Phụng Vụ Chư Thánh – Theo lịch Phụng Vụ Rôma
Tác giả: ENZO LODI
Nhóm dịch: Linh Mục hạt Xóm Chiếu
THÁNG MƯỜI
Ngày 1.10
THÁNH TÊRÊXA HÀI ĐỒNG GIÊSU, trinh nữ, bổn mạng các xứ truyền giáo (1873-1897)
Lễ buộc
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Chị Têrêxa Hài Đồng Giêsu qua đời tại tu viện Carmel ở Lisieux, ngày 30 tháng 9 năm 1897, được phong thánh năm 1925 ; từ đó lễ kính thánh nữ được mừng vào ngày 1 tháng 10. Thánh nữ được chọn làm bổn mạng thứ hai của nước Pháp, cùng với thánh Jeanne dArc, và bổn mạng các xứ truyền giáo, cùng với thánh Phanxicô Xavie.
Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu tên thật là Marie Françoise Thérèse Martin, sinh tại Alençon (Normandie, Pháp) ngày 02 tháng 01 năm 1873, con gái út của một gia đình đã có bốn cô con gái. Ông Louis Martin, cha cô, là một thợ sửa đồng hồ đã nghỉ việc ; bà Zélie Guérin, mẹ cô, gánh vác gia đình bằng việc trông coi một cửa hiệu đăng-ten. Bà qua đời khi Têrêxa chưa đầy năm tuổi.
Ông Martin cùng năm cô con gái dời đến ở Lisieux ; Têrêxa trở nên cô bé tính khí thất thường, bối rối và hay dằn vặt, lại được cha và các chị nuông chiều. Giáng sinh năm 1886, một cuộc “hoán cải” diễn ra nơi cô : những thái độ trẻ con và bối rối nơi cô biến mất ; cô đạt được sự trưởng thành lúc mới 14 tuổi. Cô xin vào sống trong tu viện Carmel ở Lisieux, tại đây đã có hai chị gái của mình đã là nữ tu. Cô được nhận vào dòng năm 15 tuổi với tên gọi là Têrêxa Hài Đồng Giêsu và Thánh-Nhan (Thérèse de lEnfant-Jésus et de la Sainte-Face). Têrêxa sống trong tu viện Carmel ở Lisieux được 9 năm, cho tới khi qua đời ; tu viện này có 25 nữ tu, tất cả đều già hơn chị rất nhiều, trừ hai người. Kinh Thánh – đặc biệt sách Diễm Ca và các sách Tin Mừng – và các thi ca thần bí của thánh Gioan Thánh Giá nuôi dưỡng linh đạo của chị nữ tu trẻ bây giờ đã sớm đạt tới một mức thánh thiện rất cao.
Năm 1893, chị Têrêxa được cử trông coi việc đào luyện các tập sinh, và năm 1894, mẹ Agnès yêu cầu chị viết hồi ký tuổi thơ của chị ; một năm sau, tập hồi ký này được xuất bản cùng với các bài viết khác của chị trong cuốn Tiểu Sử Một Tâm Hồn. Tác phẩm này về sau được in ra hàng triệu bản, vạch cho toàn thế giới một phương pháp nên thánh đơn sơ nhưng anh hùng, “con đường nhỏ”, và góp phần biến Lisieux thành một nơi hành hương được cả thế giới công giáo biết đến.
II. Thông điệp và tính thời sự
Các bản văn phụng vụ diễn tả khoa linh đạo siêu vời của thánh nữ Têrêxa, bắt đầu bằng Ca Nhập lễ, lấy ý tưởng trong Đệ Nhị Luật (32, 10-12) . . . “Tựa chim bằng giương cánh đỡ con và cõng trên mình, duy một mình Thiên Chúa dẫn dắt dân.”
a. Lời Nguyện của ngày lấy ý tưởng trong Mt 11, 25, cầu xin Thiên Chúa – Đấng mở cửa Nước Trời “cho những người bé mọn”– cho chúng ta “biết theo chân thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, bước đi trên con đường phó thác”.
Ngay từ 3 tuổi, Têrêxa đã hứa không bao giờ từ chối Chúa Giêsu điều gì ; giờ đây con đường chị đi đã dẫn chị tới chỗ dâng hiến đời sống làm lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa tình thương, qua sự bỏ mình và phó thác hoàn toàn. Đó là “con đường nhỏ” mà thánh nữ nói đến trong Tiểu Sử Một Tâm Hồn: “Con là tạo vật hèn mọn nhất, con biết sự khốn nạn và yếu hèn của con, nhưng con cũng biết các tâm hồn cao quí và quảng đại yêu thích làm điều thiện biết bao.
Vì vậy con nài xin Chúa, Đấng toàn phúc ở trên trời, xin nhận con làm con Chúa . . . Ôi Người Yêu của con, con nài xin Ngài ghé mắt đoái nhìn vô số những tâm hồn bé mọn; con nài xin Ngài thương chọn trong thế giới này một đạo binh những nạn nhân bé mọn đáng dược Ngài yêu thương.”
Điệp ca của bài Benedictus : “ . . . hãy trở nên giống trẻ thơ” làm vang lên Tin Mừng của thánh lễ (Mt 18, 1-4) : Thật, tôi bảo thật anh em: Nếu anh em không hoán cải và trở nên giống trẻ thơ . . . “Trẻ thơ” đối với thánh Têrêxa Lisieux là người “chấp nhận tất cả”, với thái độ vâng phục và phó thác của Người Đầy Tớ đau khổ (xem sách Isaia) không ngừng thưa lên : Này con đây ! Chương trình sống này đã có khi Têrêxa chọn tên mình lúc vào dòng Carmel : Têrêxa Hài Đồng Giêsu và Thánh-Nhan. Đủ loại thử thách không ngừng giúp thanh luyện chị và dẫn chị tới mức độ thánh thiện ngày càng cao hơn. Đời sống hằng ngày trong tu viện, “cái lạnh chết người”, tình trạng khô khan thiêng liêng, những cám dỗ về đức tin, những cơn đau do xuất huyết phổi . . . “Hồi ấy con không hề nghĩ phải chịu đau khổ rất nhiều để đạt sự thánh thiện …”, chị viết trong Tiểu Sử Một Tâm Hồn (Thủ bản A). Tất cả điều này làm chứng một tâm hồn thanh tịnh và mạnh mẽ phi thường, hoàn toàn phó thác cho tác động của Thánh Thần và hoàn toàn dâng hiến cho Tình Yêu nhân từ của Chúa. “Ôi, con yêu Chúa … . lạy Chúa .. con yêu Chúa !” là những lời cuối cùng của chị.
b. Lời Nguyện trên lễ vật gợi lên một khíab cạnh khác của hy tế thầm lặng trong “đời sống đơn sơ và can đảm” của thánh Têrêxa Lisieux. Chính vào lễ Chúa Ba Ngôi ngày 9 tháng 6 năm 1895, thánh nữ được Chúa soi sáng để hiến mình cho Tình Yêu nhân từ. Không lâu sau khi thực hiện cuộc dâng hiến này, khi bắt đầu con đường thánh giá, chị cảm thấy như có một “thương tích tình yêu” giống như hiện tượng in dấu thánh thần bí của thánh nữ Têrêxa Avila.
Têrêxa Lisieux ước muốn đón nhận và đáp lại tất cả các ơn gọi : “Con cảm thấy ơn gọi làm chiến binh, linh mục, tông đồ, bác sĩ, tử đạo”, với “ước muốn thực hiện mọi hành vi anh hùng nhất . . .” Thế rồi một ngày kia, khi đọc Thư 1 Côrintô, chị hiểu rằng “mọi ân điển hoàn hảo nhất cũng chẳng là gì nếu không có đức ái . . . Đức ái là con đường tuyệt hảo chắc chắn dẫn đến Thiên Chúa.” Sau cùng, đây là câu trả lời và là “sự yên nghỉ” đối với thánh Têrêxa: “Con hiểu rằng đức ái bao gồm mọi ơn gọi, đức ái là tất cả . . . Lúc đó, lòng tràn ngập niềm vui ngây ngất, con la lên : Ôi Giêsu, tình yêu của con . . . ơn gọi của con, cuối cùng con đã tìm ra, ơn gọi của con là tình yêu ! Vâng, con đã tìm ra vị trí con trong Hội Thánh. Ôi lạy Chúa, chính Chúa ban ơn gọi này cho con . . . trong lòng Hội Thánh, Mẹ của con, con sẽ là tình yêu . . . như thế con sẽ là tất cả . . .” (Thư thánh Têrêxa viết cho chị Maria Thánh Tâm, trong Bài đọc Giờ Kinh Sách).
c. Lời Nguyện sau hiệp lễ nhấn mạnh một tính cách đặc trưng khác của thánh Têrêxa, đó là niềm say mê “vì phần rỗi mọi người”. Sau khi qua cuộc kiểm tra theo giáo luật để tuyên khấn trong dòng (8 tháng 9 năm 1890), chị đã tuyên bố chị vào dòng Carmel để “cứu rỗi các linh hồn và nhất là để cầu nguyện cho các linh mục”. Năm 1895, chị được cử làm “chị linh hướng” cho một chủng sinh có ý hướng đi truyền giáo, thầy Bellière, và năm sau, thầy này có thêm một “anh linh hướng”, cha P. Roulland, thuộc Hội Truyền Giáo.
Tháng 11 năm 1896, chị làm tuần chín ngày kính thánh tử đạo Théophane Vénard († 1861) để xin ơn được đi truyền giáo ở Đông Dương, nhưng không lâu sau chứng xuất huyết phổi của chị tái phát. Chị trút hơi thở cuối cùng ngày thứ năm 30 tháng 9, 1897, lúc 7 giờ 20 tối, sau một cơn hấp hối kéo dài hai ngày.
Đức giáo hoàng Piô XI phong thánh cho chị này 17 tháng 5 năm 1925 tại Đại Thánh Đường Phêrô ở Rôma, và ngày 14 tháng 12 năm 1927, ngài công bố thánh nữ Têrêxa là bổn mạng tất cả các nhà truyền giáo, nam cũng như nữ, và của tất cả các xứ truyền giáo trên toàn thế giới. Ngày 3 tháng 5 năm 1944, Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố thánh Têrêxa là bổn mạng phụ của nước Pháp, ngang hàng với thánh nữ Jeanne dArc.
* * *
Ngày 2.10
CÁC THIÊN THẦN HỘ THỦ
Lễ buộc
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Lễ nhớ các Thiên Thần Hộ Thủ bắt nguồn từ năm 1411: một lễ được lập vào ngày này ở Valencia (Tây Ban Nha) để tôn kính vị thiên thần bảo vệ của thành phố. Năm 1590, Đức Giáo Hoàng Sixte V phê chuẩn cho Bồ Đào Nha một bản kinh phụng vụ riêng để kính các thiên thần hộ thủ, và năm 1608, Đức Giáo Hoàng Phaolô V qui định lễ này trong lịch Rôma phổ quát, mừng vào ngày đầu tiên không có lễ nào sau lễ thánh Micae. Vì thế lễ nhớ các thiên thần hộ thủ ngày nay mang ý nghĩa mở rộng lễ kính Tổng lãnh thiên thần Micae.
II. Thông điệp và tính thời sự
a. Với Lời Nguyện của ngày, chúng ta cầu xin Chúa – Đấng sai “các thiên thần gìn giữ chúng ta” – xin Người ban cho chúng ta “được ơn che chở của các ngài và niềm vui được sống với các ngài luôn mãi”.
Hai Bài đọc của thánh lễ (Xh 23, 20-23 và Mt 18, 1 . . . 10) làm nổi bật sứ mạng quan phòng của các thiên thần: Ta sai thiên thần Ta đi trước mặt ngươi, để gìn giữ ngươi trên đường . . . (Xh 23, 20); . . . Các thiên thần của họ ở trên trời hằng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy (Mt 18, 10). Đây là hai sứ mạng luôn đi đôi với nhau của các thiên thần : không ngừng chiêm ngưỡng nhan Chúa Cha và bảo vệ loài người trên mọi nẻo đường của họ.
b. Bài giảng của thánh Bênađô trong Bài đọc Giờ Kinh Sách mời gọi chúng ta có lòng thảo kính đối với các ngài : “Thế nên các ngài ở bên cạnh bạn, không chỉ ở với bạn mà còn vì bạn ; các ngài hiện diện để che chở bạn, cứu giúp bạn ; và tuy rằng các ngài làm việc này vì Thiên Chúa ra lệnh cho các ngài, nhưng chúng ta không được thiếu sót trong việc thảo kính đối với các ngài.” (Bài giảng về Tv 90).
c. Lời Nguyện sau hiệp lễ mời gọi chúng ta nhớ đến “con đường cứu độ và bình an” mà các thiên thần dẫn bước chúng ta đi. Sứ mạng này cũng được gợi lên trong Điệp ca 1 của giờ Kinh Sáng: “Chúa sẽ sai thiên thần của Người đến, để gìn giữ ngươi trên đường.” Câu xướng đáp của bài đọc giáo phụ lặp lại câu trích thánh vịnh 90 : “Người ra lệnh cho các thiên thần của Người gìn giữ bạn trên mọi nẻo đường của bạn.” Điệp ca của thánh thi Benedictus : “Chúa truyền cho các thiên thần của Người che chở những kẻ thừa hưởng Nước Trời” lấy cảm hứng từ Dt 1, 14 : “Nào tất cả các vị đó (thiên thần) không phải là những bậc thiêng liêng chuyên lo phụng thờ Chúa, được sai đi phục vụ để mưu ích cho những kẻ sẽ được thừa hưởng ơn cứu độ sao?”
Các bài đọc vắn cống hiến chúng ta nhiều ví dụ về sứ vụ của các thiên thần : một thiên thần được Thiên Chúa ban cho Ítraen (Xh 23, 20-21) ; các tông đồ được giải thoát khỏi nhà tù ở Giêrusalem (Cv 5, 17-20) ; thánh Phêrô được giải cứu khỏi nhà tù (Cv 12, 7) ; một thiên thần được sai đến với ông Cornêliô (Cv 10, 3-5) ; một thiên thần dâng lên Chúa các lời cầu nguyện của tất cả các thánh (Kh 8, 3-4).
Trong thánh thi Kinh Chiều, chúng ta ước nguyện được một thiên thần đang chiêm ngưỡng nhan Cha, “ghé xuống thăm / cầm than hồng chạm đến chúng ta ; / để môi miệng chúng ta dâng lời cảm ta, / và được thanh tẩy bằng ơn tha thứ.” Nếu các thiên thần trên trời lên xuống trên Con Người (Ga 1, 51), thì chúng ta, “những kẻ thừa hưởng Nước Trời”, nhờ đời sống phụng vụ ở dưới đất này, chúng ta có thể hợp tiếng với các thiên thần để thờ lạy Thiên Chúa bằng một bài ca ngợi khen duy nhất.
* * *
Ngày 4.10
THÁNH PHANXICÔ THÀNH ASSISE (1182-1226)
Lễ buộc
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Thánh Phanxicô Assise qua đời đêm mồng 3 rạng mồng 4 tháng 10 năm 1226 tại Assise, trong một túp lều ở Portioncule. Hai năm sau, 1228, ngài Đức Giáo Hoàng Grêgoire IX, bạn thân và vị bảo trợ của ngài, phong thánh. Năm 1939, ngài được Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố là bổn mạng nước Ý, cùng với thánh Catherine de Sienna.
Là con một nhà buôn vải giàu có, ngài sinh tại Assise (nước Ý) khoảng năm 1181 và được đặt tên là Gioan. Cha ngài, ông Pietro di Bernardone, rất có thiện cảm với nước Pháp sau các cuộc hành trình đến đó, nên đã dạy ngài tiếng Pháp và những bài hát của các người hát rong thời đó. Vì vậy cậu bé Gioan được biệt danh là Francesco (nghĩa là người Pháp).
Sau một thời trẻ vô tư và thích mạo hiểm, ngài tham gia cuộc chiến của Assise chống lại miền Perugia. Bị bắt làm tù binh, ngài bị giam cầm trong một năm (1202-1203). Năm 1205, ngài đăng ký gia nhập đội quân giáo hoàng của Gautier de Brienne và tham gia vào một cuộc viễn chinh. Nhưng một giấc mộng đã đưa ngài trở về Assise và ngài quyết định “theo chủ (Giê-su) hơn theo tớ (Gautier de Brienne).
Từ đó càng ngày ngài càng chuyên chăm hơn vào việc cầu nguyện và bố thí. Năm 1205, ở Saint-Damien, ngài nghe tiếng Chúa Giêsu trên thánh giá nói với ngài: “Phanxicô, hãy đi trùng tu lại ngôi nhà thờ đổ nát của Ta.” Từ giã bạn bè và gia đình sau khi bị gia đình kiện cáo, Phan-xi-cô sống ẩn dật trong ba năm để chờ đợi một luồng ánh sáng.
Cuối cùng, ngày 24 tháng 1 năm 1209, lễ thánh Mátthias, khi nghe bài Tin Mừng (Mt 10, 1-9) trong nhà thờ Đức Mẹ Các Thiên Thần, ngài hiểu rằng những lời Chúa Giêsu khuyên các môn đệ trong cuộc truyền giáo cũng là những lời khuyên cho ngài. Từ đó ngài sống một cuộc đời phiêu bạt và nghèo khó để rao giảng cho mọi tạo vật tin mừng cứu độ. Bằng lối sống này, ngài đã qui tụ được những môn đệ đầu tiên mà ngài gọi là “những Anh em hèn mọn”, nghĩa là những người thấp hèn nhất. Đó là những thanh niên đã từ bỏ mọi sự, đi khất thực, công bố Lời Chúa, hoà giải các địch thù, rao giảng sự sám hối và phép Thánh Thể . . .
Năm 1210, nhóm nhỏ này–gồm 12 người, trong đó có Bernard de Quintavalle–cùng đi đến Rô-ma. Đức giáo hoàng Innôcentê III phê chuẩn bằng miệng bộ luật đầu tiên, rất đơn giản, do thánh Phanxicô soạn. Các anh em ngài từ nay có thể mang Tin Mừng đến khắp thế giới. Pax et bonum (bình an và tốt lành) là châm ngôn của các ngài. Lý tưởng của các ngài là Tin Mừng nguyên tuyền : tình yêu say đắm đối với Chúa Kitô, nghèo khó hoàn toàn, gần gũi với thiên nhiên, dịu dàng với mọi người . . .
Năm 1212, ngài cùng chị Clara Assise lập Dòng Nhì Phanxicô, gọi là dòng Clarít, rồi ngài tìm cách tham gia đạo quân thập tự chinh nhằm cải hoá người Hồi giáo ở Syria, nhưng không thành công ; tàu chở ngài bị đánh dạt vào bờ. Sau đó, ngài định đi Tây Ban Nha để cải hóa người Maures, nhưng rồi bị bệnh phải trở về Ý. Năm 1215 có tổng tu nghị đầu tiên của Dòng Anh em hèn mọn, và thánh Phanxicô sau khi hoàn tất tổ chức của Dòng, đã gửi những Anh em đầu tiên ra nước ngoài.
Năm 1217, ngài tìm cách đến Pháp nhưng không thành, và năm 1219, người nghèo Poverello sang Ai Cập và gặp giáo trưởng Hồi giáo. Trở về nước Ý, năm 1221 ngài lập Dòng Ba Sám hối. Vào dịp tổng tu nghị ở Nattes, ngài soạn bộ luật thứ hai cho các Anh em hèn mọn, rồi năm 1223, bộ luật thứ ba, được Đức giáo hoàng Honoriô III phê chuẩn.
Vẫn trong năm 1223, vào dịp lễ Giáng Sinh, trong một hang đá ở Greccio, ngài trưng bày một hang đá sống động Chúa Giáng Sinh. Năm sau, ngày 14 tháng 9 năm 1224, trên núi Alverne, ngài được ghi các dấu thánh của Chúa chịu nạn. Sau đó, khi trở về Assise, ngài ngã bệnh nặng và gần như bị mù. Giữa những đau đớn ghê gớm, ngài sáng tác Bài Ca Mặt Trời, và tối trước ngày ngài mất, ngài soạn Chúc Thư trong đó ngài diễn tả nỗi luyến tiếc thời nguyên thuỷ. Sức lực cạn kiệt, thánh Phanxicô tắt hơi thở khi mới bốn mươi lăm tuổi, mình trần nằm trên nền nhà Portioncule của ngài, miệng vẫn hát lên thánh vịnh 141: Voce mea ad Dominum clamavi (Con cất tiếng kêu lên cùng Chúa).
Thi hài ngài được an táng tại vương cung thánh đường nổi tiếng San Francesco mà Anh Êlie, người kế vị ngài, cho xây tại Assise (1228). Các giai thoại cuộc đời ngài thường xuyên được vẽ lại qua các thế kỷ. Chúng ta nhắc đến một số tác phẩm như Ông Thánh cho thấy các Dấu thánh (vô danh, Louvre) ; Thánh Phanxicô suy niệm trước một cái sọ người (Murillo, Séville, và le Greco, Pau) ; Thánh Phanxicô và Chúa Chịu Đóng Đinh (Le Caravage, Harford) ; Phép lạ Hoa hồng (Rubens, Lille) ; Khúc hoà tấu Thiên thần (Rubens, Anvers).
II. Thông điệp và tính thời sự
Các lời nguyện của thánh lễ vẽ lại những nét đặc trưng của thánh Phanxicô, đã được phác họa trong Ca Nhập lễ: “Thánh Phanxicô Assise, người của Chúa, đã lìa bỏ nhà cửa, gia nghiệp, để kết hôn với Chị Nghèo Khó; và Chúa đã nhận ngài vào phục vụ Người.”
a. Lời Nguyện của ngày nhắc nhớ “đời sống khiêm hạ và nghèo khó” của thánh Phanxicô, “hoàn toàn nên giống Chúa Kitô”. Thomas de Celano làm chứng : “Vì rất khiêm hạ, ngài đầy lòng nhân hậu với mọi người và biết hoà hợp với tính khí của mỗi người. Là vị người thánh thiện nhất trong chư thánh, ngài tỏ ra là một người anh em giữa những kẻ tội lỗi.” (Tiểu Sử thánh Phanxicô).
b. Lời Nguyện trên lễ vật gợi ra “mầu nhiệm thập giá mà thánh Phanxicô đã ôm ấp suốt đời mình.” Tháng 8 năm 1224, lúc ấy đang trên núi Alverne, sống đời ẩn dật, cầu nguyện và chay tị tịnh, thánh Phanxicô đã xin Chúa cho mình được chia sẻ tình yêu và sự đau khổ của Chúa. Thế là, vào dịp lễ Suy tôn Thánh giá, trong lúc ngài cầu nguyện, thiên thần Sêraphim hiện ra mang cho ngài ảnh Chúa chịu đóng đinh. Từ đó, hai bàn tay, cạnh sườn và hai bàn chân của ngài được in những dấu thánh cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô, cho tới khi ngài mất. Vì vậy chúng ta cầu nguyện trong Thánh thi của Kinh Chiều : “Anh Phanxicô, những dấu đinh của thập giá nặng nề đã nhập vào thân thể anh ! Ước chi mỗi người chúng tôi được đi đến tột cùng sức lực mình, và chịu đau khổ hoàn toàn vì tình yêu Chúa !”
c. Lời Nguyện sau hiệp lễ diễn tả “đức ái của thánh Phanxicô và tâm hồn tông đồ quảng đại của ngài.”
Được tình yêu Chúa Kitô thu hút cũng mạnh như sự quan tâm đối với phần rỗi đồng loại, thánh Phanxicô đặt nền tảng cho tất cả công cuộc cải cách của mình trên đức khiêm nhường. Ngài viết cho anh em trong dòng : “Chúng ta không bao giờ được muốn trổi hơn người khác, nhưng phải ước muốn làm đầy tớ và lụy phục mọi người vì Thiên Chúa.” (Bài đọc Giờ Kinh Sách).
Dòng của ngài có được sức mạnh để phục hưng hàng giáo sĩ triều và canh tân lòng yêu mến Phúc âm giữa giáo dân, đó là nhờ sự thánh thiện của các Anh em hèn mọn: “Chúng ta không cần phải là những người khôn ngoan hay thông thái theo xác thịt; nhưng chúng ta phải là những người đơn sơ, khiêm nhường và thanh tịnh.” (sđd). Ngài nhắc lại những giá trị nòng cốt của Tin Mừng : “Với tất cả những người sống trên thế giới này, chúng ta hãy sống bác ái và khiêm nhường”, theo gương Chúa Kitô, “Đấng vốn giàu có trên hết mọi sự, nhưng đã muốn cùng với Mẹ thánh Người, chọn sự nghèo khó trên hết.”
Với đức khiêm nhường và nghèo khó, lòng yêu mến Chúa Kitô, loài người và tạo vật, thánh Phanxicô là một trong những vị thánh nổi danh nhất và được yêu mến nhất trên toàn thế giới.
* * *
Ngày 6.10
THÁNH BRUNO
Linh mục (khoảng 1035-1101)
Lễ nhớ
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Thánh Brunô, đấng sáng lập dòng Chartreux, qua đời ngày 6 tháng 10 năm 1101 trong sa mạc La Torre, thuộc vùng Calabria (nước Ý). Tuy ngài không hề được phong thánh chính thức, nhưng lễ nhớ ngài được đưa vào phụng vụ địa phương của dòng Chartreux năm 1514 bằng phép miệng của Đức giáo hoàng Lêô X, rồi được đưa vào phụng vụ Rôma năm 1584 và cuối cùng được đưa vào các sách phụng vụ Rôma, qua một sắc lệnh của Thánh Bộ Lễ Nghi năm 1623.
Sinh năm 1035 ở Cologne (nước Đức) trong một gia đình quí tộc, Bruno de Hartenfaust bắt đầu đi học tại trường Thánh Cunibert ở Cologne, sau đó học trường nổi tiếng của nhà thờ lớn Reims. Năm 1056, ngài trở thành hiệu trưởng và thầy dạy nổi tiếng của trường này. Sau khi thụ phong linh mục, ngài được bổ nhiệm làm kinh sĩ nhà thờ lớn và chưởng ấn của toà tổng giám mục. Chính trong thời kỳ này, ngài xuất bản hai tác phẩm Bình luận về các Thánh vịnh và các Thư thánh Phaolô.
Danh xưng Thầy Bruno được sử dụng cho tới cuối thế kỷ XV xứng với danh tiếng của “nhà hùng biện, thông thái trong mọi lãnh vực văn chương, tiến sĩ của các tiến sĩ . . .” Là người bênh vực cuộc cải cách Hội Thánh của Đức Giáo Hoàng Grêgoire VII, ngài dũng cảm chống lại thói buôn thần bán thánh và sự suy đồi đạo đức của hàng giáo sĩ.
Vì chống đối Tổng giám mục của mình là Manassès, một con người mại thánh và bất xứng, ngài bị vị này cất chức và tịch biên tài sản. Cuộc tranh chấp kết thúc với việc Tổng giám mục bị giáng chức, còn thánh Brunô thì ra đi với hai người bạn, đến ẩn dật tại tu viện Dòng Molesme, ở Sèche-Fontaine (Aube) năm 1083. Một năm sau, ngài cùng sáu người bạn đi đến Grenoble. Ngài được giám mục Hugues tiếp đón niềm nở và đưa tới vùng núi Chartreux (Isère), tại đây ngài lập dòng Chartreux (1084). Thế là thánh Brunô đã sáng lập một nếp sống tu dòng mới, gần giống với nếp sống do thánh Romualđô sáng lập : Các tu sĩ Chartreux sống đời ẩn tu, hiến mình cho công việc lao động đơn độc, chủ yếu là việc sao chép các sách, nhưng cử hành phụng vụ chung với nhau.
Năm 1088, Đức giáo hoàng Urbain II (Eudes de Châtillon), từng là học trò của Thầy Brunô ở Reims, mời thầy cũ của mình tới Rôma làm cố vấn. Ngài vâng lời, nhưng một ít thời gian sau, vì vẫn khao khát đời sống cô tịch và cầu nguyện, ngài rời giáo triều, về Calabre, trong sa mạc La Torre ; tại đây, ngài lập một tu viện mới, dưới sự bảo trợ của các vương công người Normand. Chính trong thời kỳ ẩn tu ở Sainte-Marie-de-La-Tour, ngài viết hai lá thư còn truyền lại tới thời chúng ta : một thư gửi bạn ngài là Raoul le Verd, đặc sứ giáo hoàng ở Reims, và một thư gửi cộng đoàn tu viện Grande-Chartreuse.
Thánh Brunô qua đời ngày chủ nhật 6 tháng 10 năm 1101, sau khi tuyên bố trước mặt các tu sĩ của mình lời tuyên xưng đức tin, trong đó ngài nhấn mạnh sự hiện diện thật của Đức Ki-tô trong phép Thánh Thể. Thi hài ngài được an nghỉ trong thánh đường tu viện Sainte-Marie-de-La-Tour. Các giai đoạn cuộc đời ngài được hoạ sĩ Le Sueur trình bày (1644 đến 1648); trong số các bức họa này, nổi tiếng nhất là Cuộc An Táng Thánh Brunô, tranh trưng bày tại Louvre.
II. Thông điệp và tính thời sự
Thiên Chúa đã kêu gọi thánh Brunô phụng sự Người “trong nơi thanh vắng” (Lời Nguyện của ngày). Thật vậy, từ khi ở trong rừng Sèche-Fontaine, nơi thánh Robert Molesmes đã hướng dẫn ngài vào đời ẩn tu, thánh Brunô đã luôn tìm kiếm sự thanh vắng để hiến mình cho Thiên Chúa qua việc chiêm niệm và sám hối.
Trong lá thư viết cho bạn ngài là Raoul le Verdi, thánh Brunô ca ngợi đời sống ẩn tu như sau : “Về lợi ích và niềm vui mà sự thanh vắng đem đến cho những ai yêu mến nó, chỉ những người đã trải qua kinh nghiệm này mới biết được . . . Thật không thể tả nổi ngày lễ vĩnh cửu này, khi người ta đã nếm cảm trước những hoa quả của thiên đàng. Chúng tôi chỉ lo cho linh hồn mình, và giữa những cuộc chiến đấu vì Thiên Chúa, chúng tôi nếm cảm được sự bình an mà thế gian không biết đến, và niềm vui của Thánh Thần.”
Giờ Kinh Sách cho chúng ta đọc lá thư thánh nhân viết năm 1099 hay 1100 “cho các con cái Chartreux của ngài,” sau khi có cuộc thăm viếng của Đan phụ Landuin của họ tại tu viện của ngài ở Calabre. Lá thư này có thể coi như di chúc thiêng liêng của thánh Brunô cho con cái thiêng liêng mà ngài đã từ giã năm 1090 : “Qua những tường thuật chi tiết và rất an ủi của người anh em Landuin yêu quí của chúng ta, cha vui sướng biết được các con đã kiên quyết thế nào trong việc tuân giữ khôn ngoan và đáng ca ngợi thực sự : ngài đã kể cho cha về tình yêu thánh thiện của các con, lòng nhiệt thành không mỏi mệt của các con đối với tất cả những gì đụng tới sự trong sạch của quả tim và nhân đức . . . Cha vui mừng vì, mặc dù các con không thông thạo văn chương, nhưng Thiên Chúa toàn năng đã ghi khắc vào lòng các con không chỉ tình yêu mà thôi, mà còn sự hiểu biết luật thánh : thực vậy, các con chứng tỏ bằng việc làm điều các con yêu mến và hiểu biết. Vì các con thực hành sự vâng phục hết sức chuyên cần và nhiệt tình . . . Điều này cho thấy rõ ràng các con đón nhận với sự khôn ngoan hoa quả tuỵêt hảo và sống động của Lời Chúa.” Đối với thánh Brunô, mục đích của Kinh Thánh là thông truyền sự sống, và hoa quả đầu tiên của Kinh Thánh là việc thi hành vâng phục, nguồn mạch của sự hoàn thiện đích thực. Đức Giáo Hoàng Piô XI đã viết rất hay về thánh nhân : “Thiên Chúa đã chọn thánh Brunô, con người thánh thiện tuyệt vời, để làm cho đời chiêm niệm sáng ngời vẻ tinh tuyền nguyên thuỷ của nó” (Hiến pháp Umbratilem).
* * *
Cùng Ngày 6.10 (Ở Canađa)
CHÂN PHƯỚC MARIE-ROSE DUROCHER
Nữ tu, (1811-1849)
Lễ nhớ
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Eulalie Durocher sinh ở Saint-Antoine-sur-Richelieu, Québec, ngày 6 tháng 10, 1811, là con gái út của một gia đình mười người con. Sau khi theo học ở trường các Sơ của Tu hội Đức Bà ở Saint-Denis và ở Montréal, cô thiếu nữ này có ý hướng sống đời tu trì, nhưng phải từ bỏ ý muốn này vì thiếu sức khoẻ.
Khi mẹ mất, Eulalie được mười chín tuổi ; cô ở lại với gia đình một thời gian trước khi đến giúp anh Théophile của mình, lúc ấy đang là cha xứ. Cô ở với anh trong mười hai năm, giúp đỡ anh nhiều việc, đặc biệt chăm lo cho các cha già yếu, các người nghèo và bệnh nhân. Cô cũng được bổ nhiệm làm bề trên các chị em Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, một tu hội được thiết lập ở Beloeil do các tu sĩ Dòng Tận Hiến của Đức Mẹ Vô Nhiễm (Oblats de Marie Immaculée).
Tháng 10 năm 1843, ở Longueil, chị Eulalie lập Tu hội Các Chị Em Danh Thánh Chúa Giêsu và Đức Maria để lo việc giáo dục tôn giáo cho trẻ em ; chị lấy tên là Sơ Marie-Rose. Khi qua đời, ngày 6 tháng 10 năm 1849, chị mới 38 tuổi, tu hội trẻ của chị đã có 29 chị khấn dòng, 7 tập sinh, 7 thỉnh sinh và 4 trường học.
Mẹ Marie-Rose được Đức Giáo Hoàng Gioan–Phaolô II phong chân phước ngày 23 tháng 5 năm 1982.
II. Thông điệp và tính thời sự
a. Chân phước Marie-Rose Durocher, với châm ngôn “Giêsu và Maria, sức mạnh và vinh quang của tôi”, “đã được nghĩa trước mặt Thiên Chúa, vì thánh nữ thuộc dòng giống những người tìm kiếm Thiên Chúa.” (Ca Nhập lễ). Hiền từ và vui vẻ, đơn sơ, duyên dáng, đầy nhiệt thành và giàu ý chí, theo các nhà chép tiểu sử, chị đã tìm kiếm Thiên Chúa qua việc cầu nguyện không ngừng cũng như thực hành khiêm nhường và bác ái. Trung thành với Phúc Âm, yêu mến Phép Thánh Thể và Đức Mẹ, cầu nguyện theo phương pháp của thánh Inhaxiô Loyola, là nền tảng của đời sống thiêng liêng và khoa linh đạo của Tu hội ngài.
Đức cha Bourget, giám mục Montréal, người đã phê chuẩn việc lập Tu hội của Mẹ Marie-Rose, đã viết : “Bác ái là nhân đức mẹ ưa thích nhất.” Thực vậy, tu hội mới này chăm lo trước hết cho “các tâm hồn bị bỏ rơi nhất”, vì “Thiên Chúa muốn có một tu hội được lập để chăm lo giáo dục tôn giáo cho trẻ em nghèo khổ và bị bỏ rơi nhất.” (Sử Biên Niên của Tu hội). Lời Nguyện nhập lễ làm nổi bật “đức ái nồng cháy và niềm khao khát cộng tác vào sứ mạng của Hội Thánh, trong tư cách nhà giáo dục”, là điều Chúa đã đốt cháy lên trong lòng chân phước Marie-Rose.
b. Thánh vịnh 22 ca ngợi tinh thần phó thác luôn sống động trong con người Mẹ Sáng Lập Tu Hội các Chị Em Danh Thánh Chúa Giêsu và Đức Me : Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi không thiếu thốn gì . . . Lạy Chúa, dù đi qua thung lũng tử thần, con cũng không khiếp sợ, vì Chúa ở cùng con. Mẹ Durocher không ngừng khuyên nhủ các chị em nữ tu của mình: “Chúng ta hãy cầu nguyện, chịu đau khổ và tin tưởng phó thác.”
Trong Tu hội bị đe dọa do một số đề nghị ác ý và những lời vu khống Tu hội, Mẹ Sáng Lập đã viết: “Mẹ hi vọng Thiên Chúa sẽ thương chúng ta. Mẹ thấy tình hình của chúng ta khá bi đát ; có vẻ đa số giáo dân trong giáo xứ đã bị xúi giục. Chúng ta cầu nguyện mỗi ngày để Chúa được vinh quang do những đau khổ của chúng ta và ban ánh sáng cho các bề trên của chúng ta trong tất cả chuyện này, và cho chúng ta lòng kiên nhẫn và vâng phục.”
Bài Tin Mừng thánh lễ mời gọi lòng tín thác : “ … Thầy là cây nho thật … Nếu anh em ở trong thầy, và lời thầy ở trong anh em, thì muốn gì anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý” (Ga 15, 1-8).
* * *
Ngày 7.10
ĐỨC MẸ MÂN CÔI
Lễ buộc
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Lễ nhớ Đức Mẹ Mân Côi bắt nguồn từ lễ Đức Mẹ Chiến Thắng do Thánh Giáo Hoàng Piô V thiết lập sau khi chiến thuyền Kitô giáo của Liên Minh Thần Thánh thắng trận tại vịnh Lépante ngày 7 tháng 10 năm 1571. Đức Giáo Hoàng Grêgoire XIII, năm 1573, đã qui định lễ này bắt buộc trong giáo phận Rôma và trong các huynh hội Mân Côi. Chỉ đến năm 1716, Đức Giáo Hoàng Clément IX mới ấn định lễ này trong lịch Rôma, cử hành vào Chúa Nhật thứ nhất trong tháng 10, để tạ ơn vì chiến thắng của hoàng tử Eugène chống lại quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Peterwardein, nước Áo.
Đức Thánh Giáo hoàng Piô V, trong chiếu thư Consueverunt ngày 19 tháng 9 năm 1569, đã định nghĩa chuỗi Mân Côi như sau : “Chuỗi Mân Côi hay Thánh Vịnh Đức Mẹ là một cách cầu nguyện dễ dàng và thích hợp cho mọi người. Đây là việc tôn kính Đức Trinh Nữ Maria bằng cách đọc một trăm năm mươi kinh Kính Mừng, theo con số các thánh vịnh của Đavít, chia thành từng chục kinh một với một Kinh Lạy Cha, đồng thời suy ngắm các mầu nhiệm về toàn thể cuộc đời Chúa Giêsu Kitô.”
Chuỗi Mân Côi (một từ cổ có nghĩa là “triều thiên kết bằng hoa”), hay Chuỗi Hoa Hồng hay Triều Thiên Đức Mẹ, đã có từ thời Trung Cổ. Các tín hữu –và trong các tu viện, các tu sĩ giáo dân hay các người sám hối– thường kết những vòng triều thiên bằng ngọc trai hay hoa hồng để đặt lên các tượng Đức Mẹ. Người ta cũng gọi là Thánh Vịnh Đức Mẹ. Vì không đọc được các thánh vịnh, họ thay thế trước tiên bằng các kinh Lạy Cha, rồi cũng bằng các kinh Kính Mừng, với con số lên tới một trăm năm mươi kinh, để tôn kính các thánh vịnh của Đavít. Được các tu sĩ dòng Đa-minh phổ biến, việc sùng kính này đã phát triển đặc biệt ở thế kỷ 15, nhờ cha Alain de la Roche (1424-1475), một tu sĩ Đa-minh gốc Bretagne và là vị sáng lập Huynh hội Đức Mẹ vàThánh Đa-minh tại Douai năm 1470. Từ cảm hứng của huynh hội này, đã phát sinh “Huynh hội Mân Côi”, được lập ngày 8 tháng 12 năm 1475.
Cho tới ngày nay, việc rao giảng Chuỗi Mân Côi vẫn còn là một trong các hoạt động tông đồ chính của Dòng Đa-minh, với các Huynh hội Mân Côi, Hội Hành hương Mân Côi hằng năm tới Lộ Đức, Nhóm Mân Côi …
II. Thông điệp và tính thời sự
a. Lời Nguyện của ngày lặp lại lời nguyện cũ của ngày lễ Truyền Tin : “Lạy Chúa là Cha chúng con, xin ân sủng Chúa đổ tràn tâm hồn chúng con ; nhờ lời thiên thần truyền tin, Chúa đã cho chúng con nhận biết Con Chúa nhập thể. Nhờ cuộc khổ nạn và thập giá của Người, và nhờ Đức Mẹ trợ giúp, xin Chúa dẫn chúng con đạt tới vinh quang phục sinh.” Điều quan trọng là nhận ra hướng Kitô học của các mầu nhiệm Mân Côi vào một thời đại mà kinh nguyện không luôn qui hướng về phụng vụ và khoa thánh mẫu học vẫn còn là và chủ yếu là một lòng sùng mộ hay một thần học của quả tim. Cùng những mầu nhiệm này – vui, thương, mừng – được gợi lên trong các điệp ca Giờ Kinh Sáng (Chúa Giê-su sinh ra, tình mẫu tử thiêng liêng của Mẹ Maria dưới chân thập giá, Đức Mẹ lên trời) và các điệp ca Giờ Kinh Chiều (truyền tin, Đức Mẹ dưới chân thập giá, niềm vui của Đức Mẹ khi Con Ngài phục sinh). Vì thế ta có lý để gọi chuỗi Mân Côi là “tóm tắt toàn bộ Tin Mừng” (Xem Marialis Cultus, 42).
b. Qua Lời Nguyện trên lễ vật, chúng ta cầu xibbn để khi cử hành những mầu nhiệm của Con Một Chúa, “chúng ta được trở nên xứng đáng hơn với lời hứa của Người”. Mẫu mực của chúng ta là Đức Mẹ, mà điệp ca của bài Magnificat gợi lên: Đức Maria ghi nhớ tất cả những lời ấy và suy niệm trong lòng.
c. Lời Nguyện sau hiệp lễ nhắc nhở chúng ta rằng, cũng giống như Thánh Thể, Kinh Mân Côi là lời loan báo sự chết và sống lại của Chúa Giêsu. Khi nhờ kinh nguyện và việc suy ngắm, kết hợp với các mầu nhiệm nhập thể, chết và sống lại của Chúa Kitô, chúng ta sẽ được trở nên xứng đáng “tham dự vào vinh quang phục sinh.”
c. Giờ Kinh Sách – qua bài đọc của thánh Bênađô– nhấn mạnh những lợi ích của việc suy ngắm các mầu nhiệm cứu độ mà chúng ta chiêm ngưỡng khi đọc kinh Mân Côi: “Ngôi Lời đã làm người, và cư ngụ giữa chúng ta. Người chắc chắn cư ngụ trong tâm hồn chúng ta bằng đức tin, Người cư ngụ trong trí nhớ của chúng ta, trong tư tưởng chúng ta, và Người ngự xuống tận trong trí tưởng tượng của chúng ta . . . Thiên Chúa, Đấng chúng ta không thể hiểu nổi và không thể đến được, nay đã muốn cho loài người có thể hiểu được Ngài, cho loài người có thể thấy được Ngài, cho loài người có thể nắm bắt được Ngài nhờ tư tưởng. Bạn tự hỏi : Bằng cách nào ? Chắc chắn bằng việc ngài nằm trong máng cỏ, đặt mình trong lòng đức Trinh Nữ, giảng trên núi, cầu nguyện thâu đêm; cũng như chịu đóng đinh trên thập giá . . . và cuối cùng bằng việc sống lại ngày thứ ba, và cho các Tông đồ xem các dấu đinh của mình. . . Suy ngắm những biến cố này là chính sự khôn ngoan, và tôi cho rằng trí thông minh đích thực hệ tại việc gợi nhớ lại sự dịu dàng của những biến cố ấy . . . sự dịu dàng mà Đức Maria đã kín múc dồi dào từ trên trời, để đổ xuống cho chúng ta.” (Bài giảng của thánh Bênađô).
Sau cùng chúng ta có thể nhớ lại lời khích lệ này của Đức Phaolô VI: “Bản chất việc đọc kinh Mân Côi đòi hỏi nhịp điệu phải chậm rãi và có thời gian thư thả, để người lần chuỗi có thể suy ngắm sâu xa về các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu được nhìn qua Trái Tim của Đấng gần gũi nhất với Chúa” (Marialis Cultus, 47).
Ngày 9.10
THÁNH DENIS
Giám mục, và các bạn, tử đạo, († 250)
Lễ nhớ
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Thánh Denis, giám mục tiên khởi của Paris, được mừng kính chung với hai bạn tử đạo của ngài là thánh Rustique và Éleuthère ; ngài chịu tử đạo gần Paris – ở Montmartre hay ở Saint-Denis – khoảng năm 250. Đức Venance Fortunat, giám mục thành Poitiers († khoảng 600) làm chứng việc sùng kính thánh nhân đã lan xa tới tận Bordeaux, và lễ nhớ ngài được biết đến tại Rôma từ thế kỷ IX, và được ấn định mừng vào ngày 9 tháng 10 trong Sách Tử đạo của thánh Hiêrônimô.
Thánh Gregoire thành Tours (khoảng 538-594), trong sách Lịch Sử Dân Francs (I, 30), kể rằng, vào khoảng năm 250, dưới thời hoàng đế Decius, thánh giáo hoàng Fabianô sai bảy giám mục đi truyền giáo cho đất Gaule. Các vị này được chia đi các nơi như sau : Gatien đến Tours ; Trophime đến Arles ; Paul đến Narbonne ; Saturnin đến Toulouse ; Austremoine đến Auvergne ; Martial đến Limoges và Denis đến Lutèce (Paris). Thánh Grégoire viết: “Thánh Denis, sau khi chịu biết bao đau khổ vì danh Chúa Kitô, đã hoàn tất đời mình dưới lưỡi gươm.” Bức tranh mô tả thánh nhân bị chém đầu và cầm lấy chiếc đầu của mình theo như một truyền thuyết kể lại : sau khi bị chém đầu, thánh tử đạo đứng dậy rồi đưa hai tay ôm lấy chiếc đầu của mình. Vào thế kỷ V, tại Catulliacus (nay là thành phố Saint-Denis), thánh nữ Geneviève đã cho xây một ngôi thánh đường tu viện trên phần mộ vị thánh bổn mạng của Paris này. Và vào thế kỷ VII, vua Dagobert cho trùng tu lại ; ngôi thánh đường này đã trở thành khu nghĩa trang của các vua nước Pháp.
II. Thông điệp và tính thời sự
Lời Nguyện của ngày nhắc chúng ta nhớ đến cuộc tử đạo của “thánh giám mục Denis và các bạn tử đạo”. Cuộc hy sinh của các ngài đã xây dựng nên Hội Thánh ở Paris cách nay mười bảy thế kỷ. Khi nhớ lại cuộc tử đạo của các ngài, chúng ta cũng nhớ đến nguồn gốc đức tin của chúng ta và tôn vinh Đức Kitô, Đấng Sáng Lập duy nhất của Hội Thánh. Chính Người đã làm cho máu các thánh tử đạo sinh hoa kết quả và làm cho các môn đệ của Người trở thành muối đất và ánh sáng thế gian (xem Tin mừng của ngày). Trong Phụng vụ Giờ Kinh Sách, thánh Ambrôsiô chú giải Thánh vịnh 118 như sau: “Mỗi ngày, bạn đều làm chứng nhân cho Chúa Kitô… Vì thế bạn hãy trung thành và can đảm trong những thử thách bên trong, để cũng chiến thắng trong những thử thách bên ngoài. Trong các cuộc thử thách bên trong, cũng có những vua chúa, những quan án có quyền lực kinh khủng. Việc Chúa Giêsu chịu ma quỉ cám dỗ là một ví dụ cho bạn về điều này.”
Thánh Denis là một vị thánh rất nổi tiếng, nhất là ở Pháp, nơi có nhiều làng mang tên ngài. Thành phố Paris chọn ngài làm thánh bổn mạng, và được ca tụng là một thành phố “có phước” trong một bài tán dương của vị cố vấn giám mục Giêrusalem ngày 3 tháng 10 năm 833: “Phước thay thành phố đang gìn giữ cái đầu thánh thiện và vinh quang và hài cốt quí báu của ngài–ngài vừa là một vị tử đạo, vừa là một nhà giảng thuyết và giám mục đáng ca ngợi–, cũng như hài cốt của các bạn ngài mà ngài đã giới thiệu với Thiên Chúa như những hiến tế tinh tuyền và toả ngát hương thơm ca tụng. Từ mảnh đất thấm đượm máu đào, vọt trào giòng nước sống để làm giãn khát những ai được niềm tin thúc đẩy đến kêu cầu ngài chữa lành các bệnh nhân của họ. Thực vậy, phước thay thành phố Paris ! Biết bao thành phố khác của nước Gaule rộng lớn hơn Paris, nhưng nó có thể hãnh diện vì có ngài, vị tiến sĩ đáng kính, một kho báu vinh quang hơn mọi của cải vật chất, một vị thánh quan thầy và bảo trợ. Thiên Chúa đã ban ngài cho Paris để ngài thánh hóa đoàn dân Kitô hữu và các khách hành hương, để ngài trở thành động lực thiêng liêng và nguồn mạch niềm vui sướng, không phải thứ vui sướng làm thoả mãn thể xác, tạo kiêu hãnh cho cung điện, là những thứ mau qua chóng tàn. Ngài là một thành luỹ kiên cố cho Paris…một pháo đài được bảo vệ bởi các đồn bót, các tháp canh, các ổ trọng pháo, tựa một bức chắn bằng sắt. Không, cái mang lại sức mạnh cho thành phố là sự thánh thiện của ngài và các bạn tử đạo của ngài.”
Khi mừng kính một trong những vị truyền đạo vĩ đại nhất của đất Gaule, chúng ta nhớ lại nguồn gốc đức tin của chúng ta, và chúng ta tôn vinh chính Thiên Chúa, Đấng kỳ diệu nơi các thánh của Người.
* * *
Cùng Ngày 9.10
THÁNH GIOAN LÉONARDI
Linh mục, (khoảng 1541-1609)
Lễ nhớ
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Lễ nhớ thánh Gioan Léonardi được cử hành vào ngày 9 tháng 10, là ngày ngài qua đời tại Rô-ma, năm 1609. Ngài được Đức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh năm 1938.
Gioan Léonardi sinh khoảng năm 1541 gần thành phố Lucca, nước Ý (Toscana). Ngài làm nghề dược tá trước khi vào chủng viện năm 26 tuổi. Bốn năm sau, ngài thụ phong linh mục, hiến mình dạy giáo lý cho thanh thiếu niên, đồng thời củng cố đức tin cho các tín hữu chống lại lạc giáo Tin lành đang là mối đe doạ cho sự duy nhất của Hội Thánh. Để đạt mục đích này, năm 1571 ngài sáng lập Hội Các Thầy Giảng Giáo Lý Kitô giáo. Sau đó, năm 1574, ngài lập một tu hội mới cho giáo sĩ, được Đức Giáo Hoàng Clément VIII phê chuẩn năm 1595, và sau này lấy tên là Tu Hội các Giáo Sĩ của Đức Mẹ Thiên Chúa. Bị bách hại tại chính thành phố của ngài, thánh Gioan Léonardi bỏ Lucca sang Rô-ma, được Đức giáo hoàng Grégoire XIII tiếp đón nồng hậu. Rất quan tâm tới việc rao giảng Phúc Âm cho các nước xa xôi, ngài cộng tác với đặc sứ tòa thánh ở Tây Ban Nha là Đức cha Jean-Baptiste Vivès, và đặt nền móng cho Chủng viện Truyền Bá đức tin, nhằm đào luyện các linh mục bản xứ (1603). Tuy nhiên, khi Đức Giáo Hoàng Urbain VIII năm 1627 thiết lập chính thức Đại học Truyền Bá đức tin Urbain, thì thánh Gioan Léonardi đã không còn nữa. Ngài chết vì nhiễm bệnh trong khi chăm sóc cho các bệnh nhân bị dịch bệnh tại Rôma.
II. Thông điệp và tính thời sự
Lời Nguyện của ngày gợi lên lòng nhiệt thành truyền giáo của thánh Gioan Léonardi : xin cho “Tin Mừng được loan báo cho mọi dân mọi nước.”
Giờ Kinh Sách đọc một lá thư thánh Gioan Léonardi viết cho Đức Giáo Hoàng Phaolô V (1605-1621) là vị giáo hoàng trông coi việc áp dụng các sắc lệnh của công đồng Trentô: “ . . . Các hồng y, các giáo chủ, tổng giám mục, giám mục và linh mục là những người trực tiếp chăm lo cho các linh hồn. Phải tuyệt đối lo sao để các ngài có đủ tư cách để được trao phó trách nhiệm cai trị đoàn chiên Chúa một cách an toàn. Nhưng chúng ta cũng phải để ý đến các bề trên, cho tới những bề dưới của các cấp lãnh đạo và cho tới những người thấp nhất ; thực vậy, chúng ta không thể không quan tâm tới những người có trách nhiệm bắt đầu việc phục hưng nền đạo đức của hàng giáo sĩ.” Trong thực tế, mọi cuộc canh tân phải bắt đầu từ cấp lãnh đạo trước tiên : “Chính các ngài (cấp lãnh đạo) phải nêu gương sáng cho những người cần cải cách, phải trở thành gương sáng về mọi nhân đức và thành đèn sáng đặt trên giá đèn ; các ngài phải chiếu sáng . . . bằng đời sống hoàn hảo và hạnh kiểm mẫu mực.” Một điều kiện khác để cuộc cải cách Hội Thánh được hiệu quả, đó là việc giáo dục Kitô giáo cho trẻ em và thanh niên : “Tuyệt đối không được bỏ qua điều gì, để các trẻ em, từ tuổi thơ dại nhất, đuợc giáo dục trong đức tin Kitô giáo tinh tuyền và hạnh kiểm thánh thiện.” Trong mục tiêu này, thánh Gioan Léonardi đã lập tại Lucques Tu Hội các Giáo Sĩ của Mẹ Thiên Chúa, chăm lo việc giáo dục Kitô giáo cho các thanh niên và người lớn về giáo lý và bí tích, đặc biệt bí tích Hoà giải.
Năm 1596, Đức Giáo Hoàng Clément VIII cử thánh Gioan Léonardi lo việc cải cách các thày dòng ở Mont-Vierge (Campania) và năm 1601, lo việc cải cách dòng Vallombreuse (Toscana).
Là con nguời đầy lòng bác ái, luôn có mặt bên các bệnh nhân và nguời nghèo, ngài đã qua đời sau khi bị bệnh nhiễm dịch vì lo săn sóc người bệnh. Thánh Philípphê Nêri, người đã kết tình bạn với ngài, một hôm đã nói với ngài: “Anh là người thánh. Hãy cố tiếp tục sống như thế !” Thánh Gioan Léonardi đã trung thành với lời nhắn nhủ này : ngài đã sống tình bác ái với mọi người và lòng trung thành với Thiên Chúa và Hội Thánh, để “đức tin chân chính được truyền bá mọi lúc và mọi nơi.” (Lời Nguỵên của ngày).
* * *
Ngày 14.10
THÁNH CALLISTE I
Giáo hoàng và tử đạo, († 222)
Lễ nhớ
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Lễ nhớ thánh Calliste được chứng thực bởi văn kiện Depositio martyrum (Chứng từ tử đạo) năm 354 ; lễ nhớ này được ấn định cử hành vào ngày 14 tháng 10, và nơi cử hành được xác định là ở chặng thứ ba trên đường Aurelia.
Hình như lúc đầu Calliste là nô lệ của một người Kitô hữu tên là Carpophore, sống tại Rôma. Được chủ tín nhiệm, nhưng ngài lại bị tố cáo làm thất thoát tài sản của chủ. Bị bắt, ngài có thể bị lưu đày và lao động khổ sai ở vùng mỏ Sardaigne. Nhưng có lẽ nhờ sự can thiệp của Đức giáo hoàng Victor, ngài trở về Rôma và được Đức giáo hoàng Zéphyrin (198-217) truyền chức linh mục và cử trông coi nghĩa trang Kitô giáo đầu tiên của Giáo Hội Rôma, nằm trên Via Appia ; nghĩa trang này rất quan trọng đến nỗi các hang toại đạo trong đó trở thành nơi chôn cất các vị giáo hoàng ở thế kỷ III. Ngày nay người ta vẫn còn gọi đây là Hang Toại Đạo thánh Calliste.
Các công lao to lớn đã đưa ngài lên kế vị Đức giáo hoàng Zéphyrin năm 217. Trong 5 năm ở ngôi, từ 217 đến 222, vị giáo hoàng vĩ đại này đã nổi bật về hoạt động mục vụ, sự kiên trì trong việc bảo vệ đức tin tinh tuyền, cũng như trong những sáng kiến canh tân một cách trung dung việc thực hành sám hối và luật hôn nhân. Người ta nói ngài đã ra một sắc lệnh ban phép xá giải cho một số tội nhân và vì thế gây sự chống đối và tấn công từ phía các vị có chủ trương khắt khe như Tertullien và Híppolyte. Theo tài liệu “Cuộc Khổ Nạn”, thánh Calliste chịu tử đạo năm 222, tại Transtévère (Rôma), trong một cuộc bạo loạn chống lại người Kitô hữu. Năm 1960, người ta đã tìm ra ngôi mộ của ngài ở nghĩa trang Calepode, trên đường Via Aurelia.
II. Thông điệp và tính thời sự
Lời Nguỵên lấy từ một công thức được các sách bí tích cho là lời của Đức giáo hoàng Marcel : “Lạy Chúa, hôm nay chúng con mừng kính thánh Calliste tử đạo. Vì công đức của người, xin Chúa thương . . . che chở giữ gìn chúng con.”
Công đức của vị thánh giáo hoàng này phải kể đặc biệt đến việc ngài bênh vực niềm tin Thiên Chúa Ba Ngôi (Thiên Chúa : một bản tính duy nhất trong ba ngôi vị) ; việc ngài ra vạ tuyệt thông đối cho Sabellius, kẻ chủ trương thuyết Nhất vị (monarchianisme). Theo lạc thuyết này, Thiên Chúa chỉ có một ngôi duy nhất nhưng được mạc khải duới ba hình thức khác nhau. Trong công trình sáng tạo, Thiên Chúa một ngôi duy nhất đã mạc khải như là Cha, trong công trình cứu chuộc như là Con, và trong công trình thánh hóa như là Thánh Thần. Lạc thuyết này bị Đức Giáo Hoàng Denis (259-268) kết án là lạc giáo.
Về việc thực hành sám hối, thánh Calliste đã đưa vào một thực hành ít nghiêm khắc hơn kỷ luật sám hối của những thập niên cuối thế kỷ II ; ngài chấp nhận một thái độ khoan dung đối với những kẻ sa ngã (lapsi=những người chối đạo công khai) khi họ ăn năn sám hối vì đã chối đạo trong các cuộc bách đạo.
Không khoan nhượng trên bình diện tín lý, thánh giáo hoàng Calliste lại tỏ ra độ lượng và nhân hậu đối với những tội nhân, ngài có thái độ trung dung chứ không theo chủ nghĩa cực đoan. Ngài quả thật là người tôi tớ của Thiên Chúa tình yêu mà Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta trong Tin Mừng. Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải hy tế (Mt 9, 13).
* * *
Ngày 15.10
THÁNH TÊRÊXA AVILA
Trinh nữ và tiến sĩ Hội Thánh (1515-1582)
Lễ buộc
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Thánh nữ Têrêxa Avila qua đời tại Alba de Tormes, Tây Ban Nha, ngày 5 (theo lịch cũ Julien) hay ngày 15 tháng 10 năm 1582, ngày bắt đầu lịch mới Grégoire. Ngài được Đức Giáo Hoàng Grégoire XV phong thánh năm 1622, và được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tuyên dương là tiến sĩ Hội Thánh năm 1970.
Têrêxa Giêsu, gọi là Avila (tên Tây Ban Nha là Teresa de Ahumada y Cepeda), sinh ngày 28 tháng 3 năm 1515 ở Avila (Tây Ban Nha), trong một gia đình quí tộc gồm 8 cậu con trai và 3 cô con gái. Được thấm nhiễm những câu truyện và những bài đọc đạo đức, lúc 8 tuổi, cô bé trốn nhà đến sống “giữa người Maures” với hi vọng được tử đạo để “thấy Thiên Chúa”. Sau khi bị bắt về nhà, cô đã sống những năm hạnh phúc trong gia đình. Rất xinh đẹp và có duyên, cô cũng phần nào thích làm đỏm và vướng vào một chuyện rắc rối ngây thơ với một người anh họ. Bấy giờ – cô khoảng 16 tuổi – cha cô phải gửi cô đến ở nhà dòng thánh Augustine ở Avila ; tại đây cô đã có quyết định trở thành nữ tu. Vì thế, sau khi trở về nhà, cô bị cha chống đối ơn gọi, nên cô đã trốn nhà để đi vào dòng Carmel Chúa Nhập Thể ở Avila ngày 2 tháng 11 năm 1537. Tại đây cô đã tuyên khấn trọng thể ngày 3 tháng 11 năm 1537, lúc 22 tuổi.
Tư chất thông minh nhưng sức khoẻ lại yếu kém, chị Têrêxa Giêsu gặp nhiều thử thách nghiêm trọng về sức khoẻ ; sau này chị nói với cha Diego : “Thưa cha, con nghi ngờ không biết có cơ thể sống nào lại chịu nhiều đau khổ hơn con.” Cũng thế, đời sống thiêng liêng của chị, trong khoảng hai mươi năm, cũng chỉ tỏ ra bình thường không có sự sốt sắng đặc biệt nào, cho tới mùa chay 1554, khi chị đọc quyển Tuyên Xưng (Confessions) của thánh Augustinô và suy ngắm trước hình Chúa chịu đánh đòn, chị đã hoán cải để bước vào một đời sống sốt mến nồng cháy. Từ đó, tình yêu Thiên Chúa của chị sẽ trở thành một “ngọn lửa thiêu đốt”. Sáu năm sau, “thị kiến” hoả ngục làm chị hiểu được giá trị của các linh hồn và mối nguy mất linh hồn. Lúc ấy chị quyết định làm mọi sự để cứu rỗi các linh hồn. Thế là bắt đầu thời kỳ thứ hai của cuộc đời Têrêxa Giêsu. Lúc ấy chị 40 tuổi.
Khao khát sống theo Tin Mừng hơn, và nhận thấy sự lỏng lẻo về kỷ luật tu trì trong tu viện của chị cũng như trong các tu viện khác của dòng Carmel, chị quyết định hiến mình cho việc cải cách Dòng. Được thánh Phêrô Alcantara và thánh Phanxicô Borgia nâng đỡ, năm 1562, chị Têrêxa lập tu viện cải cách đầu tiên của các chị dòng Carmel “đi chân không”, tu viện Thánh Giuse ở Avila. Tại đây, các nữ tu nghiêm ngặt tuân giữ bộ Luật Dòng Carmel nguyên thuỷ. Các ơn gọi tăng nhanh và sự sốt sáng của các chị em thật cao vời. Vài năm sau, năm 1567, chị được phép của Bề trên tổng quyền Carmel thiết lập thêm những tu viện cải cách khác. Thế là chị Têrêxa Giêsu bắt đầu một đời sống kỳ diệu, hầu như luôn luôn hành trình, trong sự thiếu tiện nghi và nguy hiểm. Năm 1571, chị trở về làm bề trên tu viện Chúa Nhập Thể ở Avila (1571-1574) và tổ chức công cuộc cải cách ở đây, với sự trợ giúp của thánh Gioan Thánh Giá. Sau đó chị lại tiếp tục các cuộc hành trình để mở những tu viện mới. Năm 1567, bề trên tổng quyền dòng Carmel cho phép chị Têrêxa Giêsu lập những tu viện cải cách cho nam giới ; chị trao nhiệm vụ này cho thánh Gioan Thánh Giá, cha giải tội của chị từ 1572 đến 1577. Như thế, đến khi chị mất năm 1582, chị đã lập được 16 tu viện nữ và 14 tu viện nam.
Thánh Têrêxa Avila đã để lại cho chúng ta một kho văn chương vô cùng phong phú, có giá trị tuyệt vời. Các tác phẩm của thánh nữ được xếp theo trình tự thời gian gồm : Sách cuộc đời (tiểu sử tự thuật) ; Con đường hoàn thiện ; Các tư tưởng về Tình yêu Thiên Chúa ; Các lời cảm thán ; Hiến pháp Dòng ; Lập các tu viện ; Cách thức kinh lý tu viện ; Lâu đài nội tâm hay Bảy nơi cư trú của linh hồn (hành trình của ân sủng trong bảy nơi cư trú của linh hồn) ; Các lời khuyên ; Các tư tưởng và các bản văn ngắn khác ; Các vần thơ ; Thư từ (khoảng 650 lá thư). Tính cách của thánh Têrêxa Avila được phản ánh trong các tác phẩm của ngài mà ngày nay vẫn còn sức hấp dẫn đối với các tín hữu và người ngoại đạo. Những tác phẩm nay tạo cho thánh Têrêxa Giêsu một chỗ đứng độc đáo, không những trong lãnh vực tôn giáo, mà cả trong lãnh vực văn chương miền Castille và thế giới.
II. Thông điệp và tính thời sự
Những bản văn phụng vụ làm nổi bật những đặc điểm khoa linh đạo của thánh nữ Têrêxa.
a. Lời Nguyện của ngày gợi ra “con đường hoàn thiện” mà thánh nữ đã vạch ra cho Hội Thánh qua những tác phẩm và gương sáng của ngài, cũng như “học thuyết thiêng liêng của ngài” khiến ngài nhận được danh hiệu “tiến sĩ Hội Thánh”.
Theo thánh Têrêxa, thực sự Thiên Chúa là tất cả, nhưng loài người trong sự hư vô của mình không thể nào đạt tới Thiên Chúa nếu không có Chúa Kitô, “Đấng ban mọi điều lành cho chúng ta.” Chỉ mình ngài làm chúng ta nhận biết Thiên Chúa và chỉ mình Người cho chúng ta gặp được Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa là tình yêu, thì Chúa Giêsu là “Người bạn và Người lãnh đạo tốt lành”, “Người bạn chân thực”. “Hãy nhìn ngắm cuộc đời Người, đó là mẫu mực hoàn hảo nhất.” “Thiên Chúa muốn chúng ta nhận được mọi sự nhờ bản tính nhân-thần này . . . và chúng ta phải vào qua cửa này nếu chúng ta muốn Thiên Chúa uy linh mạc khải những bí nhiệm vĩ đại của Người.” (Tiểu sử).
Nếu Thiên Chúa là viên đá chóp đỉnh của học thuyết thiêng liêng của thánh Têrêxa Giêsu, thì kinh nguyện là từ chủ chốt. Thánh nữ mô tả kinh nguyện như “một mối quan hệ tình bạn thân thiết nhờ đó một mình nói chuyện với Thiên Chúa mà chúng ta biết mình được Người yêu thương” (Tiểu sử). Lời cầu nguyện lấy chất liệu từ trong Tin Mừng, và theo thánh nhân nói, “những lời Tin Mừng luôn làm tâm hồn tôi lắng đọng hơn mọi cuốn sách tuyệt nhất” (Con Đường . . . ), và kinh nguyện cũng đòi hỏi những điều kiện thích hợp : thanh vắng, thinh lặng, nghèo khó, v. v… Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn kết hợp với Thiên Chúa trong thanh vắng và qua kinh nguyện, thì không phải vì một mục đích ích kỷ, mà phải vì vinh quang Thiên Chúa, vì muốn đem Chúa đến cho người khác, nói với Chúa về người khác. Mối quan tâm đến các linh hồn luôn hiện diện trong tâm trí thánh Têrêxa, khiến thánh nữ từng nói sẵn sàng hy sinh cả ngàn lần đời mình–nếu ngài có–để cứu dù chỉ một linh hồn. Chính vì thế thánh nữ đã viết, các nữ tu Carmel đi chân không của tư tưởng viện thánh Giuse đã “khấn hứa cầu nguyện cho các vị bảo vệ Hội Thánh, các nhà giảng thuyết và các nhà thần học.” (Con đường) : “Kinh nguyện của những người phụng sự Thiên Chúa có tác động rất lớn” (Tiểu sử).
b. Lời Nguyện trên lễ vật bộc lộ rõ “quả tim hoàn toàn dâng hiến (cho Thiên Chúa)” của thánh Têrêxa. Không ngừng trò chuyện với Thiên Chúa, thánh nhân thường xuyên được lôi cuốn vào trạng thái xuất thần. Thậm chí ngài còn được in năm dấu thánh, như ngài kể trong Tiểu sử (29, 13) và đã được nhà điêu khắc Bernin tạc thành tác phẩm tuyệt vời bằng đá cẩm thạch (Thánh đường Đức Mẹ Chiến Thắng, Rôma). Tuy nhiên, thánh Têrêxa Giêsu không bao giờ cho rằng sự thánh thiện hệ tại những hiện tượng phi thường. Bản thân ngài “hoàn toàn cháy lửa mến Chúa nồng nàn”, thánh nữ khuyên dạy các chị em tu sĩ của mình đâu là điều cốt yếu của sự thánh thiện : “Ai có Thiên Chúa thì không thiếu sự gì : Thiên Chúa là đủ cho họ. Mọi của cải của chúng ta là ở việc chu toàn thánh ý Chúa … Là con người thiêng liêng đích thực, các chị em có hiểu điều đó nghĩa là gì không ? Đó là làm những nữ tỳ của Thiên Chúa.”
c. Với Lời Nguyện sau hiệp lễ, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta có thể ca hát tình thương Chúa đến muôn đời, giống như thánh nữ Têrêxa Avila.
Cả cuộc đời, nhất là sau “cuộc hoán cải”, thánh nữ giống như bị thiêu đốt vì lòng khao khát Thiên Chúa. Ca Nhập lễ (Như con nai khao khát nước sự sống . . . ), và thánh thi của Giờ Kinh Sách diễn tả niềm khao khát vĩnh cửu: “Chết vì không được chết / luôn luôn đeo đuổi ngài / đến nơi ở thứ bảy / tâm điểm của linh hồn / và ngài đến loan báo / Tình yêu gọi chúng ta.”
Trên giường hấp hối, thánh nữ Têrêxa bộc lộ niềm khao khát Thiên Chúa bằng những lời đầy cảm hứng và nồng cháy : “Lạy Chúa và Hôn phu của con, giờ mong đợi đã đến. Đây là lúc chúng ta hội ngộ. Người Yêu của con, Chúa của con, đã đến giờ ra đi. Giờ đã đến. Xin cho ý Chúa thể hiện. Vâng, đã đến giờ con từ bỏ cõi lưu đày này và là giờ hồn con vui hưởng Chúa, Đấng con hằng khao khát.”
Thánh nữ Têrêxa ra đi về nhà Hôn phu, “khuôn mặt bừng cháy như mặt trời”. Ngài đã linh cảm được giây phút này và tả lại nó trong một tác phẩm của mình : “Con bướm vàng bé nhỏ đã chết trong niềm vui mênh mang là tìm thấy nơi an nghỉ, và Chúa Kitô sống trong nó . . . Nguyện cho Người được mọi tạo vật chúc tụng và tán dương đến muôn đời.” (Lâu Đài . . . VIII Dem. 3, 1 và 15).
* * *
Ngày 16.10
THÁNH EDWIGE
Nữ tu (khoảng 1174-1243)
Lễ nhớ
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Thánh nữ Edwige (hay Hedwige) mất ngày 15 tháng 10 năm 1243 tại tu viện Trzebnicz, gần Vroclaw (Ba Lan), và được phong thánh năm 1267, nhưng mãi đến năm 1689 mới được ghi tên trong lịch Rôma. Lễ nhớ được mừng sau ngày thánh nữ qua đời.
Thánh nữ là con một bá tước vùng Haute-Bavière, Berthold IV dAndechs, và sau này trở thành nữ quận công vùng Silésie, một đồng bằng được tưới bởi con sông Oder, và là đất tranh chấp giữa ba nước láng giềng Ba Lan, Tiệp Khắc và Đức. Thánh nữ có hai em trai làm giám mục, một em gái làm tu viện trưởng, một em gái khác là hoàng hậu Hunggari – mẹ của thánh nữ Elisabeth –, và một em gái nữa, Anê, cưới vua nước Pháp Philíp II Auguste.
Các tu sĩ dòng Biển Đức ở Kitzingen là những người đã chăm sóc giáo dục và hun đúc nơi thánh nữ lòng mộ mến Sách Thánh. Năm 12 tuổi, thánh nữ kết hôn với Henri I Râu Rậm, quận công vùng Silésie và Ba Lan, và được bảy người con, trong số đó sáu người chết trước bà. Là người vợ và người mẹ gương mẫu, thánh nữ đã biết cách hoà hợp vai trò quận công của mình với công việc thực thi bác ái.
Khi Henri I kế vị cha cai trị đất nước, thánh nữ đã thuyết phục vị vua trẻ này xây dựng một tu viện các nữ tu Xitô ở Trzebnicz nhằm củng cố đời sống Kitô hữu trong nước. Khi chồng qua đời (1230), thánh nữ lui về sống tại tu viện nổi tiếng này ; con gái ngài là Gertrude đang làm Đan mẫu tại đây. Cuộc đời thánh nữ được trình thuật trong La Legenda major, một tác phẩm viết khoảng năm 1300.
II. Thông điệp và tính thời sự
Lời Nguyện của ngày nhấn mạnh lòng khiêm nhường của thánh Hedwig, đáng “làm gương sáng cho chúng ta noi theo.” Vị nữ quận công anh hùng này đã dũng cảm chịu đựng trước cái chết sớm của sáu người con, trong số đó hai người chết trong các cuộc huynh đệ tương tàn . . . Với lòng bác ái bao la, thánh nữ đã hiến đời mình phục vụ các người nghèo, người phong, và các tù nhân. Bà tìm được sức mạnh trong phép Thánh Thể, hằng ngày tham dự thánh lễ. Cũng trong Lời Nguyện của ngày này, chúng ta xin nhờ lời cầu của thánh Hedwig, “cho chúng ta được ơn noi gương các nhân đức chúng ta ngưỡng mộ nơi ngài.” Bài đọc giờ Kinh Sách, trích trong tập Tiểu sử , do một người đương thời viết, làm nổi bật lòng bác ái anh hùng của thánh nữ: “Như sự sốt sắng của tâm hồn làm ngài luôn hướng về Chúa thế nào, thì lòng nhân hậu cũng đưa ngài đến với người đồng loại như vậy. Ngài ban phát cho những người túng thiếu một cách rất hào phóng. Ngài trợ giúp các cộng đồng và các tu sĩ, các người mồ côi góa bụa, người ốm đau tật nguyền, người phong, tù nhân, lữ khách, các phụ nữ thiếu thốn phải nuôi con thơ . . . Người nữ tỳ này của Thiên Chúa không bao giờ bỏ qua một việc thiện nào . . . Và mỗi khi người ta tìm đến với ngài để giãi bày một nỗi đau khổ nào, dù là của thân xác hay tinh thần, ngài luôn luôn có thể ban cho sự trợ giúp như họ cần, theo ý muốn tốt lành của Thiên Chúa.”
Thánh Hedwig, người gốc Bavière, trở thành người Silésie do hôn nhân, quận công Ba Lan, mẹ của bảy người con, hoàn toàn sống đời đạo đức, bác ái và sám hối, ngài đã biết cách trở thành người mẹ thật của mọi người. Qua đời sống, thánh nữ chỉ cho chúng ta thấy con đường dẫn tới Chúa cũng là con đường ánh sáng dẫn tới đồng loại, vì ai yêu thương anh em mình, thì đi trong ánh sáng (1 Ga 2, 10; xem Xướng đáp giờ Kinh Sách).
* * *
Cùng Ngày 16.10
THÁNH MARGUERITE-MARIE ALACOQUE
Trinh nữ (1647-1690)
Lễ nhớ
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Thánh Marguerite-Marie Alacoque qua đời ngày 17 tháng 10 năm 1690 tại tu viện Thăm Viếng ở Paray-le-Monial, miền Bourgogne, và được Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XV phong thánh năm 1920. Năm 1929, Đức Giáo Hoàng Piô XII mở rộng việc tôn kính thánh nữ cho toàn Giáo Hội. Lễ kính được cử hành ngày 16, vì ngày 17 là lễ kính thánh Inhaxiô Antiochia.
Marguerite sinh tại Verosvres, vùng Charolais, ngày 22 tháng 7 năm 1647. Là con thứ năm của một viên công chứng hoàng gia, ngài trải qua một tuổi thơ đầy sóng gió, nhất là khi cha mất năm 1656, lúc đó ngài mới 8 tuổi. Sau khi được rước lễ lần đầu năm 9 tuổi, vào nội trú tại trường các chị Clarisse Urbainô, tại đây thánh nữ ngã bệnh nặng. Chị cầu nguyện Đức Trinh Nữ và hứa với Đức Mẹ sẽ vào dòng. Được khỏi bệnh vào khoảng 14 tuổi, cô bé cảm thấy chán ghét đời sống thế tục, trong khi những người thân lại muốn cô lấy chồng. Khi 22 tuổi, cô chịu phép thêm sức và nhận thêm tên gọi là Maria. Sau cùng, lúc 24 tuổi, người thanh nữ này, trong một chuyến đi thăm nhà dòng Thăm Viếng ở Paray-le-Monial, đã quyết định hiến mình cho đời sống tu trì. Thế là tháng 6 năm 1671, cô Marguerite-Maria gia nhập dòng các chị Thăm Viếng ở Paray-le-Monial ; đây là một dòng nữ chiêm niệm, có đời sống luỹ cấm và lời khấn trọng thể, được thánh Phanxicô de Sales và thánh nữ Jeanne de Chantal thành lập tại Annecy năm 1610.
Tuy gặp nhiều đau khổ, chị Marguerite-Maria đã can đảm chịu đựng và một năm sau đó, 1672, chị hoàn tất năm nhà tập và tuyên khấn dòng. Ngày 27 tháng 12 năm 1673, lễ thánh Gioan Tông đồ, chị nhận được “mạc khải” đầu tiên của Thánh Tâm Chúa: “Người đặt tôi dựa vào ngực thánh Người thật lâu, tại đây tôi khám phá ra những sự kỳ diệu của tình yêu Người và những bí mật khôn tả của Thánh Tâm Người .”
Ngày 16 tháng 6 năm 1675, Chúa Giê-su truyền “người môn đệ yêu dấu” của Người xin phép lập ngày lễ kính Thánh Tâm vào ngày thứ sáu sau tuần bát nhật lễ Mình Thánh Chúa. Nhưng chị Marguerite-Maria chỉ nhận được nơi các bề trên và chị em trong cộng đoàn sự ngộ nhận và phỉ báng. Thế nhưng, cuộc thăm viếng nhà dòng Paray-le-Monial của cha dòng Tên Claude de la Colombière –sẽ được phong thánh năm 1992– được coi như là do Chúa quan phòng xếp đặt. Trong thực tế, cha là linh hướng của chị nữ tu trẻ này, và cha rất áy náy –cũng như chị Marguerite-Maria– làm sao cho người ta biết đến những lời yêu cầu và những “mạc khải” của Thánh Tâm Chúa.
Năm 1684, chị Margerite-Maria được cử làm trưởng cộng đoàn và giáo tập, và ngày 21 tháng 6 năm 1684, chị được niềm vui tham dự cuộc cử hành đầu tiên lễ Thánh Tâm Chúa tại tu viện Paray-le-Monial. Nhiệm vụ của chị hoàn tất, chị qua đời bốn năm sau tại tu viện này, hưởng thọ 44 tuổi.
Đức giáo hoàng Clément đã phê chuẩn một lễ và kinh nhật tụng Thánh Tâm Chúa vào năm 1765, nhưng mãi tới năm 1856, Đức Giáo Hoàng Piô IX mới qui định lễ này trong niên lịch của Hội Thánh toàn cầu.
Tại Paris –nơi tổng giám mục Christophe de Beaumont đã chấp nhận lễ kính Thánh Tâm Chúa trong giáo phận ngài từ năm 1767– vào thế kỷ XIX, trên ngọn đồi Montmartre, người ta xây dựng Vương cung thánh đường Thánh Tâm Chúa (1876-1910), là một trong những đền đài nổi tiếng nhất của thành phố.
II. Thông điệp và tính thời sự
Lời Nguyện của ngày, chúng ta cầu xin cho được tràn đầy “tình yêu Chúa Kitô, là điều vượt quá mọi sự hiểu biết”. Lời kinh này lấy ý từ bài đọc I của thánh lễ : “Anh em sẽ được nhận biết tình yêu của Đức Kitô, là điều vượt quá mọi sự hiểu biết. Khi ấy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa.”(Ep 3, 19).
Trong lần hiện ra ngày 16 tháng 6 năm 1675, Thánh Tâm đã nói với chị Marguerite-Maria, đang “xúc động vì lòng khát khao lấy tình yêu đáp trả tình yêu”: “Đây là Trái tim đã quá yêu thương loài người, đến nỗi đã không giữ lại gì cho mình, cho đến mức tiêu hao hoàn toàn để chứng tỏ tình yêu ; nhưng Ta chỉ nhận được phần lớn là sự vong ân bội nghĩa . . . Vì thế Ta xin con, ngày thứ sáu đầu tiên sau tuần bát nhật lễ Mình Thánh, một lễ đặc biệt được dâng hiến để tôn kính Trái tim Ta, bằng cách làm việc phạt tạ xứng đáng để dâng Trái tim ta, rước lễ ngày hôm đó để đền bù những sự xúc phạm mà Thánh Tâm phải chịu khi được trưng bày trên bàn thờ; và Ta hứa với con, Trái tim Ta sẽ mở ra để đổ tràn tình yêu thần linh trên những ai tôn sùng Thánh Tâm.” (Lời chứng của chị Marguerite-Maria kể lại cho cha linh hướng Claude La Colombière. Xem Retraites Spirituelles, Médiaspaul, Paris, 1992, tr. 86).
Trong bài đọc giờ Kinh Sách, lá thư thánh Marguerite-Maria giúp chúng ta hiểu lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa : “Thánh Tâm là nguồn mạch vô tận chỉ muốn đổ tràn vào những tâm hồn khiêm tốn, trống rỗng, không ham muốn điều gì, luôn sẵn sàng hy sinh để làm đẹp lòng Người.”
Việc sùng kính Thánh Tâm có nền tảng trong chính Kinh Thánh, như được nhắc nhở trong thông điệp Haurietis Aquas của Đức Pi-ô XII. Sau Công đồng Vaticanô II, phụng vụ của lễ trọng kính Thánh Tâm được canh tân, nhấn mạnh trong Kinh Tiền Tụng nguồn cảm hứng Kinh Thánh của lòng sùng kính này, lấy từ bài tường thuật của thánh Gioan mô tả lưỡi giáo đâm vào cạnh sườn Đấng Chịu Đóng Đinh (19,31-37). “Thánh Tâm Chúa là vực thẳm khiêm nhường cho tính kiêu ngạo của chúng ta, vực thẳm xót thương cho những người khốn khổ, và vực thẳm tình yêu, để chúng ta trút hết những nỗi thống khổ của chúng ta.” (Bài đọc giờ Kinh Sách. Thư của thánh Marguerite-Maria).
* * *
Cùng Ngày 16.10 (Canađa)
THÁNH MARIE-MARGUERITE DYOUVILLE
Nữ tu (1701-1771)
Lễ buộc
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Marie-Marguerite Dufrost de Lajemmerais sinh tại Varenne (Québec) ngày 15 tháng 10 năm1701, con gái một nhà quí tộc Breton nhập cư Canađa năm 1667. Mẹ ngài là em gái nhà thám hiểm Pierre Gaultier de la Vérendrye. Là chị cả của sáu chị em, Marguerite mồ côi cha khi mới 7 tuổi. Ngoài 2 năm sống tại nhà dòng các sơ Ursulines ở Québec, ngài sống suốt thời niên thiếu vất vả tại gia đình cho tới năm 1722, năm 22 tuổi, lập gia đình với François dYouville, một người chồng tráo trở và ích kỷ. Sau 8 năm hôn nhân, ngài trở thành goá bụa năm 1730, trong khi đang chờ đứa con thứ sáu ra đời. Từ đó, sau cái chết của chồng và của bốn đứa con, thánh nữ càng ngày càng hiến mình nhiều hơn cho việc phục vụ người nghèo và người bệnh.
Năm 1737, Bà mở tại Montréal một nhà qui tụ ba chị em bạn–gọi là các Nữ tỳ người nghèo–âm thầm khấn đời tu trì và tiếp nhận những phụ nữ nghèo khổ. Mười năm sau, bà đảm nhận công việc quản trị Bệnh viện đa khoa, và năm 1775, Tu hội Các Chị Em Bác Ái của thánh nữ được Đức giám mục Pontbriand phê chuẩn. Từ năm 1754, bà cho bắt đầu tiếp nhận những trẻ bị bỏ rơi. Thánh nữ qua đời tại Montréal ngày 23 tháng 12 năm 1771. Bà được Đức giáo hoàng Gioan XXIII phong chân phước năm 1959 và năm 1990 được Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II phong thánh. Bà là người Canađa đầu tiên được phong thánh.
II. Thông điệp và tính thời sự
a. Chúa đã thương chọn thánh Marguerite “để tỏ lộ cho mọi người, nhất là những người nghèo khổ, tình yêu dịu dàng của Người” (Ca Nhập lễ). Được gọi là Mẹ người nghèo, thánh nữ đã giúp xoa dịu “những nỗi thống khổ của thời đại ngài” (Lời Nguyện của ngày). Ở Montréal người ta thường nói: “Hãy đến với các Sơ Xám : Các sơ không từ chối điều gì!”
b. Linh đạo của thánh Marguerite được diễn tả bằng ba từ : Cha, Quan Phòng, Người Nghèo. Trong thời gian sống với các sơ Ursulines, ngài đã học biết cầu nguyện giống như chân phước Marie de lIncarnation : “Chính nhờ Trái tim Chúa Giêsu yêu dấu của con, là Đường, Sự Thật, Sự Sống của con, mà con đến cùng Cha, lạy Cha hằng hữu !” Điều này khơi dậy nơi ngài lòng tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa. Chị viết năm 1752 : “Chúa Quan Phòng và sức lao động của chúng ta là những nguồn lực chúng ta phải dựa vào để duy trì công cuộc của chúng ta”. Vào cuối đời, chị sẽ nói: “Cứ mỗi lần sắp thiếu hết mọi sự, chúng ta lại chẳng bao giờ thiếu những gì cần thiết.”
Những người nghèo, cả những tù nhân, người bệnh, trẻ em bị bỏ rơi, tạo thành chính mục đích công cuộc tông đồ của thánh Marguerite và dòng của thánh nữ. Vì thế Bà khích lệ các chị em “kín múc nơi tình phụ tử của Thiên Chúa những tâm tình bác ái, sự ân cần dịu dàng, sự cảm thông mà các chị em cần phải có để hăng hái phục vụ các người nghèo, người bệnh, và cô nhi.”
c. Thiên Chúa đã dẫn dắt thánh nữ Marguerite “trên những con đường thập giá” (Lời Nguyện nhập lễ). Mồ côi cha từ bảy tuổi, lấy phải người chồng phóng đãng, goá bụa sau tám năm hôn nhân, bị thoá mạ và bách hại, nhưng với cá tính mạnh, thánh nữ không chịu để một khó khăn nào đè bẹp, vì Bà nói, “Thập giá là công cụ của tình yêu nhờ đó Cha Nhân Từ làm cho các kẻ Người chọn trở nên giống hình ảnh Con của Người.”
* * *
Ngày 17.10
THÁNH IGNATIÔ THÀNH ANTIOCHIA
Giám mục tử đạo († khoảng 110 và 117)
Lễ buộc
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Thánh Ignatiô thành Antiochia chịu tử đạo tại Rôma trong cuộc bách đạo của hoàng đế Trajanô : Ngài bị ném cho thú dữ trong hí trường của thành phố. Lễ nhớ ngài được cử hành vào ngày 17 tháng 10 tại Antiochia, do lịch Nicomeđia ấn định (khoảng năm 360). Giáo Hội Syria cũng mừng lễ kính vào ngày này. Chính Giáo Hội này cũng đã tôn kính mộ của ngài ở cổng thành Antiochia, là nơi mà theo chứng từ của thánh Hiêrônimô, hài cốt của thánh tử đạo được di dời và chôn cất trong nghĩa trang ngoài cổng Daphnê. Các Giáo Hội Byzantin thì mừng lễ thánh Ignatiô ngày 20 tháng 12, ngày giả thiết có cuộc di dời hài cốt ngài.
Thánh Ignatiô thành Antiochia, cũng gọi là Theophorus (người mang Thiên Chúa), như chính ngài tự xưng danh trong các lá thư, là người kế vị thứ hai của thánh Phêrô trên ngai giám mục Antiochia, thành phố chính lâu đời nhất của Kitô giáo. Chính tại thành phố thuộc quyền tổng trấn Syria này, các người theo Chúa Kitô lần đầu tiên nhận tên gọi là Kitô hữu.
Trong một đợt bách đạo, dưới thời hoàng đế Trajanô (98-117), giám mục Ignatiô bị bắt, kết án tử hình và dẫn tới Rôma để ném cho thú dữ ăn thịt trong hí trường thành phố. Được dẫn đi dưới sự hộ tống của mười tên lính mà ngài gọi là “hổ báo”, ngài đi qua Tiểu Á, đến Philadelphia, Lyđia, rồi Sardes, trước khi tới Smyrna, tại đây ngài được thánh Pôlycarpe tiếp rước. Từ thành phố này, ngài viết thư gửi đi nhiều cộng đoàn Kitô hữu khác nhau khi các cộng đoàn này gửi phái đoàn tới viếng ngài : Êphêsô, Magnésie và Tralles. Ngài cũng viết thư cho Giáo Hội Rôma “là Giáo Hội trông coi việc bác ái, đã đón nhận luật Chúa Kitô và danh thánh Chúa Cha . . .” Đây là lá thư duy nhất đề ngày tháng, “ngày mồng chín trước ngày sóc tháng chín”, tức là ngày 24 tháng 9. Ngài nài xin các tín hữu Rôma đừng cướp mất cuộc tử đạo mà ngài hằng khao khát. Ngài viết: “Anh em đừng cung cấp thêm điều gì cho tôi, trừ ân huệ được hiến dâng làm hy tế cho Thiên Chúa. Hãy chỉ cầu xin cho tôi được sức mạnh tâm hồn và thể xác mà thôi.”
Theo chứng từ của giám mục Eusèbe, từ Troas thánh Ignatiô còn viết ba thư nữa : cho Giáo Hội Philadelphie, Giáo Hội Smyrna, và thư riêng cho giám mục Polycarpe, giám mục của cùng thành phố này. Sau đó ngài lên tàu đi Néapolis (Macédoine), đi tiếp qua Philippes và băng qua Macédoine qua ngả via Egnatia trước khi lại tiếp tục lên tàu đi Dyrrachiurn (Durazzo), trên biển Adriatique, để đến nước Ý. Theo thánh Irênê (khoảng 180) và Origène (khoảng 235), “ngài bị ném cho thú dữ ăn thịt, tại Rôma, trong cuộc bách đạo”.
II. Thông điệp và tính thời sự
Các bản văn phụng vụ riêng của lễ nhớ thánh Ignatiô được lấy từ những lá thư của ngài mà người ta có thể đánh giá như là bản dẫn nhập hay nhất về lịch sử Hội Thánh vào đầu thế kỷ II. Đặc biệt hai đề tài xuất hiện trong những thư của vị thánh giám mục Antiochia : a) sự duy nhất của Hội Thánh ; b) mầu nhiệm Đức Kitô Thiên Chúa thật và người thật, “sự sống đời đời”, và mẫu mực của người tín hữu: “Anh em đừng làm gì mà không có giám mục . . . hãy yêu mến sự hiệp nhất, tránh chia rẽ, và hãy bắt chước Chúa Giêsu Kitô, như chính Người bắt chước Cha Người” (Thư gửi tín hữu Philadelphia VII, 2).
a. Lời Nguyện của ngày, Hội Thánh được gọi là “Thân Mình” mầu nhiệm Chúa Kitô, hợp với giáo lý của thánh Ignatiô –lý thuyết gia về quyền giám mục– Ngài hằng lo lắng cho sự hiệp nhất của từng Giáo Hội quanh giám mục của mình, và của mọi Giáo Hội với nhau. Cộng đoàn Hội Thánh qui tụ xung quanh giám mục của mình để cử hành Thánh Thể, bí tích hiệp nhất, trong sự hiệp thông với Giáo Hội Rôma là Giáo Hội “chủ trì đức ái” phổ quát. Chính thánh Ignatiô là người đầu tiên nói tới Hội Thánh “công giáo”, theo nghĩa Hội Thánh phổ quát : “Tất cả anh em hãy theo giám mục, như Chúa Giêsu Kitô theo Chúa Cha . . . Ở đâu có giám mục, ở đó cũng có cộng đoàn, và ở đâu có Chúa Giêsu Kitô, ở đó có Hội Thánh công giáo (katolikè ekklèsia) (Thư gửi tín hữu Smyrna VIII, 1-2).
b) Lời Nguyện trên lễ vật cho thấy rõ “lễ hy tế của thánh Ignatiô thành Antiochia, hạt lúa miến của Chúa Kitô, bị răng thú dữ nghiền nát và trở nên bánh tinh tuyền . . .” Lời nguyện này lấy lại gần như nguyên văn đoạn thư thánh Ignatiô gửi tín hữu Rôma: “Hãy để tôi trở thành thức ăn cho thú dữ, nhờ chúng, tôi có thể tìm thấy Thiên Chúa. Tôi là hạt lúa miến của Thiên Chúa, và tôi phải được nghiền nát bởi răng thú dữ để trở nên bánh tinh tuyền của Chúa Kitô.” (VII, 1). Điệp ca Hiệp lễ cũng lấy lại nguyên văn một phần đoạn trích này. Tuy nhiên, đối với thánh Ignatiô thành Antiochia, tử đạo chỉ là một phương tiện để đạt sự hiệp thông với Đức Kitô: “Tôi ao ước bánh của Thiên Chúa, Mình Chúa Giêsu Kitô, con vua Đavít. Tôi muốn uống chén máu thánh, tôi muốn tình yêu không tàn phai.” (Điệp ca của bài Magnificat, trích từ Thư gửi tín hữu Rôma, VII, 3).
c. Lời Nguyện sau hiệp lễ, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta “sức lực mới, để khi nhìn những hành động của chúng ta, người ta thấy chúng ta xứng đáng gọi là Kitô hữu.” Lời nguyện này lấy ý từ một đoạn của thư thánh Ignatiô gửi tín hữu Rôma : “Hãy chỉ cầu xin cho tôi có sức lực nội tâm và thể xác . . . để không chỉ mang danh là Kitô hữu, mà thực sự là Kitô hữu.” “Đức tin và đức ái là nguyên thuỷ và cùng đích của đời sống . . . Người tuyên xưng đức tin thì không thể phạm tội, và người có đức ái thì không thể giận ghét. Người ta xem quả thì biết cây ; cũng vậy, người ta sẽ nhận biết các Kitô hữu nhờ những hành vi của họ.” (Thư gửi tín hữu Êphêsô XIV, 1-2).
Giờ Kinh Sách cho chúng ta suy niệm hai đoạn trích thư gửi tín hữu Rôma, như là một bản thánh thi phấn khởi của thánh Ignatiô dâng lên Chúa Kitô chết và phục sinh: “Người là Đấng tôi kiếm tìm : Người đã chết cho chúng ta. Người là Đấng tôi khao khát : Người đã sống lại cho chúng ta . . . Hãy để tôi ôm ấp ánh sáng tinh tuyền . . . Nơi tôi chỉ có nước hằng sống đang thì thầm nói trong tôi : Hãy đến với Chúa Cha !” (VI, 1-2).
Thánh Ignatiô thành Antiochia, hạt lúa gieo xuống đất và chết đi để làm chứng tình yêu mình đối với Đức Kitô, ngài tiếp tục nuôi dưỡng đức tin của tín hữu vào Đức Kitô và Hội Thánh qua các thế kỷ. Lời khuyên nhủ hiệp nhất của ngài, gửi tới các tín hữu Êphêsô của thế kỷ II, vẫn còn hợp thời biết bao đối với chúng ta ngày nay: “Cũng như Chúa Giêsu Kitô, sự sống không thể phân ly của chúng ta, là tư tưởng của Chúa Cha thế nào, thì các giám mục được đặt lên ở khắp mọi miền trái đất cũng là tư tưởng của Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy anh em hãy hiệp nhất với giám mục của anh em . . . như thế, khi anh em hiệp nhất trong tâm hồn và hoà hợp trong bác ái, anh em ca ngợi Chúa Giêsu Kitô” (Thư gửi tín hữu Êphêsô III, 2).
* * *
Ngày 18.10
THÁNH LUCA
Tác giả sách Tin Mừng
Lễ kinh
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Thánh Luca tác giả sách Tin Mừng được mừng kính ngày 18 tháng 10 hợp với các niên lịch Byzantin, Syria và Hiêrônimô. Ngày lễ này ở phương Đông gọi là Sinh nhật thánh Luca Tác giả sách Tin Mừng, đã được đưa vào phương Tây ở thế kỷ IX và vào Rôma năm 866.
Theo truyền thống, thánh Luca người gốc Syria, có thể là Antiochia, nơi đây ngài làm nghề thầy thuốc (xem Cl 4, 14 : Người anh em chúng tôi là Lu-ca, thầy thuốc). Ngài là bạn đồng hành của thánh Phaolô trong hành trình truyền giáo lần thứ hai, khoảng năm 49, khi thánh tông đồ đem ngài theo từ Troas đến Philíp, và từ Philíp đến Giêrusalem. Ngài còn ở lại với thánh Phaolô ở Rôma, trong những ngày cuối đời của thánh tông đồ (xem 2 Tm 4, 11). Sau khi thánh Phaolô tử đạo, ngài bỏ Rôma và người ta mất dấu vết của ngài. Theo Gaudence de Brescia thì ngài đi truyền giáo ở Achia, Patras với thánh André ; còn theo thánh Hiêrônimô thì ngài đến Béotia, và trở thành giám mục thành Thèbes. Người ta không biết gì chắc chắn về cái chết của ngài. Theo một truyền thống xưa (Gaudence), có thể ngài đã chịu tử đạo với thánh André ở Patras (Hi Lạp), hưởng thọ 84 tuổi.
Thánh Luca được tôn kính như bổn mạng của các thầy thuốc và họa sĩ, vì người ta cho rằng ngài là tác giả một bức chân dung Đức Mẹ, được kính ở nhà thờ Đức Bà Cả, Rôma. Chắc hẳn đây chỉ là một truyền thuyết. Thực ra, những bức tranh đẹp nhất của ngài là ở trong những trang sách Tin Mừng của ngài.
Khoa vẽ hình thánh thường trình bày ngài khi thì đứng chung với ba tác giả Tin Mừng khác, bên cạnh là một con bò mộng có cánh, biểu tượng của ngài ; khi thì vẽ ngài đang viết sách Tin Mừng (tiểu ảnh trong sách Phúc Âm của Egbert, Trève), hay ngài đang vẽ Chúa Kitô trên thập giá (Zurbarán, Madrid). Nguời ta cũng vẽ ngài đang hoạ bức chân dung Đức Mẹ (Van den Weyden, Boston), hay đang chỉ về Đức Mẹ (El Greco, Tolède).
II. Thông điệp và tính thời sự
a. Lời Nguyện của ngày nhắc lại rằng Thiên Chúa đã chọn thánh Luca “để mạc khải cho những người nghèo khó mầu nhiệm tình yêu của Người, qua việc rao giảng và viết sách Tin Mừng của thánh Luca.” Thực vậy, qua những dụ ngôn và tường thuật, Tin Mừng của ngài mạc khải dung mạo nhân từ của Thiên Chúa và tỏ lộ Chúa Giêsu như bạn của các người thu thuế và tội lỗi (15,2). Vì thế thi hào Đantê diễn tả thánh Lu-ca như “Scriba mansuetudinis Christi,” (Văn sĩ của của Chúa Kitô nhân từ). Đức Kitô đến trước tiên là vì những người nghèo mà Người tuyên bố là có phúc (6, 20): Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó . . . Và Người công bố trong hội đường ở Nazareth “Thần Khí Chúa ngự trên tôi . . . Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo” (4, 18). Cũng như Đức Maria hát trong bài Magnificat : “Đấng Toàn Năng nâng cao những người khiêm nhường, và ban của đầy dư cho người đói khát” (1, 49.52-53).
Cũng trong lời nguyện này, chúng ta xin Chúa ban cho các tín hữu được “tâm đầu ý hợp.” Trong sách Công vụ Tông đồ, thánh Luca thích mô tả cộng đoàn Kitô hữu ở Giêrusalem như chỉ có một lòng một trí (1, 14). Các tín hữu đầu tiên tập hợp chung tại một nơi (2,1), chuyên cần trong tình hiệp thông huynh đệ (2,42), họ sống hiệp nhất với nhau và chia sẻ cho nhau tất cả những gì họ có (2,44). Sau cùng, lời nguyện kết thúc bằng việc nài xin ơn cứu độ cho “mọi dân tộc trên thế giới.” Thực vậy, thánh Luca chứng minh rõ ràng tính phổ quát của Tin Mừng, trong sách Công vụ, nhất là qua lời rao giảng và sứ mạng của thánh Phaolô, vị tông đồ đã đem Tin Mừng tới tận Rôma, giữa lòng Đế Quốc Rôma.
b. Lời Nguyện trên lễ vật, chúng ta xin sự “chữa lành và vinh quang”. Cũng thế, bài đọc Tin Mừng của ngày lễ vẽ lại cho chúng ta cảnh Chúa Giêsu sai nhiều môn đệ đi truyền giáo, đặc biệt Người nói : “Các con vào thành nào . . . hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với dân chúng : Triều đại Thiên Chúa đã rất gần anh em” (Lc 10, 9). Về “vinh quang”, phụng vụ rõ ràng lấy ý tưởng của thánh Phaolô : “Chính vì thế mà Thiên Chúa đã kêu gọi anh em nhờ Tin Mừng, để anh em được hưởng vinh quang của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (2 Tx 2, 14; xem Điệp ca 2 giờ Kinh Sáng). Chúa Giêsu kêu gọi các tín hữu chia sẻ vinh quang với Người, trong cùng một sự sống thần linh, được Chúa Thánh Thần là nguồn hoan lạc làm cho sinh động : “Còn các môn đệ mới gia nhập thì được tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần” (Cv 13, 52).
c. Lời Nguyện sau hiệp lễ khích lệ chúng ta “tin vững vàng hơn vào Tin Mừng mà thánh Luca đã truyền lại cho chúng ta”. Tâm điểm của Tin Mừng –quyền năng của Thiên Chúa để cứu độ mọi kẻ tin (Rm 1,16)–, có Chúa Giêsu, Lời cuối cùng và hoàn hảo của Thiên Chúa, nơi cư ngụ của Thánh Thần mà Người đổ xuống trên các tông đồ. Thánh Luca muốn chứng tỏ rằng Tin Mừng được nhắm tới và loan báo cho toàn thế giới. Là bạn đồng hành của thánh Phaolô trong một phần của các hành trình truyền giáo và trong những giờ phút cuối cuộc đời của thánh Tông đồ (xem 2 Tm 4, 9), bản thân ngài đã rao giảng trước khi viết thành sách. Và ngài cho thấy Chúa Giêsu, sau khi sai mười hai môn đệ, còn sai nhiều môn đệ khác đi truyền giáo (Lc 10). Các bản văn thánh lễ và Các Giờ Kinh Phụng Vụ mừng việc loan báo Lời này: Đẹp thay bước chân người sứ giả trên những ngọn đồi loan tin hòa bình, người sứ giả loan Tin Mừng cứu độ (Ca Nhập lễ). Con cái ngươi sẽ rao truyền vinh quang của triều đại ngươi, loan báo cho mọi người những chiến công của ngươi, vinh quang và vẻ huy hoàng của triều đại ngươi . . . (Tv 144). “Hãy tường thuật cho muôn dân vinh quang của Chúa, cho muôn nước những kỳ công của Người.” (Xướng đáp bài đọc Kinh Chiều).
Bài giảng của thánh Gregoire Cả được đề nghị trong Phụng vụ giờ Kinh Sách kể lại một đoạn rất hợp thời hôm nay: “Bây giờ chúng ta hãy nghe Người (Chúa Giêsu) nói với các môn đệ mà Người sai đi rao giảng : “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ sai thợ gặt tới đồng lúa Người.” Thợ gặt thì ít đang khi lúa chín đầy đồng. Chúng ta không thể không lặp lại lời này mà không cảm thấy chua xót.
Kinh nguyện là một trong những chủ đề ưa thích của thánh Luca. Tin Mừng ngài trình bày Chúa Giêsu như người thờ phượng tuyệt hảo, luôn luôn cầu nguyện và trò chuyện với Cha (3, 21; 5, 16; 6, 12; 9, 28-29; 11, 1; 22, 40-46; 23, 46). Cũng vậy, sau khi Chúa Giêsu lên trời, các Tông đồ ở Giêrusalem, “tất cả đều một lòng một trí, chuyên cần cầu nguyện, cùng với mấy phụ nữ, trong số đó có Đức Ma-ri-a, mẹ Chúa Giê-su” (Cv 1, 14). Thánh Luca dành cho Đức Mẹ một chỗ đứng quan trọng.
Các chủ đề ưa thích khác của thánh Luca là lòng thương xót, Thập giá và sự từ bỏ, nhưng nhất là niềm vui. Hồng Y Martini viết : “Thánh Luca sử dụng 5 động từ khác nhau để diễn tả niềm vui trong 27 đoạn khác nhau của Tin Mừng ngài. Chúng ta có một ví dụ cảm động về đề tài này ở chương 15” gồm các dụ ngôn con chiên lạc, đồng tiền tìm lại được và đứa con hoang đàng.
* * *
Ngày 19.10
THÁNH JEAN DE BRÉBEUF VÀ ISAAC JOGUES Linh mục, và các bạn, tử đạo (1642-1649)
Lễ nhớ
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Tám vị truyền giáo Pháp chịu tử đạo ở Bắc Mỹ từ năm 1642 đến 1649 là các cha Dòng Tên Isaac Jogues († 1646), Antoine Daniel († 1648), Jean de Brébeuf († 1649), Gabriel Lalemant († 1649), Charles Garnier († 1649), Noẽl Chabanel († 1649), và những giáo dân “tận hiến”: René Goupil († 1642) và Jean de La Lande († 1646). Lễ nhớ các ngài được cử hành vào ngày 19 tháng 10, là ngày tiếp theo sau ngày kỷ niệm cuộc tử đạo của thánh Isaac Jogues (18 tháng 10 năm 1646). Các ngài được Đức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh ngày 29 tháng 6 năm 1930, và năm 1940 được Đức Giáo Hoàng Piô XII tuyên dương làm bổn mạng phụ của Canađa.
Việc rao giảng Tin Mừng cho Bắc Mỹ chỉ bắt đầu sau khi nhà hàng hải Pháp Jacques Cartier tới Tân Thế Giới (1534) và chiếm đất Canađa nhân danh vua François I. Từ đó, với đà thúc đẩy truyền giáo mới của Giáo Hội công giáo Pháp, 8 nhà truyền giáo dòng Tên đã đi sang Bắc Mỹ để truyền bá Phúc Âm cho những thổ dân da đỏ. Bị tra tấn và sát hại do sự thù hận Kitô giáo, 3 vị đã bị giết ở Ossernon (nay là Auriesville), trong bang New York (Hoa Kỳ), trên đất của dân Iroquois ; 5 vị khác chịu tử đạo trên đất của dân Hurons, thuộc lãnh thổ Canađa.
Cha Isaac Jogues, sinh năm 1607 ở Orléans, bị người Iroquois bắt, tra tấn và cắt xẻo thân thể năm 1642. René Goupil –người cùng đi với cha– bị giết ngày 29 tháng 9 năm1642 ở Ossernon, trong khi cha Isaac được người Hà Lan giải thoát đã trở về Pháp, sau đó quay trở lại và bị người Hurons sát hại ngày 18 tháng 10 năm 1646, và ngày hôm sau, “vị tận hiến” Jean de La Lande cũng chịu chung số phận.
Jean de Brébeuf, gốc Normandie, đến Québec năm 1625. Truyền giáo cho người Hurons, ngài học tiếng và tập tục của họ, và giảng giáo lý “bằng tiếng Canađa”. Năm 1649, bị người Iroquois tấn công bất ngờ, ngài bị bắt cùng với cha Gabriel Lalemant và bị dẫn về Huronie. Bị tra tấn trong 3 giờ, ngài chết ngày 16 tháng 3 năm 1649. Cha Gabriel Lalemant cũng bị tra tấn cùng với ngài, đã chết ngày hôm sau, sau 15 giờ hấp hối.
Antoine Daniel, gốc Dieppe, đến Québec năm 1633, trông coi một trường học cho trẻ em Hurons trong 7 năm, trước khi đi theo cha Jean de Brébeuf đến Huronie. Bị rơi vào tay thổ dân Iroquois, ngài bị bắn tên và đạn rồi bị ném vào nhà nguyện đang bốc cháy, ngày 4 tháng 7 năm 1648.
Charles Garnier, sinh tại Paris, đến Québec năm 1636 và ở lại với người Hurons cho tới khi chết. Trong cuộc truyền giáo cho 500 gia đình ở chốt biên giới Saint-Jean, ngài bị người Iroquois bắn hai phát đạn và kết thúc bằng một nhát búa ngày 7 tháng 12 năm 1649.
Noẽl Chabanel, bạn đồng hành với Charles Garnier, đến Québec năm 1643, đã xin được sai đi truyền giáo cho người Hurons. Trên đường đến Ile-aux-Chrétiens, ngài bị giết bởi một tên Huron phản đạo, và xác ngài bị ném xuống sông, ngày 8 tháng 12 năm 1649.
II. Thông điệp và tính thời sự
Lời Nguyện của ngày mừng cuộc tử đạo của thánh Jean de Brébeuf, Isaac Jogues và các bạn, là những vị đã thánh hoá “Giáo Hội Bắc Mỹ trong thời kỳ đầu” bằng lời nói và mạng sống mình. Thánh Isaac Jogues đã thoát được tù và trở về Pháp. Mặc dù bị cắt xẻo thân thể, ngài vẫn trở lại Canađa một năm sau đó. Được giao sứ mạng hoà giải với người Iroquois, ngài viết cho Bề trên ngày 2 tháng 5 năm 1646 : “Tâm hồn con lúc đầu sợ hãi . . . Bản tính hèn yếu nhớ lại quá khứ khiến con run rẩy, nhưng Chúa đã và sẽ còn đặt bình an vào tâm hồn con. Vâng, thưa cha, con muốn tất cả những gì Chúa muốn, và con muốn như thế bằng cả ngàn lần mạng sống con. Ôi! Con sẽ hối tiếc biết bao nếu bị lỡ mất thời cơ tốt đẹp này, và con chỉ ao ước sao cho một vài linh hồn được cứu rỗi.” Thánh Isaac Jogues, người đã bị tra tấn dã man và bị cắt xẻo thân thể đến độ trở thành–như chính ngài đã viết– “công dân của Thập giá”, đã thú nhận : “Những đau đớn này quá lớn, nhưng Thiên Chúa còn lớn hơn, Người vô biên.”
Giờ Kinh Sách trích một trang nhật ký thiêng liêng của thánh Jean de Brébeuf, bộc lộ sự can đảm của ngài trước cuộc tử đạo, và đồng thời, lòng ngài khao khát được thấy khắp mọi nơi người ta nhận biết Thiên Chúa : “Liên tục suốt hai giờ, con cảm thấy yêu mến việc tử đạo biết bao, và con khao khát được chịu đựng những cực hình mà các vị tử đạo đã chịu . . . Hơn nữa, khi nhận cú đánh chết người, con ao ước được nhận từ bàn tay Chúa với sự mãn nguyện thiêng liêng và niềm hân hoan phấn khởi . . . Lạy Chúa, con đau khổ biết bao vì người ta không nhận biết Chúa, vì mảnh đất hoang dại này chưa hoàn toàn tin theo Chúa, vì tội lỗi chưa bị khử trừ khỏi nơi này !” Những lời sau đây của thánh nhân cũng đáng cảm phục : “Điều gì con muốn . . . con chỉ muốn nếu nó góp phần làm cho Chúa được vinh quang hơn.”
Chân phước Marie de lIncarnation, mùa thu 1649, viết cho con trai bà về các thánh tử đạo ở Canađa như sau : “Các ngài có tinh thần của Ngôi Lời nhập thể. Chính tinh thần này đã thúc đẩy các người thợ Tin Mừng vượt rừng vượt biển và biến các ngài thành tử đạo ngay khi còn sống, trước khi gươm đao và lửa giết chết các ngài . . . Ơn huệ này quí báu hơn mọi ơn huệ, và Thiên Chúa ban nó cho các thánh tử đạo của chúng ta. Ngôi Lời nhập thể và chịu đóng đinh đáng được tôn thờ là nguồn mạch của tinh thần này.” Chính nhờ tinh thần này mà các thánh tử đạo của chúng ta không chỉ chăm lo việc loan báo Tin Mừng, mà còn lo cho sự hiểu biết và kính trọng nền văn hóa của các dân bản địa, và trả giá bằng chính mạng sống các ngài.
Cùng Ngày 19.10
THÁNH PHAOLÔ THÁNH GIÁ
Linh mục (1694-1775)
Lễ nhớ tuỳ ý
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Lễ nhớ thánh Phaolô Thánh Giá được cử hành ngày 19 tháng 10, tức ngay sau ngày ngài qua đời tại Rôma, 18 tháng 10 năm 1775. Ngài được Đức Giáo Hoàng Piô IX phong thánh năm 1867.
Paolo Francesco Danei sinh tại Ovada, miền Piémont (nước Ý), năm 1694. Làm nghề buôn bán rồi đi lính, ngài rời quân đội Venise và trở về giúp cha xứ dạy giáo lý. Sau khi trải qua một thời gian sống chiêm niệm và sám hối trong nơi thanh vắng, ngài rời sa mạc và bắt đầu rao giảng truyền giáo cho giới bình dân khắp nước Ý. Lối rao giảng của ngài đầy màu sắc theo phong cách của thời đại, đã thu hút đông đảo quần chúng nhờ lời nói nồng nhiệt và gương mẫu đời sống thánh thiện khắc khổ. Nhiều thành phố tranh nhau xin ngài rao giảng, trong đó có thành phố Rôma trong năm thánh 1725. Chính tại Thành đô muôn thuở này, ngài được thụ phong linh mục, đồng thời với Jean em trai ngài, do tay Đức giáo hoàng Bênêđictô XIII, năm 1727. Năm 1733, trong cuộc chiến giữa nước Áo và Pháp trên đất Ý, ngài đi rao giảng cho các binh sĩ của cả hai giới tuyền, từ trại lính này sang trại lính khác. Năm 1735, ngài đến Naples và được vua Charles III cho phép lập một tu viện mới và năm 1738, ngài được nhận tước hiệu “tông đồ truyền giáo”.
Bị thu hút bởi gương sáng và lời giảng của ngài, Jean em ngài và nhiều môn đệ khác đến theo ngài sống tại tu viện trên núi Argentario (Toscana), năm 1737, khai sinh cho Tu hội Chúa Chịu Nạn (Passionistes), mà ngài đã chuẩn bị bộ Qui luật từ 1720, và đã có ý coi nó như Tu hội các Giáo sĩ đi chân không của Thánh Giá và Chịu Nạn. Vì tính chất nghiêm khắc thái quá của nó, Qui luật này đã được tu sửa và mãi đến năm 1741 mới được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV phê chuẩn. Khi ấy cha Phaolô Danei đổi tên thành Phaolô Thánh Giá(Paul de la Croix), và giữa biết bao khó khăn, ngài vẫn lăn xả vào việc mở mang Tu hội trên khắp nước Ý.
Năm 1747, Tu hội mới này mừng Tổng tu nghị đầu tiên của mình. Tại Tổng tu nghị này, ngài được chọn làm bề trên tổng quyền, và năm 1771, có thêm nhánh nữ của Tu hội : Các Chị Chúa Chịu Nạn (les Soeurs Passionistes). Năm 1773, Đức Giáo Hoàng Clément XIV giao cho các tu sĩ Chịu Nạn trông coi vương cung thánh đường cổ Jean-et-Paul ở Coelius, và tại đây thánh Phaolô Thánh Giá qua những ngày cuối đời mình và mất ngày 18 tháng 10 năm 1775, hưởng thọ 80 tuổi. Ngoài bộ Qui luật, ngài còn để lại một Nhật ký Thiêng liêng và hơn 2 nghìn lá thư.
II. Thông điệp và tính thời sự
Những lời nguyện thánh lễ nhấn mạnh đặc sủng của vị thánh thần bí vĩ đại này, một người đã hiến cả cuộc đời và sứ mạng mình cho việc tôn thờ Chúa chịu đóng đinh và việc rao giảng Chúa Chịu Nạn giữa lòng “thời đại ánh sáng”.
a. Lời Nguyện của ngày mô tả thánh Phaolô Thánh Giá như một con người “hoàn toàn hiến thân cho mầu nhiệm chịu nạn”. Thực vậy, ngoài ba lời khấn truyền thống, Qui luật của các tu sĩ Chịu Nạn còn thêm một lời khấn thứ tư, là dấn mình vào việc quảng bá việc tôn sùng cuộc Tử nạn của Chúa Giêsu. Lòng tôn sùng này cũng được làm nổi bật qua huy hiệu của Tu hội : một quả tim trên cắm hình thánh giá trắng với hàng chữ : “Jesu Christi Passio” (Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô).
b. Lời Nguyện trên lễ vật, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta có thể “diễn tả bằng cả đời sống những mầu nhiệm của cuộc thương khó Chúa”. Theo gương thánh Phaolô tông đồ tuyên bố không biết gì khác ngoài Chúa Giêsu Kitô, và là Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh (xem Xướng đáp giờ Kinh Sách), thánh Phaolô Thánh Giá đặt nền tảng cho công cuộc và linh đạo của mình trên lòng tôn sùng Chúa Chịu Nạn. Ngài viết : “Luôn luôn chiêm ngắm và suy niệm sự thương khó Chúa là điều tuyệt hảo và rất thánh thiện, vì nhờ đó chúng ta được kết hợp với Thiên Chúa. Chính dưới mái trường này, chúng ta học được sự khôn ngoan đích thực.” Và điều này không gì khác hơn là “hoán cải hoàn toàn theo ý Chúa” đến độ chính mình trở nên “hình ảnh của Chúa Giêsu chịu đóng đinh, gương mẫu của sự hiền lành và khoan dung” (trích Thư thánh Phaolô Thánh Giá, giờ Kinh Sách).
c) Lời Nguyện sau hiệp lễ cầu xin cho chúng ta đuợc “luôn kết hợp với Chúa Kitô” khi hoạt động “trong Hội Thánh vì phần rỗi các linh hồn”, làm nổi bật một khía cạnh khác của tinh thần thánh Phaolô Thánh Giá, khi thường khích lệ các tu sĩ : “Anh em hãy ẩn náu trong Chúa Kitô chịu đóng đinh, không cầu mong gì khác ngoài việc dẫn đưa mọi người làm theo thánh ý Người.” Và điều này sẽ được thực hiện trong sự kiên nhẫn và hân hoan, vì “những ai yêu mến Chúa chịu đóng đinh sẽ cử hành lễ Thánh Giá với lòng kiên nhẫn âm thầm, vẻ mặt vui tươi và an bình.”
Như thế, thay vì tìm sự hài lòng trong nỗi đớn đau bi thảm, thánh Phaolô Thánh Giá giúp chúng ta –nhờ công cụ của sự chết– khám phá ra biểu tượng của một sự sống mới và nguồn mạch của bình an và hoan lạc.
* * *
Ngày 23.10
THÁNH JEAN DE CAPISTRAN
Linh mục (1386-1456)
Lễ nhớ
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Thánh Jean de Capistran qua đời ngày 23 tháng 10 năm 1456, được phong thánh năm 1690 và ghi vào lịch phụng vụ năm 1890, ngày 28 tháng 3. Lễ nhớ ngài đưa chúng ta trở về giữa lòng châu Âu của thế kỷ XV, là thời kỳ xảy ra cuộc ly giáo lớn và mối đe doạ của người Thổ.
Jean sinh năm 1386 tại Capistran (Abruzzi), thuộc vương quốc Napôli. Là một luật gia lỗi lạc, ngài được vua Ladilas của Napoli bổ nhiệm làm thống đốc Perugia, năm 1412, nhưng khi thành phố ngài cai trị bị đạo quân giáo hoàng xâm chiếm, ngài bị bắt giam. Chính thời gian đó ngài được thánh Phanxicô hiện ra mời ngài vào dòng Phanxicô. Ngài từ bỏ tất cả tài sản và được nhận vào nhà dòng Phanxicô ở Perugia.
Sau khi cùng học thần học với Jacques de la Marche, tại trường thánh Bernadin de Sienna, là người thông truyền cho ngài lòng yêu mến Danh thánh Chúa Giêsu, ngài thụ phong linh mục năm 1425. Từ đó, ngài hiến mình cho việc rao giảng; trước hết ngài đi khắp đất Ý, sau đó đi qua nhiều nước châu Âu, khắp nơi ngài đều khơi dậy được nhiều cuộc hoán cải, nhờ lời giảng sôi động và những phép lạ ngài làm. Ngài cũng dấn thân vào việc cải cách Dòng Anh em Hèn mọn theo qui luật rộng (Conventuels) và dòng Các Chị Em Nghèo (Pauvres Dames), trong gia đình Phanxicô ở nước Ý và Pháp.
Thánh Jean de Capistran qua đời đột ngột tại Ilok, miền Croatia, hưởng thọ 70 tuổi. Vị tông đồ đầy hoạt động này luôn nhận được lòng tin cậy của người sang cũng như hèn, vì họ thấy nơi ngài một con người toàn vẹn, bắt đầu bằng việc cải cách chính đời sống mình trước tiên, và là người say mê sống chết vì Danh thánh Chúa Giêsu, vì đức tin tinh tuyền và vì sự hiệp nhất Ki-tô giáo.
II. Thông điệp và tính thời sự
a. Lời Nguyện của ngày nhắc chúng ta nhớ đến công đức của thánh Jean de Capistran, được Chúa cho xuất hiện để củng cố dân Người “trong thử thách”.
Người môn đệ khiêm cung này của thánh Phanxicô, trở nên nhà truyền giáo lớn nhất thời đại, đã đi khắp châu Âu chỉ với mục đích cứu vãn hoà bình và sự hiệp nhất Kitô giáo vào một thời kỳ đặc biệt nhiễu nhương. Người ta gặp ngài trên các con đường của nước Ý, Đức, Áo, Ba Lan, Hunggari, và cả ở Palestina, trong tư cách đặc sứ của giáo hoàng, cho sứ mạng truyền bá Tin Mừng và bảo vệ đức tin, rao giảng đặc biệt lòng sùng kính Thánh Danh Chúa Giêsu và Thánh Giá. Ngài phải hành động chống lại những cuộc “huynh đệ tương tàn” (do những tu sĩ Phanxicô tự xưng là “thiêng liêng” nhưng chủ trương những lạc thuyết) và nhất là chống lại những người Hussites, đồ đệ của Jan Hus, nhà cải cách tôn giáo Tiệp Khắc, bị vạ tuyệt thông và phải lên giàn thiêu. Tại Công đồng Florence (1438-1445), ngài đã góp phần hiệu quả vào việc tái lập sự hiệp nhất giữa các Giáo Hội ly khai. Vào cuối đời ngài, Đức giáo hoàng Caliste III phải nhờ ngài chặn đứng và đẩy lui quân Thổ khi họ cùng với Mahomet II đe doạ Hunggari, sau khi thành Constantinople thất thủ (1453). Thánh Jean de Capistran rao giảng một cuộc thánh chiến, và cùng với Jean Hunyadi, góp phần bảo vệ Belgrade và đẩy lui quân Thổ (23 tháng 6 năm 1456).
b. Giờ Kinh Sách cho chúng ta đọc một bản văn của thánh Jean de Capistran, làm nổi bật công cuộc cải cách mà ngài nhắn gửi tới tất cả những người được kêu gọi để trở thành muối đất và ánh sáng thế gian, các “giáo sĩ”. Trích lời thánh Grégoire, ngài nhắc lại tầm quan trọng của đời sống thánh thiện của các linh mục, vì “ai có đời sống đáng chê trách, thì lời giảng của họ sẽ bị khinh bỉ”. Ngài nói tiếp : “ . . . Bằng việc chiếu toả sự thánh thiện của họ, đời sống sáng láng của các giáo sĩ không có gì chê trách sẽ chiếu sáng và làm dịu lòng những ai nhìn lên họ. Được giao việc chăm lo cho người khác, giáo sĩ phải dùng gương sáng của mình để tỏ cho người khác thấy phải ăn ở như thế nào trong nhà Chúa” (Giờ Kinh Sách).
Tại viện bảo tàng Louvre ở Paris, người ta có thể chiêm ngưỡng một bức hoạ tuyệt đẹp của hoạ sĩ B. Vivarini, vẽ hình thánh Jean de Capistran với nét mặt rạng rỡ và mang một lá cờ với thánh giá Chúa Kitô. Người ta cũng thấy ở đây có thánh Bernadin de Sienna với huy hiệu của ngài, và trên một tấm băng-rôn, người ta đọc thấy những lời này: “Deo gratias qui dedit nobis victoriam” (Tạ ơn Chúa đã ban chiến thắng cho chúng ta). Noi gương vị thánh từng được xưng tụng là “tông đồ của châu Au thống nhất”, chúng ta cầu nguyện và hành động để Chúa giữ gìn Hội Thánh “trong một nền hoà bình vững bền” (Lời Nguyện của ngày).
* * *
Ngày 24.10
THÁNH ANTOINE-MARIE CLARET
Giám mục (1807-1870)
Lễ nhớ
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Thánh Antoine-Marie Claret qua đời ngày 24 tháng 10, 1870 tại tu viện Xitô ở Fontfroide (miền Languedoc), được Đức giáo hoàng Piô XII phong thánh năm 1950 và được ghi tên vào lịch Rôma năm 1960.
Ngài tên thật là Antonio Claret y Clarà, là con thứ năm trong một gia đình mười người con. Ngài sinh năm 1807 tại Salent (Catalogne), đúng vào năm Napoleon xâm lăng Tây Ban Nha. Ngài làm nghề thợ dệt giống như cha mình ; năm 22 tuổi ngài nhập chủng viện, là bạn học của Jacques Balme. Sau khi thụ phong linh mục năm 1835, ngài hiến mình cho việc truyền giáo miền quê và rao giảng cho hàng giáo sĩ, sử dụng rộng rãi phương tiện in ấn : ngài đã viết hơn 150 cuốn sách. Nhưng điều này làm ngài có rất nhiều đối thủ.
Năm 1848, ngài rời Catalogne đến quần đảo Canaries. Khi trở về, ngài còn cống hiến 15 năm nữa cho việc rao giảng, vào một thời kỳ mà hiến pháp cách mạng đã giải tán các tu hội và dòng tu. Năm 1849, cùng với vài linh mục khác, ngài sáng lập Tu hội truyền giáo các Con cái của Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, gọi là các tu sĩ Clarét. Tiếp theo, với sự cộng tác của Antonia Paris y Ribera de Tarragona, ngài lập dòng nữ Clarét, cũng tận hiến cho Đức Mẹ Vô Nhiễm và theo qui luật thánh Biển Đức. Năm 1850, ngài được tấn phong Tổng giám mục của Santiago ở Cuba, Trung Mỹ. Từ đó, ngài hiến mình không biết mỏi mệt cho tác vụ giám mục trong sáu năm, không ngừng đi rao giảng trên khắp hòn đảo này, và lên án những yêu sách, lạm dụng và tật xấu của các đại điền chủ, đồng thời bênh vực các nô lệ. Người ta ghi nhận ngài đã giảng 11 ngàn bài giảng, và hợp thức hóa cho 30 ngàn cuộc hôn nhân. Nhưng tất cả hoạt động này đã khiến ngài bị bách hại và thù ghét bởi các chủ nô lệ. Thế là, sau khi thoát được 15 vụ mưu sát, ngài bỏ đảo Cuba và trở về Tây Ban Nha, tại đây ngài được chọn làm cha giải tội của nữ hoàng Isabella. Bấy giờ ngài lập một trung tâm đào tạo giáo sĩ ở Escorial và hiến mình cho việc tái lập các dòng tu ở Tây Ban Nha.
Trong cuộc cách mạng 1868, dòng họ Bourbons bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha và thánh Antoine-Marie Claret cùng theo nữ hoàng trong cuộc lưu đày ở Pháp. Năm 1869, ngài tích cực tham gia vào công việc chuẩn bị Công đồng Vaticanô I ở Rôma. Tuy nhiên, vì là cha giải tội của nữ hoàng và đã theo nữ hoàng trong cuộc lưu đày, ngài lại bị vu khống và bách hại. Cuối cùng ngài phải đến nương náu ở tu viện Fontfroide, miền nam nước Pháp và qua đời tại đây, hưởng thọ 63 tuổi.
II. Thông điệp và tính thời sự
Lời Nguyện của ngày làm nổi bật hai đặc điểm của đời sống vị thánh miền Catalan, một vị tông đồ của thế kỷ XIX : đức ái và lòng can đảm. Sau khi rời chức vụ cha xứ, và trước khi sang Cuba, thánh Antoine-Marie Claret muốn theo đuổi ơn gọi truyền giáo của mình bằng cách trước tiên đi khắp vùng đất Catalogne và quần đảo Canaries để rao giảng Tin Mừng với một lòng can đảm anh hùng, bất chấp mọi sự thù ghét chống lại ngài. Là tác giả viết rất nhiều sách, ngài cũng đã lập một thư viện tôn giáo quan trọng, và Viện Hàn Lâm Saint-Michel cho các nghệ sĩ và văn sĩ.
Lời Nguyện của ngày kết thúc bằng lời cầu xin Chúa ban cho chúng ta–nhờ lời cầu nguyện của thánh Antoine-Marie– “biết tìm kiếm những điều tốt lành và chính trực để chinh phục các anh chị em về cho Chúa Giêsu Kitô”. Chính việc liên lỉ tìm kiếm sự thật và công lý đã hướng dẫn hành động không mỏi mệt của thánh nhân, đặc biệt trong giáo phận Santiago ở Cuba của ngài, vì –theo ngài viết– “Ai được lôi kéo bởi lòng nhiệt thành của một tình yêu ghen tuông, sẽ khao khát và hoàn thành những việc to lớn nhất ; người ấy sẽ làm việc để Thiên Chúa được người ta nhận biết, yêu mến và phụng sự nhiều hơn, ở đời này và đời sau, vì tình yêu thánh không hề biết đến giới hạn”. Sự lo lắng cho phần rỗi các linh hồn đi song song với việc cải thiện hạnh phúc trần thế : “(Người tông đồ truyền giáo) hành động như thế đối với tha nhân : mọi ước nguyện và cố gắng của mình đều nhắm tới việc làm cho mọi người được vui vẻ và mãn nguyện ở đời này. . .” Người ta có được phép nản lòng khi gặp những sự ngược đãi, vu khống không ? Thánh Antoine-Marie, con người bị vu khống nhiều nhất ở Tây Ban Nha trong thời đại ngài, đã trả lời : “Tôi tự nhủ : Một người Con của Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ là một người cháy lửa bác ái. . .Không gì làm họ nản lòng. . .Họ cười trước lời vu không, họ vui trong thử thách. Họ không nghĩ đến gì khác ngoài cách thức để theo Chúa Giêsu Kitô và noi gương Người bằng lời cầu nguyện, lao động, kiên nhẫn. . .” (Khắc phục tính vị kỷ, Giờ Kinh Sách).
Tác phẩm lớn của thánh Antoine-Marie Claret là Chính Đạo (Le Droit Chemin), đã in ra hàng triệu bản. Ngài vạch cho thấy cách thức để tiến bước trên con đường thánh thiện, là ơn gọi của mọi Kitô hữu, dù họ là tu sĩ hay giáo dân.
* * *
Ngày 28.10
THÁNH SIMON và THÁNH GIUĐA, Tông đồ
Lễ kính
I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Theo chỉ dẫn của sách Breviarium Apostolorum–mở đầu Sách Tử đạo của thánh Hiêrônimô–, lễ hai thánh tông đồ Simon và Giuđa mừng vào ngày 28 tháng 10; người ta đã thấy lễ này được ghi trong các sách bí tích của người Franc vào thế kỷ VIII, và ở Rôma vào thế kỷ X. Một nhà nguyện được dâng kính các ngài trong vương cung thánh đường cổ Thánh Phêrô ở Vatican. Các Giáo Hội phương Đông mừng riêng lễ thánh Simon ngày 10 tháng 5, và thánh Giuđa ngày 19 tháng 6.
Trong danh sách 12 Tông đồ, thánh Simon và Giuđa luôn đi chung với nhau, thánh Simon ở vị trí thứ mười và thánh Giuđa ở vị trí mười một (Mt 10, 3-4; Mc 3, 18; Lc 6, 14-16; Cv 1, 13).
Thánh Simon, “thuộc nhóm quá khích” trong Mc và Lc; “người Canaan (=người thuộc nhóm quá khích)” trong Mt, có lẽ là một cựu thành viên của phong trào quá khích chống đối quyết liệt sự cai trị của Rôma. Theo truyền thống phương tây, có thể ngài đã đi rao giảng ở Ai Cập và Lưỡng Hà Địa, nhưng người ta không biết gì đích xác về cuộc đời ngài. Người ta nói ngài chịu tử đạo, và đôi khi người ta vẽ hình ngài bị các đao phủ cưa dọc thân thể làm đôi.
Thánh Giuđa, tông đồ thứ mười một trong danh sách nhóm Mười hai, được kể tên trước Giuđa Íscariot. Trong tiếng Hi Lạp, tên ngài viết giống hệt Giuđa Íscariot, nhưng để phân biệt, người ta xác định thêm là con hay anh của Giacôbê–(Lc 6, 16) hay không phải Giuđa Íscariot (Ga 14, 22). Ngài cũng được gọi là Lebbée trong một số thủ bản của Mt, và Thaddéô trong Mt và Mc, và đôi khi còn gọi là Giuđa, người thuộc nhóm Quá khích (Zélote). Không nên lẫn tông đồ Giuđa với người cùng tên có họ với Chúa Giêsu và với tác giả của Thư thánh Giuđa.
II. Thông điệp và tính thời sự
a. Lời Nguyện của ngày nhắc nhớ lời giảng của các tông đồ dẫn ta tới sự hiểu biết Chúa Giêsu, và Giờ Kinh Sách trích dẫn một đoạn chú giải của thánh Cyrille thành Alexandria về Tin Mừng Gioan, minh hoạ sứ mạng của các tông đồ: “ . . . Các ngài có nhiệm vụ kêu gọi người tội lỗi hối cải, chăm sóc người bệnh tật thể xác hay tâm hồn ; trong nhiệm vụ là những người quản lý, các ngài không được tìm cách làm theo ý riêng, nhưng theo ý của Đấng sai các ngài ; sau cùng, cứu rỗi thế giới bằng cách giúp thế giới đón nhận lời dạy của Chúa.”
b. Ca hiệp lễ lấy lại câu trả lời của Chúa Giêsu cho thánh Giuđa khi ngài hỏi Chúa : “Lạy Thầy, tại sao thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không cho thế gian?” Câu trả lời của Chúa Giêsu không trực tiếp, nhưng chứa đựng mạc khải về một trong những mầu nhiệm cao siêu nhất của đức tin chúng ta: “Nếu ai yêu mến thầy, thì sẽ giữ lời thầy ; Cha thầy sẽ yêu mến người ấy, và chúng ta sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23). Chúng ta không gặp Thiên Chúa như gặp một nhân vật có chức vị, nhưng bằng việc gắn bó với Lời Người trong tình yêu. Chính đây là sự thể hiện niềm khát vọng của các tín hữu trong Cựu Ước : “ . . . Này Ta đây, ta đến cư ngụ ở giữa ngươi – sấm ngôn của Đức Chúa (Da 2, 14). Ta sẽ đặt thánh điện Ta ở giữa chúng đến muôn đời. Nhà của Ta sẽ ở giữa chúng; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, và chúng sẽ là Dân của Ta” (Ed 37, 26-27).
* * *