Tìm hiểu BẢN VĂN TÂN ƯỚC

BẢN VĂN TÂN ƯỚC

1. Chính bản và khoa phê bình văn bản

Chính bản (autographa) của 27 quyển sách thuộc bộ Tân Ước đã mai một rất sớm. Các Giáo phụ thế kỷ II và III, trong khi chống đối Marcion và những người lạc đạo khác, không bao giờ nhắc đến thế giá của chính bản.

Tertullianô quả quyết rằng các giáo đoàn Côrinthô, Thessalônica, Êphêsô và Rôma có chính bản thư thánh Phaolô – ipsae authenticae litterae – nhưng theo văn mạch phải hiểu rằng Tertullianô không nói tới chính bản, mà nói tới những bản sao đúng với chính bản.

Các chính bản mai một sớm, lý do chính là tại các vật liệu mà các Thánh ký đã dùng để viết. Tuy từ đầu Công nguyên đã có thể dùng bút (kalamos – 3 Gio 13; graphilos) và mực (to mêlan – 2 Cor 3,2) để viết các tác phẩm trên những tấm da cừu, dê, bò và các súc vật khác (membrana – 2 Tim 4,13) cũng gọi là charta pergamena vì đã được dùng ở Pergamô từ thế kỷ I trước Công nguyên, nhưng vì lý do tài chánh hình như các Thánh ký chỉ dùng chỉ thảo (thứ giấy làm bằng papyrus) để viết các tác phẩm. Theo Pliniô thứ giấy đó (ho khartês – 2 Gio 12) không tồn tại được quá 200 năm.

Những tờ chỉ thảo rộng từ 20 đến 27 phân, cũng như những tấm da được dán lại với nhau và quấn chung quanh một cái gậy (kêphalis bibliou) làm thành một cuốn (to eilêton) không dài quá 10 thước hay gấp đôi và xếp lại với nhau thành từng tập, mỗi tập 3, 4 tờ. Nhiều tập được thu hợp lại gọi là Tập lục (Codex), giống như sách của ta bây giờ. Tập lục “rẻ hơn vì có thể viết trên hai mặt” và như vậy có thể thu lại trong một tập lục nhiều tác phẩm khác nhau, ví dụ như các thư của thánh Phaolô trong chỉ thảo Chester-Beatty, một việc không thể thực hiện được nếu theo phương pháp cuốn các tờ lại.

Để đỡ tốn phí, từ năm 130 trong Giáo hội đã dùng tập lục bằng chỉ thảo, đang khi văn chương thế tục thường dùng “cuốn”, ngay cả trong thế kỷ III. Theo C.H. Roberts, nguồn gốc tập lục mà Martiale nhắc tới vào năm 80 là ở Rôma. Các giáo hữu và các luật gia đã phát minh ra nó.

Trong suốt 15 thế kỷ, toàn bộ Kinh Thánh đã được sao đi chép lại nhiều lần, vì thế không thể tránh được nạn tam sao thất bản. Mục đích của khoa Phê bình Văn bản,theo Thông điệp Divino Afflante Spiritu, là “xây dựng lại nguyên văn các Sách Thánh với tất cả sự chính xác có thể, bằng cách loại trừ những sai lầm, những thiếu sót của người chép, những lời giải thích và những quên sót, sự thay đổi thứ tự các tiếng và các khuyết điểm bất cứ thuộc loại nào thường gặp trong các văn kiện được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Mọi người hãy nhận định rằng công việc trường kỳ đó không những cần thiết để hiểu những tác phẩm đã được viết dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, mà còn là một đòi hỏi của tấm lòng hiếu thảo nhắc chúng ta phải hết sức biết ơn Chúa quan phòng đã dành cho chúng ta những sách đó như những bức thư của người Cha từ tòa uy quyền gửi cho những người con”.

Trong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu những kết quả mà khoa Phê bình văn bản đã thu được vào những năm gần đây trong việc khảo sát những văn liệu trực tiếp (cảo bản) và gián tiếp (bản dịch và những câu trích dẫn của các Giáo phụ), trong việc sưu tầm những nguyên nhân đã làm thay đổi bản văn, trong việc phân loại những tài liệu đã thu thập được, và nói qua đến những dự tính trong tương lai.

2. Văn liệu trực tiếp để xây dựng lại nguyên văn Tân Ước : Cảo bản

Văn liệu trực tiếp trong việc sưu tầm nguyên văn là các cảo bản. Tùy theo vật liệu được dùng để ghi chép, cảo bản chia làm nhiều loại như chỉ thảo, da thuộc, Ostraca và tùy theo kiểu chữ viết, chia ra loại chữ hoa và loại chữ Thường. Người ta gọi các cảo bản đã được chép để dùng trong các buổi hội họp phụng vụ là sách chép các bài đọc (lectionarium).

a. Chỉ thảo

Con số những cảo bản loại chỉ thảo đã xuất bản là 68 và tuy không liên tục đã cho chúng ta biết 65% bản văn Tân Ước. Tầm quan trọng những cảo bản này là ở chỗ cho chúng ta biết bản Kinh Thánh đã được dùng trong Giáo đoàn Ai-cập từ năm 150 tới 250 sau Công nguyên. Chỉ thảo cổ nhất mà chúng ta có là P. 52 (9 x 5 cm) do C.H. Roberts tìm thấy tại thư viện John Rylands (Manchester, Anh). Văn liệu này là thành phần của một tập lục chép ở Ai-cập vào khoảng năm 130 trên đó ghi Gio 18,31-33.37-38.

Quan trọng hơn trong việc xây dựng lại nguyên văn Phúc Âm thánh Gioan và lịch sử bản văn Tân Ước là chỉ thảo P. 66, cũng gọi là chỉ thảo Bodmer II do V. Martin xuất bản năm 1956 -1958. Trong chỉ thảo này, chữ viết rõ ràng nhưng không liên tục vào cuối thế kỷ II có Phúc Âm thánh Gioan 1 – 14 (chỉ thiếu Gio 6,11b-35a) và Gio 15 – 21,9 không được toàn vẹn. P. 66 không có chuyện người đàn bà ngoại tình (7,53 – 8,11) và không ghi Thiên thần ở hồ Bêzatha (5,3b-4). Cứ chung mà nói bản văn của P. 66 giống bản văn Sinaiticô và Vaticanô; cũng như hai bản văn này, P. 66 có Gio 4,9 mà những tập lục Tây phương không có.

Chester-Beatty khoảng năm 1930-1936 đã mua phần còn lại của 12 tập lục chỉ thảo, trong số đó có ba chỉ thảo ghi chép gần hết Tân Ước. Những chỉ thảo này được chép vào khoảng năm 250 và cho chúng ta biết một bản văn cổ hơn bản văn mà Origênê đã dùng, bản văn này đồng thời với bản văn thời thánh Irênêô, Tertullianô và Hippôlytô. Nếu các chỉ thảo đó không do một người thì cũng do những người cùng một trường chép. Ba chỉ thảo đó là P. 45, P. 46 và P. 47. · P. 45 gồm có 30 trang không toàn vẹn, có nhiều đoạn của bốn Phúc Âm theo thứ tự Mt, Gio, Lc, Mc và Công vụ Tông đồ.· P. 46 gồm 104 trang, có các thư thánh Phaolô, trừ các thư mục vụ. Chỉ thảo này thất lạc mất bảy trang đầu, bảy trang cuối và những trang 9, 10, 95, 96.· P. 47 với những trang còn lại, có sách Khải huyền 9,10 – 17,2.

b) Cảo bản da thuộc

Cảo bản da thuộc được thông dụng từ năm 350 cho tới khi phát minh ra nghề ấn loát (1445). Các cảo bản này chia làm hai loại : loại chữ hoa và loại chữ thường. Loại chữ hoa có 232 bản, loại chữ thường độ 2.400 bản.

Loại chữ hoa có độ 50 cảo bản chép toàn bộ Tân Ước. Bốn cảo bản lớn B, S, A, C có cả toàn bộ Cựu Ước. Thường thường các cảo bản chỉ có 4 Phúc Âm hay Phúc Âm với Công vụ Tông đồ hay thư thánh Phaolô hoặc thư Công giáo và Khải huyền. Có nhiều phương pháp được dùng để chỉ những cảo bản loại chữ hoa.

Phương pháp thứ nhất do J.J. Wettstein (+1754) mà C. Von Tischendorf đã sửa lại, dùng chữ hoa La-Hy để chỉ. Phương pháp thứ hai do C. Gregory (+1917) dùng số Ả-rập có số 0 đứng trước. Phương pháp thứ ba do E. Von Soden (+1914) dùng chữ d, e, a trước số Ả-rập. d = diathêkê chỉ tập lục gồm toàn bộ Tân Ước hay Phúc Âm và Công vụ Tông đồ; e = euangelion gồm 4 Phúc Âm và a = apostolos chỉ những sách của các Tông đồ : Công vụ Tông đồ, thư thánh Phaolô, các thư chung và Khải huyền. Sau đây là những tập lục chữ hoa quan trọng :

1) Tập lục Vaticanô (B, 03, d 1) được chép ở Ai-cập vào khoảng năm 350, gồm toàn bộ Tân Ước đến Dt 9,14c, hiện giữ tại thư viện Vaticanô và được coi là tập lục giá trị nhất.

2) Tập lục Sinaiticô (S, , 01, d 2) có lẽ đã được ba ký lục chép ở Ai-cập hay Cêsarêa khoảng năm 300 và 350, do Von Tischendorf tìm thấy trong tu viện trên núi Sinai (1844 và 1859). Tập lục này được đem về Petersbourg. Năm 1933, chính phủ Anh mua với giá là 100.000 Anh kim. Hiện giữ tại British Museum, London.

3) Tập lục Alexandrinus (A, 02, d 4) do hai người chép vào khoảng thế kỷ V (400 và 450), theo T.C. Skeat, tập lục này được đem từ Constantinopolis sang Alexandria vào khoảng thế kỷ XIV. Ngoài Cựu Ước và Tân Ước còn có hai thư thánh Clêmentê và có nhiều thiếu sót trong phần 4 Phúc Âm. Hiện giữ tại British Museum.

4) Tập lục Ephraem rescriptus (C, 04, d 3) gọi thế là vì thế kỷ XII người ta đã xoá bản văn Kinh Thánh để ghi trên đó những bài giảng của thánh Ephrem, được dịch từ tiếng Syriacô sang tiếng Hy-lạp. Tập lục C được viết vào thế kỷ V ở Ai-cập và gồm 5/8 Tân Ước.

5) Tập lục Beza (D Ev. Act, 05, d 5) cũng gọi là tập lục Cantabrigiensis vì trước thuộc quyền sở hữu của Th. Beza. Sau Th. Beza biếu Đại học Cambridge năm 1581. Được chép vào thế kỷ VI và là tập lục nhị ngữ (La-Hy) cổ nhất. Tập lục Beza có Phúc Âm theo thứ tự P. 45 (Mt, Gio, Lc, Mc) và Công vụ Tông đồ.

6) Tập lục C.L. Freer (W, 032, e 014) được chép vào thế kỷ V gồm có bốn Phúc Âm, thiếu Gio 14,25 – 16,7; Mc 15,13-38. Freer, một thương gia Hoa Kỳ, đã mua tập lục đó ở Ai-cập. Hiện giữ tại Washington.

7) Tập lục Koridethi (q, 038, e 050) được chép vào thế kỷ VIII – IX, gồm có Phúc Âm, hiện giữ tại Tiflis.

8) Tập lục Claromontanô (D paul., 06, a 1026) được chép vào thế kỷ VI, gồm có các thư thánh Phaolô. Ở giữa thư gửi Philêmon và thư gửi tín hữu Do-thái có sổ các Sách Thánh (Kinh bộ Claromontanô). Một thời giữ tại tu viện Clermont và hiện giữ tại Bibliothèque Nationale de Paris.

Ngoài ra còn một ít tập lục quan trọng khác như tập lục Laudianô (E, 08, 1001); Bernerianô (G paul., 012, 1028); Eutalianô (H paul., 015, 1022). Những tập lục loại chữ thường, cứ chung mà nói, không có giá trị bao nhiêu trong việc xây dựng lại nguyên văn Tân Ước, vì chỉ từ thế kỷ IX người ta mới bắt đầu chép bằng chữ thường. Tuy vậy có thể có một vài tập lục loại chữ thường đã chép lại bản văn của một tập lục loại chữ hoa đã mai một đi. Điều khó khăn là cho đến bây giờ các tập lục loại chữ thường chưa được khảo sát là bao. Người ta dùng số Ả-rập chỉ các cảo bản loại chữ thường. Tổng số chính thức các cảo bản loại chữ thường là 2.491, nhưng trong thực tế chỉ có độ 2.400.

Trong các tập lục loại chữ thường được khảo sát nhiều hơn cả là nhóm Ferrar, do Ferrar khảo sát gồm các tập lục 13, 69, 124, 346 mà xuất xứ là Calabria, miền nam nước Ý. Các tập lục 174, 788, 543, 826, 828, 883, 1669 và nhiều tập lục khác nữa cũng thuộc về loại này. Các tập lục này đều sao lại một bản văn mẫu.

Một nhóm khác cũng quan hệ là “nhóm l” do Kirsopp Lake khảo sát gồm các tập lục 1, 118, 131, 209, 1582.

Một tập lục khác đáng chú ý là tập lục 1739 do E. Von der Goltz tìm thấy ở núi Athos (Hy-lạp) năm 1879.

c) Những sách chép bài đọc trong các buổi hội họp Phụng vụ

Những sách này ít được biết tới và khảo sát trong việc xây dựng lại nguyên văn Tân Ước. Ban đầu người ta dùng toàn bộ Kinh Thánh với một sổ kê khai những đoạn phải đọc. Sau này những đoạn đó mới được chép ra thành sách. Tổng số chính thức các sách thuộc loại này là 1748, nhưng trong thực tế chỉ có độ 1609.

3. Văn liệu gián tiếp để xây dựng lại nguyên văn :

Các bản dịch cổ và những câu trích dẫn Kinh Thánh của các Giáo phụ

a) Các bản dịch cổ

Theo các nhà phê bình văn bản hiện đại, các bản dịch cổ rất quan trọng trong việc xây dựng lại nguyên văn, vì thế đã được khảo cứu rất nhiều trong những năm gần đây. Nhưng vì chúng ta không biết nhiều về lịch sử các bản dịch nên khó có thể xác định bản Hy-lạp mà dịch giả dùng.

b) Những câu trích Kinh Thánh của các Giáo phụ

Những câu trích Kinh Thánh và những bài chú giải Kinh Thánh là một tài liệu tốt, tuy rất khó dùng trong việc xây dựng lại nguyên văn. Trước đây người ta thường nghĩ rằng các Giáo phụ không chú ý đến nguyên văn Sách Thánh, vì các lời trích dẫn của các vị đó khác với bản văn của những cảo bản danh tiếng nhất mà chúng ta hiện có.

Nhưng trái lại, những khám phá mới nhất chứng minh điều đó không đúng sự thực, vì các Giáo phụ – trừ những Giáo phụ buổi sơ khai chỉ nhắc tới chứ không trích Sách Thánh – thường trích đúng nguyên văn hơn chúng ta tưởng.

Đàng khác, các câu trích của Giáo phụ nhiều khi lấy ở một bản văn cổ hơn các cảo bản mà chúng ta có bây giờ, điều đó giúp chúng ta xác định hoàn cảnh không gian và thời gian mà các bản văn khác nhau đã hình thành. Điều khó là tương đối chúng ta có ít tác phẩm Giáo phụ theo phương pháp phê bình.

4. Nguyên nhân nạn tam sao thất bản của bản văn Tân Ước

Có những tài liệu cần thiết để xây dựng lại nguyên văn Sách Thánh, nhà phê bình văn bản phải tự hỏi xem những nguyên nhân nào đã gây nên những điều dị biệt trong các bản văn qua nhiều lần sao chép từ cuối thế kỷ I cho đến khi phát minh ra nghề ấn loát (1445). Những nguyên nhân đó có thể là vô tình hay hữu ý. Trong các nguyên nhân mà người ta đã vô tình làm sai nguyên văn là những nguyên nhân thuộc thính giác, thị giác và trí nhớ.

Chúng ta không được biết rõ về việc biên tập và phổ biến chính bản, nhưng chúng ta biết rằng đôi khi tác giả đọc cho một người chép hay cho nhiều người cùng chép và những người chép có thể nghe lầm (x. 1 Cor 12,27 : merous (một phần), melous (chi thể), …). Rồi khi sao lại một cảo bản, người chép có thể trông lầm những chữ giống nhau (x. Rm 6,5 : alla (nhưng), ama (đồng thời), …); hoặc bỏ một hàng khi những chữ giống nhau ở đầu (homoioarkton) hay ở cuối (homoioteleuton) hai hàng tiếp nhau, tỷ dụ : Tập lục A () không có Kh 20,5a vì Kh 20,4 và 20,5a tận cùng bằng hai tiếng chilia êtê (một nghìn năm) nên tập lục A đã bỏ mất một hàng (20,5a). Ngược lại, có khi một câu lại được chép hai lần (dittographia). Cũng như thính giác và thị giác, trí nhớ của người chép nhiều khi nhớ sai (x. 1 Cor 5,2), đổi chữ này ra chữ nọ, ví dụ : êuthous (thẳng) đổi là euthêos (ngay tức khắc), nhất là những câu giống nhau làm cho người chép nhớ sai.

Những nguyên nhân mà người chép đã hữu ý làm sai nguyên văn có thể thuộc phạm vi văn phạm, ngữ pháp, cách xếp đặt các câu hay ý nghĩa (có ý làm cho rõ nghĩa) (x. 1 Tim 2,6b; Gio 13,10) hay để dung hoà những đoạn giống nhau (Mt 23,14 nhiều tập lục dung hoà với Mc 12,40; Lc 20,47) hoặc để tránh những sai lầm về tín lý (Mt 1,25; 5,22; Lc 2,33; 3,22; 22,43; 23,34a).

Do đó các nhà phê bình văn bản đã lập ra những nguyên tắc để có thể dựa trên những nguyên tắc đó mà chọn trong những câu văn khác nhau câu nào có nhiều hy vọng giống nguyên văn hơn. Vì số lượng và giá trị các bản văn (tiêu chuẩn ngoại tại) ít khi có đủ để giải quyết những vấn đề hồ nghi nên người ta đã lập ra những nguyên tắc phê bình nội tại (tiêu chuẩn văn chương). Tỷ dụ giữa hai bản văn, một bản dễ hiểu một bản khó hiểu, một bản dài một bản vắn, người ta chọn bản thứ hai và bỏ bản thứ nhất.

5. Các hiệu bản (resensiones)

Do những văn liệu trực tiếp và gián tiếp kể trên, ta có thể tìm thấy các bản văn hiệu đính mà các văn liệu đó là đại biểu. So sánh nhiều văn liệu kinh bộ Tân Ước với nhau (tập lục, bản dịch, câu trích) và chia loại theo những điểm giống nhau thành từng nhóm, các học giả khám phá ra những bản văn hiệu đính mà các văn liệu đó tuỳ thuộc, như thế họ có thể biết, ít là trong những nét đại cương, lịch sử bản văn Hy-lạp Tân Ước và những lần bản văn Tân Ước đã được hiệu đính để loại trừ những lầm lẫn mà các người chép hoặc vô tình hay hữu ý đã tạo nên. Bản văn đã được hiệu đính gọi là hiệu bản. Người ta đã tìm thấy 4 hiệu bản, ít là đối với Phúc Âm.

a) Hiệu bản D

Đại biểu là tập lục Dea , một phần tập lục W, những bản dịch La ngữ và Syriacô cổ (thế kỷ II), những câu trích dẫn Kinh Thánh của thánh Irênêô (+202) và Clêmentê thành Alexandria (+211-215). Do đó bản văn D có từ thế kỷ II và là bản văn cổ nhất, xuất xứ từ Ai-cập. Đặc tính của bản văn D là :

– Có những đoạn bị bỏ đi hoặc thêm vào (x. Lc 6,5).

– Có những câu cắt nghĩa (x. Lc 5,10).

– Có khuynh hướng dung hoà (x. Lc 3)

– Tránh những cách diễn tả có vẻ thô (x. Mc 3,21).

Tất cả những điểm đó chứng tỏ muốn làm cho bản văn dễ hiểu. Vì những đặc tính kể trên, hiệu bản D được phổ biến khắp nơi, nhất là ở Tây phương, vì thế cũng được gọi là hiệu bản Tây phương. Hiệu bản D được thịnh hành ở Tây phương cho tới thế kỷ IV, lúc mà hiệu bản K thay thế.

b) Hiệu bản H (Hesichianô)

Đại biểu là tập lục Vaticanô (B) cùng với tập lục S, C và ít là phần lớn bản Phổ thông. Có một bản văn khá gần nguyên văn chính bản, xuất xứ từ Ai-cập, bằng chứng là một số chỉ thảo và bản dịch tiếng Copticô từ thế kỷ III.

Đặc tính hiệu bản H : từ ngữ phổ thông, lối văn khúc chiết, ít có khuynh hướng dung hoà, nhưng có nhiều thiếu sót, ví dụ : bỏ đoạn kể chuyện người phụ nữ ngoại tình (Gio 7,53 – 8,11), đoạn kết Phúc Âm thánh Marcô (Mc 16,9-20), chi tiết về mồ hôi máu (Lc 22,43 tt), những lời tha thứ Chúa nói khi phải đóng đinh (Lc 23,34).

c) Hiệu bản C (Cesariensê)

Đại biểu là tập lục q và P. 45 (thế kỷ III). Hiệu bản C có sau hiệu bản H và tùy thuộc hiệu bản H. Xuất xứ có lẽ không phải là Cêsarêa (như một số người nghĩ và do đó có tên là Cesariense) nhưng là Ai-cập. Đặc tính hiệu bản C là phối hợp hai hiệu bản D và H, hoặc là lấy hiệu bản H sửa hiệu bản D và có tính cách văn chương. Hiệu bản C không có kết quả bao nhiêu.

d) Hiệu bản K (Koinè)

Đại biểu là tập lục A, nhiều cảo bản tương đối muộn hơn và các Giáo phụ Antiocheni. Xuất xứ có lẽ là Antiôkia vào đầu thế kỷ IV do công trình của thánh Lucianô tử đạo (+312), vì thế cũng gọi là hiệu bản “Antiochena”.

Đặc tính hiệu bản K : tính cách văn chương [lấy hiệu bản H làm căn bản, sửa đổi lại hình thức văn chương cho giống với văn chương cổ điển và loại trừ những kiểu nói cận đông (semitismus)]; nhiều khi dung hoà tuy không gò bó; thích lectiones conflatae : tỷ dụ Mc 9,49 (mọi người sẽ được muối bằng lửa), hiệu bản D chữa lại : mọi lễ vật sẽ được ướp bằng muối. Tập lục A ghi lại cả hai câu như ta thấy trong bản Phổ thông.

Vì đặc tính văn chương hiệu bản K rất thành công. Từ Antiôkia tới Constantinôpolis và từ đó phổ biến khắp đế quốc Byzantinô. Vì tính cách phổ thông của nó nên cũng gọi là Koinè (hiệu bản chung), được trọng dụng tới thế kỷ XVIII, nghĩa là cho tới khi có khoa phê bình văn bản.

Trong 4 bản văn hiệu đính D, H, C, K, hiệu bản H được coi là có giá trị hơn cả, tuy nhiên cũng có sự bất đồng ý kiến giữa các nhà phê bình văn bản về điểm này. Như vậy ta có thể xây dựng lại trong những nét đại cương lịch sử bản văn Phúc Âm.

Từ khoảng thế kỷ II, ở Ai-cập có hai hiệu bản khác nhau. Một hiệu bản có mục đích làm cho bản văn rõ ràng dễ hiểu, đó là hiệu bản D. Hiệu bản thứ hai muốn hiệu đính bản văn cho giống nguyên văn chính bản, đó là hiệu bản H. Rồi đến thế kỷ III, có những người muốn lấy hai bản văn trên bổ khuyết lẫn nhau và sửa lại lời văn, đó là hiệu bản C nhưng bản này không được hoan nghênh lắm. Sau hết, thế kỷ IV, có lẽ ở Antiôkia, một hiệu bản thứ tư xuất hiện, đó là hiệu bản K. Hiệu bản K sửa lại lời văn của hiệu bản H và tham chiếu hiệu bản D. Trong 4 hiệu bản này, hiệu bản D được phổ biến cho đến thế kỷ IV, rồi tới hiệu bản K từ thế kỷ IV đến thế kỷ XVIII.

Những bản văn hiệu đính về các sách khác trong Tân Ước. Thường có trong các hiệu bản trừ hiệu bản C. Sách Công vụ Tông đồ có hai bản văn : một bản văn thuộc hiệu bản H, gọi là bản Đông phương, và một bản văn thứ hai dài hơn 1/10 thuộc hiệu bản D, cũng gọi là bản Tây phương. Thường người ta coi bản văn thứ nhất gần nguyên văn hơn.

6. Các ấn bản Tân Ước

Sau khi phát minh ra nghề ấn loát (1445), trong ba thế kỷ, hiệu bản thứ tư (K) cũng gọi là bản chung hay bản Antiôkia vẫn được trọng dụng.

Những ấn bản chính thời đó là những bản do nhà Poliglotta Complutense (Atcala, Tây Ban Nha, 1514) và do Erasmô Rotterdam (1516-1535, ed. 5) ấn hành. Bản văn in lần thứ năm của Erasmô tuy kém bản văn Complutense, nhưng đã là nền tảng của tất cả các ấn bản tiếp theo cho tới thế kỷ XIX : Robert Estienne (1546-1551); Theôđôrô Beza (1565); anh em Elzevir (1624).

Thế kỷ XVIII, người ta bắt đầu ấn hành bản văn Tân Ước theo phương pháp phê bình, nhưng trong hơn một thế kỷ, người ta chỉ in ở dưới “Textus receptus” (bản được công nhận) những dị biệt thấy trong các cảo bản.

Với C. Lachmann, một nhà ngữ học lỗi lạc, bắt đầu một thời kỳ mới của khoa phê bình văn bản Tân Ước. Lachmann bỏ “Textus receptus” (bản được công nhận) và căn cứ vào những tập lục cổ nhất để xây dựng lại bản văn Tân Ước (1831).

Cũng theo tiêu chuẩn của Lachmann, Von Tischendorf, trong vòng 30 năm, cho ấn hành 24 lần bộ Tân Ước. Bản cuối cùng căn cứ trên tập lục S mà ông đã tìm thấy ít lâu trước.

Trái lại, B. F. Wescott và F. I. H. Hort, người Anh, theo phương pháp chia loại, các ông chia các tập lục làm 4 nhóm tiêu biểu cho 4 hiệu bản. Bản Tân Ước do các ông xuất bản năm 1881 dựa trên hiệu bản mà tập lục B là đại diện. H. Von Soden cũng theo phương pháp chia loại, nhưng ông chia các tập lục mà ông đã thu thập được làm ba nhóm. Trong việc xây dựng lại nguyên văn, ông theo tôn chỉ đa số (1902-1913). Hiện giờ người ta đã ấn hành một bộ Tân Ước lớn với sự cộng tác quốc tế.

Năm 1898, E. Nestlé ấn hành một bộ Tân Ước cỡ nhỏ tiện dụng trong lớp học, dựa trên những bản đã được ấn hành từ trước và cũng chọn theo tôn chỉ đa số.Từ thế kỷ trước, người Công giáo có nhiều cố gắng đáng khen trong việc ấn hành bản văn Hy-lạp Tân Ước theo phương pháp phê bình. Các học giả Công giáo như E. G. Vogels (1920-1922), A. Merk (1933) và J. M. Bover (1953) đã ấn hành những bản Tân Ước để dùng trong lớp học.

7. Giá trị chính xác văn bản và tín lý của bản văn Hy-lạp Tân Ước

Theo người ta ước lượng, con số dị biệt của các cảo bản Tân Ước Hy ngữ lên tới 200.000. Con số này không làm ta quá bỡ ngỡ nếu ta xét rằng nhiều khi một chữ hay một câu có nhiều dị biệt, mà những dị biệt đó chỉ thuộc phạm vi hình thức văn chương bên ngoài (thay đổi thứ tự các chữ, bỏ hay thêm liên từ “và”, thay danh từ bằng đại danh từ hay trái lại, … những dị biệt này rất nhỏ, không có ảnh hưởng tới ý nghĩa).

Những dị biệt một phần nào có ảnh hưởng tới ý nghĩa câu văn có độ 200 (khoảng 1/1.000) và những dị biệt quan hệ tới tín lý có độ 15 (khoảng 1/10.000). Ví dụ : Mc 1,1; 1 Cor 15,51; … Nhưng các tín lý đó đã được nói tới rõ ràng ở chỗ khác, như thế di sản tín lý vẫn nguyên vẹn, không bị tổn thương chút nào.

Do đó chúng ta có thể quả quyết chắc chắn là do sự quan phòng đặc biệt của Thiên Chúa, bản văn Hy-lạp Tân Ước được lưu truyền tới chúng ta không những toàn vẹn trong phần cốt yếu mà một phần rất lớn, cả trong hình thức văn chương bên ngoài, như do chính tay tác giả được linh hứng đã viết (do đó có một giá trị chính xác văn bản tối ưu).

Một ít những dị biệt có liên quan phần nào tới tín lý không thêm vào hay bớt đi một chút gì trong kho tàng mạc khải, và do đó bản văn Tân Ước mà chúng ta có bây giờ là nguồn chân thực (giá trị tín lý).

Lm Trịnh Hưng Kỷ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *