SUY NIỆM CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

SUY NIỆM CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ

MỘT VÀI LƯU Ý

1- Khai mạc:
– Dấu Thánh giá.
– Lời dẫn.
– Bài hát.

2- Trước mỗi chặng:
– Xướng: Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô.
– Đáp: Vì Chúa đã dùng Thánh giá mà chuộc tôi cho thiên hạ.

3- Giữa các chặng, khi di chuyển, hat một điệp khúc ngắn.

4- Sau mỗi chặng:
– Xướng: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.
– Đáp: Xin thương xót chúng con.

5- Kết thúc buổi suy niệm:
– Cầu nguyện kết.
– Bài hát kết thúc – Đứng.
– Đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng.
– Người hướng dẫn xướng: Xin vì lòng từ bi của Chúa, cho linh hồn các tín hữu được nghỉ yên ở chốn bình an.
– Cộng đoàn đáp: Amen.

***

LỜI DẪN

Anh em thân mến,
Chúng ta đã trải qua Mùa Chay Thánh với các thực hành đạo đức như cầu nguyện, ăn chay và thực thi bác ái trong tinh thần sám hối ăn năn. Những việc làm ấy giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để cử hành mầu nhiệm Vượt qua của Con Thiên Chúa và lãnh nhận muôn ơn lành Người sẽ ban cho chúng ta. Giờ đây, chúng ta cùng tưởng niệm đường thập giá Đức Kitô đã đi năm xưa, hầu cảm nghiệm sâu xa hơn tình yêu vô biên mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Cùng với việc cảm nghiệm ấy, chúng ta hãy can đảm đáp trả tình yêu Thiên Chúa bằng việc hân hoan vác thập giá đời mình bước theo Đức Kitô, trong sự thông hiệp vào công trình cứu độ của Người và trong niềm cảm thông, chia sẻ với những anh chị em bất hạnh, khổ đau.
Xin Chúa giúp chúng ta nhận ra giá trị của thập giá và mau mắn bước theo tiếng Chúa mời gọi trong đời sống hiệp thông và phục vụ.

Chặng thứ nhất:Chúa Giêsu chịu xét xử

Tình yêu vâng phục đã thôi thúc Chúa Giêsu chấp nhận chén đắng Cha trao trong vườn cây dầu thế nào, thì tình yêu khiêm hạ cũng thúc bách Người chấp nhận huỷ mình ra không, liệt mình vào số các tội nhân để chịu con người xét xử như vậy. Đấng vô tội là thẩm phán chí công, cầm quyền sinh tử sao lại hoán đổi vị trí, trao sinh mạng mình cho con người tội lỗi xét xử ? Chỉ có tình yêu khiêm cung thẳm sâu nơi Người mới giải đáp được sự thật nghịch lý nhưng huyền nhiệm và vô cùng cao cả này. Người chịu xét xử để con người khỏi chịu án phạt muôn đời. Người trao mạng sống mình trong tay con người, để loài người được chuộc lại trong vòng tay Thiên Chúa. Người tự nguyện liên đới với tội nhân, để chúng ta được nên công chính. Và Người đã sống khiêm hạ để nhân loại được thanh tẩy khỏi sự kiêu ngạo xưa kia.

Thinh lặng (20 giây)

Lạy Chúa Giêsu, xin tình yêu khiêm hạ nơi Ngài cũng thôi thúc chúng con biết sống mầu nhiệm tự huỷ như Ngài. Như hạt lúa gieo vào lòng đất, xin cho chúng con biết mục nát đi, để trổ sinh hoa trái nhiều hơn.

Chặng thứ hai: Chúa Giêsu vác thập giá

Nhận lấy bản án tử hình, Chúa Giêsu phải vác thập giá lên núi Sọ để chịu đóng đinh. Người đặt thập giá lên vai, như đặt gánh nặng đau khổ của toàn thể nhân loại lên tấm thân mình.
Thập giá thường được coi là biểu tượng của đau khổ, nhưng Đức Giêsu đã tự nguyện vác lấy và biến nó thành phương tiện cứu độ. Qua đó, Người mời gọi con người thay vì bi quan trước đau khổ, thì hãy chấp nhận nó cách lạc quan, khi tin rằng nhờ chịu đau khổ mà được tham dự vào cuộc khổ nạn của Người.

Thinh lặng

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết vác thập giá mình mà bước theo Chúa, để những hy sinh nhỏ bé hàng ngày của chúng con, cũng góp phần dẫn chúng con đến nguồn ơn cứu độ.

Chặng thứ ba: CHÚA GIÊSU NGÃ XUỐNG ĐẤT LẦN THỨ NHẤT

Chúa Giêsu đã bị kiệt sức vì đòn vọt và sức nặng cây thập giá trên vai, nên ngã quị trên đường lên núi Sọ. Nhưng vì yêu thương và muốn cứu chuộc nhân loại, Người đã chỗi dậy và tiếp tục đi tới. Con đường cứu chuộc vẫn còn dài.

Dấn bước theo Chúa, ai trong chúng ta cũng muốn mình về đến bến một cách an toàn. Tuy nhiên, đã là người, không mấy ai có thể tránh được những lần vấp ngã. Dầu vậy, giá trị đích thực của cuộc lữ hành trần thế, lại hệ tại phần lớn ở những lần con người biết vươn lên, vượt qua giới hạn của mình, để hoàn tất sứ mệnh và lựa chọn của cuộc đời.

Thinh lặng

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết chỗi dậy sau những lần vấp ngã vì phạm tội, và xin dạy chúng con biết tin tưởng ở khả năng chỗi dậy nơi những anh chị em lỡ lầm.

Chặng thứ bốn: Đức Mẹ gặp Chúa Giêsu vác Thập giác

Trên đường vác thập giá lên Núi Sọ, Chúa Giêsu đã gặp Mẹ Maria, trong số phụ nữ đã theo giúp Người từ Galiê. Có thể nói, chính trên đường thương khó, Chúa Giêsu và Mẹ Người gần nhau hơn bao giờ hết. Tuy không nói một lời, nhưng sự hiện diện và ánh mắt của Mẹ và Con đã nói lên tất cả.

Cùng một hướng nhìn, Đức Maria và Chúa Giêsu đã cho thấy thái độ can đảm chấp nhận mọi sự trong tự do và vâng phục, để chương trình cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa được trọn vẹn.

Thinh lặng

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sinh ra, lớn lên và thi hành sứ mệnh cứu thế trong tình thương của một người mẹ. Xin thương nâng đỡ và an ủi những người mẹ đang nặng gánh lo âu, vì con cái họ đang lầm đường lạc lối hay sống buông thả trong những tệ đoan xã hội.

Chặng thứ năm: Ông Simon vác đỡ thập giá Chúa Giêsu

Tin mừng Thánh Maccô thuật lại: “Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Si-mon, gốc Ky-rê-nê. Ông là thân phụ hai ông A-lê-xan-đê và Ru-phô. Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Đức Giê-su” (Mc 15:21).

Dù Tin Mừng không cho ta biết Simon hân hoan hay u sầu khi ông kề vai vác thập giá của Chúa, nhưng nhìn vào hành động của Simon, ta vẫn nhận ra một nghĩa cử mà qua đó, tình yêu trao ban và nâng đỡ đối với tha nhân được thể hiện.

Thinh lặng

Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc sống thường nhật, không ít lần, con vô tình trước những vất vả của anh em. Thay vì đưa tay nâng đỡ, con lại tỏ thái độ thờ ơ, lạnh lùng. Xin cho con luôn có tinh thần cộng tác, để cùng với anh em kiến tạo một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương.

Chặng thứ sáu: Bà Vêrônica lau mặt Chúa

Trên đường dẫn lên núi Sọ hôm ấy, có nhiều người qua lại: kẻ nhìn Chúa Giêsu như một tên tử tội đáng kiếp, người khác lại tỏ vẻ xót xa, thương hại. Còn Vêrônica, bà tiến lại gần Chúa và lấy khăn lau mặt Người. Một cử chỉ đơn giản, nhưng phát xuất từ lòng can đảm; một việc làm đơn sơ, nhưng được thôi thúc bởi một tình thương nồng nàn.
Chắc chắn, Chúa Giêsu rất cảm kích trước cử chỉ của Vêrônica. Chính Chúa đã từng nói: “Ai cho một trong những kẻ bé mọn này uống, dù chỉ một bát nước lã, thì quả thật, nó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10, 42). Thật vậy, lòng nhân ái được thể hiện không phải chỉ bằng lời nói hoặc thái độ cảm thông, nhưng trên hết còn bằng những việc làm cụ thể, khởi đi từ con tim đầy yêu thương.

Thinh lặng

Lạy Chúa, xin dạy chúng con vừa biết dùng những lời khôn ngoan mà an ủi tha nhân, vừa biết dấn thân phục vụ họ cách chân thành.

Xin Mẹ giúp chúng con bắt gặp cũng bắt gặp được cái nhìn của Chúa Giêsu, biết liên kết những đau khổ, những hy sinh của chúng con với cuộc khổ nạn của Người, sẵn sàng chia sẻ và phục vụ anh em để bù đắp những gì còn thiếu nơi những nỗi thống khổ của Chúa Giêsu phải chịu vì phần rỗi nhân loại.

Chặng thứ bảy: Chúa Giêsu ngã XUỐNG ĐẤT lần thứ hai

Tiên tri Isaia có lời rằng: “Người bị khinh khi và chúng ta không đếm xỉa tới. Thế nhưng Người lại mang đau khổ và sầu muộn của chúng ta” (Is 53, 3-4).

Chúa Giêsu được Isaia tiên báo như người tôi trung của Thiên Chúa: hiền lành, khiêm nhường. Người gánh lấy tội lỗi nhân loại và mang ơn cứu độ đến cho họ.

Thinh lặng

Lạy Chúa Giêsu, vì tội lỗi chúng con mà Chúa phải chịu vác thập giá nặng nề, phải gục ngã nhiều lần. Xin giúp chúng con khi suy ngắm chặng thánh giá này, biết nhận ra tội mình và quyết tâm hoán cải.

Chặng thứ tám : CHÚA GIÊSU AN ỦI PHỤ NỮ GIÊRUSALEM

Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc vì xót thương Người. Chúa Giêsu quay lại phía các bà mà nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” (Lc 23, 27-28).

Sống trên đời, người ta thường phải chấp nhận những cuộc chia ly, hoặc vì hoàn cảnh, hoặc vì một lựa chọn cao cả. Và chia ly bao giờ cũng gây nên xót xa, tiếc nuối. Chia ly với một nết xấu, một đam mê hay một lối sống dễ dãi, lại là một điều khó khăn. Thực tế, nhiều người muốn làm lại cuộc đời, nhưng thất bại; lắm kẻ muốn hoàn lương, nhưng rồi lại chứng nào tật nấy. Nhưng nếu không đoạn tuyệt được với quá khứ tội lỗi, người ta khó có thể hoàn thiện mình trong tương lai.

Thinh lặng

Lạy Chúa, xin giúp chúng con can đảm dứt bỏ lối sống cũ, để vươn lên mặc lấy con người mới, xứng đáng là môn đệ đích thực của Chúa.

Chặng thứ chín : Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba

Khi sức nặng của tội lỗi mỗi lúc một gia tăng, khi những sa ngã cứ lặp đi lặp lại, ta dễ nản lòng, không muốn cố gắng tìm đến với Chúa nữa. Bởi ta thường tự nhủ: cố gắng làm chi cho uổng công phí sức. Tội lỗi trong tôi quá nặng nề, dục vọng trong tôi quá mãnh liệt. Tôi đã kiệt sức.

Chúa đã ngã xuống đất lần thứ ba. Nhưng Người đã chỗi dậy, tiếp tục bước lên đỉnh Golgotha, hoàn tất thánh ý Chúa Cha.

Thinh lặng

Lạy Chúa Giêsu, nhiều lúc chúng con ngã gục cách thê thảm và không muốn cố gắng chỗi dậy nữa. Xin gieo vào lòng chúng con niềm cậy trông bền bỉ, để không một gian truân nào có thể làm chúng con khiếp đảm và thất vọng; vì Chúa luôn là sức mạnh của chúng con.

Chặng thứ mười: CHÚA GIÊSU BỊ LỘT ÁO

Tin Mừng thánh Gioan thuật lại: “Quân lính lấy áo xống của Người chia làm 4 phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa” (Ga 19, 23).

Trong tương quan xã hội, lắm khi con người nhìn nhận và đánh giá nhau qua phẩm phục và dáng vẻ bên ngoài.

Quân lính tước bỏ y phục của Chúa Giêsu, cố ý làm cho Người không chỉ thêm phần đau đớn về thể xác, mà còn phải nhục nhã trong tâm hồn.

Ngày nay, con người vẫn còn sử dụng nhiều cách thức để làm nhục và gây đau khổ cho nhau. Đó thường là những hành động, lời nói gây tổn thương đến thân xác và danh dự của tha nhân.

Thinh lặng

Lạy Chúa, xin cho mọi người biết qúi trọng phẩm giá của đồng loại, nhất là đối với những người nhỏ bé, nghèo hèn trong xã hội.

Chặng thứ mười một: CHÚA GIÊSU BỊ ĐÓNG ĐINH VÀO THẬP GIÁ

Tin Mừng Luca cho biết: “Khi đến nơi gọi là Đồi Sọ chúng đóng đinh Người vào thập giá, cùng với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái” (Lc 23, 33).

Chiều Canvê hôm ấy có 3 người phải chịu treo trên khổ giá. Ba khổ giá nhưng chỉ có một trở nên Thánh giá: khổ giá khi phạm nhân gánh lấy tội mình; Thánh giá khi Đấng vô tội gánh lấy tội lỗi của toàn thể nhân loại.

Thinh lặng

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đón nhận những trái ý xảy ra hằng ngày với tinh thần của Chúa, để được hiệp thông vào Thánh giá cứu độ.

Chặng thứ mười hai: CHÚA GIÊSU CHẾT TRÊN THÁNH GIÁ

Phúc âm Luca thuật lại: “Đến giờ thứ chín… Đức Giêsu kêu lớn tiếng: Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở” (Lc 23, 34).

Dừng lại nơi chặng thánh giá này, chúng ta cùng chiêm ngắm cái chết của Con Thiên Chúa. Người đã chết như một tội nhân. Đối với nhiều người, chết là điểm tận cùng của mọi thất bại, là sự thực vô lý nhất của kiếp người. Nhưng Con Thiên Chúa đã dùng cái chết để mạc khải một tình yêu vô bờ bến của Người, đồng thời khai mở một hậu vận tươi sáng cho loài người. Chỉ trong cái chết của Đức Kitô, vận mạng nhân loại mới được giải đáp cách trọn vẹn: Chết là ngưỡng cửa đưa vào cõi trường sinh.

Thinh lặng

Lạy Chúa, xin giúp chúng con cảm nghiệm sâu xa về tình yêu Chúa đã dành cho chúng con. Ước gì tình yêu Chúa luôn là lời mời gọi chúng con hiến mình cho tha nhân, để giúp họ vươn lên và sống sung mãn hơn.

Chặng thứ mười ba: Hạ Xác Chúa Giêsu Xuống Khỏi Thập Giá

Tin Mừng Gioan cho biết, ông Giô-xép Arimathia, một môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng không dám công khai vì sợ người Dothái, đã đến xin Phi-la-tô để hạ xác Người xuống khỏi thập giá, vì sắp đến ngày Sa-bát.

Người ta đã đem Chúa ra pháp trường để giết chết. Giờ đây, lại muốn dọn sạch pháp trường để chuẩn bị cho một ngày lễ. Thân mình cực thánh của Chúa chịu đồng hoá với thi thể một tội nhân. Đấng thiết lập Giao ước mới lại chịu nhường bước cho một điều luật cũ. Đó là phương cách ứng xử của một Vị Thiên Chúa làm người. Người đã hạ mình đến tận cùng, để nhờ sự tự hạ của Người, dung mạo Thiên Chúa được toả sáng nơi những ai thành tâm tìm kiếm Ngài.

Thinh lặng

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con khi dấn thân vào hành trình thập giá, cũng biết đi đến tận cùng của tình yêu: dám hy sinh để vinh quang của Chúa Cha được tỏ rạng.

Chặng thứ mười bốn: Táng Xác Chúa Trong Mồ

Tin Mừng Gioan cũng thuật lại rằng, sau khi đã lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn xác Chúa theo tục lệ Dothái, ông Giuse Arimathia đã đặt xác Người vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa hề chôn cất ai.

Thinh lặng

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con luôn biết liên kết với Chúa, để dù gặp muôn thử thách, con không chôn vùi chính mình trong nghi nan và thất vọng, nhưng luôn nỗ lực vươn lên và tín thác trọn đường đời con cho Chúa.

LỜI NGUYỆN KẾT THÚC

Lạy Chúa, để chuộc tội cho nhân loại chúng con, Chúa đã chấp nhận làm người và chịu chết một cách đau đớn, tủi nhục trên thập giá. Nhưng chính nhờ Chúa chịu khổ hình mà chúng con được ơn cứu độ, vì tận cùng của thập giá là niềm vui Phục Sinh. Xin giúp chúng con xác tín rằng đường thập giá là đường tình yêu và giải thoát. Xin dạy chúng con biết đáp trả tình yêu Chúa bằng những hy sinh trong đời sống tận hiến và bằng sự khiêm nhường phục vụ anh chị em đồng loại, để chúng con làm rạng lên ánh vinh quang phục sinh trong thế giới hôm nay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *