

Lừa lại phát biểu:

– Sau khi nghe rùa nói, tôi thấy không thể nào tưởng tượng được và ước gì tôi có được cuộc sống dài như vậy. Tôi có thể sống ba trăm năm có được không? Hãy nghĩ xem, nếu có cơ hội được sống lâu như vậy tôi sẽ rất vui vì được nếm hưởng mọi sự trên đời này một cách lâu dài và thật mãn nguyện.

Rồi cả ba cùng buồn bã nhìn nhau trong im lặng, rồi chúng đo lường cuộc đời của chúng dài ngắn theo thời gian của kim đồng hồ, mỗi kẻ thích một điều, con thì thích đời dài hơn, con khác lại thích đời mình ngắn hơn một chút. Cả ba con vật cùng nhìn ra xa và thấy con nhện đang giăng tơ. Chị nhện vẫn được coi là vật khôn ngoan, được hỏi ý kiến, và xin cho mình một lời khuyên phù hợp. Nhện nhìn rùa và bảo:

– Rùa ơi, hãy ngưng phàn nàn đi vì nào có ai có được nhiều kinh nghiệm bằng ngươi đâu. Còn chú ruồi cũng đừng nên phàn nàn chi cả, vì có ai có nhiều niềm vui như ngươi đâu, vì chỉ trong hai mươi bốn giờ đồng hồ mà ngươi được nếm hưởng mọi sự trên cuộc đời này. Và lừa ơi, ta chẳng biết phải nói với ngươi điều gì vì ngươi dường như muốn sống lâu như rùa là giống loài muốn sống cuộc đời ngắn như chú ruồi kia, ngươi mãi vẫn chỉ là một loài vật ngốc nghếch.

* * *

Người ta thường dùng câu ngụ ngôn để giải thích tại sao nói ví là ngốc như rùa. Nhưng ở khía cạnh khác của câu chuyện, chúng ta cũng rút ra một bài học hữu ích cho chúng ta khi suy nghĩ về số mạng của mình, như chúng ta đã từng nói với nhau, chúng ta chỉ thực sự hạnh phúc khi chúng ta nhận ra số mạng Chúa đã ủy thác cho mỗi chúng ta. Thái độ đó không làm thui chột khả năng mơ ước của chúng ta. Khả năng mơ ước và ngưỡng vọng của chúng ta thăng tiến cuộc sống của mình. Vì thế, chúng ta nên phát huy khả năng ước vọng Chúa ban cho chúng ta. Nhưng chúng ta cũng đừng đồng hóa khả năng tốt lành đó với một tật xấu khác là sự ganh tị.

Sự ngưỡng vọng về một tương lai có thể là một tương lai xa mà cùng có thể là tương lai gần, và những chọn lựa của chúng ta trong cuộc sống thường nhật chỉ cách nhau một vài giây sẽ làm cho chúng ta nhìn ra chính con người thật của mình với những ưu khuyết điểm rất rõ ràng. Từ đó, chúng ta sẽ biết mình phải cố gắng phát triển thêm những mặt nào cũng như phải loại bỏ những điều gì không phù hợp trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Thái độ ấy không làm chúng ta thất vọng, trái lại nó làm chúng ta biết khiêm nhường và mau tiến triển hơn.

Làm sao có hạnh phúc khi nhận ta con người thật của mình trong chương trình của Chúa?

Chúng ta vui và hạnh phúc là nhờ Thiên Chúa và lời mời gọi nên trọn lành của Ngài để sống vui, trái lại sự ganh tị làm cho người ta cảm thấy nôn nao và lo lắng. Người có tính ganh tị là người chỉ nhìn vào người khác rồi lo sợ và so bì với họ chứ không nhìn vào chính mình. Người có tính ganh tị cũng sẽ là người hoặc tự mãn tự kiêu hay là người luôn tự ti mặc cảm, và những người này không thể nhìn xa hơn để vượt ra khỏi cái nhìn của mình, để rồi cứ quanh quẩn với cái nhìn phiền trách của mình để so đo điều hơn thiệt của mình với người khác. Vì vậy, mỗi chúng ta hãy luôn nhắc mình để biết nhìn xa hơn, đặt mình trong chương trình của Chúa. Chỉ khi chúng ta được nằm trong tình thương quan phòng của Chúa, chúng ta mới nhận ra giá trị của mình với Chúa hơn, cũng như sống tương quan, với anh chị em mỗi ngày một tốt hơn.

Lạy Chúa,

Xin cho chúng con biết sống gắn bó mật thiết với Chúa hơn trong mùa Chay này để chúng con nhận ra ơn gọi của mình và biết trân trọng những khác biệt của anh chị em để sống vui, hạnh phúc và luôn ngưỡng vọng về Chúa kể cả chân thiện mỹ.

5. Sức Mạnh Của Thập Giá

Vào năm 1856, các nhà khảo cổ đã thực hiện một cuộc khám phá đầy thú vị tại đồi Palatino ở Rôma. Khi đào bới lớp đất bao phủ một trại lính Rôma cổ, trên vách một bức tường họ tìm thấy một cây thập giá được một người lính nào đó dùng đinh hay mũi dao cắt một cách vụng về trên tường. Bên cạnh thập giá là hình một chàng thanh niên giơ tay chào kính thập giá. Trên thập giá có vẽ hình một người nhưng đầu ấy là hình một con lừa. Dưới hai bức hình người ta thấy có viết hàng chữ: “Alexandre Menos thờ lạy Chúa của hắn”. Các nhà khảo cổ cho rằng có thể bức tranh đã được thực hiện khoảng giữa những năm 123 và 126 sau công nguyên. Nếu sự phỏng đoán về niên biểu này đúng thì đây có lẽ là hình vẽ về thập giá cổ xưa nhất và đồng thời cũng là một thập giá bị nhạo báng. Người ta có thể đọc được ý tưởng đàng sau hình vẽ ấy như sau: “Nếu Thiên Chúa mà chết trên thập giá thì đây là một hành động yếu hèn, khờ dại như hành động của một con lừa. Và cả những người thờ lạy Thiên Chúa trên thập giá cũng là những kẻ ngu dại như lừa.”

Vào năm 1870, các nhà khảo cổ đã tìm được câu trả lời mà họ nghĩ là của một chàng thanh niên mang niềm tin kitô tên là Alexandre Menos. Ở một cột trụ bằng đá dựng hình một vị thần vốn là thần của chiến tranh, người ta lại đọc được dòng chữ như sau: “Alexandre Menos vẫn vững tin”.

* * *

Quả thật, hình ảnh của một Thiên Chúa chịu treo trên thập giá là một hình ảnh khủng khiếp. Hình ảnh này tự nhiên gợi lên sự yếu nhược và khờ dại, nhưng thánh Phaolô lại biện hộ cho hành động mà người đời cho là điên rồ ấy như sau:

“Tiếng nói của thập giá đối với những kẻ hư hỏng là điên rồ. Còn đối với những người được cứu rỗi, tức chúng ta, thì đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Thật vậy, người Do Thái đòi hỏi phép lạ. Người Hy Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan. Còn chúng tôi thì giảng về Chúa Kitô chịu đóng đinh vào thập giá. Người Do Thái cho đó là điều xấu xa, còn những người ngoại giáo thì cho là dại dột. Nhưng với tất cả những ai được Thiên Chúa tuyển chọn thì Chúa Kitô chịu đóng đanh là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa”.

Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta chiêm ngưỡng sự khôn ngoan và sức mạnh ấy của Thiên Chúa. Từ thập giá ấy chúng ta cũng múc lấy sự khôn ngoan và sức mạnh để vác lấy chính thập giá của mỗi người chúng ta. Một người đàn bà tại trại tập trung Ðức Quốc Xã đã viết một lời nguyện và cài vào thi thể của đứa con gái nhỏ của mình. Người đàn bà cầu nguyện như sau:

“Lạy Chúa, xin Chúa không chỉ nhớ đến những người thiện chí mà cũng thương đến những kẻ ác tâm, nhưng xin Chúa đừng nhớ đến tất cả những khổ đau mà họ đã gây ra cho chúng con. Xin Chúa hãy nhớ đến những hoa quả mà chúng con đã có được nhờ những đau khổ này, đó là tình bạn, sự trung thành, tính khiêm tốn, lòng can đảm, trái tim quảng đại, tâm hồn cao thượng đã đâm chồi nẩy lộc từ những khổ đau ấy. Và khi chúng con ra trước tòa Chúa, xin cho những hoa trái ấy trở thành bảo chứng của ơn tha thứ dành cho họ”.

Bexitanbul, người thiếu nữ cũng chết trong cùng một trại tập trung đã thề nguyền không bao giờ thù ghét những cai tù đã từng đánh đập hành hạ cô. Trong cơn hấp hối, người thiếu nữ này đã thốt lên như sau: “Chúng ta phải nói với mọi người những gì mà chúng ta đã học được ở đây. Chúng ta phải nói với họ rằng không có giếng nào sâu hơn tình yêu của Thiên Chúa”.

Những lời trên đây đã xuất phát từ miệng của những con người đã bị chính người đồng loại của mình đày vào tầng đáy của địa ngục trần gian. Họ đã tìm thấy sức mạnh và lẽ khôn ngoan của thập giá.

Lạy Chúa Giêsu,

Chiêm ngắm và hôn kính Thập Giá Chúa trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh, xin cho chúng con cũng biết đến kín múc sức mạnh và lẽ khôn ngoan từ thập giá Chúa. Xin cho chúng con biết đón nhận thập giá mỗi ngày và đi theo chân Chúa với tất cả những tín thác và tin yêu.

6. Mầu Nhiệm Phục Sinh

Trong sứ điệp Phục Sinh gửi cho tổng giáo phận Sidney, Australia, Ðức cha Georgie Bens có kể lại gương can đảm của một người phụ nữ phi châu như sau:

Người đàn bà Phi Châu này hiện đang đứng coi một trung tâm giúp đỡ những người túng thiếu và không nhà không cửa. Cụ thể, mỗi ngày bà nấu cơm và dọn cho họ ăn. Chuyện đáng nói là bởi vì bà, con gái của bà và ngay cả đứa cháu nội bốn tuổi đều đã bị hãm hiếp dã man bởi chính những người đàn ông địa phương. Tội ác đã diễn ra ngay trước trung tâm cứu trợ của bà. Người đàn bà biết rõ những kẻ đã hành hạ bà. Bà vẫn thường thấy họ đi lại trên đường phố, nhưng vì chế độ tham nhũng cho nên các phiên tòa chỉ là trò hề và những kẻ gây ra tội ác vẫn không bao giờ bị trừng phạt.

Khi được hỏi tại sao giữa những đau khổ như thế bà vẫn có thể tiếp tục sống và giúp đỡ những người hàng xóm và những người túng thiếu khác? Bà trả lời như sau: “Bởi vì có Chúa đang ở với tôi!”

* * *

Những người ngoài kitô giáo thường tỏ ra khó chịu và đôi lúc bất mãn hay nổi giận về thái độ bình thản của các kitô hữu khi đứng trước đau khổ. Người phụ nữ Phi Châu được Ðức Tổng Giám Mục Sidney đề cao trên đây không phải là một con người bất thường hay vô cảm, bà phải đối phó với nỗi khổ đau khủng khiếp của bà từng ngày, nhưng dù vậy, bà vẫn cảm thấy an bình và tiếp tục hy vọng. Sở dĩ người đàn bà này có thể đứng vững như thế không phải vì bà không còn đau khổ nữa mà chỉ vì Thiên Chúa vẫn có đó và bà vẫn cảm nhận được tình yêu của Ngài.

Câu chuyện trên đây đưa chúng ta vào trọng tâm của mầu nhiệm phục sinh. Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và là người thật, đã đến trong thế gian. Và ở vào tuổi thanh niên, Ngài đã chịu tra tấn, hành hạ và cuối cùng chết treo trên thập giá. Nỗi đau khổ của Chúa Giêsu có thể mang lại niềm an ủi cho chúng ta những lúc chúng ta gặp đau khổ. Ngài đã chết nhưng ba ngày sau đó đã sống lại và ra khỏi mồ. Ngài chứng minh cho chúng ta thấy rằng tình yêu và sự sống mạnh hơn đau khổ và sự chết.

Phục sinh không chỉ là ngày lễ trọng nhất của kitô giáo mà còn là một mùa đặc biệt của hy vọng cho tất cả mọi người đang đau khổ. Kỳ thực, có ai trong chúng ta thoát khỏi khổ đau. Ít hay nhiều, mỗi người đều có một thập giá để vác, nhưng Chúa vẫn có đó và Ngài vẫn yêu thương chúng ta.

Thứ Bảy Tuần Thánh, chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu đang nằm trong mộ. Bầu khí tĩnh lặng của nhà thờ gợi lên trong tâm hồn chúng ta sự an bình. Ðó là sự an bình của tin yêu và phó thác. Hình ảnh của Chúa Giêsu đang an nghỉ trong mồ nhắc nhở chúng ta về hình ảnh của hạt giống được gieo vào trong lòng đất. Như Ngài đã nói: “Nếu hạt giống được gieo vào lòng đất mà không thối đi, thì nó sẽ trơ trụi một mình. Nhưng nếu nó thối đi, nó mới sinh nhiều bông hạt”. Những nỗi khổ đau mà chúng ta đang trải qua là những hạt giống cần được gieo vào lòng đất. Chỉ khi nào chúng ta chấp nhận đặt vào ngôi mộ của Chúa Giêsu những nỗi khổ đau của chúng ta, niềm hy vọng mới bừng lên trong chúng ta và niềm tin yêu, tín thác, mới đơm hoa kết trái trong chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúng con đang chiêm ngắm Chúa trong ngôi mộ. Chúa đang yên giấc để chuẩn bị sống lại. Chúng con xin được đến với Chúa cùng với gánh nặng của bao vất vả sầu đau trong cuộc sống. Xin cho chúng con được kết hiệp với Chúa để cũng được cùng với Chúa sống lại trong con người mới của tin yêu và hy vọng.

7. Tin Mừng Phục Sinh

Trong cuốn sách tâm linh bán chạy nhất trong nhiều năm có tựa đề “Hy Vọng cho loài Hoa”, tác giả Trina Polous đã viết bằng các hình vẽ hơn là bằng chữ, mà những hình vẽ lại toàn là những con sâu róm.

Con sâu róm sinh ra trên một cành cây, trong một gia đình êm ấm. Một hôm, nó chợt nhận ra mình đã trưởng thành, nó thấy cần phải đi xuống với cuộc đời và nó đã bò xuống, nó ngạc nhiên tại sao chỉ gặp toàn những con sâu đang hối hả đi về phía trước, nó hỏi chúng đi đâu thì tất cả đều im lặng không nói gì cả. Con sâu róm tò mò đi theo.

Một hồi lâu, nó thấy một cái cột thật cao, đỉnh chạm tới trời. Nhìn kỹ hơn nó nhận ra đó là một cái cột toàn sâu lúc nhúc đang chen nhau bò lên. Nó hỏi trên đó có gì không, không ai trả lời. Thấy có một đám đông sâu chen chúc leo lên như thế, nó cũng hòa mình vào và cố gắng gạt bỏ những con sâu khác để đạt mục tiêu, nhưng leo đến lưng chừng thì nó thấm mệt. Nghĩ rằng ở trên đỉnh cột cũng chẳng có gì đáng để xem cho nên nó lại trèo xuống. Nhưng rồi con sâu róm lại đâm hồ nghi về chính mình. Thấy mình chẳng giống ai, nó liền quan sát kỹ những con sâu khác đang miệt mài trèo lên. Thế là nó lại ra sức trèo lên một lần nữa. Dĩ nhiên lần này nó hung hãn hơn lần trước. Và cuối cùng nó đã leo lên đến đỉnh cao, nhưng cũng chính đó là lúc nó thất vọng nhất. Trên đỉnh ấy chẳng có gì cả. Thì ra cái cột giàu sang cuộc đời này chỉ là một ảo tưởng được tạo bằng chính những con sâu bon chen đặt ra các tiêu chuẩn giá trị. Nhìn sang rừng cây bên cạnh, nó thấy một đàn bướm đủ màu sắc đang tung tăng vỗ cánh thảnh thơi. Nó có dịp lắng đọng nhìn kỹ để phát giác một điều là ở cành cây có treo lủng lẳng những tổ kiến. Ðó là những cái mồ chôn để sâu có thể chui vào và lột xác thành bướm. Con đường thật là đau khổ, nhưng không còn một con đường nào khác hơn.

* * *

Tin mừng phục sinh được gói ghém trong một ngôi mộ trống. Ngôi mộ trống ấy trước tiên xác nhận sự kiện Chúa Giêsu đã chết và đã được mai táng. Cũng như loài sâu đã được vỏ kiến hóa thành làm bướm, Chúa Giêsu cũng đã chết và mai táng trong mồ để phục sinh. Từ cái chết và sự phục sinh ấy Chúa Giêsu đã đề ra một qui luật mới cho loài người: có chết đi mới được sống lại, hạt giống có thối đi mới thành cây, con sâu có rụng lông đi mới thành bướm.

Mùa phục sinh, chúng ta được mời gọi để nhận ra hiện trạng chúng ta là hạt giống, là con sâu với khát vọng thành cây, thành bướm. Và để đạt được ước vọng ấy, chúng ta phải có đủ can đảm chấp nhận bị vùi vào lòng đất như hạt giống chui vào tổ kiến và đón nhận khổ đau để chờ ngày được biến dạng.

Liệu chúng ta có sẵn sàng đi vào tiến trình biến dạng ấy chưa, hay vẫn tiếp tục bám vào lớp bụi bặm của phù du tự đọa đày mình và làm khổ người khác?

Lạy Chúa Kitô Phục Sinh,

Chúa đã đón nhận thân phận con người của chúng con, Chúa đã chết cái chết của chúng con và đã sống lại để mời gọi chúng con sống bằng sự sống của Chúa. Xin cho chúng con cũng biết đón nhận thân phận con người với bao khổ đau của chúng con. Xin nhờ những khổ đau ấy cho chúng con được đủ sức cởi bỏ con người cũ của tội lỗi để được sống lại bằng sự sống của Chúa.

8. Sứ Ðiệp Cứu Ðộ Của Kitô Giáo

Sáng hôm ấy, vào một buổi sáng thật đẹp trời, bé Hương Lan được ông ngoại đưa tới công viên để chơi. Ông dẫn cháu đi đường tắt, băng qua nghĩa trang thành phố. Vừa đi bé vừa chú ý quan sát những cây thập giá, những hình tượng và những bình hoa đặt trên các nấm mộ ở hai bên lối đi. Vốn là đứa trẻ thông minh ở tuổi lên bốn, Hương Lan luôn có những câu hỏi sẵn trên môi miệng. Vừa giơ tay chỉ vào những nấm mộ, bé vừa hỏi:

– Ngoại ơi, những cái gì đây?

Ông ngoại giật mình trước câu hỏi bất ngờ, lúng túng không biết phải giải thích thế nào cho bé về vấn đề sự chết. Cuối cùng, ông đành phải nghĩ ra một cách trả lời. Ðưa tay chỉ về những căn nhà dưới chân đồi, ông nói:

 Họ là những người đã từng sống như những người ở trong căn nhà dưới kia, nhưng rồi Chúa gọi về sống trong nhà của Chúa với các thiên thần.

Hương Lan tò mò hỏi thêm:

– Họ có đi theo Chúa về nhà của Chúa với các thiên thần không ngoại?

Ông mau mắn gật đầu trả lời cho qua và chỉ mong cháu không hỏi thêm nữa:

– Có chứ, họ đã đi theo Chúa về nhà các thiên thần luôn rồi.

Bỗng nhiên, bé ngước mắt nhìn ông mỉm cười như vừa hiểu được một điều gì mới lạ, bé nói thêm:

– Ngoại ơi, cháu nghĩ là khi họ đi theo Chúa về nhà Chúa với các thiên thần, họ đã để lại quần áo của họ ở đây phải không?

* * *

Câu nói tuy đơn sơ dí dỏm của em bé nhưng cũng đã diễn tả được phần nào ý niệm về sự chuyển tiếp từ cái chết của thể xác qua tới sự sống của linh hồn là gì. Câu nói của bé gợi lại trong tâm trí chúng ta lời các thiên thần đã nói với bà Madalêna và mấy phụ nữ vào sáng sớm ngày chủ nhật phục sinh, khi họ đem dầu thơm đến mộ Chúa Giêsu. Vừa tới mộ, họ thấy tảng đá trên mộ đã được lăn sang một bên. Bước vào trong mộ, họ hoảng hốt ngạc nhiên không thấy thi hài của Chúa Giêsu đâu cả, chỉ thấy ngôi mộ trống với khăn liệm và khăn trùm đầu của Ngài còn bỏ trong mồ mà thôi. Các bà lại nghe thấy tiếng hỏi: “Tại sao các bà lại tìm người sống ở giữa kẻ chết? Người không còn ở đây nữa, nhưng đã sống lại rồi. Hãy nhớ lại điều Ngài đã nói với các bà hồi Ngài còn ở Galilê, là Con Người phải bị nộp trong tay phường tội lỗi và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sẽ sống lại” (Lc 24,5-7). Các bà liền nhớ lại lời Chúa Giêsu. Lập tức họ ra khỏi mồ, chạy về báo cho các môn đệ và nhiều người khác những điều họ đã tai nghe mắt thấy.

Qua mọi thời đại, biến cố phục sinh của Chúa Giêsu vẫn là tâm điểm của tất cả sứ điệp cứu độ của kitô giáo. Ðối với những người không muốn hiểu và không muốn tin thì không ngôn ngữ nào có thể diễn tả đầy đủ hết được, nhưng đối với những người muốn hiểu thì không cần đến lời nói nữa.

Biến cố phục sinh đã được Chúa Giêsu tiên báo trước nhiều lần cho các môn đệ và cho dân chúng, thế nhưng cản trở lớn có lẽ là vì ít người coi trọng điều Ngài muốn nói với họ. Chỉ sau thảm cảnh khổ nạn, sau khi chính họ đã thất trung phản bội, đã nhát đảm trốn chạy bỏ lại Chúa một mình gánh chịu khổ hình thập giá, sau khi các môn đệ trông thấy tận mắt, nghe tận tai, được chạm tới Ngài, lúc đó họ mới hiểu và mới tin vào Ngài, để rồi trở thành những chứng nhân can đảm của Chúa phục sinh.

Cũng một cách tương tự trong đời sống mỗi người chúng ta hôm nay, mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu sẽ có ý nghĩa và tác động mạnh trong tâm hồn những ai đã cảm nghiệm được sự giòn mỏng, những đổ vỡ và sứt mẻ của con người thật là gì. Càng đi sâu vào trong thâm tâm, càng nhận rõ những lo sợ của con người tội lỗi hư hèn, đầy thất bại, chúng ta sẽ càng khao khát tìm kiếm Tin Mừng giải thoát và mong muốn được nghe Tin Mừng của chiến thắng. Trái lại, bao lâu chúng ta chưa cảm thấy cần tới vị cứu tinh để được giải thoát khỏi ách nạn của tội lỗi mình. Bước đường từ sự chết đã chiến thắng phục sinh là con đường cởi bỏ, là chấp nhận con người cũ và tội lỗi để mặc lấy con người mới được giải thoát nhờ ơn thánh.

Lạy Chúa Kitô,

Chúa đã sống lại khải hoàn rồi, nhưng cho tới nay biết bao nhiêu người vẫn còn chưa được ánh sáng phục sinh của Chúa chiếu soi. Xin ánh sáng phục sinh của Chúa chiếu soi và đổi mới tất cả đời sống con, để mỗi ngày còn lại của đời con là như ngày thứ nhất trong tuần, là ngày lễ phục sinh, là bắt đầu đời sống mới để rồi như những phụ nữ Do Thái và như các tông đồ, con biết ra đi rao truyền Tin Mừng Chúa Phục Sinh đến cho mọi người.

9. Sự Sống Bất Diệt

Hôm ấy, một hoàng tử nọ và ba vị cận thần lên đường kinh lý kiểm tra đất nước rộng lớn của vua cha. Khi tới trên đỉnh núi cao, hoàng tử đưa mắt nhìn xuống miền đất mênh mông phía dưới. Một lúc, hoàng tử ngậm ngùi lên tiếng:

– Ôi, quê hương thân mến! Ôi đất nước dấu yêu! Ngươi thật xinh đẹp biết bao với những thung lũng êm dịu, những mặt hồ trong xanh đầy ánh sáng, những cánh đồng với đủ thứ hoa muôn màu sắc, những núi đồi hùng vĩ và những khu rừng tĩnh mạc êm đềm. Thế nhưng, ta sẽ phải chết và sẽ phải từ biệt ngươi, sẽ không bao giờ còn được chiêm ngắm vẻ đẹp của ngươi nữa. Ôi sự chết, nhưng tại sao lại phải có sự chết?

Rồi hoàng tử buồn sầu nức nở. Thấy vậy, hai vị cận thần cũng mủi lòng khóc theo. Họ than thở và tìm cách ủi an hoàng tử. Trong khi đó, vị cận thần thứ ba chỉ mỉm cười và không một lời phát biểu. Về tới triều đình, hoàng tử gọi vị cận thần thứ ba đến và trách hỏi:

– Hôm nay, khi đứng trên núi cao, tâm hồn ta buồn sầu khôn tả. Trong khi hai vị cận thần kia tìm cách an ủi ta, còn ngươi, tại sao ngươi chẳng nói gì mà lại mỉm cười như thế?

Vị cận thần thứ ba khôn ngoan trả lời:

– Tâu lạy hoàng tử. Xin hoàng tử hãy nghĩ lại xem. Nếu những vị danh nhân đại tướng từ trước đến nay tiếp tục sống mãi, không ai phải chết, đời sống họ sẽ ra thế nào và vận mệnh thiên hạ sẽ ra sao? Nếu hoàng đế, vua ông nội của hoàng tử không phải chết thì làm sao vua cha của hoàng tử có thể lên ngôi kế vị được? Nếu vua cha của hoàng tử còn tiếp tục sống mãi thì làm sao hoàng tử có thể cai trị trên ngai vua cha được? Nếu như tất cả các hoàng tử và các vua chúa trên trần gian này còn tiếp tục sống mãi thì lúc này hoàng tử sẽ thế nào? Hôm nay, hạ thần đã nhìn thấy một hoàng tử thiếu hiểu biết sự thật về thân phận con người, lại thêm hai vị cố vấn chỉ biết nịnh bợ vuốt ve sự khờ dại của hoàng tử nữa thì làm sao mà hạ thần lại không thấy buồn cười được?

Lời nói khôn ngoan của vị cận thần thứ ba đã làm cho hoàng tử thức tỉnh và cảm thấy hổ ngươi vì sự khờ dại của mình. Hoàng tử nói thêm:

– Sau này, khi giờ chết đến, ta chỉ muốn một mình ngươi bên cạnh giường ta mà thôi.

* * *

Là con người, ai lại không sợ chết. Bởi vì biết rõ những gì phải bỏ lại đàng sau, nhưng không biết trước mắt sẽ gặp thấy điều gì, chính vì những điều chưa biết đó làm cho con người thêm băn khoăn lo sợ. Tuy nhiên, trên trần gian này không có chân lý nào chắc chắn hơn là sự chết. Mỗi người sinh ra trên trần gian đều phải chết, tuy không ai biết được chính xác mình sẽ phải chết khi nào, chết cách nào và chết ở đâu. Thế nhưng, đâu phải tất cả mọi người đều nghĩ tới cái chết của mình. Biết bao nhiêu người sống như thể là sẽ không bao giờ phải chết hoặc vì dửng dưng, hoặc vì cố tình muốn gạt bỏ nó sang một bên để khỏi phải bận tâm đến cuộc sống hiện tại của họ.

Chúa Giêsu tuy là Con Một của Thiên Chúa hằng sống và là nguồn mạch sự sống, nhưng đã tự nguyện mặc lấy thân phận con người hay chết, và hơn nữa đã muốn chấp nhận cái chết khổ nhục trên thập giá để nhắc nhở con người thực tại về sự chết là gì và đâu là con đường dẫn tới sự sống hạnh phúc thật, sự sống bất diệt. Ðó là con đường cứu độ qua mầu nhiệm đau khổ của thập giá và của sự chết. Ơn cứu độ của Chúa Giêsu tác động trên con người toàn diện, bắt đầu từ trong thâm tâm, từ sự nhận biết và chấp nhận con người thật với tất cả những hạn hẹp của mình. Ðó là bước đầu tiên tháo gỡ mình khỏi những trói buộc nô lệ, để bắt đầu sự giải thoát. Con đường cứu thoát đòi hỏi sự chết đi liên tục để bắt đầu con đường sống thực sự. Ðòi hỏi lòng can đảm và sức mạnh vào lòng tin của Chúa Kitô là Ðấng đã toàn thắng sự chết để mở ra chân trời mới của sự sống bên kia sự chết.

Trong phúc âm, trước khi bước vào con đường khổ nạn, Chúa Giêsu đưa ba môn đệ thân cận nhất lên núi cao và cho họ thấy trước vinh quang của Ngài để củng cố niềm tin của họ, để họ không nản lòng thất vọng vì sẽ phải đứng trước cái chết khổ nhục của Ngài, vì biết rằng đó là ngưỡng cửa dẫn vào vinh quang của sự sống bất diệt. Con đường cứu độ đó không thể nào chỉ dừng lại trong vinh quang của núi Tabor, nhưng là vững bước cùng Chúa vác thập giá tiến lên núi Sọ qua sự chết đi từng ngày trong cuộc sống của mình, Chết đi cho tính kiêu ngạo, cho lòng ích kỷ tự ái và mọi thói hư nết xấu để sống cho Chúa trong tinh thần phục vụ và yêu thương.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã phán bảo chúng con rằng: “Không có tình yêu nào lớn hơn cho bằng hiến dâng mạng sống vì người mình yêu mến. Xin giúp con can đảm chấp nhận chết đi từng giây phút trong con người cũ của con, để bắt đầu sống cho Chúa ngay từ giây phút này, để con biết nhận ra Chúa nơi anh em con. Và để những người chung quanh cũng nhận ta Chúa trong cuộc sống con.

10. Tuyên Xưng Lòng Tin

Tại nhà thương tâm thần kia có một bệnh nhân luôn nghĩ mình là người chết. Bác sĩ đã tìm đủ mọi phương cách điều trị nhưng vẫn vô hiệu, không gì có thể làm cho người ấy thay đổi não trạng được. Cuối cùng, bác sĩ tìm ra một phương cách khác.

Sau nhiều thời gian lý luận và thuyết phục, bác sĩ đã giúp bệnh nhân đồng ý rằng người chết không có sự sống nữa, vì thế không còn máu lưu thông và không bị chảy máu nữa. Ðược sự đồng ý của bệnh nhân, bác sĩ lấy kim chích vào đầu ngón tay của người ấy và cố gắng nặn cho máu chảy ra. Từng gịot máu nhỏ ra trước mắt người bệnh nhân đủ để cho người ấy nhìn thấy rõ. Bác sĩ tuyên bố:

– Như ông nhìn thấy, đó là những giọt máu từ ngón tay ông đang chảy ra. Thân thể ông còn máu lưu thông, vì vậy ông là người sống chứ không phải là người chết nữa.

Bệnh nhân trố mắt nhìn những giọt máu chảy ra nhưng vẫn cố chấp không tin, rồi ông ta ngẩng mặt lên nhìn bác sĩ và nói:

– Nhưng bác sĩ đâu có biết hết mọi sự. Xác chết vẫn còn chảy máu được.

* * *

Chúng ta thường nghe nói: “Không ai mù cho bằng người không muốn nhìn thấy”. Nhìn vào xã hội, những hình thức kỳ thị màu da tiếng nói, những đố kỵ giữa người quyền cao chức trọng và giới cùng đinh, giữa người giàu sang và kẻ không có tiền v.v… tất cả đều là những triệu chứng của bệnh mù lòa. Có Những thứ mù lòa của tâm hồn còn trầm trọng hơn sự mù lòa của con mắt thể xác. Khi chúng ta chỉ bận tâm để ý tới những cái rác trong mắt người khác và quên cái xà trong mắt ta cũng là như người mù vậy.

Có thể nói được rằng mỗi người chúng ta đều có một thứ mù lòa nào đó hoặc thể xác, hoặc tâm hồn, hoặc về mặt thiêng liêng. Ngay từ thời ban đầu, khi nguyên tổ nhân loại được tạo dựng, ông Adong đổ tội cho bà Eva, bà Eva đổ tội cho con rắn đã cám dỗ bà bất tuân lệnh truyền của Chúa. Từ ngày đó, con người cũng được thừa hưởng thói hư nết xấu, chạy tội và chối bỏ những điều không muốn nhìn thấy nơi bản thân mình.

Trong Phúc Âm, khi thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành người mù từ lúc mới sinh, thánh sử Gioan nhấn mạnh sự tiếp xúc trực tiếp giữa Chúa Giêsu và người mù. Ngài có thể chữa lành ông bằng một lời nói từ đàng xa. Nhưng không, Ngài đã muốn chữa lành bằng sự tiếp xúc trực tiếp với người mù và qua việc tuyên xưng đức tin của người ấy. Ngài đến gần, nhổ xuống đất, lấy nước bọt trộn thành bùn rồi xoa bùn trên mắt người ấy và bảo hãy đi rửa trong ao Siloe. Người ấy đi rửa và được sáng mắt, không những mắt của thể xác mà còn cả con mắt tâm hồn và ông đã nhận ra Ngài. Bất chấp những sự đố kỵ và cố chấp của giới thủ lãnh, sau cùng ông đã mạnh dạn tuyên xưng: “Lạy Chúa, con tin Ngài là Con Thiên Chúa”.

Trong mỗi người đều có một góc tối tăm mà chúng ta không muốn nhìn kỹ vào để được thấy tỏ tường, nhưng đó lại chính là nơi cần được ánh sáng của Chúa chiếu soi, vì chỉ có chân lý của Chúa mới giải thoát con người khỏi cảnh mù lòa. Ðể được chữa lành những sự mù lòa của tâm hồn, chúng ta cần có can đảm đến gần Chúa, để Ngài nhìn thẳng vào cặp mắt, nhìn tận vào tâm hồn ta, cần khiêm tốn xưng thú sự mù lòa của chúng ta và cầu xin Chúa chữa lành cho chúng ta, cần tuyên xưng lòng tin vào quyền phép của Chúa có thể chữa lành và xin Ngài kiện cường lòng tin còn quá yếu nhược của ta. Và một khi đã cảm nghiệm mình được chữa lành, lúc đó, lòng tin sẽ càng thêm vững mạnh.

“Lạy Chúa, Xin cho con được chữa lành”. Ðó là một lời cầu xin đơn sơ và ngắn gọn, nhưng nếu lời cầu xin đó được phát sinh tận đáy lòng khiêm tốn chân thành, lời cầu xin đó sẽ có sức mạnh lạ thường. Ông Batimeo, người mù ngồi ăn xin bên đường, khi nghe biết Chúa Giêsu sắp đi ngang qua ông đã lớn tiếng kêu xin Ngài cứu chữa, cả khi người ta dọa nạt bảo im đi, ông ta lại càng lớn tiếng kêu xin hơn và Chúa đã chữa lành ông. Trong các phép lạ phúc âm thuật lại, điều kiện cần thiết để được Chúa Giêsu chữa lành là lòng tin. Nhiều lần Ngài hỏi các bệnh nhân đến kêu xin Ngài: “Con có tin Ta có thể chữa lành con được không?”

Lạy Chúa là chân lý và là sự sống, con tin Chúa.

Biết bao lần lòng kiêu ngạo và tính tự phụ đã làm con hóa ra mù lòa không còn biết nhận ra Chúa nữa, con đã từng tạo cho con hình ảnh của Chúa theo họa ảnh con người hèn mọn của con thay vì nhận ra sự cao cả của Chúa qua vũ trụ và qua sự hiện diện của Chúa những khi Chúa đi ngang qua bên cạnh con, qua những người đau khổ, qua sự tốt lành của những người chung quanh con, qua nụ cười tươi nở của những đứa trẻ con gặp.

Lạy Chúa,

Xin đặt tay Chúa vào mắt con để con nhận biết Chúa. Xin đặt tay Chúa trên trái tim con để con biết yêu mến và tin tưởng vào Chúa, vì Chúa đã muốn nên bạn đường đồng hành với con trên con đường đức tin.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *