ĐỜI THƠ ẤU VÀ ẨN DẬT
Theo thánh Matthêô (2,1) và thánh Luca (2,4), Chúa Giêsu đã sinh ra ở Bethlêhem, 8 km về phía nam thành Giêrusalem.
Chúng ta không biết rõ Chúa Giêsu sinh ra năm nào, chúng ta chỉ biết Chúa Giêsu sinh dưới thời Hêrôđê Đại vương (Mt 2,1), đang lúc Đế quốc Rôma làm sổ kiểm tra và Quiriniô làm Đặc sứ toàn quyền Syria (Lc 2,2).
Thế kỷ VI, thầy dòng Dionysius Exiguus xác định năm 754 từ khi thành lập thành Rôma là năm I Công nguyên.
Nhưng Chúa Giêsu đã sinh ra ít nhất là 4 năm trước niên hiệu đó, vì Phúc Âm đã cho ta biết Chúa Giêsu sinh ra dưới thời Hêrôđê Đại vương (Mt 2,1), mà theo sử gia Giuse Flaviô, Hêrôđê băng hà vào mùa xuân năm 750 từ khi thành lập thành Rôma.
Thánh Luca cho ta biết Chúa Giêsu đã sinh ra trong khi Đế quốc Rôma làm sổ kiểm tra theo lệnh Hoàng đế Augustô và Quiriniô làm Đặc sứ toàn quyền xứ Syria : “Lần khai sổ kiểm tra thứ nhất này đã xảy ra đang khi Quiriniô làm Đặc sứ toàn quyền Syria” (Lc 2,2). Theo sử liệu ta biết Quiriniô làm Đặc sứ toàn quyền xứ Syria vào năm 6 sau Công nguyên.
Trong thời kỳ này, Quiriniô có làm sổ kiểm tra nhân lực và tài lực xứ Palestina. Để giải thích câu của thánh Luca nói trên, một vài tác giả như cha Lagrange đã dịch câu đó như sau : “Lần khai sổ kiểm tra này đã được thực hiện trước lần khai sổ kiểm tra dưới thời Quiriniô làm Toàn quyền Syria”.
Nhưng lối dịch này khó có thể chứng minh theo quan điểm từ ngữ học. Nếu ta không nhận kiểu dịch của một vài tác giả nói trên, để giải thích câu nói của thánh Luca ta phải chứng minh Quiriniô làm Tổng trấn Syria hai lần và lần thứ nhất trước Công nguyên. Có nhiều chứng lý giá trị chứng minh sự kiện đó và có nhiều kiểu tính xác định Quiriniô làm Đặc sứ toàn quyền Syria lần thứ nhất và Chúa đã giáng sinh vào khoảng năm 8 – 5 trước Công nguyên.
Một tấm bia tìm thấy ở Tivoli (Tibur) độ 30 km về mạn nam thành Rôma, hiện giờ giữ tại Bảo tàng viện Latêranô cho ta biết Quiriniô làm Toàn quyền Syria 2 lần.
Lần thứ hai có thể xác định vào năm 6 sau Công nguyên. Đó là lần mà Giuse Flaviô đã nhắc tới và nói Giuđa người xứ Galilêa đã nổi loạn vào dịp nầy.
Lần thứ nhất phải đặt vào khoảng từ năm 12 trước Công nguyên, năm mà Quiriniô được thăng chức Lãnh sự, đến năm 8 trước Công nguyên, năm mà Sentiô Saturninô được cử làm Đặc sứ toàn quyền Syria.
Sir William Ramsay, một trong những sử gia có thẩm quyền nhất về vấn đề này, dựa trên một tấm bia tìm thấy ở Antiôkia Pisidia năm 1912 cho rằng Quiriniô đã làm Tổng trấn lần thứ nhất vào những năm 10 – 8 trước Công nguyên.
Việc khai sổ kiểm tra được nói tới trong Phúc Âm thánh Luca đã do Quiriniô bắt đầu và Sentiô Saturninô tiếp tục và hoàn tất vào năm 7 và 6 trước Công nguyên.
Cha Prat dựa trên một thủ tục Rôma, theo thủ tục đó đôi khi một tỉnh có hai Đặc sứ cùng một lúc, đưa ra một giải pháp khác : Quiriniô làm Tổng trấn Syria đồng thời với Saturninô, Quiriniô có nhiệm vụ chỉ huy cuộc tiễu trừ những người Homonadi, quân cướp xứ Cilicia, còn Saturninô phụ trách hành chánh xứ Syria và thực hiện việc làm sổ kiểm tra xứ Palestina.
Tóm lại rất có thể Quiriniô đã làm Tổng trấn xứ Syria lần thứ nhất vào những năm 8 và 6 trước Công nguyên.
Do những điều ta biết về cái chết của Hêrôđê, về việc khai sổ kiểm tra của Quiriniô, ta có thể kết luận : Chúa Giêsu đã sinh ra sớm nhất vào năm thứ 8 và muộn nhất vào năm thứ 4 trước Công nguyên.
Vì việc khai sổ kiểm tra có thể kéo dài trong một hay hai năm và vì một thời gian đã qua từ khi Chúa Giêsu giáng sinh đến cái chết của Hêrôđê (Mt 2,1-18) nên năm 6 trước Công nguyên có thể coi là năm đúng hơn cả.
Cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu được thánh Matthêô (1,1 – 2,23) và thánh Luca (1,1 – 2,52) kể lại cho chúng ta. Thánh Matthêô và thánh Luca đã ghi lại cho chúng ta hai nguồn sử liệu khác nhau và bổ khuyết lẫn nhau.
Nguồn tài liệu của thánh Matthêô có tính cách Do thái – Kitô giáo như đặc tính của Phúc Âm do ngài viết. Lối văn Cận đông của hai đoạn đầu Phúc Âm thánh Luca cũng đặt chúng ta vào trong hoàn cảnh xứ Palestina.
Chính trong thời kỳ ở Palestina với thánh Phaolô khi bị giam ở Cêsarêa, Luca đã thu thập tài liệu cho hai đoạn đầu, nhất là những kỷ niệm của Đức Trinh nữ Maria. Đôi khi khó có thể dung hòa hai nguồn tài liệu này trong chi tiết, nhưng chính tính cách độc lập và giống nhau ở những điểm chính: cuộc hôn nhân giữa Đức Mẹ và thánh Giuse, Đức Mẹ chịu thai bởi phép Chúa Thánh Thần, Chúa sinh ra ở Bethlêhem dưới thời Hêrôđê Đại vương, đời sống ẩn dật của Chúa tại Nazareth, là một bảo đảm về tính cách xác thực của các tác giả đó.
Ngôi Lời nhập thể, để tỏ ra thực là một người như chúng ta, đã sinh ra bởi dòng dõi loài người; là Con Thiên Chúa theo bản thể, Ngôi Lời chỉ có một Cha ở trên trời : Người đã được sinh ra bởi Trinh nữ Maria, Người không có Cha theo nhân tính nhưng bởi quyền phép Chúa Thánh Thần. Thánh Giuse, “Người công chính”, đã được Thiên Chúa chọn để bảo vệ Đức Mẹ và Chúa Giêsu và để gìn giữ tiếng tốt của hai Đấng ấy trước mặt người ta và cung cấp cho Đức Mẹ và Chúa Giêsu những sự cần thiết.
Bạn của Trinh nữ Maria, người sẽ là cha nuôi của Chúa Giêsu.
Trong Phúc Âm thánh Luca, lịch sử đời ẩn dật của Chúa Giêsu được mở đầu bằng câu chuyện về Gioan Tiền hô, cũng như sau này, cuộc giảng thuyết của Gioan sẽ mở đầu cho cuộc đời hoạt động của Chúa Giêsu. Gioan đã sinh ra trong những hoàn cảnh đặc biệt.
Những hoàn cảnh đó đã đưa chúng ta vào trong một bầu không khí thanh sạch và thánh thiện, bao phủ hoàn cảnh Con Thiên Chúa giáng trần. Khi vị tư tế Zacharia và Elizabeth bạn ông, cả hai trung thành giữ Luật Môsê, đã mất hết hy vọng có con, thì Thiên sứ Gabriel báo tin cho Zacharia biết Elizabeth sẽ sinh con trai khi ông dâng hương theo phiên mình ở Đền thờ Giêrusalem. Con trẻ đó đã được thánh hóa từ trong bụng mẹ và ngày sinh Gioan, Zacharia đã nói tiên tri về hồng phận vinh hiển của con mình.
Sáu tháng sau, Thiên sứ Gabriel lại được sai đến báo tin cho Trinh nữ Maria ở Nazareth xứ Galilêa về việc Ngôi Lời nhập thể và về thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa của người. Từ Nazareth, thánh Giuse cùng với Đức Mẹ, lúc ấy đang có thai, xuống Bethlêhem xứ Giuđê theo sắc lệnh của Hoàng đế Augustô để khai sổ kiểm tra vì thánh Giuse thuộc dòng dõi Đavit. Trinh nữ Maria cũng thuộc hoàng tộc này, như thánh Luca cho biết (1,32-69), và Chúa Giêsu trong thực tế và trước pháp luật là “con Vua Đavit”, như những lời các tiên tri đã báo trước.
Ở Bethlêhem, Chúa Giêsu đã sinh ra trong một chuồng bò lừa : một cổ truyền mà thánh Giustinô thế kỷ thứ hai đã nói tới, ấn định nơi đó là một hang đá, trên hang đá đó Hoàng đế Constantinô đã xây một Vương cung Thánh đường còn tồn tại cho đến ngày nay.
Các mục đồng ban đêm canh gác đoàn vật ở cánh đồng chung quanh Bethlêhem được Thiên thần báo tin và thấy nhiều Thiên thần hát “Gloria in excelsis Deo”, là những người đầu tiên đã đến thờ lạy Chúa Cứu Thế mới giáng sinh. Sau 40 ngày, thánh Giuse và Đức Mẹ đem Chúa lên Giêrusalem dâng cho Thiên Chúa và Đức Mẹ dâng hai con chim bồ câu để thanh tẩy theo Luật dạy : đó là những lễ vật của người nghèo không thể dâng một con chiên.
Trong sân Đền thờ, Đấng Cứu Thế được hai người thánh thiện do Thánh Linh hướng dẫn nhận biết : Simêon và Anna. Ẵm Chúa trên tay, Simêon ca tụng Chúa là ánh sáng soi đường cho dân ngoại và là vinh quang của dân Israel. Nhưng Simêon cũng nói tiên tri cho Đức Mẹ : một lưỡi gươm sẽ đâm qua tâm hồn Mẹ. Với lời đó, Simêon đã tiên báo tính cách đau khổ của sứ mệnh Đấng Cứu Thế, “dấu phản đối” nơi dân Người. Trong rạng đông rực rỡ này, bóng thập giá đã in lên bên kia nhãn giới.
Từ Đền thờ, thánh Luca ghi Thánh Gia đã trở về Nazareth, nơi mà thánh Giuse và Đức Mẹ đã lên đường đi Bethlêhem dịp khai sổ kiểm tra. Nhưng Phúc Âm thánh Matthêô cho ta biết Thánh gia không trở về Nazareth ngay sau khi dâng Chúa trong Đền Thánh. Trong khoảng thời gian đó đã xảy ra nhiều việc quan trọng.
Từ Đền thờ, Thánh Gia lại trở về Bethlêhem. Chính ở đây, các đạo sĩ, do một ngôi sao dẫn đường từ phương Đông tới thờ lạy Chúa Giêsu và dâng cho Người lễ vật : vàng, nhũ hương và mộc dược.
Hêrôđê Đại vương thấy các đạo sĩ không trở lại Giêrusalem báo tin như lời mình dặn, sợ ngai vàng của mình bị đe dọa, ra lệnh truyền giết các trẻ em ở Bethlêhem và các miền chung quanh từ 2 tuổi trở xuống. Thánh Giuse được Thiên thần báo tin, đã đem Chúa Giêsu và Đức Mẹ sang Ai-Cập.
Thánh Gia ở Ai-cập cho đến khi Hêrôđê mất. Hêrôđê băng hà ít ngày trước ngày lễ Vượt qua năm 4 trước Công nguyên. Thời gian Thánh Gia ở Ai-cập dài hay ngắn tùy theo người ta xác định Chúa sinh ra một vài tuần hay một vài năm trước khi Hêrôđê mất.
Sau khi ở Ai-cập về, Thánh Gia đến định cư ở Nazareth. Thánh Matthêô và thánh Luca đều nói Chúa Giêsu ở đó cho tới khi bắt đầu đời sống công khai. Ở đó, Chúa Giêsu lớn lên trong khiêm nhường và khó nghèo của một gia đình thợ, trong một làng hẻo lánh : một con trẻ, một thiếu niên, một thanh niên hoàn toàn về mọi phương diện trong tự nhiên và đơn sơ, “càng ngày Người càng thêm khôn ngoan, sức vóc và ơn nghĩa trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta” (Lc 2,52).
Khi tới tuổi làm việc, Chúa Giêsu đã học trong xưởng thợ Giuse nghề thợ mộc. Trong cuộc sống bình lặng này, ở giữa gia đình và họ hàng, anh chị em họ, những người mà Phúc Âm, theo kiểu nói miền Cận đông, đã gọi là anh em, chị em Chúa Giêsu (x. Mc 6,3), thánh Luca chỉ ghi lại một việc đã xảy ra : cuộc hành hương đi Giêrusalem với Đức Mẹ và thánh Giuse khi Chúa lên 12 tuổi để mừng lễ Vượt qua.
Khi trở về, buổi chiều ở chặng đường thứ nhất, thánh Giuse và Đức Mẹ không thấy Chúa ở trong đoàn giáo lữ. Thánh Giuse và Đức Mẹ liền trở lại Giêrusalem tìm Chúa Giêsu, nhưng chỉ ngày thứ ba khi trở lên Đền thờ mới gặp Chúa ở giữa các Luật sĩ. Họ bỡ ngỡ trước những câu hỏi và lời đáp khôn ngoan của Người.
Tuy vui mừng vì tìm thấy Chúa, Đức Mẹ cũng đã âu yếm trách Chúa đã làm cho cha mẹ phải buồn sầu lo lắng vì vắng Người. Nhưng Chúa Giêsu trả lời một câu mà Đức Mẹ và thánh Giuse lúc đó đã không hiểu tất cả nghĩa bí nhiệm : “Tại sao cha mẹ tìm con ? Cha mẹ không biết con phải lo việc Cha con sao ?” (Lc 2,49).
Với câu đó, lời nói đầu tiên của Chúa Giêsu mà Phúc Âm đã ghi lại, Chúa Giêsu thơ ấu đã hé mở mầu nhiệm về thân thế và nhiệm vụ của Người. Người nói đến Thiên Chúa là Cha Người với một ý nghĩa duy nhất : tình yêu của Người đối với Chúa Cha vượt trên tất cả những cái khác.
Cuộc tạm biệt của Chúa với Đức Mẹ và thánh Giuse này là biểu tượng và báo trước cuộc xa cách hoàn toàn khi bắt đầu đời sống công khai. Giờ đó chưa đến. Đang khi chờ đợi, Chúa Giêsu tiếp tục đời sống khó nghèo và cần cù. Với thánh Giuse và Đức Mẹ, Chúa lên đường về Nazareth, và Chúa đã vâng phục hai Đấng ấy (Lc 2,51).