Lịch phụng vụ chư thánh tháng 4

Phụng Vụ Chư Thánh – Tháng 4

Phụng Vụ Chư Thánh – Theo lịch Phụng Vụ Rôma

Tác giả: ENZO LODI

Nhóm dịch: Linh Mục hạt Xóm Chiếu

 

THÁNG 3

Mục Lục

 

Ngày 02.04
THÁNH FRANCOIS DE PAULE, Ẩn tu
(khoảng 1416 – 1507)
Lễ nhớ

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Francois (Francesco Martolilla) sinh tại Paola (Paule), xứ Calabre, khoảng năm 1416. Lên mười ba tuổi, ngài sống một năm tại cộng đoàn Anh Em Hèn Mọn, nhưng không lưu lại đó vì thích đời ẩn tu hơn. Sau cuộc hành hương tại Mont–Cassin, Lorette và Rôma, Francois trở về Calabre, gần Paola để sống đời ẩn dật.

Nhưng chẳng bao lâu, các môn đệ muốn noi gương cùng hâm mộ sự thánh thiện và các phép lạ của người, nên đến sống với ngài. Vì thế ngài sáng lập các Đan viện và một Dòng tu mới được xuất hiện : Dòng tu sĩ rất hèn mọn, với tu luật rất nghiêm nhặt và sau nhiều lần chỉnh sửa, đã được Đức Giáo Hoàng Síxte IV phê chuẩn lần đầu tiên vào năm 1474.

Năm 1482, Francois de Paule vâng lệnh Đức Giáo Hoàng sang Pháp, sau khi đã được vua Louis XI triệu tập tại Plessis-lez-Tours. Ngài nâng đỡ tinh thần đức vua lúc ấy đang bệnh trầm trọng và an ủi người cho đến lúc tắt thở (30 tháng 8 năm 1483). Sau khi nhà vua qua đời, thánh nhân được mời ở lại, làm cố vấn tinh thần cho các vị vua kế tiếp như Charles VIII và Louis XII.

Trong thời kỳ ấy, Dòng tu sĩ rất hèn mọn được thiết lập và phát triển tại Pháp : ở Plessis-lez-Tours, Amboise, Paris… Trong các thành viên của Dòng có cha Marin Mersenne là người rất nổi tiếng, thường liên lạc thư từ với triết gia Descartes. Hiện nay Dòng còn hiện diện tại Ý, Tây Ban Nha.

Thánh nhân qua đời lúc chín mươi tuổi, tại Plessis-lez-Tours, ngày 2 tháng 4 năm 1507 nhằm thứ sáu tuần thánh. Ngài được phong hiển thánh năm 1519 và được tôn sùng như Đấng bảo trợ cho những nhà hàng hải.

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Lời nguyện riêng của lễ thánh Francois nêu rõ nhân đức khiêm nhường cùng với lòng bác ái đã làm nên nét đặc trưng cho cuộc đời thánh ẩn tu. Như Phan-xi-cô Assise, người đã thích làm giáo dân thật giản dị.

Khi lập một Dòng mới, Francois de Paule cổ vũ môn đệ trước tiên nên thực thi đức khiêm nhường bằng cách gọi họ là kẻ “Hèn Mọn”, nghĩa là các anh em nhỏ bé nhất hay rốt hèn nhất. Lúc hành hương tới Rôma và ngạc nhiên trước vẻ xa hoa của các Hồng y, người phê phán gay gắt một trong các vị ấy đã sống nghịch với Tin Mừng.

b. Một nhân đức khác mà thánh ẩn tu không ngừng rao giảng, đó là đức bác ái. Phương châm của ngài và các môn đệ thật đơn giản : “Caritas”, nghĩa là bác ái, yêu thương. Mặc dù luật Dòng rất nghiêm nhặt, (qui định sống tinh thần “mùa chay trường kỳ” suốt trong năm), thánh Francois vẫn nhấn mạnh việc thực thi đức bác ái : “Vì thế, anh em hãy chú tâm suy gẫm cuộc thương khó của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô.

Do lòng yêu thương nồng nàn, Người đã từ trời xuống để cứu chuộc chúng ta… Người đã nêu gương sáng chói về Đức nhẫn nhục và lòng yêu thương để ta noi theo… anh em hãy từ bỏ mọi thái độ giận ghét và thù địch. Hãy để ý tránh những lời cứng cỏi… anh em hãy yêu mến sự bình an. Đó là kho tàng quí giá nhất, đáng ước ao hơn cả”. Người cổ vũ môn sinh của mình như thế qua một lá thư viết tại Tours năm 1486.

Francois de Paule thích gọi mình là “người Hèn Mọn nhất trong mọi con cái Chúa” nên hằng quan tâm lo lắng cho mọi người. Vì thế trên giường chết, ngài đã cầu nguyện : “Lạy Chúa Giêsu rất đáng yêu mến, xin gìn giữ những người công chính, xin ban ơn công chính cho kẻ tội lỗi, xin thương xót mọi tín hữu còn sống và đã ly trần, xin dủ lòng thương con dẫu con chỉ là một kẻ tội lỗi rất bất xứng”.
***

Ngày 04.04
THÁNH ISIDORE, Giám mục tiến sĩ Hội thánh
(khoảng 560 – 636)
Lễ nhớ

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Thánh Isidore, quê tại Séville theo truyền khẩu, sinh khoảng năm 560 tại Andalousie (Tây Ban Nha) từ một gia đình gia giáo lành thánh : các anh em là hai giám mục Léandre và Fulgence, còn Florentine là chị gái. Người kế vị anh Léandre trên ngai giám mục thành Sévilla năm 601.

Trong nhiệm kỳ giám mục khá lâu dài, người rao giảng chống lại những kẻ theo bè Ario và những người lạc giáo được gọi là nhóm “vô thủ lĩnh”. Họ không chấp nhận Đức Ki-tô có hai bản tính. Gần Sévilla, ngài thành lập một ngôi trường – sau này rất nổi tiếng – để đào tạo các linh mục và giáo dân ; ngài cũng là giảng viên tại chính ngôi trường này. Tại Công đồng Tolède lần thứ IV năm 633, ngài yêu cầu Giáo Hội phải thành lập các trường tương tự : đó là nguồn gốc các trường của Hội thánh và Đan viện, xuất hiện trước khi có các đại học.

Là một nhà văn lớn, một học giả uyên thâm về nền văn học ẩn sĩ Đông Phương và rất sùng mộ Origène, thánh nhân đã để lại cho chúng ta nhiều tác phẩm, trong đó : tập Luận đề (Sentences) và ba quyển sách dọn đường cho các “Tổng luận” thời Trung cổ để trau dồi kiến thức lẫn tâm linh cho các linh mục, đan sĩ và giáo dân. Nhưng tuyệt tác phẩm của người vẫn là cuốn sách mang tựa đề tiếng La Tinh Etymologiae (dịch sang pháp ngữ : Étymologies sur lorigine de certaines choses– nguồn gốc các từ đầu ngành,): đó là một loại từ điển bách khoa (hai mươi quyển) bao gồm mỹ thuật, kỹ thuật, luật, y học, các khoa học tự nhiên, tôn giáo…

Là sử gia (Lịch sử dân Goths). là thi sĩ và nhà Phụng Vụ (bộ Sách lễ và kinh Nhật Tụng, được cho là của thánh nhân, là cốt lõi cho Phụng Vụ tương lai mozarabe) ; ngài còn là luật gia (Regula monachorum), nhà thần học và mục tử, nên ngài truyền bá truyền thống Công giáo và chuyên cần tổ chức Hội thánh. Năm 633, với tư cách là một vị chủ trì Công đồng quốc gia lần thứ IV tại Tolède, ngài ấn định một nền Phụng Vụ thống nhất cho toàn Tây Ban Nha và miền Gaule narbonaise. Người ta cho rằng ngài soạn lời nguyện Adsumus đọc trong mọi Công đồng.

Isidore de Séville chiếm vị trí hàng đầu trong suốt thời Trung cổ ; vào thời này, các tác phẩm la-tinh của thánh nhân được nhiều người đọc và sao chép nhiều nhất. Đối với Bède Khả kính (thế kỷ VIII), thánh nhân là tác giả được ưa chuộng nhất sau Thánh Kinh.

Qua đời tại Séville năm 636, sau 25 năm làm giám mục và được tôn kính như một vị hiển thánh trong toàn cõi Phương Tây từ thế kỷ IX ; ngài được Đức Giáo Hoàng Innocent XIII tôn phong làm tiến sĩ Hội thánh năm 1722. Thi hài thánh nhân được sùng kính tại Léôn (Tây Ban Nha). Nghệ thuật ảnh tượng thường biểu hiện hình ảnh ngài cầm bút lông, với đàn ong vây quanh hay bên cạnh tổ ong.

2. Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện riêng biểu dương thánh Isidore làm bậc “tôn sư về linh đạo”, gợi lại tước hiệu tiến sĩ Hội thánh của ngài.

a. sau khi là một người học sinh tầm thường, Isidore chuyên cần học tập, cống hiến cả đời mình để nghiên cứu và giảng dạy. Dưới mắt người đương thời, thánh nhân “phản ảnh kiến thức văn hóa La-Hi cổ xưa”. Ngài đóng vai trò quan trọng trong các thế kỷ về sau cho đến thời các nhà kinh viện nổi tiếng.

Nhưng trên hết, Isidore là mục tử hơn là nhà nghiên cứu; kiến thức văn hóa uyên thâm của người chỉ phục vụ con người, Hội thánh và đức tin. Phụng Vụ Thánh lễ trình bày cho chúng ta dụ ngôn các nén bạc (Mt 25, 14-30) để nhấn mạnh tính chuyên cần học hỏi của thánh nhân nhằm phục vụ Hội thánh và anh em hữu hiệu hơn.

b. Bài đọc một trong Thánh lễ (1 Cor 2, 1-10) tập trung vào lẽ khôn ngoan : Đó chính là lẽ khôn ngoan mà chúng ta loan báo… được tiền định cho những ai yêu mến Thiên Chúa.

– Trong Hội thánh Tây Ban Nha, nhiệm kỳ giám mục khá lâu dài của thánh Isidore dường như thể hiện lẽ Khôn Ngoan hằng thích thú “giao lưu với con cái loài người” (lời đáp trong các bài đọc Kinh sách). Với tư cách là nhà văn, nhà thuyết giáo, và giảng dạy, ngài sáng lập các học viện để giáo huấn và đào tạo giới trẻ, thánh nhân đã định hướng mọi việc nhằm đạt được lẽ khôn ngoan đích thực.

Ngài thường nhắc nhở : “Hãy yêu mến khôn ngoan, con sẽ được khôn ngoan tán dương ca tụng, nếu con cùng khôn ngoan gắn bó, khôn ngoan sẽ đem vinh dự lại cho con” Nhưng làm sao đạt được lẽ khôn ngoan ? Bài đọc – Kinh sách trích dẫn, một đoạn trong các luận đề của thánh Isidore: “Mọi sự tiến bộ điều do đọc Sách Thánh và suy niệm … Không ai có thể biết được ý nghĩa Sách Thánh nếu không làm quen nhờ năng đọc”.

– Lời cầu nguyện chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống Kitô hữu vì nhờ cầu nguyện chúng ta được thanh tẩy; nhờ đọc Sách Thánh, chúng ta được dạy dỗ.Vì thế “nếu làm được cả hai thì tốt, còn nếu không, thì cầu nguyện tốt hơn là đọc Sách Thánh. Ai muốn được luôn ở với Thiên Chúa phải năng cầu nguyện và năng đọc Sách Thánh nữa, bởi lẽ khi chúng ta cầu nguyện là chính chúng ta nói với Thiên Chúa, còn khi chúng ta đọc Sách Thánh thì Thiên Chúa nói với chúng ta” (các Bài đọc – Kinh sách).

Ngày 05.04
THÁNH VINCENT FERRIER, Linh mục
(1350 –1419)
Lễ nhớ

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Vincent Ferrier (tiếng Tây Ban Nha : Vicente Ferrer), sinh tại Valence (Tây Ban Nha) năm 1350. Ngài vào Dòng Đa-minh lúc mười bảy tuổi. Sau khi học xuấc sắc triết học và thần học, ngài được thụ phong linh mục năm 1378 và đỗ tiến sĩ thần học tại Lérida. Sau vài năm giảng dạy và thuyết giảng tại Valence, kể từ năm 1399, ngài sống đời thuyết giáo, chu du khắp Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Sĩ, Ý và Ái Nhĩ Lan… Chỉ cái chết mới chấm dứt một đời rong ruổi. Châu Âu lúc đó bị xâu xé bởi cuộc chiến Trăm Năm(1337 – 1453).

Cuộc chiến đã khiến Pháp và Anh đối đầu nhau ; Hội thánh bị phân hóa do cuộc đại ly giáo ở Tây Phương (1378 – 1417); cuộc Đại Ly khai với hai rồi ba Giáo Hoàng cạnh tranh nhau, cho đến khi Công đồng Constance (1414 – 1418) chấm dứt cuộc ly giáo, nhờ bầu được Đức Giáo Hoàng Martin V vào năm 1417.

Vào thời đại quá nhiễu nhương, Vincent Ferrier đi khắp châu Âu kêu gọi sự hoán cải và hòa giải. Tài hùng biện, sự thánh thiện, các phép lạ và danh tiếng của ngài lan tràn khắp nơi, tất cả đã làm rung chuyển lục địa này. Nhiều đoàn dân theo người, vì thế các “tu hội” được thành lập như : Dòng “Anh em đánh tội – les Flagellants”. Họ mang áo đen và trắng vừa hành xác vừa hát lời ca này : “Vinh danh sự thương khó Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta và lạy Chúa, xin dủ lòng thương xót, xóa các tội lỗi chúng con !”

Người ta gọi Vincent là “Thiên sứ thời phán xét” vì vào thời tao loạn ấy, thánh nhân xuất hiện như nhà thuyết giảng về ngày thế tận. Từ đó, thánh nhân đã chinh phục vô vàn người trở lại, kể cả người Do Thái, người Maures và các kẻ lạc giáo. Sau cùng, ngài mang hòa bình khi giữ vai trò trung gian trong cuộc chiến Trăm Năm. Ngài đóng góp công sức vào việc giải quyết cuộc đại ly giáo ở Tây Phương, khi tham dự Công đồng Constance.

Vincent Ferrier qua đời vào tuổi bảy mươi, tại Vannes miền Bretagne, lúc đang thi hành nhiệm vụ sau chuyến đi giảng Mùa Chay. Ngài được Đức Giáo Hoàng Calixte III phong hiển thánh năm 1455 và nhận tước hiệu là vị Tông Đồ của Châu Âu. Người Tây Ban Nha và Pháp tranh chấp về di hài của thánh nhân.

2. Thông điệp và tính thời sự

Đức Giáo Hoàng Calixte III, khi phong Vincent Ferrier lên bậc hiển thánh, đã ví người như một Thiên sứ đang bay lượn và gieo vãi Tin Mừng khắp nơi. Vì thế nghệ thuật ảnh tượng đôi khi biểu hiện ngài với đôi cánh và tay cầm Thánh giá.

a. Lời nguyện đầu lễ trong ngày kính nhớ thánh Vincent nêu rõ nhiệm vụ rao giảng của ngài là loan báo Đức Kitô lại đến như “vị thẩm phán”. Cũng thế, tin mừng Thánh lễ (Lc 12,35-40) gợi lại cuộc quang lâm của Đức Kitô : …Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn… Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến. Tuy nhiên, đối với ai hỏi ngài về các dấu chỉ của cuộc phán xét sau cùng ấy, ngài trả lời rằng không có dấu chỉ nào hơn lòng bao dung của Thiên Chúa ban cho chúng ta.

b. Trong khảo luận về đời sống thiêng liêng, xuất bản khoảng năm 1410, thánh Vincent kêu gọi các nhà mục tử tâm hồn nên có một tấm lòng tràn đầy dịu dàng và thương xót. Ngài viết : “Khi giảng dạy khuyên lơn, bạn hãy dùng lời lẽ đơn sơ… hãy nói thế nào cho người ta thấy lời lẽ của bạn không phát xuất từ một tính khí kiêu căng giận dữ, nhưng do một tấm lòng yêu thương đầy tình phụ tử.

Hãy nên như người cha đau đớn vì con cái mắc tội … người cha ấy sẽ ấp ủ nó như một bà mẹ. Lúc giải tội cũng thế: nhẹ nhàng khích lệ kẻ nhút nhát, lúc nào bạn cũng hãy tỏ ra là một người đầy yêu thương trìu mến…” (các bài đọc Kinh sách). Như thế, thánh Vincent hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu “Thiên sứ của ngày phán xét” và đã nhận được sự khôn ngoan cùng vinh dự khi chỉ cho chúng ta thấy một Thiên Chúa đang đến “xét xử” trần gian, nhưng để cứu trần gian, như bài đọc trong Thánh lễ đã nêu lên : Đây là lời của vị chứng nhân trung thành và chân thật…: Này đây ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy … Ai thắng, Ta sẽ cho ngự bên Ta trên ngai của Ta. (bài đọc một : Kh 3,14 …22). Vincent có nghĩa là “người chiến thắng” ; để làm kẻ chiến thắng chỉ cần đứng bên cửa và lắng nghe tiếng gõ. (xem thêm bài tin mừng Thánh lễ : Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay … (Lc 12,35-40).

Ngày 07.04
THÁNH JEAN-BAPTISTE DE LA SALLE, Linh mục
(1651-1719)
Lễ nhớ

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Thánh Jean-Baptiste de La Salle – được phong thánh năm 1900, trước đây mừng lễ vào ngày 15 tháng 5 – nay được mừng vào ngày 7 tháng 4, kỷ niệm ngày qua đời. Ngài được Đức Piô XII tôn phong làm “thánh Bảo trợ các nhà giáo dục Kitô giáo” (1950).

Thánh Jean Baptiste de La Salle sinh tại Reims năm 1651, là anh cả trong gia đình gồm mười một người con. Lúc mười sáu tuổi, ngài đã là Kinh sĩ, theo học nhiều năm tại thành phố quê nhà, sau đó tại đại học Sorbonne. Sau khi được thụ phong linh mục năm 1678, ngài dấn thân ngay vào việc giáo dục và giáo huấn các trẻ em nghèo theo gương chân phước Nicolas Roland (1642 – 1678) là người quan tâm đặc biệt đến các tầng lớp bần cùng nhất trong xã hội.

Vì mục đích này và trong khi thành lập các trường cho trẻ em nghèo, thánh nhân cùng lúc qui tụ các tình nguyện viên hiệp nhất trong một “gia đình” Dòng tu và được đào tạo để giảng dạy. Vì thế, một tu hội mới được khai sinh : Dòng sư huynh La Salle (1684). Để đào tạo các giáo viên, Đấng Thánh sáng lập đã mở các trường cao đẳng sư phạm nhằm gầy dựng các giáo viên đầy uy tín.

Phương pháp giảng dạy được đổi mới hoàn toàn : không còn sử dụng tiếng La Tinh nữa, mà chỉ sử dụng tiếng địa phương. Trẻ em được chia thành nhiều lớp và các trường học được phân thành nhiều loại giáo dục khác nhau : nào trường tình thương, trường dạy nghề, trường cải huấn…

Dòng sư huynh La Salle cũng như số lượng trường học đều phát triển nhanh chóng tại Pháp cho đến Rôma. Các thử thách nặng nề đang chờ đợi cha De La Salle, đau đớn nhất lại do các tu sĩ của người – như lăng nhục, bác bỏ.v..v. Nhưng các thử thách này đều được vượt qua bởi lòng bác ái và khiêm tốn của thánh nhân. Ngài từ bỏ các chức vụ năm 1717 và hai năm sau qua đời ngày 7 tháng 4 năm 1719. Lúc ấy, người nói: “Tôi tôn kính thánh ý Thiên Chúa đối với tôi trong mọi sự việc”. Đó là ngày thứ sáu Tuần thánh.

Ngoài vài quyển sách giáo khoa dành cho học sinh và đôi ba sách khảo luận sư phạm (cách điều hành các học đường), Jean Baptiste de La Salle đã xuất bản cuốn Nghĩa vụ người Kitô hữu – đúng là cuốn sách ăn khách nhất trong các thế kỷ XVIII và XIX, cùng với tập khảo luận về phép xử thế: cuốn Phép lịch sự của người Kitô hữu (1695).
Số lượng sư huynh La Salle vào ngày qua đời của Đấng sáng lập lên tới ba trăm và ngày nay chừng tám ngàn sư huynh phân bổ trên khắp năm châu.

2. Thông điệp và tính thời sự

a. “Chúa đã chọn thánh Jean Baptiste de La Salle để người rèn luyện đức tin cho giới trẻ” (lời nguyện riêng). Như thế, Phụng Vụ gợi lại mọi sinh hoạt giảng dạy của vị tiền phong cao cả trong ngành giáo dục này. Hội thánh hằng lo lắng cho các trẻ nhỏ (xem bài tin mừng Thánh lễ, Mt 18,1-10: Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy).

Hội thánh cũng nhìn nhận thánh nhân có được trực giác của một ngôn sứ khi ngài thành lập một gia đình đông đảo các nhà giáo mới gồm : những giáo dân sống đời tận hiến, những nhà giáo giỏi giang, luôn sẵn sàng phục vụ và “tận tâm lo cho giói trẻ nên người và nên con cái Chúa” (lời nguyện).

b. Sau khi Jean Baptiste de La Salle, các môn đệ của ngài đã thu thập và xuất bản tuyển tập các suy niệm và kinh nguyện của ngài. Các Bài đọc – Kinh sách đưa ra cho chúng ta vài lời khuyên của ngài :

– “Anh em không được nghi ngờ gì về ân huệ cao cả Thiên Chúa đã ban cho anh em, đó là giáo dục các thiếu niên, rao giảng Tin Mừng và huấn luyện các em trong tinh thần đạo đức. Chính Thiên Chúa đã mời gọi anh em và giao cho anh em tác vụ thánh này”.

– “Với lòng nhiệt thành, anh em hãy cố gắng đưa ra những dấu chứng cụ thể cho thấy anh em yêu mến những kẻ Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, như Đức Giêsu Kitô đã yêu mến Hội thánh Người …”

– Các nhà giáo dục Kitô giáo khi hành động như những “sứ giả của Đức Giêsu Kitô” bên cạnh giới trẻ, cũng trở nên “thừa tác viên của Giao Ước mới”. Họ khắc ghi Tin Mừng “không phải trên những tấm bia bằng đá, nhưng là trên những tấm bia bằng thịt tức là tâm hồn của các thiếu niên” (Bài đọc – Kinh sách)

Ngày 11.04
THÁNH STANISLAS, Giám mục và tử đạo
(1030-1079)
Lễ kính

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Thánh Stanislas (tiếng Ba lan : Stanislaw) sinh năm 1030 gần Cracovie (Ba lan), sống dưới thời Đức Giáo Hoàng Grégoire VII và thánh Thomas Becket. Ngài là một trong những vị thánh bảo trợ nước Ba Lan.

Sau khi học tại Ba Lan và Liège, Stanislas trở về quê nhà, phân phát gia tài cho người nghèo khó và được thụ phong linh mục. Năm 1072, ngài được Đức Giáo Hoàng Alexandre II phong làm giám mục theo lòng mong ước của giáo dân, giáo sĩ và của chính Đức vua Boleslas II được gọi là Người Quảng Đại, Người dũng cảm hay còn là Kẻ Tàn Bạo. Vị giám mục mới đã nhanh chóng rao giảng Tin Mừng cho dân chúng và cải cách hàng giáo sĩ, đồng thời cũng chứng tỏ mình là một mục tử quan tâm đến người nghèo khó và những ai bị áp bức nhất.

Vua Boleslas là người dũng cảm vì đã chiến thắng oai hùng người Nga tại Kiev, nhưng ông cũng bê tha và tàn bạo. Stanislas không ngần ngại khiển trách vua về lối sống vô kỷ cương và sau cùng, đã ra vạ tuyệt thông vua khỏi Hội thánh. Ba lần, Boleslas cho người đi ám sát ngài nhưng không thành; nhưng rồi, thánh giám mục cũng bị giết chết tại bàn thờ lúc ngài đang cử hành Thánh lễ. Đó là ngày 11 tháng 4 năm 1079.

Stanislas là vị thánh Ba Lan đầu tiên được truyền thống xưng tụng là vị “tử đạo vì chân lý”. Ngài được Đức Giáo Hoàng Innocent IV phong hiển thánh năm 1253. Thi hài thánh nhân được tôn kính tại thánh đường Wavel, ở Cracovie.

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Phụng Vụ gợi cho thấy thánh Stanislas “đã ngã gục dưới lưỡi gươm những kẻ bách hại mình” để tôn vinh Thiên Chúa (lời nguyện)

Như thánh Gioan Tẩy Giả đã can đảm chống lại Hêrôđê, thánh Stanislas cũng không ngần ngại hy sinh tánh mạng để khiển trách vua Boleslas – tục gọi là Kẻ Tàn Bạo – về những hành xử quá đáng và tàn bạo của ông, đồng thời phạt vạ tuyệt thông ông. Tuy nhiên, điều đáng khích lệ là máu vị tử đạo đã mang lại cho Boleslas, kẻ đao phủ của ngài, không phải sự trừng phạt nhưng chính ơn hoán cải. Quả thật, sau khi từ bỏ vương quốc, vua tự đày mình sang Hungari. Nhờ ơn thánh tác động, vua đã sống những ngày cuối đời mình làm thầy trợ sĩ tại Đan viện Biển Đức ở Osjak.

b. Khi tưởng nhớ đến thánh Stanialas, chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta “được một niềm tin vững mạnh giúp chúng ta trung thành với Chúa suốt cuộc đời”.

Thư thánh Cyprien mà chúng ta suy niệm trong các Bài đọc – Kinh sách, giải thích cho chúng ta cách thức để giữ vững lòng tuân phục đối với Đức Kitô :

– Chúng ta không đơn độc “khi lâm trận và chiến đấu cho đức tin, có Thiên Chúa, có các Thiên sứ của Người và cả Đức Kitô cùng chứng giám …”

– Trích dẫn lời thánh Phaolô, thánh Cyprien nói : Lưng anh em thắt đai là chân lí, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng bình an.

– Tay ta cũng hãy cầm lấy gươm Thần Khí… để khi ta tưởng niệm lễ tế tạ ơn, lễ tế ban tặng cho ta Mình thánh Chúa, thì tay ấy được đón lấy ngài”. Việc cử hành bí tích Thánh Thể cũng là một nguồn sinh lực cho chúng ta ; thật vậy, nhờ Thánh Thể, Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sống: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”. (Ga 6,56. 58)
***

Ngày 13.04
THÁNH MARTIN I, Giáo Hoàng, tử đạo
(khoảng 590 –655)
Lễ nhớ

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Theo tác phẩm Sức sống Hy Lạp, vị Giáo Hoàng này qua đời tại Crimée ngày 13 tháng 4 năm 655 (được lịch byzantin xác nhận). Lễ nhớ thánh nhân gợi lại cho chúng ta các cuộc tranh luận theo sau các nghị quyết của Công đồng Chalcedoine, đã bị lạc thuyết Nhất Ý (monothéliste) đặt lại vấn đề.

Thánh Martin I sinh tại Todi (Ombrie) khoảng năm 590. Sau khi được bầu làm Giáo Hoàng năm 649 – vị Giáo Hoàng thứ bảy mươi tư – ngài phải đối mặt với lạc thuyết “Nhất Ý”. Thuyết này được lập vào thế kỷ thứ VII ở miền đông đế quốc Rô-ma, cho rằng Đức Kitô chỉ có một ý chí duy nhất.

Đức Giáo Hoàng Martin I vội triệu tập tại Latran một Công đồng (649), tái khẳng định rõ ràng giáo lý 2 ý chí hay 2 ý muốn trong Ngôi Lời nhập thể. Công đồng chung thứ III tại Constantinople (680 –681) cũng là Công đồng chung thứ sáu, sẽ xác nhận giáo thuyết này. Giáo thuyết được tuyên bố như là chân lý đức tin rằng trong Đức Kitô theo bản tính có hai sinh hoạt và hai ý muốn nhưng không xung khắc nhau.

Tuy nhiên, hoàng đế Constance II, đã ra lệnh cấm mọi tranh luận về vấn đề này, ra lệnh bắt giam Giáo Hoàng. Ngài bị dẫn bộ sang Constantinople, bị đối xử tàn nhẫn, phải ra toà và bị kết án tử hình trong một vụ kiện đầy xuyên tạc, sau đó bị lưu đày tại Crimée.

Vì phải sống trong cơ cực, cô độc, và muôn vàn ngược đãi, nên Đức Giáo Hoàng đã qua đời ở Cherson (Sébastopol) ngày 13 tháng 4 năm 655. Một nạn nhân khác của các cuộc tranh cãi ấy, là thánh Maxime le Confesseur, là người cũng chống đối lạc thuyết này. Thánh Maxime, sau khi bị tra tấn và chặt đứt tay chân, đã bị lưu đày vùng Caucause và chết tử đạo ở đó vào năm 662.

Thánh Martin I được sùng kính như vị Giáo Hoàng tử đạo cuối cùng theo dòng thời gian. Các ảnh tượng thường biểu hiện ngài trong trang phục Giáo Hoàng với nhiều biểu tượng khác nhau : triều thiên ba tầng, Thánh giá.v.v.

2. Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện được trích từ Sách lễ của Paris (missel parisien) năm 1738. Lời nguyện xin Chúa cho chúng ta “được kiên cường bất khuất để đương đầu với nghịch cảnh trong cuộc sống trần gian”, như Chúa “đã muốn cho thánh Giáo Hoàng Martin tử đạo được can đảm không lùi bước trước lời đe dọa, cũng chẳng nao núng khi chịu cực hình”.
Các Bài đọc – Kinh sách trích dẫn lá thư đã được Giáo Hoàng Martin viết từ nơi người bị lưu đày, cho một người ở Constantinople, vào tháng 9 năm 655.

Qua lá thư đó, chúng ta cảm nhận được ngài đang rên xiết dưới gáng nặng khổ đau : “Tôi ngạc nhiên, và bây giờ vẫn còn ngạc nhiên về thái độ dửng dưng, lạnh lùng của tất cả những người trước đây đã từng liên hệ với tôi cũng như của bạn hữu và người thân cận : họ quên hẳn nỗi bất hạnh của tôi và chẳng muốn biết tôi đang ở đâu, còn hay không trên cõi trần” Rồi ngài nói: “Chúng ta đều thiếu những điều quan yếu cho cuộc sống”.

Tuy nhiên ngài vẫn trông cậy và nài xin thánh Phêrô chuyển cầu cho những ai vẫn còn trung tín để Thiên Chúa “ban cho các tâm hồn được vững vàng trong đức tin chân chính, được mạnh mẽ chống lại mọi kẻ lạc giáo và thù nghịch với Hội thánh chúng ta”

Thánh giáo hoàng Martin I luôn nêu tấm gương cao cả về sự trung thành với chân lý và kiên cường trong đau khổ thử thách. Ngài nói : “Cho dù người ta cắt tôi ra trăm mảnh, tôi cũng không bao giờ chấp nhận lạc giáo”.

Tại Canađa ngày 17.04
CHÂN PHƯỚC KATERI TEKAKWITHA, Trinh nữ
(1656-1680)
Lễ nhớ

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Kateri Tekakwitha được gọi là Hoa Huệ Agniers và được Đức Giáo Hoàng Gioan- Phaolô II phong chân phước ngày 22 tháng 6 năm 1980. Lễ của thánh nữ được ấn định đúng vào ngày kỷ niệm ngài qua đời, nhằm thứ tư tuần thánh, ngày 17 tháng 4 năm 1680.

Kateri sinh năm 1656 tại làng người thổ dân Agniers vùng Ossermon (nay là Auriesville ở tiểu bang New York). Thân phụ thánh nữ là một tù trưởng người da đỏ (iroquois) thuộc bộ tộc mang danh hiệu Rùa thiêng – đã cưới một phụ nữ thổ dân Công giáo người Algonquine, bị bắt làm tù binh thuộc bộ lạc định cư gần vùng Tam Hà (Ba con sông).

Khi Kateri lên bốn tuổi thì nạn dịch đậu mùa đã cướp đi sinh mạng cha mẹ và anh trai của mình. Thánh nữ là người duy nhất sống sót nhưng vẫn phải mang các vết sẹo do bệnh dịch để lại trên khuôn mặt. Đôi mắt khiếm thị khiến thánh nữ bước đi không vững vàng. Do đó, ngài còn có biệt danh Tekakwitha (bước đi mò mẫm). Thánh nữ được người chú thuộc sắc dân Mohawk tiếp nhận nuôi nấng và đã giúp đỡ ông trong công việc dệt vải cùng làm các đồ trang sức.

Năm 1666, khi thánh nữ lên mười tuổi, người Pháp khởi xướng cuộc chinh phạt chống người Agniers khiến bộ tộc phải rút vào ẩn náu trong rừng, trên bờ bắc giòng sông Mohawk, gần Kahnawaké. Nơi đây, thánh nữ liên lạc với các thừa sai Dòng Tên. Cuộc gặp gỡ này sẽ định đoạt vận mệnh của chị. Nhưng cuộc sống nội tâm của thánh nữ được chín muồi trong sự cô tịch ; sau đó là những chống đối thẳng thừng khi chị từ khước các vị hôn phu được gán ghép cho người.

Phục Sinh năm 1676, chị được nhận bí tích rửa tội, vì việc này gia đình rất giận dữ : họ cắt khẩu phần vì thánh nữ dành trọn các chủ nhật để cầu nguyện ; bố trí những tên say rượu và những kẻ trác táng trên đường chị đi ; cáo gian chị về tội loạn luân và tà dâm. Nhờ Cha Lamberville che chở, giúp chị đi ẩn náu tại địa điểm Truyền giáo mang tên thánh Phanxicô Xaviê, trên bờ nam sông Saint-Laurent, đối diện với Montréal.

Giáng Sinh năm 1677, chị được rước lễ lần đầu tại đây. Quyết kiên trì trong đời sống lao động chuyên cần và gia tăng sự khổ hạnh, chị lại từ chối hôn nhân và phải gánh chịu mọi sự hiểu lầm trong dòng họ : điều Kateri mong ước là thánh hiến lòng trinh khiết của mình. Chị khấn sống khiết tịnh ngày 25 tháng 3 năm 1679, nhưng sẽ không thấy ước mơ của mình được thực hiện : đó là cùng với các chị em như Marie-Thérèse Tegaiaguenta và Skakirions thành lập cộng đoàn các nữ tu bản xứ ở Đảo Hạc (Ile aux Hérons). Chị qua đời ngày 17 tháng 4 năm 1680 sau khi chịu đựng muôn vàn đau đớn.

2. Thông điệp và tính thời sự

Thánh nữ miền rừng núi hoang dã Canađa này đã nêu gương thánh thiện đặc biệt “cổ điển” và đậm nét nữ tính : đó là lòng khiêm tốn, sự hiền lành và đức tính vị tha quên mình. Những tu sĩ Dòng Tên thường hay liên lạc với thánh nữ, đều cảm mến chị bởi các đức tính cao cả đó.

Ngược lại, khi gần gũi các tu sĩ, chị học được lòng mộ đạo. Thánh nữ sống đời chuyên cần lao động như mọi phụ nữ trong bộ tộc và đạt được đời sống nội tâm sâu sắc qua những công việc thường nhật. Từ tinh mơ, chị đến nhà thờ để dự hai Thánh lễ trước và đang khi bình minh ; ban ngày và buổi tối, chị cầu nguyện trước nhà tạm.

Lời nguyện hiệp lễ xin cho chúng ta noi gương thánh nữ “xa lánh mọi sự phù vân” để “tiến triển sâu xa bằng lòng yêu mến Chúa và hưởng được niềm vui chiêm ngắm Người trên trời muôn đời”. Các công đức của Kateri không chỉ giới hạn ở lòng sùng đạo mà còn bao gồm cách chịu đựng các gánh nặng cuộc đời, các sự sỉ nhục và bách hại, trong khi chị vẫn lao vào những chay tịnh và khổ chế, để cầu xin cho dân tộc mình được ơn trở lại đạo.

Đó không chỉ là những nghịch lý nơi nhân cách của Kateri, nơi người, vẻ đơn sơ bên ngoài đi đôi với sự sâu sắc nội tâm, truyền thống đi đôi với tự do tâm trí. Vì thế người phụ nữ thổ dân này đã đề ra một đòi hỏi mới mà người ta không thể nghĩ đến theo nền văn hóa tổ tiên bất di bất dịch của họ : đó là thánh nữ từ khước lập gia đình để khiến các thổ dân miền Bắc Mỹ công nhận việc có thể sống đời độc thân thánh hiến được.

Bài đọc hai nhắc chúng ta : Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm hồn, hầu có thể nhận ra đâu là ý thiên Chúa (Rm 12,2). Việc phấn đấu cắt đứt khỏi các tập tục như thế, đã đề cao sức mạnh của lòng tin đang hoạt động trong người thiếu nữ này.

Lời nguyện riêng gợi thêm cho chúng ta ý tưởng: “Lạy Chúa, Chúa đã mời gọi thánh Kateri Tekakwitha sống đời khiết tịnh tận hiến giữa dân tộc mình. xin nhờ lời chuyển cầu của nữ thánh được gọi là đóa Huệ của dân Agniers, ban cho các người trong mọi bộ tộc, mọi ngôn ngữ, hay mỗi quốc gia qui tụ trong Hội thánh, được đồng thanh ca tụng và tôn vinh Chúa”. Không phải Thiên Chúa đã chọn những người yếu đuối trong trần gian để làm hổ mặt những kẻ mạnh mẽ đó sao ?
***

Ngày 21.04
THÁNH ANSELMÔ, Giám mục Tiến sĩ Hội thánh
(1033-1109)
Lễ nhớ

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Anselmô, vị giám mục tiến sĩ Hội thánh, thường được gọi là “Giáo phụ kinh viện”. Ngài sống vào thế kỷ XI, xuất thân từ hàng quí tộc phong kiến : Thân phụ là vị lãnh chúa vùng Aoste và thân mẫu liên minh với dòng họ Savoie.

Ngài sinh năm 1033 ; được hấp thụ nền giáo dục của các tu sĩ Biển Đức tại Đan viện Aoste vào năm 1056 : chính nơi đây, ngài đã tìm kiếm Chúa và dâng mình cho Người trong đời sống đan tu. Nhưng các áp lực của thân phụ buộc ngài phải từ bỏ lối sống này. Sau một thời gian đầy xao xuyến, chàng trai trẻ trốn sang Bourgogne, rồi qua Normandie.

Tại đó, vào năm 1060, ngài vào Đan viện xứ Bec, dưới sự hướng dẫn của viện phụ đồng hương Lanfranc de Pavie. Sau khi vị này được bầu làm viện phụ ở Caen, Anselmô được đề cử vào chức vụ bề trên, rồi viện phụ tại Bec năm 1079. Tại đây, ngài nổi tiếng do biệt tài thuyết giảng và các cải cách của ngài về đời sống đan tu. Theo yêu cầu của các đan-sĩ, ngài viết một loạt các tác phẩm về những vấn đề tri thức và thần bí tương đối mới mẻ như : Monologion, Proslogion,.v.v.

Tuy nhiên, nhân chuyến sang nước Anh, ở đó Lanfranc đang làm Tổng giám mục giáo phận Cantorbéry, Anselmô được mời gọi thay thế ngay sau khi ngài qua đời năm 1089.

Do cuộc xung đột về thẩm quyền cắt cữ phẩm hàm giám mục giữa giáo triều và hoàng triều, Anselmô trở thành kẻ thù nghịch của vua Guillaume II le Roux : vua này thật sự không công nhận Đức Giáo Hoàng Urbain II nên thánh nhân đã chống lại nhà vua. Trường hợp đối với vua Hen-ri I cũng thế. Ông này ngăn cản các cuộc cải cách của ngài.

Vì thế, ngài đã bị lưu đày ít nhất là hai lần vào những năm 1098 và 1103. Sau cùng, ngài được trở về giáo phận Cantorbéry và qua đời tại đó ngày 21 tháng 4 năm 1109 hưởng thọ bảy mươi lăm tuổi. Chúng ta nhận được các tác phẩm của ngài nhờ Eadmer, nhà viết tiểu sử về ngài. Các tác phẩm ấy ảnh hưởng mạnh mẽ trên người đương thời.

Chúng ta nhận ra ngài là kẻ tiên phong về lòng sùng đạo sâu sắc ở thời trung cổ.
Nghệ thuật ảnh tượng biểu hiện Tổng giám mục Anselmô thành Cantorbéry đang khuyến cáo một người bất lương, hay đang thị kiến Đức Mẹ Maria hoặc đỡ nâng con tàu.

2. Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện riêng đề cao đặc điểm của thánh Anselmô là người được ơn “tìm hiều và giảng dạy lẽ khôn ngoan siêu việt của Chúa”. Nên chúng ta cầu xin Chúa “ban ơn đức tin để soi sáng trí tuệ chúng ta, nhờ đó, tâm hồn chúng ta sẽ say mê những điều Chúa mặc khải”.

Thật vậy, thánh đan sĩ đã xác định việc nghiên cứu triết học nhằm giải thích đức tin (Fides quaerens intellectum = đức tin đòi hỏi trí tuệ). Ngài cũng khẳng định rằng cần phải tin rồi mới hiểu (credo ut intelligam = muốn hiểu tôi phải tin) cho đến khi “nếm hưởng” được chân lý mình đang tin.

Các suy tư thần học của ngài chắc chắn là phần quan trọng nhất trong truyền thống Đan viện Phương Tây. Sự kế thừa các suy tư ấy sẽ trở thành di sản của kinh viện về sau : chỉ vào thế kỷ XIV thánh Anselmô mới có được tầm ảnh hưởng quan trọng trong tư cách là nhà thần học kiêm tác giả sách tu đức.

Chúng ta cũng có thể nhấn mạnh đến tính ưu việt của “lẽ khôn ngoan” được đề cao trong các tác phẩm và lời giảng dạy của ngài : tư tưởng của ngài là điểm tiếp giáp giữa thánh Augustinô và thánh Tôma Aquinô. Trích sách Minh giải (Proslogion) – được các Bài đọc – Kinh sách nêu lên – cho chúng ta thấy được lẽ khôn ngoan khi kiếm tìm sự chiêm niệm. Sự tìm kiếm này không phải do tính hiếu kỳ đơn thuần để thỏa mãn các đòi hỏi của trí tuệ hay chỉ để tư duy về mặt triết học vì : “Hồn tôi ơi, bạn đã gặp thấy điều bạn tìm kiếm chưa? Bạn đã tìm Thiên Chúa và bạn đã thấy rằng Người là tuyệt đỉnh của mọi loài và người ta không thể nghĩ ra điều gì tốt đẹp hơn Người được nữa…”

Thánh Anselmô đã được Đức Giáo Hoàng Clément XI tôn phong làm tiến sĩ Hội thánh năm 1720. Là nhà triết học, thần học, đan sĩ và là mục tử, ngài còn được gọi là “nhà kinh viện hạng nhất”. Quả thật, ngài thiết lập trào lưu tư tưởng và phương pháp mà Abélard và Tôma Aquinô sẽ bảo vệ sau này. Các nhà viết tiểu sử về thánh Anselmô cũng gợi lại cho chúng ta nỗi băng khoăng của ngài hằng muốn hiệp thông với Rô-ma.

Để đáp lại câu nói của vua nước Anh là Guillaume le Roux : “Thưa ngài giám mục, xin hãy nhớ điều này : không bao giờ ngài có thể liên kết lòng tuân phục của ngài đối với tôi, với lòng tuân phục của ngài đối với Giáo Hoàng, nghịch lại ý muốn của tôi được”, Anselmô liền nói : “Thưa hoàng thân, tôi thà bị lưu đày khỏi vương quốc của ngài hơn là bất tuân với Đấng kế vị thánh Phê-rô, cho dù chỉ trong một giờ thôi”. (A.Ragey, Hạnh sử thánh Anselmô).
***

Ngày 23.04
THÁNH GEORGES, tử đạo (thế kỷ thứ IV)
Lễ nhớ

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Thánh Georges “vị thánh tử đạo vĩ đại” như người Phương Đông thường gọi, được tôn kính tại Lydda (Lod) xứ Palestina từ hậu bán thế kỷ IV, trong một thánh đường xây trên ngôi mộ của ngài. Ngài thường được Tổng phó tế Théodose và tác giả vô danh thành Plaisance nhắc đến.

Lễ của ngài được Giáo hội Byzantin cử hành cùng ngày này và liên kết với lễ đã cử hành tại Rô-ma, sau khi Đức Giáo Hoàng Lêô II (682 – 683) dâng kính ngài một đại giáo đường ở Vélabre.

Hạnh tử đạo của thánh Georges là một ngụy thư. Sách này kể rằng thánh Georges sinh tại Cappadoce và được mẹ giáo dục theo tinh thần Kitô giáo. Ngài đấu tranh chống ngoại giáo, phá hủy các ngẫu tượng và sát hại các tư tế chức sắc. Sau này, khi đã trở thành chiến binh và thủ lĩnh trong đạo quân của đế quốc Rôma, ngài kháng cự lại Dioclétien người bách hại tàn bạo các kitô hữu. Hoàng đế này cho tra tấn và ra lệnh chặt đầu ngài vào năm 303.

 

Ở Tây Phương, người ta phổ biến rộng rãi câu chuyện ngắn về cuộc Tử đạo của thánh nhân. Các thập tự quân cũng phổ biến lòng tôn sùng ngài tại Phương Tây. Vì thế, vị thánh hiệp sĩ của chúng ta trở thành đấng bảo trợ không những miền Géorgie mà còn cả Catalogne, Aragon. Bồ Đào Nha, Anh quốc…và vài thành phố khác như Gênes, Barcelone … hay bảo trợ cho các binh đoàn và rất nhiều Dòng hiệp sĩ. Sau cùng, ngài được Baden Powell chọn làm thánh bảo trợ cho hướng đạo sinh.

Nghệ thuật ảnh tượng biểu hiện thánh Georges hoặc đang đứng, mình mặc giáp trụ thập tự quân (tượng tại thánh đường Chartres), hoặc đang cỡi ngựa (quần tượng của Frémiet, Petit Palais). Trên các bích họa thế kỷ XIV tại thánh đường Clermont, người ta vẽ các biến cố tuần tự trong cuộc đời thánh nhân, còn điện Louvre trưng bày bức ảnh thánh Georges giao chiến với con rồng (của danh họa Raphael).

Hình thánh Georges đang xung phong trước đoàn thập tự quân được xuất hiện trên những bức bích họa tại Poncé (Loir và Cher), Cressas (Charente) và tại Clermont-Ferrand. Biểu hiện của thánh Georges là Thánh giá đỏ trên nền trắng.

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Thánh Georges được tôn kính tại Đông Phương như là vị “tử đạo vĩ đại”, một trong “Mười bốn thánh Bảo trợ” và là thánh quan thầy các quân nhân. Ngài cũng được mừng kính trên toàn thế giới trong tư cách người hiệp sĩ gương mẫu và người bảo vệ các phụ nữ.

Theo truyền thuyết, thánh nhân đã giết con rồng để giải cứu công chúa đang bị tế cho rồng. Vì thế thánh Georges trở nên mẫu gương cho các hiệp sĩ. Tuy nhiên, ngày lễ của ngài nhằm vào mùa Phục Sinh, gợi lại không những sự giúp đỡ, mà còn lòng quảng đại và dũng cảm của ngài khi họa lại cuộc Thương khó của Chúa Giêsu (lời nguyện đầu lễ).

Thật thế, khi đổ máu mình vì Đức Kitô, các vị tử đạo được tham dự vào mầu nhiệm vượt qua của Người. Vì lợi ích cho nhiệm thể Người là Hội thánh, họ hoàn tất trong thân xác mình những gì còn thiếu nơi những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu (Cl 1,24). Bài tin mừng Thánh lễ nói lên những thành quả do cuộc tử đạo mang lại, qua biểu tượng hạt lúa gieo vào lòng đất, phải chết đi mới sinh được nhiều hạt khác (Ga 12, 24-26).

b/ Trong bài giảng ngày lễ thánh Georges (các Bài đọc-Kinh sách), thánh Phêrô Damien cổ vũ chúng ta như sau : “Anh em thân mến, chúng ta không chỉ cảm phục, nhưng còn phải noi gương người chiến binh của đạo quân thiên quốc … Vậy, một khi đã được tẩy sạch mọi vết nhơ tội xưa, và được bừng sáng nhờ đời sống mới, chúng ta phải cử hành mầu nhiệm vượt qua cách xứng đáng và phải thực sự noi theo gương sáng các vị tử đạo.”

Lời xướng đáp kết thúc bài đọc như sau : “Chúng ta hãy nắm vững trong tay khiên mộc đức tin và thanh gươm lời Chúa… để bắt mọi trào lưu tư tưởng tuân phục Đức Kitô”.

Ngày 24.04
THÁNH FIDÈLE DE SIGMARINGEN,
Linh mục, tử đạo (1578-1622)
Lễ nhớ

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIV tôn phong ngài làm thánh tử đạo năm 1746. Lễ tưởng nhớ ngài liên quan đến các cuộc tranh cãi tôn giáo khiến các Giáo hội đối nghịch nhau và các Kitô hữu bị phân rẽ tại châu Âu vào thế kỷ XVII.
Markus Roy sinh tại Sigmaringen, nước Đức, con trai ông thị trưởng.

Ngài theo học ở Fribourg-en-Brisgau, đỗ cử nhân luật và triết học. Sau khi chu du khắp châu Âu, ngài hành nghề luật sư tại Colmar rồi vào Dòng anh em Hèn mọn Capucin ở Fribourg lúc ba mươi bốn tuổi và mang tên Fidèle. Người dấn thân rao giảng Tin Mừng và làm việc Tông Đồ với tư cách tuyên úy quân đội cho các đạo quân của hoàng đế nước Áo.

Sau cùng, Hội truyền bá Đức tin ở Rôma phái người sang Rhétie để củng cố đức tin của các Kitô hữu tại đó chống lại lạc thuyết Calvin. Ở đây, ngài giúp bá tước Rodolphe de Salis trở lại đạo Công giáo.

Tại vùng Grisons thuộc Thụy Sĩ – nơi đây quyền hành nước Áo được thiết lập rất bền vững – sắc chỉ của Hoàng đế nghiêm cấm người dân theo đạo Tin lành. Điều này đã tạo sự phản đối mãnh liệt nơi những nông dân theo Calvin.

Dưới sự chỉ đạo của một mục sư – về sau sẽ trở lại đạo – họ đã giết thánh nhân ngày 24 tháng 4 năm 1622, tại cửa nhà thờ Seewis trong quận Grison, nơi ngài đang hoạt động truyền giáo. Một ngày nọ, khi được mời theo giáo phái Calvin, ngài trả lời : “Tôi đến đây để chống lạc giáo chứ không phải để tiếp nhận lạc giáo”. Lúc ngã gục dưới các nhát gươm của lý hình, ngài đã kịp cầu nguyện như Đức Giêsu trên thập giá : Lạy Cha, xin tha thứ cho chúng …

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Đời thánh Fidèle thấm nhuần tình bác ái. Ngài được gọi là “luật sư của người nghèo” khi hành nghề tại Colmar và nhiệt thành yêu mến Chúa (lời nguyện đầu lễ) sau khi dấn thân vào đời sống tu trì và hiến trọn đời cho Thiên Chúa và tha nhân.

– Khi phong thánh cho người, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIV đã ca tụng lòng bác ái của ngài như sau : “Như một người cha, thánh nhân đã ôm lấy những người khốn khổ vào lòng, và nuôi nấng vô số người nghèo nhờ những của bố thí quyên góp được từ khắp nơi.

Thánh nhân đem những gì các người quyền thế và các ông hoàng giúp đỡ mà săn sóc các cô nhi quả phụ… Trong mức độ có thể, người đã không ngừng trợ giúp những kẻ bị cầm tù, cả về tinh thần lẫn vật chất. Thánh nhân ân cần thăm viếng các bệnh nhân…” (Bài đọc – Kinh sách).

b. Thánh nhân giàu lòng bác ái nên cũng nhiệt thành “truyền bá đức tin” (lời nguyện). Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIV nói trong các cuộc truyền giáo ban đầu cho giới bình dân, sau đó cho người Tin lành tại Grisons : “Ngoài tấm lòng bác ái như thế, thánh Fidèle còn là người trung tín, cả trong tên gọi lẫn trong đời sống, là người nổi bật về lòng nhiệt thành bênh vực đức tin Công giáo.

Thánh nhân rao giảng đức tin ấy, không biết mệt. Ít ngày trước khi đổ máu để làm chứng cho đức tin, thánh nhân đã để lại những lời dưới đây như một di chúc : Ôi đức tin Công giáo ! Đức tin chắc chắn, vững vàng sâu xa biết dường nào… Điều gì thúc đẩy các Kitô hữu chân chính dám dẹp bỏ những dễ dãi, khước từ nếp sống tiện nghi mà cam lòng chịu đựng những gian lao vất vả? Thưa chính là đức tin sống động, đức tin hành động nhờ đức ái”. (Bài đọc-Kinh sách).
***

Ngày 25.04
THÁNH MARCÔ, Tác giả sách Tin Mừng
Lễ trọng

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Tín hữu thuộc các Giáo hội cổ Ai Cập, Syrie và Byzantin đều mừng kính thánh Marcô vào ngày 25 tháng 4. Ở Tây Phương, kể từ thế kỷ IX, người ta cũng mừng lễ thánh nhân vào ngày này.

Marcô (tiếng Hy-lạp : Marcos, và la ngữ : Marcus = búa) được gọi là “môn đệ và phát ngôn viên của Phêrô” đồng thời là tác giả sách Tin Mừng thứ hai, theo như lời lưu truyền rất xưa, từ thời Trưởng lão Gioan (cuối thế kỷ I) được Papias (khoảng 150), giám mục thành Hierapolis (Phrygie) thuật lại.

Người xưa thường đồng hóa tác giả sách Tin Mừng Marcô với Gioan Marcô, mà sách Công vụ Tông Đồ và các thư của thánh Phaolô thường nhắc đến. Họ nói người xuất thân từ Giêrusalem (Cv 12,12), là bạn đồng hành với Phaolô và Banabé (Cv12,25; 13,5,13 …) sau đó với Phêrô tại “Babylon” (1 Pr 5,13) ngụ ý là Rôma.

Một truyền tụng khác từ thế kỷ III cho rằng thánh Marcô thiết lập giáo đoàn Alexandrie (Ai Cập), nơi đây ngài đã tử vì đạo. Thi hài của ngài ban đầu được tôn kính gần Alexandrie, rồi được các lái buôn thành Venise chuyển về thành phố của họ vào thế kỷ IX. Các thánh tích của ngài hiện được lưu giữ và tôn kính tại đại thánh đường dâng kính ngài (thánh đường thánh Marcô).

Biểu hiện hình ảnh của thánh Marcô là con sư tử, con vật của vùng sa mạc thảo nguyên. Quả thật sách Tin Mừng của Marcô khởi đầu bằng việc trình bày Gioan Tẩy giả như là tiếng hô trong sa mạc (1,3).

2. Thông điệp và tính thời sự

Phụng Vụ tôn vinh Marcô trước tiên do chính công soạn sách Tin Mừng của ngài. Ngài là người đầu tiên soạn thảo “sách Tin Mừng”, có lẽ tại Rôma, giữa các năm 40 và 75. Là phát ngôn viên của Tông Đồ Phêrô, ngài thuật lại bằng tiếng Hy Lạp – qua một câu chuyện sống động và cụ thể cuộc đời Đức Giêsu từ lúc chịu thanh tẩy cho đến khi sống lại. Đối với ngài, cuộc Khổ Nạn mang một tầm quan trọng đặc biệt.

a. Lời xướng đáp và lời nguyện đầu lễ nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo, cũng như Đức Giêsu công bố điều này trong chương cuối sách Tin Mừng của Marcô mà chúng ta đọc một trích đoạn trong Thánh lễ : Đức Giêsu nói với mười một Tông Đồ : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” … còn họ (nhóm mười một) thì ra đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi (16,15 … 20).

b. Lời tung hô Tin Mừng nhắc lại (1 Cr 1, 23 –24) : Chúng tôi rao giảng Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Quả vậy trong sách Tin Mừng Marcô, mọi sự đều tập trung vào Giêsu, Đấng Kitô. Là Người thật và rất nhân ái, là Con Người (2,10…) nên Người chạnh lòng thương đám đông (8,2) ; Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng (10,16) ; Người cảm thấy hãi hùng và xao xuyến (14,33). Nhưng Người cũng dần dần tự tỏ mình ra như Đấng Thánh của Thiên Chúa (9,24) hay Con Thiên Chúa (3,11…) biểu lộ quyền năng Thiên Chúa của mình qua nhiều dấu lạ. Marcô mô tả chừng hai mươi dấu lạ. Các dấu lạ Người làm khiến mọi người hỏi nhau rằng : thế nghĩa là gì ? (1,27) hay : vậy người này là ai ? (4,41). Chính Đức Giêsu cũng hỏi các Tông Đồ : Anh em bảo Thầy là ai ? (8,29). Phêrô trả lời : Thầy là Đức Kitô (= Đấng Mêssias), còn viên đại đội trưởng ngoại giáo, nhân chứng cuộc đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá, đã thốt lên : Quả thật, người này là con Thiên Chúa ! (15,39).

c. Lời nguyện đầu lễ kết thúc với lời xin Thiên Chúa ban ơn cho chúng ta, nhờ lời giảng dạy của Marcô, được trung thành “bước theo Đức Kitô”.

Phần hai của sách Tin Mừng Marcô (9 –16) chỉ rõ cụ thể cách thế để theo Đức Giêsu. Cũng như con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sống lại (8,31), cũng thế, Đức Giêsu phán : Ai muốn theo Tôi phải từ bỏ chính mình,vác thập giá mình mà theo. Nói cách khác, người môn đệ chân chính là người dám liều mất mạng sống mình vì Đức Kitô và vì Tin Mừng. Đức Giêsu còn nói : Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy (8,35).
***

Ngày 28.04
THÁNH PIERRE CHANEL, Linh mục, tử đạo
(1803-1841)
Lễ nhớ

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Chúng ta mừng kính Thánh Chanel, vị thánh tử đạo tiên khởi của châu Đại dương, đúng ngày qua đời của thánh nhân. Ngày 28 tháng 4 năm 1841 ngài đã đổ máu vì Đức Kitô. Ngài cũng là vị tử đạo đầu tiên trong Hội Dòng Đức Maria do linh mục Colin thành lập năm 1816. Ngài được Đức Giáo Hoàng Piô XII phong thánh năm 1954 và được đưa vào lịch Rôma năm 1969. Ngài là vị thánh bảo trợ công cuộc truyền giáo tại châu Đại dương.

Pierre-Marie Chanel sinh năm 1803 tại Cuet, thuộc giáo phận Belley, nước Pháp. Sau khi hấp thụ nền giáo dục tốt lành Kitô giáo và được đào tạo tại Chủng viện, ngài được thụ phong linh mục năm 1827. Ngài thi hành mục vụ lần đầu tiên với tư cách phó xứ, rồi chính xứ tại Crozet, gần Genève, trước khi được bổ nhiệm làm giáo sư và bề trên đại Chủng viện.

Tuy nhiên, vì quá say mê đời sống truyền giáo, nên ngài vào tu hội Đức Maria (Maristes). Vừa tuyên khấn xong và theo như mong muốn, Cha Pierre Chanel được phái đến châu Đại dương, phụ trách nhóm thừa sai đầu tiên để loan báo Tin Mừng cho những người chưa biết Đức Kitô. Vì thế ngày 8 tháng 11 năm 1837, ngài đặt chân đến đảo Futuna (Polynésie), dâng hiến đảo này cho Đức Trinh nữ Maria. Nhưng vô vàn khó khăn xuất hiện trước mắt nhà thừa sai trẻ tuổi : bên này là những truyền thống ngoại giáo và bên kia là công cuộc truyền giáo của giáo phái Méthodistes. Tất cả như xô đẩy công việc của người đến chổ thất bại.

Tuy nhiên, nhiều thanh niên thổ dân cảm mến gương lành và lời giảng dạy của ngài, đã tỏ ra muốn đón nhận Tin Mừng, trong đó có anh Meitala, con của Niuliki, ông này làm vua đảo Futuna. Meitala đã sẵn sàng để lãnh nhận bí tích thánh tẩy. Nhưng khi nghe tin này, vua liền giận dữ và kết án tử hình cả cha Chanel lẫn Meitala, con ruột mình. Đó là ngày 28 tháng 4 năm 1841 : châu Đại dương đã có những vị tử đạo đầu tiên của mình.

Sau đó không lâu, toàn đảo đã đón nhận Tin mừng. Một thánh đường lưu giữ các thánh tích của thánh Pierre Chanel, được xây cất tại Poĩ-Futuna, trong giáo phận Wallis và Futuna, thuộc Tổng Giáo phận Nouméa (Tân Caledonie).

2. Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện Thánh lễ nối kết việc “mở mang Hội thánh” với “vinh phúc tử đạo” của thánh Pierre Chanel. Quả vậy, chỉ sau khi ngài qua đời, dân đảo Futuna mới đến với Tin Mừng.

– Tu sĩ đi cùng Cha Chanel trong cuộc truyền giáo, đã làm chứng rằng : “Khi làm việc, người thường chịu nắng nôi thiêu đốt và nhịn đói về tới nhà thì mồ hôi nhễ nhãi mệt mỏi rã rời… Dần dà, người loan báo Chúa Ki-tô và Tin Mừng, nhưng kết quả chẳng được bao nhiêu. Dầu vậy người vẫn kiên trì theo đuổi công cuộc truyền giáo, chú ý đến cả đời sống vật chất lẫn đời sống đạo đức, theo gương sáng và lời giảng dạy của Chúa Kitô : Kẻ này gieo người kia gặt…” (Bài đọc – Kinh sách).

– Cha Chanel nói : “Trong công cuộc truyền giáo khó khăn như thế này, chúng ta cần phải thánh thiện”. Mỗi sáng, vị thừa sai nhiệt thành này múc lấy sức mạnh trong việc cử hành bí tích Thánh Thể và chuyên cần cầu nguyện với Đức Trinh nữ Maria mà người rất mến mộ. Sau khi lấy lại được sức mạnh, ngài vẫn luôn tin tưởng. Hôm trước khi tử đạo, ngài nói : “Tôi có chết cũng chẳng sao, vì đạo Chúa Kitô đã thấm sâu vào đảo này đến nỗi tôi có chết đi, đạo cũng không mất”

– Kinh Tạ Ơn cầu cho Australie được phát biểu đặc biệt như sau : “Lạy Cha là Chúa trời đất, Cha thật chí nhân chí lành. Nhờ ơn Cha mà tâm hồn chúng con nên lành thánh…” Lòng nhân từ của Cha trên trời như trở nên hữu hình và cụ thể qua lời nói và việc làm của Cha Chanel. Theo lời kẻ chứng kiến cuộc đời truyền giáo của ngài “Người có thói quen không từ chối dân bản xứ điều gì … người luôn tỏ ra rất mực dịu hiền … Bởi thế, chẳng lạ gì khi người bản xứ thường gọi thánh nhân là con người tốt bụng” (Bài đọc – Kinh sách).

Tại Canađa ngày 28.04
THÁNH LOUIS-MARIE GRIGNON DE MONTFORT
Linh mục
(1673 – 1716)
Lễ nhớ

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Louis-Marie sinh tại Bretagne, thuộc Montfort–la-Cane, năm 1673. Trước tiên ngài học tại trường các tu sĩ Dòng Tên ở Rennes, trước khi vào Đại Chủng viện Xuân Bích, để chuẩn bị cho việc đào tạo làm linh mục tại Paris. Được thụ phong linh mục năm 1700, ngài dấn thân truyền giáo tại vùng nông thôn thuộc miền Tây và miền Trung nước Pháp.

Ngài nói : “Tôi muốn dạy giáo lý cho các người nông dân”. Khi vào làng và lưu lại ở đó, đôi khi bị dân làng xua đuổi, nhưng ngài cũng được tiếp nhận và nhiều người lắng nghe. Ngài dành nhiều thời giờ để ban bí tích hoà giải. Không bao giờ ngài dùng bữa mà không mời một người nào cùng ăn và tự mình phục vụ kẻ ấy.

Tại Poitiers, Cha Louis-Marie tổ chức lại bệnh viện thành phố và thành lập Dòng Nữ tử khôn ngoan năm 1703. Năm 1706 để ghi nhận sự hoạt động truyền giáo phi thường của Cha Louis-Marie, Đức Giáo Hoàng Clément XI phong ngài làm “Thừa sai tông tòa tại Pháp”. Vinh dự này giúp ngài thành lập Tu hội Đức Mẹ Thừa Sai là tu hội các nhà truyền giáo ở nông thôn mà ngài đã từng muốn thành lập từ năm 1705.

Louis-Marie qua đời lúc bốn mươi ba tuổi do bởi kiệt sức và các khổ chế. Ngài được Đức Giáo Hoàng Piô XII phong thánh năm 1947.

Ngày nay, sứ điệp của thánh Grignon de Montfort được tiếp tục thực hiện qua các môn đệ của ngài là : những tu sĩ Dòng Montfort, các Nữ tử khôn ngoan và các Anh em Dòng thánh Gabriel. Đặc biệt, các tu sĩ này luôn chuyên cần giảng dạy để gợi cho mọi người nhớ đến trọng tâm của ơn đoàn sủng nơi thánh Louis-Marie là : người Ki-tô-hữu phải được nuôi dưỡng bởi lẽ khôn ngoan đích thực và biết tìm kiếm đời mình nhờ sự nâng đỡ của Đức Trinh nữ Maria.

Grignon de Montfort cũng là tác giả của nhiều khảo luận về linh đạo và nhiều bản thánh ca. Chúng ta chỉ nhắc lại khảo luận của ngài là tác phẩm Lòng say mê lẽ khôn ngoan đời đời, được viết khoảng năm 1703 – 1704, vào lúc ngài quá say mê sự khôn ngoan. Không chỉ là một bản luận thuyết suông, tác phẩm còn trao lại cho chúng ta chứng từ về một cảm nghiệm thiêng liêng cao cả. Các chủ đề chính trong cuốn Lòng say mê khôn ngoan đời đời được lấy lại từ “khảo luận lòng sùng kính đích thực đối với Đức Maria.” Tập sách nhỏ quí báu này chỉ được xuất bản vào thế kỷ XIX và đã trở thành tác phẩm văn học về linh đạo được ưa chuộng nhất. Chắc hẳn tác phẩm này đã góp phần lớn nhất trong việc làm cho mọi người biết được cha Montfort là vị tôn sư về linh đạo đích thực.

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Thánh Louis-Marie được Phụng Vụ kính nhớ như là “vị Tông Đồ của Mầu nhiệm Thánh giá và là người tôi trung phi thường của Đức Trinh nữ Ma-ri-a” (lời nguyện riêng)

Ngài thường tự hỏi : “Làm sao chúng ta yêu được những gì chúng ta không biết ? Làm sao chúng ta yêu say mê những gì chúng ta chỉ biết cách bất toàn ? Tại sao chúng ta ít yêu thích lẽ Khôn Ngoan đời đời và đã được nhập thể, đó là Đức Giêsu rất đáng yêu và đáng tôn thờ, nếu không phải là vì chúng ta không biết được hoặc biết quá ít về lẽ Khôn Ngoan đó ?” (Lòng say mê lẽ Khôn Ngoan đời đời 1,8).

Vậy, đối với nhà linh đạo vĩ đại dư đầy sự khôn ngoan này, điều quan trọng chính là “biết nếm hưởng và làm cho các tâm hồn khác được nếm hưởng Đức Giêsu Kitô, lẽ khôn ngoan nhập thể”. Khi trích dẫn lời của thánh nữ Marie-Madeleine de Pazzi : “Ôi ! tình yêu ! ôi Giêsu tình yêu ! Ngài ít được người ta biết đến dường bao !” hay lời của Phanxicô Assise : “Giêsu là người yêu chịu đóng đinh của tôi, đã không được người đời biết đến ! Giêsu, người yêu của tôi, đã không được người đời yêu mến !” (Ib. XIII, 166), Grignon de Montfort còn nói thêm: “Trong mọi lý lẽ giục chúng ta yêu mến Đức Giêsu Kitô, lý lẽ mạnh nhất đối với tôi là các khổ hình Người cam chịu để chứng tỏ tình yêu của Người cho chúng ta”.

Vì thế : “Mầu nhiệm cao cả nhất về lẽ Khôn Ngoan đời đời, đó chính là Thánh giá”. (Ib. XIV, 167). “Lẽ Khôn ngoan đã mang lấy và tìm kiếm Thánh giá với niềm vui khôn tả suốt cả đời mình. Cuộc đời ấy cũng chỉ là một Thánh giá trường kỳ” (Ib. XIV, 170). “Không bao giờ có Thánh giá mà không Giêsu, và cũng không bao giờ có Giêsu mà lại không có Thánh giá”. (Ib. XIV, 172).

b. Với tư cách là “người tôi trung phi thường của Đức Trinh nữ Maria” thánh Louis-Marie – qua tác phẩm của mình – muốn bày tỏ chiều kích cơ bản về ki-tô-luận trong lời rao giảng. Ngài nói : “Chính nhờ Rất thánh Nữ Đồng trinh Maria mà Đức Giêsu Kitô đến trần thế, và cũng chính nhờ Mẹ mà Người phải thống trị trần thế” (khảo luận “Lòng sùng kính đích thực đối với Đức Trinh nữ Maria 1), “… Lòng tôn sùng này cần thiết cho chúng ta để gặp được Đức Giêsu Kitô cách hoàn hảo, yêu mến Người dịu dàng và phục vụ Người tín trung” (Ib.62). “… Chúng ta cùng tự hiến cho rất thánh Nữ Đồng Trinh và cho Đức Giêsu Kitô ; cho rất thánh Nữ Đồng Trinh như là phương thế tuyệt hảo mà Đức Giêsu Kitô đã chọn để hiệp nhất với chúng ta và chúng ta kết hợp với Người; cho Đức Giêsu Kitô như là cùng đích của chúng ta, nơi Người chúng ta nhận được sự sống, Người là Đấng cứu thế và là Thiên Chúa chúng ta” (Ib. 125).

Khi giải thích sách Tin Mừng của Gioan : Kể từ giờ đó, người môn đệ rước Bà về nhà mình (19,27), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gợi lại tính hiện thực trong linh đạo của Grignon de Montfort : “Trong nhiều chứng nhân và các bậc thầy về nền linh đạo này (linh đạo Maria), tôi thích gợi lại gương mặt của thánh Louis-Marie Grignon de Montfort. Ngài đề nghị các Ki-tô hữu tận hiến cho Đức Kitô qua tay Mẹ Maria như phương thế hữu hiệu để sống trung tín các lời khấn hứa khi chịu phép rửa tội” (Thông điệp Mẹ Đấng Cứu Thế, số 48).

Ngày 29.04
THÁNH CATHERINE DE SIENNE,
Trinh nữ và tiến sĩ Hội thánh
(1347-1380)
Lễ buộc

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Ngày lễ nhớ Catherine de Sienne cũng là ngày kỷ niệm thánh nữ qua đời tại Rô-ma 29.04.1380, ngay lúc bắt đầu cuộc đại ly khai tại Tây Phương (1378–1417). Bà được phong thánh năm 1461 và được tôn làm Đấng Bảo Trợ nước Ý năm 1939, cuối cùng được phong tiến sĩ Hội thánh năm 1970.

Catherine Benincasa là người con thứ hai mươi lăm và là con út của một gia đình thợ thủ công. Người sinh tại Sienne vùng Toscane, có lẽ vào ngày 25.03.1347. Thân phụ là thợ nhuộm và thân mẫu là con của một thi sĩ. Bà có một tâm hồn thấm nhuần tinh thần thần bí sâu sắc và là “thần đồng kỳ diệu”, được Chúa ban cho những cảm nghiệm siêu nhiên từ lúc lên sáu hoặc bảy tuổi. Thánh nữ nói đã “nhìn thấy” Đức Kitô và Mẹ Maria và tự hiến cho Thiên Chúa khi cử hành cuộc “hôn nhân thần bí” với Đức Giê-su lúc tám tuổi.

Năm hai mươi tuổi, Catherine say mê đời sống cô tịch, khổ chế cùng kinh nguyện và được thâu nhận vào Dòng Ba Đa-minh ở Sienne, thường được dân chúng gọi là “Mantellate”. Như thế, chị thực hiện được giấc mộng xưa của mình : “Tôi muốn trở thành Nữ tu Đa-minh để rao giảng đạo Chúa và hoán cải những người lạc giáo”.

– Với tâm hồn chiêm niệm đồng thời cũng thiên về hoạt động, Catherine qui tụ quanh mình một nhóm môn đệ. Sau này, họ trở thành các nhà truyền giáo lưu động, đi khắp nước Ý, đến tận vùng Provence và quận Venaissin. Họ đọc Kinh thánh, cùng nhau suy niệm, nghiên cứu các nhà thần bí và thần học của Tôma Aquinô cùng ngâm thơ trong tác phẩm “Hài kịch thần linh” của Dante … Ba môn đệ làm “thư ký” cho người – trong đó có Raymond de Capoue. Họ tuyển tập, sắp xếp và biên soạn tập nhật ký linh đạo của Catherine vì Bà không biết viết.

– Giai đoạn lịch sử trong đời Catherine được đánh dấu bởi việc các Giáo Hoàng sống lưu vong tại Avignon (1309 – 1376). Người ta gọi giai đoạn đáng buồn này là “Cuộc lưu đày Babylon lần thứ hai”. Thế nhưng, chính nhờ những lời nài nỉ của thánh Catherine de Sienne mà Đức Giáo Hoàng Grégoire XI chấm dứt cuộc “lưu đày” này. Bà đã viết cho Đức Giáo Hoàng vào năm 1371 như sau :

“Vậy xin Đức Thánh Cha hãy lắng nghe lời Đức Giêsu Kitô nói với ngài : Triều đại ngươi ở trần thế làm hại đến Thiên triều của Ta … Vì thế ngươi hãy trở lại Rôma, trở lại Giáo Tòa của ngươi càng sớm càng tốt”. Rồi đến ngày 18 tháng 6 năm 1376, thánh nữ đến Avignon với sự hộ tống của các tu sĩ thuộc “Gia đình” Dòng tu của mình. Ba tháng sau, khoảng cuối năm, Đức Giáo Hoàng trở về Rôma.

– Vào ngày Đức Giáo Hoàng Grégoire XI (1378) qua đời và dịp bầu cử Đức Urbain VI, cuộc đại ly giáo ở Tây Phương (1378 – 1417) bùng vỡ. Đối lập với Giáo Hoàng hợp pháp Urbain VI ở tại Rôma, người ta đặt một Phản Giáo Hoàng khác, Đức Clément VII (1378 – 1394). Vị này tổ chức giáo triều của mình tại Avignon và được nước Pháp cùng vài nước đồng minh ủng hộ. Catherine de Sienne công nhận Đức Giáo Hoàng hợp pháp Urbain VI, và tự hiến làm lễ hy sinh để đem lại an bình. Song các hoạt động của Bà đã không chấm dứt được các mối phân rẽ đang xâu xé Hội thánh và các dân tộc ở Châu Âu.

– Catherine de Sienne qua đời tại Rô-ma, lúc ba mươi ba tuổi, trong khi phục vụ vị Giáo Hoàng mà Bà gọi là “Đức Ki-tô hiền lành tại thế”. Với tư cách là người tư vấn cho các Giáo Hoàng, là “dolcissima mamma” (mẹ rất hiền) cho “Gia đình” Tu sĩ lẫn giáo dân hằng tận tụy với Bà để phục vụ Tin Mừng, Bà được đặc ân lãnh nhận 5 dấu thánh, thánh nữ đã dâng hiến đời mình để chấm dứt cuộc đại ly giáo ấy.

– Ngoài vai trò chính trị và tôn giáo, Catherine de Sienne còn ảnh hưởng rất lớn đến nền Linh đạo thần bí, đặc biệt nhờ các tác phẩm của Bà : các Thư từ và cuốn Đối thoại được kể như là các tác phẩm cổ điển trong nền văn học Ý.

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Lời nguyện nhắc đến tình yêu nồng nàn của thánh Catherine khiến Bà tha thiết chiêm ngưỡng Đức Giêsu chịu khổ nạn và hăng say phục vụ Hội thánh.

Catherine cầu nguyện : “Lạy Chúa Giêsu rất nhân lành và dịu dàng, Chúa đang ở nơi nào, trong khi hồn con đang phải chịu đựng muôn vàn đau đớn như thế này ? – Đức Giêsu trả lời : Ta ở sâu thẳm trong lòng con. Quả thật, Ta không bao giờ rời xa tâm hồn của các bạn bè Ta … Ta ngự trong tâm hồn con cũng như Ta ở trên thập giá, trong một trạng thái đau đớn và hạnh phúc”.

Trong cuộc đối thoại liên tục với “Đấng yêu dấu” đã có lần nói với thánh nữ : “Hãy nhớ đến Ta và Ta sẽ nhớ đến con”, thánh nữ chỉ biết lặp lại mỗi câu này : “Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Ngài ! Con chỉ yêu một mình Ngài”. Những lời sau cùng của Catherine cho thấy cả cuộc đời mình “tràn ngập tình yêu Thiên Chúa” nồng nàn : “Lạy Đấng con yêu mến, Ngài đã gọi con, giờ đây con xin đến ! Con đến mà không mang theo công trạng gì trong tay, nhưng chỉ trông chờ lòng nhân lành và quyền năng do Máu Thánh Chúa đổ ra”.

Tình yêu nhiệt nồng của Catherine là nguồn của mọi hoạt động khi Bà tiếp xúc với các Giáo Hoàng, các Hồng y, giám mục, vua Chúa, các nhà quí tộc, thương gia và với các tầng lớp dân chúng … “Tôi là Catherine, đây là lời khai đề quen thuộc trong các thư của bà, là nữ tỳ và nô lệ cho các tôi tớ của Đức Giêsu, tôi viết thư này cho các người nhân danh Máu Thánh châu báu của Chúa chúng ta, với mong ước được thấy các người được đắm mình trong Máu Thánh của Người…”

Một giáo thuyết chắc chắn và thâm sâu xuất phát từ tâm hồn Catherine và được diễn tả bằng các hình ảnh và biểu tượng như sau : “Đức Giêsu phán : Làm sao các tôi tớ của Ta ở đời này có được các vật bảo chứng cho cuộc sống đời đời ? Quả thật, Ta nói với con : họ có được khi nhận ra trong tâm hồn họ lòng nhân lành và chân lý của Ta.

Sự nhận biết ấy là do Ta soi sáng trí tuệ và do đức tin là đôi mắt của tâm hồn chiếu soi… Ánh sáng đức tin khiến họ phân biệt, hiểu biết cùng noi theo con đường và giáo thuyết về chân lý là Ngôi Lời nhập thể” (Đối thoại chương 45).

b. Qua một lá thư, Catherine cổ vũ Hồng y Lune như sau : “Chính trong Máu châu báu của Đấng Cứu Thế mà chúng ta biết được chân lý dưới ánh sáng của đức tin rất thánh thiện … Thưa Cha kính mến, xin Cha hãy say mê chân lý.

Như thế, Cha sẽ trở nên rường cột trong nhiệm thể Hội thánh”. Catherine mong ước Hội thánh trở thành một vườn hoa xinh tươi, trong đó chỉ có “Các bông hoa thơm ngát ; vì các mục tử và các giám chức phải là những tôi tớ chân chính của Đức Giêsu Kitô, hằng chuyên cần hoạt động để tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi các tâm hồn”.

Vì thế, Catherine ý thức rằng mình “đến trần thế để xóa mờ gương xấu to lớn gây nên bởi cuộc ly giáo” nên thánh nữ đã cổ vũ Đức Giáo Hoàng Grégoire XI nhổ đi “Các bông hoa thối rữa, đó là các mục tử và bề trên đang làm hoen ố Hội thánh”.

c. Vậy Catherine đã múc lấy biết bao nhiêu sự can đảm và khôn ngoan từ đâu ? “Đức Giêsu nói với Bà : Hỡi con, hãy biết rằng chỉ mình ta là Đấng hiện hữu, trong khi con, con chỉ là hư vô”. Do đó, mặc dù không ngừng hoạt động, Bà vẫn dành cuộc đời mình để tìm kiếm sự thân tình với Thiên Chúa. “Lạy Ba ngôi vĩnh cửu, Ngài ví tựa đại dương sâu thẳm, càng tìm con càng thấy; càng thấy con càng tìm …

Vì khi chính bản thân con được mặc lấy Ngài, con đã thấy con là hình ảnh của Ngài … Chúa là tấm áo che cho con khỏi trần trụi. Chúa lấy sự dịu ngọt của Chúa mà nuôi dưỡng chúng con là những kẻ đang đói lả, vì Chúa ngọt ngào không chút đắng cay. Ôi lạy Ba Ngôi vĩnh cửu!” (Bài đọc – Kinh sách).

– Bí quyết của sự khôn ngoan và nên thánh của Catherine de Sienne, tiến sĩ Hội thánh, được bày tỏ trong lời kinh khi chấm dứt cuộc Đối thoại của Bà với Cha muôn thuở : “Lạy Chúa là chân lý vĩnh cửu, xin cho con được mặc lấy Ngài, để con được đi qua cuộc đời hay chết này bằng niềm vâng phục đích thực đối với Chúa và dưới ánh sáng đức tin rất thánh thiện chiếu soi. Đó là nguồn ánh sáng khiến lòng con say sưa chiêm ngắm Chúa. Tạ ơn Chúa. A-men”
***

Ngày 30.04
THÁNH PIÔ V, Giáo Hoàng (1504-1572)
Lễ nhớ

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Đức Piô V là vị Giáo Hoàng có công Canh Tân Hội thánh Công giáo ; ngài cương quyết thực hiện thành quả của Công đồng Triđentinô trong suốt nhiệm kỳ Giáo Hoàng ngắn ngủi của mình (1566 –1572). Ngài được mừng lễ vào hôm trước ngày người qua đời, nhằm ngày 1 tháng 5 năm 1572.

Michele Ghislieri sinh ra từ một gia đình nghèo nàn, gần Alexandrie, thuộc vùng Píemont vào năm 1504. Ngài vào Dòng Đa-minh lúc mười bốn tuổi, sau đó được thụ phong linh mục, dạy triết học và thần học. Với tính cách của một tu sĩ nhiệt thành và nghiệm nhặt, ngài hoạt động trong các tòa án thẩm tra của Rôma cho đến khi trở thành Tổng ủy viên năm 1550. Sau khi được Đức Giáo Hoàng Phaolô IV phong làm Hồng y và bổ nhiệm làm Tổng thẩm tra viên của các nước Ki-tô-giáo, ngài quan tâm bảo vệ đức tin không suy suyển.

Năm 1566, Michele Ghislieri được mọi người nhất trí bầu làm Giáo Hoàng. Trong sáu năm làm Giáo Hoàng, Đức Piô V miệt mài canh tân Hội thánh – khởi đầu từ giáo triều Rôma – và quyết tâm thực thi cụ thể các nghị quyết về mục vụ của Công đồng Triđentinô, với sự hỗ trợ của vị Hồng y trẻ Charles Borromée, sau này cũng được phong thánh.

Như thế vào thời ấy đã xuất hiện các sách như : Giáo lý Rô-ma (1566), ấn bản mới của bộ Sách nguyện Rô-ma (1568) và bộ Sách Lễ (1570). Các tác phẩm của thánh Tôma Aquinô – được tôn làm tiến sĩ Hội thánh năm 1567 – cũng được tái bản toàn bộ.

Nhờ dựa vào cuộc thẩm tra, Đức Piô V cũng đấu tranh chống sức bành trướng của đạo Tin lành tại Ý và Tây Ban Nha. Về phần nước Anh, ngài ủng hộ Marie Stuart mà phạt vạ tuyệt thông cùng chủ trương hạ bệ nữ hoàng Élisabeth (1570). Song việc này chỉ khiến cho tình cảnh của những người Công giáo trong vương quốc này càng thêm éo le hơn.

Vì lo âu trước tai họa người Thổ Nhĩ Kỳ đang gieo rắc cho Ki-tô-giáo ở Tây Phương, nên Đức Piô V – trong một Châu Âu bị phân hóa – đã cũng với Venise và Tây Ban Nha, thành lập một Liên minh Kitô-giáo. Từ đó, dưới sự chỉ huy của Don Juan dAutriche, hạm đội liên quân đã thắng trận Lépante (ngày 7 tháng 10 năm 1571), khiến hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ của Ali Pacha thoát chạy tán loạn. Nhân chiến công hiển hách đó đã làm nức lòng giới Kitô giáo đồng thời chấm dứt huyền thoại về đế quốc Ottoman bất bại, Đức PiôV thành lập ngày lễ Đức Bà Toàn Thắng (hay Đức Bà mân Côi).

Vì thế, vị Giáo Hoàng của công cuộc Canh Tân Hội thánh Công giáo cũng là vị thánh của chuỗi Mân Côi. Đặc biệt ngài cũng là người cổ vũ việc lần hạt qua sắc chỉ Consueverunt (1569). Sắc chỉ này giải thích và phần nào xác định hình thức truyền thống của chuỗi Mân Côi (xem thông điệp Marialis cultus, số 42).

Hôm trước ngày người qua đời, Đức Piô V nói với các Hồng y qui tụ quanh mình : “Ta gửi gắm cho chư vị Hội thánh mà ta rất yêu mến. Xin chư vị hãy bầu cho Ta một người kế vị nhiệt thành ; vị đó chỉ lo tôn vinh Thiên Chúa và không mưu cầu điều gì khác dưới trần thế này ngoài vinh dự của Tòa thánh và lợi ích cho các nước theo Kitô giáo”.

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Lời nguyện riêng gợi lại những công đức to lớn của Đức Piô V. Ngài đã cương quyết bảo vệ đức tin Công giáo và đã quan tâm “Canh tân Phụng Vụ”.

Khi được bầu làm Giáo Hoàng vào một giai đoạn mà các nước theo Kitô giáo càng ngày càng bị phân hóa và cần có ngay một cuộc canh tân đích thực trong các lĩnh vực tín lý, Phụng Vụ và luân lý, thì ngài đã nhiệt thành dấn thân cải cách và cho phổ biến một tác phẩm quan trọng : Sách nguyện và Sách Lễ Rô-ma, cùng giáo lý Công đồng Triđentinô. Ngài nói : “Tâm hồn, sức lực và mọi ý tưởng của chúng ta đều phải hướng về mục đích này: đó là gìn giữ tinh ròng nền Phụng Vụ đã được Hội thánh cử hành”.

Ngay cả trong lĩnh vực giáo luật, Đức Piô V còn ban hành nhiều luật lệ chống lại việc mại thánh và hủ hóa cũng như giám sát việc tuyển chọn các giám mục.

b. Lời chú giải của thánh Augustinô ở phần Kinh sách, nhắc lại vai trò của Phêrô và của những người “đấu tranh đến hy sinh mạng sống vì chân lý đức tin”. “Phêrô nghĩa là toàn thể Hội thánh ở trần thế này đang bị rung chuyển bởi muôn vàn thử thách, song không sụp đổ bởi vì được xây dựng trên đá tảng”. Chính khi noi theo Phêrô mà chúng ta đến gần được tảng Đá sống động, bị loài người vứt bỏ song được Thiên Chúa tuyển chọn. Vì thế, cả chúng ta nữa, chúng ta sẽ trở nên những viên đá sống động của tòa nhà, nơi đó Chúa tìm được niềm vui và vinh quang của Người (xem Xướng đáp).
***

Tại Canađa ngày 30.04
CHÂN PHƯỚC MARIE DE LINCARNATION,
Nữ tu (1599-1672)
Lễ nhớ

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Marie Guyard sinh tại Tours ngày 28 tháng 10 năm 1599 ; ngay từ thiếu thời, đã cảm nhận được mời gọi dâng mình cho Chúa : lúc lên bảy tuổi, trong giấc mộng, thánh nữ đã nghe được lời yêu cầu của Người.

Tuy nhiên ý muốn của người cha đã cản trở chị thực thi lời “Xin vâng” ấy : như thế, ở tuổi mười bảy, chị lập gia đình với Claude Martin, một thương gia buôn bán vóc lụa. Hai năm sau, ông qua đời để lại người vợ góa cùng đứa con trai sáu tháng tuổi. Sau khi giải quyết xong vụ việc của chồng, Marie Guyard trở về nhà cha mình và chuyên chăm lo cho con.

Tuy nhiên, để đảm bảo sự sinh tồn, Bà được mời tham gia doanh nghiệp của nhạc phụ và không ngại gian khó. Song khi sống cuộc đời năng nổ như thế, Bà cũng sống đời nội tâm phong phú và đã nhận được nhiều ơn thần bí … Mãi đến năm 1631, Marie mới thực hiện được ý nguyện mình hằng nuôi dưỡng từ lúc thiếu thời : gửi gắm con cho chị gái rồi vào Dòng thánh Ursulines ở Tours và mang tên Marie de lIncarnation (Ma-ri-a mầu nhiệm Nhập Thể).

Nhưng một ơn gọi khác chiếm lĩnh tâm hồn Bà : Bà cảm nhận mình được mời gọi lên đường đến Canađa, “để dành trọn cuộc đời phục vụ Thiên Chúa và các thổ dân da đỏ của chúng ta ở nơi ấy”. Bà ra sức hoạt động công cuộc Tông Đồ ở đấy thật phi thường : Sau khi cho xây dựng một tu viện, ở đó các nữ tu Ursulines sẽ dạy dỗ các trẻ em gái Pháp lẫn thổ dân, Bà soạn sách giáo lý và các kinh nguyện bằng tiếng thổ dân Algonquin, một cuốn tự điển. Bà mở cửa tu viện để đón nhận mọi người nên các nữ tu thắt chặt mối dây liên hệ đặc biệt với các thổ dân Huron cùng Algonquin.

Đàng khác, Bà duy trì sự liên lạc rộng rãi với các họ hàng ở Pháp. Sự liên lạc ấy có giá trị rất lớn về mặt linh đạo và lịch sử. Người ta còn giữ được 278 lá thư trong đó Bà mô tả các “Trạng thái cầu nguyện và đón nhân ân sủng” của bà. Đặc tính thần bí nơi các bản văn của Bà xứng đáng để Bossuet gọi Bà là Têrêxa của nước Pháp mới. Marie qua đời tại Quebec ngày 30 tháng 4 năm 1672 và được Đức Gioan Phaolô II tôn phong chân phước ngày 22 tháng 6 năm 1980.

2. Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện Thánh lễ giới thiệu cho chúng ta đặc điểm của Marie de lIncarnation : đó là cuộc đời chiêm niệm phong phú gắn liền với tinh thần dấn thân cao cả vào nghiệp vụ, vào hoạt động Tông Đồ cùng với việc giáo dục : “Lạy Chúa, Chúa đã dẫn đưa chân phước Maria mầu nhiệm Nhập Thể đến con đường chiêm niệm mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và Chúa cũng đã làm cho thánh nữ trở nên một Tông Đồ hăng say yêu mến Chúa và anh chị em đồng loại”.

Khi công việc ngập tràn, Maria chạy đến cùng Chúa như là “Nơi nương náu thường ngày” của Bà : “Tôi cảm thấy mạnh mẽ nhờ tôi hằng chú tâm yêu mến Người và điều này luôn luôn chiếm lĩnh trọn ngày đời tôi. Tất cả mọi sự là nhờ lòng yêu mến, chứ không vì lợi ích riêng của tôi”.

Lời nguyện mời gọi chúng ta cầu xin : “Lạy Chúa, nhờ lời chuyển cầu của chân phước Maria và nhờ noi theo gương người, xin Chúa ban cho chúng con được sống làm chứng nhân cho tình yêu Chúa để số người được ơn nhận biết Chúa, yêu mến Chúa và phụng sự Chúa mỗi ngày mỗi thêm đông đảo hơn”.

Vậy người phụ nữ này, vừa tinh thông trong công việc trần thế, vừa kết hiệp hết sức mật thiết với Thiên Chúa trong đời sống thần bí, đã múc lấy biết bao nhiêu sức mạnh và nhiệt huyết từ nơi đâu ? Các thư từ liên lạc với cậu con trai của mình mà Bà đã không lìa bỏ song kết hợp vào kế hoạch của mình – cho chúng ta bí quyết về điều đó : “Thiên Chúa đã không bao giờ dẫn dắt mẹ bằng tinh thần sợ hãi, song bằng tinh thần yêu mến và cậy trông”.

Các lời nguyện khác trong Thánh lễ gợi lại lòng yêu mến của chân phước đã biết gắn kết đời sống Tông Đồ với đời sống thần bí thật tuyệt vời. Lời nguyện trên lễ vật xin cho “Việc chúng ta tham dự vào mầu nhiệm Thánh Thể làm cho chúng ta nên các chứng nhân cho lòng yêu mến của Người”. Lời nguyện hiệp lễ nêu cho chúng ta gương lành nơi “Maria mầu nhiệm Nhập Thể”, “Hầu cho tâm hồn và trọn cuộc đời chứng tỏ lòng chúng ta yêu mến anh chị em đồng loại và biểu lộ chân lý đức tin luôn rạng ngời”.

Cũng chính trong các thư từ gửi cho con Bà mà chúng ta đọc được những dòng sau đây, cho thấy nhân cách của Bà rất gần gũi với người thời nay : “Khi mẹ thấy mình … không thể theo chân Chúa và cũng không thể noi theo sự tuyệt hảo của Người, thì mẹ cố hòa tan trong Người.

Rồi nếu tâm hồn mẹ có sức giúp mẹ theo Chúa, thì Người sẽ nâng niu nó thật chân tình … Nói thẳng với con rằng : đời mẹ là duy trì liên tục mối tương quan hai chiều đó”. Đó cũng là lời kêu gọi khẩn thiết giục chúng ta biến cuộc đời mình thành một lời nguyện thành tín. Bà đã nói với Chúa : “Lạy Chúa là tình yêu của con, con không còn cách nào khác để thực thi các điều đó, nhưng xin Chúa hãy thực hiện thay cho con”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *