Chiếc Áo Từ Nhân – P5

Chiếc Áo Từ Nhân – P5

Chiếc Áo Từ Nhân

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

1. Thiên Chúa Là Ðấng Tốt Lành

Hai người đàn ông cùng bắt đầu một cuộc hành trình. Họ đem theo một con lừa để chở hành lý, một ngọn đuốc để soi đường khi đêm xuống và một con gà để làm bạn với chú lừa. Trong hai người đàn ông, một người thì rất sùng đạo, người còn lại thì theo chủ nghĩa hoài nghi. Trên cuộc hành trình hai người chỉ nói về Thiên Chúa. Người thứ nhất nói:

– Trong mọi sự, Thiên Chúa luôn là Ðấng tốt lành.

Người thứ hai nói:

– Rồi chúng ta hãy xem lời ông nói có ứng nghiệm trong cuộc hành trình này không.

Họ bắt đầu khởi hành. Chẳng bao lâu đã đến một thành phố. Màn đêm buông xuống, họ đi tới đi lui để tìm chỗ trọ qua đêm nhưng chẳng ai thèm để ý đến và chẳng có ai nhường chỗ cho họ nghỉ lại qua đêm. Cuối cùng, họ lại tiếp tục đi. Một lúc sau, hai người đã ra khỏi thành phố. Ðến một nơi vắng vẻ họ quyết định dừng lại nghỉ đêm tại đó. Liền sau đó, người theo chủ nghĩa hoài nghi nói với bạn đồng hành của mình một cách mỉa mai:

– Ô, Thiên Chúa anh nói thì luôn tốt lành mới để cho chúng ta phải ở ngoài như thế này.

Người bạn thứ hai trả lời:

– Thiên Chúa đã quyết định đây là chỗ nghỉ đêm tốt nhất cho chúng ta.

Ðêm đó, họ cùng nhau ngủ trên một cây cao làm mốc ngăn cách nội và ngoại thành bên cạnh con đường chính dẫn vào thành phố. Họ buộc con lừa ở một nơi xa họ một đoạn, sau đó cũng để con gà bên cạnh con lừa. Họ leo lên cây và ngủ. Khi họ vừa leo lên cây đã nghe tiếng của con sư tử, nó đang bắt lấy con lừa của họ và lôi đi. Ngay lập tức, chẳng co ai bảo ai, hai người cùng leo cao hơn nữa để cùng nhau tránh sư tử. Hai người chưa hoàn hồn thì người theo chủ nghĩa hoài nghi hỏi bạn đồng hành của mình trong sự bực tức:

– Này anh bạn, Thiên Chúa vẫn còn là Ðấng tốt lành đấy chứ? Bây giờ thì con lừa của chúng ta đã bị nộp cho sư tử rồi.

Người bạn thứ hai trả lời:

– Nếu sư tử không bắt con lừa thì chắc hẳn nó đã tấn công chúng ta rồi. Thiên Chúa luôn là Ðấng tốt lành nên chọn điều tốt nhất cho chúng ta.

Sau đó họ quyết định đi ngủ không tranh luận gì nữa. Khi hai người đồng ý im lặng thì họ nghe tiếng kêu của con gà. Nhìn xuống đã thấy con mèo rừng đang cắp con gà của họ và cấu xé. Người theo chủ nghĩa hoài nghi chưa kịp lên tiếng thì người bạn đã nói:

– Tiếng kêu của con gà lại một lần nữa cho chúng ta biết chúng ta vẫn được an toàn. Thiên Chúa thật là Ðấng tốt lành.

Vài phút sau đó, một cơn gió mạnh thổi đến dập tắt ngọn đuốc. Hai người chẳng biết làm gì chỉ nằm im trong bóng đêm dầy đặc. Người theo chủ nghĩa hoài nghi lại tiếp tục chế giễu:

– A ha, một lần nữa, sự biểu lộ sự tốt lành của Thiên Chúa lại lộ rõ. Có lẽ sự tốt lành ấy sẽ liên tục hành hạ chúng ta, tước khỏi chúng ta mọi sự.

Người thứ hai đáp lại bằng sự thinh lặng. Rồi cả hai cùng chìm vào giấc ngủ lúc nào cũng không hay biết. Sáng hôm sau, hai người trở lại thành phố để tìm mua thức ăn. Chẳng mấy chốc, họ nhận ta đêm qua một toán cướp đông đảo và hùng mạnh đã đột nhập vào thành phố và cướp đoạt hết tất cả của cải của dân chúng trong thành. Nghe biết điều đó, người bạn thứ hai nói:

– Cuối cùng. Mọi sự đã sáng tỏ và đã được chứng minh Thiên Chúa tốt lành. Nếu đêm qua chúng ta tìm được một chỗ trọ trong thành thì có lẽ chúng ta sẽ chẳng còn sống cho tới lúc này. Và nếu ngọn đuốc của chúng ta không bị tắt thì có lẽ toán cướp đã nhận ra chúng ta và cũng chẳng để cho chúng ta yên.

Thiên Chúa mãi mãi là tốt lành. Ðó là sự xác tín của những người theo đạo. Ước gì đó không chỉ là một lời tuyên xưng ngoài miệng của mỗi người chúng ta, của mỗi tín hữu kitô, mà nó phải là một lời tâm niệm, một động lực để chúng ta vượt qua những gian nan thử thách của cuộc sống vì biết rằng trong mọi hoàn cảnh và qua từng biến cố của cuộc đời, Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta và Ngài vẫn chọn cho chúng ta phần tốt nhất.

Mùa Chay là thời gian để thanh luyện. Chúng ta thanh luyện con mắt, thanh luyện miệng lưỡi, quả tim, khối óc và toàn bộ con người của chúng ta trong tình yêu của Thiên Chúa, để chúng ta nhận ra sự hoàn hảo và tình thương quan phòng của Ngài. Chỉ khi chúng ta bị cuốn hút bởi sự tốt lành thánh thiện của Thiên Chúa, con người và cuộc sống của chúng ta mới thực sự được tỏ tường sự hoàn thiện của Thiên Chúa qua những việc làm, lời nói và cả con người của chúng ta.

Lạy Chúa

Xin ban Thánh Thần xuống trên chúng con để chúng con được thanh luyện và đổi mới, nhờ đó chúng con biết nhận ra Chúa và sự lành thánh của Ngài trong mọi biến cố của cuộc đời, để luôn ngợi ca và loan truyền sự công minh của Chúa cho mọi người.

2. Bác Ái Theo Tinh Thần Phúc Âm

Có một người phong cùi quần áo rách nát hằng ngày ngồi xin bố thí bên vệ đường. Thỉnh thoảng cũng có những người qua đường mủi lòng để rơi một vài đồng xu vào trong cái mũ lá đặt bên chân người ấy. Có điều lạ là người ăn xin đó không hề tỏ dấu hiệu biết ơn nào, không một lời nói cũng không một nụ cười, hoặc một cái gật đầu.

Một hôm, có người thường xuyên đi ngang qua lối đó thấy vậy liền dừng lại và không khỏi ngạc nhiên lên tiếng hỏi người phong cùi xin bố thí:

– Tại sao ông không một lời hoặc một cử chỉ biết ơn nào đối với những người tỏ lòng trắc ẩn bố thí cho ông?

Người phong cùi thản nhiên đáp:

– Nhưng tại sao tôi phải cám ơn họ? Thiên Chúa đã muốn dùng tôi như cơ hội tốt đẹp để họ có dịp làm việc thiện, làm một cử chỉ nhân từ, một hành động bác ái. Có lẽ tốt hơn là họ phải cám ơn Chúa vì sự bất hạnh khốn cùng của tôi để nhờ đó mà họ có công nghiệp đáng được vào Nước Trời.

Nghe vậy, khách qua đường mỉm cười mỉa mai bỏ đi trong lòng thầm nghĩ người ấy hoặc là mất trí hoặc là vô ơn. Nhưng câu trả lời của người phong cùi cứ văng vẳng bên tai làm cho vị khách qua đường phải hồi tâm suy nghĩ. Sau cùng, người ấy tự nhủ: “Xét cho kỹ thì người phong cùi hẳn có lý. Thực ra, bất kỳ việc tốt gì chúng ta làm cho người khác, tức là làm cho chính mình vậy”. Từ ngày đó trở đi, mỗi lần đi ngang qua người phong cùi ăn xin bên vệ đường, người ấy luôn rút trong túi ra hai đồng tiền, một đồng để làm phúc bác ái cho người phong cùi, còn một đồng để tỏ lòng biết ơn người ấy.

* * *

Có lẽ nhiều lúc chúng ta cũng vội vàng và dễ dàng xét đoán cách nông cạn và sai lầm về việc làm của những người khác. Lời nói của người phong cùi nghe như lời nói của kẻ vô ơn, tệ bạc là lời thức tỉnh lòng ích kỷ tự nhiên của con người và nhắc nhở chúng ta có bổn phận phải quan tâm đến những người chung quanh chúng ta. Lắm khi chính chúng ta sai lầm khi nghĩ rằng thực thi đức bác ái chỉ là một lời khuyên bảo tốt, một việc làm thêm có thể làm hoặc cũng có thể bỏ qua. Trái lại, theo tinh thần Phúc Âm Chúa Kitô thì thực thi đức bác ái là một bổn phận nòng cốt trong đời sống người tín hữu. Trong Phúc Âm Chúa Giêsu quả quyết với dân chúng: “Các con phải thương yêu nhau như Thầy yêu thương các con”. Hơn thế nữa, lòng bác ái thương người là một vinh dự của các môn đệ Chúa, bởi vì “Hễ điều gì các con làm cho một trong những người hèn mọn là các con làm cho chính Thầy vậy” (Mt 26,45).

Lòng bác ái theo tinh thần Phúc Âm còn đi xa hơn cán cân công bằng của người thế trần: mắt đền mắt, răng thế răng, trái lại, “Cần phải yêu thương cả thù địch và làm điều tốt cho những người thù ghét cac con nữa, có như thế những người khác mới nhận biết rằng các con là môn đệ của Thầy được”. Chúa Giêsu dạy chúng ta cần phải nhắm cao và nhìn xa thấy rộng hơn trên con đường của đức bác ái. Có lần Chúa Giêsu nói với người đã mời Ngài tới dùng bữa rằng “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em hay bà con hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông. Và như thế ông được đáp lễ rồi. Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật và què quặt đui mù. Họ sẽ không có gì đáp lễ và như thế ông mới thật có phúc vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày kẻ lành sống lại”.

Tình thương nhưng không và vô vị lợi của Chúa Giêsu được thể hiện ngay từ giây phút đầu tiên của mầu nhiệm cứu độ. Tin mừng Ðấng cứu thế giáng trần đã không được loan báo cho những người giàu sang, quyền cao, chức trọng, nhưng trước tiên là cho các mục đồng, những tâm hồn đơn thành luôn rộng mở tâm hồn đón nhận tình thương của Chúa. Họ không có gì để đáp đền tình thương Chúa ngoài việc hiến dâng cho Ngài sự khó nghèo của họ. Giữa đêm khuya giá lạnh họ đã tới sưởi ấm cho Ngài bằng tấm lòng khiêm tốn biết ơn của họ.

Lạy Chúa Giêsu là thái tử hòa bình, là vua tình thương.

Xin ban cho con quả tim quảng đại như Chúa, luôn vươn lên cao, vượt qua mọi tình cảm tầm thường để mặc lấy tâm tình của Chúa. Xin ban cho con trái tim đủ lớn để con biết khiêm tốn đến với người con không ưa và để tỏ lòng biết ơn với cả những người vô ơn nữa.

3. Tâm Hồn Khó Nghèo

Tại tu viện kia có hai thầy dòng nổi tiếng là nhân đức, nhất là về lòng khiêm tốn và kiên nhẫn. Hai thầy chung sống trong một căn nhà nhỏ bé, lo việc cầu nguyện, chăm sóc vườn rau và những cây ăn trái. Hai thầy chuyên cần làm việc, đào mương dẫn nước nên vườn tược lúc nào cũng xanh tươi và cành cây nặng trĩu những trái cây ngon ngọt, để chia sẻ với các thầy trong những nhà khác nữa. Cũng không thiếu cho những khóm hoa lúc nào cũng tươi nở muôn màu sắc dành để dâng tiến Chúa trong nhà nguyện của họ.

Tiếng thơm nhân đức của hai thầy đã đến tai cha bề trên đã cao niên. Một hôm, cha quyết định tới thăm hai thầy để có dịp chứng kiến tận mắt những nhân đức thánh thiện của hai thầy. Vừa trông thấy bóng dáng cha bề trên, hai thầy vội vàng ra cửa đón tiếp cách vui vẻ thân tình. Sau mấy phút cầu nguyện trước nhà nguyện, cha bề trên ngỏ ý muốn đi thăm ruộng vườn của hai thầy. Hai thầy vui vẻ dẫn đưa cha bề trên đi xem khắp cả vườn và chỉ cho người thấy từng loại cây ăn trái, từng luống rau, từng bụi hoa. Vừa đi cha bề trên vừa nhăn nhó tỏ vẻ khó chịu, trách khéo là vườn quá đẹp đối với những kẻ tu hành. Hơn thế nữa, cha bề trên lại dùng cây gậy chống trên tay, đập phá những cây bắp cải, những cây rau xà lách và những bụi hoa gần hai bên lối đi. Trước cử chỉ khác lạ xem như điên rồ của cha bề trên, hai thầy vẫn giữ thinh lặng, không một lời phản ứng chống lại.

Xem vườn tược xong thì cũng đã tới gần giờ cơm trưa nên hai thầy đến quì trước mặt cha bề trên lúc đó đang ngồi nghỉ mệt dưới bóng cây, mồ hôi nhễ nhãi và thưa:

– Kính thưa cha, nếu cha cho phép, chúng con sẽ đi thâu nhặt những lá rau còn lại không bị hư nát để dọn bữa ăn thanh đạm mời cha dùng với chúng con.

Tai vừa nghe những lời đó, mắt cha bề trên như sáng lên và ngài đã nhận ra nhân đức cao quí của hai thầy, ngài mở rộng vòng tay ôm lấy hai thầy và vui vẻ đáp:

– Cảm tạ Thiên Chúa vì thực sự Thần Khí Chúa đang ngự giữa chúng con nơi đây.

* * *

Như lửa thử vàng, nhân đức con người cũng phải được thanh luyện bằng gian khổ, thử thách và vui vẻ chấp nhận những điều trái ý riêng mình. Trong bài giảng trên núi về Tám Mối Phúc Thật, Chúa Giêsu nói với dân chúng: “Phúc thay người có tâm hồn nghèo khó. Phúc thay người hiền lành. Phúc thay người có lòng xót thương. Phúc thay người bị bách hại vì sự công chính. Các con hãy vui mừng hớn hở vì phần thưởng dành cho các con ở trên trời thật lớn lao”.

Những lời trên đây đồng thời cũng phác họa cho chúng ta thấy chân dung của Chúa Giêsu, Ngài là Ðấng nhân từ rộng lòng xót thương, không nỡ bẻ gẫy cây nứa đã bị giập hoặc dập tắt ngọn đèn leo lét sáng. Ngài là Ðấng bị bách hại, khủng bố, bất công, nhưng vẫn không hung hăng tự vệ, như con chiên hiền lành vô tội bị dẫn tới lò xén lông. Hơn ai hết, chính Ngài là Ðấng có tâm hồn nghèo khó và thực sự sống khó nghèo từ khi chào đời trong hang đá Bethlem cho tới khi tắt thở nhục nhã trên thập giá.

Tinh thần khó nghèo của Chúa Giêsu không chỉ là chấp nhận cảnh sồng khó nghèo về mặt vật chất vì thiếu thốn mà thôi, nhưng là tự chọn lấy cho mình sự yếu đuối của đứa trẻ hơn là quyền cao chức trọng, là chấp nhận bất công bách hại hơn là dùng sức mạnh để tự vệ, là chấp nhận triệt để sự vâng lời thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha hơn là hành động theo ý riêng mình.

Hơn thế nữa, Chúa Giêsu vốn là Thiên Chúa nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Trái lại, Ngài đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ để trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn vâng lời hạ mình cho đến chết và chết trên cây thập tự. Qua mầu nhiệm nhập thể giáng trần, Chúa Giêsu tiếp tục mời gọi mỗi người tiến bước theo gương Ngài sống tinh thần khó nghèo từ bỏ và hiền lành khiêm tốn như chính Ngài đã sống.

Lạy Chúa Giêsu

Con chỉ biết dâng lên Chúa lời kinh khiêm hạ. Xin Chúa ban cho con sự hiền lành và tính mềm dẽo để con ý thức được mình yếu đuối cần được người khác giúp đỡ hơn là gây phiền hà, hoặc có thái độ khinh khi người khác. Xin ban cho con một tấm lòng khiêm tốn để con không trở nên cứng cỏi trước những lời chỉ dạy, những lời phê bình hoặc cả đến những lời kết án khắt khe nữa.

4. Ðào Luyện Nhân Cách

Một người Ấn Ðộ tên là Sanda sau khi trở lại với đức tin kitô đã quyết tâm trở thành một nhà truyền giáo.

Một buổi chiều nọ, Sanda cùng với một nhà sư phật giáo leo lên một ngọn núi cao trên dãy Hy Mã Lạp Sơn để đến thăm một thiền viện. Trời càng về chiều càng lạnh, nhà sư cảnh cáo rằng họ có thể chết cứng nếu không về đến tu viện trước khi mặt trời lặn. Giữa lúc hai người đang cố gắng băng qua một lối đi nhỏ nằm bên vực họ nghe có tiếng người kêu cứu. Nhìn xuống vực sâu, họ thấy có một người đàn ông nằm bất động, nhà sư lại cảnh cáo Sanda:

– Cứ tiếp tục đi, số phận của người này đã được an bài rồi. Chúng ta phải đi gấp kẻo cũng chết theo.

Nhưng Sanda trả lời với nhà sư:

– Theo truyền thống kitô giáo của chúng tôi thì tôi hiểu rằng Chúa đã mang tôi tới đây để cứu giúp người anh em này, tôi không thể bỏ mặc anh ta như thế.

Nhà sư nhìn Sanda lắc đầu rồi tiếp tục đi.

Tuyết đã phủ hết lối đi. Còn lại một mình, Sanda bắt đầu leo xuống vực để cứu vớt người đàn ông bị tai nạn. Anh băng bó vết thương, lấy chăn cuốn chặt người bị thương vào lưng của mình rồi từng bước leo lên.

Cuối cùng, anh cũng thấy được ánh sáng chiếu ra từ tu viện. Kéo lê từng bước vì mỏi mệt, nhưng anh vẫn cương quyết tiến về tu viện. Thình lình, khi gần đến tu viện, chân anh chạm phải một vật cứng chặn cả lối đi. Anh cúi xuống lấy tay cào tuyết để xem vật cản là gì. Anh đau đớn vô cùng khi khám phá ra rằng vật cản ấy chính là thi thể của nhà sư. Nhà sư đã chết ngay trước cửa tu viện. Quì trước nhà sư, anh nhớ lại một đoạn Tin Mừng theo thánh Luca: “Ai cứu mạng sống mình sẽ mất nó. Còn ai mất mạng sống mình vì Ta sẽ tìm lại được nó”. Sanda hiểu được điều Chúa Giêsu muốn nói và anh rất vui mừng vì đã quyết định mất mạng mình vì người khác.

Về sau, Sanda trở thành một vị linh sư nổi tiếng.

Khi các đệ tử hỏi ông:

– Thưa thầy, đâu là điều nặng nhọc nhất trong cuộc sống?

Ông trả lời:

– Ðiều nặng nhọc nhất trong cuộc sống là không có một gánh nặng để vác.

* * *

Ðiều nặng nhọc nhất trong cuộc sống là không có một gánh nặng để vác. Khi nói lời này hẳn ông Sanda đã nghĩ tới người đàn ông bị nạn mà ông đã cứu vớt. Khi Chúa Giêsu kêu mời chúng ta hãy vác lấy thập giá mỗi ngày và bước đi theo Ngài, Ngài muốn nói đến những gánh nặng hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta. Những gánh nặng ấy là công việc mỗi ngày, những gánh nặng ấy là những lao nhọc vất vả để có được chén cơm manh áo từng ngày, nhưng nặng hơn cả vẫn là gánh nặng mà người khác chồng chất lên vai chúng ta.

Quả thật, sự hiện diện của người khác có thể là một gánh nặng cho chúng ta. Sự hiện diện ấy có khi nặng nề đến độ một triết gia hiện sinh của Pháp đã gọi là hỏa ngục. Tuy nhiên, chúng ta không thể sống mà không có người khác. Sự hiện diện của người khác là một điều kiện cần thiết để chúng ta sống cho ra người. Sống mà loại trừ người khác là tự hủy. Người khác, do đó, rất có thể là một gánh nặng nhưng là một gánh nặng cần thiết để giúp chúng ta đạt được sự sung mãn nhân cách.

Mùa Chay là trường đào luyện nhân cách. Những việc lành đạo đức như ăn chay, cầu nguyện, hãm mình là điều cần thiết để giúp chúng ta trau luyện nhân cách. Nhưng nếu không có bác ái đi kèm thì tất cả những thực hành ấy đều là vô ích. Linh hồn của mùa Chay là bác ái, chúng ta được mời gọi xác định và củng cố quan hệ của chúng ta với người khác. Người khác mà chúng ta sống với khi gặp gỡ mỗi ngày có thể là gánh nặng cho chúng ta nhưng là gánh nặng cần thiết để giúp chúng ta dẹp bỏ được con người ích kỷ của chúng ta.

Lạy Chúa,

Với những người đang đau khổ chung quanh chúng con, xin ban cho chúng con tâm hồn nhạy cảm. Với những người đang là gánh nặng cho chúng con, xin cho chúng con luôn biết nhìn vào họ như một thách đố để giúp chúng con thắng vượt được con người mù quáng và ích kỷ của chúng con, hầu được mỗi ngày một lớn lên trong quảng đại và yêu thương.

5. Thước Ðo Nhân Cách

Một người hành khất đã tâm sự như sau:

Tôi là một kẻ ăn xin, và bạn biết không, tôi thích làm một người ăn xin. Trong bao nhiêu năm qua, tôi đã quan sát và biết được cách bạn cư xử và sử dụng tiền bạc như thế nào. Lúc đầu khi tôi biết Chúa đã chọn cho tôi con đường ăn xin này tôi không thể vui được, nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót đã cho tôi nhìn vào thế giới bằng chính cái nhìn của Ngài khi tôi trung thành với con đường ăn xin của tôi. Con đường của tôi là để làm cho con đường của bạn được sáng hơn dù bạn có muốn hay không.

Mỗi khi bạn đi qua lại trên đường, Chúa cho tôi được nhìn thấy bạn trong chính con người thật của bạn.

Bạn là một trong vô số những người đi qua lại trên con đường trước mặt tôi. Tôi đang đứng tựa vào tường, tôi vẫn đứng một chỗ mỗi ngày. Từ bao nhiêu tuần lễ qua tôi chưa hề tắm gội, từ xa bạn đã có thể ngửi được mùi hôi thối toát ra từ người tôi. Bạn đang đi về hướng tôi, tay bạn cầm cặp giấy sang trọng, bạn thấy tôi đứng đó cho nên một cách kín đáo bạn tìm cách rẽ đi lối khác, nhưng rồi khi tới ngã tư bỗng nhiên bạn lại hối hận và quay trở lại về hướng tôi và kín đáo trao vào tay tôi vài đồng xu nhỏ. Tôi đã cầu xin Chúa soi sáng bạn để nghe được tiếng nói lương tâm của bạn, và quả thật Ngài đã nhậm lời tôi.

Bạn là một người phụ nữ, bạn đã không có một buổi sáng bình minh an lành, bạn đã la hét chồng con, bạn không tìm ra được xâu chìa khóa trong cái xách tay của bạn, bạn đã trễ giờ, thế là bạn chạy tất tả xuống phố. Hôm đó, bạn quên hẳn sự có mặt của tôi, mặc dù từ đàng xa bạn đã ngửi thấy mùi hôi thối nơi con người tôi. Mũi bạn khó chịu, bạn đưa mắt nhìn sang chỗ khác và cằn nhằn trong miệng. Khi tôi chìa tay ra, bạn thò tay vào ví rồi nói: “Tôi trễ mất rồi, chốc nữa tôi sẽ quay lại”. Thế là bạn đi. Phần tôi, tôi cầu xin Chúa soi sáng bạn để bạn biết lấy tình người mà cư xử với tôi và tôi tin chắc là bạn sẽ trở lại tìm tôi.

Bạn cũng có thể là một trong vô số những người qua lại trước mặt tôi. Bạn có nhiều đồng xu nhỏ trong túi, bạn trông thấy tôi mỗi ngày. Lẽ ra thì bạn không nên bố thí cho tôi vì bạn biết là tôi sẽ dùng tiền đó để mua rượu nhưng bạn vẫn dừng lại bố thí cho tôi và nói: “Bác đi mua cà phê hay bánh trái mà ăn nghe, đừng uống rượu nữa”. Bạn lại đi và tôi thầm cám ơn vì bạn đã đối xử tử tế với tôi.

Tất cả các bạn, các bạn đều có mọi sự các bạn muốn nhưng các bạn vẫn còn nhận thấy một điều các bạn luôn cần đó là trao ban cho người khác trước khi họ ngửa tay xin. Như vậy, dù bạn làm nghề gì, mỗi khi bạn xuống đường tôi vẫn biết bạn là ai, trong giây phút ấy tôi nhìn thấy bạn như chính Chúa trông thấy bạn trong mỗi giây phút của cuộc sống bạn. Bạn hãy giữ ý tứ. Tôi có mặt ở đây là để làm cho con đường của bạn được sáng thêm. Bạn có biết bạn đang đi về đâu không?

* * *

Mỗi một tha nhân là tấm gương phản chiếu con người của chúng ta. Chúng ta vui hay buồn, quảng đại hay ích kỷ, cảm thông hay điêu ngoa, chân thành hay dối trá, điều đó đều được biểu lộ trên gương mặt của chúng ta mỗi khi chúng ta gặp người khác. Mỗi một người khác đều bắt buộc chúng ta thể hiện con người thật của chúng ta. Tha nhân quả thật là trường dạy chúng ta sống cho ra người. Tha nhân mời gọi chúng ta sóng quảng đại, bác ái, yêu thương. Tha nhân là thước đo nhân cách của chúng ta.

Trong thông điệp đầu tay của Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngài đã gọi con người là Ðường đi của Giáo Hội. Mỗi một tín hữu kitô cũng có thể nói như thế về tha nhân mình sống với hay gặp gỡ mỗi ngày. Quả thật, mỗi một tha nhân là một thách đố trong cuộc hành trình đức tin của chúng ta, nếu chúng ta biết đón nhận tha nhân, con đường của chúng ta sẽ sáng lên; trái lại, nếu chúng ta chối bỏ tha nhân chúng ta sẽ bước đi trong tăm tối.

Lạy Chúa,

Chúa đã tự đồng hóa với mỗi tha nhân, nhất là những kẻ nghèo hèn bé mọn nhất trong xã hội. Xin cho chúng con luôn biết nhận ra và yêu mến chúng trong mỗi một tha nhân.

6. Sống Ðích Thực

Trong cuốn sách có tựa đề “Bảy thói quen của những con người có tài năng cao”, tác giả Steve Corvey đã kể lại kinh nghiệm mà chính ông đã có được trong một chuyến xe điện ngầm tại New York vào một buổi sáng chủ nhật.

Tác giả kể lại rằng trên chuyến xe điện ngầm mọi người đang ngồi yên lặng, một số đang đọc báo, một số ngủ gà ngủ gật, một số khác thì nhắm mắt để chiêm niệm. Quả là một khung cảnh tĩnh lặng an bình. Thế rồi, đến một trạm dừng, một người đàn ông cùng với một đàn con bước lên xe. Mấy đứa nhỏ bắt đầu la lối cãi cọ nhau. Chúng ném đồ chơi vào người nhau, có đứa giật cả những tờ báo của người khác. Bầu không khí tĩnh lặng bỗng trở nên ồn ào khó chịu. “Ðây là những đứa trẻ mất dạy”, có lẽ người hành khách nào cũng nghĩ thầm trong bụng như thế nhưng không ai dám lên tiếng, và điều làm cho hành khách khó chịu hơn là người cha vẫn ngồi bất động.

Tác giả Steve Corvey không thể tưởng tượng được rằng người cha có vẻ tỏ ra bất động như thế để cho các con của ông muốn làm gì thì làm. Cuối cùng, với tất cả bình tĩnh và tự chủ, ông đến gần bên người đàn ông và nói:

– Thưa ông, các con của ông quả thật đang quấy rầy người khác. Ông có thể bảo chúng ngồi yên một chút được không?

Người đàn ông đưa mắt nhìn tác giả Steve Corvey như thể đây là lần đầu tiên ông hồi tỉnh sau một cơn ngủ dài rồi nói:

– Ồ, ông có lý, tôi xin lỗi. Lẽ ra tôi phải lên tiếng bảo các con của tôi ngồi yên. Chúng tôi vừa mới rời bệnh viện, người mẹ của chúng vừa mới qua đời được một tiếng đồng hồ. Tôi không biết phải làm gì và tôi nghĩ chắc các con tôi cũng chẳng biết phải cư xử như thế nào.

Tác giả Steve Corvey ghi lại như sau:

“Bạn có biết lúc đó tôi nghĩ gì không? Thình lình tôi thấy mọi sự đều thay đổi, vì tôi thấy khác cho nên tôi cũng cảm nghĩ khác và tôi cũng đã cư xử khác. Cơn giận của tôi bỗng biến mất, tôi không còn phải nghĩ đến chuyện kiểm soát cách cư xử và thái độ của tôi nữa. Trái tim tôi tràn ngập nỗi đau của người đàn ông vừa mất vợ, những nỗi xúc động của cảm thương và đồng cảm tuôn trào. Tôi hỏi người đàn ông: “Vợ ông vừa mới qua đời ư? Ồ, tôi xin lỗi. Liệu tôi có thể làm được gì để giúp ông không?”

Không có gì thay đổi trên chuyến xe điện ngầm ấy, mọi sự đều như cũ, cũng vẫn những con người đó, cũng vẫn những đứa trẻ ồn ào đó. Nếu có thay đổi chăng thì đó là cách nhìn sự vật và cùng với cách nhìn ấy, cách cư xử cũng thay đổi.

* * *

Hình thức cao độ nhất của tình yêu là cùng chia sẻ chân thành một số phận. Chúng ta biểu lộ tình yêu không chỉ khi chúng ta ban tặng mà bằng cả khi đón nhận, trao đổi, tương trợ, đối thoại và hiệp nhất với người khác. Ðây là cách thế thể hiện tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa không chỉ yêu thương con người từ trời cao, Ngài đã hóa thân làm người, Ngài đã trở nên giống loài người chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi. Ngài đã biết thế nào là đói, Ngài đã biết thế nào là khóc. Qủa thật, Chúa Giêsu đã làm người và đã chỉ cho chúng ta cách sống cho ra người. Sống đích thực là có thể quên mình. Làm người thực sự là có thể đặt mình vào hoàn toàn trong đời sống con người và chấp nhận trao đổi.

Mùa Chay chúng ta có dịp chiêm niệm mầu nhiệm khổ nạn của Chúa Giêsu. Trên thập giá Ngài đã thực sự sống trọn thân phận con người. Sự cảm thông và lòng thương xót đã được Thiên Chúa thể hiện một cách trọn vẹn qua cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Trong mầu nhiệm này, chúng ta được mời gọi để lấy sự cảm thông và tha thứ mà đối xử với nhau.

Lạy Chúa Giêsu,

Xin cho chúng con biết đau với niềm đau của người khác, biết khắc khoải với nỗi khắc khoải của người khác ngõ hầu được tham dự một cách thâm sâu vào mầu nhiệm tử nạn của Chúa.

7. Quyền Lực Và Vinh Quang

Trong quyển tiểu thuyết có tựa đề “Quyền Lực và Vinh Quang”, nhà văn Graham Kline đã mô tả một linh mục sống dười thời bách hại tại Mêhicô. Một bên là sự rình rập của cảnh sát, một bên là gánh nặng mục vụ đối với giáo dân, cuối cùng vị linh mục đã ngã gục, ông đã bắt đầu uống rượu và trở thành nghiện ngập. Sau đó, ông bị bắt giữ, kết án tử hình và giam giữ để chờ ngày hành quyết.

Buổi sáng ngày hành quyết, vị linh mục thức dậy trên tay còn cầm một chai rượu trống không, ông cố gắng đọc kinh ăn năn tội nhưng tâm trí rối loạn đến độ không còn nhớ nổi một tiếng nào trong lời kinh. Thình lình ông thấy cái bóng của mình in trên tường của phòng giam, ông ngồi bất động và dán chặt đôi mắt vào đó, ông chợt nhận ra sự điên dại của mình khi nghĩ rằng ông đủ can đảm để ở lại và phục vụ đoàn chiên của mình, lẽ ra ông đã phải lẩn trốn. Thật là một sự điên rồ và tai hại. Những giọt nước mắt bắt đầu lăn trên gò má ông. Ông không khóc vì sợ chết, ông chỉ khóc vì nghĩ rằng mình về với Chúa với hai bàn tay trắng.

Tác giả Graham Kline đã viết về tâm trạng của vị linh mục như sau: “Dường như trong lúc đó ông thấy rằng nên thánh là một điều dễ dàng, chỉ cần một chút tự chủ và can đảm. Ông cảm thấy mình như một người đã thể hiện hạnh phúc chỉ vài giây đồng hồ. Ông biết rằng cuối cùng chỉ có một điều đáng kể trong cuộc đời là nên thánh”.

* * *

Trong một lá thư để lại, thánh Phêrô Clave, người đã phục vụ những người nô lệ da đen tại châu Mỹ Latinh hồi thế kỷ thứ mười bảy đã thuật lại như sau:

“Hôm qua, lễ Chúa Ba Ngôi, một số đông người nô lệ da đen bị rượt bắt dọc theo những dòng sông từ bên Phi Châu đã được chở bằng thuyền đến. Chúng tôi đã vội vàng chạy ra, mang theo cam, chanh, bánh ngọt và đủ thứ. Chúng tôi đã phải cố gắng len lỏi qua đám đông để tìm đến với những người bệnh hoạn. Nhiều người trong họ nằm la liệt trên đất, thậm chí trên bùn, họ không có được một mảnh áo che thân. Chúng tôi liền cởi áo xống, đi đến một cửa hàng, chở tất cả gỗ đang có rồi xếp thành một chỗ khô ráo và mang tất cả những bệnh nhân đến đó. Chúng tôi đọc được lòng biết ơn trong ánh mắt của họ. Với cách thế ấy chúng tôi đã nói chuyện với họ, nói không bằng lời mà bằng hành động. Bất cứ một hình thức liên lạc nào khác cũng đều vô ích. Rồi sau đó chúng tôi ngồi hay quì xuống bên cạnh họ rồi lau mặt hoặc thân thể họ”.

Thánh Phêrô Clave không phải là một vị tử đạo, ngài cũng chẳng dành suốt đời đọc kinh cầu nguyện hay sám hối, ngài cũng chẳng có những thị kiến hay viết những cuốn sách cao siêu, ngài chỉ là một con người bình thường như mọi người bình thường. Chính vì thế mà ngài là một vị thánh. Ngài đã cư xử một cách rất người, ngài chứng tỏ cho mọi người thấy rằng nên thánh quả là một điều dễ dàng. Ngài cũng muốn nói rằng nên thánh là điều duy nhất đáng kể trong cuộc đời.

Mùa Chay, sống lại bốn mươi năm lang thang trong sa mạc của dân Do Thái, chúng ta được nhắc nhở rằng sống đạo là một cuộc hành trình mà điểm đến là nên thánh. Như vị linh mục trong tác phẩm “Quyền Lực và Vinh Quang” đã nhận ra, chỉ cần một chút tự chủ và can đảm cũng đủ để nên thánh.

Lạy Chúa,

Chúng con đã đi được hơn một nửa con đường mùa Chay nhưng vẫn chưa định hướng được cuộc hành trình của chúng con. Bao nhiêu lần chúng con đã vấp ngã, bao nhiêu lần chúng con đã muốn buông xuôi bỏ cuộc, xin Chúa tha thứ và nâng đỡ để chúng con biết chỗi dậy và bước theo Chúa. Giữa cuộc hành trình đầy chông gai và thử thách, xin Chúa ban ơn thêm cam đảm cho chúng con.

8. Cuộc Lữ Hành Triền Miên

Thomas Merton là một trong những tác giả tu đức nổi tiếng nhất trong thế kỷ hai mươi. Năm lên mười sáu tuổi, Thomas Merton mồ côi. Năm lên hai mươi tuổi, anh gia nhập đảng cộng hòa Mỹ. Năm hai mươi ba tuổi, anh trở lại công giáo. Năm hai mươi bốn tuổi, anh trở thành ký giả của báo New York Thời Báo. Năm hai mươi sáu tuổi, anh thu góp tất cả tài sản vào một cái túi nhỏ lên đường tìm kiếm đến bang Kentucky và trở thành một tu sĩ Trappis tại đan viện Giếtsêmani. Trong cuốn sách tự thuật có tựa đề “Ngọn Núi Bảy Tầng” Thomas Merton đã kể lại những bước đầu tiên trong cuộc trở lại của anh. Thomas Merton ghi lại rằng vừa tốt nghiệp trung học anh đã một mình du lịch sang Âu Châu và tại đây anh đã lao vào cuộc sống trụy lạc. Nhưng một đêm nọ, ngồi một mình trong phòng, anh bỗng nhận ra con người tội lỗi của mình.

Thomas Merton viết như sau:

“Trong một thoáng, mọi sự hiện ra trước mắt tôi. Tôi bỗng nhận ra một cách sâu sắc nỗi khốn khổ và sự đồi bại của tâm hồn tôi. Tôi sợ hãi trước điều tôi vừa thấy và linh hồn tôi tự nhiên khao khát muốn thoát ra khỏi tình trạng ấy một cách mãnh liệt và cấp bách hơn bao giờ hết”.

Thomas Merton cho biết lần đầu tiên trong cuộc đời anh đã cầu nguyện và cầu nguyện thật sự. Anh cầu nguyện với một Thiên Chúa mà anh chưa từng biết. Anh xin Ngài từ trời cao hãy đoái nhìn đến anh và giải thoát anh khỏi sức mạnh của sự dữ đang giam hãm linh hồn và thể xác anh trong vòng nô lệ.

* * *

Câu chuyện của Thomas Merton trên đây minh họa cho sự đổi đời mà chúng ta thường nghe đọc và suy niệm trong mùa Chay này, đó là sự đổi đời của người con hoang đàng được ghi lại trong Tin Mừng theo thánh Luca.

Ðiều gì đã khiến cho con người đổi đời?

Nhiều năm trước đây, các lý thuyết gia về chính trị chú ý đến những bước chân cần thiết để làm một cuộc cách mạng. Bước đầu tiên là phải tạo ra tâm lý bất mãn trong quần chúng, bởi vì quần chúng sẽ chỉ chấp nhận thái độ khi nào họ bất mãn với tình trạng hiện tại. Ðiều này cũng đúng cho các cá nhân. Con người chỉ nghĩ đến chuyện đổi đời khi họ không hài lòng với cuộc sống hiện tại. Ðây là trường hợp của người con hoang đàng và Thomas Merton.

Nói cách khác, bước đầu tiên trong sự hoán cải là cần phải bất mãn với cuộc sống hiện tại của mình. Bất mãn ở đây có nghĩa là khao khát muốn sống tốt đẹp hơn.

Bước thứ hai trong tiến trình đổi đời là một biến cố có sức bật mạnh. Với Thomas Merton biến cố ấy chính là kinh nghiệm trải qua trong phòng khách sạn khi anh ngồi đối diện với chính mình.

Bước thứ ba trong tiến trình đổi đời là cần phải làm một bước cụ thể trong cuộc sống mới. Thomas Merton đã làm được điều đó. Tuy không phải là một người công giáo, anh đã đi tới nhà thờ, quì gối và đọc kinh lạy Cha. Sau khi cầu nguyện, anh ra khỏi nhà thờ và đến ngồi trên một ghế đá. Anh cảm nhận được một sự bình an mà anh chưa từng biết đến. Nhưng dĩ nhiên, cuộc trở lại của anh đã không dừng lại ở đó. Từ một con người ngoại đạo trở thành một tín hữu, từ một tín hữu trở thành một tu sĩ chiêm niệm, cuộc sống đối với anh từ nay đã trở thành một cuộc hành trình triền miên.

Sống đạo là một cuộc lữ hành không bao giờ chấm dứt. Ðây là cảm nghiệm mà cuộc hành trình mùa Chay gợi lên cho chúng ta. Sống lại kinh nghiệm bốn mươi năm lang thang trong sa mạc của người Do Thái, chúng ta được mời gọi tiến bước từ nguội lạnh đến nhiệt thành, tiến bước từ tầm thường đến mẫu mực. Không ai làm tín hữu một lần cho tất cả mà phải không ngừng trở thành một tín hữu.

Lạy Chúa,

Với tâm tình hoán cải của người con hoang đàng, chúng con quyết tâm trở về với Chúa. Xin Chúa đừng để chúng con tự mãn với một ít việc lành phúc đức mà chúng con đã có thể thực hành trong mùa Chay này. Xin cho chúng con luôn được ra khỏi bản thân để mỗi ngày một tiến tới bước đường theo Chúa.

9. Nhân Tính Của Con Người

Một biến cố được xem là bất ngờ nhất trong kỳ thế vận hội mùa hè năm 1984 tại Los Angeles, Hoa Kỳ, đó là giây phút võ sĩ Chesk Plasnick của Hoa Kỳ đã đánh hạ võ sĩ Thomas Giohanson của Thụy Ðiển trong một trận đấu truyền thống La Mã, Hy Lạp. Khi trận đấu kết thúc, võ sĩ Plasnick đã không nhảy tung người lên vì sung sướng, anh chẳng cầm nắm tay đưa lên trong không khí, anh cũng chẳng cúi đầu trước khán giả, trái lại anh quì gối xuống chắp tay lạy, cùi đầu và cầu nguyện. Trên màn ảnh truyền hình, khi ống kính chiếu thu sát khuôn mặt anh, hàng triệu khán giả thấy nước mắt chảy đầm đìa trên gò má anh. Người võ sĩ này có đủ mọi lý do để khóc nhưng anh không khóc vì đã giật được huy chương vàng về cho Hoa Kỳ, còn có một lý do lớn hơn. Hai năm trước đó anh bị ung thư, mười tám tháng trước trận đấu anh đã phải trải qua một cuộc giải phẫu, và giờ đây anh đã thắng được trận chiến thứ hai.

Ngày hôm sau tất cả các báo chí tại Hoa Kỳ đều nói về câu chuyện của anh. Một ký giả đã viết như sau:

“Một trong những điều có giá trị nhất của thế vận hội là nhắc nhở cho chúng ta về giá trị thanh tẩy, chữa trị của những giọt nước mắt. Quí vị theo dõi những vận động viên đạt được huy chương vàng trên bục chiến thắng hướng về lá quốc kỳ của mình và nghe bài quốc ca. Trong mọi trường hợp người ta đều thấy mắt họ sũng ướt. Cứng rắn bao nhiêu, mạnh bạo bao nhiêu, tất cả đểu trở nên mềm mỏng trong giây phút ấy. Và khi thể hiện tính người như thế họ lại càng thu hút hơn. Ðây là trường hợp của Plasnick, anh đã trở thành một anh hùng, không phải vì chiến thắng trong trận thi đấu cũng chẳng phải vì chiến thắng được bệnh ung thư, mà bởi vì đã chia sẻ tính người của anh với chúng ta. Con người nặng trên một trăm ký ấy bỗng nhiên trở nên giống bất cứ một người nào trong chúng ta, mềm mỏng, yếu đuối một cách thật đẹp.

* * *

Chủ nhật thứ năm mùa Chay, Giáo Hội cũng cho chúng ta thấy được nơi Chúa Giêsu một tính cách như thế. Trước mộ của Lazarô, Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã thổn thức khóc. Ðây là một trong những cảnh tượng cảm động nhất trong Tin Mừng và một trong những lý do khiến cho cảnh tượng ấy trở nên cảm động là vì Chúa Giêsu chia sẻ nhân tính của Ngài với chúng ta. Chúng ta dễ quên nhân tính của Chúa Giêsu, chúng ta dễ quên rằng Ngài đã khóc trên thập giá, chúng ta đã quên rằng Ngài đã mệt mỏi vì đường xa, chúng ta dễ quên rằng Ngài đã sợ hãi đến toát mồ hôi máu trong vườn cây dầu. Cảnh tượng Chúa Giêsu thổn thức và khóc trong bài Tin Mừng nói về cái chết của Lazarô và việc Chúa cho Lazarô sống lại, lột tả tất cả nhân tính của Ngài. Ngài quả thật là một con người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Chính vì thế mà Ngài hiểu được cảm xúc của chúng ta khi chúng ta cũng lâm vào cùng một hoàn cảnh như Ngài. Ngài hiểu được thế nào là sống và cư xử như một con người, và đây chính là điều mang lại hy vọng cho chúng ta. Hơn ai hết, Chúa Giêsu là người thông cảm trước những yếu hèn của chúng ta.

Tuy nhiên, bài Tin Mừng này (bài Tin Mừng của Chủ nhật thứ năm mùa Chay) không chỉ bày tỏ cho chúng ta nhân tính của Chúa Giêsu. Khi Ngài hô lớn cho Lazarô từ trong mồ đi ra, Ngài không chỉ là một con người như chúng ta nữa, Ngài là Thiên Chúa. Ngài không chỉ là nguồn cảm hứng và lý tưởng để chúng ta đi theo. Ngài còn là Thiên Chúa, Ðấng thông ban sự sống và sức mạnh cho chúng ta. Ngài chạm đến cuộc sống của chúng ta bằng một cách thế mà không người phàm nào có thể có được.

Mùa Chay, chúng ta được mời gọi kết hiệp với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm thập giá. Mang lấy thân phận con người, Ngài đã vâng phục cho đến chết. Ngài chết trên thập giá để giải thoát loài người khỏi tội lỗi. Thập giá đã trở thành nguồn ơn cứu thoát và mang lại hy vọng cho chúng ta. Trong ánh sáng của mầu nhiệm thập giá, chúng ta hiểu được giá trị của khổ đau trong cuộc sống chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã vạch ra cho chúng con đường phải đi khi vác lấy thập giá. Xin cho chúng con biết đón nhận mọi khổ đau với tinh thần tin yêu và phó thác.

10. Liên Ðới Và Chia Sẻ

Tháng sáu, lá cây trong vườn đã ngả màu, những cơn gió nhẹ thổi qua cuốn theo những chiếc lá vàng lìa cành. Vào một buổi sáng nọ, những chú chim vừa kết thúc bài ca buổi sáng, các lá cây cũng uốn mình theo điệu nhạc của bái hát vừa dứt. Chú sâu cũng vươn mình cho ngay ngắn rồi lên tiếng:

– Chào các bạn.

Mọi tạo vật bắt đầu chuyện trò với nhau. Sau một hồi lâu nói chuyện với không khí, lá hỏi không khí rằng:

– Cơn gió nào đã đưa bạn đến đây?

Chú sâu chẳng để ý lại nghe loáng thoáng câu hỏi của lá và tưởng là hỏi mình nên trả lời lắp bắp:

– Thú thực là… tôi nghĩ…

Và chẳng bao giờ nó trả lời được câu hỏi đó được trọn vẹn.

– Tôi có một câu hỏi quan trọng muốn hỏi các bạn. Mỗi buổi sáng các bạn lấy thức ăn cho cả ngày từ các lá cây mà tại sao lại không lấy từ nơi khác? Còn tôi thì không lúc nào cũng dễ dàng để tìm được thức ăn như vậy, vì thế tôi cứ phải ở đây hoài.

Lá bày tỏ sự cảm thông của mình với sâu bằng câu nói:

– Nếu tôi tìm ra cách nào để giúp bạn, thì tôi sẽ sẵn sàng, chỉ có điều là tôi thì bị dính chặt vào cây này, vì thế tôi chẳng thể nào đi nơi khác tìm thức ăn được.

Rồi chú sâu thật mạo hiểm đề nghị với lá như sau:

– Bạn biết đấy, bạn có một bộ lá xanh thật đẹp.

Rồi chú sâu tiếp tục lời đề nghị của mình:

– Bạn lá ơi, nếu có thể, bạn hãy hy sinh chịu nhỏ đi một chút xíu có được không?

Thoạt đầu, lá không nghĩ rằng sâu dám đề nghị với lá như vậy, nhưng khi nhìn vào đôi mắt với vẻ khẩn khoản của sâu, lá hít thở thật sâu và nghĩ tới lời đề nghị của sâu rồi tự nhủ: “Bạn sâu thực sự đã đói lả nhưng không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình cho bạn ấy một phần lá là chiếc áo độc nhất của mình”. Lá lý luận: “Nếu mình không cho sâu một chút thức ăn chắc chắn bạn ấy sẽ chết vì đói. Nếu mình cho bạn ấy một chút lá thì bạn ấy sẽ lại vui sống”. Lá lại tự nhủ: “Dầu sao đi nữa thì cũng nên cho bạn ấy một chút lá của mình, vì con người ta vẫn có thể sống với một chiếc áo lủng lỗ”. Và lá quyết định cho chú sâu ăn một chút lá của mình. Ðúng như dự đoán của lá, sâu chỉ ăn một chút và cảm thấy vui vẻ trở lại, rồi nó cũng trở lại trên cây để chuyện trò với lá.

Mùa thu, chiếc lá lủng lỗ cũng rụng, nó cảm thấy rất hạnh phúc khi nhớ chuyện cũ và mùa xuân đến nó lại bắt đầu thay bằng một bộ lá tuyệt đẹp.

* * *

Tâm sự của chiếc lá và chú sâu trong câu chuyện tưởng tượng trên nhắc nhở chúng ta về tinh thần liên đới và chia sẻ khi cùng sống với nhau. Tinh thần đó là hoa trái của những hy sinh, từ bỏ một chút gì là của riêng mình.

Mùa Chay Giáo Hội nhắc nhớ chúng ta hãy chiêm ngắm tình thương của Thiên Chúa qua cái chết và cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Bài học yêu thương đó không thể sinh hoa trái trong lòng chúng ta, nếu mỗi người chúng ta không dám hy sinh một chút gì là bản thân mình để tạo niềm vui và hạnh phúc cho anh chị em. Thực ra nếu nhìn lại chúng ta thấy rằng hạnh phúc của anh chị em cũng chính là hạnh phúc của mỗi chúng ta. Vì trong sự liên đới để sống trong thế giới này, hạnh phúc của người này cũng có tác động đến người khác, nó có sức cải biến và thăng tiến các tương quan cũng như mỗi con người và sự vật.

Chiếc lá hy sinh một phần của mình để sâu có thể tồn tại và làm bạn với nó, thì con người cũng vậy, để chúng ta luôn có được những liên đới và những tương quan tốt đẹp với người khác, đôi khi chúng ta cũng phải hy sinh một chút gì của riêng mình. Sự hiện diện của người khác vẫn mãi là niềm vui của chúng ta, cho dù đôi khi chúng ta có muốn phủ nhận sự thật này, thì chúng ta chỉ sống và tồn tại trong sự bao bọc của rất nhiều cái mối tương quan. Sự cô độc luôn là một độc hại giết chết con người. Có thể có những người sống cô đơn một mình ở những nơi chẳng ai biết đến, nhưng họ không cô độc, họ vẫn có thể cảm nếm được hạnh phúc bởi những mối giây liên đới tinh thần sâu xa với anh em và với thế giới bên ngoài.

Mùa Chay là thời gian để chúng ta tập giữ tinh thần hy sinh hãm mình, là một phương thức giúp chúng ta sống liên đới và chia sẻ với anh chị em những gì là cụ thể nhất như của ăn thức uống. Nhưng điều đó chẳng đạt được ý nghĩa trọn vẹn nếu chúng ta không nỗ lực để sống tinh thần từ bỏ chính mình, để kiến tạo niềm vui và hạnh phúc cho anh chị em.

Lạy Chúa,

Xin giúp chúng con được trở nên giống Chúa mỗi ngày một hơn trong niềm vui sát tế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *