LỊCH SỬ DO-THÁI TỪ NĂM 63 TRƯỚC CÔNG NGUYÊN TỚI NĂM 70 SAU CÔNG NGUYÊN
Trong những trang đầu Phúc Âm, hình ảnh vua Hêrôđê nổi bật vì những tội ác. Ngược dòng thời gian, chúng ta hãy tìm hiểu Hêrôđê là ai và những hoàn cảnh nào đã đưa ông lên ngôi báu. Đi ngược dòng thời gian như thế, ta gặp dòng họ Hasmônêô là con cháu Macabê mà hai quyển Sách Thánh (1 + 2 Mac) đã kể chuyện lại.
1. Anh em Macabê
Với cuộc lưu đày đi Babylon, dòng họ Đavid lừng danh một thời bị lu mờ, tuy không tuyệt hẳn. Năm 539, Cyrus chinh phục xứ Babylon. Năm 538, Cyrus cho dân Do Thái về quê quán. Dân Do-thái tuy được tự do trở về xứ sở và tái lập đời sống xã hội tôn giáo x. Esdra, Nêhêmia, Aggêô và Zacharia, nhưng không được độc lập về chính trị, xứ Giuđêa vẫn là một tỉnh thuộc đế quốc Ba-tư và sau khi hoàng đế Alexandrô thắng Ba-tư (333), dân Do-thái lại thuộc quyền Hy-lạp.
Năm 323, hoàng đế Alexanđrô băng hà. Đế quốc của Alexanđrô được chia làm 4 vương quốc : Macêđônia thuộc quyền Cassanđrô; Thracia thuộc quyền Lysimacô; Syria thuộc quyền Seleucus và Ai Cập thuộc quyền Ptôlêmêô. Trong thời kỳ đầu dưới quyền người Hy-lạp, Palestina thuộc quyền kiểm soát của họ Ptôlêmêô ở Ai-cập.
Họ Ptôlêmêô đối xử với xứ Palestina tử tế; nhưng từ khoảng năm 200, họ Sêleucidi đánh bại họ Ptôlêmêô ở Cesarea Philipphê (Paniôn), xứ Palestina lại thuộc quyền họ Sêleucidi. Antiôcô IV Ephiphanê sau khi lên ngôi, với mục đích thống nhất toàn lãnh thổ, đã đem văn hoá Hy-lạp phổ biến khắp trong nước. Palestina cũng ở trong tình trạng đó.
Trong khi các tôn giáo khác chịu cúi mình trước văn hóa Hy-lạp với những thói tục nhiều khi vô luân lý, đạo Do-thái đã phản ứng mạnh mẽ. Antiôcô IV dùng sức mạnh để Hy hóa Palestina. Nhiều người Do-thái cương quyết dù chết cũng không theo ngoại giáo. Đó là trường hợp của ông Elêazarô ngoài 90 tuổi và một bà mẹ với 7 người con tử đạo.
Cuộc xích mích giữa Do-thái và Syria, ngoài những yếu tố cổ truyền về chính trị và kinh tế còn có những yếu tố về tôn giáo; đó là một phản ứng quyết liệt và bền bỉ của dân Do Thái đối với ý định Hy-lạp hóa những người theo đạo Giavê.
Trong khung cảnh đó ta phải đặt công lao của dòng họ Macabê, của vị tư tế Mattathia và năm người con của ông, trong đó Giuđa, Gionathan và Simon trội hơn cả. Theo hai sách Macabê và Giuse Flaviô, cha con Macabê đã khởi xướng và chỉ huy một cuộc chiến tranh lâu dài và anh hùng, dành lại độc lập cho quê hương.
Cuộc chiến tranh nầy kéo dài từ năm 166 tới năm 142, kể cả những thời kỳ đình chiến. Quân đội kháng chiến dành tự do, sau khi Mattathia chết, được Giuđa (người con thứ ba) chỉ huy từ năm 166 tới 161.
Giuđa cũng gọi là Macabê (= “búa” hay “người Chúa chỉ”) đã thắng những trận oanh liệt, đánh bại các tướng của vua Antiôcô IV, Antiôcô V (164 – 162), Demetriô (162 – 159); tẩy uế Đền thờ (x. 1 Mac 4,36-61) và ký hiệp ước liên minh với dân Rôma (1 Mac 8,1-22).
Sau khi Giuda tử trận, Gionathan người em út lên thay anh và cai trị dân từ năm 161 đến 143 (1 Mac 9,23 – 12,52).
Năm 142, Simon anh thứ hai của Giuđa được bầu làm Thượng tế và đưa dân Do- thái ra khỏi ách thống trị của người xứ Macêđônia sau 170 năm BJ 1,2,2; 1 Mac 13,41; 14,41tt..
2. Nhà Hasmônêô
Sau khi Simon bị con rể làm phản và bị giết với hai con là Mattathia và Giuđa, dân chọn Gioan Hyrcanô I, người con thứ ba của Simon, lên làm chủ tịch (1 Mac 16,11-24).
Gioan Hyrcanô I (135-104) nhận quyền Thượng tế và các chức vụ của cha, bắt đầu một dòng vua mới tục gọi là nhà Hasmônêô Mattathia, người cầm đầu cuộc khởi nghĩa là con ông Gioan, con ông Simon, con ông Hasmôn, do đó gọi là Nhà Hasmônêô (1 Mac 2,11)..
Những vua kế nghiệp Hyrcanô I là Aristobulô I (104-103); Alexandrô Jannêô (103-76) tâm địa độc ác, hành hạ dân, bách hại những người Biệt phái; hoàng hậu Alexandra (76-67), vợ vua Alexandrô Jannêô, đối xử nhân hậu với những người Biệt phái.
Hoàng hậu Alexandra vì không thể giữ chức Thượng tế của chồng nên đã gán chức đó cho con cả là Hyrcanô II, một vị hoàng tử ít lanh lợi và không am hiểu chính trị. Nhưng người con thứ là Aristobulô II, tính khí hăng hái, trong khi hoàng hậu Alexandra lâm bệnh, với sự giúp đỡ của bạn hữu, đã tổ chức một đạo quân, chiếm một số thành trì và tự xưng vương không đếm xỉa chi tới lời trách mắng của mẹ. Ít lâu sau hoàng hậu Alexandra băng hà (67).
3. Đế quốc Rôma can thiệp vào xứ Palestina
Cái chết của hoàng hậu Alexandra là khởi điểm một thời kỳ tranh chấp gay go giữa hai anh em (Hyrcanô II và Aristobulô II) mà kết quả là đưa tổ quốc tới diệt vong, mất quyền tự chủ, phó mặc tổ quốc cho quyền hành đế quốc Rôma và một dòng vua ngoại lai ghét người Do Thái.
Hai anh em đều xin Pompêô, khi đó đang ở Tiểu Á, can thiệp. Vì đang bận đối phó với những người Nabatei Nabatei là một dân tộc ở miền Ả-rập (Pétra)., nên Pompêô không muốn can thiệp ngay. Trước thái độ của Pompêô, Aristobulô II nghĩ rằng Pompêô sẽ có quyết định bất lợi đối với mình nên đã chống lại Pompêô.
Năm 63, Pompêô đích thân can thiệp, chiếm thành Giêrusalem, thắng Aristobulô II và sáp nhập xứ Palestina vào tỉnh Syria, thuộc đế quốc Rôma.
Tuy vậy bề ngoài xứ Palestina còn có vẻ độc lập vì Hyrcanô II vẫn còn có một ít quyền về chính trị, nhưng phải đặt dưới quyền kiểm soát của Tổng trấn xứ Syria. Trong những năm tiếp theo, Aristobulô II và hai con ông là Alexandrô và Antigônô cố gắng dành lại quyền tự do, nhưng không lượm được một kết quả nào tích cực và lâu dài.
Ở Palestina, thực quyền ở trong tay Antipatrô người xứ Idumêa (mạn nam xứ Giuđêa) và là cận thần vua Hyrcanô II; Antipatrô là một người trung thành với đế quốc Rôma. Trước giúp Pompêô và sau lại giúp Cêsar trong cuộc chinh phạt Ai Cập (năm 47). Và để trả ơn, Cêsar đã phong vương cho Hyrcanô II và cho Antipatrô làm Tổng trấn toàn xứ Giuđêa.
Lợi dụng quyền hành trong tay, Antipatrô đem hai con mình là Phasaêlê và Hêrôđê vào những địa vị quan trọng. Phasaêlê được cử làm thị trưởng thành Giêsusalem và Hêrôđê người con thứ, bản lĩnh cương quyết được cử làm Tổng trấn xứ Galilêa rồi sau kiêm cả xứ Celesyria (miền bắc Liban bây giờ) và Samaria. Antipatrô bị Malicô đầu độc năm 43.
4. Hêrôđê đại vương
Sau khi Antipatrô bị giết, Antigônô, con Aristobulô II, nổi lên chống với Hyrcanô II và các con của Antipatrô : Phasaêlê và Hêrôđê. Ban đầu Antigônô thua, nhưng sau với sự giúp đỡ của người Parthes, Antigônô đánh bại Hyrcanô II và xưng vương.
Những người Parthes dùng mưu bắt được Hyrcanô II và Phasaêlê và nộp cả hai cho Antigônô. Antigônô cắt tai Hyrcanô II và đày đi Ba-tư. Phasaêlê bị tống giam và tự vẫn (Bellum Jud 1,13,9). Hêrôđê trốn thoát, trở về xứ Idumêa, sang Ai Cập rồi đi Rôma, ở đó được Hoàng đế Antoniô phong làm vua những người Do Thái năm 40/39, một phần vì Antôniô có cảm tình với Hêrôđê, một phần vì Antôniô ghét Antigônô và coi Antigônô là kẻ phiến loạn và là thù địch của người Rôma.
Tuy được phong vương nhưng Hêrôđê còn phải chinh phục vương quốc của mình. Hêrôđê trở về xứ Palestina. Antigônô bấy giờ đang giữ chức Thượng tế và là vua Do-thái. Với sự giúp đỡ của quân đội viễn chinh Rôma, năm 37 Hêrôđê đã chiếm được toàn lãnh thổ xứ Palestina và xúi Antoniô giết Antigônô.
Ít lâu trước khi lấy thành Giêrusalem, Hêrôđê ly dị với Doriđê (người xứ Idumêa), cưới Mariamme I, cháu vua Hyrcanô II, như thế trở nên thông gia với hoàng tộc và làm cho việc lên ngôi của mình có vẻ danh chính ngôn thuận.
Tất cả những cố gắng của Hêrôđê đều hướng về Rôma để giữ vững và làm tăng thêm các ân huệ đã được. Trước về phe Antoniô và sau trận Actium (năm 31) lại về phe Octavianô. Đối với Antoniô cũng như với Octavianô, Hêrôđê hết sức lấy lòng bằng cách giúp đỡ khi họ đi chinh phạt, dâng nhiều tặng phẩm, nộp thuế hậu, rất mực tôn kính và nịnh hót không chút bối rối, chấp thuận những phong tục tập quán ngoại giáo, gởi con đi Rôma để hấp thụ nền giáo dục mà người Rôma muốn huấn luyện cho các chư hầu tương lai.
Đáp lại những sự giúp đỡ tích cực của Hêrôđê, các Hoàng đế Rôma luôn luôn coi Hêrôđê như một người bạn trung thành và như đồng minh, cho Hêrôđê thêm đất đai và ban cho Hêrôđê quyền tự trị khá lớn trong việc cai trị xứ Palestina.
Nhưng Octavianô bắt Hêrôđê phải tùng phục sự xét xử và chấp thuận của Hoàng đế về vấn đề nối ngôi. Từ vấn đề ngoại giao chuyển sang vấn đề nội trị, ta thấy Hêrôđê thích xây cất những thành trì tráng lệ và là một người độc ác. Cả hai chính sách đó đều nhằm một mục tiêu : giữ vững ngai vàng. Hêrôđê muốn làm tăng uy tín và thủ tiêu những địch thủ chính trị trong thực tế hay trong tưởng tượng.
Ta thấy Hêrôđê đã không tiếc tiền trong việc sửa sang Đền thờ Giêrusalem. Công việc bắt đầu từ năm 18 niên hiệu Hêrôđê (20/19 trước Công nguyên). Sau tám năm, đã xây cất xong những dẫy hành lang và làm lễ Cung hiến Đền thờ. Nhưng phải đợi đến năm 63 sau Công nguyên mới hoàn thành (Gio 2,20), nền của Đền thờ vĩ đại mà các Tông đồ khen ngợi (Mc 13,1-2) cũng đã được xây dưới triều Hêrôđê. Hêrôđê còn tu bổ nhiều thành phố khác như Sebastê, Cesarêa ở xứ Palestina và Tyrô, Siđôn, Damas ở ngoài biên giới.
Hêrôđê đã phải khó nhọc vất vả để chinh phục xứ Palestina, đã dùng xảo trá, võ lực, tội ác để gìn giữ và làm vững ngai vàng. Biết bao tội ác tầy trời mà ông vua độc tài này đã là thủ phạm, một trong những ông vua khát máu nhất mà lịch sử đã ghi lại.
Câu chuyện thánh Matthêô kể về các đạo sĩ cho ta thấy rõ sự quỷ quyệt và giả hình của Hêrôđê (x. Mt 2,1-12). Phương pháp đã dùng để mong thủ tiêu vị vua dân Do-thái đối với Hêrôđê là phương pháp thông thường.
Hêrôđê được gọi là Hêrôđê đại vương, hoặc vì đã thi hành những dự tính tham vọng một cách cương quyết bền bỉ hoặc vì đã vượt các vua trước và sau về lộng lẫy xa hoa và về tội ác, đã chết sau một cơn bệnh đau đớn năm 4 trước Công nguyên (năm 750 từ khi thành lập thành Rôma).
Bình luận về Hêrôđê và gia quyến ông, Giuse Flaviô nhận xét rằng những cuộc thăng trầm của Hêrôđê và gia quyến ông chứng minh Chúa quan phòng can thiệp vào các việc của nhân loại; lắm con nhiều cháu không ích gì; chỉ những việc đạo đức đối với Thiên Chúa là giúp ích; và thực vậy, con cháu Hêrôđê rất đông, mà trừ một số ít, đã tiêu diệt hẳn nội trong một thế kỷ AJ 18,53..
5. Những vua kế vị Hêrôđê
Ban đầu, khi Mariamme I, cháu vua Hyrcanô II còn sống, Hêrôđê theo chế độ độc thê; hơn nữa, vì nể Mariamme I nên ông đã ly dị với người vợ thứ nhứt Doriđê, tuy Doriđê đã sinh hạ được một con trai tên là Antipatrô.
Trái lại, sau khi giết Mariamme I, Hêrôđê theo chế độ đa thê và có nhiều con, một vài người trong số đó kế vị Hêrôđê. Trong chúc thư cuối cùng, Hêrôđê đã để nước rộng lớn của ông cho ba người con là Archêlaô, Hêrôđê Antipa, con bà Malthakê người xứ Samaria và Philipphê, con bà Clêopatra người thành Giêrusalem.
Với cái chết của Hêrôđê, việc thống nhất xứ Palestina cũng tan. Hoàng đế Rôma chuẩn y chúc thư của Hêrôđê. Archêlaô (4 trước Công nguyên – 6 sau Công nguyên) cai trị xứ Idumêa, Giuđêa và Samaria với chức vua. Bắt chước cha về bạo tàn, Archêlaô giết 3.000 người Do-thái trong Đền thờ vì đã muốn nổi loạn (Mt 2, 22).
Sau dân không thể chịu nổi tên bạo chúa, đã thưa với Hoàng đế Roma. Archêlaô bị đày ở Vienne, xứ Gallia. Archêlaô không có người nối ngôi. Từ năm 6 đến năm 41, xứ Idumêa, Giuđêa và Samaria trở thành một tỉnh của Đế quốc Rôma và có một Tổng trấn người Rôma cai trị.
Hêrôđê Antipa, sau khi cha chết, cai trị xứ Galilêa và Pêrêa từ 4 trước Công nguyên đến năm 39 sau Công nguyên. Chính Hêrôđê Antipa đã sai người giết Gioan Tẩy giả trong ngục (Mt 14,1-12) và đối xử tàn nhẫn với Chúa Giêsu trong hồi thương khó (Lc 23,6-12). Ông thường được goị là vua (Mc 6,16) nhưng thực ra chỉ có chức quận vương (Tetrarcha).
Philipphê (4 trước Công nguyên – 34 sau Công nguyên), con của Hêrôđê và bà Clêôpatra, cai trị những xứ bên đông miền thượng lưu sông Giordan và hồ Genezareth: xứ Batania, Trachônitiđê, Auranitiđê, Iturêa và Gaulanitiđê, dân cư phần đông là ngoại giáo.
Philipphê kết hôn với Salômê con của Hêrôđiađê. Philipphê là một người tốt, hiếu hoà, công bình và là một người bạn thành thực của Rôma. Ông đã xây lại thành Bethsaiđa bên hồ Genezareth và gọi là Julia, để kính công chúa Julia, con Hoàng đế Augustô, tu bổ thành Cesarêa gần chỗ phát nguyên của sông Giorđan và gọi là Philipphê, để phân biệt với thành Cesarêa trên bờ Địa Trung Hải.
6. Các Tổng trấn Rôma
Sau khi Archêlaô bị cất chức (6 sau Công nguyên), xứ Giuđêa, Samaria và Idumêa trở thành một tỉnh Rôma đặt dưới quyền một Tổng trấn người Rôma.
Quyền tự do hành động của Tổng trấn bị hạn chế một phần nào vì những đặc ân mà dân Do-thái được hưởng. Tuy nhiên quyền đó vẫn còn khá rộng lớn. Là vị chỉ huy quân sự cả miền, dưới quyền Tổng trấn có nhiều đạo binh (độ 1.000 người) và một đội kỵ binh. Tổng trấn có quyền xử tử. Được quyền cắt đặt các vị Thượng tế, đúc tiền và lấy thuế trực thu.
Thuế gián thu do những tư nhân đầu tư gọi là “Publicani” (têlonai = những người mua thuế), những người này lại dùng các nhân công để thu thuế. Dân chúng cũng gọi hạng người này là publicani, nhưng chính ra theo danh từ chuyên môn Rôma phải gọi những người này là “nhân viên thu thuế” mới đúng. Nhiều khi những nhân viên thu thuế này lạm dụng, đòi nhiều hơn tiền thuế phải trả (Mt 5,46; 9,11; 21,31; Lc 3,13).
Thường thường, Tổng trấn đóng đô ở Cesarêa trên bờ Địa Trung Hải : đó là đồn Stratonê mà Hêrôđê đại vương đã xây lại. Nhưng trong các dịp đại lễ, Tổng trấn thường lên Giêrusalem để phòng ngừa hay dẹp yên những cuộc phá rối trật tự có thể xảy ra vì số các giáo lữ thường rất đông trong những dịp đó. Tổng trấn thứ nhứt là Côpôniô (6-9), rồi tới Marcô Ambiviô (9-12), Anniô Rufô (12-15), Valêriô Gratô (15-26), ông này đã đặt Caipha làm Thượng tế, và Pontiô Philatô (26-36).
Về Pontiô Philatô, ta được biết rõ hơn vì Phúc âm và Giuse Flaviô đều có nói tới khá nhiều. Phúc Âm cho ta biết Philatô là một người không có tư cách trong vụ xử Chúa Giêsu. Vì lo củng cố địa vị, sợ mất chức nên sau nhiều do dự đã lên án tử hình Chúa Giêsu dù biết Chúa vô tội. Theo Giuse Flaviô, Philatô càng ngày càng tỏ ra ghét người Do-thái và nhiều khi dùng võ lực để đàn áp.
Không đếm xỉa đến luật Do-thái cấm đặt bất cứ hình ảnh nào ở trong thành, Philatô đã đem hình Hoàng đế Roma vào thành ban đêm. Philatô cũng lấy tiền của Đền thờ xây một thủy lộ và ra lệnh cho lính đánh những người Do-thái phản đối đến nỗi có nhiều người chết.
Ông còn ra lệnh giết một số lớn những người Samari mà một tiên tri giả đã xúi dấy loạn. Dân Samari thưa với Vitelliô, Đặc sứ toàn quyền Rôma ở Syria. Vitelliô cất chức Philatô và bắt phải về Rôma vào khoảng cuối năm 36 để tự bào chữa những tội ác mà người Samari đã thưa. Hình như tới Rôma, Philatô bị đày đi Vienne và bắt buộc phải tự vẫn.
Sau Philatô là Marcellô (36-37) và Marullô (37-41). Năm 41, Hoàng đế Claudiô cho Hêrôđê Agrippa I, cháu Hêrôđê đại vương, xứ Giuđêa, Samaria và Iđumêa. Trước đó ít lâu (năm 37), Hoàng đế Caligula Hoàng đế Caligula trị vì từ năm 37-41 và Claudiô từ năm 41-54. Cả hai đều là bạn của Hêrôđê Agripa I trong thời niên thiếu khi Hêrôđê Agripa I ở Rôma. đã cho Hêrôđê Agrippa I vương quốc của Philipphê và tới năm 40 lại cho Hêrôđê Agrippa I xứ Galilêa và Pêrêa, vương quốc của Hêrôđê Antipa.
Như vậy, trong một thời gian ngắn (41-44), Hêrôđê Agrippa I đã thống nhất toàn lãnh thổ gồm xứ Iđumêa, Giuđêa, Samaria, Galilêa và Pêrêa. Năm 44, Hêrôđê Agrippa I mất, con trai cũng tên là Agrippa mới lên 17 tuổi. Claudiô muốn cho Agrippa nối ngôi cha, nhưng các quan cận thần cho rằng Agrippa chưa trưởng thành và thiếu kinh nghiệm nên Claudiô lại tái lập chế độ Tổng trấn ở Giuđêa.
Những Tổng trấn kế tiếp từ năm 44 đến năm 66 đã làm cho dân chúng nổi loạn vì những bất công của họ. Đó là cuộc chiến tranh Do-thái (66 – 70).
7. Cuộc chiến tranh Do-thái
Từ năm 66 đến năm 70, một cuộc chiến tranh đẫm máu đã diễn ra trên đất Palestina vì những người Do-thái nổi lên chống lại người Rôma. Nguyên nhân xa cuộc nổi loạn là lòng căm thù những người ngoại bang đã từ một thế kỷ dày xéo và làm nhơ bẩn đất nước của cha ông (Tv Sal 17).
Nguyên nhân gần là sự công phẫn đối với chế độ bóc lột của các Tổng trấn Roma. Từ năm 44 đến năm 66, có bảy Tổng trấn kế tiếp nhau : Cuspiô Fadô (44-46), Tibêriô Alexandrô (46-48), Ventidiô Cumanô (48-52), Antôniô Fêlicê (52-60), Porciô Festô (60-62), Lucceiô Albinô (62-64) và Gessiô Florô (64-66). Trừ Cuspiô Fadô, Tibêriô Alexandrô và Porciô Festô, các Tổng trấn Rôma đều nổi tiếng về lòng tham nhũng, bất công và hoàn toàn không hiểu tính tình người
Do-thái. Đồi tệ nhất là Gessiô Flôrô “như một đao phủ đã được sai đến để phạt những người bị kết án, đã bóc lột và hành hạ dân đủ cách” BJ 2,17,2..
Cuộc nổi loạn cũng có liên lạc với sự cuồng tín của những người quốc gia quá khích được quần chúng tán thành và ủng hộ, được kích thích bằng niềm trông đợi Đấng Mêsia và được duy trì bằng lòng tin cậy Chúa sẽ làm phép lạ can thiệp. Quyết định không dâng lễ vật cầu cho Hoàng đế Rôma đánh dấu cuộc tuyệt giao với người Rôma.
Nhưng không phải hết mọi tầng lớp dân Do-thái đều ủng hộ cuộc nổi loạn đó. Những người khôn ngoan biết suy tính, phần đông thuộc hàng quý tộc, đã tỏ thái độ phản đối hay do dự, nhưng bị sức hăng hái của quần chúng lôi kéo vào cuộc chiến tranh. Vua Agrippa II hết sức khuyên dân bỏ ý định nổi loạn, nhưng vô hiệu.
Cuộc chiến tranh bắt đầu bằng những cuộc hành hung đối với những người Rôma và những người Do-thái có cảm tình với họ ở Giêrusalem và các tỉnh, dần dần được tổ chức và trở nên một cuộc chiến tranh thực sự, quyết liệt.
Mùa thu năm 66, Cestiô Galliô, Đặc sứ Rôma ở Syria đem đạo quân XII “Fulminata” phối hợp với dân quân tấn công thành Giêrusalem bị thất bại. Đối với dân Do-thái, cuộc chiến thắng này làm tăng lòng hứng khởi của những phần tử ái quốc và thúc đẩy những người lưng chừng tham gia chiến tranh.
Mùa xuân năm 67, theo lệnh Nêron, Vespasianô đem đạo quân V “Macêđônica”, đạo quân X “Fretensis” phối hợp với đạo quân XV “Apollinaris” do con là Titô tuyển mộ ở Alexandria cùng với 23 đội dân quân, 6 đội kỵ binh, tổng số là 60.000 người tiến đánh xứ Gallilêa. Sêphôris đầu hàng và người Do-thái rút vào những đồn kiên cố. Giuse Flaviô giữ đồn Jotapata và chống cự được 47 ngày. Sau khi hạ thành, Vespasianô ra lệnh bắt Giuse Flaviô làm tù binh và đối xử với Giuse Flaviô tử tế.
Tháng 7 năm 69, Vespasianô được tôn làm Hoàng đế. Vị tân Hoàng đế trong những tháng đầu năm 70 ra lệnh cho con là Titô tiếp tục cuộc chiến tranh. Titô tiến đến Giêrusalem vào dịp lễ Vượt qua năm 70 và vây thành.
Sau nhiều trận đánh, đồn Antônia bị chiếm và bị phá. Từ đồn Antônia, quân đội kéo vào sân trong của Đền thờ và một tên lính ném thanh củi cháy vào Đền thờ. Đền thờ lộng lẫy nguy nga bốc cháy và chôn vùi hàng ngàn người Do-thái đã chạy vào trong đó trú ẩn. Hôm đó là mồng 6 tháng 8 năm 70. Mạn nam thành cũng thất thủ. Ngày mồng 2 tháng 9 đến lượt phía tây thành thất thủ. Giêrusalem bị phá bình địa. Số tù binh là 97 ngàn người. Trong số chiến lợi phẩm có cả những đồ dùng trong Đền thờ.
Thượng nghị viện và dân Roma, sau khi Titô chết, đã dựng khải hoàn môn để kính nhớ ông. Trên khải hoàn môn, trong số những hình chạm nổi, ta thấy cây đèn bảy ngọn và bàn thờ dâng bánh bằng vàng. Giêrusalem thất thủ, người Do-thái mất trung tâm đời sống tôn giáo, xã hội.
Để chứng minh sự thần phục người Rôma và mất quyền tự chủ hoàn toàn, người Do-thái bó buộc phải đóng mỗi năm hai đồng cho đền Jupiter Capitôlinô ở Rôma, hai đồng mà trước họ đóng cho đền thờ Giêrusalem X. Mt 17,24-27; BJ 7,6,6.. Cuộc chiến thắng của người Rôma làm cho dân Do-thái tản mác khắp nơi.
Lm Trịnh Hưng Kỷ