Chiếc Áo Từ Nhân – P4
Chiếc Áo Từ Nhân
(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
1. Nền Tảng Ðích Thực Của Gia Ðình
Một người con nuôi đã ghi lại câu chuyện do người mẹ của mình kể lại như sau:
Tháng 11 năm 1947, trời lạnh như cắt, đây là mùa đông lạnh nhất từ một trăm năm qua. Khi ba má đến nhà ga thì chiếc xe lửa đã dừng lại, phun ra những đám khói khổng lồ. Sau khi lên tàu, ba má khó có thể ngồi yên vì hồi hộp quá. Ba má chẳng để ý nhiều tới cái lạnh. Cảnh vật trông thật đẹp, dường như cả miền đều đóng băng trắng xóa. Sau cùng, ba má tới nơi và đón xe buýt đến một tòa nhà vĩ đại. Bà giám đốc đang chờ ba má, cho uống trà để ấm người lên, rồi dẫn ba má đi thăm các em bé. Có rất nhiều trẻ sơ sinh, trẻ trai, trẻ gái. Vài đứa tóc vàng, vài đứa tóc đen, có những đứa mắt xanh, và những đứa khác mắt nâu như mắt của con. Ba má nhìn quanh một lúc lâu, có rất nhiều, nhiều đứa trong bọn các con rất đẹp. Ba con và má không biết làm sao để chọn. Bỗng ba má bước vào một căn phòng mới, ở đó, trong chiếc nôi thứ hai, ba má nhìn thấy con. Con đang sụt sịt mũi ngước nhìn ba má như thể đang chờ đợi ba má từ lâu, và ba má cũng đang chờ đợi con. Ba má cho rằng con là đứa con đẹp nhất trong nhà với làn da màu nâu đáng yêu và mái tóc đen dày. Người ta nói với ba má tên con là Susan và con đã được bốn tháng tuổi. Bà giám đốc hỏi ba má:
– Ðứa trẻ này được không?
Ba má đáp:
– Vâng, đây là đứa bé chúng tôi mong muốn.
Ba má quấn con cho ấm rồi đưa con ra ga. Trên xe lửa, nhiều người lại gần hỏi ba má:
– Ồ! cháu bé đẹp quá! Cháu là con của ông bà phải không?
Ba má đáp:
– Vâng, chúng tôi vừa tuyển chọn cháu.
Mọi người trầm trồ:
– Ồ! ông bà chọn được cháu bé với cái nhìn tuyệt vời.
Ba má liền đáp:
– Vâng, chúng tôi đã chọn thế đấy.
Nghe mẹ nuôi tôi kể như thế, trong tôi dậy lên một tâm tình rất đặc biệt. Tôi đã được ba má chọn chứ không phải của trời cho như những đứa con do cha mẹ chúng sinh ra. Nhiều năm nay, mỗi lần bước lên xe lửa, tôi lại nghĩ đến cặp vợ chồng đang thì thầm với nhau trong toa xe, họ đang tới một nơi nào đó để tiếp nhận một đứa trẻ sơ sinh riêng cho họ. Theo tôi, “ba má đã chọn con” phải là những từ ngữ ngọt ngào nhất trong bất cứ ngôn ngữ nào.
* * *
Không thiếu những cha mẹ sát hại đứa con ruột của mình. Không thiếu những cha mẹ mà con cái ra đời một cách bất đắc dĩ. Không thiếu những cha mẹ mà con cái chỉ là một gánh nặng. Nếu cha mẹ không chọn con cái mình bằng tất cả tình yêu thương thì máu mủ ruột thịt cũng vẫn chưa phải là nền tảng đích thực của quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Trong phần mở đầu thư gửi giáo đoàn Êphêsô, thánh Phaolô đã nói về quan hệ giữa Thiên Chúa và chúng ta như sau: “Chúc tụng Thiên Chúa là thân phụ Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Trong Chúa Kitô, từ cõi trời Người đã thi ân giáng phúc cho ta những muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Chúa Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người ta trở nên tinh tuyền, thánh thiện nhờ tình thương của Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Chúa Giêsu Kitô để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời”. Quả thật, chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Trong Thánh Thần, như thánh Phaolô đã khảng định, chúng ta được quyền gọi Người là Cha bằng tất cả thân thương trìu mến. Ðây phải là niềm xác tín nền tảng của người tín hữu kitô chúng ta. Thiên Chúa là Cha chúng ta, Người đã chọn chúng ta, Người yêu thương chúng ta như con ruột thịt của Người. Mỗi người chúng ta, dù thấp hèn bé mọn đến đâu cũng đều có một chỗ đứng ưu việt trong trái tim của Thiên Chúa.
Lạy Chúa,
Xin cho chúng con luôn ý thức được phẩm giá cao trọng của chúng con và biết nhận ra phẩm giá ấy trong mỗi người anh em chúng con.
2. Cuộc Sống Vĩnh Cửu
Trong mười một mẫu gương phục vụ nổi tiếng nhất trong Giáo Hội trong năm 2001, tạp chí “Inside Vatican” (Trong Ðiện Vatican), đã đề cao cha Micheal Giorgie, dòng Phanxicô, vị linh mục tuyên úy của Ðội Cứu Hỏa, đã hy sinh trong khi cấp cứu các nạn nhân cuộc khủng bố ngày 11/09/2001 tại New York, Hoa Kỳ.
Cha Giorgie sinh ra trong một gia đình di dân gốc Ái Nhĩ Lan. Là thành viên của đội cứu hỏa New York, cha săn sóc tinh thần cho các nhân viên cứu hỏa. Một trong những nhiệm vụ của cha là an ủi và nâng đỡ tinh thần cho các gia đình của những nhân viên qua đời. Mỗi ngày, cha chứng kiến nỗi đau khổ của không biết bao nhiêu người. Cha không chỉ an ủi và nâng đỡ các nhân viên cứu hỏa, tất cả những ai quen biết cha đều chứng kiến cảnh cha chia sớt tiền của cho những người vô gia cư. Và các bạn của cha sẽ không bao giờ quên được hình ảnh của vị linh mục ngồi cạnh giường bệnh của các em bé. Người ta lại càng thấy rõ tấm gương hy sinh quảng đại ấy chiếu sáng trong khi cấp cứu các nạn nhân của cuộc khủng bố ngày 11/09/2001. Khi những nhân viên cứu hỏa ùa vào trong tòa nhà thương mại thế giới đang bốc cháy để tìm cứu các nạn nhân, họ biết rõ mình đang đương đầu với chính cái chết, cha Giorgie cũng ý thức được điều đó, nhưng ngài vẫn cùng với họ len lõi vào tòa nhà đang sụp đổ. Cha ban bí tích xức dầu bệnh nhân cho những người đang hấp hối. Là người của niềm tin, cha tin ở ơn cứu rỗi muôn đời và cha đã hy sinh mạng sống để mang lại ơn cứu rỗi ấy cho những ai đang đối diện với sự chết. Vị linh mục đã tháo bỏ chiếc mũ bảo vệ đội trên đầu để cử hành nghi thức cuối cùng cho một người lính cứu hỏa bị một người phụ nữ từ trên một cửa sổ của toà nhà thương mại quốc tế nhảy xuống đè chết. Trong khi ngài cử hành nghi thức thì một khối gạch rơi xuống trúng đầu, ngài chết tại chỗ.
Cha Micheal Giorgie đã trả giá cuối cùng là chính sự sống của ngài. Cha hy sinh mạng sống của cha cho các nhân viên mà cha hằng yêu thương và gọi là con cái của cha. Năm người lính cứu hỏa đã mang cha vào trong một nhà thờ gần bên và đặt cha dưới bàn thờ trong y phục của một người lính cứu hỏa. Họ khóc cha một lúc rồi trở lại hiện trường để cứu thêm những nạn nhân khác. Giấy chứng tử của cha mang số 1, bởi vì thi thể của cha là thi thể đầu tiên được mang ra khỏi nơi đổ nát.
Tại New York, người ta nói rằng cha phải là người chết số một, bởi vì cha là người hướng dẫn bao nhiêu người khác vào cổng thiên đàng.
* * *
Biến cố ngày 11/09/2001 sẽ mãi mãi được ghi khắc trong tâm khảm của mọi người trên khắp thế giới. Bên kia bao nhiêu cái chết và bao nhiêu thương tích là hình ảnh của vô số những bậc anh hùng. Nhiều người sẽ bị lãng quên nhưng một số sẽ mãi mãi tồn tại như những cột trụ của chiến thắng và khải hoàn với sự hy sinh quên mình. Giữa khối vụn vỡ và cát bụi trổ sinh những bông hoa của hy sinh quên mình. Trong thân phận bụi tro, con người phải trở về tro bụi. Nhưng bên kia tro bụi là sự sống mà sự hiến thân vô vị lợi làm cho trở nên vĩnh cửu.
Mùa Chay, chúng ta không chỉ suy nghĩ về thân phận mong manh bất toàn của kiếp người. Niềm tin hướng cái nhìn của chúng ta về sự sống vĩnh cửu. Nơi đó, chân lý về con người luôn được ngời sáng. Con người chỉ tìm gặp lại bản thân bằng sự hiến thân vô vị lợi.
Lạy Chúa,
Trong khi mưu tìm cuộc sống giữa những thực tại chóng qua ở đời này. Xin cho chúng con luôn biết tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu.
3. Lắng Nghe Tiếng Chúa
Trong mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy để tâm lắng nghe tiếng Chúa. Cha Thomas Merton, người thầy hướng dẫn tâm linh và cũng là tác giả của nhiều cuốn sách với cùng chủ đề đã nói như sau: “Bản chất của Thiên Chúa là nói với chúng ta”.
Nói cách khác là Thiên Chúa luôn tỏ mình ra cho chúng ta bằng ngôn ngữ mà chúng ta có thể hiểu được Ngài. Thánh sử Gioan cũng nói: “Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu, là Ngôi Lời, là Lời và Lời dạy của Thiên Chúa”. Ðồng thời ngài cũng nói: “Bản chất của con người chúng ta là lắng nghe Thiên Chúa và Chúa Con là Chúa Giêsu Kitô”.
Thiên Chúa đã nói với chúng ta nhiều lần và bằng nhiều cách thế khác nhau. Ngài nói với chúng ta qua Kinh Thánh, Ngài cũng nói với chúng ta qua Giáo Hội, những lời giảng dạy của Ðức Thánh Cha, các giám mục và linh mục, những người có bổn phận săn sóc và dạy dỗ chúng ta. Thiên Chúa cũng nói với chúng ta qua tha nhân và qua những dấu chỉ của thời đại cùng những sự vật và hiện tượng đang diễn tiến trong dòng lịch sử. Và Thiên Chúa cũng thực sự nói với chúng ta khi chúng ta cầu nguyện. Sống trong tương quan thân tình với Ngài, đó là lý do chúng ta phải chuyên cần cầu nguyện trong hoàn cảnh, mọi nơi và mọi lúc để học biết được điều Thiên Chúa đã nói với mỗi người chúng ta.
Mùa Chay là thời gian thuận tiện để chúng ta phát triển khả năng lắng nghe tiếng Chúa. Linh mục Thomas Merton cũng nêu ra những chướng ngại cản trở chúng ta, làm cho chúng ta không nghe được tiếng Chúa, đó là những ồn ào trong thế giới chúng ta đang sống. Sự ồn ào náo nhiệt của chủ nghĩa thực dụng, của tâm hồn chúng ta, của sự ích kỷ đang hoành hành chúng ta. Chúa Giêsu đã chẳng nhắc nhở chúng ta trước hết hãy tìm kiếm vinh quang của Thiên Chúa trước và hãy lắng nghe tiếng Người sau.
Vậy, chúng ta phải nghe như thế nào?
Thưa, là chúng ta phải hội đủ những điều kiện là tập trung sâu xa, sẵn sàng lắng nghe cách linh động và thực sự nghe. Có nghĩa là chúng ta không chỉ nghe bằng hai tai nhưng là một sự hoán chuyển từ những gì chúng ta nghe và bằng chính những việc làm tốt trong cuộc sống hằng ngày.
Lắng nghe trước hết là đón nhận được thánh ý Thiên Chúa, rồi thể hiện ra bằng cuộc sống thường nhật của chúng ta. Thánh ý Thiên Chúa khi đó sẽ điều khiển tư tưởng, ý nghĩ, tâm hồn, lời nói và hành động của chúng ta để chúng ta trở thành những người bạn tốt của anh chị em.
Lắng nghe tiếng Chúa là yêu thương. Tất cả những ai lắng nghe Chúa Giêsu đều là những người đã được đào luyện trong tình yêu. Lắng nghe là yêu thương. Tuy cũng đã cật vấn Chúa Giêsu khi Ngài thân thưa với Chúa Cha: “Làm sao con có thể cho đi chính mình con một cách quảng đại trong tình yêu nhờ đó ý Cha được hoàn trọn trong cuộc sống của con?”
Như thế, lắng nghe cũng là một dạng thức của tình yêu bác ái, tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu đó cũng chính là sự thánh thiện của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta yêu. Yêu Chúa trọn vẹn và yêu như Chúa yêu, để trở nên món quà đáng yêu đối với Chúa và với mọi người. Thiên Chúa trao tặng cho chúng ta một lý tưởng cao đẹp như thế nên tất cả những gì chúng ta phải làm là gì nếu không phải là tin tưởng vào Ngài, lắng nghe Ngài và tình yêu Ngài. Chúng ta cũng chẳng còn sợ điều chi bởi vì Chúa luôn yêu thương chúng ta. Chúng ta tin rằng chỉ có một con đường dẫn đến tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa và với tạo vật là lắng nghe Thiên Chúa và mến yêu Ngài. Mong rằng lắng nghe tiếng Chúa là khát vọng đầu tiên nuôi dưỡng chúng ta trong mùa Chay thánh này.
Ðể kết thúc lời cầu nguyện hôm nay, chúng ta cùng hiệp ý với nhau trong lời cầu nguyện của thánh Ignatio:
“Lạy Chúa, ngày lại ngày trong mùa Chay thánh này, chúng con xin Chúa cho chúng con được lắng nghe Ngài để chúng con có thể hiểu biết Ngài hơn, yêu Ngài hơn và theo sát Ngài hơn nữa”.
4. Sa Mạc
Bốn mươi ngày trong mùa Chay nhắc nhớ chúng ta về tinh thần sa mạc trong Kinh Thánh. Dân Do Thái đã lang thang trong sa mạc bốn mươi năm trước khi vào đất hứa. Bốn mươi năm trong sa mạc là thời gian để dân Do Thái biết rõ về tương quan của họ với Thiên Chúa, Ðấng đã chọn và yêu thương họ để coi họ có thực sự tin tưởng người hay không.
Sa mạc là nơi rất đặc biệt và thánh thiêng của dân Do Thái, vì chính trong sa mạc dân Do Thái đã gắn bó mật thiết với Thiên Chúa hơn. Thánh Phaolô nói: “Hành trình trong sa mạc của dân Israel cũng là một biểu trưng cho hành trình của chúng ta đến với Thiên Chúa”.
Tất cả chúng ta phải là những dân riêng của Thiên Chúa, dân của sa mạc trong mùa Chay thánh này. Sống tinh thần sa mạc, kinh nghiệm sa mạc trong Kinh Thánh có thể dạy chúng ta rất nhiều về đời sống tâm linh. Cha Charles de Foucauld đã chia sẻ như sau: “Tất cả chúng ta phải đi qua sa mạc để đón nhận ân sủng của Thiên Chúa. Vì trong sa mạc, mỗi người sẽ khoét rỗng chính mình, loại ra khỏi mình những gì không phải là Thiên Chúa và những gì không thuộc về Ngài, chuẩn bị và trang hoàng tâm hồn chúng ta cho khang trang và thoáng mát cho Chúa ngự”.
Sa mạc trước tiên là nơi để thinh lặng và cầu nguyện, là nơi linh thiêng để chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, lắng nghe và đáp lại tiếng Ngài. Sa mạc cũng là nơi để chúng ta được nuôi dưỡng trong sự an bình của Thiên Chúa và trong cầu nguyện. Sa mạc là nơi thanh luyện và thánh hiến. Chúng ta cần sống kinh nghiệm của sa mạc để chúng ta biết rõ mình hơn và đánh giá được mức độ trung thành, mức độ tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa, để chúng ta trực diện với Thiên Chúa trong sự thật về chính bản thân mình.
* * *
Mùa Chay là mùa chúng ta sống tinh thần của sa mạc, để tôi luyện tâm hồn trong niềm tin và tình yeu, vì sa mạc là nơi để thanh luyện và thánh hiến. Chúng ta không thể bước ra khỏi sa mạc nếu chúng ta biết mình chưa thực sự hoàn trọn. Chắc hẳn Thiên Chúa luôn ở trong sa mạc và tâm hồn ta như dân Do Thái trong thời gian ở sa mạc, để chúng ta được liên kết và gắn bó với Ngài. Cũng trong tương quan thân tình đó, chính Ngài sẽ thanh luyện chúng ta trong tình yêu của Ngài. Chỉ khi sống trong sa mạc của tâm hồn mình, chúng ta mới phải tự lực cánh sinh để cố gắng vượt qua những yếu đuối và bất toàn của mình cũng như nhận ra sức mạnh toàn năng của Thiên Chúa, để chúng ta nhận biết Thiên Chúa đúng như bản tính Ngài mạc khải cho bản thân chúng ta. Khi đó, chúng ta sẽ lột bỏ khỏi chúng ta những ý tưởng, những hình ảnh giả tạo mà chúng ta có về Ngài. Tiến trình sống trong sa mạc là tiến trình chúng ta được thanh luyện cái nhìn của chúng ta. Tiến trình đó cũng giúp chúng ta nhận ra thực tại tốt đẹp theo đúng bản tính mà Thiên Chúa đã mang cho nó. Những thành kiến bất toàn cũng dần dà bị tước bỏ bởi những kinh nghiệm chúng ta sống với Chúa trong sa mạc.
Ðể sống được tinh thần của sa mạc, đòi hỏi chúng ta phải thực sự là con người trung thực, can đảm và có thái độ thành khẩn. Phải trung thực là sẵn sàng mở lòng để đón nhận sự thật về Thiên Chúa, con người, các tạo vật và chính bản thân. Phải can đảm vì phải dám quyết định chọn lựa, có nghĩa là phải bỏ lại đàng sau, phải giũ bỏ tất cả những gì chúng ta đã có. Không bám víu vào bất cứ điều gì, là chúng ta không để cho bất cứ điều gì cản trở ta làm cho chúng ta không trung thực và sẵn sàng thực sự sống trung thực, dù biết rằng đó là một đớn đau cho tâm hồn. Trong giai đoạn cần được thanh luyện phải có thái độ thành khẩn vì chẳng có gì chúng ta có thể đạt được nếu chúng ta không thực tình khao khát và mong muốn đạt đến. Thái độ thành khẩn là động lực giúp chúng ta vượt qua những gian nan thử thách để đạt đến đích của mỗi người chúng ta là chính Chúa, Ðấng là chân, thiện, mỹ.
Lạy Chúa,
Mùa Chay như là một nhắc nhở mỗi chúng con hãy sống tinh thần của sa mạc, là sống gắn bó với Chúa cách sâu xa hơn. Xin giúp chúng con sống trọn vẹn những ngày hồng phúc này trong tình yêu và ân sủng của Chúa cũng như trong sự liên đới với anh chị em.
5. Vâng Lời Tiếng Lương Tâm
Mùa Chay, nếu chỉ nhìn bề ngoài thì khó ai có thể nói là vui thích được, bình thường đó là bốn mươi ngày chúng ta phải từ bỏ những gì chúng ta ưa thích, cho dù điều đó là do chúng ta tự ý làm hay do một sự ép buộc nào đó. Chung qui, chúng ta cũng phải từ bỏ một điều chúng ta thích. Và ngay cả trên bình diện đức tin, chúng ta tự ý để cho mình phải chịu một chút hy sinh, từ bỏ những tiện nghi và có thể những đau đớn một chút với mục đích là chúng ta muốn thanh luyện, thánh hóa toàn thân và canh tân tinh thần, canh tân tâm hồn.
Lý do nền tảng của những việc mà chúng ta làm trong tinh thần sám hối của mùa Chay là vì chúng ta chiêm ngắm những đau khổ của Chúa Giêsu đã chịu vì yêu thương chúng ta. Vì thế mà Ngài đã bị hành hạ đau khổ đến mức tột cùng để cứu chuộc chúng ta và Ngài đã chết trên thập giá vì chúng ta. Chúa Giêsu đã mang lấy tất cả những đau khổ đó vì nhân loại và vì bản thân của mỗi chúng ta. Người không phải chịu đựng những đau khổ đó nhưng Người đã phải cưu mang tất cả vì chúng ta. Chính nhờ sự cứu chuộc của Người mà chúng ta được chung hưởng vinh phúc trên thiên đàng, niềm vinh phúc mà Ađam và Eva đã đánh mất khi sa ngã phạm tội và cắt đứt tình nghĩa với Chúa.
* * *
Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta gặp những người phải chịu nhiều đau khổ. Chúng ta muốn giúp họ nhưng chẳng biết phải nói làm sao, cũng chẳng biết phải làm gì để gúp họ vơi đi những khổ đau. Ðứng trước những hoàn cảnh như thế, chúng ta cảm thấy mình vừa bất lực vừa lo âu, nhất là khi chúng ta đối diện với sự qua đời của một người thân. Có lẽ lúc đó điều chúng ta có thể làm là khóc với họ.
Có lần tôi đã chứng kiến cảnh người mẹ trẻ quá bối rối vì không thể làm gì hơn là cứ phải đứng nhìn đứa con nhỏ của cô đang khóc lóc, vì bàn tay bị bỏng phỏng giộp lên. Cô không biết làm cách nào để xoa dịu nỗi đau của con. Cô đã lấy hòn đá đập bị thương ngón tay của mình rồi cô khóc tức tưởi hơn cả đứa con của cô. Có lẽ chúng ta không hiểu được hành động của người mẹ, nhưng có thể nói chính vì yêu mà người mẹ đã có thể làm như vậy. Và trong hoàn cảnh cụ thể của cô, có thể đó là giải pháp, là cách thức để cô chia sẻ với nỗi đau của người con mà cô yêu thương.
Tình thương không cho phép người ta chứng kiến cảnh người mình yêu bị đau khổ, người ta phải làm đủ mọi cách trong khả năng của họ để làm sao giúp người mình yêu thoát khỏi khổ đau. Có thể nói đó chính là những ý tưởng định hình cho những công việc hy sinh của chúng ta trong mùa Chay một cách nào đó, để tỏ bày lòng sám hối. Ðó cũng là những cách thức, những việc làm cụ thể, để chúng ta bày tỏ tâm tình yêu mến và chia sẻ những khổ đau của chúng ta với Chúa Giêsu. Ðó là bước đầu chúng ta đi vào con đường của tình yêu tự hiến, con đường mà Chúa Giêsu đã đi. Ðó là yêu thương trọn vẹn, hy sinh cho tất cả, trao hiến tất cả cho người mình yêu.
Ðể được như thế, trước hết chúng ta phải tập sống từ bỏ vì yêu thương, từ bỏ một chút tiệc ly, một chút của cải vật chất, từ bỏ một chút gì là của riêng mình: sở thích, tư tưởng, lập trường. Cụ thể hơn nữa, chúng ta hãy bắt đầu bằng việc vâng lời. Vâng lời cha mẹ, bề trên, anh chị em trong gia đình, vâng lời thầy cô giáo, những người có bổn phận trách nhiệm dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta bằng việc chúng ta sẽ tập trung lo chu toàn những công việc bổn phận, những nhiệm vụ được trao một cách trọn vẹn.
Xa hơn một chút, chúng ta thực hành những luật lệ chính đáng và công bình, nhằm đem lại lợi ích cho tha nhân chẳng hạn như giữ nghiêm ngặt luật giao thông, bảo vệ cảnh quan những nơi công cộng cho sạch đẹp, giữ luật vệ sinh chung, v.v… việc hy sinh của chúng ta có thể đi xa hơn bằng việc thực thi bác ái vào những việc làm cụ thể để giúp đỡ những người khác, đó cũng là một hình thức chúng ta vâng lời, vâng lời tiếng lương tâm của chúng ta cũng chính là tiếng Chúa. Ðây chỉ là một vài điều được nêu lên trong khi mỗi chúng ta có thể làm vì vâng lời, vì tiếng nói cũng là mệnh lệnh sau cùng chúng ta tuân theo là tiếng nói yêu thương của Thiên Chúa. Ðồng thời, chúng ta đáp trả lại bằng những hành động diễn tả tình yêu dưới nhiều hình thức khác nhau, để chúng ta chia sẻ với Ngài, tỏ bày tình thương và sự cảm thông của chúng ta với nỗi đau mà Ngài đã chịu vì yêu thương. Thánh giá là dấu hiệu đánh động chúng ta nhất để chúng ta luôn nhắc nhớ mình hãy làm một điều gì đó để xoa dịu nỗi đau của Chúa Giêsu và thân thể của Người là anh chị em chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu,
Xin ban ơn trợ lực để chúng con can đảm bước theo con đường Ngài đã đi.
6. Cửa Sổ Tâm Hồn
Mắt là đèn của thân thể. Nhờ có mắt, chúng ta có thể nhìn thấy con người và sự vật quanh ta. Mắt con người được gọi là cửa sổ của tâm hồn. Người ta có thể đánh giá một con người khi nhìn vào ánh mắt của họ. Ánh mắt của chúng ta sẽ biểu tỏ con người của chúng ta là thùy mị, đáng yêu hay là người tàn ác, vô liêm sỉ. Những đức tính ẩn khuất trong lòng người như quỉ quyệt, gian xảo, hay hoài nghi, ngờ vực, lo lắng, thâm trầm v.v… thường diễn tả ra trong ánh mắt của con người ấp ủ nó. Khi nhìn vào ánh mắt của người khác, chúng ta có thể học biết nhiều điều ngay cả những điều thầm kín nhất. Những người Âu Châu cổ thường rất sợ những người có ánh mắt tội lỗi, vì họ tin rằng ai mà bị ánh mắt của người độc ác nhìn vào thì sẽ bị hại cả về tinh thần lẫn thể xác. Khi một người muốn khống chế ước muốn của người khác bằng phương pháp thôi miên thì họ nhìn thật sâu vào mắt của người đó. Các thuyết trình viên và những nhà giảng thuyết cũng được huấn luyện phải thu hút sự tập trung của khán thính giả trước hết bằng đôi mắt của mình. Ðó là cách diễn tả rằng họ là những người rất đáng tin cậy.
Ðôi mắt gian xảo làm cho người khác phải kinh tởm và khiếp sợ khi nhìn vào. Trong Kinh Thánh, từ “mắt”, “ánh mắt” được dùng rất nhiều lần. Theo một bản nghiên cứu của các nhà chú giải thì từ đó được nhắc lại đến hơn năm trăm năm mươi lần.
Trong Tin Mừng của thánh sử Mathêu chương 6,22 có ghi lại lời của Chúa Giêsu như sau: “Mắt là đèn của thân thể. Nếu mắt các con sáng thì toàn thân chúng con sẽ sáng”. Chữ sáng ở đây được hiểu là nhân từ và khoan dung. Ðôi mắt ấy chỉ tìm thấy nơi gương mặt của những con người hiền lành có tâm hồn rộng mở, quảng đại và luôn tha thứ. Khi nhìn vào những người có đôi mắt ấy, tự nhiên ta cảm thấy họ thật dễ gần gũi và đáng tin cậy, bởi từ ánh mắt của họ ta cảm thấy họ đang diễn ra trong tâm hồn chúng ta bằng tình thương chân thành. Vì thế, trực diện với họ, ta cảm thấy mình được tôn trọng, yêu thương, cảm thông và được tin tưởng. Ðôi mắt ấy diễn tả nhiều hơn rất nhiều những lời nói, cảm giác đó làm chúng ta thoải mái, dễ chịu và hãnh diện, hạnh phúc. Ðọc lại các trang Tin Mừng, chúng ta thấy chắc hẳn đôi mắt của Chúa Giêsu cũng giống như những gì chúng ta vừa nói. Chúng ta hãy nhớ lại những cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với Mathêu, người thu thuế, với Zakêu, với Maria Madalêna. Chúng ta hãy nhớ lại việc Ngài kêu gọi những môn đệ đầu tiên, tất cả đã từ bỏ mọi sự mà theo Ngài và chúng ta nhớ lại ánh mắt của Chúa Giêsu khi nhìn Phêrô. Tất cả những điều đó cũng cho chúng ta nhận thấy mắt của Chúa Giêsu thật lạ lùng và thu hút làm sao.
Trong mùa Chay thánh, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy thanh luyện tâm hồn để chúng ta sống như những con cái của ánh sáng, con cái giữa ban ngày. Ánh sáng đó có lẽ trước hết phải được thể hiện trong ánh mắt của mỗi người chúng ta. Ðể có được như vậy, chúng ta phải không ngừng loại ra khỏi chúng ta lời nói, tư tưởng và hành động của tối tăm. Thánh Phaolô đã thường xuyên nhắn nhủ điều ấy: “Anh em phải mặc lấy khí giới của ánh sáng và vứt bỏ những việc làm tối tăm, để ngày của Chúa khỏi bắt chộp được chúng ta”. Vậy, để giữ cho con mắt chúng ta được sáng và biểu tỏ ánh sáng của Chúa, chúng ta hãy siêng năng chiêm ngắm Chúa trong phép Thánh Thể, thực sự sống giây phút Thánh Thể chỉ có ta với Chúa. Cũng như xưa, Chúa đã hoán cải và thanh luyện những người theo Chúa bằng chính ánh mắt của Ngài, thì ngày nay khi chiêm ngắm Chúa mỗi người chúng ta sẽ được hoán cải, thấy Chúa tỏ tường hơn, đồng thời cũng thấy mình rõ hơn trong và chính nhờ ánh sáng của Chúa. Khi tâm hồn của chúng ta được Chúa thanh tẩy và hoán cải, chắc chắn thân thể và ánh mắt của chúng ta cứ theo hướng đó mà tỏ lộ ra bên ngoài.
Lạy Chúa,
Xin tràn ân sủng và ban tỏ tình yêu của Ngài xuống cho chúng con luôn mãi. Xin canh tân tinh thần và thân xác chúng con để chúng con sẽ trở nên những người con phản ánh trung thực hình ảnh của Chúa cho thế giới chúng con đang sống.
7. Tha Nhân Là Hỏa Ngục
Trong bài suy niệm “những phút cầu nguyện” lần trước, chúng ta đã cùng nhau nhìn vào đôi mắt để tu chỉnh sao cho mắt của chúng ta luôn trong sáng, ngời lên vẻ đẹp của Chúa. Hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ về một cơ phận khác là cái miệng. Xin được bắt đầu với câu chuyện sau đây:
Một ngày kia, chú chó con đi dạo quanh nông trại của ông chủ. Khi ngang qua chuồng ngựa, chú thấy người ta đang cho ngựa ăn. Một con ngựa to lớn gọi chú chó lại và bảo:
– Chắc ngươi là nhóc con mới đến nông trại này. Ngươi phải sớm nhận ra ta là con vật được ông chủ yêu quí hơn tất cả những loài vật trong nông trại này, bởi vì mỗi ngày ta chở cho ông thật nhiều đồ đạc đi khắp nơi, vì rằng một con vật nhỏ thó như ngươi thì chẳng làm được việc gì hữu ích cho ông chủ cả.
Chú chó con nghe tất cả những lời ấy và buồn bã bỏ đi. Con bò sữa ở chuồng bên cạnh nghe những lời của con ngựa nói với chú chó con thì cũng gọi chú chó con lại và bảo:
– Ta là con vật chiếm vị thế cao nhất ở đây vì bà chủ thường uống sữa và bơ làm từ sữa của ta, còn mi là con vật vô tích sự, chắc hẳn là chẳng mang lại ích lợi gì cho gia đình bà chủ cả.
Nghe vậy, con cừu liền cãi lại:
– Bò ơi, vị thế của ngươi nào có là gì so với ta đâu. Ngươi có biết ta thường cung cấp lông để làm quần áo cho các thành viên trong gia đình bà chủ sao? Vì thế, ai ai cũng yêu quí ta, còn những điều mi nói về con chó con này thì hoàn toàn đúng.
Con cừu cũng nói thêm:
– Chó ơi, dáng dấp cỏn con của mi chẳng được tích sự gì cho chủ đâu.
Và chú chó cứ phải nghe những lời chê bai của từng loài thú trong nông trại của ông chủ, đồng thời mỗi loài cũng khẳng định vị trí của mình là quan trọng nhất. Tất cả các loài vật trong nông trại đều cho rằng chú chó chẳng có giá trị gì và cũng chẳng thể nào làm gì sinh ích cho gia đình ông bà chủ.
Chú chó con lắng nghe tất cả những lời ấy và lủi thủi đến một nơi vắng vẻ rồi khóc tức tưởi. Chó mẹ đi ngang qua nghe thấy tiếng khóc của chú chó con liền đứng lại và tìm đến nơi chú chó con đang khóc một mình để hỏi chuyện. Nghe xong câu chuyện, chó mẹ nói với chú chó con:
– Ðúng tất cả những lời nói đó đều đúng. Chúng ta chẳng cung cấp vật gì cho bất cứ ai.
Chó mẹ lại khẳng định:
– Tất cả họ đều đúng. Chúng ta quá nhỏ bé để làm những công việc nặng nhọc và cũng chẳng giúp cung cấp gì cho chủ nhân của chúng ta, nhưng thật là vô nghĩa khi cứ ở đây mà khóc như vậy, chẳng có gì phải khóc khi biết mình không làm được những điều ngoài khả năng của mình. Vậy chúng ta hãy dùng hết khả năng của mình để tạo niềm vui và tiếng cười cho chủ của chúng ta. thế là đủ.
Tối hôm đó, khi ông chủ trở về nông trại trong tâm trạng mệt mỏi vì những công việc vất vả trong ngày, chú chó con chạy lại liến gót chân của ông và nhảy lên cánh tay ông. Ông chủ liền ngồi xuống và đùa giỡn với nó. Cuối cùng, ông chủ để nó ngồi lên ngực và vuốt ve cái đầu xinh xắn của nó. Rồi ông nói:
– Con vật nhỏ thân yêu của ta, cái mệt đã biến mất khỏi ta và ta cảm thấy vui hơn khi ngươi chào ta bằng những cử chỉ thật đáng yêu. Thật, chẳng có con vật nào trong nông trại này có thể thay thế được ngươi. Ngươi đáng quí hơn tất cả các loài vật ta có.
* * *
Có lẽ ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm tương tự như hoàn cảnh của chú chó con đáng thương trong câu chuyện vui trên đây vì người ta cũng đã từng nói: ở sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười ở hẹp người chê. Có thể Jean Paul Charles đã trải qua chính đau đớn này trong tương quan của con người và ông đã không giải quyết được nên đã khẳng định: “Tha nhân là hỏa ngục”.
Thật ra, chúng ta, những người kitô hữu, trong Chúa Giêsu chúng ta nhận ra những yếu hèn của con người chỉ là một mặt của cuộc sống nhân loại. Cuộc sống con người tự nó bao giờ cũng đẹp vì là hình ảnh của Thiên Chúa. Tác động của sự ác có thể ảnh hưởng tới con người và cuộc sống, nhưng nó không thể làm mất đi ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Cuộc sống và những tương quan của con người có bị băng hoại và phá đổ chỉ là do con người đào sâu những giới hạn của mình. Ðể vạch thêm những vết nứt ngăn cách con người, chúng ta hãy chống lại sự dữ và hàn gắn những rạn nứt trong lòng của mỗi người bằng cách nhìn vào khía cạnh tốt, phát huy và xây dựng những điều tốt lành với những lời nói và việc làm thánh thiện.
Trong mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy canh tân tâm hồn và sống thánh thiện, đó là sức mạnh để chúng ta chống lại sự dữ. Vậy, chúng ta hãy kiềm chế miệng lưỡi của chúng ta để đừng biến nó thành công cụ sản sinh sự dữ là những lời nói gây chia rẽ bất hòa và hiềm khích. Ðể kết thúc, chúng ta hãy dùng lời của thánh Giacôbê tông đồ và nhắc nhau về sự nguy hiểm của miệng lưỡi: “Lưỡi là lửa. Một chút lửa cũng làm cháy rụi cả khu rừng”.
Lạy Chúa,
Xin giúp chúng con mỗi ngày được hoàn thiện hơn trong ơn nghĩa Chúa.
8. Cố Gắng Và Thành Công
Hôm ấy, cậu bé Ðại cùng người bố của mình, hai bố con cuốc đất, làm cỏ vườn rau sau nhà. Ông bố cuốc phải một tảng đá bị chôn vùi dưới đất. Ông bố nói:
– Cần phải đẩy tảng đá này đi cho khỏi choáng chỗ những luống rau.
Ðại nhanh nhảu đáp với tất cả thiện chí muốn giúp bố:
– Con sẽ đẩy tảng đá cho.
Cậu bé dùng hết sức lực, vừa đẩy vừa nâng, lưng mồ hôi nhễ nhãi nhưng tảng đá vẫn không nhúc nhích được một li nào. Chấp nhận sự bất lực của mình, cậu bé vừa thở hổn hển vừa thú nhận:
– Ba ơi, con không thể nào đẩy tảng đá đi được.
Ba của cậu nhìn cậu mỉm cười khích lệ:
– Con có thể làm được nếu con dùng tất cả mọi phương pháp con có trong tay.
Ðại lại cố gắng hết sức, chân tay mệt rã rời. Với hai hàng nước mắt chảy dài trên gò má, cậu kêu lên:
– Con không thể nào đẩy hòn đá được. Con đã cố gắng hết sức rồi đó.
Ba của cậu âu yếm hỏi thêm:
– Có thật là con đã làm hết mọi cách rồi không?
Ðại gật đầu, nhưng ba của cậu lắc đầu nói:
– Chưa, con chưa thực sự làm hết cách, còn có một điều con vẫn chưa làm, nếu con làm điều đó chắc hẳn con sẽ thành công.
Cậu bé ngạc nhiên hỏi thêm:
– Con còn quên điều gì nữa, thưa ba?
– Ba ở ngay bên cạnh con đây, con có thể xin ba phụ giúp con một tay nhưng con đã không xin, vì con nghĩ con có thể làm được một mình.
Ðại khiêm tốn nói:
– Vậy xin ba giúp con một tay với.
Rồi hai bố con chung sức đẩy, và chẳng mấy chốc tảng đá lớn đã được lăn ta khỏi những luống rau. Ðại sung sướng reo lên:
– Ba ơi, chúng ta đã thành công.
* * *
Cũng một cách tương tự trong đời sống thiêng liêng, thử hỏi đâu là hiệu lực của sức cố gắng con người trên con đường thiện? Chúng ta có thể tự cứu rỗi mình mà không còn cần đến ơn hộ giúp của Thiên Chúa chăng?
Trên thực tế, nhiều lúc chúng ta có cảm giác là mình phải gánh vác hết mọi gánh nặng của cuộc sống, là phải một mình đối phó, đương đầu với mọi khó khăn, thử thách. Nhưng không hẳn như thế, đối với những người có lòng tin, chúng ta đều biết rằng chúng ta không sống cô đơn cô độc và Thiên Chúa cũng không tạo dựng con người để rồi bỏ rơi họ một mình chiến đấu với sóng to gió lớn giữa biển cả mênh mông là cuộc sống thế trần. Ngài luôn ở bên cạnh và sẵn sàng giơ tay nâng đỡ, hộ giúp. Vì tôn trọng tự do của mỗi người nên Ngài chỉ đợi chúng ta ngước mắt nhìn lên Ngài và cầu xin Ngài trợ giúp cho, nhưng vì thiếu lòng tin nên nhiều khi chúng ta quên lãng sự hiện diện của Ngài trong đời sống chúng ta.
Chúng ta dễ nghĩ rằng những thành công tốt đẹp là hoa trái của sức riêng mình và hoàn toàn thuộc về chúng ta, nhưng phải công nhận đó là kết quả của ơn Chúa phù trợ và sức cố gắng của con người nữa. Chính Thiên Chúa là Ðấng khởi sự mọi công việc và đồng thời cũng là Ðấng hoàn tất mọi công việc ấy. Ngài chỉ muốn con người cộng tác hết sức lực mình cho dù sự đóng góp ấy thật là bé nhỏ đi nữa. Ngài muốn chúng ta nỗ lực cố gắng với tất cả khả năng sẵn có, khác nào như mọi sự tùy thuộc vào chúng ta, đồng thời Ngài cũng muốn chúng ta khiêm tốn đặt hết tin tưởng và trông cậy vào sự trợ giúp của Ngài, bởi vì thực sự mọi việc đều tùy thuộc nơi Ngài.
Phúc âm thuật lại mẻ cá lạ lùng của các tông đồ sau một đêm vất vả mà chẳng bắt được một con cá nào, nhưng với lòng tin tưởng vào quyền phép của Chúa Giêsu và vâng theo lời Ngài phán bảo, không chút nghi ngờ do dự, họ thả lưới và đã được một mẻ cá lạ lùng, suýt rách cả lưới nữa. Các tông đồ chỉ cần thả lưới và chính Chúa Giêsu đã làm cho cá vào đầy lưới của các ông.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã phán bảo các môn đệ Chúa rằng: “Không có Ta, các con chẳng làm được việc gì”. Vâng lệnh Chúa, con biết rõ con yếu đuối vô tài, bất lực đến độ nào rồi. Con cũng không dám hứa với Chúa điều gì cả, sự thất trung không giữ lấy được một lời hứa nào hết. Nhưng trong mọi việc và bất cứ lúc nào, con vẫn có thể dâng hiến Chúa tất cả sự cố gắng của con, cả khi con sai lầm và bất trung đi nữa. Nhưng mỗi ngày con vẫn có thể bắt đầu lại cộng tác với Chúa hết sức mình và con tin chắc Chúa sẽ hoàn tất mọi công việc tốt lành mà chính Chúa đã khởi sự trong con.
9. Tiến Vào Sa Mạc
Ông vua kia có hai người đầy tớ, cả hai đều là người giỏi giang và luôn sẵn sàng mau mắn thi hành mệnh lệnh cũng như những ước muốn của nhà vua. Sau nhiều năm trung thành phục vụ, một hôm nhà vua quyết định thưởng công cho họ. Nhà vua gọi người đầy tớ thứ nhất tới và nói:
– Vì lòng tín trung phục vụ mau mắn vâng lời của ngươi, ta muốn thưởng công cho ngươi, từ giờ phút này, ngươi không còn là nô lệ của ta nữa. Ðây ta tặng cho ngươi một kho tàng lớn để ngươi có thể sống thoải mái như người tự do.
Với tâm hồn tràn đầy vui sướng, người đầy tớ thứ nhất cúi đầu sát đất cảm tạ nhà vua rồi ra đi với giấc mộng ôm ấp từ bao nhiêu năm bây giờ đã thành sự thật.
Nhà vua gọi người đầy tớ thứ hai tới và nói:
– Ðể thưởng công tấm lòng quảng đại phục vụ và mau mắn vâng phục của ngươi, ta sẽ nâng ngươi từ hạng tôi tớ lên hàng bạn hữu, từ nay trở đi ngươi sẽ ở lại trong cung điện của ta như một viên tướng và cố vấn của ta.
Người đầy tớ thứ hai cũng cúi đầu sát đất, cảm tạ nhà vua, lòng đầy vui mừng sung sướng.
Vừa bước ra khỏi cung điện, người đầy tớ thứ hai gặp người đầy tớ thứ nhất đang đứng chờ sẵn và hỏi xem thân phận bạn mình thế nào. Vừa nghe xong đầu đuôi sự việc, người đầy tớ thứ nhất đùng đùng nổi giận, trở lại phản đối với vua. Thấy vậy, nhà vua liền hỏi:
– Có điều gì làm phiền lòng ngươi chăng? Ta có đối xử bất công với ngươi đâu? Không phải là ngươi đã ra đi đầy phấn khởi vui mừng đó ư?
Người đầy tớ thứ nhất phát biểu thêm:
– Tâu chúa thượng, tại sao chúa thượng hậu đãi với người kia như vậy, trong khi những công việc của kẻ hạ thần này có thua kém gì người ấy trong những năm qua đâu?
Nhà vua thản nhiên đáp:
– Ngươi có lý, công việc của các ngươi hoàn toàn giống nhau chẳng có gì khác nhau cả. Tuy nhiên, ngươi đã vâng phục ta chỉ vì sợ hãi, sợ quyền bính và sợ hình phạt của ta. Vì thế, ta đã giải thoát ngươi khỏi cảnh nô lệ, sợ hãi như lòng người mong muốn. Trái lại, bạn của ngươi đã vâng phục để làm vui lòng ta. Thế nên ta đã muốn giữ người ấy lại trong tình bạn nghĩa thiết của ta lâu hơn nữa.
* * *
Thiên Chúa cũng đối xử với mỗi người chúng ta như vậy, bởi vì Ngài không phải là ông chủ nghiêm khắc, nhưng là người Cha nhân từ, đại lượng và giàu tình thương. Ngài tôn trọng quyền tự do chọn lựa của mỗi người và không ép buộc một ai cả. Ngài tạo dựng và cất nhắc chúng ta lên hàng con cái Ngài. Thế nhưng, chúng ta có thể chọn sống như người con thảo, đầy lòng yêu thương biết ơn, hoặc như người con bất hiếu, vô ơn, tệ bạc. Chúng ta có thể sống như tôi tớ thi hành trách nhiệm bên ngoài, sự cưỡng bách bên trong, hoặc với tâm tình tín trung như bạn hữu. Người đời chỉ có thể nhìn thấy những hành động bên ngoài nhưng Thiên Chúa nhìn thấy tỏ tường tận bên trong, và những gì có đầy trong lòng cũng sẽ tràn ra bên ngoài khó có thể che giấu được.
Trong Phúc Âm nhiều lần Chúa Giêsu đã lên tiếng cảnh cáo những hình thức giữ đạo bên ngoài nhưng không sống theo tinh thần của đạo, những hình thức tuân giữ luật theo từng nét chữ rất nghiêm khắc nhưng lại làm chết ngạt lòng bác ái chân thực là tinh thần sống động của luật.
Mùa Chay còn gọi là cuộc lữ hành vào sa mạc. Chúa Giêsu mời gọi mỗi người cùng tiến vào sa mạc với Ngài để trở về nội tâm, trở về với lòng mình để nhìn nhận và khám phá con người thực với những tâm tình sâu xa bên trong. Cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa sẽ giúp chúng ta khám phá ra thực tại của mình. Tinh thần chay tịnh sẽ giúp ta can đảm cởi bỏ con người cũ, con người của nô lệ và sợ hãi để mặc lấy tâm tình mến yêu của bạn hữu. Tình yêu hủy diệt mọi thứ lo sợ, ở đâu có tình yêu chân thực ở đó sẽ không còn lo sợ nữa.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã phán bảo các môn đệ với những lời tâm huyết trong bữa Tiệc Ly: “Thầy không gọi các con là tôi tớ, vì đầy tớ đâu biết việc chủ mình làm, nhưng Thầy gọi các con là bạn hữu, vì Thầy đã tỏ cho các con am tường những điều Thầy đã nghe nơi Cha Thầy”. Cám ơn Chúa vì sự tuyển chọn và mời gọi cao cả này, mặc dù chúng con thất trung bất kính. Xin tình yêu Chúa hoán cải và đổi mới tâm can chúng con để chúng con chỉ sống cho tình yêu và hoạt động vì tình yêu Chúa mà thôi.
10. Mầu Nhiệm Của Tội Lỗi
Dư luận tại Hoa Kỳ cũng như thế giới đang xúc động theo dõi phiên tòa xét xử bà Andrea Yates về tội dìm chết năm đứa con trong bồn tắm. Trong các phiên xử khác, những tranh tụng tại tòa xoay quanh việc xét xử bị cáo có phạm tội giết người hay không, trong khi đó thì phiên tòa xử bà Andrea Yates lại xoay quanh việc tìm hiểu bà Andrea Yates có điên hay không. Lý do là vì ngay từ đầu bà Andrea Yates đã thú nhận với cảnh sát rằng chính tay bà đã lần lượt dìm chết năm đứa con trong bồn tắm. Trong khi công tố viện cố gắng chứng minh rằng bà Andrea Yates đã giết con một cách có tính toán và tính toán từ lâu, thì bên bị cáo, các luật sư của bà lại cố gắng biện minh rằng bà Andrea Yates giết con chỉ vì muốn con có một cuộc sống tốt hơn mà thôi. Riêng một số chuyên gia tâm lý thì cho rằng bà Andrea Yates giết con vì mắc chứng bệnh mà họ gọi là trầm uất hậu sản, nghĩa là xuống tinh thần sau khi sinh. Quả thật, ngay sau khi sinh đứa con trai đầu lòng vào năm 1994, bà Andrea Yates đã bắt đầu lo ngại không biết đứa con mình sẽ ra sao. Không những thế, bà còn lo sợ trước những ám ảnh thường hiện về trong mộng khiến bà tưởng tượng một ngày nào đó bà sẽ cầm dao đâm một người nào đó không rõ mặt rõ tên.
Là một nữ y tá sinh ra và lớn lên tại Houston, bang Texas, bà Andrea Yates đã phải nghỉ làm tại bệnh viện sau khi sinh con đầu lòng. Vừa lo ngại vừa thường xuyên sống trong ác mộng, bà vẫn cố gắng chiều chồng để sinh hạ thêm ba trai một gái trong thời gian sáu năm tiếp theo. Sau khi sinh đứa con thứ tư vào năm 1999, bà Andrea Yates đã bắt đầu trải qua những ngày tháng kinh hoàng trong ác mộng. Trong những cơn ác mộng ấy, bà thấy mình là thủ phạm nhúng tay vào những vụ giết người vô tội. Cuối cùng, để thoát khỏi những cơn ác mộng bà đã tự tử bằng cách nuốt một hơi năm mươi viên thuốc ngủ. Sau khi được cứu sống, bà lại tự tử một lần nữa. Vào mùa hè năm 1999, bà tâm sự với viên bác sị của bà như sau: “Tôi cảm thấy như nghe có tiếng nói thúc giục tôi giết người. Tôi rất sợ sẽ có ngày tôi làm hại người khác. Vì vậy, tôi chỉ còn cách là tự tử để tôi chết thì chẳng còn hại ai được nữa”.
Ðến lúc đứa con thứ năm ra đời, thì bệnh trạng của bà thêm trầm trọng. Ngày 20/06/2001, bà quyết định giết năm đứa con của mình vì cho rằng bản thân của bà không xứng đáng là một người mẹ, khiến năm đứa con nếu lớn lên không thể nào có được một tương lai tốt đẹp. Và cách tốt nhất để xã hội có thể trừng phạt bà là ra tay giết năm đứa con của bà.
Trong phiên xử hôm thứ Tư ngày 14/03/2002, một bác sĩ tâm lý trị liệu đã làm chứng trước tòa rằng bà Andrea Yates cho biết bà không dám nói với ai về tiếng nói thúc giục bà giết người, vì sợ rằng nếu bà nói ra satan sẽ nghe thấy và sẽ khiến bà sát hại con cái bà.
* * *
Hiện nay, người ta chưa biết số phận của bà Andrea Yates sẽ ra như thế nào. Nhiều người cảm thương hơn là lên án bà. Diễn tiến của hành động giết con nơi bà cho thấy đây chỉ là một thảm kịch trong đó kẻ giết người chỉ là một nạn nhân, nạn nhân của một cơn bệnh và nhất là nạn nhân của một tiếng nói thúc giục mình giết người. Tựu trung đó cũng là thảm kịch của thân phận con người được thánh Phaolô diễn tả bằng một câu nói bất hủ: “Ðiều thiện tôi muốn, tôi không làm. Còn điều ác tôi không muốn, tôi lại làm”.
Qua câu nói trên, thánh Phaolô muốn khẳng định một mầu nhiệm, đó là mầu nhiệm của sự tội. Tội là một mầu nhiệm. Nó vừa nói lên sự hướng thiện của con người lại vừa bày tỏ sự yếu đuối nơi con người. Nơi mỗi người luôn diễn ra một cuộc chiến liên lỉ giữa thiện và ác, giữa ân sủng và tội lỗi, giữa ánh sáng và sức mạnh của tăm tối. Nếu có một tiếng nói của lương tâm không ngừng thúc đẩy con người làm điều thiện thì tiếng nói lôi kéo con người vào tội ác cũng mãnh liệt không kém.
Mùa Chay, mùa của giao chiến giữa ân sủng và tội lỗi, giữa ánh sáng và bóng tối, các tín hữu kitô được mời gọi ý thức rằng sống là một cuộc chiến đấu liên lỉ. Còn sống là còn chiến đấu, nhưng trong cuộc chiến ấy họ tin rằng họ sẽ chiến thắng vì Ðấng mà họ tin tưởng đã xác quyết với họ: “Ðừng sợ, Ta đã thắng thế gian”. Quả thật, Người đã chiến thắng tội lỗi và sự dữ và Người cũng chia sẻ sức mạnh của Người cho các môn đệ của Người. Với Người, trong Người và nhờ Người, họ cũng có thể chiến thắng được satan và tội lỗi.
Lạy Chúa,
Với những hy sinh, chay tịnh và hãm mình mà chúng con đang thực hành trong mùa Chay này, xin Chúa gia tăng lòng tín thác của chúng con, xin cho chúng con luôn xác tín rằng chỉ có ơn Chúa chúng con mới có thể chiến thắng được ma quỉ, con người tội lỗi yếu hèn của chúng con.