HỘI ĐỒNG LINH MỤC GIÁO PHẬN
theo qui định của Giáo Luật
Định nghĩa Hội Đồng Linh Mục
“Trong mỗi Giáo Phận phải thiết lập Hội Đồng Linh Mục, là hội nghị những linh mục đại diện cho linh mục đoàn như là nghị viện của Giám Mục” . Như vậy Hội Đồng Linh Mục là:
–
một tổ chức phải có trong Giáo Phận, theo qui định của Giáo Luật chung. Nơi nào quá ít linh mục, cũng phải tổ chức một Hội Đồng Linh Mục gồm ba vị .
– một tập thể chỉ gồm các linh mục, không có phó tế và giáo dân .
– “như là nghị viện của Giám Mục”, vì theo Giáo Luật, Hội Đồng Linh Mục không có thẩm quyền quyết định, chỉ là cố vấn cho Giám Mục.
– đại diện chính thức của linh mục đoàn giáo phận.
Mục đích của Hội Đồng Linh Mục
” Hội Đồng Linh Mục có nhiệm vụ giúp Giám Mục trong việc lãnh đạo Giáo Phận, để phát huy tối đa lợi ích mục vụ của phần Dân Chúa đã được giao phó cho Ngài” .
– Hội Đồng Linh Mục được xây dựng trên cơ sở của nguyên tắc “hiệp thông” và “tham dự” của Công Đồng Vaticanô II. Các linh mục tham dự vào thừa tác vụ Giám Mục vì cùng chia sẽ một chức tư tế duy nhất của Đức Kitô . “Các giám mục phải sẵn sàng lắng nghe, hơn nữa phải hỏi han và đối thoại với các linh mục về những vấn đề cần thiết cho công việc mục vụ và ích lợi cho giáo phận. Nhưng để thực hiện điều đó, phải tùy theo phuơng thức thích hợp với những hoàn cảnh và nhu cầu ngày nay, tùy hình thức và tiêu chuẩn do Giáo Luật ấn định, mà thành lập một hội đồng hay một nguyên lão viện các linh mục, đại diện cho linh mục đoàn, để có thể góp ý kiến giúp đỡ Giám Mục một cách hữu hiệu hơn trong việc quản trị địa phận” .
Nhiệm vụ của Hội Đồng Linh Mục
1. Thuộc về Giám Mục Giáo Phận: việc triệu tập Hội Đồng Linh Mục, chủ tọa và ấn định các vấn đề sẽ đuợc bàn tại Hội Đồng hoặc tiếp nhận các vấn đề do các thành viên đề nghị.
2. Hội Đồng Linh Mục chỉ có quyền tư vấn mà thôi, Giám Mục Giáo Phận phải tham khảo Hội Đồng Linh Mục trong những việc quan trọng hơn, nhưng chỉ cần có sự đồng ý của Hội Đồng Linh Mục trong những trường hợp mà luật đã minh nhiên ấn định.
3. Hội Đồng Linh Mục không bao giờ có thể hành động mà không có Giám Mục Giáo Phận, cũng chỉ có một mình Ngài phải lo phổ biến những gì đã đuợc ấn định chiếu theo #2″ .
– “Giám Mục Giáo Phận cần có sự đồng ý của Hội Đồng Linh Mục trong những trường hợp mà luật đã minh nhiên ấn định”. Hiện nay luật chung không minh nhiên ấn định trường hợp nào cả. Trước đây Thánh Bộ Giáo Sĩ cho rằng vị Giám Mục Giáo Phận có quyền ấn định một số trường hợp; nhưng Ủy Ban soạn thảo Giáo Luật nhận định là việc này “không thích hợp” và “nguy hiểm” . Trong tương lai, có thể luật riêng của các Hội Đồng Giám Mục Âu Châu và Bắc Mỹ qui định vị Giám Mục phải có sự đồng ý của Hội Đồng Linh Mục và Hội Đồng Kinh Tế Giáo Phận khi quyết định về một tài sản quan trọng trên một mức độ đã ấn định .
– “Giám Mục Giáo Phận phải tham khảo Hội Đồng Linh Mục trong những việc quan trọng hơn”. Vị Giám Mục phải tham khảo ý kiến Hội Đồng Linh Mục trong những vấn đề mục vụ quan trọng, dù Ngài có thể không theo ý kiến đó. Trong những vấn đề sau đây văn bản quyết định của Giám Mục phải có ghi “sau khi tham khảo ý kiến Hội Đồng Linh Mục”:
– triệu tập công nghị giáo phận .
– thành lập, bãi bỏ hay thay đổi quan trọng giáo xứ (GL 515#1).
– “qui định về việc sử dụng các của dâng cúng cho giáo xứ (nhân dịp nguời tín hữu nhận các bí tích), cũng như về việc thù lao cho các giáo sĩ làm công tác này” .
– ban hành qui chế Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ (GL 536).
– chấp thuận cho xây cất thánh đuờng (GL 1215#2).
– chuyển một nhà thờ sang dùng vào những việc trần thế không bất xứng .
– “ấn định những pháp nhân công thuộc quyền lãnh đạo của Ngài phải đóng góp một khoản vừa phải và tương xứngvới huê lợi của họ để đáp ứng những nhu cầu của Giáo Phận” và “một khoản ngoại thường vừa phải trong trường hợp cần thiết quan trọng đối với các thể nhân và pháp nhân khác” .
– Hội Đồng Linh Mục:
– có quyền gởi hai thành viên của mình, do chính Hội Đồng bầu ra, để tham dự công đồng miền với quyền góp ý .
– có quyền được gọi tham dự và có bổn phận tham dự công nghị giáo phận .
– phải bầu ra một nhóm cha xứ cố định, để mỗi khi muốn giải nhiệm hay thuyên chuyển một cha xứ (ngược với ý kiến của cha xứ này), Vị Giám Mục phải thảo luận vấn đề với ít nhất hai linh mục trong nhóm .
Qui chế của Hội Đồng Linh Mục
” Hội Đồng Linh Mục phải có qui chế riêng do Đức Giám Mục Giáo Phận chuẩn y, nhưng phải lưu ý tới những qui tắc Hội Đồng Giám Mục đã đề ra” .
– Giáo Luật chỉ đưa ra một số quy định chung; các chi tiết cụ thể về tổ chức Hội Đồng Linh Mục đều do qui chế riêng của từng Giáo Phận qui định: số lượng thành viên, cách bầu cử, nhiệm kỳ, tổ chức nội bộ, quyền hạn….
– Qui chế này có thể được soạn thảo do: Hội Đồng Giám Mục, linh mục đoàn, hay Hội Đồng Linh Mục sẳn có của Giáo Phận .
– Qui chế này do Đức Giám Mục chuẩn y, dựa trên Luật chung và các nguyên tắc đã thỏa thuận với Hội Đồng Giám Mục.
– Đôi khi Hội Đồng Linh Mục có thể vừa có qui chế (tổng quát, thiên về thần học) vừa có nội qui (cụ thể, chi tiết kỹ thuật) .
Thành viên của Hội Đồng Linh Mục
1- “Chừng một nửa số thành viên sẽ do chính các linh mục tự do bầu” chiếu theo các qui định của Giáo Luật và theo qui chế. Ủy Ban soạn thảo bộ Giáo Luật 1983 đã tranh luận và thay thuật ngữ “đa số” bằng “chừng một nữa”.
2- “Một số linh mục đương nhiên phải là thành viên chiếu theo qui chế, nghĩa là các linh mục thuộc Hội Đồng do chức vụ đã được trao phó cho các ngài”. Sau khi tranh luận, Ủy Ban soạn thảo Giáo Luật không nêu rõ các vị linh mục giữ chức vụ nào sẽ đương nhiên là thành viên. Thánh Bộ Giáo Sĩ chỉ nêu hai thí dụ: vị Tổng Đại Diện và vị Giám Đốc ĐCV .
3- “Giám Mục Giáo Phận có toàn quyền bổ nhiệm cách tự do một ít linh mục khác”. Khoản GL này hoàn toàn theo ý của Presbyteri sacra n.7: việc phân phối các thành viên vừa có ý tạo sự tín nhiệm nơi linh mục đoàn, vừa dành cho vị Giám Mục khả năng can thiệp để duy trì sự quân bình về tính cách đại biểu của Hội Đồng.
4- Tổng số thành viên Hội Đồng Linh Mục tùy thuộc vào qui chế. Luật chung chỉ ấn định số tối thiểu là ba thừa sai cho vùng truyền giáo mới ; không ít hơn sáu nguời cho một địa phận nhỏ . Một vài chuyên gia đề nghị, đối với một linh mục đoàn 200-300 thành viên, nên chọn giải pháp một Hội Đồng Linh Mục gồm 12 thành viên; nhưng đề nghị này có khuyết điểm là con số 12 cũng là số tối đa của chính Hiệp Đoàn Tư Vấn .
Bầu cử và ứng cử
“Có quyền bầu cử và ứng cử để thành lập Hội Đồng Linh Mục”:
1- “Tất cả các linh mục triều đã nhập tịch Giáo Phận”. Thuật ngữ “Linh mục triều” bao gồm cả Giám Mục Phó và Giám Mục Phụ Tá của Giáo Phận . Một số chuyên gia cho rằng các vị Giám Mục đã là thành phần cai trị Giáo Phận và có bổn phận góp ý trực tiếp với Giám Mục chính tòa (GL 407#2), do đó không nên tham gia trực tiếp vào cuộc họp của Hội Đồng Linh Mục.
2- Các linh mục triều không thuộc Giáo Phận và các linh mục dòng có đủ hai điều kiện: đang cư ngụ trong Giáo Phận và đang làm một chức vụ chính thức cho Giáo Phận. Nhận Định Liên Thánh Bộ khuyến cáo nên có một số tương xứng đại diện các linh mục dòng trong Giáo Phận .
3- Tùy theo qui chế ấn định, có thể dành quyền ứng cử và bầu cử cho những linh mục khác có gia cư hay chuẩn cư trong Giáo Phận. Trong thực tế, không có qui chế nào ấn định điểm này dù có vài trường hợp số “linh mục khác” hiện diện khá đông trong Giáo Phận.
“Thể thức bầu cử các thành viên của Hội Đồng Linh Mục phải do qui chế ấn định, sao cho trong mức độ có thể, các linh mục trong linh mục đoàn đều được đại diện, nhưng phải đặc biệt lưu ý tới các thừa tác vụ khác nhau và các miền khác nhau của Giáo Phận” . Các thành viên của Hội Đồng Linh Mục có thể được bầu với tư cách là đại diện cho các thành phần của linh mục đoàn:
– theo các thừa tác vụ khác nhau: cha xứ, cha phó, tuyên úy….
– theo các vùng mục vụ khác nhau.
– “theo tuổi và theo thế hệ linh mục” hay theo các tiêu chuẩn khác do Giám Mục ấn định . Trong thực tế, đa số qui chế giáo phận chia số thành viên theo tuổi và theo thế hệ linh mục; số qui chế còn lại chia theo vùng mục vụ.
Nhiệm kỳ của Hội Đồng Linh Mục
“#1. Các thành viên của Hội Đồng Linh Mục phải được đắc cử cho một thời gian đã được ấn định trong qui chế, nhưng sao cho toàn bộ hay một phần nào đó của Hội Đồng được thay thế trong vòng năm năm.
#2. Khi Tòa Giám Mục khuyết vị, Hội Đồng Linh Mục chấm dứt và Hiệp Đoàn Tư Vấn đảm nhiệm các công việc của Hội Đồng; trong vòng một năm kể từ khi nhậm chức, Giám Mục phải lập lại Hội Đồng Linh Mục.
#3. Nếu Hội Đồng Linh Mục không làm tròn nhiệm vụ đã được giao phó để mưu ích cho Giáo Phận, hoặc lạm dụng cách nghiêm trọng nhiệm vụ ấy, thì, sau khi tham khảo ý kiến vị Tổng Giáo Tỉnh, hoặc nếu là vấn đề của Tòa Trưởng giáo Tỉnh, tham khảo ý kiến của vị Giám Mục thâm niên hơn thuộc Giáo Tỉnh xét về ngày thăng chức, Giám Mục Giáo Phận có thể giải tán Hội Đồng Linh Mục, nhưng trong vòng một năm phải lập lại Hội Đồng ấy” (GL 501).
– Các thành viên do chức vụ: đương nhiên không còn là thành viên Hội Đồng Linh Mục khi không còn giữ chức vụ này; vẫn tiếp tục là thành viên bao lâu còn giữ chức vụ.
– Nhiệm kỳ của các thành viên khác do qui chế ấn định, nhưng không được kéo dài quá 5 năm. Nhiều qui chế áp dụng nhiệm kỳ 5 năm vì thuận lợi cả việc đề cử Hiệp đoàn Tư Vấn.
– Luật chung không cấm một thành viên tái cử vào Hội Đồng Linh Mục mới; nhưng trong các Giáo Phận lớn, để thay đổi thành phần đại biểu, nhiều qui chế ấn định chỉ được tái cử một lần.
– Hội Đồng Linh Mục chấm dứt nhiệm vụ khi: -Tòa Giám Mục trống ngôi; – Đức Giám Mục ra quyết định giải nhiệm Hội Đồng Linh Mục.
Hiệp Đoàn Tư Vấn
“#1. Trong số các thành viên của Hội Đồng Linh Mục, Giám Mục Giáo Phận tự do bổ nhiệm một số linh mục không ít hơn sáu người và cũng không nhiều hơn muời hai người, để họp thành Hiệp Đoàn Tư Vấn trong thời gian năm năm, với những nhiệm vụ do luật ấn định, nhưng mãn thời gian năm năm, Hiệp Đoàn Tư Vấn vẫn tiếp tục thi hành các nhiệm vụ riêng của mình cho đến khi Hiệp Đoàn Tư Vấn mới đuợc thành lập.
#2. Giám Mục Giáo Phận đứng đầu Hiệp Đoàn Tư Vấn, nhưng khi Tòa Giám Mục bị ngăn trở hay khuyết vị, thì vị đứng đầu là nguời tạm thời thay thế Giám Mục, hoặc nếu vị này chưa được cắt đặt thì là linh mục thâm niên hơn trong Hiệp Đoàn Tư Vấn xét về ngày phong chức” (GL 502).
– Hiệp Đoàn Tư Vấn là một cơ cấu bắt buộc phải có trong Giáo Phận, khác biệt và tự trị đối với Hội Đồng Linh Mục, dù các thành viên được tuyển chọn từ Hội Đồng này. Hai tổ chức này độc lập và khác biệt nhau về: các nhiệm vụ cụ thể và cách thức mãn nhiệm. Trong một Giáo Phận nhỏ, hai tổ chức này là một. Đối với một Giáo Phận lớn, Hiệp Đoàn Tư Vấn được coi là một “cơ cấu thu nhỏ” của Hội Đồng Linh Mục vì ích lợi thực tế: – nhỏ gọn nên dễ triệu tập thuờng xuyên hơn để giải quyết những vấn đề cụ thể; – thích hợp hơn cho những vấn đề tế nhị như nhận định về các cá nhân linh mục hay việc bổ nhiệm các chức vụ. Luật chung chỉ qui định một số nhiệm vụ của Hiệp Đoàn Tư Vấn; tuy nhiên nhiệm vụ chính vẫn là cố vấn thuờng xuyên cho vị Giám Mục Giáo Phận khi Ngài cần đến .
– Một vị Cố Vấn, dù đã mãn nhiệm nơi Hội Đồng Linh Mục, vẫn tiếp tục là thành viên của Hiệp Đoàn Tư Vấn cho đến hết nhiệm kỳ năm năm. Khi một vị Cố Vấn bị ngăn trở hay khuyết vị, Giám Mục phải cử nguời khác thay thế nếu số thành viên Hiệp Đoàn Tư Vấn còn lại dưới sáu nguời.
Nhiệm vụ của Hiệp Đoàn Tư Vấn “sede plena”
– Vị Giám Mục Giáo Phận và Vị Giám Mục phó phải, đích thân hay qua đại diện, xuất trình Tông Thư bổ nhiệm cho Hiệp Đoàn Tư Vấn truớc mặt Chuởng Ấn Tòa Giám Mục .
– Vị Giám Mục phải được sự đồng ý của Hiệp Đoàn Tư Vấn trước khi thực hiện những “hành vi quản trị kinh tế ngoại thường” hay chuyển nhượng một tài sản có giá trị vuợt mức độ đã ấn định . “Hành vi quản trị kinh tế ngoại thường” và mức độ này do Hội Đồng Giám Mục ấn định. Luật riêng hiện nay của Hội Đồng Giám Mục Italia cho cả hai là 300 triệu lire (khoãng 150.000 USD); mức này tương đương so với luật riêng của các Hội Đồng Giám Mục Âu Châu và Bắc Mỹ (100.000-150.000). Vị Giám Mục Ý phải được sự đồng ý, bằng văn bản sau cuộc bỏ phiếu chính thức, của Hiệp Đoàn Tư Vấn trước khi quyết định cho xây một nhà thờ với chi phí trên 150.000 USD; trên mức 450.000 USD, Vị Giám Mục phải xin phép Tòa Thánh .
– Vị Giám Mục phải tham khảo ý kiến của Hiệp Đoàn Tư Vấn trước khi quyết định một hành vi quản trị kinh tế quan trọng; bổ nhiệm hay cách chức vị quản lý giáo phận đương nhiệm . Các thành viên của Hiệp Đoàn Tư Vấn chỉ có quyền cho ý kiến hay đồng ý những trường hợp quản trị tài sản này sau khi đã được thông báo chính xác về hoàn cảnh tài chính của pháp nhân liên hệ .
– Vị “Đại Sứ Giáo Hoàng” phải hỏi ý kiến một số vị trong Hiệp Đoàn Tư Vấn về các ứng viên Giám Mục .
Khi Tòa Giám Mục bị ngăn trở:
– Nếu không có vị Giám Mục phó hay một vị đã được chỉ định truớc, Hiệp Đoàn Tư Vấn có nhiệm vụ bầu một linh mục để lãnh đạo Giáo Phận .
– Vị Giám Mục phụ tá phải xuất trình Tông Thư bổ nhiệm cho Hiệp Đoàn Tư Vấn .
Khi Tòa Giám Mục khuyết vị
– Hiệp Đoàn Tư Vấn phải thông báo cho Tông Tòa và thi hành các nhiệm vụ của Hội Đồng Linh Mục cho đến khi bầu Hội Đồng mới .
– Nếu không có vị nào đã đuợc chỉ định trước, Hiệp Đoàn Tư Vấn cai quản Giáo Phận cho đến khi bổ nhiệm vị Giám quản Giáo Phận, với tư cách và quyền hạn của Tổng Đại Diện .
– Hiệp Đoàn Tư Vấn bầu vị Giám Quản Giáo Phận; nhận lời Tuyên Xưng Đức Tin của vị này; nhận đơn từ chức của vị này .
– Với sự đồng ý của Hiệp Đoàn Tư Vấn, vị Giám Quản Giáo Phận, sau khi Tòa Giám Mục khuyết vị trên một năm, có thể: chấp thuận đơn của giáo sĩ xin nhập hay ra khỏi Giáo Phận; cách chức vị Chuởng Ấn và các lục sự; chấp thuận đơn từ chức của linh mục triều .
VĂN BẢN QUI CHẾ HỘI ĐỒNG LINH MỤC GIÁO PHẬN
Trong các giáo phận trên thế giới, HĐLM thường có hai cách tổ chức:
1- như một ban tham mưu “chiến lược” tối cao, ít hay nhiều người, ít họp, chỉ biểu quyết những vấn đề thật quan trọng và những đường hướng tổng quát. Các vấn đề cụ thể sẽ do Hội Đồng Mục Vụ Giáo Phận và Hiệp Đoàn Tư Vấn xem xét. Do đó, qui chế vắn tắt tối đa .
2- như một ban tham mưu tổng quát, nhiều người, họp thường xuyên hơn, có các phân ban chuyên môn. Đôi khi, HĐLM có thể bao gồm và thực sự thay thế chức năng của Hội Đồng Mục Vụ Giáo Phận để bàn luận và góp ý cả những vấn đề cụ thể trong sinh hoạt mục vụ cấp giáo phận. Khi đó, qui chế sẽ dài và có nhiều chi tiết tỉ mĩ .
3- TỔ CHỨC TRƯỚC ĐÂY CỦA ĐỊA PHẬN SÀI GÒN
Tài liệu duy nhất chúng tôi tìm thấy về tổ chức HĐLM địa phận Sài gòn cho biết: tháng 06 năm 1970, Đức Tổng GM Phaolô Nguyễn Văn Bình chỉ thị cho các hạt bầu đại biểu HĐLM “mỗi hạt bầu hai đại biểu, một vị đã chịu chức từ năm 1950 về trước và một vị từ năm 1951 về sau. Các cha Hạt trưởng sẽ ứng nghiệm thuộc HĐLM nên không được bầu cử cho các ngài”.
Lúc đó, có ý kiến cho rằng giới hạn 1950 có tính cách cứng rắn, vì trong thực tế số linh mục chịu chức trước 1950 ít hơn nhiều. “Đức TGM đi vắng, Đức cha phụ tá không dám quyết định”. Mọi người đồng ý “theo sát chỉ thị của Tòa TGM, không linh động hóa vấn đề ranh giới tuổi” .