Tìm hiểu về Hoạt Động Công Khai của Chúa Giêsu

ĐỜI CÔNG KHAI

1. Chuẩn bị

Tin Mừng Cứu độ nơi Chúa Giêsu và Nước Chúa đến không phải đột nhiên vang lên ở Israel như một tiếng sét giữa bầu trời xanh thẳm. Các tiên tri trong Cựu Ước đã sửa soạn đường lối; rồi khi đến giờ Con Người công khai xuất hiện, Thiên Chúa đã cho một vị tiền hô đi trước báo tin.

Vị tiền hô đó là Gioan, con ông Zacharia. Theo thánh Luca (3,1), đó là năm thứ 15 triều Hoàng đế Tibêriô. Hoàng đế Augustô băng hà ngày 19 tháng 8 năm 14 sau Công nguyên; năm thứ 15 triều Tibêriô tính theo số học vào khoảng từ 19/8/28 đến 19/8/29. Nhưng rất có thể Luca đã tính theo một hệ thống khác.

Theo hệ thống đó, năm trị vì của nhà Vua tính từ tháng 10 tới tháng 10 và năm thứ nhất triều Hoàng đế Tibêriô chỉ gồm ít tuần lễ, từ 19/8 đến 1/10/14. Nếu Luca đã theo hệ thống này là hệ thống thông dụng ở xứ ông thì năm thứ 2 triều Tibêriô bắt đầu ngày 1/10/14 và năm thứ 15 bắt đầu ngày 1/10/27. Nếu Gioan đã bắt đầu làm phép rửa từ ngày đó và nếu Chúa Giêsu đã chịu phép rửa vào mùa đông năm 27 hay ít là trước lễ Vượt qua năm 28, ta có thể ấn định ngày Chúa chịu chết vào năm 30 và như thế có đủ thời giờ cần thiết cho niên biểu theo Phúc Âm thánh Gioan (x. Gio 2,13.23; 6,4; 12,1).

Sau khi đã chuẩn bị sứ mệnh tiền hô Đấng Cứu Thế trong những năm ở trong sa mạc, Gioan đột nhiên xuất hiện ở miền sa mạc xứ Giuđêa gần Giêricô, mạn bắc Biển Chết. Gioan giảng cho những người qua lại phép rửa thống hối để thanh tẩy tâm hồn họ và chuẩn bị họ đón nhận Đấng Cứu Thế đã gần tới.

Danh tiếng thánh thiện của một đời sống khổ hạnh và lời giảng sốt sắng của người đã lan truyền khắp xứ. Từ Giêrusalem, từ những miền quê xứ Giuđêa, từ những miền phụ cận sông Giorđan, từ xứ Galilêa, từng đoàn người tới nghe lời người và chịu phép rửa trong sông Giorđan để xin ơn tha tội.

Trong khi đó, Chúa Giêsu từ Nazareth xuống hạ lưu sông Giorđan và xin Gioan làm phép rửa. Phép rửa nầy đối với Chúa Giêsu không có ý chỉ lòng thống hối, vì Chúa là Đấng thanh sạch không có tội gì, nhưng là một việc tự do Người muốn làm.

Sau khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu cầu nguyện và Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Người dưới hình chim bồ câu và từ trời cao có tiếng phán: “Đây là Con yêu quý đẹp lòng Ta” (Mt 3,17).

Sau khi nhận sự bảo đảm phù trợ của Chúa Cha, Thánh Linh dẫn Chúa Giêsu tới sa mạc để chuẩn bị lần cuối cùng đời hoạt động trong chay tịnh và cầu nguyện. Satan ba lần tấn công Chúa, muốn cho Người làm sai sứ mệnh : thay con đường cứu độ chinh phục các linh hồn với hy sinh và thánh giá bằng con đường cứu độ theo tính cách loài người, làm cho người ta thán phục bằng cách tỏ ra uy quyền. Chúa Giêsu đã thắng và sẵn sàng cứu rỗi nhân loại bằng nhục nhã, đau khổ và tử nạn (Lc 4,1-13).

2. Hoạt động của Chúa Giêsu ở xứ Galilêa

Nếu chúng ta chỉ có Phúc Âm Nhất lãm, cứ sự thường ta sẽ nghĩ rằng : sau khi chịu cám dỗ ở sa mạc và sau khi Gioan Tẩy giả bị Hêrôđê Antipa bắt giam, Chúa Giêsu trở lại xứ Galilêa bắt đầu đời giảng giáo.

Nhưng Phúc Âm thánh Gioan cho ta biết nhiều sự kiện làm thay đổi ý nghĩ trên. Sau khi ghi rằng Chúa ở trên bờ sông Giordan, được Gioan Tẩy giả minh chứng là Con Thiên Chúa (Gio 1,29-34) và tiếp xúc với một vài người trong số những môn đệ tương lai : Simon – Phêrô, Anrê, và một người vô danh mà thường người ta cho là Gioan con ông Zêbêđê (Gio 1,35-42), Phúc Âm thứ tư kể lại Chúa trở về xứ Galilêa hai lần, lần thứ nhất (Gio 1,43) trước lễ Vượt qua năm 28, lần thứ hai (Gio 4,3) sau lễ Vượt qua đó.

Trong khoảng thời gian giữa hai lần trở về xứ Galilêa, thánh Gioan đã ghi lại nhiều việc của Chúa : gọi Philipphê và Nathanael (Gio 1,43-51), Chúa làm cho nước trở nên rượu ở tiệc cưới thành Cana (Gio 2,1-11), Chúa đi thành Capharnaum cùng với Mẹ Người, một số anh em họ và môn đệ (Gio 2,12), Chúa đi thành Giêrusalem dự lễ Vượt qua và đuổi những người buôn bán trong Đền Thờ (Gio 2,13-22), cuộc đàm thoại ban đêm với Nicôđêmô (Gio 3,1-21), một thời gian ngắn Chúa ở xứ Giuđêa, trong thời gian đó các môn đệ Người làm phép rửa, do đó xảy ra một cuộc tranh luận với các môn đệ Gioan Tẩy giả và Gioan tẩy giả lại làm chứng về Chúa lần thứ hai (Gio 3,22-36), rồi Chúa trở về xứ Galilêa, qua xứ Samaria (Gio 4,1-4), Chúa gặp thiếu phụ xứ Samaria ở giếng Giacob (Gio 4,5-42). Sau hết, Chúa tới Cana xứ Galilêa và từ Cana, Chúa chữa con trai một người công chức nhà vua ở Capharnaum (Gio 4,46-54).

Sau khi tỏ mình ra dần dần bằng những phép lạ ở Galilêa và ở Giêrusalem (Gio 2,23), Chúa bắt đầu giảng dạy ở xứ Galilêa. Đề tài của cuộc giảng dạy đã được ghi rõ trong một câu của Phúc Âm thánh Marcô (1,15) : “Thời giờ đã hoàn tất và Nước Chúa đã gần đến, anh em hãy ăn năn hối cải và tin vào Phúc Âm”, tin lời giảng đem lại cho anh em ơn cứu rỗi.

Sau khi đã giảng một mình trong các Hội đường (Lc 4,15), Chúa đã chọn các môn đệ. Bên bờ hồ Tibêriađê Chúa đã gọi Phêrô và Anrê, em người; rồi tới phiên hai con ông Zêbêđê : Giacôbê và Gioan (Mc 1,16-20). Cùng với các môn đệ đó, Chúa trở về Capharnaum, trung tâm đời giảng giáo của Chúa ở Galilêa. Ngày Sabbat đầu tiên Chúa đã qua ở thành nhỏ đó cho ta một thí dụ về hoạt động dị thường của Chúa (Mc 1,21-34) : Chúa giảng trong Hội đường làm cho mọi người nghe bỡ ngỡ vì Người giảng như người có uy quyền chứ không như các Luật sĩ (Mc 1,22).

Bài giảng của Chúa được chứng minh bằng các phép lạ : chữa một người bị quỉ ám trong Hội đường, chữa nhạc mẫu Simon – Phêrô, và sau khi mặt trời lặn, còn chữa một số đông các bệnh nhân và những người bị quỉ ám.

Từ Capharnaum, Chúa Giêsu mở rộng phạm vi giảng giáo ra khắp xứ Galilêa. Chúa giảng dạy trong các Hội đường và làm nhiều phép lạ : chữa một người phong hủi (Mc 1,40-45) và sau khi về Capharnaum, chữa một người bất toại mà vì quá đông người, nên người ta đã rỡ mái nhà để thả người đó xuống (Mc 2,1-2).

Phép lạ này là dịp chạm trán đầu tiên giữa Chúa Giêsu và Biệt phái; Chúa Giêsu cho biết Người có quyền tha tội, có quyền chữa bệnh tâm hồn cũng như thể xác. Những cuộc đụng độ khác tiếp diễn : sau khi Chúa gọi ông Lêvi, một người thu thuế (Lêvi cũng là tên của Tông đồ Matthêô), những ngưòi Biệt phái lấy làm vấp phạm vì Chúa giao thiệp với những người thu thuế và những người tội lỗi (Mc 2,17-31), vì các môn đệ Chúa không giữ chay như những người Do-thái ngoan đạo và môn đệ của Gioan (Mc 2,18-22), vì các môn đệ hái mấy bông lúa ngày Sabbat để ăn cho đỡ đói (Mc 2,23-28).

Vấn đề giữ ngày Sabbat đưa đến một đoạn tuyệt công khai : Chúa Giêsu chữa một người bại tay ở giữa Hội đường ngày Sabbat, Biệt phái tức đến cực điểm vì họ nghĩ rằng Chúa lỗi luật Môsê và nuôi ý định muốn hãm hại Chúa (Mc 3,6).

Trước mặt bọn thù địch này, Chúa đã thành lập tiểu tổ thứ nhất cộng đồng các tín hữu, sau này gọi là Giáo hội. Lên trên một ngọn đồi bao quát hồ Tibêriađê, Chúa đã cầu nguyện suốt đêm, đến sáng Chúa chọn 12 Tông đồ, đứng đầu là Phêrô (Mc 3,13-19).

Sau khi chọn 12 Tông đồ, với các Tông đồ bên cạnh, và một số đông dân chúng từ các miền Galilêa, Giuđêa, Tyrô và Siđôn (Lc 6,17), Chúa Giêsu đã giảng “Bài giảng trên núi” (Mt 5,3 – 7,27; Lc 6,20-49).

Bài giảng nầy gồm tất cả một chương trình của đời sống mới. Phần mở bài là Tám mối Phúc thật, nói về những tâm tình hợp với Nước Chúa. Rồi với uy quyền tối cao, Chúa Giêsu quảng diễn về sự hoàn hảo của Luật mới được đem đến, không phải để hủy bỏ Luật cũ nhưng để kiện toàn. Luật đó đòi hỏi một tinh thần đối lập với tinh thần của Biệt phái và Luật sĩ. Nhiều điểm trong Luật cũ đã được nhắc lại nhưng là để sửa chữa và đổi mới : đức trinh khiết và hôn phối, lời thề, sự tha thứ những lỗi xúc phạm, lòng bác ái, ý ngay lành trong khi bố thí, ăn chay, cầu nguyện. Bài giảng trên núi, tuy rất phong phú, nhưng không phải là tất cả Phúc Âm.

Những dụ ngôn mà Chúa giảng trên bờ hồ làm sáng tỏ – ít là đối với những tâm hồn thiện chí mà lời Chúa rơi xuống như hạt giống rơi vào đất tốt (Mc 4,20) – những khía cạnh của Nước Chúa : lớn lên và phát triển (dụ ngôn hạt cải Mc 4,30-32; men Mt 13,33; hạt giống tự mọc Mc 4,26-28), giá trị vô song của Nước Chúa (dụ ngôn của báu Mt 13,44; hạt ngọc Mt 13,46), Nước Chúa ở dương thế có lẫn lộn thiện ác cho tới ngày thẩm phán chung (dụ ngôn cỏ lùng Mt 13,24-30; 36-43; lưới Mt 13,47-50).

Lời Chúa dạy làm cho những người Biệt phái càng thêm lòng thù ghét Chúa. Họ nói Chúa phải Beelzeboul, thủ lãnh các quỉ ám (Mc 3,22-30). Ngay cả trong họ hàng cũng có người không tin Chúa (Mc 3,20-21; Gio 7,5). Những người thành Nazareth, đồng hương với Chúa, đón tiếp Người một cách không mấy thiện cảm (Mc 6,1-6), hơn nữa họ còn muốn hãm hại Chúa (Lc 4,29).

Nhưng đó chỉ là một trường hợp ngoại lệ. Trong năm đầu thời kỳ giảng dạy ở Galilêa, những phép lạ của Chúa đã thu hút nhiều đám đông đến với Người. Không có tham vọng kể lại tất cả những phép lạ của Chúa, Phúc Âm đã kể lại cho chúng ta nhiều phép lạ Chúa đã làm : sau khi giảng trên núi, Chúa chữa người đầy tớ viên đại đội trưởng ở Capharnaum (Lc 7,1-10), Chúa làm cho con bà goá thành Nain sống lại (Lc 7,10-17); sau khi giảng các dụ ngôn ở bờ hồ, Chúa đã khiến sóng gió yên lặng (Mc 4,35-41); Chúa chữa một người xứ Giêrêsa khỏi quỉ ám (Mc 5,1-20), chữa người đàn bà mắc bệnh băng huyết và làm cho con gái ông Giairô sống lại (Mc 5,21-28). Chúa cũng làm những phép lạ thiêng liêng : người đàn bà tội lỗi quỳ dưới chân Chúa được tha thứ và đổi mới (Lc 7,36-50).

Để huấn luyện các Tông đồ về sứ mạng mai ngày, Chúa Giêsu cho các Tông đồ tham dự vào việc rao giảng Tin Mừng. Người ban cho họ quyền trừ quỉ, chữa các bệnh tật và sai họ đi rao giảng (Mc 6,7-13). Việc đó cùng với tiếng vang do hoạt động của Chúa làm cho Hêrôđê Antipa, quận vương xứ Galilêa, lo lắng. Chính Hêrôđê Antipa đã giết Gioan Tẩy giả vì người đã trách Hêrôđê về tội ngoại tình với Hêrôđiađê (Mc 6,14-20).

Khi các Tông đồ đi giảng về, muốn cho các ông nghỉ ngơi một chút và khỏi đám đông quấy nhiễu, đến nỗi không để cho các ông có thời giờ ăn uống (Mc 6,30-34), Chúa Giêsu đã cùng các môn đệ xuống thuyền sang một nơi thanh vắng bên đông hồ Tibêriađê. Nhưng vừa lên bình nguyên ở đông nam thành Bethsaiđa Julia, đám đông từ những làng lân cận đến vây quanh Chúa.

Sau khi giảng dạy họ, Chúa đã làm phép lạ nuôi họ : với năm chiếc bánh và hai con cá, Người đã cho năm ngàn người ăn no (Mc 6,44). Chiều đến, để tránh việc đám đông vì lòng phấn khởi muốn suy tôn Người làm Vua (Gio 6,15), Chúa Giêsu bảo các môn đệ xuống thuyền rồi Người lên núi.

Vào khoảng cuối đêm, khi các môn đệ đang vất vả chèo ngược gió, thì Chúa đi trên sóng tới (Mc 6,47-52). Chúa và các môn đệ lên bình nguyên Giênêzareth rồi trở về Capharnaum, những người đã nghe Chúa giảng chiều hôm trước đã đến Capharnaum tìm Chúa và Chúa đã giảng về Bánh hằng sống (Gio 6,26-59). Bài giảng này đánh dấu một lúc quyết liệt trong thời kỳ hoạt động của Chúa ở Galilêa.

Với những người theo Chúa, Chúa đòi hỏi một đức tin không điều kiện ở chính bản thân Người. Lời hứa sẽ cho Mình và Máu Người làm của ăn là đá thử lòng tin hoàn toàn đó. Có những người cho bài giảng đó chói tai quá (Gio 6,60) và bỏ đi. Có những người căn cứ vào lời Chúa dạy, tiếp nhận mầu nhiệm, trung thành ở lại với Chúa như vị Tôn sư có Lời hằng sống (Gio 6,68).

Chúa làm cho bánh trở nên nhiều lần thứ nhất trước lễ Vượt qua (năm 29) (Gio 6,4). Sau đó ít lâu – nếu cùng với nhiều tác giả ta đặt chương 6 Phúc Âm thánh Gioan trước chương 5 – Chúa Giêsu lên thành Giêrusalem dự một lễ Do-thái mà Phúc Âm không ghi rõ (Gio 5,1). Trong thời kỳ ở Giêrusalem, Chúa đã chữa người bất toại ở hồ Bêzatha (Gio 5,3-9), nhưng vì Chúa đã làm phép lạ đó trong một ngày Sabbat nên những người Biệt phái và các Luật sĩ bắt bẻ Chúa. Chúa Giêsu trả lời họ, khẳng định thiên sứ của mình và mối liên lạc duy nhất của Người với Chúa Cha : các phép lạ Người làm, cũng như Môsê và Sách Thánh minh chứng điều đó (Gio 5,19-47).

Từ Giuđêa, nơi mà những người Do-thái tìm cách hãm hại Chúa, Chúa trở về xứ Galilêa. Ở đó Chúa lại gặp những người Biệt phái và các Luật sĩ từ Giêrusalem tới (Mc 7,1) : Chúa tranh luận với họ về việc rửa tay theo luật pháp và kết án hình thức chủ nghĩa và sự giả hình của họ. Để đối lại, Chúa giảng dạy một đời sống đạo đức chân thành và lòng thanh khiết thực sự, bắt nguồn từ trong tâm khảm (Mc 7,1-23).

3. Hoạt động ở ngoài biên giới xứ Galilêa

Để có thời giờ huấn luyện các môn đệ và có lẽ cũng để tránh những âm mưu của Hêrôđê Antipa, Chúa Giêsu rời Capharnaum đi miền duyên hải xứ Phênêcia trong miền Tyrô và Siđôn; dọc đường, Chúa đã chữa con gái một bà ngoại giáo, người đàn bà xứ Cananêa (Mt 15,21-28).

Từ Tyrô, Chúa Giêsu trở lại bên đông hồ Tibêriađê tới miền Thập Tỉnh, nửa phần là ngoại giáo, ở đó Chúa đã chữa một người điếc và ngọng (Mc 7,31-37), và làm cho bánh trở nên nhiều lần thứ hai (Mc 8,1-9).

Từ nơi đó Chúa đã xuống thuyền sang phía tây hồ. Sau một cuộc tranh luận với Biệt phái muốn thử Chúa đã xin Người một dấu từ trời (Mc 8,11), Chúa xuống thuyền sang bên đông bắc hồ Tibêriađê gần Bethsaiđa Julia. Sau khi đã chữa một người mù (Mc 8,22-26), cùng với các môn đệ, Chúa đi Cesarêa Philipphê ở chân núi Hermon.

Khi đi đường Chúa hỏi 12 Tông đồ người ta nghĩ về Chúa thế nào. Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa hằng sống”. Và Chúa Giêsu đã thưởng cuộc tuyên xưng đức tin đó, đặt Phêrô làm nền tảng Giáo hội của Người (Mt 16,16-19).

Từ thời này, Chúa Giêsu nói với các môn đệ nhiều hơn về cuộc Tử nạn đang chờ đợi Người (Mc 8,31-32). Cách ăn ở của họ phải giống cách ăn ở của Chúa, họ sẽ chỉ là môn đệ của Chúa nếu họ từ bỏ chính mình và vác thập giá của họ theo Chúa (Mc 8,34-38).

Sáu ngày sau cuộc tuyên xưng ở Cesarêa Philipphê, Chúa đã biến hình trên một núi cao. Cuộc biến hình đó cho Phêrô, Giacôbê và Gioan thấy lòng ưu ái của Chúa Cha đối với Chúa Con và vinh quang Chúa Cha hứa cho những ai vâng lời Người (Mc 9,2-8).

Và đây là những việc xảy ra cuối cùng vào cuối đời hoạt động của Chúa ở Galilêa : Chúa chữa một người động kinh ở chân núi Chúa đã biến hình (Mc 9,14-29), Chúa nhắc lại về cuộc Tử nạn của Người (Mc 9,30-32), Chúa nghỉ chân ở Capharnaum (Mc 9,33), ở đó đã xảy ra phép lạ về đồng tiền dâng vào Đền thờ (Mt 17,23-26), những lời Chúa dạy cho các môn đệ, nhất là về đức khiêm nhường và gương xấu (Mc 9,34-50).

Rồi Chúa Giêsu từ biệt xứ Galilêa; trước khi rời Galilêa, Chúa nói về hình phạt các thành Corozain, Bethsaiđa và Capharnaum sẽ phải chịu (Mt 11,20-24).

4. Trên đường đi Giêrusalem

Thánh Marcô và thánh Matthêô chỉ ghi lại một cách rất vắn tắt những việc đã xảy ra trong khoảng sau thời kỳ hoạt động ở Galilêa tới dịp Chúa lên Giêrusalem chịu tử nạn. Ta thấy Chúa Giêsu trước hết đến Giuđêa, rồi lại qua sông Giordan đến miền Pêrêa (Mc 10,1) và sau hết lên Giêrusalem qua Giêricô (Mc 10,46). Thánh Luca ghi lại ở phần này một số lớn những lời giảng dạy của Chúa mà các Phúc Âm khác không kể lại, nhưng không nói rõ những nơi Chúa đã qua. Thánh Gioan ở phần này cho ta những chi tiết rõ ràng hơn.

Chúa Giêsu từ biệt xứ Galilêa lên Giêrusalem trong dịp lễ Lều Trại (Gio 7,14), vào cuối tháng chín hay đầu tháng mười năm 29. Ta có thể coi những việc ghi lại trong Phúc Âm Luca từ 9,51 đến 11,13 xảy ra trong cuộc hành trình này: Chúa Giêsu muốn qua xứ Samaria (9,52-56); Chúa sai 72 môn đệ đi giảng (10,1), Chúa Giêsu vui mừng khi họ trở về (10,21-24); Chúa Giêsu dạy dụ ngôn về người Samari tốt lành (10,25-37) trên quãng đường từ Giêricô đến Giêusalem; Chúa dừng chân ở Bêthania tại nhà bà Martha, Maria và ông Lazarô (10,38-42); Chúa dạy kinh Lạy Cha – theo cổ truyền – trên Núi Cây dầu (11,1-13); ở Giêrusalem, Chúa giảng dạy trong Đền thờ, Chúa tuyên bố Người là suối nước hằng sống (Gio 7,37), là ánh sáng thế gian (Gio 8,12). Người Do-thái tức giận (Gio 8,44) muốn ném đá Chúa (Gio 8,59); Chúa chữa người mù từ khi mới sinh (Gio 9,1-41); dụ ngôn người mục tử tốt lành làm cho đám đông bất đồng ý kiến với nhau (Gio 10,1-21).

Sau đó Chúa Giêsu sang bên Pêrêa rồi trở về Giêrusalem vào dịp lễ Cung hiến Đền thờ (Gio 10,22) vào cuối tháng chạp năm 29. Lễ xong, Chúa lại sang bên kia sông Giordan (Gio 10,40) và ở đó cho đến khi ông Lazarô qua đời.

Trong thời gian từ Lễ Lều Trại cho đến phép lạ Chúa làm cho ông Lazarô sống lại, thánh Luca đã ghi cho chúng ta một số phép lạ và lời dạy của Chúa; một phần giống Phúc Âm Matthêô và Marcô : vấn đề ly dị (Mc 10,1-12), Chúa Giêsu với các trẻ em (Mc 10,13-16), người thanh niên giàu có (Mc 10,17-31), nhiều khi chỉ phù hợp với Phúc Âm Matthêô, nhưng trong văn mạch khác; phần khác không có trong Phúc Âm Matthêô và Marcô : Chúa chữa người đàn bà còng lưng (Lc 13,10-17), người mắc bệnh thủy thủng (Lc 14,1-6), 10 người phong hủi (Lc 17,11-19), dụ ngôn về người phú hộ thiếu khôn ngoan (Lc 12,16-21), cây vả không có trái (Lc 13,6-9), con chiên lạc, đồng bạc mất và người con hoang đàng (Lc 15,19-31), người quản gia quỉ quyệt (Lc 16,1-13), người giàu có và ông Lazarô (Lc 16,19-31), người quan án bất công (Lc 18,1-8), người Biệt phái và người thu thuế (Lc 18,9-15).

Trong thời kỳ ở Pêrêa, Chúa Giêsu được tin ông Lazarô lâm bệnh nặng. Hai ngày sau khi được tin, Chúa đi Bêthania gần Giêrusalem làm cho ông Lazarô, em bà Martha và bà Maria, sống lại (Gio 11,1-15).

Việc Chúa cho ông Lazarô sống lại làm cho thượng tế Caipha và những người làm đầu dân họp hội nghị và quyết định hãm hại Chúa (Gio 11,49-53), Chúa lui về ẩn ở Ephraim, một làng ở mạn bắc Giêrusalem gần sa mạc (Gio 11,54).

Chúa ở đó với các môn đệ đến gần lễ Vượt qua năm 30. Sau đó Chúa lên thành Giêrusalem qua ngả Giêricô, ở đó Chúa đã chữa người mù tên là Bartimêô (Mc 10,48-53) và làm cho người thu thuế Zachêô hối cải (Lc 19,1-10).

Trong cuộc hành trình này, trước khi tới Giêricô, Chúa tiên báo về cuộc Tử nạn của Người lần thứ ba (Mc 10,32-35), hai con ông Zêbêđê xin Chúa cho ngồi bên hữu bên tả Chúa (Mc 10,36-45), và trên quãng đường từ Giêricô đến Giêrusalem Chúa đã dạy dụ ngôn yến bạc (Lc 19,11-28). Từ Giêricô, Chúa lên Bêthania, ở đó “sáu ngày trước lễ Vượt qua” (Gio 12,1), tức là ngày thứ bảy, ngày vọng lễ Lá; trong một bữa tiệc, bà Maria, chị ông Lazarô đã xức thuốc thơm cho Chúa (Mc 14,8).

5. Những ngày sau hết của Chúa ở Giêrusalem. Cuộc Tử Nạn, Phục sinh và Lên Trời

Tuần sau hết cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu được mở đầu bằng cuộc khải hoàn vào Giêrusalem ngày Lễ Lá. Chiều đến, Chúa Giêsu và các môn đệ lại về Bêthania (Mc 11,11).

Ba ngày sau cũng vậy. Mỗi sáng Chúa tới Giêrusalem, một trong những lần đi Giêrusalem, Chúa đã nguyền rủa cây vả không trái (Mc 11,12-14), hình bóng hình phạt đang chờ đợi thành Giêrusalem. Ban ngày Chúa giảng dạy dân chúng trong Đền thờ.

Dịp này Chúa dạy dụ ngôn những tá điền vườn nho sát nhân (Mc 12,1-12); những người Biệt phái và Hêrôđianô hỏi Chúa có nên nộp thuế cho Cêsarê không (Mc 12,13-17); những người Sađđucêô hỏi Chúa về vấn đề sống lại (Mc 12,18-27); Chúa dạy về giới răn trọng nhất (Mc 12,28-35), về dòng dõi Đấng Cứu Thế cao trọng hơn Đavid (Mc 12,35-37), bài giảng chống đối Biệt phái và Luật sĩ (vae) (Mt 23,1-39) và đồng tiền dâng cúng của một bà góa (Mc 12,41-44), sau hết trên núi Cây Dầu đối diện với Đền thờ, Chúa đã tiên báo về thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá và về Con Người sẽ tái lâm trong vinh quang (Mc 13,1-37); thánh Matthêô ghi thêm những dụ ngôn về sự tỉnh thức (những trinh nữ khôn ngoan và những trinh nữ khờ dại (Mt 25,1-13), dụ ngôn về nén bạc (Mt 25,14-30) và nói về ngày chung thẩm (Mt 25,31-46).

Thứ tư tuần thánh, Giuđa gặp các tư tế để nói chuyện về việc nộp Chúa : đổi Chúa lấy 30 nén bạc.

Sáng ngày thứ năm tuần thánh, Chúa sai Phêrô và Gioan đi dọn lễ Vượt qua.

Chiều hôm đó Chúa tới nhà Tiệc ly với các môn đệ. Ở đó Chúa đã mừng lễ Vượt qua, lập phép Thánh Thể và phép Truyền chức, nói chuyện tâm tình với các môn đệ (Gio 14,1 – 16,33) và cầu nguyện (Gio 17,1-26).

Từ nhà Tiệc ly, trừ Giuđa, Chúa Giêsu với các môn đệ xuống vườn Giếtsêmani, bên kia thung lũng Cedron. Ở đây Chúa cầu nguyện trong lo âu và trong vâng phục Thánh ý Chúa Cha.

Tới nửa đêm, một bọn người mang khí giới do các Thượng tế phái đi có Giuđa dẫn đường tới bắt Chúa và đem Chúa tới dinh Caipha. Sau cuộc thẩm vấn không chính thức của Anna, nhạc phụ Caipha, Chúa Giêsu bị đưa ra Hội đồng Tối cao do Caipha chủ tọa. Người ta mưu mô dùng những nhân chứng giả để buộc tội Chúa, nhưng thất bại. Bấy giờ Thượng tế hỏi Chúa một câu quyết định : “Ông có phải là Đức Kitô Con Thiên Chúa không ?”. Chúa trả lời : “Ông nói phải và ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Chúa Cha từ trời xuống” (Mc 14,61-62). Caipha liền kêu là phạm thượng và Hội đồng Tối cao tuyên bố Chúa Giêsu đáng phải tử hình.

Khi Chúa Giêsu đứng trước Hội đồng Tối cao, Phêrô vào trong dinh Caipha. Vì yếu đuối, Phêrô đã chối Thầy; rồi xúc động vì cái nhìn của Chúa, Phêrô đã ra ngoài than khóc tội mình. Một ít giờ sau, Giuđa bị lương tâm dày vò vì tội ác và thất vọng, đã treo cổ tự vẫn.

Sau khi đã kết án Chúa Giêsu, Hội đồng Tối cao Do thái vội vã đến xin Philatô, Tổng trấn Rôma chấp thuận và cho phép thi hành án tử hình đó.

Sáng sớm thứ sáu, họ dẫn Chúa đến dinh Tổng trấn Philatô, ở đồn Antonia về phía tây bắc sân Đền thờ. Philatô thẩm vấn Chúa và biết Chúa vô tội (Lc 23,4). Nhưng thay vì tha Chúa, Philatô lại do dự trước những phản đối của các Thượng tế và những người mà họ đã xúi giục. Philatô muốn tránh việc xử Chúa bằng cách gửi Chúa cho Hêrôđê Antipa, quận vương xứ Galilêa, bấy giờ cũng đang ở Giêrusalem dự lễ Vượt Qua, vì Chúa là người xứ Galilêa, nhưng vô ích.

Hêrôđê sau khi đã chế nhạo Chúa, lại gửi Chúa về cho Philatô (Lc 23,7-11). Philatô lại nghĩ ra phương thế khác, nhưng cũng vô hiệu. Theo tục lệ, dịp lễ Vượt qua dân xin Tổng trấn đại xá cho một người tù bị kết án. Khi dân tới xin, Philatô cho dân chọn Chúa Giêsu hay là tên cướp Barabba. Do các Thượng tế xúi giục, dân đã chọn Barabba, và kêu xin đóng đinh Chúa Giêsu (Mt 27,23).

Philatô truyền đánh đòn Chúa Giêsu, hy vọng rằng với hình phạt đó có thể làm dịu lòng căm thù của dân Do-thái. Chúa Giêsu bị đánh đòn trong dinh. Toán lính lại thêm vào hình phạt đó những điều tai ác hơn : họ khoác lên vai Chúa một áo choàng màu đỏ tía, đặt trong tay Người một cây sậy và trên đầu Người một triều thiên bằng gai. Với vẻ khôi hài xỉ nhục đó, họ dẫn Chúa tới Philatô.

Philatô đem Chúa ra chỗ đám đông tề tựu trước dinh xem và nói : “Này là Người” (Gio 19,5). Khi thấy Chúa, không những dân Do-thái không xúc động, lại còn la lớn : “Đóng đinh nó đi. Nếu ông tha người này là ông không trung thành với Hoàng đế” (Gio 19,6-12). Sợ mình bị cáo với Tibêriô là đồng phạm với một người muốn chiếm ngai vàng, Philatô nhượng bộ, tha Barabba và giao Chúa cho quân lính đem đi đóng đinh.

Với thập giá trên vai, Chúa Giêsu ra khỏi dinh Philatô; vì Chúa kiệt sức nên họ đã phải bắt ông Simon Cyrênêô giúp Chúa. Một đội trưởng và 4 người lính Rôma dẫn Chúa với hai tội nhân đến nơi xử, Golgôtha, một đồi nhỏ ở ngoài thành mạn tây bắc và không cách xa thành lắm.

Lúc đó vào khoảng trưa. Chúa phải đóng đinh giữa hai người trộm cướp, một tên hùa với những người Do-thái xỉ nhục Chúa, còn tên kia hối hận và tin tưởng vào Chúa, đã được Chúa hứa cho vào nước Thiên đàng (Lc 23,43). Khi quân lính chia nhau áo Chúa và các Thượng tế cùng với những người qua lại chế nhạo Chúa, một số những bạn trung thành tới bên thánh giá : Đức Maria Mẹ Chúa, Gioan môn đệ yêu quí, và những người nữ đạo đức. Họ được nghe những lời sau cùng của Chúa và lời Chúa kêu lên (lúc 3 giờ chiều) khi Chúa thở hơi cuối cùng dưới một bầu trời tối tăm và đất động, như thiên nhiên cũng muốn dự phần vào cái chết của Đấng Thiên Chúa tạo thành.

Hôm đó là ngày thứ sáu 14 Nisan, tức là ngày 7 tháng tư dương lịch năm 30.

Về ngày Chúa chịu Tử nạn, chúng ta biết chắc chắn đó là ngày thứ sáu vì các Phúc Âm đều ghi hôm đó là ngày vọng ngày Sabbat (parasceve) (Mt 27,62; Mc 15,42; Lc 23,54; Gio 19,31).

Theo thánh Gioan, Chúa Giêsu đã chịu chết ngày người Do-thái ăn tiệc chiên, tức là ngày 14 tháng Nisan (Gio 13,1; 19,14; cf. I Cor 5,7). Vì thế ngày thứ sáu năm đó cũng là ngày vọng lễ Vượt qua. Sau khi đã biết Chúa Giêsu chịu chết ngày 14 tháng Nisan và là ngày thứ sáu trong tuần, chúng ta phải xác định Chúa Giêsu chịu chết năm nào. Năm Chúa Giêsu chịu chết phải hội đủ những điều kiện sau đây : dưới thời Philatô làm Tổng trấn xứ Giuđêa (từ năm 26 đến năm 36), ngày thứ sáu và ngày 14 Nisan.

Chỉ có những năm 27, 30, 33 hội đủ 3 điều kiện đó. Theo những điều đã nói ở trên về năm thứ 15 triều Hoàng đế Tibêriô, về khởi điểm và thời gian đời công khai của Chúa Giêsu, những năm 27 và 33 không thể chấp nhận được vì vào dịp lễ Vượt qua năm 27 Chúa Giêsu chưa bắt đầu hoạt động; năm 33 lại muộn quá. Trái lại, năm 30 chính là năm mà những tính toán tóm tắt ở trên đều quy lại.

Trong năm 30, ngày 7 tháng tư dương lịch là ngày thứ sáu và là ngày 14 Nisan. Những chứng lý xác định niên hiệu này rất có giá trị và ta có thể coi đó là niên hiệu cuộc Tử nạn của Chúa. Khi chịu chết, Chúa được từ 34 đến 36 tuổi. Số tuổi tùy theo niên hiệu Giáng sinh được chấp nhận.

Vì là ngày vọng Sabbat, năm đó trùng ngày với đại lễ “Vượt qua” do đó phải cất xác trước khi mặt trời lặn. Giuse Arimathia, thuộc Hội đồng Tối cao, một phú hộ bí mật theo Chúa, đã xin Philatô cho phép cất xác Chúa đã bị đâm thủng cạnh sườn. Với sự giúp đỡ của Nicôđêmô và các gia nhân, ông đỡ xác Chúa xuống khỏi thập giá, và sau khi đã rửa xác theo tục lệ, quấn xác Chúa bằng băng vải có tẩm mộc dược và thuốc thơm và lấy khăn bọc xác Chúa, Giuse Arimathia đã an táng Chúa vào huyệt mà ông làm sẵn cho mình trong một thửa vườn gần núi Sọ.

Chính nơi đây, sáng tinh sương hôm Chúa nhật, những người nữ đạo đức trong số đó có Maria Mađalêna đã đem thuốc thơm tới viếng mộ. Khi tới nơi, các bà thấy tảng đá to đóng cửa mồ đã được lăn ra một bên. Những quân canh của Hội đồng Tối cao không còn ở đó nữa.

Trong khi Maria Mađalêna chạy về báo tin cho Tông đồ Phêrô và Gioan, các bà khác vào trong mộ đã được thiên thần báo tin cho biết Chúa Giêsu đã sống lại. Các bà đã trở về Giêrusalem trong khâm phục và sợ hãi (Mc 16,8).

Đến lượt Phêrô và Gioan chạy tới mộ và thấy mộ trống; những băng vải ở trên đất, khăn phủ mặt để riêng một nơi (Gio 20,7). Maria Mađalêna còn nấn ná ở lại. Bà cúi xuống nhìn vào nơi để xác Chúa, thấy hai thiên thần ở hai đầu tấm đá trên đó đã để xác Chúa. Rồi quay lại đằng sau, bà thấy một người mà bà tưởng là người coi vườn. Khi người đó gọi: “Mariam !”, Maria nhận ra Chúa Giêsu và sấp mình dưới chân Người (Gio 20,16).

Bà Maria Mađalêna kể lại việc Chúa hiện ra cho các môn đệ, nhưng các ông không tin. Sau lần hiện ra đó, Chúa còn hiện ra nhiều lần ở Giuđêa và Galilêa. Chính ngày sống lại, Chúa đã hiện ra với Phêrô (Lc 24,34; I Cor 15,5), với hai môn đệ trên đường đi Emmaus (Lc 24,13-35), với các Tông đồ và các môn đệ hợp nhau ban chiều trong một ngôi nhà ở Giêrusalem (Lc 24,36-39; Gio 20,19-23).

Tám ngày sau Chúa lại hiện ra với các môn đệ ở Giêrusalem để thuyết phục Tôma vắng mặt trong khi Chúa hiện ra lần trước (Gio 20,24-29). Sau tuần lễ Vượt qua, các Tông đồ trở về xứ Galilêa, Chúa Giêsu lại hiện ra với 7 môn đệ, trong đó có Simon, Phêrô và Gioan trên bờ hồ Tibêriađê. Chúa xác nhận quyền chủ chăn tối cao của Phêrô (Gio 21,15-18).

Trong lần hiện ra trên một ngọn núi xứ Galilêa, Chúa Giêsu trao cho các Tông đồ sứ mệnh giảng dạy các dân tộc và hứa sẽ ở với các Tông đồ cho đến ngày tận thế (Mt 28,18-20).

Bốn mươi ngày sau khi sống lại, lần sau hết Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ đang họp nhau ở Giêrusalem để đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chúa dẫn các môn đệ lên núi Cây dầu, về hướng Bêthania. Ở đó Chúa đã lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha (Mc 16,19).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *