GIÁO LUẬT VỀ HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ – HỌ ĐẠO VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ – HỌ ĐẠO VIỆT NAM

1. GIÁO XỨ TRONG GIÁO HỘI

Thuật ngữ Hy lạp “paroikia” nghĩa là “những nguời sống gần hay bên cạnh”, một cộng đoàn cùng địa giới. Tên gọi này xuất hiện từ thế kỷ II sau công nguyên, bắt nguồn từ các thành thị sau lan ra các làng quê. Khi đế quốc Roma suy tàn, vào thế kỷ thứ VIII, bắt đầu có các “nhà thờ tư nhân” do cá nhân hay một nhóm nguời diều hành qua thể chế “beneficio” (bổng lộc). Quan niệm nhà thờ – giáo xứ – “bổng lộc” cho một giáo sĩ kéo dài cho đến Vaticano II .

Theo tinh thần Công Đồng, Giáo Luật 1983 (điều 515) định nghĩa giáo xứ như một cộng đoàn Dân Chúa với các yếu tố chính: – 1 cộng đoàn Dân công giáo được thiết lập chính thức; – 1 phần địa giới nhất định của giáo phận; – 1 nhà thờ; – 1 vị mục tử chịu trách nhiệm chăm sóc các linh hồn. Giáo xứ là một pháp nhân theo giáo luật với các quyền lợi và nghĩa vụ đối với giáo phận và Giáo Hội.

Trong Giáo Hội toàn cầu, Bộ Truyền Giáo phê chuẩn lần đầu một tổ chức “concilium fabricae a bonis ecclesiae parochialis administrandis”, ngày 21/07/1856, và sau đó khuyên các xứ truyền giáo khác nên theo. Bộ Giáo Luật 1917 chỉ tạm chấp nhận tổ chức Concilium fabricae này vì các tranh chấp quyền hạn, nhất là trong Giáo Hội Mỹ.

Theo tinh thần mới của Vaticano II (Tông Đồ Giáo Dân 26), hiện nay trong giáo xứ, Giáo Hội muốn có hai tổ chức giáo dân giúp đỡ cha xứ trong việc mục vụ và quản trị kinh tế giáo xứ: hội đồng mục vụ và hội đồng kinh tế (cann. 536; 537). Trong thực tế trên thế giới, hội đồng mục vụ giáo xứ vẫn chỉ là mong ước của các vị Mục Tử.

2. CẤU TRÚC LỊCH SỬ HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ – HỌ ĐẠO VIỆT NAM, 1670 –1880

Khi các thừa sai Dòng Tên thành lập các cộng đoàn bền vững đầu tiên, dân tộc VN đã có một tổ chức xã hội chặt chẽ theo hệ thống đại gia đình và làng xã. Mỗi họ, gia tộc đều có hội đồng gia tộc, gồm các ông trùm – trưởng tộc, lo việc quản trị của hương hoả, nhà thờ họ, bàn thờ, tủ thờ, sổ gia phả – thế phả và các đồ dùng tế tự. Hội đồng gia tộc được luật pháp (Bộ luật Hồng Đức; Gia Long) công nhận quyền quản trị tài sản và cả quyền xét xử.

Do tinh thần gia tộc và làng xã rất cao, những nguời VN thế kỷ XVII thường theo Kitô từng nhóm lớn, toàn bộ một họ hay một làng. Họ lập tức hình thành “họ đạo” và bầu ra “các trùm họ” để coi sóc “họ đạo” và “nhà thờ họ”, lo giữ “sổ họ” và làm “sổ gia đình”. Công đồng Dinh Hiến 1670 chia địa phận Đàng Ngoài làm 9 “xứ” để giao cho 9 thầy giảng vừa tiến chức linh mục (duới quyền 3 linh mục thừa sai). Mỗi xứ có một thây giảng làm trưởng ban tài chính, nhưng do “cha xứ” chịu trách nhiệm với địa phận; trong các họ đạo vẫn do các trùm họ tự điều hành.

Tổ chức “trùm họ”, theo mẫu hội đồng gia tộc và hội đồng hương xã lúc đó, có các ưu điểm không chối cãi được qua lịch sử: – có khả năng tồn tại và bảo vệ cộng đoàn qua các thời kỳ khó khăn, vắng bóng linh mục lâu năm; – có uy tín lớn trong cộng đoàn và thực sự đóng góp rất lớn trong việc xây dựng tinh thần cộng đoàn, nắm vững tình hình dân Kitô giáo; – tổ chức linh hoạt việc thờ phượng; – đóng góp công của rất nhiều cho cộng đoàn, rất ít khi thâm lạm của chung ….

Tổ chức “trùm họ” có những nguy cơ thường xuyên đi ngược tinh thần của Giáo Hội: – coi linh mục chỉ là một pháp sư được mời tới lo tế tự khi cần; – coi mình là đại diện chính thức của họ đạo; – coi trọng các hình thức hội hè đình đám mị dân hơn là những công việc căn bản của Dân Thánh: Phụng Vụ chính thức, học hỏi và truyền bá Phúc Âm, bác ái cộng đoàn; – chỉ lo cho họ mình, tách rời và đóng kín khỏi môi trường những nguời ngoại….

Tổ chức “trùm họ” có công lớn với lịch sử GHVN và còn bền vững đến hôm nay như một đặc điểm truyền thống và ưu thế của GHVN.

3. CHỨC SỞ MỤC LỆ CỦA GIÁO HỘI ĐÀNG TRONG 1880-1968

Lo ngại trước các khuyết điểm của tổ chức “trùm họ” và thầy giảng, công đồng Sàigòn 1880 đã có những quyết định thay đổi mục vụ quan trọng. Bên cạnh hội đông trùm họ, có một nhóm “biện việc” được tổ chức theo mẫu Conseil de fabrique của Giáo Hội Pháp. Conseil de fabrique là tổ chức dân sự do chính quyền Pháp quy định từ 1809 đến 1905, có nhiệm vụ quản trị tài sản nhà thờ và trả lương giáo sĩ, duới quyền điều khiển của xã trưởng.

Trước đây, theo luật Hồng Đức, mỗi di chúc hợp pháp phải để lại một phần muời di sản làm của hương hoả; nguời công giáo đã có thói quen giao của hương hoả này lại cho ông trùm họ đạo đứng tên. Duới thời Pháp thuộc, số tài sản nhà thờ tăng nhanh và đứng tên địa phận. Một số nhân công, “biện việc”, được thuê lo việc quản lý tài sản các họ đạo duới quyền cha sở; vì các xã trưởng nguời ngoại không xen vào chuyện tài sản nhà thờ. Theo kiểu Pháp, các ông biện đeo dây tam tài trong các đại lễ như hội đồng xã dân sự.

Chức sở mục lệ dành cho cha sở quyền tuyển chọn trực tiếp hay chuẩn nhận hội đồng quý chức. Do đó, trong họ đạo, dần dần mấy ông biện thay thế các trùm họ do dân bầu. Thường các ông biện về già giao việc quản lý tài sản nhà thờ lại cho con mình, nhưng vẫn giữ tước vị ông biện. Hội đồng quý chức, vào thời di cư 1954, trở nên già lão quá đáng và không còn uy tín trong giáo dân.

4. HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ CỦA GIÁO HỘI ĐÀNG NGOÀI 1900-1954

Đứng trước các vấn đề tương tự ở Đàng Trong, công đồng Kẻ Sở 1900 và 1912 chọn những đường hướng khác: duy trì tổ chức thầy giảng và trùm họ, nhưng có những thay đổi quan trọng.

Trường thầy giảng không còn được coi là phương thế huấn luyện linh mục và được tổ chức song song trong thế yếu so với chủng viện. Các thầy giảng được giao phó quản trị tài sản địa phận duới quyền cha quản lý, tài sản Nhà Đức Chúa Trời duới quyền cha xứ. Thầy giảng kiêm nhiệm toàn bộ việc tổ chức đọc kinh, sắp đặt trong nhà thờ và nhà xứ, lo việc mục vụ và bác ái.

Hội đồng giáo xứ vẫn do dân bầu và cha xứ duyệt trước khi trình Đức Cha. Quyền hạn của HĐGX bị thu hẹp tối đa và chức vị ông trùm hầu như chỉ là danh dự, là nguời góp của. HĐGX quyên góp bằng cách bổ nhân danh cho những dịp đặc biệt; quỹ hàng xứ rất nhỏ, hầu như do các ông trùm đóng góp.

Sau năm 1954, do thiếu các linh mục và thầy giảng, HĐGX dần dần tự lo việc tổ chức và quản trị giáo xứ.

5. HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ VIỆT NAM HIỆN TẠI

Sau Công Đồng, các giám mục miền Nam VN lo nghĩ đến việc cải tổ hội đồng quý chức, vì những nguyên nhân rõ rệt: – tài sản đất đai của giáo hội bị mất quá nhiều, không còn cần đến nhóm “biện việc” quản trị; – ảnh hưởng của hội đồng giáo xứ các xứ di cư do dân bầu có uy tín và tích cực hơn; – ảnh hưởng của các nhóm tông đồ giáo dân thịnh hành…. Không có điều kiện để ban hành một Directorium giáo phận, các ĐGM tạm giải quyết bằng Chỉ Nam Linh Mục, Năng Quyền Thập Niên và Quy Chế Hội Đồng Giáo Xứ. Năm 1968, ĐGM Nguyễn Văn Thuận ban hành Quy Chế Hội Đồng Giáo Xứ và Quy Chế Giáo Dân cho Nha Trang. Theo mẫu này, lần luợt có các Quy Chế của Huế (1969); Sài Gòn và Phú Cường, Long Xuyên, Xuân Lộc (1971); Đà Lạt (1973); Cần Thơ (1974). Đặc điểm của các quy chế mới là: – nhấn mạnh việc do dân bầu hơn; – chú trọng đến khả năng cộng tác vào hoạt động mục vụ.

Sau 1975 và nhất là sau khi ban hành Bộ Giáo Luật 1983, GHVN có nhu cầu ban hành một quy chế hội đồng giáo xứ mới. Để giải quyết tạm thời, ĐCV Hà Nội cho các ĐCS học lại Directorium 1941. Năm 1993, ĐGM Xuân Lộc ban hành các văn bản Đào Tạo Giáo Dân, Sinh Hoạt Ban Hành Giáo và Hướng Dẫn Sinh Hoạt Ban Hành Giáo. Năm 1997, Đức Giám Quản Huỳnh Văn Nghi phổ biến bản Quy chế Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ mới cho giáo phận TPHCM. Do hoàn cảnh, cả hai quy chế của Xuân Lộc và TPHCM đều rất ngắn và giản lược tối đa.

Ngày 18/05/2002, Đức TGM Phạm Minh Mẫn công bố Quy Chế Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ mới cho tổng giáo phận TPHCM.

Như thế, tổ chức hội đồng giáo xứ vừa là điều bắt buộc theo giáo luật (cann. 536; 537), vừa là một truyền thống của GHVN.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *