Giáo Luật về Hôn Nhân (Mở Rộng)
TRƯỜNG HỢP ĐANG CÓ HÔN THÚ DÂN SỰ VỚI NGƯỜI KHÁC
A- Luật dân sự VN, điều 147 của Bộ Luật Hình Sự 1999, cấm song hôn hay chung sống như vợ chồng với người đang có gia dình; người vi phạm có thể bị kết án tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Bình thường, linh mục công giáo không được đồng lõa trong một hành vi có thể qui kết thành tội phạm dân sự.
B- Việc xin ly hôn dân sự nói chung khá dễ dàng và mau lẹ tại TPHCM.
Có trường hợp ly hôn với người quốc tịch Mỹ trong thời gian chưa đầy 01 tháng. Thông thường, nếu có kéo dài, Sở Tư Pháp TPHCM cũng có quyền giải quyết sau hai lần thông báo mà người kia vẫn không xuất hiện tại Tòa án VN; có thể là trong khoãng 03 tháng.
Như vậy, sau 06 năm vẫn chưa ly hôn, phải hiểu là có vấn đề gì khác, chứ không phải không thể ly hôn dân sự.
C- Chiếu theo Giáo Luật điều 1071, 1, 2 và luật giáo phận 30/03/1994, cha sở không được nhận cử hành hôn phối cho người đang có hôn thú dân sự với người khác. Trong trường hợp “khẩn trương” hay nguy tử, cha sở có thể cử hành hôn phối này.
D- Trong trường hợp rất đặc biệt, có thể xảy ra việc Giáo Hội chấp nhận cử hành hôn phối mới cho người đang có hôn nhân dân sự với người khác, với tối thiểu 2 điều kiện sau đây:
1- luật dân sự đã bất công đối với người này: chẳng hạn, thư ký ấp đã tự làm giấy kết hôn dân sự với cô gái A, bất chấp sự phản ứng quyết liệt của cô; do đó, cô phải bỏ trốn lên Sàigòn với người yêu của mình.
2- vì lợi ích thiêng liêng rõ ràng: sự kiện bất công trên đã kéo dài, tương lai không biết đến bao giờ mới có thể giải quyết … Trong khi đó, hai người này đã kéo dài tình trạng bất ổn thiêng liêng, gây nguy hại cho họ và những người liên hệ trong gia đình.
Như thế, nếu theo lương tâm mục tử thấy cần cử hành hôn phối này, cha sở phải xin phép Vị Thường Quyền giáo phận bằng văn bản. Trong văn bản có nêu rõ: 1- nhận định chung của cha sở; 2- các dữ kiện cần thiết 1 và 2 đã nói ở phần D; 3- đã điều tra cẩn thận và không thấy có ngăn trở nào khác.
HÔN NHÂN GIỮA HAI NGUỜI KHÔNG CÔNG GIÁO
1. Trong Giáo Hội toàn cầu:
+ Công đồng Tridentino đã định tín là mọi hôn nhân, do luật tự nhiên và thiên định, đều vĩnh viễn và bất khả phân ly. CONC. TRIDENTINO, sess. XXIV, in DS 1797-1798; 1805; 1807. Do đó, hôn nhân giữa hai nguời “lương” thành sự “suốt đời”; ai nói ngược lại bị Công Đồng ra vạ “anathema sit”.
+ Bộ Giáo Luật 1983 xác định lại điểm này trong điều 1134.
2. Trong Giáo Hội Việt Nam
+ Theo năng quyền các xứ truyền giáo (PAULO III, Const. Altitudo divini consilii, 1 giu 1537, in DS 1497; PIO V, Const. Romani Pontificis, 2 aug 1571, in DS 1983; GREGORIO XIII, Const. Populis ac nationibus, 25 gen 1585, in DS 1988), vị Thường Quyền sở tại có quyền ban đặc ân: 1- cho phép nguời ngoài công giáo đã kết hôn và ly dị, nay được tái hôn với nguời công giáo khác, theo đặc ân Phaolô, khi không thể hỏi ý kiến nguời bạn đời cũ hay khi nguời này không trả lời; 2- kể cả khi hai vợ chồng ngoài công giáo này đều trở lại và đã Rửa tội; miễn là sau khi Rửa Tội, họ không hề chung sống trở lại (hôn nhân non-consummatum), được phép xin tháo gỡ hôn phối tự nhiên này theo đặc ân giáo hoàng.
+ Kể từ ngày thành lập năm 1659, Giáo Hội Việt Nam luôn theo lập trường của Giáo Hội toàn cầu qua các chỉ thị của Bộ Truyền Giáo và các Directorium của địa phận. Văn kiện cuối cùng và phổ biến nhiều nhất có giải thích rõ điểm này là: VICARIATUS APOSTOLICUS DE HANOI, Directorium Vicariatus Apostolicus de Hanoi, Luật Riêng Địa Phận Hà Nội, Hà Nội 1941 (dù có thoả thuận làm Directorium mới tại công đồng Đông Dương 1934, địa phận Sàigòn không soạn mới, nhưng in lại Directoire năm 1922; địa phận Huế in mới Directorium theo bản Sàigòn).
3. Áp dụng hiện hành ở Việt Nam:
+ Hôn nhân tự nhiên giữa hai nguời, theo đạo thờ ông bà hay Phật giáo, vẫn được Giáo Hội Việt Nam coi là thành sự suốt đời; dù Giáo Hội không phê phán việc họ ly dị theo lương tâm ngay lành của họ. Do đó, không xin phép chuẩn khác đạo để kết hôn với nguời “lương” đã từng có hôn phối trước (Thông báo của Toà giám mục TPHCM ngày 30 tháng 3 năm 1994).
+ Trường hợp giữa hai nguời ngoài công giáo đã có hôn nhân tự nhiên và nay đã ly dị dân sự, ở Sàigòn, có thể được giải quyết bằng một trong các phương thế sau:
– nguời “lương”này xin theo đạo và xin kết hôn theo đặc ân Phaolô;
– nguời này không trở lại, nhưng xin đặc ân Phêrô để tháo gở hôn nhân tự nhiên, “in favorem fidei” của nguời bạn mới công giáo. Hồ sơ này sẽ do Giám Mục giáo phận điều tra và gởi về Thánh Bộ Giáo Lý Đức tin.
Thông thường, các toà giám mục ngoại quốc không muốn hỏi tài liệu về hôn nhân giữa “hai nguời lương”. Ý họ muốn hỏi: hôn nhân của “nguời lương” này có phải là hôn nhân chính thức, được Giáo Hội Việt Nam công nhận là hôn nhân tự nhiên không? Có khi nào “nguời vợ trước có ba con” của ông ta chỉ là dạng nô lệ hay vợ bé không chính thức và Giáo Hội Việt Nam đã lên tiếng phủ nhận hình thức kết hôn này? Câu trả lời lý thuyết cho trường hợp này là:
– Trước đây, theo tinh thần ba tông hiến đã nói ở trên, trong chế độ đa thê mặc nhiên ngày xưa ở VN, GHVN theo sát chỉ dẫn của Giáo Hội toàn cầu như hiện nay của Bộ Giáo Luật 1983; trong chế độ đa thê chính thức theo các bộ luật dân sự từ thời Pháp Thuộc, GHVN chỉ công nhận hôn nhân với nguời vợ cả là vợ chính thức.
– Kể từ sau năm 1959, ở VN chỉ có chế độ hôn nhân một vợ một chồng (Việt Nam cộng hoà, Luật gia đình số 1/59, ngày 02/01/1959; Việt Nam dân chủ cộng hoà, Luật hôn nhân và gia đình, 29/12/1959). Hôn nhân dân sự đương nhiên là hôn nhân “tự nhiên” chính thức đối với GHVN.
– Dân Luật và xã hội VN vẫn công nhận hôn nhân theo truyền thống. Do đó, nếu là giấy hôn thú dân sự trước 1959 hay là hôn nhân theo nghi lễ truyền thống gia đình và dân tộc ít nguời, phải xem lại có phải là nguời vợ hay chồng duy nhất hay không. Nếu là chế độ đa thê hay đa phu (dân tộc Chăm), GHVN chỉ công nhận nguời kết hôn đầu tiên.
PHÉP GIAO CHO HAI VỢ CHỒNG TÂN TÒNG
Có cử hành nghi thức hôn phối khi Rửa Tội cho hai vợ chồng nguời ngoại mới theo đạo hay không? Hình như luật địa phận Sàigòn qui định là không “làm phép giao lại”?
I. TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ
1- Công đồng Tridentino đã định tín là mọi hôn nhân, do luật tự nhiên và thiên định, đều vĩnh viễn và bất khả phân ly; hôn nhân giữa hai nguời “lương” thành sự “suốt đời”; ai nói ngược lại bị Công Đồng ra vạ “anathema sit”.
Định tín này dẫn đến các tranh luận thần học: hôn nhân tự nhiên có phải là bí tích? Hôn nhân tự nhiên thành sự nhưng “bất hợp pháp” về mặt giáo luật vì không có măt thừa tác viên Giáo Hội và không theo công thức bí tích? Giáo Hội có quyền tháo gỡ hôn nhân tự nhiên này không?
Đặc biệt là thắc mắc mục vụ: có phải cử hành hôn phối lại cho đôi vợ chồng tân tòng? Trước Tridentinô, không có vấn đề này. Căn cứ trên định tín của CĐ Tridentinô, có thể suy luận chắc chắn là: không cần thiết cử hành lại.
Nhưng còn nhiều vấn đề mục vụ; trong đó vấn đề chính là hôn nhân tự nhiên này có chắc chắn hợp pháp và thành sự không?
2- Ngay sau đó, Huấn Quyền của Giáo Hội ra ba tông hiến dành cho các xứ truyền giáo; trong đó qui định nhiều trường hợp hôn nhân tự nhiên được Giáo Hội tháo gỡ (đa thê, phân ly do bị bắt làm nô lệ… ) và cần cử hành lại nghi thức hôn phối mới. Để chắc chắn, khi Rửa tội cho hai vợ chồng lương dân, vị thừa sai thường lập tức cho họ lặp lại lời cam kết hôn nhân và đọc lời chúc hôn.
3- Tại Việt Nam, năm 1841 khi các thừa sai Pháp hỏi về vấn đề “làm phép giao lại”, Thánh Bộ Truyền Giáo trả lời: tốt nhất nên chúc hôn, nhưng không buộc.
4- Giáo Luật 1917 có vẻ chấm dứt cuộc tranh luận trước đây về “làm phép giao lại” đối với hôn nhân của những nguòi ngoài công giáo xin trở lại, khi qui định “giữa những nguời đã được Rửa tội không thể có cam kết hôn nhân thành sự mà không phải là bí tích” (Can. 1012, 2).
Suy ra hệ luận chắc chắn là: những nguời dân ngoại cũng thuộc về Giáo Hội cách tiềm ẩn (virtuellement); khi được Rửa Tội, cam kết hôn nhân trước đó của họ đương nhiên được nâng lên hàng bí tích. Bộ Giáo Luật 1983 xác định lại điểm này trong điều 1055,2. Do đó, suy luận chắc chắn theo giáo luật chung sẽ là: không cần phải làm phép giao lại.
5- Sau khi phổ biến Bộ Giáo Luật 1917, tại VN vẫn còn bàn luận về việc này. Công đồng Đông Dương năm 1934 gởi thư hỏi lại Toà Thánh về hôn phối của nguời tân tòng đã từng có nhiều vợ (ante conversionem plures habebat uxores,). Ngày 19/07/1938, Bộ Thánh Vụ trả lời:
a- Để hôn nhân thành sự không cần phải xin lại miễn chuẩn khác đạo cùng với văn bản cam kết giữ các điều kiện tối thiểu (ngưòi phối ngẫu được chọn không muốn theo đạo, unam ex illis non conversam accipit), vì năng quyền này đã được ban cho theo tông hiến “Altitudo”; nhưng trước khi Rửa tội, họ phải cam kết giữ các qui định của thiên luật (hôn nhân duy nhất, bất khả phân ly…) gồm cả các yêu cầu của hôn nhân khác đạo;
b- Buộc phải lặp lại lời cam kết hôn nhân theo hình thức luật định, khi nguời tân tòng đã từng có nhiều vợ, nay muốn chung sống với nguời vợ được Rửa Tội chung.
6- Công đồng Đông Dương năm 1934 thoả thuận là mỗi địa phận sẽ làm lại Directorium để hướng dẫn các linh mục thi hành mục vụ. Directorium của Tây Đàng Ngoài (Hà Nội) phát hành năm 1941. Cho đến nay, văn bản luật giáo phận Sàigòn trình bày chi tiết nhất về mục vụ hôn phối là “Directoire pour les Missions de la Cochinchine Occidentale et du Cambodge” hay “Directoire địa phận Saigòn, in 1922”; có nguời nói (Lm Mai đức Vinh Paris trong thèse “Les conseils paroissaux au Vietnam”): bản này in sau 1934 và ghi 1922 vì sao lại bản directoire cũ của các địa phận Đông Ấn (Pondichery 1922).
Bản Directoire của Pondichery 1922 qui định: “Khi hai vợ chồng ngoại giáo, đã kết hôn hợp pháp, đến xin được Rửa Tội, không được chia rẽ họ; sau Phép Rửa, không phải lặp lại lời camkết, cũng không đọc công thức “Ta kết hợp các con …” vì: “do Bí tích Rửa tội, hôn nhân không bị tan đi, nhưng tội lỗi được xá giải”. Nhưng nếu đôi vợ chồng xin, có thể chúc hôn cho họ trong Thánh lễ dành cho vợ chồng”. Thuật ngữ “bénédiction nuptiale intra Missam Sponsi et Sponsae”, áp dụng ở VN trong thực tế, có nghĩa là: có thể cử hành trọn vẹn nghi thức chứng hôn trong thánh lễ theo Phụng Vụ lễ cuới.
7- Bộ GL 1983, can. 1148,2 qui định phải chứng hôn lại cho nguời tân tòng đa thê (plures uxores simul habeat), kể cả việc phải xin phép miễn chuẩn nếu cần. Khi soạn thảo, có ý kiến cho rằng không cần thiết và không thích hợp cử hành lại vì hôn phối trước đây đã thành sự. Các thành viên uỷ ban soạn thảo đã biểu quyết với đại đa số tuyệt đối để giữ lại qui định này, với nhận định: “dù việc lặp lại lời cam kết hôn nhân không cần thiết, việc này vẫn thích hợp để việc chọn lựa của nguời chưa được Rửa Tội này được xác định”. Một lý do khác được ghi nhận là: thích hợp vì có thể không có một hôn nhân nào trước đó thực sự thành sự.
II. NHẬN ĐỊNH
1- Giáo luật chung, 1917 và 1983 (cann. 1055, 2; 1134; 1148), đều cố ý tránh không khẳng định, nhưng dùng cách nói để có thể suy luận chắc chắn là: hôn nhân tự nhiên của đôi vợ chồng tân tòng, sau phép Rửa, ipso facto trở thành bí tích. Do đó không cần thiết phải cử hành lại nghi thức hôn phối; nhưng cũng không cấm.
Có 1 trường hợp bắt buộc: khi hồ nghi nguời tân tòng này đa thê hay đa phu (can. 1148, 2), buộc phải cử hành lại nghi thức kết hôn, kể cả việc xin miễn chuẩn nếu cần.
Một trường hợp “tốt nhất nên làm”, khi nguời tân tòng đã từng có nhiều hôn phối trước đó (xem chú thích số 5).
2- Luật riêng giáo phận TPHCM không có tài liệu rõ ràng. Có cha sở quả quyết là Đức cha Cassaigne giải thích theo hướng không làm, nhưng không có lưu lại trong các tài liệu giáo phận của thời điểm này.
III. KẾT LUẬN THỰC HÀNH
1- Khi Rửa Tội cho đôi vợ chồng tân tòng, không cần phải chứng hôn lại; không cần xin miễn chuẩn các loại.
2- Buộc phải chứng hôn lại, nếu hồ nghi một trong hai nguời đa thê hay đa phu. Tốt nhất nên chứng hôn lại, nếu một trong hai nguời đã từng có nhiều hôn nhân.
3- Có thể chứng hôn lại nếu họ yêu cầu; kể cả việc cử hành bộ lễ cầu cho đôi vợ chồng, NHƯNG PHẢI THEO QUY ĐỊNH CỦA GIÁO PHẬN NẾU CÓ. Tốt nhất phải tham khảo ý kiến của vị Giám Mục của mình hay vị Đại diện tư pháp giáo phận.
HÔN NHÂN KHÁC ĐẠO
I. ĐẶC ÂN MIỄN CHUẨN
1- Đặc ân miễn chuẩn hôn nhân khác đạo (disparatus cultis) là đặc ân của vị Thường Quyền Sở Tại (Giám Mục Giáo Phận, LM Tổng Đại Diện), hay vị linh mục được ủy quyền, cho phép tiến hành hôn nhân theo Giáo Luật giữa một người Công Giáo và một người chưa Rửa Tội.
2- Đặc ân miễn chuẩn hôn nhân hỗn hợp (matrimoniis mixtis) là đặc ân của vị Thường Quyền Sở Tại cho phép tiến hành hôn nhân theo Giáo Luật giữa hai người đã Rửa Tội, nhưng một người thuộc một Giáo Hội Kitô không hiệp thông với Roma.
3- “Tình trạng hôn nhân hỗn hợp đòi các đôi vợ chồng cũng như các mục tử phải lưu tâm đặc biệt. Trong trường hợp hôn nhân khác đạo càng phải dè dặt hơn”. “Theo luật hiện hành của Giáo Hội La-tinh, hôn phối hỗn hợp chỉ hợp pháp khi có phép minh thị (expressa licentia) của giáo quyền; hôn phối khác đạo chỉ thành sự khi có miễn chuẩn minh thị (expressa dispensatio; GL 1086).
4- Hồ sơ cả hai loại đặc ân này dùng chung một mẫu đơn. Khi điền vào mẫu đơn, phải ghi rõ tôn giáo của bên không Công Giáo. Nếu bên không Công Giáo thuộc một Giáo Hội Kitô khác, phải ghi rõ danh xưng của Giáo Hội này, cộng đòan được Rửa Tội và cộng đoàn đang sinh hoạt.
II. ĐÔI HÔN PHỐI
1- Đôi hôn phối phải đích thân đến gặp cha xứ của mình để tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn. Nếu cả hai đều vắng mặt, phải có lý do chính đáng và sự cho phép bằng văn bản của vị Thường Quyền Giáo Phận.
2- Hồ sơ đăng ký tương tự như hồ sơ điều tra Hôn Phối bình thường; đôi hôn phối phải nộp cho cha xứ các hồ sơ kết hôn và định cư dân sự.
3- Hồ sơ đăng ký kết hôn nộp cho linh mục chính xứ nhằm mục đích tìm hiểu và xác định khả năng kết hôn hợp lệ và khả năng sống đời vợ chồng theo quan điểm công giáo. Hồ sơ này gồm có:
1. Giấy chứng Rửa Tội và Thêm Sức mới cấp chưa quá sáu tháng; Hộ khẩu và chứng minh nhân dân (để nhận dạng nếu linh mục chính xứ chưa biết mặt); Giấy giới thiệu của cha xứ của mỗi đương sự, nếu ở giáo xứ khác chuyển đến về tình trạng độc thân của đương sự. Giấy chứng nhận nguời vợ đã chết không phải là giấy chứng nhận tình trạng độc thân.
2. Giấy đăng ký kết hôn dân sự. Hồ sơ kết hôn với người nước ngoài còn phải có thêm chứng từ về định cư hay nhập cư của đôi hôn phối.
3. Giấy chứng nhận đã học lớp giáo lý hôn nhân.
4- Theo luật hiện hành của giáo phận, không nhận đơn xin miễn chuẩn hôn nhân khác đạo hay hôn nhân hỗn hợp nếu một trong hai đương sự đang sống ở nước ngoài. Không nhận hồ sơ xin miễn chuẩn của người từ giáo xứ khác đến.
5- Không nhận đơn xin miễn chuẩn hôn nhân khác đạo nếu một trong hai đương sự đã có một hôn nhân tự nhiên, dù đã ly dị phần đời. Trong trường hợp này chỉ có thể xin đặc ân Phao-lô (theo đạo) hay đặc ân Phê-rô (đặc ân Giáo Hoàng để tháo gỡ hôn phối cũ) để kết hôn.
III. LINH MỤC TIẾN HÀNH HỒ SƠ HÔN PHỐI
1- Chỉ có linh mục chính xứ hay quản xứ có thẩm quyền tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn công giáo; linh mục phụ tá và các linh mục khác không có quyền tiến hành và ký hồ sơ hôn phối. Linh mục chính xứ có thề ủy quyền thường xuyên cho một linh mục phụ tá nhất định; có thể ủy quyền từng trường hợp, bằng văn bản, cho một linh mục khác.
2- Linh mục chính xứ có thẩm quyền và có bổn phận tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn công giáo là linh mục chính xứ của một trong hai đương sự. Giáo Luật cũ dành ưu tiên cho cha xứ bên nữ; hiện nay không còn phân biệt bên nam hay bên nữ, đôi hôn phối có thể tự do chọn một trong hai cha xứ. Linh mục chính xứ của một trong hai đương sự có thể ủy quyền cho một linh mục khác.
3- Linh mục chính xứ này là vị linh mục quản trị giáo xứ nơi một trong hai đương sự có gia cư hay chuẩn cư hay đã cư ngụ một tháng; nếu là những người phiêu cư, thì là giáo xứ nơi họ đang cư ngụ.
Qui định về hôn nhân tính theo giáo xứ đối địa hay đối nhân. Trong tổng giáo phận TPHCM chỉ có một giáo xứ đối nhân duy nhất là giáo xứ người Hoa do linh mục Huỳnh Trụ là cha xứ; tất cả các cộng đoàn khác đều theo luật đối địa.
Một người thuộc về một giáo xứ tính theo địa giới nơi họ cư ngụ, không tính theo nơi họ tham gia sinh hoạt mục vụ: nhận các bí tích, học giáo lý, tham gia ca đoàn hay một hội đoàn công giáo.
4- Những người không công giáo sống trong địa giới giáo xứ cũng thuộc trách nhiệm mục vụ của linh mục chính xứ. “Các vị chủ chăn, nhất là các Giám Mục và linh mục chính xứ, …. phải lo liệu để sứ điệp Tin Mừng đến tận những người không tin ở trong địa hạt mình, vì họ cũng phải được coi sóc về phần linh hồn không kém các tín hữu”. Khi một người không công giáo hay dự tòng, tân tòng muốn kết hôn theo giáo luật với một người công giáo, cha xứ sở tại của bên không công giáo vẫn phải tiến hành điều tra hôn phối và rao hôn phối.
Một người không công giáo có quyền theo học giáo lý dự tòng và xin nhận bí tích Rửa Tội tại bất cứ nơi nào, nhưng vẫn thuộc về giáo xứ nơi mình cư ngụ. Linh mục chính xứ của họ có quyền và có bổn phận dạy giáo lý và ban bí tích khi họ xin; một linh mục chính xứ khác có thể nhận nhưng không bó buộc. Linh mục ban bí tích Rửa Tội có bổn phận thông báo ngay cho cha xứ của người tân tòng để ghi vào sổ giáo xứ, nhưng không có quyền tự động tiến hành thủ tục và cử hành Hôn Phối mà không có ý kiến của cha xứ; trừ trường hợp nguy tử.
Theo thông lệ của hàng linh mục Việt Nam, khi Rửa Tội cho người tân tòng có dự định kết hôn, phải tiến hành Rao Hôn Phối trước đó nơi người này cư ngụ. Nếu Rửa Tội cho một đôi vợ chồng ngoài công giáo đã có hôn nhân dân sự, không phải Rao Hôn Phối, nhưng linh mục cử hành Rửa Tội vẫn có trách nhiệm điều tra để biết chắc không có ngăn trở; thông thường ngay sau Rửa Tội nên cử hành nghi thức cam kết và chúc lành hôn phối, dù không bó buộc.
Đối với hôn nhân hỗn hợp hay khác đạo, bên không công giáo, nếu hội đủ các điều kiện khác, có thể xin cha xứ sở tại tiến hành hồ sơ cho mình. Dù linh mục nào tiến hành hồ sơ, vẫn phải liên lạc với cha xứ của người này để điều tra và Rao Hôn Phối.
5- Vị Thường Quyền Giáo Phận có thể uỷ quyền cho bất cứ linh mục nào tiến hành thủ tục và cử hành nghi thức hôn phối, dù ngược hẳn ý của các cha xứ của hai đương sự.
“Nếu linh mục khác đã thực hiện những cuộc điều tra, chứ không phải linh mục chính xứ có quyền chủ trì hôn nhân, Ngài phải sớm hết sức báo cho linh mục chính xứ biết về kết quả những cuộc điều tra này, qua một văn bản chính thức”. Sau khi cử hành nghi thức, vị linh mục này phải ghi sổ hôn phối và thông báo cho các nơi liên hệ.
Đối với hôn nhân khác đạo hay hỗn hợp, vì là một “ân huệ” (gratia), đôi hôn phối không có quyền đòi vị Thường Quyền phải cho phép hay miễn chuẩn cho mình; không có quyền đòi linh mục chính xứ phải làm tiến hành hồ sơ và cử hành nghi thức hôn phối. Theo qui định của giáo phận, trong trường hợp các cha xứ liên hệ đều từ chối, linh mục hạt trưởng có thể tiến hành thủ tục xin đặc ân và cử hành nghi thức.
IV. ĐIỀU KIỆN ĐỂ XIN MIỄN CHUẨN
1- “Vị Thường Quyền sở tại có thể ban phép, nếu có lý do chính đáng và hợp lý; nhưng đừng ban phép ấy, nếu không hội đủ các điều kiện sau đây:
1. Bên công giáo phải tuyên bố mình sẳn sàng tránh mọi nguy cơ mất đức tin và thành thật cam kết sẽ làm hết sức để tất cả con cái được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và đuọc giáo dục trong Giáo Hội Công giáo.
2. Bên không công giáo phải được kịp thời thông báo cho biết những điều bên công giáo phải cam kết như trên, để thấy rõ bên không công giáothực sự ý thức về lời cam kết và nghĩa vụ của bên công giáo.
3. Cả hai bên phải được dạy cho biết về những mục đích và đặc tính chính yếu của hôn nhân mà không bên nào đuọc phép loại bỏ”.
“Muốn được phép hay được chuẩn, hai đương sự phải biết và chấp nhận những mục đích và đặc tính chính yếu của hôn nhân và bên công giáo xác nhận cam kết giữ đức tin của mình, bảo đảm cho con cái (được Rửa Tội và) giáo dục trong Hội Thánh Công Giáo, cũng phải cho bên không công giáo biết rõ những điều ấy”.
2- “Các vị Thường Quyền sở tại và những chủ chăn khác phải lo sao, cho bên công giáo và các con sinh ra không thiếu sự giúp đỡ thiêng liêng để họ chu toàn nghĩa vụ, và giúp đỡ đôi bạn thăng tiến sự hiệp nhất trong đời sống vợ chồng và gia đình”.
3- Theo qui định của giáo phận, hồ sơ miễn chuẩn do cha xứ tiến hành, trực tiếp gởi lên Toà Giám Mục và nhận lại; không nhờ chính hai đương sự đưa lên.
V. CỬ HÀNH NGHI THỨC HÔN PHỐI
1- Cử hành nghi thức hôn phối “thành sự” phải giữ như bí tích Hôn Phối về thừa tác viên chứng hôn và hai nhân chứng. Để cử hành thành sự, phải là một “nghi thức công khai nào đó”; cấm cử hành lén lút, không có nhân chứng.
Vị Thường Quyền sở tại có thể miễn chuẩn nghi thức giáo luật này trong từng trường hợp. Cùng với miễn chuẩn nghi thức giáo luật này hay chính miễn chuẩn hôn nhân hỗn hợp và khác đạo, vị Thường Quyền có thể thêm một điều khoản bó buộc nào đó; nếu điều khoản này không được tuân giữ, cử hành hôn nhân đó bất thành.
2- Nghi thức cử hành hôn phối phải theo bản văn và qui định của Phụng Vụ. Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ đề nghị, đối với người chưa Rửa Tội, bỏ câu “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần” trong khi trao nhẫn. Việc cắt bớt này chưa được Hội Đồng Giám Mục bàn tới, biểu quyết và xin phép Tông Tòa; đây chỉ mới là ý kiến riêng, dù hợp lý, của một số người.
3- Cấm cử hành một nghi thức kết hôn hay lặp lại lời cam kết theo một tôn giáo khác (cùng địa điểm), trước sau hay đồng thời với nghi thức hôn phối công giáo.
4- Nghi thức hôn nhân hỗn hợp không được cử hành trong thánh lễ, vì điều này đi ngược lại thần học bí tích Thánh Thể và Hôn Phối. Thánh Lễ là màu nhiệm hiệp thông ân sủng, màu nhiệm đức tin hiệp nhất các Kitô hữu. Hôn Phối là giao ước hiệp nhất giữa hai nguời nam nữ. Cử hành hôn nhân khác đạo trong thánh lễ là đề cao tối đa sự bất hiệp nhất căn bản của hai nguời trong chính ngày cuới.
Trong trường hợp đặc biệt, vị Thường Quyền sở tại có thể cho phép cử hành trong thánh lễ, nhưng để cho phép người không công giáo hiệp lễ phải theo các qui định của Thánh Bộ Phụng Tự và của HĐGM.
5- Theo qui định của Giáo Phận, nghi thức kết hôn, với miễn chuẩn hôn nhân khác đạo, không được cử hành trong thánh lễ; có thể cử hành Phụng Vụ Lời Chúa trước nghi thức kết hôn, nhưng không được để cho người ngoài công giáo đọc Lời Chúa. Đức TGM chưa từng cho phép cử hành nghi thức hôn phối này trong thánh lễ.
HÔN PHỐI NGOẠI KIỀU
Căn cứ vào Bộ Giáo Luật 1983, văn thư “Những qui định để cử hành hôn phối” của Toà Tổng Giám Mục ngày 30/03/1994 và qui định của Đức Giám Quản Nicôla Huỳnh Văn Nghi công bố trong dịp tĩnh tâm linh mục giáo phận 09/1995, thủ tục mục vụ đối với ngoại kiều muốn kết hôn với nguời công giáo trong giáo xứ:
1- Đôi hôn phối phải liên hệ với cha xứ trước ngày cuới tối thiểu là ba tháng (như hai nguời dân xứ), để điều tra hôn phối và chuẩn bị giáo lý, nếu không có vấn đề gì; thời gian cần nhiều hơn nếu có vấn đề cần giải quyết. Cha xứ có thể cho Rao hôn phối trước, dù một trong hai nguời chưa có mặt ở VN; nhưng không được nhận xác định ngày cử hành hôn phối, nếu chưa đầy đủ giấy tờ cần thiết.
2- Hồ sơ phải xuất trình trước ngày cử hành bí tích hôn phối gồm có:
– Hồ sơ dân sự: giấy kết hôn dân sự (không nhận giấy đăng ký kết hôn tự làm) và Visa nhập cảnh cho nguời ở Việt Nam (không nhận đơn xin Visa). Không cần có Visa bảo lãnh, nếu nguời ngoại kiều có giấy tờ dân sự chính thức tạm trú và Contrat lao động dài hạn tại TPHCM (xem như nguời thuộc giáo phận).
– Hồ sơ đạo: giấy chứng nhận tình trạng độc thân của đương sự do cha xứ ngoại quốc nơi nguời này cư trú; chứng thư Rửa Tội mới cấp chưa quá sáu tháng; giấy chứng nhận đã theo học giáo lý hôn nhân của giáo phận nơi cư trú hay giáo phận TPHCM Nếu người ngoại kiều thuộc Giáo Hội Công Giáo Pháp, hồ sơ tiền hôn phối của người này phải do Tòa giám mục của họ gởi cho tòa giám mục sở tại; kèm theo là văn bản Nihil Obstat của cả hai bên..
3- Cha xứ không nhận lo thủ tục kết hôn với miễn chuẩn: hôn nhân khác đạo, hôn nhân hỗn hợp, miễn chuẩn chất vấn…; không nhận làm thủ tục cho nguời thuộc giáo xứ khác.
Trường hợp có nghi vấn hay thắc mắc, xin liên hệ trực tiếp với Văn phòng Giáo luật của giáo phận để được xem xét cụ thể từng trường hợp.
Xin cho con hỏi, bài viết này của tác giả nào và từ nguồn nào vậy ạ! Con xin cám ơn!