HÔN NHÂN CÔNG GIÁO – NHỮNG QUI ĐỊNH PHÁP LÝ
VÀ HƯỚNG DẪN MỤC VỤ
Hôn nhân không chỉ là việc của hai cá nhân, nhưng còn là một định chế quan trọng, không thể thiếu trong xã hội loài nguời. Cộng đoàn nhân loại nào cũng có những tập tục, những qui định về hôn nhân, dựa theo quan niệm và hoàn cảnh văn hoá lịch sử của mình. Ngay từ ban đầu, cộng đoàn những người môn đệ Chúa Kitô đã có những qui định về hôn nhân dựa theo giáo huấn của Thầy chí thánh, những truyền thống Cựu Ước và những khuynh hướng của xã hội đương thời. Thánh Phaolô là vị tông đồ đề cập nhiều nhất đến các qui định hôn nhân dựa theo lệnh truyền của Chúa Kitô, đặc biệt là qui định về hôn nhân với người không công giáo (1Cr. 7, 10-16).
Hội Thánh ngày nay có những qui định giáo luật liên quan tới hôn nhân. Những qui định này gồm có hai loại:
1. Những điều không thể thay đổi vì là Luật Thiên Chúa (luật mạc khải hay tự nhiên);
2. Những qui định có thể thay đổi vì căn cứ theo hoàn cảnh xã hội dân sự hay văn hoá và những hướng dẫn mục vụ để thuận tiện cho sinh hoạt của cộng đoàn. Bộ Giáo Luật 1983 của Hội Thánh toàn cầu nêu ra các qui định loại 1 và một số hướng dẫn cho loại 2; Hội Đồng Giám Mục và vị Giám mục giáo phận sẽ ấn định những qui định loại 2 cho Giáo hội địa phương. Những qui định giáo luật và mục vụ đều qui về ba điều kiện chính để việc kết hôn được tiến hành tốt đẹp: xác định đôi bạn có khả năng kết hôn và không có ngăn trở; họ hoàn toàn tự do và tự nguyện; việc kết hôn diễn ra theo thể thức Phụng Vụ và giáo luật qui định.
Như thế qui định về hôn nhân của mỗi giáo phận có nguồn gốc từ giáo luật, từ dân luật hiện hành và từ tình hình mục vụ cụ thể của giáo phận. Vị Giám mục giáo phận có trách nhiệm qui định các thủ tục mục vụ hôn nhân, trao năng quyền chứng hôn cho các linh mục. Ngài có quyền hạn ra luật và miễn chuẩn nhiều qui định giáo luật trong giáo phận của mình.
Chúng ta sẽ trình bày sơ lược về những qui định hôn nhân của Tổng giáo phận Tp.Hồ Chí Minh theo từng giai đoạn: trước lúc cử hành, lúc cử hành và sau khi đã cử hành bí tích hôn nhân.
I. TRƯỚC KHI CỬ HÀNH BÍ TÍCH HÔN NHÂN.
1. Liên quan đến những người dự định kết hôn:
Quyền kết hôn và lập gia đình là một quyền căn bản của con người được giáo luật và dân luật tôn trọng và bảo vệ. Do đó, những ai không bị luật cấm rõ ràng đều có quyền kết hôn.
* Về mặt sức khỏe: Những người này phải là những người lành mạnh và trưởng thành về các mặt tâm sinh lý. Theo nguyên tắc một người dù mắc bệnh gì đi nữa cũng có quyền kết hôn, với điều kiện là người phối ngẫu đã được thông báo và vẫn đồng ý kết hôn. Dầu vậy vì hôn nhân là một giao ước song phương; nên đối với một người không có khả năng sống đời vợ chồng (điên khùng hay bất lực giao hợp vĩnh viễn), thì việc kết hôn không có giá trị.
* Về huyết tộc: Hội Thánh cấm kết hôn với nguời có liên hệ huyết tộc trực hệ hay có liên hệ bàng hệ đến cấp thứ tư. Không ai có quyền kết hôn với con ruột, con nuôi, con ngoại hôn của mình; không được kết hôn với cháu nội hay cháu ngoại, với anh chị em ruột của mình.
* Về liên hệ hôn nhân: Các đương sự phải là những người chưa kết hôn hoặc đã kết hôn mà người phối ngẫu đã chết. Không được kết hôn với họ hàng trực hệ của người phối ngẫu đã chết. Hội Thánh cũng cấm việc kết hôn với người họ hàng trực hệ của người đã sống chung như vợ chồng hay tư tình công khai với mình. ***
Người ly thân và ly dị không được tái hôn. Nguời còn vướng mắc nghĩa vụ liên quan đến hôn nhân (vd: không chu cấp cho con ngoại hôn), có thể bị Hội thánh từ chối, chưa cho phép kết hôn.
* Về tuổi tác: Luật giáo hội ra hạn định tuổi được kết hôn là: người nam đủ 16 tuổi, người nữ đủ 14 tuổi; nhưng phải theo dân luật địa phương. Tại VN, hạn tuổi dân luật là nam 20 tuổi và nữ 18 tuổi trọn. Về tuổi tối đa, thì không hạn định.
* Về sự tự do kết hôn: Các đương sự phải được tự do kết hôn, tự do chọn vợ chồng. Mọi thứ hình thức áp lực tâm lý, thể lý ảnh hưởng đến sự tự do kết hôn đều vi phạm nhân phẩm của con người, phạm pháp và làm cho hôn nhân vô hiệu. Việc đính hôn hay lễ hỏi không nhất thiết phải dẫn tới hôn nhân; chỉ có quyền đòi đền bù thiệt hại nếu việc kết hôn không thành.
* Về sự hiểu biết liên quan đến hôn nhân: Các đương sự phải hiểu rõ hôn nhân là gì, các điều kiện cần phải có, ý nghĩa của lời ưng thuận, các nghĩa vụ và quyền lợi của đời sống vợ chồng. Sau tuổi dậy thì, phải suy đoán là có sự hiểu biết này.
* Về mặt tôn giáo: tôn giáo ảnh hưởng rất quan trọng đến đời sống vợ chồng, nhất là khi quan niệm về hôn nhân giữa hai tôn giáo khác nhau (công nhận đa thê). Giáo hội mong ước những người đồng đạo kết hôn với nhau, nhưng vẫn cho phép kết hôn với người khác đạo hoặc cùng Kitô giáo nhưng không hiệp thông với Hội Thánh Rô-ma. Hôn nhân với người chưa được rửa tội mà không có phép chuẩn thì không có giá trị trước mặt Giáo hội. Những nguời đã thề hứa sống độc thân (phó tế, linh mục và tu sĩ) phải xin miễn chuẩn đặc biệt để kết hôn thành sự.
*Về mặt thủ tục: việc hôn nhân phải được rao báo công khai ở những nơi các đương sự đã sống một thời gian lâu dài. Tại VN, phải rao trong nhà thờ giáo xứ ba tuần; việc kết hôn dân sự phải thực hiện trước việc kết hôn về mặt tôn giáo.
2. Về các vị chủ chăn:
Các vị chủ chăn tôn trọng quyền được kết hôn theo thủ tục tôn giáo của các đương sự, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ kết hôn theo đúng thủ tục Giáo hội; đồng thời lo cho họ học giáo lý hôn nhân và giúp họ hâm nóng đời sống đức tin trong thời kỳ chuẩn bị hôn nhân. Cha sở có bổn phận giúp đỡ đôi bạn và chuẩn bị nghi thức hôn phối bằng cách:
– giúp họ xác định niềm tin Kitô giáo và chuẩn bị cho họ có một đức tin trưởng thành. Nếu họ chưa được lãnh Bí tích Thêm sức, phải lo liệu cho họ nhận bí tích này trước khi kết hôn, vì họ sẽ là người chứng nhân đức tin và giáo dục đức tin cho con cái. Vị chủ chăn không được phép cử hành hôn phối cho người đã công khai chối bỏ đức tin.
– giúp họ ý thức về hôn nhân và chuẩn bị đảm nhận những nghĩa vụ vợ chồng và cha mẹ trong gia đình Kitô giáo.
– điều tra hôn phối trong khả năng của mình, để chắc chắn đôi bạn không có ngăn trở gì.
– chuẩn bị cho việc cử hành hôn nhân tốt đẹp theo Phụng Vu.
3. Về phía gia đình và cộng đoàn dân Chúa:
Gia đình phải tôn trọng quyền kết hôn và quyền tự do chọn lựa người để kết hôn của các đương sự. Gia đình có trách nhiệm giáo dục và hướng dẫn chứ không được quyết định thay con cháu mình. Thói quen đòi hỏi con dâu, con rể phải vào đạo như một điều kiện để cho kết hôn, dù được thúc đẩy bởi ý ngay lành, cũng không hợp pháp.
Cộng đoàn Dân Chúa sẵn sàng giúp đỡ các đương sự. Nếu có gì ngăn trở việc kết hôn thì buộc phải trình lại với cha sở. Cộng đoàn sẽ có mặt trong ngày cử hành Bí tích Hôn nhân để chứng giám, cầu nguyện cho đôi tân hôn và thể hiện tình liên đới.
II. KHI CỬ HÀNH BÍ TÍCH HÔN NHÂN
1. Về chính các đương sự:
Các đương sự cần chuẩn bị tâm hồn để tham dự nghi thức hôn phối như một việc tế tự thánh dâng lên Thiên Chúa. Giáo hội khuyên họ lãnh nhận Bí tích Hoà Giải và Thánh Thể nhân dịp hôn lễ.
Trong nghi thức hôn nhân, chính đôi bạn là thừa tác viên cử hành giao ước thánh. Các đương sự phải hiện diện và tự mình trả lời đầy đủ các câu hỏi lúc được thẩm vấn về sự tự do kết hôn, về bổn phận yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời cũng như bổn phận sinh con cái, giáo dục con cái theo luật Chúa Ki-tô và Hội thánh. Lời ưng thuận kết hôn cũng phải được từng người diễn tả (bằng lời nói hay cử chỉ) một cách rõ ràng với đầy đủ nội dung là nhận nhau làm vợ chồng, giữ lòng chung thủy với nhau trong mọi hoàn cảnh, yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời.
Trong trường hợp các đương sự không thể tự mình nói lên đầy đủ lời ưng thuận, vị linh mục chứng hôn – vì lý do mục vụ và thuận tiện – có thể đặt câu hỏi để từng đương sự nói lên sự ưng thuận của mình.
2. Về phía các vị chủ chăn:
Việc chứng hôn cho giáo dân là một bổn phận do chức vụ và do lòng bác ái của chủ chăn. Thông thường, cha sở nơi một trong hai nguời cư trú, chịu trách nhiệm lập hồ sơ, điều tra các ngăn trở, kiểm tra lại giáo lý căn bản, dạy giáo lý hôn nhân và chứng hôn. Việc làm thủ tục và chứng hôn có thể do một linh mục khác đảm nhận, với sự đồng ý trước bằng văn bản của một trong hai cha sở bên nam và bên nữ. Khi phải xin phép chuẩn, người muốn kết hôn phải tự đứng đơn, với xác nhận của cha sở. Trong những trường hợp thật phức tạp, vị chủ chăn sẽ tham khảo ý kiến của Đức Giám mục.
Cha sở phải ghi đầy đủ các chi tiết vào Sổ hôn nhân của họ đạo, lập thành hai bản một để lưu trữ tại họ đạo và một tại Toà Giám mục. Việc kết hôn này cũng được ghi chú vào Sổ rửa tội nơi các đương sự đã lãnh nhận bí tích này.
Cha sở phải cử hành nghi thức hôn nhân theo các qui định của Phụng Vụ thánh được Giáo hội phê chuẩn. Khi một linh mục khác chứng hôn, vị này được hiểu là chứng hôn theo uỷ quyền do cha sở nơi cử hành hôn phối; do đó, cha sở sở tại phải nhận mọi trách nhiệm.
3. Về phía gia đình và cộng đoàn dân Chúa:
Hôn nhân không chỉ liên quan đến đôi bạn mà còn là một sinh hoạt quan trọng của gia đình và cộng đoàn dân Chúa.. Do đó, nghi thức hôn nhân phải được cử hành tại nhà thờ họ đạo để gia đình và cộng đoàn tham dự thánh lễ, chúc mừng và cầu nguyện cho đôi bạn. Nếu có lý do chính đáng, Đức Giám mục có thể cho phép cử hành nơi khác; nếu không, cử hành này bị coi là lén lút và vô hiệu.
Nghi thức hôn nhân phải được cử hành công khai, với sự chứng hôn của một thừa tác viên giáo sĩ đại diện Giáo hội phổ quát và hai nhân chứng đại diện cộng đoàn họ đạo. Thường nhân chứng được chọn là người có đạo, một nam một nữ nhưng không nhất thiết, miễn là có đủ tư cách để làm chứng về mặt pháp lý.
III. SAU KHI CỬ HÀNH BÍ TÍCH HÔN NHÂN.
Việc kết hôn tạo ra một mối dây liên kết, một giao ước thánh, độc nhất và vĩnh viễn ràng buộc hai người. Họ đã cam kết sẽ yêu thương nhau và tôn trọng nhau suốt đời; tình yêu đó không được san sẻ cho một người nào khác. Họ cam kết cộng tác với nhau để xây dựng gia đình hạnh phúc, có nghĩa vụ và quyền lợi như nhau trong tất cả những gì liên quan đến cuộc sống chung của vợ chồng. Họ nhận trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa và Giáo hội để đón nhận và bảo vệ sự sống con nguời, nghĩa là bổn phận sinh sản, nuôi dưỡng và giáo dục con cái theo giáo huấn của Giáo hội. Họ được mời gọi nên thánh trong chính bậc sống vợ chồng và xây dựng Dân Chúa qua hôn nhân và gia đình.
– Chu toàn các bổn phận trong Giáo hội và xã hội với tư cách là Ki-tô hữu và công dân.
– Chu toàn bổn phận đối với cha mẹ và gia đình hai bên.
Các vị chủ chăn có bổn phận tiếp tục theo dõi, nâng đỡ các đương sự, nhất là trong thời gian đầu đời hôn nhân.
Cha sở là người được Giáo Hội chỉ định làm người cố vấn cho họ trong đời sống đức tin và luân lý. Khi các gia đình gặp khó khăn, ngài có bổn phận cầu nguyện cho họ và có thể hướng dẫn họ để nhờ Tòa án hôn nhân của Giáo hội giúp đỡ.
Đối với cộng đoàn dân Chúa, một khi hôn nhân đã cử hành, mọi người phải công nhận là hôn nhân đã thành sự; không ai được thắc mắc, đặt nghi vấn là hôn nhân bất thành.
KẾT LUẬN
Trên đây chỉ là một số qui định pháp lý và hướng dẫn mục vụ thông thường có tính tổng quát, đáp ứng nhu cầu của những đôi hôn nhân bình thường. Trong những trường hợp đặc biệt, phải tham khảo ý kiến những người chuyên môn trong lãnh vực hôn nhân và gia đình.