KHÁI NIỆM PHÁP LUẬT TRONG XÃ HỘI DÂN SỰ
Luật lệ và quy tắc gắn liền với “xã hội tính” của con nguời. Hai con nguời muốn sống yên ổn bên cạnh nhau, ít nhất họ phải giữ luật “pacta sunt servata”: phải giữ những lời đã cam kết. Con nguời là một hữu thể sống tương quan, một hữu thể có xã hội tính; ubi homo, ibi societas. Khi có một xã hội, xã hội này phải có những quy luật để ổn định tương quan nội bộ và đối ngoại; ubi societas, ibi ius. Vì thế không thể tồn tại một cộng đoàn con nguời không có một quy luật nào; ubi homo, ibi ius.
Do đó, kinh nghiệm về pháp luật hiện diện trong mọi cộng đoàn nhân loại. Khi giải mã được chữ viết của một nền văn minh cổ, các nhà khảo cổ luôn tìm thấy những văn bản pháp lý, giao dịch, hoà ước. Hiện nay, cùng với chữ viết hình nêm của nguời Sumer ở Lưỡng Hà, nhân loại cũng tìm thấy bộ luật của vua Hammourabi soạn từ thế kỷ VIII trước công nguyên.
I. KHÁI NIỆM PHÁP LUẬT
Thuật ngữ pháp luật trong các ngôn ngữ Âu châu (droit, diritto, derecho, right, recht, directum) phát xuất từ tiếng sancrit rta hay rju; nguyên nghĩa là; đi đường thẳng, cách xử sự ngay thẳng, tốt, đúng.
Luật thường đi liền với khái niệm công lý. Tiếng latin dùng chữ ius; nhà luật học Ulpiano Ulpiano (+ 228) cho là phát xuất từ chữ công lý, iustum; (Ius autem est dictum, quia iustum est). Ulpiano định nghĩa công lý là: ý định thường hằng muốn trả lại cho người khác phần của họ (constans et perpetua voluntas ius suum cuique tribuendi).
Trong khi đó, thuật ngữ latin lex gắn liền với chữ regula (thước kẻ, quy tắc). Trong ngôn ngữ hiện đại (law, loi, legge), thuật ngữ này thường chỉ pháp luật thành văn nói chung hay một đạo luật chuyên biệt.
Trung thành với cách trình bày của Mác và Anghen C. MÁC – PH ĂNGHEN, Tuyển Tập, Hà Nội 1983, III, 449-450., các luật sư xã hội chủ nghĩa định nghĩa: “pháp luật là một hệ thống các quy tắc xử sự do nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện”; pháp luật có hai đặc tính chính yếu là: 1- tính giai cấp, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị; 2- tính xã hội, thể hiện ý chí của các giai cấp khác nhau trong xã hội CAO Văn Liên, Pháp luật các triều đại, TPHCM (NXB Thanh Niên) 1998, 23-38.. Có tác giả còn nêu rõ “bản chất của pháp luật cũng giống như bản chất của nhà nước là tính giai cấp … Pháp luật là sự biểu thị ý chí của giai cấp thống trị”; với các thuộc tính: – “tính quy phạm phổ biến; – tính xác định chặt chẽ về hình thức; – tính cưỡng chế và được bảo đảm bằng nhà nước; – tính sáng tạo” ĐINH Văn Mậu – PHẠM Hồng Thái, Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Đồng Nai 2002, 183 – 209..
Luật sư Triệu Quốc Mạnh định nghĩa: “pháp luật là toàn bộ những quy tắc pháp lý chi phối các hoạt động và quan hệ trong xã hội có tổ chức và mọi sự bất tuân sẽ bị chế tài bằng sự cưỡng chế”. Do đó, luật có các đặc tính: xã hội (ở đâu có xã hội, ở đó có luật), tổng quát (áp dụng cho mọi người) và cưỡng chế TRIỆU Quốc Mạnh, Pháp luật & Dân luật đại cương, TPHCM 2000, 10-19..
Celsius, luật gia Roma cho rằng: luật là nghệ thuật của sự công bằng và điều thiện (Ius est ars aequi et boni). Các luật gia Roma đều nhấn mạnh đến khía cạnh bảo vệ công lý của luật.
Thánh Thomas định nghĩa: luật không gì khác hơn là quy định duy lý vì công ích, do người có trách nhiệm lo cho cộng đoàn ban hành (lex nihil aliud est quaedam rationis ordinatio ad bonum commune, ab eo qui curam communitatis habet, promulgata). Như vậy pháp luật có hai mục đích: 1- phục vụ công ích của cộng đoàn; 2- bảo vệ công lý nhằm tạo ổn định và trật tự cho cộng đoàn. Từ định nghĩa trên, có thể suy ra các đặc tính của luật:
– tính hợp pháp: do thẩm quyền chính thức ban hành.
– tính phổ quát: áp dụng cho toàn cộng đoàn, không phân biệt người nào.
– tính phổ biến: luật phải được phổ biến công khai cho toàn cộng đoàn.
– tính “hợp thời”: công ích của cộng đoàn thay đổi theo thời gian, như vậy luật cũng phải thay đổi.
– tính cố định: nhưng luật cũng không thể thay đổi nhanh chóng.
– tính ngoại tại: luật không xét đến chuyện lương tâm như luân lý hay đạo đức.
– tính chế tài: thẩm quyền ban hành luật phải có đủ khả năng cưỡng chế thi hành luật. Truyền thống civil law cho rằng, luật thiếu phần chế tài là luật không hoàn chỉnh (lois imparfaits).
– tính bất công: dù để phục vụ công ích và công lý, tự bản chất, luật luôn luôn có một phần bất công vì: – áp dụng cho cả cộng đoàn, không xét được hoàn cảnh cá nhân từng người; – phục vụ công ích, nên phải hy sinh thiểu số.
Ngoài ra, luật còn có các bất lợi: – do tính cố định, nên rất dễ mất tính “hợp thời” và trở nên lạc hậu gây hại cho cộng đoàn; – luật do thẩm quyền ban hành, thẩm quyền này có thể trở nên bất hợp pháp hay độc tài, không còn phục vụ công ích.
II. LUẬT ROMA
Thuật ngữ Roman Law nói chung dùng để chỉ hệ thống pháp lý do người Roma khởi xướng kể từ Bộ Luật Mười Hai Bảng (Law of the Twelve Tables), đến thời hoàng đế Justinian I của đế quốc Byzantin năm 565 AD. Các nền văn minh cổ đại đều có hệ thống pháp lý. Có nhiều hệ thống luật có thể từng ảnh hưởng đến hệ tư tưởng pháp lý Tây phương hiện nay như: hệ thống luật lệ của nguời Aryen cổ Ấn Độ, của nền văn minh sông Nil Ai Cập, của văn hoá Arab Cận Đông. Nhưng hệ tư tưởng pháp lý Tây phương chủ yếu hình thành từ luật Roma, Giáo luật và luật Germanic.
Vào khõang năm 450 BC, dưới áp lực của thường dân đòi các nhà quý tộc cho biết rõ các luật lệ khi xử án, các vị thẩm phán Roma đương nhiệm đã phải viết ra các luật lệ hiện hành trên 10 bảng bằng đồng; năm sau họ thêm 2 bảng nữa. Đây chỉ là những luật đơn giản của một bộ lạc nông nghiệp; nhưng lại có ưu điểm là áp dụng chung cho cả quý tộc và thường dân. Hệ thống pháp lý Roma dần dần xây dựng trên các luật căn bản này; vì sau này chỉ áp dụng cho công dân Roma nên bộ luật này được gọi là Ius civile.
Do hoàn cảnh mở rộng địa giới, do liên minh hay chiếm đóng các bộ tộc khác, chính quyền Roma cần có một hệ thống pháp lý khác. Mỗi lãnh thổ mới đều có những luật lệ riêng phải tôn trọng. Từ năm 367 BC đến 137 AD, các praetor hay consul của Roma ra các đạo luật công nhận thêm các luật khác, áp dụng cho riêng một vùng hay một dân tộc, khi có tranh chấp với công dân Roma. Hệ thống pháp lý này được gọi là Ius gentium. Việc nghiên cứu luật phát triển đặc biệt khi hoàng đế Augustus bắt đầu cho phép các luật gia được đưa ra các responsa trong vụ tranh kiện. Các nhà luật học nổi tiếng với nhiều công trình nghiên cứu như Gaius (tk II); Papinian, Iulius Paulus và Ulpian (tk III).
Năm 565 AD, hoàng đế Justinian I của đế quốc Byzantin cho tiến hành sưu tập, hệ thống hóa và giải thích luật Roma. Bộ sưu tập 4 quyển này được gọi tên chung là Corpus Iuris Civilis.
Luật Roma không còn áp dụng từ khi thủ đô Constantinople bị quân Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng năm 1453. Đầu thế kỷ XII, việc nghiên cứu luật Roma khởi xướng từ đại học Bologna và lan dần khắp Âu châu. Hiện nay, các khái niệm và nguyên tắc của luật Roma vẫn là cơ sở chính trong nhiều bộ dân luật Âu châu.
III. CIVIL LAW
Thuật ngữ civil law dùng để chỉ truyền thống pháp lý bắt nguồn từ Roma cổ đại hay những hệ thống pháp lý hiện hành dựa trên truyền thống này. Thuật ngữ civil law còn dùng để chỉ một bộ luật hay những thủ tục pháp lý khác với bộ luật hình sự và thủ tục tố tụng hình sự; chẳng hạn: Bộ Luật Dân Sự của nước CHXHCNVN năm 1995.
Hệ thống pháp lý civil law có những đặc tính:
– có một bộ luật bằng văn bản được chính quyền ban hành;
– bộ luật sắp xếp theo hệ thống và phân biệt rõ: luật dân sự, luật hình sự, luật tổ chức chính quyền;
– luật do cơ quan lập pháp soạn thảo;
– chánh án chỉ áp dụng luật, không sáng tác hay giải thích luật;
– chánh án thu thập chứng cứ, lấy khẩu cung và phán quyết; rất hiếm khi nhận cho hai bên đối chất và tranh luận tại tòa án.
Từ thế kỷ XIII, bộ luật Roma, Corpus Iuris Civilis, đã được tái áp dụng tại một số nơi ở Italia và Pháp. Năm 1804, hoàng đế Napoléon ban hành Le Code Civile; bộ luật này chi phối tất cả các hệ thống civil law hiện nay như: Thụy Sĩ, Đức, bang Louisiana của Mỹ, Sénégal, Bolivia, Korea, Hy Lạp …. Hệ thống pháp lý Việt Nam hiện hành trên nguyên tắc là civil law, với một số yếu tố ảnh hưởng từ các nước xã hội chủ nghĩa.
IV. COMMON LAW
Thuật ngữ common law dùng để chỉ hệ thống pháp lý với luật bất thành văn phát triển ở Anh quốc từ thế kỷ XII trở đi hay những hệ thống pháp lý theo truyền thống này. Tên gọi common law phát xuất từ nhận định: luật thời Trung Cổ của Anh dựa trên những tục lệ “common”của vương quốc. Có thể nói common law là hình thức được chính thức áp dụng của Luật Germanic hay tục lệ của các bộ tộc gốc Germanic.
Nguyên tắc chính của common law là: judge – made law; quyết định của chánh án dựa trên những phán quyết tiền lệ hơn là dựa trên luật thành văn. Một chánh án common law có thể tự do sáng tác luật hay vạch ra một nguyên tắc mới; nguyên tắc này sẽ trở thành án lệ và có giá trị luật trong những vụ án sau. “The life of the (common) law has not been logic; it has been experience” (Oliver Wendell Holmes, The Common Law, 1881).
Để duy trì công lý, hệ thống tòa án gồm nhiều cấp theo hình chóp và có nhiều hệ thống song song: tòa án dân sự, hình sự, thương mại…. Cấp cơ sở có một chánh án và bồi thẩm đoàn là những “thường dân” địa phương. Chánh án điều khiển phiên tòa. Sau khi hai bên tranh luận và trưng chứng cứ của mình, chánh án nêu lên cho bồi thẩm đoàn các nguyên tắc pháp lý cần áp dụng cho trường hợp này. Bồi thẩm đoàn cân nhắc các dữ kiện, áp dụng luật và ra phán quyết.
Cấp kháng án, với thẩm phán đoàn gồm toàn thẩm phán chuyên nghiệp, có mục đích chính là xét xem cấp cơ sở áp dụng luật đúng hay không. Những giải thích luật của tòa kháng án được xem là án lệ cho các vụ kiện sau.
Từ sau cuộc Cách Mạng Khoa Học Kỹ Thuật, do nhu cầu luật càng ngày càng phức tạp, Nghị viện Anh bắt đầu ban hành luật và luật thành văn, statutory law, dần dần thay thế common law. Tuy nhiên, common law vẫn còn hiệu lực trong lãnh vực giải thích và áp dụng luật. Từ nước Anh, hệ thống common law lan sang các thuộc địa như Canada và Mỹ.
V. TRƯỜNG PHÁI PHÁP GIA TRUNG HOA
Theo chiết tự Trung Hoa, chữ pháp gồm hai chữ là khứ (đi, bỏ đi, đuổi đi, loại bỏ) và chữ thuỷ (nước). Pháp là cách thế trị thuỷ hay phương cách cai trị quốc gia. Chữ luật có hai nghĩa là dụng cụ cổ để điều chỉnh âm thanh hay phép tắc.
Thời Xuân Thu (722-480 BC), vùng châu thổ Hoàng Hà do nhà Chu làm hoàng đế, nhưng thực chất chia làm hàng trăm nước nhỏ; các nước này chinh chiến liên miên và dần dần hình thành các nước lớn. Xã hội phân biệt rõ rệt giữa giai cấp quý tộc, con cháu vương hầu địa chủ và giới dân đen.
Trường phái Pháp Gia đề xướng học thuyết pháp trị: xây dựng một chính quyền vững mạnh dựa trên pháp luật được công bố công khai và áp dụng cho toàn dân; dùng pháp luật để cai trị.
Nhóm thứ nhất của Pháp Gia chủ truơng dùng “pháp”, pháp luật rõ ràng là căn bản để trị quốc. Quản Trọng làm tướng quốc nước Tề từ 685 đến 645 trước Tây Lịch; ông nhấn mạnh pháp luật áp dụng cho mọi nguời, kể cả vua quan. Năm 536 BC, Tử Sản nước Trịnh cho khắc bộ Hình Thư vào đỉnh đồng để dân chúng cũng có thể biết các quan xét xử có đúng hay không. Nổi tiếng nhất là Công Tôn Ưởng hay Thương Ưởng (+ 338 BC), nguời có công giúp nước Tần trở thành cường quốc; ông đặt ra pháp “ngũ gia liên bảo, thập gia liên bảo”; có thể nói Thương Ưởng là nguời áp dụng trên toàn quốc: sổ hộ khẩu, tổ dân phố, giấy chứng minh nhân dân, đăng ký tạm trú tạm vắng, chế độ quân dịch….
Nhóm thứ hai của Pháp Gia chủ trương dùng “thế” (hoàn cảnh thuận lợi). Thân Bất Hại, nguời nước Trịnh (+ 337BC), học trò của Lão Tử, nhận định rằng: cùng một việc mà có khi thành có khi bại, vì thế đã khác; hình pháp cũng phải tuỳ theo thế của vương hầu và dân nước mà thay đổi.
Lý thuyết gia số một của trường phái Pháp Gia là Hàn Phi, công tử nước Hàn (+ 232BC). Hàn Phi soạn bộ sách Hàn Phi Tử, trình bày “thuật” trị nước, gồm cả hai chủ trương “pháp” và “thế”; mục đích của thuật là loại trừ gian thần và sử dụng đúng người. Ông là học trò của Tuân Tử, nên chủ trương: con nguời tính bản ác. Khi xét hành động của một nguời, đừng mong tìm nhân nghĩa mà nên chú ý đến lợi: “bầy tôi sở dĩ không giết vua là vì bè đảng chưa đủ”. Do đó quốc gia cần đến pháp luật: “Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu. Cho nên sửa chữa được sai lầm của nguời trên, trị được cái gian của kẻ duới, trừ được loạn, sửa được điều sai, thống nhất đường lối của dân không gì bằng pháp luật” Hàn Phi Tử, quyển II, thiên VI, 5.. Ông đưa ra lập trường “hình danh”, chống lại thuyết “chính danh” của Nho Gia; pháp luật thưởng phạt chỉ xét xem “hình” (sự thực đã diễn ra) có phù hợp với “danh” (tên gọi) hay không; do đó, dù vương hầu phạm tội, cũng cứ theo tội danh mà phạt. Hàn Phi bị bạn học cũ là Lý Tư, thừa tướng nước Tần, giết chết. Áp dụng chính lý thuyết của Hàn Phi, Lý Tư giúp Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Hoa.
Chủ trương hình danh”, “hình trị” và “nhà nước pháp trị” của Pháp Gia bị các trường phái khác đả kích. Phái Đạo Gia của Lão Tử cho rằng “thiên hạ nhiều lệnh cấm thì dân càng nghèo… Pháp lệnh càng rõ rệt, trộm cướp càng sinh nhiều” (Đạo Đức Kinh, chương LVII). Trang Tử cũng nêu lên một khuyết điểm của “hình danh” là quá dựa vào vua; chỉ cần một ông vua thưởng phạt sai vài lần là mọi cơ cấu pháp luật đều hỏng (Trang tử, thiên XIII).
Nho Gia thường trưng lập trường Khổng Tử và Mạnh Tử: trị dân bằng lễ hay bằng đức độ, nhân ái. Có người cho rằng: thực ra Khổng Tử chủ trương “Lễ” trị theo nghĩa áp dụng một luật lệ riêng (lễ) cho giới quý tộc, quân tử; “Lễ là để định thân sơ, quyết hiềm nghi, phân biệt cái giống nhau, khác nhau, làm rõ cái phải, cái trái” (Lễ Ký). Do đó, các nho sĩ sau này ít nói đến “lễ trị”, nhưng nói “nhân trị” hay “đức trị”, căn cứ theo chủ trương cần giáo hóa dân của Khổng Tử.
Trong thực tế, dù các quan luôn miệng nói “nhân trị”, học thuyết “pháp trị” của Hàn Phi vẫn là nền tảng lý thuyết cơ sở cho mọi chính quyền Trung Hoa từ thời Tần Thủy Hoàng cho đến ngày nay.
VI. LUẬT CỦA VIỆT NAM
Trước thời Bắc Thuộc, đất Giao Châu là nơi cung cấp giấy cho Trung Quốc; nên rõ ràng chữ viết đã phát triển rất mạnh. Năm 41 sau CN, Mã Viện báo cáo với vua Hán Quang Vũ: “Việt luật giữ Hán luật hiệu giả thập dư sự”. Khó có thể hiểu là hai bên chỉ khác nhau “mười sự”; “thập dư” có thể hiểu là “mười phần”, hai thứ luật khác nhau hoàn toàn.
Thời kỳ độc lập, bộ luật đầu tiên được nói đến là Hình Thư do Lý Thái Tông ban hành năm 1042. Nói chung luật pháp triều Lý bị ảnh hưởng của luật nhà Đường Trung Hoa, nhưng có tính nhân đạo hơn. Thời nhà Trần có các bộ luật: Quốc Triều Thông Chế 20 quyển (1230); Hình Luật Thư, Hoàng Triều Đại Điển và Hình Thư Ban Hành (1341). Các bộ luật nhà Lý và nhà Trần đều bị mất trong thời kỳ Minh Thuộc.
Triều Lê để lại những công trình biên soạn công phu về luật pháp. Nổi tiếng nhất là bộ Quốc Triều Hình Luật hay còn gọi là Lê Triều Hình Luật, Luật Hồng Đức. Điểm độc đáo nhất của luật nhà Lê là nhấn mạnh việc giáo hóa luân lý; vi phạm các bổn phận đạo đức cũng là tội phạm (chẳng hạn: không biết dạy con). Bộ Luật Hồng Đức còn giá trị suốt thời Hậu Lê; các thừa sai và người công giáo vẫn phải theo luật này, chẳng hạn: luật về phần hương hỏa DE MARTINIS, Iuris Pontificii de Propaganda Fide II, Romae 1909, 517-518: trả lời của Bộ Truyền Giáo về của hương hỏa..
Năm 1811, vua Gia Long sai Nguyễn Văn Thành soạn bộ Quốc Triều Hình Luật. Có người chê rằng: đây là “một bộ áo Tàu, may cho một người dân Việt, để phục sức trong xã hội Việt Nam” VŨ Văn Mẫu, Dân Luật Khái Luận, Saigon 1957, 244., vì sao chép nguyên văn luật nhà Thanh. Vua Gia Long phải cho thêm một số điều chép từ Luật Hồng Đức và cho phát hành chung, vào năm 1815, với tên chính thức của bộ luật là Hoàng Việt Luật Lệ (Luật Gia Long).
Trong thời Pháp Thuộc, tại Bắc phần, bộ Dân Luật Bắc ban hành ngày 30/03/1931. Tại Trung phần, bộ Dân Luật Trung hay Hoàng Việt Trung Kỳ Hộ Luật ban hành từ 1936 đến 1939. Tại Nam phần, bộ Dân Luật Giản Yếu ban hành ngày 03/10/1883.
VII. LUẬT TỰ NHIÊN
Luật tự nhiên (natural law) là một hệ thống những nguyên tắc đặt cơ sở trên những gì được coi là đặc tính cố định của bản chất con người; những nguyên tắc này được xem như tiêu chuẩn để đánh giá cách xử sự của con người và pháp luật dân sự. Luật tự nhiên bất biến và có giá trị mọi nơi, mọi thời. Vì “tự nhiên” là một khái niệm mơ hồ, dễ tranh cãi, nên luật tự nhiên đôi khi chỉ được công nhận như một lý tưởng hay cách xử sự chung chung của con người.
Trường phái Khổng Mạnh (551-478 BC; 372-289BC) đã đề cập nhiều tới luật tự nhiên do thiên mệnh trong sách Trung Dung. Ngay cả hoàng đế Hammourabi (tk VIII BC) của đế quốc Sumer cũng tự nhận mình vâng lệnh thần linh để: diệt kẻ ác và xấu xa, ngăn cản kẻ mạnh đàn áp người yếu… Tập Sách Kẻ Chết của Ai Cập (1550-950 BC) cũng xem công lý và luật là mệnh lệnh của chư thần ban hành; con người sẽ phải trả lời về việc giữ luật lúc thần Osiris phán xét.
Các triết gia cổ Hy Lạp từng bàn nhiều về luật tự nhiên. Trong cả hai trường ca Illiade và Odysseus, Homer đều nói tới cơn giận của Zéus khi các vua ra luật bất công. Heraclitus (tk VI BC) đã nói đến một lý trí chung bao hàm toàn vũ trụ “vì mọi luật của con người đềi bắt nguồn từ một luật thần linh”. Aristote phân biệt hai loại công lý: “một loại công lý tự nhiên có giá trị mọi nơi, và không tùy thuộc việc chúng ta có công nhận nó hay không; còn một loại công lý pháp lý lúc đầu có thể được xác định cách này hay cách khác”. Các triết gia trường phái Khắc Kỷ (Stoic) cho rằng: có một nguyên lý chi phối toàn vũ trụ, có thể được gọi là Thần hay Logos; bản chất tự nhiên của mỗi cá nhân là một phần của Logos; sống đúng đắn là sống theo bản chất tự nhiên của mình.
Nhà hùng biện Roma, Cicero (tk I) định nghĩa: “Luật đích thực là lý trí đúng đắn phù hợp với Tự Nhiên; Luật này có tính phổ quát, bất biến và trường cữu, ra lệnh thi hành trách nhiệm của anh, cấm đoán làm điều xấu…. Không có luật khác nhau dù ở Roma hay Athens, dù hiện tại hay tương lai, nhưng chỉ có một luật vĩnh cữu và bất biến, có giá trị cho mọi dân tộc và cho mọi thời đại”.
Giáo Hội Kitô nhận ra là quan niệm luật tự nhiên rất phù hợp với đức tin của mình. Thánh Phao lô đã nhận định: “Dân ngoại là những người không có Luật Mô-sê; nhưng mỗi khi họ theo lẽ tự nhiên mà làm những gì Luật dạy, thì họ là luật cho chính mình… Họ cho thấy là điều gì Luật đòi hỏi, thì đã được ghi khắc trong lòng họ” (Rm 2, 14-15). Có nhiều nhà thần học Kitô giáo, nhất là giáo phụ Isidore of Seville, trình bày nhiều nhất về luật tự nhiên có giá trị mọi nơi, nhất là về hôn nhân và trách nhiệm với con cái. Giáo huấn của ngài dẫn đến định nghĩa của Graziano trong bộ Corpus Iuris Canonici: “Luật tự nhiên là những gì chứa đựng trong Luật và Tin Mừng” Graziano, Decret., I, dist. I, in princ. : “Ius naturale est quod in Lege et Evangelio continetur”..
Nhà tư tưởng về luật tự nhiên nổi bật nhất là Thomas Aquinas. Thánh nhân chủ trương: về phần các nguyên tắc luân lý, “Luật mới trong giáo thuyết của Đức Kitô và các Tông Đồ, thêm rất ít vào các nguyên tắc của luật tự nhiên” Sum. Theol. I – II, q. 107, a. 4: “Lex nova, quae praeter praecepta legis naturae, paucissima superaddidit in doctrina Christi et Apostolorum”.. Luật tự nhiên gắn liền với con người (persona humana) vì nó thuộc thành phần bản thể (formale) của lý trí tự nhiên (ratio naturalis). Vì thế, “luật tự nhiên là việc hữu thể có lý trí tham dự vào Luật Vĩnh Cữu, theo khả năng của bản tính con người” Sum. Theol. I – II, q. 91, a. 2: “partecipio legis aeternae in rationali creatura, secundum proportionem capacitatis humanae naturae”. Thiên Chúa là nguồn gốc của luật tự nhiên: nếu Thiên Chúa không hiện hữu, mọi việc đều được phép làm. Luật tự nhiên có những đặc tính là: phổ quát, có thể nhận biết và bất biến; vì thế, với lý trí tự nhiên, con người chắc chắn phân biệt được thiện ác.
Vào thế kỷ XVII – XVIII, với phong trào duy lý và chủ nghĩa quốc gia cực đoan, các nhà lập pháp dễ có khuynh hướng: quyền lợi của quốc gia là nguyên lý tối thượng của luật pháp. Nhưng ngay cả luật gia Hugo Grotius (De Iure Belli ac Pacis, 1625) cũng phải công nhận có một thứ luật tự nhiên có thể suy luận ra được và độc lập với kinh nghiệm; chẳng hạn, nguyên tắc đầu tiên trong việc bang giao giữa các nước là “pacta sunt servata”: phải tôn trọng các thỏa ước. Hiện nay tất cả các luật quốc tế, international law, đều phát xuất từ nguyên tắc này.
Sau cuộc đệ nhị thế chiến, nhân loại càng ý thức về một cơ sở luật đứng trên cả luật pháp quốc gia. Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền ngày 10/12/1948, dù chỉ là một tuyên xưng luân lý chứ không phải một đạo luật, nhưng vẫn khơi dậy ý thức nhân loại về một luật tự nhiên vượt trên quyền lợi và tính độc lập của từng quốc gia.
KẾT LUẬN
Pháp luật là thành phần không thể thiếu trong xã hội loài người; dù có người cho rằng luật là một điều xấu cần thiết (le mal nécessaire). Mục tiêu tối hậu của pháp luật là bảo vệ công ích và phẩm giá con nguời (Gaudium et Spes 26a).