PHÚC ÂM VÀ CÔNG VỤ TÔNG ĐỒ
Trong Tân ước, Phúc Âm là pho sách quan trọng nhất vì nhờ Phúc Âm mà chúng ta được biết về cuộc đời Chúa Giêsu, các công việc Chúa làm và cuộc Tử nạn của Chúa.
Danh từ Phúc Âm có nghĩa là “Tin Mừng”. Danh từ đó ban đầu chỉ Tin Mừng tột bực, Tin Mừng đã được hứa hẹn với dân Israel và Chúa Giêsu đã đem đến cho nhân loại. Tiếp đến danh từ đó chỉ sự truyền bá Tin Mừng do các Tông đồ và các vị thừa sai. Sau hết, vào thế kỷ II, người ta dùng danh từ Phúc Âm để chỉ những tác phẩm đã ghi lại Tin Mừng đó.
Giáo hội đã nhận vào Kinh bộ bốn sách Phúc Âm : Phúc Âm theo thánh Matthêô, Marcô, Luca và Gioan.
Phúc Âm theo thánh Matthêô, Marcô, Luca có những liên quan mật thiết : cả ba Phúc Âm đều giống nhau về cách bố cục, về những câu truyện kể lại, về ngữ vựng và cách trình bày giáo huấn của Chúa Giêsu. Người ta gọi ba Phúc Âm đó là Phúc Âm Nhất lãm, vì ba Phúc Âm đó giống nhau đến nỗi người ta có thể xếp thành ba cột song song với nhau và với một cái nhìn có thể bao quát được cả câu truyện kể lại. Nhưng tuy giống nhau, mỗi Phúc Âm đều có những đặc điểm tạo thành một tác phẩm độc đáo.
Phúc Âm Nhất lãm ghi lại lời giảng dạy của các Tông đồ. Những lời giảng này có từ buổi sơ khai của Giáo hội.
Trung thành với huấn lệnh của Chúa Giêsu, từ ngày lễ Hiện Xuống, các Tông đồ đã bắt đầu giảng “các điều mà các ngài đã mắt thấy tai nghe”. Trước hết các Tông đồ phải thuyết phục và phi bác những người Do thái, rồi phải dạy dỗ giáo huấn các tân tòng.
Với mục đích đó, các ngài đã chọn trong ký ức những việc làm và lời dạy của Thầy Chí Thánh hợp với ý định của các ngài. Vì thế các ngài chú trọng đặc biệt đến những ngày sau hết và cuộc Tử Nạn của Chúa. Chính thánh Phêrô, người đứng đầu Giáo hội, đã hướng dẫn công trình vừa có tính cách tranh biện, vừa có tính cách giáo huấn này (x. Cv 2,14-46; 10,34-43).
Chính ngài đã ấn định những yếu tố và sắp xếp những yếu tố đó thành một dàn bài gồm bốn phần. Dàn bài đó ta gặp thấy trong Phúc Âm Nhất lãm : thánh Gioan Tẩy giả rao giảng; Chúa Giêsu giảng dạy ở Galilêa, lãnh vực chính hoạt động của Chúa; Chúa từ biệt Galilêa lên Giêrusalem lần cuối cùng; những ngày cuối cùng ở Giêrusalem, tranh luận với biệt phái và Sađđucêô, cuộc Tử nạn, Phục sinh và những lần Chúa hiện ra sau khi sống lại. Các Tông đồ khác và hình như nhất là thánh Matthêô đã cộng tác để làm cho lời giảng dạy trên đây đầy đủ hơn bằng cách kể lại những phần mà Phêrô đã bỏ qua, nhất là ghi lại những lời dạy, những cuộc đàm thoại của Thầy Chí Thánh mà Phêrô vì chú trọng đến sự kiện hơn nên đã không nhắc tới.
Từng phần của bài giảng trên đây đã được ghi chép rất sớm. Tiếp đến là những Phúc Âm sơ khởi mà thánh Luca đã nhắc tới trong bài tựa Phúc Âm của ngài. Sau hết, vì muốn giữ lời dạy của các Tông đồ được tinh tuyền và để đáp ứng với ước mong của một số cộng đoàn Kitô hữu, thánh Matthêô, Marcô và Luca đã biên tập Phúc Âm trong khoảng từ năm 50 đến 70.
Phúc Âm thứ tư là một đơn vị hoàn toàn độc lập. Thánh Gioan cảm thấy mình không bị ràng buộc vào dàn bài của bài giáo huấn của thánh Phêrô. Là Tông đồ và là thị chứng nhân, Gioan tự chọn một hướng riêng.
Gioan không theo dàn bài gồm bốn phần. Cuộc đời hoạt động của Chúa Giêsu bắt đầu trước khi Gioan Tẩy giả bị giam giữ; trong đời hoạt động, Chúa Giêsu đã nhiều lần lui tới Giêrusalem, trung tâm hoạt động của Người. Niên biểu theo Phúc Âm của Gioan cũng khác với niên biểu trong Phúc Âm Nhất lãm.
Theo Phúc Âm Nhất lãm, cuộc đời công khai của Chúa Giêsu chỉ lâu độ hơn một năm, còn theo Phúc Âm Gioan thì lâu hơn hai năm với ba lễ Vượt qua. Phúc Âm Nhất lãm nói Chúa Giêsu đuổi những người buôn bán trong Đền thờ vào cuối đời hoạt động. Phúc Âm Gioan lại ghi Chúa Giêsu đuổi họ vào đầu thời kỳ hoạt động. Phúc Âm Gioan còn khác Phúc Âm Nhất lãm trong việc kể lại các phép lạ và nhất là lời dạy của Chúa. Sau hết, cả khi Gioan kể lại cùng một việc đã ghi trong Phúc Âm Nhất lãm, câu truyện của Gioan kể cũng có nhiều chi tiết riêng biệt trong cách kể chuyện, hoặc trong ngữ vựng hay trong lối hành văn.
Nhưng Phúc Âm Gioan khác với Phúc Âm Nhất lãm nhất là về chiều sâu. Phúc Âm đó đã được biên tập vào cuối thế kỷ I. Phúc Âm thứ tư là kết quả những lời giảng của Gioan sau hơn nửa thế kỷ; những bài giảng đó càng ngày càng thêm súc tích do sự suy niệm, do kinh nghiệm đời sống Kitô hữu và do mạc khải của Chúa Thánh Thần. Gioan đã đi sâu vào mầu nhiệm Chúa Kitô hơn ba Thánh sử trước.
1. Phúc Âm Chúa Giêsu theo thánh Matthêô
A. Tác giả, độc giả, xuất xứ và niên hiệu biên tập
Thánh Matthêô, một nhân viên thu thuế, sau trở nên Tông đồ Chúa Giêsu đã biên tập Phúc Âm, chắc chắn trước năm 60, có lẽ vào khoảng năm 50, cho người Do thái trở lại Kitô giáo ở xứ Palestina.
Tuy là thị chứng nhân, Matthêô cũng đã theo mẫu bài giảng của Phêrô ở Giêrusalem vì bài giảng đó rất có uy tín, Matthêô đã thêm vào bài giảng đó những kỷ niệm riêng và những tài liệu biên tập hay truyền khẩu, nhất là về những lời dạy của Chúa mà ông đã thu thập được nơi các cộng đồng Kitô hữu ở Palestina. Matthêô đã viết Phúc Âm bằng tiếng Aram. Phúc Âm của ngài đã được dịch ra Hy ngữ vào khoảng năm 70.
B. Nội dung và bố cục
Phúc Âm Chúa Giêsu theo thánh Matthêô gồm 28 chương chia làm ba phần chính và phần mở đầu :
– Phần mở đầu : Sinh nhật và đời thơ ấu của Chúa Giêsu. Chuẩn bị cuộc đời hoạt động của Chúa1,1 – 4,11
– Phần thứ nhất : Thời kỳ giảng dạy ở Galilêa 4,12 – 13,58
– Phần thứ hai : Những cuộc hành trình của Chúa 14,1-20,34
-Phần thứ ba : Chúa Giêsu giảng dạy ở Giêrusalem, cuộc Tử nạn và Phục sinh của Chúa 21,1 – 28,20
C. Đặc tính thần học và văn chương
a) Phúc Âm Matthêô có mục đích chứng minh Chúa Giêsu là Đấng Mêsia mà dân Do thái mong đợi Matthêô viết Phúc Âm cho người Do thái trở lại Kitô giáo, vì thế Matthêô nhấn mạnh đến tính cách Mêsia của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu, Con Vua Đavít, con Abraham, là Đấng Mêsia mà dân Do-thái trông đợi đến để cứu “dân Người”.
Trong Cựu Ước, các tiên tri đã báo trước về Người. Những năm ẩn dật trong thời thơ ấu cũng như những sỉ nhục Người chịu trong cuộc Tử nạn không làm cho người Do thái trung tín bỡ ngỡ; tất cả những việc đó là do ý muốn của Chúa Cha và các tiên tri đã báo trước.
Công thức : “Điều đó xảy ra để ứng nghiệm Lời Chúa đã phán qua các tiên tri” được nhắc đi nhắc lại trong Phúc Âm như một điệp khúc. Người ta đã gọi Phúc Âm Matthêô là Phúc Âm những lời tiên tri về Chúa Cứu Thế, thật là hợp lý (Mt 1,22; 2,15.17.23; 4,14).
Chúa Giêsu, Đấng Mêsia đã được hứa hẹn và trông đợi, đã đến để lập Nước Trời, và trước tiên Nước Trời dành cho những người Do-thái. Nếu phần đông những người Do-thái phải bị loại ra là vì chính họ muốn như vậy.
Vì không sẵn sàng đón nhận, nên họ đã khước từ như lời các tiên tri đã báo trước. Và trong khi con cái của Nước Trời đáng phải ném ra tối tăm bên ngoài, thì các dân ngoại từ Đông sang Tây được đến dự tiệc trong Nước Chúa. Tóm lại, Nước Trời đã bị cất khỏi người Do-thái để ban cho những dân tộc khác (Mt 8,11; 22,9).
Căn nguyên lịch sử việc dân Chúa chọn phải loại ra là thái độ nghi kỵ, lòng thù ghét của những người lãnh đạo tinh thần dân chúng, tức là các Luật sĩ và Biệt phái, đối với Chúa Giêsu (Mt 11,2 – 12,50). Phúc Âm thứ nhất diễn tả như vẽ lại sự tăng tiến dần dần một bên là hoạt động thi ân của Chúa Giêsu, một bên là những âm mưu quỷ quyệt của những thù địch Chúa, sau cùng chính dân Do-thái và những người làm đầu dân đã tự chuốc lấy sự báo oán của Thiên Chúa cho họ và con cháu họ : “Máu y sẽ đổ trên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi” (Mt 27,25). Chỉ có Matthêô đã ghi lại lời này.
b) Thái độ Chúa Giêsu đối với luật Môsê
Nước Chúa trở nên gia nghiệp của chư dân. Nhưng điều đó không có nghĩa là đoạn tuyệt với dĩ vãng. Dĩ vãng không phải là xấu và phải phế bỏ, hiện tại không phải là khởi điểm tuyệt đối. Nova et vetera là phương châm. Chúa Giêsu không đến để phế bỏ nhưng là để kiện toàn Luật (Mt 5,17-19). Luật vẫn còn giá trị; chính Chúa đã nói rõ. Hơn nữa, để diễn tả những thực tại tương lai, Matthêô đã dùng những danh từ trong Cựu Ước hay kiểu nói các Rabbi (Mt 16,19; 27,53).
Tuy nhiên, với Chúa Giêsu, một kỷ nguyên mới bắt đầu. Luật không phải chỉ quy định những hành động bên ngoài của một dân tộc được đặc ân; Luật phải ngự trị trên mọi tâm hồn không phân biệt chủng tộc; tất cả đều nội tâm hóa và phổ quát hóa. Tất cả đều được đơn giản hóa. Chúa Giêsu đã phân biệt rõ ràng điều thiết yếu với điều phụ thuộc. “Tất cả những gì anh em muốn kẻ khác làm cho anh em, anh em hãy làm cho họ” (Mt 7,12).
c) Nước Trời theo Phúc Âm Matthêô
Nước Trời cũng gọi là Giáo hội, một danh từ mượn ở ngữ vựng tôn giáo Do-thái; nhưng Giáo hội đây là Giáo hội của Chúa Kitô, xây trên nền tảng Phêrô, không sợ thời gian làm thương tổn hay hỏa ngục tấn công. Có lẽ Matthêô đã linh cảm sâu xa về sự huy hoàng của Giáo hội mới.
Vẻ uy nghi của những lời Chúa phán thiết lập Giáo hội là một dấu chỉ (Mt 16,13-20). Một dấu nữa là lòng kính trọng của Matthêô khi nói tới Phêrô. Ta cũng thấy Matthêô muốn làm nảy nở lòng kính trọng và cảm phục đối với Giáo hội trong tâm hồn các độc giả trong cách nói về các Tông đồ. Tác giả đã bỏ qua những khuyết điểm vụn vặt của họ và nhất là không nhấn mạnh đến việc các Tông đồ chậm hiểu, điều ta năng gặp thấy trong Phúc Âm Marcô.
d) Phúc Âm Matthêô là Phúc Âm xếp đặt rất có thứ tự, gọn gàng, sáng sủa; tổng hợp những lời Chúa dạy thành những bài giảng dài Phúc Âm Matthêô là Phúc Âm xếp đặt rất có thứ tự. Những câu truyện kể lại, tuy không được đầy đủ và linh động lắm, nhưng rất gọn gàng và sáng sủa. Cả về phương diện trước tác cũng vậy. Matthêô đã theo mẫu bài giảng gồm bốn phần của Phêrô (Gioan Tẩy giả, Galilê, hành trình từ Galilê đi Giêrusalem, tại Giêrusalem) rất quen thuộc trong Giáo hội, nhưng Matthêô đã xếp đặt các tài liệu một cách tài tình. Những việc Chúa làm và các lời Chúa dạy tiếp theo nhau một cách điều hòa với một thế quân bình. Matthêô cũng đã biết diễn tả sự tiến triển dần dần của Lời Chúa dạy : Luật mới (5 – 7), giáo huấn những người có sứ mệnh phải rao truyền Luật mới (10,5-42), dụ ngôn về Nước Trời (13), bổn phận các phần tử của Nước Chúa trong sự giao tiếp với nhau (18), số phận Nước Chúa và thế mạt, ngày mà Chúa tái lâm như vị Thẩm Phán tối cao (24 – 25).
Trong các bài giảng kể trên ta thấy thánh Matthêô có biệt tài tổng hợp các Lời Chúa dạy. Thay vì trình bày các lời ấy rải rác đó đây (như thánh Luca đã làm và như vậy gần lịch sử hơn), Matthêô đã tập hợp lại thành những bài giảng dài. Matthêô đã biết xếp đặt lại một cách nghệ thuật làm ta phải khâm phục; để xác tín, ta chỉ cần khảo sát dàn bài “Bài giảng trên núi” (Mt 5 – 7).
Sự khôn ngoan và quân bình trong tư tưởng, việc trình bày có thứ tự làm cho Phúc Âm thứ nhất rất hấp dẫn độc giả. Độc giả không bị ngắt quãng, chán ngán hay khó chịu. Hơn nữa, người ta có cảm giác như đang ở trong một ngôi thánh đường vì tất cả đều êm dịu và tôn nghiêm. Tất cả tác phẩm đều đắm chìm trong bầu khí trang trọng của đạo giáo. Người ta lần dở từng trang, đọc và suy niệm với một lòng kính cẩn. Phúc Âm Matthêô chiếm địa vị ưu tiên trong Phụng vụ Giáo hội, và được coi là một trong những kiệt tác của nhân loại.
2. Phúc Âm Chúa Giêsu theo thánh Marcô
A. Tác giả, độc giả, xuất xứ và niên hiệu biên tập
Cũng như thánh Matthêô, thánh Marcô là người Do-thái. Ta biết thân mẫu Marcô có một ngôi nhà ở Giêrusalem. Phêrô sau khi được ra khỏi ngục đã đến trú ở đó. Marcô tháp tùng Phaolô trong cuộc hành trình truyền giáo thứ nhất (năm 45 – 48) và sau một thời gian xa cách vì bất đồng ý kiến, Marcô lại là cộng sự viên của Phaolô. Nhưng Marcô thường được coi là môn đệ của Phêrô. Phêrô gọi Marcô là con, có lẽ vì chính Phêrô đã rửa tội cho Marcô (1 Phr 5,13). Các giáo hữu thành Rôma phần đông từ ngoại giáo trở lại đã xin Marcô ghi lại lời giảng của Phêrô. Marcô đã biên tập Phúc Âm vào khoảng năm 60.
B. Nội dung và bố cục
Phúc Âm Chúa Giêsu theo thánh Marcô gồm 16 chương, chia làm ba phần chính và phần mở đầu.
– Phần mở đầu : Chuẩn bị cuộc đời hoạt động của Chúa Giêsu 1,1-13
– Phần thứ nhất : Thời kỳ giảng dạy ở Galilê 1,14 – 6,6a
– Phần thứ hai : Những cuộc hành trình của Chúa Giêsu 6,6b – 10,52
– Phần thứ ba : Chúa Giêsu hoạt động ở Giêrusalem, cuộc Tử nạn và Phục sinh 11,1 – 16,20.
C. Đặc tính văn chương và thần học
a) Phúc Âm Marcô có lối văn giảng thuyết và bình dân
Cuốn sách nhỏ này không phải là một tác phẩm nghệ thuật. Đó không phải là một lối văn viết sách, nhưng là lối văn giảng thuyết, đột ngột, linh động, thân tình, không chải chuốt, của một người bình dân kể lại cách đơn sơ điều đã thấy và đã nghe. Xét về điểm này, Phúc Âm Marcô thật là quý giá. Trong Phúc Âm Marcô, ta thấy vẻ tươi sáng và hồn nhiên của một thị chứng nhân.
b) Những câu chuyện kể trong Phúc Âm Marcô linh động như một vở kịch Đọc Phúc Âm, người ta nhận thấy một cảm giác sống động từ mỗi trang của cuốn sách nhỏ này. Tác giả viết như Phêrô kể, mà hình như Phêrô có biệt tài quan sát và làm sống lại những việc đã xảy ra (Mc 9,5; 14,37-54; 46,72). Tất cả đều rõ rệt minh xác dưới con mắt Phêrô.
Các nhân vật có một cá tính đặc biệt, những thái độ của họ được diễn tả linh động như vẽ trước mắt. Tuy ngữ vựng không được dồi dào, Thánh sử đã khéo dùng những tiếng hay để ghi lại cho hình ảnh vẻ rực rỡ và độc đáo. Khi kể lại các câu chuyện, tác giả dùng thì hiện tại gần như thường xuyên; điều đó làm cho câu chuyện có một cái gì mới mẻ; người ta không có cảm giác là một cái gì đã thuộc về dĩ vãng. Đọc Phúc Âm Marcô, ta không có cảm tưởng là đọc một câu chuyện lịch sử, nhưng là xem một vở kịch.
c) Đặc tính chân thành của Phúc Âm Marcô
Vở kịch đó được diễn lại một cách chân thành tuyệt đối. Ta thấy niềm chân thành này trong hình ảnh Chúa Giêsu và các Tông đồ mà Phúc Âm Marcô kể lại. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Người chế ngự thiên nhiên, bệnh tật, ma quỉ, sự chết và người ta. Người tuyên bố Người có quyền tha tội và có quyền trên ngày Sabbat. Người muốn chọn ai tùy ý Người và nói với mọi người như vị thủ lĩnh. Người nói trước những việc tương lai và bình tĩnh đón nhận số phận mà Chúa Cha dành cho Người. Vẻ cao cả của những việc Người làm, sự khôn ngoan trong những lời Người nói làm cho những người chung quanh phải bỡ ngỡ, sợ hãi và khâm phục.
Nhưng Chúa Giêsu cũng là con người. Người là người thật như chúng ta. Thánh Marcô cho ta biết Chúa cũng có những cảm tình như chúng ta : Chúa Giêsu cũng bỡ ngỡ, cảm động, than thở, …; Chúa Giêsu cũng có lúc tức giận hay tỏ ra lòng thương xót, Người ẵm những trẻ nhỏ và chúc lành cho chúng; Người tỏ ra lòng yêu thương người thanh niên giàu có, Người trách mắng Biệt phái và Luật sĩ về sự giả hình (Mc 1,41-43; 3,1-7; 10,17-22).
Hình ảnh Chúa Giêsu trong Phúc Âm thứ hai thực là linh động.
Tác giả cũng tỏ ra chân thành khi viết về các Tông đồ. Tác giả đã trình bày các Tông đồ một cách trung thành với những đức tính và khuyết điểm của họ. Các Tông đồ rất quí mến Thầy mình, đã theo Chúa tới lúc Chúa bị bắt. Nhưng các Tông đồ cũng là những người Do-thái thời đó, họ có những thành kiến về một vị Cứu Thế trần gian, có tính phân bì, muốn ngồi những chỗ cao, họ cũng là những người dễ sợ hãi và đã trốn chạy khi những người Do thái đến bắt Chúa. Họ cũng không hiểu Lời Chúa dạy là bao.
Và chính Phêrô cũng không thoát khỏi qui luật đó; hơn nữa, hình như thánh sử đã dụng ý nhấn mạnh đến những điều làm giảm thế giá Phêrô (Mc 8,31-33; 14,30-31).
Sự chân thành này có lẽ là một sự kiện duy nhất trong lịch sử truyện ký. Phêrô, vị thủ lãnh Giáo hội, đã không coi là một việc làm giảm giá trị khi thành thực kể lại những khuyết điểm của chính mình và của các Tông đồ, cũng như đã kể lại những việc nói lên Chúa Giêsu rất gần với chúng ta. Phần nhiều những chi tiết này hai Phúc Âm Nhất lãm khác đã bỏ qua hay nói nhẹ đi, và điều đó đã chứng minh lòng chân thành của Marcô.
Thực là một điều may mắn vì Marcô đã không phải là một người tế nhị, một nghệ sĩ hay một nhà tư tưởng. Nhưng lòng chân thành của Marcô làm ta tin tưởng. Là thính giả của Phêrô, Marcô đã ghi lại một cách chân thành cho hậu thế những điều Phêrô đã giảng và như lời Papias đã viết : “Marcô chỉ có một lo lắng này là không bỏ sót một điều nào đã nghe và không thêm điều gì mới. Đọc Phúc Âm Marcô, chúng ta chắc chắn được nghe tiếng của vị đã nói với Hội Đồng Tối cao Do-thái : “Chúng tôi không thể không nói những điều mắt thấy tai nghe” (Cv 4,20).
d) Chủ đích của Phúc Âm Marcô là tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và là Đấng Mêsia
Cũng như các Phúc Âm khác, Phúc Âm Marcô không phải là một cuốn lịch sử ký sự hoàn toàn đầy đủ về cuộc đời Chúa Giêsu. Phúc Âm Marcô được thành hình do các bài giảng và chủ ý là ghi lại những bài giảng đó. Phúc Âm Marcô hoàn toàn không có tính cách ký sự.
Tên của vị cha nuôi Chúa Giêsu không được nhắc tới một lần nào và cũng không nói gì về đời thơ ấu và ẩn dật của Chúa Giêsu. Điều quan hệ duy nhất đối với Thánh ký là tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa (Mc 1,1). Chúa Cha hai lần xác nhận Chúa Giêsu là Con Người : khi Chúa Giêsu chịu phép rửa (Mc 1,11) và khi Chúa biến hình (Mc 9,7).
Lần này Chúa Cha cũng truyền cho các môn đệ phải nghe lời Chúa Giêsu. Nhưng sự kiện Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa được giữ bí mật; chỉ có ma quỉ biết điều đó (Mc 1,24-34; 3,11; 5,7), nhưng Chúa Giêsu cấm chúng không được nói ra. Sau khi Phêrô tuyên xưng Chúa là Đấng Mêsia, bí mật đó được mạc khải dần dần cho các Tông đồ, nhưng Chúa Giêsu truyền cho các Tông đồ phải giữ kín điều đó (Mc 8,30; 9,9). Điều này chỉ được nói lên một cách công khai khi Thượng tế Caipha hỏi Chúa : “Ông có phải là Đấng Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống không?”
Và Chúa Giêsu đã trả lời khẳng định Người là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa và tuyên bố Người sẽ từ trời xuống phán xét trong ngày chung thẩm (Mc 14,61-62). Vì Chúa Giêsu nhận mình là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, nên Hội đồng Tối cao Do-thái đã kết án Chúa và nộp Chúa cho người Rôma, những người Rôma đã đóng đinh Chúa. Nhưng cái chết vô tội của Người đem lại ơn cứu độ cho nhân loại, vì Thiên Chúa đã nhận lấy như giá chuộc tội (Mc 10,45). Và ngày thứ ba Người đã sống lại vinh hiển (Mc 16,6-7).
3. Phúc Âm Chúa Giêsu theo thánh Luca
A. Tác giả, độc giả, xuất xứ và niên hiệu biên tập
Thánh Luca, y sĩ (Col 4,14) và bạn đồng hành của thánh Phaolô đã tháp tùng Phaolô trong cuộc hành trình truyền giáo thứ ba (năm 54 – 58), trong khi Phaolô bị giam ở Cêsarêa (năm 58 – 60) và khi Phaolô bị áp giải từ Cêsarêa đến Rôma (60 – 61) đã viết một Phúc Âm sau hai Phúc Âm Matthêô và Marcô. Sinh trưởng ở Antiôkia xứ Syria, hấp thụ nền văn hóa Hy-lạp, Luca đã muốn đem Kitô giáo vào trong văn chương và lịch sử. Luca đã viết Phúc Âm vào khoảng năm 62, có lẽ tại Rôma, cho những Kitô hữu từ ngoại giáo trở lại.
B. Nội dung và bố cục
Phúc Âm Chúa Giêsu theo thánh Luca gồm có bài tựa, phần mở đầu và ba phần chính :
– Tựa 1,1-4
– Phần mở đầu : Sinh nhật và đời thơ ấu của Chúa Giêsu. Chuẩn bị cuộc đời hoạt động của Chúa 1,5-4,13
– Phần thứ nhất : Thời kỳ giảng dạy ở Galilêa 4,14 – 9,50
– Phần thứ hai : Chúa Giêsu trên đường đi Giêrusalem 9,51 – 19,28
– Phần thứ ba : Chúa Giêsu giảng dạy ở Giêrusalem, cuộc Tử nạn, Phục sinh và Lên trời của Chúa 19,28 – 24,53
C. Đặc tính văn chương và thần học
a) Phúc Âm Luca là tác phẩm của một sử gia
Trong bài tựa, Luca cho biết ngài đã cẩn thận điều tra mọi việc từ “thuở ban đầu”. Luca đã thực thi một cuộc điều tra cẩn thận và đầy đủ. Là một sử gia chân chính, Luca đã tìm đến tận nguồn.
Ở Antiôkia, Luca đã được biết những giáo hữu đầu tiên, một nguồn tin tức đáng tin cậy. Nhất là trong thời gian hai năm ở Palestina (58 – 60), trong khi Phaolô bị giam ở Cêsarêa, Luca đã có đủ thời giờ để sưu tầm tài liệu.
Ngoài những tài liệu truyền khẩu mà Luca đã thu thập được, còn có những tài liệu biên tập. Ta có thể chắc rằng Luca đã được biết Phúc Âm Marcô và đã theo sát Phúc âm Marcô tuy có sửa chữa lời văn hay thêm vào hoặc bỏ đi một vài chi tiết. Ngoài Phúc Âm Marcô, Luca cũng được biết những tài liệu khác như chính Luca đã viết trong bài tựa.
Có lẽ Luca cũng được biết Phúc Âm Matthêô viết bằng tiếng Aram hay bản dịch Phúc Âm Matthêô ra Hy-ngữ không đầy đủ, vì nhiều lời Chúa dạy trong Phúc Âm Luca ta cũng gặp thấy trong Phúc Âm Matthêô.
b) Phúc Âm Luca có nội dung rất phong phú
Nội dung Phúc Âm Luca rất phong phú. Về phương diện lịch sử, Phúc Âm Luca xác nhận giá trị Phúc Âm Marcô vì đã theo sát Phúc Âm Marcô.
Hơn nữa, trong một vài câu truyện, Luca đã ghi lại nhiều chi tiết hơn (Cf. Lc 4,16-20; 9,28-36; 23,49), cũng như Luca đã nói rõ hơn về đường lối diễn tiến chung của các sự kiện. Vì cố gắng đặt những lời dạy của Chúa trong khung cảnh lịch sử, Luca giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về lối giảng thuyết của Chúa Giêsu : về nhân vị, việc làm và lời dạy của Chúa.
Nếu Phúc Âm Luca không có những trang kể lại đời thơ ấu của Chúa, câu chuyện người đàn bà tội lỗi (Lc 7,36-50), dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu (Lc 10,25-37), người con hoang đàng (Lc 15,11-32), câu chuyện người trộm lành (Lc 23,39-43), câu chuyện những người môn đệ đi đàng Emmaus (Lc 24,13-35), Kitô giáo sẽ thiếu một cái gì …
c) Phúc Âm Luca là Phúc Âm của ơn cứu độ và của lòng nhân hậu
Phúc Âm Luca là Phúc Âm của ơn cứu độ và của lòng nhân hậu. Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và là Đấng Cứu Thế của toàn thể nhân loại, là Ađam thứ hai nối nhân loại mới với Thiên Chúa. Luca đã nhấn mạnh đến lòng nhân từ của Thiên Chúa và lòng Chúa yêu thương nhân loại.
Những người tội lỗi là đối tượng của lòng yêu thương đặc biệt của Chúa và Chúa hằng tìm kiếm họ. Suốt cả Phúc Âm, Chúa Giêsu hằng đến gần những người thu thuế và tội lỗi để cải hóa họ. Đó là Phúc Âm của lòng tha thứ : người đàn bà tội lỗi, ông Giakêô, những người lý hình, người trộm lành.
Chúa Giêsu chỉ nghiêm khắc với những người kiêu ngạo, quyền thế, những người phú quí có của dư dật mà lãnh đạm trước sự khốn cực của anh em đồng bào, những người công chính giả, kiêu hãnh vì những đức tính mà họ không có, những người Biệt phái, mà chính lời cầu nguyện của họ lại kết án họ, người tư tế và trợ tế lãnh đạm trước đau khổ của một người bị thương.
Trái lại, Nước Chúa rộng mở cho những người mà người Do-thái chính thống khinh miệt : những người thu thuế, những người Samari, những người đàn bà tội lỗi. Thi sĩ Dante đã gọi tác giả Phúc Âm thứ ba là “Scriba mansuetudinis Christi” (ký giả của lòng nhân hậu Chúa Kitô) thật là hữu lý.
d) Phúc Âm Luca đòi hỏi cố gắng và hy sinh
Nhưng Chúa Giêsu chỉ tha thứ cho các tâm hồn để nâng họ lên và dẫn họ đến một đời sống cao đẹp hơn. Và đời sống cao đẹp này đòi hỏi những cố gắng và hy sinh.
Là Phúc Âm của lòng nhân hậu, Phúc Âm Luca còn là Phúc Âm của những đòi hỏi. Chắc chắn Luca không kết án của cải. Luca biết có những người phú quí có lòng tốt : bà Gioanna vợ ông Chusa, ông Giakêô, ông Giuse Arimathia; nhưng Luca biết rằng thường người ta chiếm đoạt của cải một cách bất công, dùng không hợp lý và là dịp làm cho người ta trở nên kiêu ngạo và cứng cỏi. Do đó, Chúa Giêsu đã kêu gọi : “Hãy bán của anh em có để làm phúc bố thí” (Lc 12,33).
Cuộc sống từ bỏ này chỉ có thể thực hiện được qua lời cầu nguyện. Và cũng như đối với sự nghèo khó, Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta về sự cầu nguyện. Luca cho ta thấy Chúa Giêsu cầu nguyện nhiều lần, đặc biệt trong những hoàn cảnh quan trọng của đời Người: khi Chúa chịu phép rửa (3,21), trước khi Chúa chọn 12 Tông đồ (6,12), trước khi Chúa biến hình (9,28).
Trong cuộc đời công khai của Chúa, ngay từ những ngày đầu, Chúa thường lui tới những nơi thanh vắng để cầu nguyện (5,16), và sau một trong những lần cầu nguyện ấy, Chúa đã dạy các môn đệ kinh Lạy Cha (11,1). Người môn đệ phải noi gương Thầy, phải cầu nguyện không ngừng (18,1), phải kiên trì cầu nguyện (11,5-10; 18,2-5), phải cầu nguyện với lòng khiêm tốn (18,10-14).
e) Phúc Âm Luca có đặc tính êm đềm, vui tươi và văn chương lưu loát
Sự mạc khải lòng nhân hậu của Thiên Chúa và những vẻ cao cả của tâm hồn được ơn tha thứ đã diễn ra trong một bầu không khí êm đềm và vui tươi. Khúc nhạc Thiên thần hát khi Chúa giáng sinh (2,14) còn vang dội trên tất cả những trang của Phúc Âm.
Luca vui sướng ghi lại lòng cảm tạ và niềm vui của những người được Chúa ban ơn (5,26; 10,17; 13,17; 18,43; 19,37; 24,41.52). Phúc Âm Luca bắt đầu bằng lời ca “Gloria in excelcis Deo” (Lc 2,13-14) và kết thúc bằng lời các Tông đồ chúc tụng Chúa trong Đền thờ (Lc 24,52).
Những vẻ huy hoàng này đã được một nghệ sĩ kể lại. Luca đã dùng một lối văn lưu loát thời đại Hy-Á, nhưng không cầu kỳ. Văn của Luca rất uyển chuyển. Hai đoạn đầu là lối văn Kinh Thánh hoàn hảo. Luca đã sửa văn của Marcô một cách khéo léo khôn tả. Những đoạn riêng của Luca thì thật là vô song (7,36-50; 10,30-42; 15; 16,19-31).
Câu chuyện của Luca kể vắn tắt, không có những chi tiết vô ích và rất mực thước. Không một tác giả nào có thể sánh với Luca về cách kết thúc một câu chuyện, một dụ ngôn, một cuộc đàm thoại (4,30; 10,37.42; 15,32; 16,31; 24,32-35). Nhưng chính vẻ tế nhị của tâm hồn làm ta vui sướng khi đọc Phúc Âm Luca. Luca có biệt tài làm êm dịu và hấp dẫn. Chắc chắn có những tác phẩm mạnh mẽ hơn, bi hùng hơn, nhưng có lẽ không một tác phẩm nào trình bày vẻ khả ái của Thiên Chúa hay thúc giục người ta trở nên tốt hơn như Phúc Âm thánh Luca.
4. Phúc Âm Chúa Giêsu theo thánh Gioan
A. Tác giả, độc giả, xuất xứ và niên hiệu biên tập
Phúc Âm thứ tư đã do Gioan, con ông Giêbêđê và em ông Giacôbê, một trong 12 Tông đồ, biên tập vào cuối thế kỷ I tại Êphêsô để làm vững đức tin của các Kitô hữu thành đó và miền Tiểu Á.
B. Nội dung và bố cục
Phúc Âm Chúa Giêsu theo thánh Gioan gồm có tự ngôn và hai phần chính :
– Tự ngôn 1,1-18
– Phần thứ nhất : Hoạt động của Chúa Giêsu nơi trần gian 1,19 – 12,50
– Phần thứ hai : Chúa Giêsu về với Chúa Cha 13,1 – 21,25
C. Đặc tính thần học và văn chương
a) Mục đích và đề tài Phúc Âm Gioan
Biên tập Phúc Âm thứ tư, Gioan cố ý bổ túc Phúc Âm Nhất lãm và đồng thời muốn giải thích một cách sâu xa sự kiện Chúa Giêsu xuất hiện trên dương thế.
Với Gioan, Chúa Giêsu không phải chỉ là Đấng Mêsia của Israel đến làm trọn những lời tiên tri và thiết lập Nước Trời (Mt), hay chỉ là Con Thiên Chúa làm dân chúng khâm phục vì các phép lạ (Mc), cũng không phải chỉ là vị Cứu Tinh đến rao giảng lòng nhân hậu (Lc), nhưng còn là Ngôi Lời Nhập thể mạc khải cho nhân loại Thiên Chúa vô hình và đem đến cho nhân loại ánh sáng và sự sống thiêng liêng.
Tối tăm và sự chết cấu kết với nhau để phá vỡ công việc của Người, nhưng chúng đã thất bại. Ai không nhận ánh sáng và sự sống mà Ngôi Lời đã đem đến sẽ phải kết án, ai nhận ánh sáng và sự sống sẽ được giải thoát vĩnh viễn khỏi ách nô lệ. Đó là đề tài chính yếu của Phúc Âm thứ tư (Gio 3,18-19; 5,14).
b) Cuộc đời công khai của Chúa Giêsu là một tấn bi kịch lịch sử
Trong Phúc Âm thứ tư, Chúa Giêsu bắt đầu hoạt động bằng hai việc tượng trưng : phép lạ ở Cana nói lên thời đại cứu chuộc đã điểm; Chúa đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền thờ, có nghĩa là Chúa khởi đầu thiết lập một tôn giáo trong tinh thần.
Những trang đầu cho ta thấy những tâm hồn thiện chí đón nhận Tin Mừng cứu độ. Nhưng cuộc chiến đấu giữa tối tăm và ánh sáng cũng sớm khai diễn. Việc Chúa Giêsu chữa người bất toại ở hồ Bêzatha (chương 5) lần đầu tiên đã đặt Chúa trước những thù địch của Người. Những nhà lãnh đạo tôn giáo Do-thái thù ghét và muốn hãm hại Chúa. Bài giảng về Bánh hằng sống (chương 6) làm cho nhiều môn đệ bỏ Chúa. Cuộc chiến đấu tiếp diễn ở chương 7 và người Do thái ra lệnh bắt Chúa. Chương 8 ghi lại một cuộc tranh luận gay go giữa Chúa Giêsu và các thù địch của Người, họ định ném đá Người. Câu chuyện Chúa chữa người mù từ khi mới sinh (chương 9) đánh dấu một giai đoạn mới : câu chuyện đó cho ta biết những người Do-thái quyết định khai trừ khỏi Hội đường những ai tin Chúa là Đấng Cứu Thế. Càng ngày Chúa càng nói rõ về bản tính của Người.
Những người Do-thái tìm cách bắt Chúa, nhưng Chúa lui sang bên kia sông Giorđan. Việc Chúa làm cho Lagiarô sống lại biểu lộ uy quyền của Chúa đã làm cho Hội đồng Tối cao Do-thái quyết định hãm hại Chúa (Gio 11). Cuối cùng Giuđa nộp Chúa. Trong cuộc chiến thắng bên ngoài của kẻ thù này, Chúa Giêsu vẫn vượt lên trên. Người hoàn toàn tự do; Người hiến thân vì chính Người muốn; không ai có quyền trên mạng sống của Người. Người chỉ biết có Thánh ý Chúa Cha. Tất cả sự việc đã xảy ra vào đúng giờ Chúa Cha đã định. Và cái chết nhục nhã trên Thập giá là con đường đưa Chúa tới vinh quang, cũng là con đường đem lại ơn cứu độ và sự sống thiêng liêng cho các tín hữu.
c) Cuộc đời dương thế của Chúa là biểu tượng tấn bi kịch diễn ra trong các tâm hồn
Nhưng cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu không phải chỉ là một tấn bi kịch lịch sử. Sự diễn tiến các công việc đã đưa Chúa Giêsu tới cuộc Tử nạn và toàn thắng chỉ là biểu tượng tấn bi kịch diễn ra trong các tâm hồn.
Sự kiện Chúa giáng trần đòi các tâm hồn phải có một thái độ dứt khoát. Đứng trước Chúa Giêsu “phải tin Ngài hay từ chối”. Ngôi Lời nhập thể, được Chúa Cha sai đến để làm chứng về Ngài, phân biệt người ta ra hai hạng : ai không tin Chúa Cha trong Chúa Con, tỏ ra họ không biết Chúa Cha. Những vẻ bề ngoài tan biến đi, những tâm tình sâu kín của mỗi người được tỏ rõ.
Tính kiêu ngạo, sự cứng lòng, tính tự mãn và tìm tư lợi làm cho tâm hồn ra mù quáng và chọn tối tăm. “Ai làm điều xấu thì ghét ánh sáng và không tiến tới ánh sáng sợ rằng những việc họ làm sẽ bị quở trách. Nhưng ai thực thi chân lý thì đến với ánh sáng để tỏ rõ rằng họ đã làm những việc đó trong Chúa” (Gio 3,20-21). Những tâm hồn đơn sơ và ngay thẳng nhận biết Con Thiên Chúa vì họ trung thành với Chúa Cha. Đó là đàn chiên của Chúa Giêsu. Họ nghe tiếng Chúa và Chúa ban cho họ sự sống vĩnh cửu (Gio 10,10). Việc Chúa đến với nhân loại làm cho người ta phải có thái độ dứt khoát và như vậy tức là xét đoán giá trị của tâm hồn, hay đúng hơn là mỗi tâm hồn tự xét xử mình bằng cách theo Chúa hay từ chối Người. “Ai tin ở Chúa Con thì được sống đời đời; ai từ chối không tin ở Chúa Con thì sẽ không được thấy sự sống, nhưng cơn giận sẽ đổ xuống trên họ” (Gio 3,36).
d) Phúc Âm thứ tư hay nhấn mạnh đến sự sống thiêng liêng
Phúc Âm thứ tư hay nhấn mạnh đến sự sống mà Ngôi Lời nhập thể đem đến cho những tâm hồn trung tín. Đề tài này ta gặp thấy hầu như trong mỗi trang Phúc Âm, nhưng nhất là sau bữa Tiệc ly (Gio 14 – 17), khi Chúa Giêsu tâm sự với các Tông đồ. Sự sống này ở tại sự hiệp nhất với Chúa Giêsu và với Chúa Cha qua Chúa Giêsu.
Khởi đầu bằng lòng tin, phép rửa tội và Chúa Thánh Thần, sự sống đó được duy trì và tăng triển bằng sự tham dự Mình và Máu Chúa Kitô, sự cầu nguyện và giữ các giới răn, nhất là giới răn bác ái. Những mạc khải của Chúa Thánh Thần và Chúa Giêsu làm cho đời sống đó trở nên phong phú hơn.
Sự bình an, niềm vui, sự thanh bình ngay cả trong thử thách và bách hại là gia nghiệp của tâm hồn trung tín. Như vậy, ngay từ bây giờ, một nước thân ái gồm những người bạn của Chúa hiệp nhất với nhau, hiệp nhất với Chúa Giêsu và Thiên Chúa được thực hiện và làm cho thế giới ích kỷ và đam mê khoái lạc này phải suy nghĩ và khao khát đức tin.
e) Tính cách lịch sử và văn chương của Phúc Âm Gioan
Những tư tưởng trên đây có khi làm ta nghĩ rằng Phúc Âm thứ tư là một Phúc Âm trừu tượng. Không phải thế, trái lại, đó là Phúc Âm linh động nhất. Tác giả rất am tường cảnh vực xứ Palestina. Phúc Âm thứ tư có nhiều chỉ dẫn về thời gian và không gian. Nhiều chỗ hình như thánh sử muốn sửa lại những điều mà độc giả có thể hiểu sai khi đọc Phúc Âm Nhất lãm (1,35-51; 3,24; …).
Những câu chuyện kể rất rõ ràng, tươi đẹp. Những Lời Chúa trong Phúc Âm thứ tư rất khác nhau tùy hoàn cảnh : nói chuyện tâm tình với các môn đệ (13 – 16), đối thoại với thiếu phụ xứ Samaria (4), cuộc đàm thoại thần học với Nicôđêmô (3), những lần trình bày giáo lý (5,19-46; 6,23-59), những cuộc tranh biện với các lãnh tụ tôn giáo (7,14-39; 8,12-59; …). Mỗi nhân vật đều có một cá tính đặc biệt. Thánh Gioan đã diễn tả các tâm hồn một cách sâu xa và tế nhị.
Đó là Phúc Âm thứ tư, thường được gọi là Phúc Âm tinh thần, Phúc Âm đã làm ta khâm phục vì tính cách sâu xa và mạnh mẽ. Có thể nói rằng Phúc Âm Gioan là hòn ngọc của Tân Ước. Những kinh nghiệm của một đời Kitô hữu, những giờ suy niệm, những mạc khải của Chúa Thánh Thần đã làm cho tư tưởng của Gioan rất phong phú. Thêm vào đó Gioan còn có một nguồn mạc khải khác nữa.
Chúa Giêsu đã nói : “Kẻ nào yêu mến Ta sẽ được Cha Ta yêu mến, và Ta, Ta cũng sẽ yêu mến người đó và sẽ tự mạc khải cho người đó” (Gio 14,21). Hơn ai hết, “người môn đệ mà Chúa Giêsu yêu quý” đã có kinh nghiệm siêu việt về điều đó để làm ích cho chúng ta.
5. Công vụ Tông đồ
A. Tác giả, độc giả và niên hiệu biên tập
Công vụ Tông đồ do thánh Luca, môn đệ thánh Phaolô, tác giả Phúc Âm thứ ba biên tập vào khoảng trước năm 70, có lẽ tại Rôma cho các tín hữu từ ngoại giáo trở lại.
B. Nội dung và bố cục
Công vụ Tông đồ gồm 28 chương, chia làm ba phần chính và phần mở đầu :
– Phần mở đầu : Lời tựa, Chúa Giêsu lên trời, chọn Tông đồ Matthia 1,1-26
– Phần thứ nhất : Giáo hội nơi người Do-thái 2,1 – 9,31
– Phần thứ hai : Cuộc truyền giáo cho chư dân 9,32 – 5,35
– Phần thứ ba : Giáo hội nơi chư dân 12,36 – 28,31
C. Đặc tính
Công vụ Tông đồ kể lại cuộc phát triển của Giáo hội trong buổi sơ khai từ Giêrusalem đến Rôma. Luca không có ý kể lại tất cả sự việc một cách tỉ mỉ. Nhiều lần lối văn thuật truyện nhường chỗ cho lối văn nhật ký : ngôi thứ nhất thay thế ngôi thứ ba. Đó là những phần trong Công vụ Tông đồ mà người ta gọi là “phần chúng tôi” (Cv 16,10-17; 20,5-15; 21,1-18; 27,1 – 28,16). Tác giả đã là thị chứng nhân những việc kể trong phần này.
Luca là một sử gia chân thành. Ông không chú trọng nhiều về những chi tiết niên biểu. Luca cũng ít nói tới những việc không hay, có khi còn bỏ đi (như câu truyện ở Antiôkia mà thư gửi tín hữu Galata đã thuật lại) (Gal 2,11-21). Lịch sử Giáo hội buổi sơ khai như Luca kể thật là đẹp đẽ. Nhiều khi Luca chỉ nhắc qua đến sự việc và như vậy ông không tỏ ra quá gay gắt với những việc mà ông không thích hay quá khen những việc khác. Nhưng đó chỉ là những dè dặt. Luca đã muốn rằng Công vụ Tông đồ là một tác phẩm đầy bình an và thanh thản và Luca đáng cho chúng ta tin cậy. Luca đã làm cho tác phẩm của ông có một vẻ duyên dáng và vui tươi khôn sánh, chính đức tính này làm cho Công vụ Tông đồ được liệt vào sổ những sách hay nhất của nhân loại.