Phụng Vụ Chư Thánh – Theo lịch Phụng Vụ Rôma
Tác giả: ENZO LODI
Nhóm dịch: Linh Mục hạt Xóm Chiếu
THÁNG 5
Ngày 01.05
THÁNH GIUSE THỢ
Lễ nhớ
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Lễ này đã được Đức Giáo Hoàng Piô XII thiết lập năm 1955 và được ấn định vào ngày 1 tháng 5 để mang lại cho lao động một chiều kích Kitô-giáo.
Thật vậy, khuôn mặt thánh Giuse, người thợ mộc ở Nagiarét, đã kỳ diệu góp phần giúp chúng ta hiểu được giá trị và sự cao cả của giới lao động. Từ Hy-lạp Tectôn được dịch là “thợ mộc” gán cho Giuse có lẽ chỉ định người thợ mộc, thợ đá hoặc thợ kim loại và cũng có thể là thợ xây dựng nhà cửa.
Do truyền thống gia đình, chắc chắn Đức Giêsu đã được hướng dẫn để làm nghề này. Vì thế, chúng ta đọc trong Tin Mừng của Marcô : (Đức Giêsu) không phải là bác thợ, con Bà Maria sao ? (Mc 6,3). Đối với người Do Thái thuộc thời soạn thảo Kinh thánh, công việc tay chân cũng thánh thiêng, đối với các Rabbi hay các tư tế cũng thế.
Các Rabbi bình giảng sách Giảng viên cũng nói : “Con hãy lo cho mình có được một nghề nghiệp, song song với việc học hỏi lẽ khôn ngoan”. Thế rồi, không những hành nghề mà thôi, song còn phải truyền nghề cho con cái vì như sách Talmud đã chép : “Kẻ nào không dạy nghề tay chân cho con mình, kẻ đó như thể cướp mất sự nghiệp sinh tồn của con cái”.
Sách này còn nhấn mạnh đến tính chất thánh thiêng và giá trị của công việc tay chân : “Người thợ, trong lúc lao động, không buộc đứng dậy tiếp bậc kinh sư cho dù là vị cao trọng nhất… Kẻ nào giúp ích cho người đồng loại bằng sức lao động của mình thì cao trọng hơn người học biết Thiên Chúa… Kẻ nào nuôi sống mình bằng sức lao động thì cao trọng hơn người vô công rỗi nghề, chỉ biết giam mình trong các tâm tình đạo đức …”
2. Thông điệp và tính thời sự
a. Lời nguyện trong Thánh lễ gợi cho chúng ta “Gương thánh Giuse”, được Tin mừng gọi là “người thợ mộc” (Mt 13,55). Truyền thống cho thấy ngài sống thân tình với Đức Maria, hôn thê của mình và với trẻ Giêsu, chính Người cũng được gọi là “bác thợ mộc” (Mc 6,3). Như thế cả ba vị đều tôn vinh Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ ; Người muốn con người lao động để tôn vinh Người và tiếp tục công trình sáng tạo của Người (lời nguyện nhập lễ).
b. Bài đọc – Kinh sách, trích Vaticanô II (Hội thánh trong thế giới ngày nay) làm nổi bật ý nghĩa Kitô giáo trong các sinh hoạt của con người. “Nổ lực này đáp ứng với ý định của Thiên Chúa… Điều ấy cũng bao gồm các sinh hoạt thông thường nhất.
Vì con người, nam cũng như nữ, khi nuôi sống mình và gia đình, đều phải hoạt động phục vụ xã hội. Họ có quyền nghĩ rằng sức lao động của họ mở mang công cuộc của Đấng tạo hóa và mang lại hạnh phúc cho các anh chị em, cũng như khả năng riêng của mỗi người, cũng góp phần kiện toàn kế hoạch của Thiên Chúa trong lịch sử”. Nơi khác, cũng Hiến chế này ghi nhận : “Nhờ việc làm của mình dâng lên Thiên Chúa, con người cộng tác vào chính công cuộc cứu rỗi của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã nâng cao giá trị của việc làm khi Người làm việc với chính hai bàn tay của mình tại Nagiarét. Do đó, mỗi người có bổn phận phải trung thành làm việc và cũng có quyền làm việc nữa” (Vaticanô II : LG 67,2).
***
Ngày 02.05
THÁNH ATHANASE,
Giám mục tiến sĩ Hội thánh
(295-373)
Lễ kính
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Theo thời gian, thánh Athanase là tiến sĩ đầu tiên trong số tiến sĩ và Giáo phụ của Hội thánh. Các Giáo Hội Coptes và Byzantin từ lâu đã kính nhớ thánh nhân vào ngày 2 tháng 5. Lễ này được các tín hữu ở Pháp biết đến vào thế kỷ XII và tại Rô-ma vào thế kỷ XVI mà thôi.
Thánh nhân là người Ai Cập, gốc Alexandrie, sinh vào cuối thế kỷ thứ III. Khoảng năm 313, giám mục Alexandrie bảo trợ cho ngài và như thế, cậu thanh niên Athanase được gia nhập vào hàng giáo sĩ tại Alexandrie. Ngài biết nói tiếng cổ Ai Cập, tiếng Hy Lạp bình dân và Hy Lạp cổ điển. Khoảng năm 320, ngài viết tác phẩm đầu tay : Luận thuyết về Lương dân và Ngôi Lời Nhập Thể, trong đó, một trong các chủ đề chính được phát biểu như sau: “Công cuộc cứu rỗi không phải do từ một kẻ chết, mà do từ một Đấng sống động là Thiên Chúa”.
Năm 325, sau khi làm phó tế được 5 năm và thư ký cho giám mục thành Alexandrie, ngài được tham dự Công đồng chung thứ nhất tại Nicée (ngày nay là Isnik, ở Thổ Nhĩ Kỳ). Công đồng chung này được triệu tập “nhằm tái lập sự hiệp nhất đang bị đe dọa nặng nề”.
Thật vậy, linh mục Arius đã truyền bá một lạc thuyết, chủ trương “Ngôi Lời Thiên Chúa không hiện hữu từ đời đời, nhưng được Thiên Chúa Cha sinh ra trong thời gian”. Lúc ấy, Athanase còn là một phó tế trẻ ba mươi tuổi, đã nổi bật như một nhà vô địch, đấu tranh cho đức tin chính truyền. Nhờ tài hùng biện và sức thuyết phục, ngài được nhóm lạc giáo Arius nể sợ.
Sau cùng, ngày 19 tháng 6 năm 325, đúng theo chiều hướng của lời Athanase biện hộ, và sau khi công bố “Ngôi lời đồng bản thể với Chúa Cha”, Công đồng soạn thảo lời tuyên xưng đức tin mà chúng ta được biết như ngày nay, dưới tên gọi là “Kinh Tin Kính của Công đồng Nicée” : “Tôi tin một Thiên Chúa duy nhất… Tôi tin một Chúa Giêsu Kitô…”
Athanase được bổ nhiệm làm giám mục Alexandrie lúc ba mươi lăm tuổi. Nhưng cuộc khủng hoảng do nhóm Arius gây nên vẫn tiếp tục gia tăng, khiến ngài phải sống một cuộc đời lưu đày. Trong bốn mươi năm làm giám mục, ngài phải sống mười tám năm lưu đày : ở Trèves bên nước Đức, tại Rôma, rồi sa mạc Ai Cập…
Tuy nhiên, bất chấp tất cả, thánh tiến sĩ vẫn viết được một tác phẩm đáng kể : Luận thuyết chống bè Arius ; Chống lương dân ; Bàn về Ngôi Lời Nhập Thể ; Thư gửi Épictète ; Thư gửi Sérapion ; Các thư mục vụ … và cuốn Tiểu sử thánh Antôn là tác phẩm ưa chuộng nhất và là cuốn sách mẫu mực về hạnh các thánh. Bộ sách quí giá này đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu biết và phổ biến lối sống đan tu lúc khởi đầu.
Athanase qua đời đột ngột trong đêm 02 rạng ngày 03 tháng 05 năm 373, thọ bảy mươi tuổi, trong khi được thánh Basile thành Césarée khuyến khích, ngài đang tích cực chăm lo tái lập sự hiệp nhất trong Giáo hội Antiochia.
2. Thông điệp và tính thời sự
a. Phụng Vụ tôn vinh lòng trung tín của thánh Athanase, là người bảo vệ tuyệt vời đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, như Công đồng Nicée xác định : “Người là Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa, được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản tính với Đức Chúa Cha”. Quả vậy, tiền xướng nhập lễ trích dẫn lời Kinh thánh : Ta sẽ cho xuất hiện một tư tế trung kiên để phục vụ Ta, nó sẽ phục vụ theo lời Ta và ý muốn của Ta (1 Sm 2,35).
Qua lời nguyện nhập lễ, chúng ta thưa cùng Chúa, là Đấng “đã chọn thánh giám mục Athanase để bênh vực niềm tin của Hội thánh về thiên tính của Đức Kitô, Con Một Chúa”. Như thế, chúng ta làm nổi bật công đức lớn lao nhất của vị thánh tiến sĩ này : gần như đơn độc trong cuộc đấu tranh chống lạc thuyết Arius, với một quyết tâm kiên cường, lúc nhu lúc cương, ngài đã góp phần đem lại chiến thắng cho đức tin tông truyền, vì thế đã mở một khúc ngoặc mới trong lịch sử Kitô giáo.
b. “Cùng với thánh Athanase, chúng con tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa thật…” (Lời nguyện hiệp lễ). Thật vậy, con người không thể được cứu rỗi, nếu Đức Kitô không là Thiên Chúa thật. Vì thế, Athanase nói : “Thiên Chúa làm người để con người được nên giống Thiên Chúa”. Việc kết hợp Logos, Ngôi Lời của Thiên Chúa với con người Giêsu làm cho toàn thể nhân tính cũng phần nào mang tính chất của “lời” (chống bè Arius III,3).
Vì vậy bài đọc một trong Thánh lễ đã được trích dẫn từ 1 Ga 5,1-5 : Phàm ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra … Vậy ai thắng được thế gian ? không phải là người đã tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa sao ?
Niềm tin vào thiên tính của Đức Ki-tô, Thiên Chúa thật và là người thật – là trọng tâm Kinh Tin Kính của Hội thánh.
***
Ngày 03.05
THÁNH PHILIPPHÊ và GIACÔBÊ, Tông Đồ
Lễ buộc trọng thể
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Theo truyền thống, việc cử hành lễ này bắt nguồn từ việc cung hiến đại thánh đường dâng kính Mười hai vị thánh Tông Đồ tại Rôma ngày 1 tháng 5 năm 565. Nhân dịp này, có lẽ người ta đã đặt dưới bàn thờ thánh tích của các Tông Đồ Philípphê và Giacôbê. Vì thế, ở Tây Phương, người ta mừng lễ chung cả hai thánh.
Thánh Philipphê (tiếng hy-lạp = Philippos = người thích ngựa), là một trong nhóm Mười hai, quê quán tại Betsaide, cùng thành phố với Anđrê và Phêrô (Ga 1,44). Trong danh sách các Tông Đồ, ngài luôn chiếm vị trí thứ năm, và trong sách Tin mừng của Gioan, ngài xuất hiện ba lần trong tư cách người bạn tâm giao của Đức Giêsu. Ngài đã nói với Nathanael : Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp : Đó là ông Giêsu… Cứ đến mà xem (Ga1,45 –46).
Rồi cùng với Anđrê, ngài tham gia vào hai việc quan trọng : lúc đầu, lúc Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều và trước ngày Chúa chịu khổ nạn – đó là ngày Đức Giêsu vinh quang tiến vào Giêsusalem ; lần sau, khi ngài làm môi giới cho các khách hành hương Hy Lạp muốn gặp Đức Giêsu (Ga12, 20 –21). Tin mừng của Gioan còn cho ta thấy ngài tại bàn Tiệc Ly, ngài nói : “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha …” (Ga 14, 8 tt).
Theo truyền thuyết, có lẽ Philípphê đã rao giảng Tin Mừng cho miền Tiểu Á và chịu đóng đinh tại Hiérapolis, vùng Phrygie. Nghệ thuật ảnh tượng thường minh họa ngài với cây thập giá trong cuộc tử đạo, hay đang lúc chịu đóng đinh.
Giacôbê – được gọi Hậu hay Tiểu huynh – cũng là một trong nhóm Mười hai. Người ta thường đồng hóa ngài với Giacôbê, người anh em của Chúa (Gl 1,19, Mc 6,3), là giám mục Giêrusalem và nhân vật hàng đầu của Hội thánh tiên khởi (Cv 15). Đức Giêsu hiện ra cho ngài sau khi Người đã phục sinh (Cv 15, 1- 8) và có lẽ ngài cũng là tác giả của thư Giacôbê.
Theo lưu truyền, Giacôbê Hậu chịu tử đạo tại Giêrusalem. Sau khi đẩy ngài từ trên cao Đền thờ xuống, người ta kết liễu đời ngài bằng cuộc ném đá. Nghệ thuật ảnh tượng minh họa ngài với một cái chùy cối xay, hay cuốn sách.
2. Thông điệp và tính thời sự
a. Lời cầu xin của Philípphê với Đức Giêsu : Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha ; như thế là chúng con mãn nguyện (Phúc Âm ngày lễ : Ga 14,6-14) và lời đáp của Thầy: Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha, tất cả đều là trọng tâm của lời kinh Phụng Vụ.
Lời nguyện nhập lễ gợi lại mục đích đời sống Kitô hữu : là “được thông phần vào cuộc Khổ nạn và Phục Sinh” của Đức Kitô để “được chiêm ngưỡng vinh quang của Người”. Quả vậy, chính Đức Kitô là đường dẫn đến Chúa Cha : Thầy là Đường, là sự thật và là sự sống ; không ai đến với Cha mà không qua Thầy… Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha Thầy (câu 6 và 9). Các câu này trở đi trở lại nhiều lần trong Thánh lễ và trong các giờ kinh Phụng Vụ.
b. Cả Philípphê lẫn Giacôbê đều được thấy Đấng Phục Sinh và đã làm chứng về Người. Giacôbê được thánh Phaolô nhắc đến (1 Cr 15,8) như là một nhân chứng về sự sống lại của Chúa : … sau đó, Ngài cũng hiện ra cho Giacôbê (bài đọc một trong Thánh lễ).
Lời nguyện trên lễ vật gợi lại lòng đạo đức đích thật được các Tông Đồ Philípphê và Giacôbê giảng dạy và chúng ta được mời gọi “thực thi cách tinh truyền và không có gì đáng trách”. Như thế, chúng ta cũng nhớ đến Thư của thánh Giacôbê – Theo lưu truyền được gán cho Giacôbê, người anh em của Chúa – qua đó chúng ta đọc : Lòng đạo đức tinh truyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha, là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian (Gc 1,27).
Vậy sự tôn thờ đích thật, phù hợp với lời giảng dạy của các ngôn sứ, không thể tách rời khỏi lẽ công bình và lòng yêu mến các kẻ “Hèn mọn” : … Hãy tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ (Is 1,17)
***
Tại Canađa ngày 04.05
CHÂN PHƯỚC MARIE-LÉONIE PARADIS, Nữ tu
(1840-1912)
Lễ nhớ
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Élodie Paradis sinh ngày 12 tháng 5 năm 1840 trong một ngôi làng vùng Acadie vùng Québec. Lúc mười bốn tuổi, chị vào tập viện Dòng Đức Mẹ thánh Giá, là Hội dòng chuyên phục vụ tại các cơ sở giáo dục của các Cha và các Thầy thuộc Dòng cùng mang tên Thánh giá. Chị lấy tên Dòng là Marie de Sainte Léonie.
Năm 1874, chị được mời hướng dẫn một nhóm tập sinh và thỉnh sinh tình nguyện phục vụ trong các trường trung học. Số lượng các trường này không ngừng gia tăng trong các giáo phận ở Canada và Tân Anh quốc. Ngày 26 tháng 8 năm 1877, chị tiếp nhận mười bốn thỉnh sinh.
Ba năm sau, những người này sẽ thành lập một cộng đồng mới, theo gương thánh Gia của Chúa Giêsu, Mẹ Maria cùng thánh Giuse, và được các Cha Dòng thánh Giá công nhận. Nhưng phải đợi đến năm 1896 giám mục Sherbrooke mới thừa nhận Tu hội mới của các Tiểu Muôi thánh Gia. Đến lúc thánh nữ qua đời, nhờ lòng tận tụy của bà,Tu hội có được ba mươi tám cơ sở được thành lập tại Canađa và Hoa kỳ.
Marie-Léonie đã biết kết hợp việc phục vụ quan trọng các trường trung học giáo phận với sự nghiệp giáo dục nhân bản và tâm linh cho các thiếu nữ nghèo và thất học đến với cộng đoàn mới. Đức Gioan-Phaolô II đã phong Bà lên bậc chân phước nhân lúc ngài viếng thăm Canađa ngày 11 tháng 11 năm 1984.
2. Thông điệp và tính thời sự
Phần đầu trong lời nguyện Thánh lễ gợi lại nét độc đáo của ơn gọi làm trợ tá cho các linh mục trong sự nghiệp giáo dục giới trẻ bằng sự hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần. Marie Léonie có được trực giác về “chức tư tế của giáo dân”, được Công đồng Vaticanô II ngày nay đề cao : “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chân phước Marie Léonie nêu gương tuyệt vời cho chúng con về đức khiêm tốn và lòng bác ái cũng như tận tụy phục vụ các thừa tác viên của Hội thánh Chúa …”
Noi gương Mẹ Maria và các phụ nữ theo Đức Giêsu trong cuộc đời Người, vị nữ tu này đã từng dạy Pháp ngữ và nữ công gia chánh trong nhiều tập viện khác nhau tại Canađa và Hoa kỳ , đã cảm nhận được nhu cầu cấp bách là cộng tác vào tác vụ của linh mục, để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của giới trẻ học đường. Đức khiêm tốn và lòng bác ái của Bà được biểu lộ qua câu nói đầy xác tín này : “Các linh mục cần những người trợ tá trong công việc Tông Đồ và có lẽ không ai nghi ngờ điều đó.Ý tưởng này luôn ám ảnh tôi và đã đảo lộn cuộc đời tôi cách kỳ lạ”.
Chính tinh thần phục vụ này thúc giục Bà thành lập tu hội Tiểu muội thánh gia để mang lại lợi ích của đời sống tu trì cho các thiếu nữ nghèo và thất học. Người phụ nữ thông minh này có tài phán đoán và cảm nhận thực tế, đã gắn kết mục đích đầu tiên này với việc phục vụ các linh mục hoạt động ngành giáo dục, đồng thời vẫn ý thức được giá trị của tầm mức tâm linh nơi chức vụ tư tế. Bà viết : “Nhiệm vụ của chúng ta trong Hội thánh là trợ giúp linh mục trong lĩnh vực trần thế và tâm linh. Nhưng điều mà chúng ta cần phải làm chứng nhân hơn hết, đó là chúng ta yêu thương nhau và yêu thương mọi người, không phải bằng bất cứ tình yêu nào mà bằng tất cả tấm lòng Thiên Chúa yêu thương họ. Vậy chúng ta phải lặp đi lặp lại với nhau mãi không chán rằng sự nghiệp chính của chúng ta là thực thi bác ái”.
Vì thế phần hai trong lời nguyện viết thêm : “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con được bắt chước các gương lành của thánh nhân, khi như người, chúng con múc lấy nơi Đức Giêsu là thượng tế đời đời và là Bánh Hằng Sống, sức mạnh để dõi theo con đường của Tin Mừng”.
Tinh thần đức tin đã giúp thánh nhân nhận ra và phục vụ Đức Kitô trong con người linh mục, song không vì thế mà không biết linh mục cũng có các khiếm khuyết của họ. Từ đó, Bà yêu cầu chị em trong Dòng tránh nói đến các linh mục “E rằng chúng ta chỉ nói đến các điều hay lẽ phải mà thôi”.
Điều quan trọng đối với Bà chính là chiều kích tâm linh nơi chức vụ tư tế : “Các chị em hãy gia tăng lòng can đảm và quảng đại để phục vụ Thiên Chúa trong con người các thừa tác viên của Người, và trong các công việc của họ”.
Lời nguyện trên lễ vật cũng gợi lại đời sống của thánh nữ : “Lạy Chúa… Chúa yêu thích đời sống thấm nhuần Tin Mừng của thánh nhân…” Sự hợp tác của Bà với các linh mục được khởi hứng từ gương các phụ nữ trong Tin Mừng đã đi theo Đức Giêsu và các môn đệ (Lc 8,3). Bà cổ vũ các nữ tu của mình : “Chị em hãy nhớ đến hồng ân Thiên Chúa ban cho chúng ta được cộng tác vào sự nghiệp giáo dục thật tốt đẹp…”
Lời nguyện hiệp lễ cầu xin cho chúng ta khi noi gương Marie Léonie và “mang trong mình cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, chúng ta chỉ chăm lo sống cho Thiên Chúa mà thôi”. Cuộc đời của Marie Léonie đã được tận hiến cho Thiên Chúa và được tan biến đi không hề nuối tiếc cho gia đình Dòng tu của mình.
Mặc dù công việc của Bà còn hạn chế về tài chính, song Bà không bao giờ ngần ngại để đáp ứng mọi nhu cầu : nào cứu giúp các bệnh nhân đến gõ cửa tu viện, nào tiếp nhận các nữ tu bị trục xuất khỏi nước Pháp… Bà đã noi gương Đức Giêsu khi Người nói : Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ (Lc 22, 27, bài Tin Mừng Thánh lễ).
Ngày nay tính ngôn sứ của Marie Léonie trong việc hỗ trợ sự nghiệp giáo dục của hàng giáo sĩ, đã biểu lộ hết sức mạnh mẽ giá trị của nó. Đồng thời chúng ta khám phá lại sự cống hiến rất giá trị của những cuộc đời hiến thánh này, là sức mạnh nâng đỡ công cuộc Tông Đồ và thừa tác mục vụ dưới mọi hình thức. Trong các thư từ liên lạc, Bà đã biết cách lồng các lời khuyên rất thực tế về gia chánh, thực đơn, về vườn tược, nội trợ với các lời khuyên về linh đạo và các chỉ dẫn y tế vệ sinh.
Qua đó, chúng ta hiểu được cách thế Bà bảo tồn các giá trị bất tận của linh đạo Tin Mừng từ cuộc sống hằng ngày, khiêm hạ và tầm thường nhất. Đó cũng chính là điều thánh Tông Đồ Phao-lô muốn cổ vũ chúng ta qua thư Côlossê (Cl 3, 17) : Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm, hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.
Tại Canađa ngày 06.05
CHÂN PHƯỚC FRANCOIS DE LAVAL, Giám mục
(1623-1708)
Lễ nhớ
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Francois Laval sinh tại Montigny-sur-Avre, trong giáo phận Chartres (Pháp), ngày 30 tháng 4 năm 1623. Xuất thân từ một gia đình quí tộc ; sau khi được thụ phong linh mục tại Paris năm 1647, ngài được chọn làm Tổng phó tế của giáo phận Evreux trước khi về sống ẩn dật tại Caen để chăm lo cầu nguyện và săn sóc người nghèo cùng bệnh nhân.
Sau khi được bổ nhiệm làm Đại diện Tông tòa tại Canađa (1658) và được bí mật thụ phong giám mục, ngài đến Québec ngày 16 tháng 6 năm 1659. Vào thời gian này, thuộc địa Pháp chỉ có năm giáo xứ và chưa đầy 2500 người. Ngài đã được vua Louis XIV phong làm giám mục Québec năm 1663, song chỉ được Rôma thừa nhận chức vụ này năm 1674.
Năm 1663, giám mục Laval sáng lập Đại Chủng viện Québec, rồi Tiểu Chủng viện năm 1668. Sau đó, ngài thành lập trường mỹ thuật và dạy nghề, cùng khuyến khích các hội từ thiện như : Hiệp hội thánh gia, Hiệp hội thánh Anna cùng nhiều hiệp hội khác nữa. Năm 1684, khi ngài đệ đơn xin từ chức sau 25 năm làm giám mục, số lượng các giáo xứ tại Canađa tăng trưởng từ năm đến ba mươi lăm. Số linh mục tăng từ 25 đến 102 vị, trong đó có 13 vị là người bản xứ ; các nữ tu từ con số 32 đến 97 gồm 50 chị được sinh tại Canađa.
Giám mục Laval hiến trọn những năm cuối đời để chú tâm cầu nguyện, khổ chế và thực thi việc bác ái. Ngài qua đời ngày 6 tháng 5 năm 1708 và được Đức Gioan Phaolô II phong chân phước ngày 22 tháng 6 năm 1980.
2. Thông điệp và tính thời sự
a. Giám mục Laval được gọi là Giáo phụ của Canađa. Sau khi được các tu sĩ Dòng Tên giáo dục và khai tâm về tinh thần truyền giáo, lúc đầu ngài mơ ước ra đi rao giảng Tin Mừng ở miền Bắc Việt Nam trước khi được bổ nhiệm làm đại diện tông tòa tại miền Tân Pháp.
Tuy nhiên tinh thần truyền giáo của ngài tìm được nguồn lực trong đời sống cầu nguyện liên tục. Ngài từ bỏ của cải để thể hiện tinh thần nghèo khó của Tin Mừng. Trong khi hoạt động có phương pháp nhằm thiết lập Giáo hội ở Canađa, (các Chủng viện, Giáo xứ, các hiệp hội…) ngài rao giảng lòng sùng kính Đức Trinh nữ Maria, thánh gia và các Thiên thần. Nền linh đạo này đã khuyến khích nhiều người dấn thân phục vụ người nghèo, bệnh nhân và trẻ em.
b. Bài đọc một trong Thánh lễ (2 Tm 4, 1-5) gợi lên lời giảng dạy của thánh Phaolô mà chân phước Francois Laval hằng áp dụng : Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, hãy biện bác, ngăm đe khuyên nhủ …
Vì thế giám mục Laval buộc phải chống lại khuynh hướng của vài người dân thuộc địa, nhắm đến sự độc lập của Giáo hội Pháp đối với Toà Thánh. Vì thế, ngài gặp nhiều khó khăn đối với các nhà cai trị, đặc biệt về chuyện họ buôn bán rượu cho thổ dân Châu Mỹ.
c. Bài Tin Mừng về vị Mục tử Nhân lành (Ga 10,14 – 15) giúp chúng ta hiểu cuộc đời truyền giáo của thánh nhân cũng được gọi là “vị mục tử tiên khởi của miền Tân Pháp”. Giám mục Laval hy sinh tất cả, trước hết là của cải cho các con chiên mình. Chân Phước “Maria mầu nhiệm Nhập Thể” đã làm chứng về ngài : “Đó là người nghiệm nhặt nhất trần thế và dứt bỏ của cải nhất trong trần thế. Người cho đi tất cả để sống nghèo khó và người ta có thể công nhận rằng người có tinh thần nghèo khó”. Quả vậy, năm 1680 giám mục Laval đã nhượng lại cho Đại Chủng Viện Québec “đất đai, lãnh địa và quyền hành lãnh chúa” mà ngài được lãnh nhận theo quyền thừa kế.
***
Tại Canađa ngày 08.05
CHÂN PHƯỚC CATHERINE DE SAINT-AUGUSTIN,
Nữ tu
(1632-1668)
Lễ nhớ
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Catherine de Longpré sinh ngày 3 tháng 5 năm 1632 tại Saint-Sauveur-le-Vicomte, thuộc Normandie, nước Pháp và được ông bà ngoại nuôi dưỡng. Ông bà thường tiếp nhận những người nghèo để nuôi nấng và chăm sóc. Từ thiếu thời, sau khi nhận được các cảm nghiệm thần bí, chị hiến mình cho “Đức Bà Maria” khi lên mười tuổi.
Là cô gái 12 tuổi xinh đẹp, linh hoạt và vui tươi, hóm hỉnh, Catharine quyết định vào Dòng nữ Hôtel-Dieu de Bayeux và được các nữ tu tại bệnh viện “Lòng Nhân từ của Chúa Giêsu” tiếp nhận.
Chị vào tập viện năm 1646 với tên Dòng Catherine de Saint-Augustin. Năm sau, chị được 15 tuổi và khấn nguyện “sống chết tại Canađa, nếu Thiên Chúa mở cửa nước này cho chị”. Như thế, ngày 27 tháng 5 năm 1648 sau khi tuyên khấn trọng thể tại Nantes, chị lên thuyền đi miền Tân Pháp. Khi đến Québec, noi gương vị tử đạo Jean de Brébeuf vừa bị thổ dân Iroquois thảm sát, chị chuyên cần học tiếng thổ dân và chăm sóc bệnh nhân. Từ 1654 đến 1668 chị liên tiếp giữ chức vụ quản lý, giám đốc bệnh viện và tập sư.
Năm 1654, Catherine de Saint-Augustin nguyện sống mãi tại Canađa, và bốn năm sau, chị hiến dâng mình làm của lễ hy tế để xin ơn cứu độ cho miền Tân Pháp. Chúa như đã nhận lấy lễ vật. Quả vậy, ngày 8 tháng 5 năm 1668, chị ngã bệnh và qua đời êm đềm ở tuổi ba mươi sáu. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong chị lên bậc chân phước ngày 23 tháng 4 năm 1989. Chị được xem như là vị đồng sáng lập Giáo hội Canađa.
2. Thông điệp và tính thời sự
a. Nhờ vào đời sống và các công đức, chân phước Catharine đã làm cho những bước đầu của Giáo Hội Canađa được sinh hoa kết quả phong phú (lời nguyện nhập lễ). Chị viết: “Tôi dâng mình làm của lễ hy tế cho Thiên Chúa quyền uy bất cứ lúc nào Người muốn. Tôi không tiếc mạng sống và quyền lợi của tôi, tôi chỉ muốn Thiên Chúa sử dụng chúng tùy theo thánh ý Người”.
Hiển nhiên chân phước Catherine đã chịu ảnh hưởng nền linh đạo thời mình. Nền linh đạo này đã mang dấu ấn phần nào nghiệm nhặt. Song chị luôn lo lắng làm trọn ý Thiên Chúa cách tuyệt đối. “Chỉ chăm lo phụng sự Người”, đó chính là quyết tâm sắt đá và chương trình sống của chị.
b. Khi liên đới với các tội nhân đến độ hiến thân làm của lễ hy tế, chân phước Catherine đã cảm nghiệm cách nặng nề trong đời mình nỗi đau do tội lỗi. Chị viết : “Tôi cảm thấy mình hoàn toàn bị đè nặng dưới áp lực không chịu nổi do muôn vàn tội ác mình thấy được…” Chị ghi tiếp : “Từ đó tôi đã rút ra được nhiệt hứng phục vụ các tâm hồn”.
Lòng tôn sùng bí tích Thánh Thể, Đức Trinh nữ Maria, thánh Giuse và thánh bảo trợ Jean de Brébeuf, đã ban cho chị sức mạnh để đương đầu với các cuộc chiến đấu thiêng liêng mà chị nói đến trong các bài viết của mình. Bài đọc một trong Thánh lễ như gợi lại các cuộc đấu tranh này : … Anh chị em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa để chiến đấu… Lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng bình an… (Ep 6, 10 – 20).
c. Chúa đã ban cho Catherine de Saint-Augustin các hồng ân và đặc sủng phi thường biến thánh nữ thành một nhà thần bí đích thực. Song Người cũng ban cho chị tràn đầy tình thương và lòng âu yếm mà chị không ngừng tỏa sáng xung quanh mình, nhất là khi chăm sóc các bệnh nhân. Bài Tin Mừng trong Thánh lễ gợi lên lòng bác ái anh hùng khi đưa ra đoạn nói về cuộc phán xét chung : … Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của ta đây, là các ngươi đã làm cho chính ta vậy (Mt 25,31– 40).
Chân phước giám mục Laval cũng biết Catherine de Saint-Augustin và đã làm chứng về chị sau ngày chị qua đời như sau : “Tôi không cần những điều phi thường diễn ra trong đời thánh nữ, mới xác tín được về sự thánh thiện của chị. Các nhân đức thật sự của chị làm cho chúng tôi biết chị hoàn hảo hơn”.
***
Ngày 12.05
THÁNH NÉRÉE và ACHILLE, Tử đạo
(+ khoảng 304)
Lễ nhớ
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Lễ kính hai thánh tử đạo này, nay được tách khỏi lễ của thánh Pancrace nhằm lập lại truyền thống của Giáo Hội Rôma tôn kính các thánh tử đạo trong các đại thánh đường dành riêng cho mỗi vị.
Thánh Nérée và thánh Achille được tôn sùng tại thánh đường dâng kính các vị ở nghĩa trang Domitille, bên đường Ardeatina. Nơi đây Đức Giáo Hoàng Grégoire Cả đã giảng (bài giảng thứ 38) mà người ta thường đọc trong sách nguyện thời trước. Còn thánh Pancrace được tôn kính tại thánh đường dâng kính ngài, trên đường Aurelia. Chỉ từ thế kỷ XIV Phụng Vụ Giáo triều Rôma mới gộp hai ngày lễ lại một.
Cuộc đời của hai thánh Nérée và Achille vẫn còn mờ mịt đối với các nhà viết sử. Nhưng theo các thủ bản của Đức Giáo Hoàng Damase (+ 384), cả hai vị thánh đều thuộc quân đội Rôma và trở lại với đức tin Kitô giáo. Cuộc tử đạo của các ngài diễn ra dưới thời bách hại của Diocletien (304). Cả hai bị treo lên cột. Người ta tìm thấy một trong hai cột ấy tại nghĩa trang Domitille : trên cột đó họ đọc được tên Achilleus, khắc phía trên một nhân vật đã bị chặt đầu.
Vào thế kỷ XVI, người ta chuyển thánh tích của các ngài từ đại thánh đường trên lộ Ardeatina, được Đức Giáo Hoàng Sirice xây dựng năm 390 – sang thánh đường được Đức Giáo Hoàng Lêô III dâng kính các ngài, nằm ở đầu đường Appia.
2. Thông điệp và tính thời sự
Lời cầu nguyện riêng trong lễ thánh Nérée và thánh Achille, xin các ngài “bênh vực chở che”, đã gợi lại tấm gương “anh dũng tuyên xưng đức tin qua cuộc tử đạo của các ngài”.
Hiển nhiên gương lành của các vị tử đạo tiên khởi đã thúc đẩy các ngài hy sinh mạng sống để làm chứng cho đức tin Kitô giáo. Vậy khi chiến đấu như người chiến binh anh dũng của Đức Kitô (bài đọc một : 2 Tm 1,13-14 ; 2,1-3), các ngài đã không sợ những người giết được thân xác mà không giết được linh hồn (bài Tin Mừng : Mt 10, 21-33). Như thế, các ngài đã hoàn thành trong thân xác mình những gì còn thiếu nơi khổ nạn của Đức Kitô “Vậy, nếu bạn ở trong số các chi thể của Đức Kitô, dù bạn là người nào hay là ai đi nữa … thì bất cứ điều gì bạn chịu do những còn thiếu trong những thống khổ của Đức Kitô ” (thánh Augustinô : Bài đọc – Kinh sách).
Cùng ngày 12.05
THÁNH PANCRACE, tử đạo (+ khoảng 304)
Lễ nhớ
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Pancrace (= người chiến đấu) là cậu trai mười bốn tuổi và theo truyền thuyết, chịu tử đạo hôm sau ngày rửa tội, tại Rôma, dưới thời bách hại của Diocletien, cùng lúc với Nérée và Achille. Một thánh đường rất nổi tiếng tại Rôma được xây dựng dâng kính ngài, trên đường Aurelia. Ngày xưa, ngày chúa nhật trong tuần bát nhật Phục Sinh, những người tân tòng, trong trang phục trắng (in albis) thường qui tụ quanh mộ ngài.
Việc tôn sùng ngài từ Rôma lan truyền vào Tây Phương, đặc biệt tại Anh và Pháp. Ở Anh, thánh Augustin de Cantorbéry đã dâng kính ngài một thánh đường trong thành phố giáo phận.
Thánh Pancrace được biểu hiện dưới hình một trang thanh niên, đầu đội triều thiên và tay cầm nhành lá thiên tuế tử đạo. Vào thời Trung Cổ, người ta đã đưa tên ngài vào danh sách “mười bốn thánh bảo trợ”.
2. Thông điệp và tính thời sự
Chắc chắn tuổi trẻ của thánh Pancrace đã xứng đáng cho nhiều người ngưỡng vọng đặc biệt cuộc tử đạo và việc tôn kính ngài. Như thánh Agnès ở Rôma và thánh Blandine ở Lyon, thánh Pancrace đã trở thành một mẫu gương anh dũng về đức tin và lòng can đảm cho Hội thánh toàn cầu. Quả vậy, ngay hôm nay, giới trẻ vẫn thích qui tụ bên mộ ngài ở Rôma.
Phụng Vụ Thánh lễ trình bày gương các vị Tử đạo của Ítraen. Vì lòng yêu mến lề luật Chúa, tất cả các ngài, ngay cả người trẻ tuổi nhất, đều coi thường mạng sống. “Người mẹ nói với con trai út: Con đừng sợ tên đao phủ này ; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con mà chấp nhận cái chết để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ” (2 Mcb 7, 1…21).
Cũng chủ đề này đã được thánh Bênađô minh họa trong phần Bài đọc-Kinh sách : “Emmanuel Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Người xuống trần gian để gần gũi những tấm lòng tan vỡ, để ở cùng chúng ta, lúc chúng ta lâm cảnh ngặt nghèo. Sẽ có lúc chúng ta được đem đi trên đám mây, để nghênh đón Chúa trên không trung… bấy giờ Người sẽ là quê trời, miễn là hiện nay Người là đường cho chúng ta”.
***
Ngày 14.05
THÁNH MATTHIAS, Tông Đồ
Lễ kính
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Việc tôn kính thánh Matthias chỉ xuất hiện tại Rôma vào thế kỷ IX. Lễ của ngài được cử hành vào Mùa phục sinh, phù hợp với câu chuyện bầu cử ngài diễn ra giữa hai ngày lễ Chúa Thăng thiên và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (Cv 1, 15-26).
Matthias (hay Mathias) tiếng Do Thái mattatyah (= hồng ân của Thiên Chúa) là môn đệ của Đức Giê-su. Vài Giáo phụ như Clément dAlexandrie, đồng hóa ngài với Giakêu. Có lẽ ngài chết tử đạo ở Giêrusalem. Song một truyền thống khác nói ở Éthiopie. Thánh tích của ngài được tôn kính tại Trèves (Đan viện thánh Matthias) và tại Rôma (Đền thờ Đức Bà Cả). Ngài được minh họa, tay cầm giáo hay thanh kiếm, và đôi khi lại bị gươm kiếm đâm thâu qua.
2. Thông điệp và tính thời sự
a. Câu chuyện trong Công vụ đọc vào ngày lễ (1,15-26) thuật lại diễn từ của Phêrô trước việc rút thăm chọn Matthias. Các Tông Đồ ý thức việc cần lập một nhóm Mười Hai tách biệt, được Đức Giêsu tuyển chọn để tiếp tục sứ vụ của Người. Vì con số ấy chỉ còn Mười Một sau bội ước của Giuđa Iscariote, nên cần một người khác nhận phần việc thay cho kẻ phản bội (Cv 1, 21), để số 12 trong Tông Đồ đoàn luôn được đầy đủ.
Quả vậy, trong Kinh thánh, con số “mười hai” được xem như là con số linh thánh và mang ý nghĩa tượng trưng : các môn đệ Đức Giêsu sẽ ngồi trên mười hai tòa để xét xử mười hai chi tộc Ítraen (Mt 19, 28 ; Lc 22, 30), và Giêrusalem mới sẽ có mười hai cửa mang tên mười hai chi tộc Ítraen. Cũng thế, mười hai nền móng của thành thánh mang tên mười hai Tông Đồ của Con Chiên (Kh 21, 12 – 14).
Phêrô nhắc lại các điều kiện cần thiết để được nhập vào nhóm Mười Hai và như thế tham gia vào sứ vụ đầu tiên của nhóm trong tư cách là những người trực tiếp làm chứng về Đức Kitô sống lại, từ Giêrusalem cho đến tận cùng trái đất (Cv 1, 8). Người được chọn phải là một trong các chứng nhân về cuộc đời và sự Phục Sinh của Đức Giêsu, cho đến khi Người lên trời.
Phêrô nói : Vậy một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh (Cv 1, 22 : bài đọc một trong Thánh lễ ; xem Bài giảng của thánh Gioan Kim Khẩu trong Kinh sách). Chính cảm nghiệm trong tư cách chứng nhân trực tiếp về đời sống và nhất là về sự sống lại của Thầy mình, đã đem lại cho nhóm Mười Hai sự bảo chứng, sức mạnh và sự khả tín trong sứ vụ Tông Đồ Tin Mừng của mình.
b. Phụng Vụ lễ thánh Matthias cũng nhấn mạnh một phương diện khác, không những về ơn gọi của nhóm Mười Hai, mà còn về mọi ơn gọi khác. Đức Giêsu nói với các Tông Đồ : không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại (Ga 15,9 –17) : bài Tin Mừng Thánh lễ). Như thế, khi Phêrô mời gọi cộng đoàn một trăm hai mươi anh em rút thăm một trong hai ứng viên để được sát nhập vào nhóm Mười Hai, thì cả hội nghị cầu nguyện rằng : Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người ; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai … (Cv 1, 24).
c. Ơn gọi của thánh Matthias cũng nhắc chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta được hưởng “gia sản của các thánh trong ánh sáng của Chúa” (lời nguyện sau hiệp lễ). “Hãy nhìn xem tình yêu Chúa cao cả dường bao ! Chúng ta là con Thiên Chúa, được tiền định trong thánh Tử độc nhất của Người… Mắt nhìn lên thành trì hoan lạc, chúng ta sẽ thấy được thánh Nhan uy nghi của Người” (xướng đáp bài đọc – Kinh sách)
Ngày 18.05
THÁNH GIOAN I, Giáo Hoàng, tử đạo
(523-526)
Lễ nhớ
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Lễ nhớ thánh Gioan I được cử hành vào ngày kỷ niệm ngài qua đời – theo Sách Giáo Hoàng (Liber pontificalis) – trong ngục thất tại Ravenne. Cuộc tử đạo của ngài bắt nguồn từ các cuộc đấu tranh giữa hoàng đế Công giáo Justin với vua Théodoric (454-526) theo lạc thuyết Arius.
Thánh Gioan I, quê tại Toscane, nước Ý, thuộc thành phần giáo sĩ Rôma trong tư cách linh mục và Tổng phó tế, trước khi lên ngôi Giáo Hoàng (523 –526). Triều đại Giáo Hoàng ngắn ngủi của ngài được nổi tiếng qua việc ngài sửa sang các nghĩa trang của thánh Achille và Nêrée cũng như nghĩa trang của thánh nữ Priscille và Pétronille. Ngài đã triệu tập nhiều Công đồng miền.
Năm 524, vua Théodoric ủng hộ nhóm Arius, từ Ravenne cai trị cả nước Ý. Vua phái Đức Giáo Hoàng Gioan đến Constantinople nhưng ngài từ chối việc tham gia vào bè rối Arius. Tại Đông Phương, ngài được Đức Thượng phụ Constantinople và hoàng đế Justin tiếp đón rất trân trọng. Hoàng đế cũng xin Đức Giáo Hoàng phong vương ngày 19 tháng 4 năm 526, trước sự hiện diện của các giáo sĩ Hy Lạp và La Tinh, cả triều thần và quần chúng. Ngay hôm ấy, Đức Giáo Hoàng đã cử hành Thánh lễ Phục Sinh trong đại thánh đường Sophia.
Nhưng khi trở về Ý, thánh nhân đã bị cầm tù tại Ravenne : Vì cho mình gạt, nên Théodoric đã bỏ đói ngài cho đến chết. Trên bia mộ ngài, người ta đọc được giòng chữ: “Bị tù ngục và chết vì Đức Kitô”. Bốn năm sau, năm 530, thi hài của ngài được chuyển về Rôma và mai táng trong đại thánh đường Phêrô, với các nghi thức trang trọng dành cho các vị tử đạo.
2. Thông điệp và tính thời sự
a. Lời nguyện riêng gợi lại “cuộc tử đạo”, “công đức” và “đức tin kiên vững” của Giáo Hoàng Gioan I. Lời nguyện vọng lại ý tưởng của bài đọc một (2 Tm 2,8 – 3,12) : Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích … Đây là lời đáng tin cậy : nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Bài Tin Mừng Thánh lễ (Ga 15,18-21) trích một trong những lời của Đức Kitô : Nếu họ đã bắt bớ Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ anh em (c. 20)
b. Các bài đọc trong Kinh sách đưa ra một bản văn trích từ thư của Jean dAvila gửi cho các bạn hữu, trong đó ngài diễn giải lời thánh Phaolô : “Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi”. Rồi Jean dAvila viết tiếp : “Thiên Chúa rộng mở đôi tay đón chúng ta, đôi cánh tay nhẹ nhàng thân ái và êm dịu biết bao, để tiếp rước những kẻ bị thương tích khi chiến đấu cho Người!
Chắc hẳn điều này mang lại một sự êm dịu ngọt ngào hơn mọi thứ mật ong mà công lao vất vả có thể sản xuất ra ở trên đời !” Nào là chúng ta bị hiểu lầm, bị bác bỏ và bị bách hại vì Tin Mừng. Jean dAvila lại viết : “Đây là con đường mòn mà Chúa Kitô và những kẻ thuộc về Người đã đi. Người gọi đó là con đường hẹp, nhưng chính nó lại đưa thẳng tới sự sống.”
***
Tại Pháp ngày 19.05
THÁNH YVES, Linh mục (1253-1303)
Lễ nhớ
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Mặc dù được nhiều người biết đến, song thánh Yves de Kermartin mệnh danh là “luật sư của những người nghèo”, đấng bảo trợ các luật sư và thẩm phán, chưa bao giờ được ghi tên vào lịch Rô-ma. Chỉ sau Công đồng Vaticanô II việc tôn kính ngài mới tràn khắp nước Pháp. Ngài được phong thánh năm 1347.
Yves (Erwan theo tiếng Breton) Hélory de Kermartin sinh tại Bretagne, năm 1253, tại thái ấp Minihy (= Nơi ẩn náu), gần Tréguier (= ba con sông). Thời ấy, miền Bretagne là một Bang độc lập, dưới sự cai quản của Jean I le Roux, trong khi thánh Louis thống trị Vương quốc Pháp. Lúc mười bốn tuổi, Yves lên học ở Paris, nơi đây thánh Bonaventura đang dạy thần học. Sau khoảng mười năm, ngài đến đại học Orléans để chuẩn bị luận án tiến sĩ giáo luật.
Năm 1280, Yves được bổ nhiệm làm “Chánh án” của Hội thánh tại Rennes. Như vậy, ngài được mời để thực thi công lý trong tư cách là thẩm phán của tòa án Giáo hội, xét xử các việc tố tụng và mọi việc khó khăn do hôn nhân, chúc thư và các hợp đồng… Giáo sĩ chánh án Yves Hélory de Kermartin sớm được mọi người để ý đến và trở nên nổi tiếng do bởi các nhân đức, lòng bác ái, tính tham liêm và lòng yêu chuộng công lý, yêu chuộng người nghèo… Một người nghèo – bị một người bán thịt quay giàu có cáo gian nhưng được vị thánh chánh án này tuyên phán vô tội – liền hô lên : “Ôi ! vị thẩm phán tốt lành, vị thẩm phán tốt lành ơi ! Salômôn cũng không nói được điều gì hay hơn thế !”
Sau thời gian ở Rennes, Yves còn được bổ nhiệm làm linh mục chánh án tại quê nhà, ở Tréguier. Ngài được giám mục địa phương triệu hồi để phong chức linh mục : như thế, ngài làm cha chính xứ ở Trédec, rồi ở Louannec đối diện với Thất Đảo (Sept Iles). Ngài qui tụ mọi người sống đạo, sau khi họ đã hâm mộ tấm gương cầu nguyện và bác ái của ngài.
Nhờ sống hòa đồng với những người nghèo và từ bỏ mọi sự, ngài đã biến thái ấp của cha ngài ở Minihy thành nơi tiếp đón và giúp đỡ các người tất bạt, vì cửa lâu đài luôn mở ra đón mọi người.
Ở tuổi năm mươi, Yves đã trở thành một con người tàn tạ và kiệt lực. Ngài bất thần qua đời ngày 18 tháng 5 năm 1303, giữa vòng tay đám dân nghèo đã từng đến với ngài, để được chỉ giáo và giúp đỡ.
2. Thông điệp và tính thời sự
a. Lời nguyện nhập lễ mừng kính thánh Yves như “một người bạn cao quí của những người nghèo khổ” gợi lại pho tượng mà chúng ta có thể chiêm ngưỡng tại thánh đường Tréguier : chúng ta thấy vị thánh ngồi trên tòa xét xử, giữa một người giàu có và một người nghèo khó, song khuôn mặt thánh nhân lại hướng về người nghèo khó. Thật hữu lý khi truyền thống trao tặng cho ngài danh hiệu “vị luật sư của những người nghèo” và xưng tụng đức độ của ngài.
Vào thời ấy, người ta khó tìm thấy những đức tính đó nơi những người thi hành luật pháp : “Sanctus Yvo erat brito, advocatus et non latro, res miranda populo = thánh Yves là người xứ breton, là luật sư chứ không phải trộm cướp, đó là điều kỳ diệu cho người dân”. Ngài nói : “Một Kitô hữu và nhất là một linh mục, phải là một hình ảnh sống động về Đức Kitô”. Ngài đã là hình ảnh đó qua lời nói, khi không ngừng loan báo Tin Mừng bằng tiếng La Tinh, tiếng Breton, tiếng Pháp … và cũng qua hành động, khi dứt bỏ mọi sự – như các nhà viết tiểu sử về ngài thường kể – đến độ cho người này, người kia nào là mũ ni, áo khoác, khăn choàng bằng lông thú và cả giày ống của ngài nữa.
Trong lâu đài mở ra cho mọi người, thánh nhân đã nuôi một nghệ sĩ làm trò ảo thuật cùng với vợ con của anh. Nhưng khi anh ấy qua đời, thánh nhân đã không ngần ngại chăm sóc người quả phụ và bốn trẻ mồ côi cha.
b. Lời nguyện nhập lễ cũng còn mời chúng ta cầu nguyện : “…Lạy Chúa, nhờ lời chuyển cầu của thánh Yves, xin ban cho chúng con được ơn hăng say tìm kiếm công lý và được kết hợp với Chúa để yêu mến mọi người”. Khi nhìn gương lành của thánh linh mục và thẩm phán Yves, một nhà viết tiểu sử đã mô tả công đức của ngài như sau : “Người đã thành công khi tẩy sạch quê hương khỏi những kẻ xấu, cứu giúp những người bị áp bức, trả lại sự công bằng cho mỗi người, không thiên vị ai cả, giảm bớt các hình thức tố tụng rườm rà, đem lại an bình và thuận hòa giữa các thành phần đối nghịch”.
Bài đọc một trong Thánh lễ rất phù hợp với ngày lễ của ngài. Quả vậy, chúng ta cùng đọc … Kẻ khốn khổ nài xin, con đừng từ chối… hãy lắng nghe kẻ nghèo… Hãy giải thoát người bị áp bức khỏi tay phường áp bức, đừng hèn nhát khi con phải xét xử. Đối với trẻ mồ côi, con hãy xử như một người cha… Được vậy, con sẽ nên như người con của Đấng Tối Cao, và Người sẽ thương con hơn cả mẹ của con nữa” (Hc4,1 – 10).
c. Bài đọc đề ra trong kinh sách được trích từ bài giảng của thánh Gioan Kim Khẩu : “Chúa phán : Kẻ nào đón tiếp một trong những trẻ nhỏ này, thì kẻ ấy đón tiếp Thầy. Người anh em đó càng nhỏ bé, thì Đức Kitô càng hiện diện …
Vì Đức Kitô là khách lạ, không áo che thân, nên Người cần một mái ấm để trú ngu, anh em hãy cung cấp cho Người ít nhất là những điều ấy. Đừng sống tàn nhẫn và bất nhân …” Sau cùng, làm sao chúng ta không lưu ý đến các lời Tin Mừng chúng ta đọc được trong lời xướng đáp : Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương (Mt 5,7). Vì Thiên Chúa không thương xót khi xét xử kẻ không biết thương xót (Gc 2,13).
Ngày 20.05
THÁNH BERNARDIN DE SIENNE, Linh mục
(1380-1444)
Lễ nhớ
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Bernadin sinh năm 1380, trong gia đình quí tộc của giòng họ Albizzeschi, gần Sienne, vùng Toscane. Năm 1402, lúc hai mươi hai tuổi và tốt nghiệp đại học, ngài vào Dòng Phanxicô sau một cơn bệnh trầm trọng.
Từ 1405 cho đến khi qua đời, thầy Bernadin hoạt động rất tích cực và đa dạng. Khi phục vụ Dòng, ngài chuyên tâm cải cách đời sống tu sĩ Dòng Phanxicô, đặc biệt từ 1438 đến 1442. Vào thời này, ngài được bổ nhiệm làm tổng đại diện các tu viện Phanxicô tại Ý. Ngài chuyên cần soạn thảo các tác phẩm dùng để suy niệm và tu đức như : Bàn về Kitô giáo (1427), Tin Mừng muôn thuở (1428), Các ơn thần hứng (1443)…
Nhưng điều làm cho thánh Bernadin được nổi tiếng, đó là công tác rao giảng, khiến ngài trở thành “nhà thuyết giảng của thế kỷ”, kế vị thánh Vincent Ferrier (1355 -1419). Với biệt tài hùng biện và giảng thuyết bằng ngôn ngữ bình dân, ngài thu hút khắp nơi các đám đông dân chúng tại thánh đường và nơi công cộng ở các vùng Ombrie, Toscane, Vénétie, Lombardie và ngay cả ở Rôma, tại đây ngài giảng thuyết trong các khu phố bình dân. Dựa vào các giai thoại, các ngụ ngôn răn đời, các mẫu đối thoại hư cấu, ngài mạnh mẽ dẫn những thính giả đến với Thiên Chúa, đồng thời bài xích các tệ nạn đủ loại và tìm cách thuyết phục họ xác tín.
Sau khi bị nghi ngờ và tố cáo theo lạc thuyết, Thầy Bernadin phải hai lần ra hầu tòa Giáo hội Rôma (1427 và 1431). Nhưng cả hai lần ngài đều được tha bổng. Năm 1432, ngài lại nhận được từ Đức Giáo Hoàng Eugène IV sắc chỉ Toà Thánh để ban khen ngài.
Ngài qua đời hôm áp lễ Chúa Thăng thiên năm 1444, thọ sáu mươi bốn tuổi và được phong thánh sáu năm sau, tức năm 1450. Nghệ thuật ảnh tượng minh họa ngài trong trang phục Dòng Phanxicô, với ba chiếc mũ giám mục dưới chân nhằm gợi đến ba lần ngài từ khước chức vị giám mục do sự khiêm tốn. Hình ảnh thánh nhân cũng được biểu hiện với ba chữ viết tắt IHS (Iesus Hominum Salvator = Giêsu, Đấng Cứu Độ loài người), nhắc đến lòng sùng kính của ngài đối với danh thánh Đức Giêsu.
2. Thông điệp và tính thời sự
a. Phụng Vụ mừng lễ thánh Bernadin ca ngợi đặc biệt về “lòng nhiệt thành yêu mến danh thánh Chúa Giêsu” (lời nguyện) là trọng tâm của lời ngài rao giảng. Ngài đã từng lớn tiếng : “Làm sao bạn nghĩ được rằng đức tin quá lớn lao, quá trong sáng và sốt sắng như thế, lại có thể lan truyền nhanh chóng khắp thế giới, nếu không phải vì người ta đã rao giảng về Đức Giêsu ?”
Tuy nhiên, để lời công bố về thánh danh ấy được hiệu quả và nên nguồn ơn cứu độ, thì chúng ta không được rao giảng thánh danh Chúa bằng một “tâm hồn không thanh sạch hay bằng miệng lưỡi ô uế” nhưng dù là một “bình sành chọn lọc”, như thánh Tông Đồ Phaolô “quảng bá danh thánh Giêsu bằng lời nói, thư từ, phép lạ và gương sáng.
Thật thế, ngài hằng ca ngợi và công khai chúc tụng danh thánh Giêsu… Quả vậy, khi thánh Phaolô mở miệng giảng cho dân thì sự vô tín bị tiêu tan, sự dối trá biến mất, chân lý ngời sáng lên” (Bài đọc – Kinh sách). Câu xướng đáp lại ghi thêm : “… Con sẽ không ngừng ca ngợi thánh danh và con sẽ hát lên bài ca cảm tạ thánh danh Giêsu, Đấng chịu đóng đinh và đã sống lại, Người là đấng duy nhất cứu độ con.”
b. Bài Tin Mừng Thánh lễ (Mc 3,31-35; xem Lc 8,19-21) nhắc chúng ta rằng gia đình đích thật của Đức Giêsu gồm những ai biết lắng nghe lời Thiên Chúa và – như Đức Maria – đem ra thực hành. Như thế, bài Tin Mừng còn gợi một chủ đề khác trong lời rao giảng của thánh Bernadin : đó là việc suy niệm lời Chúa mà ngài diễn tả bằng một ngôn ngữ đầy hình ảnh như : “Anh em bắt chước con bò khi đi ăn ở đồng cỏ về. Nó nhai đi, nhai lại và động tác này xem ra đối với nó còn hữu hiệu hơn là ăn cỏ. Anh em hãy ngẫm đi ngẫm lại lời Chúa, để việc suy ngẫm liên tục này đem lại hiệu quả cho anh em hơn là chỉ nghe suông”.
c. Bernadin sống trong một thế kỷ đầy chiến tranh, xung đột và phân rẽ. Nên vị thánh thành Sienne này đã rao giảng về lòng nhân lành của Thiên Chúa và về sự bao dung để tái lập hòa bình. “Ôi lòng nhân lành của Chúa thật bao la ! Nó kêu gọi mọi người. Đức Giêsu mời gọi cả người công chính lẫn kẻ tội lỗi, người thanh sạch lẫn kẻ tội nhơ và tất cả mọi người ! … Thiên Chúa, Đấng mà anh em xúc phạm do bởi các mối bất hòa của anh em đã sai phái tôi đến với anh em, như vị Thiên sứ của Người, để loan báo ơn bình an cho mọi người thiện chí thiện tâm”.
Tại Canađa ngày 24.05
CHÂN PHƯỚC LOUIS-ZÉPHIRIN MOREAU
Giám mục
(1824-1901)
Lễ nhớ
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Louis-Zéphirin Moreau sinh tại Bécancour, ở Canađa, năm 1824. Ngài là con thứ năm trong một gia đình gồm mười ba người con. Ngài ốm yếu nhưng rất thông minh. Ngài được đào tạo tại Chủng viện Nicolet ; lúc đầu ban giám đốc đã cho ngài thôi học vì lý do sức khỏe, nhưng sau đó, ngài được giám mục Bourget ở Montréal tiếp nhận và được thụ phong linh mục ngày 19 tháng 12 năm 1846.
Trong sáu năm (1846 – 1852), vị linh mục mới này chuyên tâm điều hành giáo phận và thi hành mục vụ. Ngài chứng tỏ lòng nhân ái đối với người nghèo. Họ thích gọi ngài là “Ngài Moreau tốt bụng”. Trong khi đó, ngài nhiệt thành rao giảng lòng sùng kính bí tích Thánh Thể, Thánh Tâm Chúa Giêsu và Đức Trinh nữ Maria.
Năm 1852, linh mục Moreau được bổ nhiệm làm bí thư, chưởng ấn của giám mục Prince là giám mục tiên khởi của giáo phận thánh Hyacinthe. Như thế, ngài phụ giúp ba giám mục tiên khởi của giáo phận mới này cho đến khi ngài kế vị các ngài năm 1876. Lúc ấy ngài chọn câu phương châm này : “Tôi có thể làm được mọi sự nhờ Đấng ban cho chúng ta sức mạnh” cũng đã tỏ ra mình là vị mục tử nhiệt thành và hoạt động không biết mệt mỏi.
Ngài làm việc thận trọng và hiệu quả, đồng thời gần gũi thân mật với hàng linh mục của mình. Ngài nhạy cảm với các vấn đề xã hội và các khó khăn của trường đại học Montréal, cũng như của các trường học ở Manitoba và những khó khăn trong việc giáo dục trẻ em. Ngài có lòng nhân ái và đạo đức. Khắp nơi, mọi người đều gọi ngài là “Đấng Thánh”. Ngài nói :“thánh ý Chúa trên hết. Đó là cơm bánh hằng ngày của chúng ta. Đó là lương thực làm cho tâm hồn và trái tim được thư thái và an tịnh hoàn toàn”.
Ngài qua đời ngày 24 thánh 5 năm 1901, thọ bảy mươi bảy tuổi, sau hai mươi lăm năm làm giám mục. Ngài được Đức Gioan Phaolô II phong chân phước ngày 10 tháng 5 năm 1987.
2. Thông điệp và tính thời sự
a. Chúa đã ban cho chân phước Louis-Zéphirin Moreau thành “vị mục tử được dân tộc người sùng kính,do bởi người nhiệt thành loan báo Tin Mừng, sốt sắng yêu mến Chúa và nhân ái đối với mọi người” (lời nguyện riêng).
Ngài lấy kinh nguyện làm động lực cho công cuộc mục vụ của mình. Trước mắt mọi người, thánh nhân rất nhân từ, sốt sắng và là mẫu người cầu nguyện.
Từ đó, ngài cổ vũ các linh mục của mình : “Chúng ta sẽ chỉ làm tốt các công cuộc lớn lao đã được trao phó cho chúng ta, nhờ sự kết hiệp mật thiết với Chúa. Đồng thời, nhờ thấm nhuần tinh thần và lòng nhiệt thành của Chúa, chúng ta sẽ thực hiện được những gì chúng ta đã lãnh nhận, duy chỉ nhờ lời cầu nguyện và bền vững nguyện cầu”.
Ngài được gọi là “Ngài Moreau tốt bụng” hay “Đấng Thánh” vì ngài biết thực thi quyền hạn của mình bằng tình phụ tử và lòng nhân từ. Do đó, ngài nhắc nhở hàng giáo sĩ của mình : “Không nên tỏ vẻ thống trị quần chúng, nhưng đúng hơn là điều hành họ với tình phụ tử và lòng nhân từ”. Ngài cũng biết thực thi quyền làm cha bằng lòng nhân lành và âu yếm, đặc biệt đối với những người thấp kém nhất và những kẻ bị ở bên lề xã hội.
Quả vậy, mỗi ngày thứ hai, ngài đều đón tiếp kẻ nghèo hèn, các bệnh nhân và giúp đỡ họ bằng tài sản riêng của mình. Bài Tin Mừng Thánh lễ nhấn mạnh rõ ràng khía cạnh thánh thiện này nơi chân phước Moreau : … Anh em hãy thắt lưng cho gọn… (Lc 12,35 – 38). Vì thánh giám mục nhạy cảm với vấn đề công nhân, nên năm 1874 ngài thành lập Hiệp hội thánh Giuse để giúp đỡ giới lao động, nhất là trong các trường hợp tai nạn, bệnh hoạn hay thất nghiệp.
b. Chúa phán : “Tôi sẽ chăm sóc đàn chiên của tôi ; tôi sẽ ban cho chúng một mục tử để dẫn dắt chúng…” (Tiền xướng ca nhập lễ). Trong ơn gọi là mục tử, giám mục Moreau quan tâm đến việc đào tạo và sự thánh thiện nơi các linh mục của mình. Họ liên đới với ngài trong tác vụ.
Năm 1883, ngài nói với họ : “Chúng ta hãy ý thức rõ nhu cầu học hỏi, khi cần hãy mạnh mẽ đánh đổ sự trì trệ mà chúng ta đang cảm nhận để tiếp thu môn khoa học thánh”. Các lời khôn ngoan ấy vọng lại ý tưởng của bài đọc một trong Thánh lễ : Kẻ để hết tâm hồn suy gẫm luật Đấng Tối cao, người ấy truy tầm lẽ khôn ngoan nơi mọi bậc lão thành, không ngừng nghiên cứu các sấm ngôn… (Hc 39, 1.5-8). Theo giám mục Moreau, mục đích sẽ là “thiết lập vững chắc triều đại của Thiên Chúa trong lòng người… bằng việc giảng dạy đáng tin cậy.”
Ngày 25.05
THÁNH BÈDE LE VÉNÉRABLE,
Linh mục, tiến sĩ Hội thánh
(khoảng 673-735)
Lễ nhớ
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Bède, được gọi là đấng khả kính và được Alcuin gọi là Giáo sư Bède, được tôn làm tiến sĩ Hội thánh vào năm 1879. Ngài cũng được gọi là “cha đẻ của Lịch sử Anh quốc” vì đã viết cuốn Lịch sử Giáo hội nước Anh.
Thánh Bède sinh khoảng năm 673, trong vương quốc Northumbrie, thuộc Anh. Ngài sống thời trẻ và niên thiếu tại tu viện Biển Đức ở Wearmouth, rồi tại Đan viện Jarrow, nơi đây, ngài hoàn tất chương trình đào tạo của mình. Ngài được thụ phong linh mục lúc ba mươi tuổi và tuyên khấn theo tu luật thánh Biển Đức. Ngài ít khi rời Đan viện Jarrow và chỉ đi trong các chuyến ngắn ngày, vì “luôn yêu thích cầu nguyện, viết lách, đọc sách hay giảng dạy…” theo lý tưởng Dòng Biển Đức là “Ora et labora” (cầu nguyện và lao động).
Ở Jarrow, khi phụ trách đào tạo các đan sĩ trẻ, Bède đã viết các sách giáo khoa riêng cho họ, để trước hết dạy họ tiếng La tinh và khoa hùng biện cổ điển. Vào thời ấy, hai khoa này là nền tảng để học văn hóa, bằng cách trích dẫn các mẫu gương trong Kinh thánh và các Giáo phụ. Rồi ngài sáng tác các tác phẩm khác, trước hết để giảng dạy và tìm hiểu Kinh thánh : ngài dành công việc quan trọng nhất của mình vào việc thi hành nhiệm vụ này, bằng cách chú giải các Sách Thánh. Theo phương pháp của các Giáo phụ như các thánh Augustinô, Jérôme và Grégoire Cả, Bède giải thích Kinh thánh chủ yếu theo nghĩa phúng dụ.
Theo tư tưởng của thánh đan sĩ thành Jarrow, lịch sử cứu độ được tiếp diễn ngay cả sau thời Tân ước và cũng kéo dài trong sự phát triển của quê hương ngài. Như đã viết các bài chú giải Kinh thánh, ngài cũng soạn thảo danh mục các vị tử đạo và hạnh các thánh, như hạnh thánh viện phụ Benoit Biscop, đấng sáng lập tu viện Wearmouth và hạnh thánh giám mục Curthbert. Tuy nhiên, tác phẩm đặc biệt làm cho ngài nổi tiếng chính là cuốn Historia Ecclesiastica Gentis Anglorum (Lịch sử Giáo hội nước Anh). Cuốn này là nguồn tư liệu quan trọng đối với lịch sử của người dân Anglo-Saxon cổ xưa.
Thánh Bède qua đời ở tuổi sáu mươi tại Đan viện Jarrow. Cuthbert viết trong một lá thư như sau : “Ngài tắt thở trên nền gạch của phòng mình trong khi còn đang hát câu : Sáng danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần…”.
2. Thông điệp và tính thời sự
a. Lời nguyện riêng rất ngắn, cầu xin cùng Chúa : “Lạy Chúa, Chúa đã dùng một học giả uyên thâm là thánh Bède khả kính mà làm cho Hội thánh thêm vinh quanh rạng rỡ. Nhờ sự khôn ngoan và công nghiệp của thánh nhân, xin cho chúng con là tôi tớ Chúa được luôn soi sáng và giúp đỡ.”
Thánh đan sĩ này được tôn vinh bằng tước hiệu Khả Kính (le Vénérable) và nên mẫu mực cho các tu sĩ Dòng Biển Đức. Các tu sĩ này xây dựng đời mình trên nền tảng cầu nguyện và lao động. Thánh nhân yêu thích đọc sách, viết lách và dạy dỗ.
Tuy nhiên ngài tìm thấy hạnh phúc nhất khi chiêm niệm. Thánh Bède có lần cầu nguyện : “Lạy Chúa, con say sưa nếm hưởng những lời khôn ngoan của Ngài. Xin ban cho con một ngày nào đó được ở bên Ngài là nguồn mạch của mọi sự hiểu biết, và được chiêm ngắm thánh nhan Ngài muôn đời.”
b. Việc suy niệm, việc “nghiền ngẫm” lời Chúa, đối với ngài, vẫn luôn là nhiệm vụ hàng đầu, nhằm đảm bảo một sự quân bình hoàn hảo cho đời sống đan sĩ và cho công cuộc nghiên cứu và dạy dỗ. Như thánh Cuthbert nói, điều này mang lại cho ngài niềm thanh thản trước cái chết mà ngài từng chờ đợi trong tâm tình cảm tạ và vui tươi.
Thật thế, vài ngày trước khi thánh nhân qua đời, anh em trong Dòng buồn phiền than khóc. Nhưng ngày ấy đã đến với ngài trong hân hoan. Các Bài đọc – Kinh sách nhắc lại những lời cuối đời, ngài nói với anh em : “Đã đến lúc, nếu đó là ý của Đấng Tạo Thành tôi phải trở về cùng Người… Tôi đã sống lâu rồi ; vị thẩm phán nhân lành đã an bài kỹ lưỡng cuộc đời của tôi. Đã đến giờ tôi phải ra đi, vì ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô. Quả thật, linh hồn tôi ao ước được thấy Đức Kitô, vua của tôi, với vẻ đẹp oai phong của Người.”
c. Khi mô tả những giờ phút cuối đời thánh đan sĩ, Cuthbert kể cho chúng ta tinh thần bác ái và lòng đơn sơ của thánh nhân theo như Tin Mừng cổ vũ : “Đến ba giờ chiều, người bảo tôi : Tôi còn vài đồ quí để trong rương : hạt tiêu, khăn mặt và nhủ hương. Hãy đi mau, đưa các linh mục ở tu viện chúng ta đến gặp tôi – để tôi phân phát cho các ngài những tặng vật bé nhỏ Thiên Chúa đã ban cho tôi …” Vì thế nghệ thuật ảnh tượng thích minh họa cảnh người qua đời trong vòng tay anh em đang cầu nguyện và hát kinh Sáng Danh.
Cùng ngày 25.05
THÁNH GRÉGOIRE VII, Giáo Hoàng
(khoảng 1028-1085)
Lễ nhớ
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Đức Giáo Hoàng Grégoire VII được mừng kính vào ngày kỷ niệm người qua đời 25 tháng 5 năm 1085, trong lúc bị lưu đày tại Salerne. Năm 1606, ngài được Đức Giáo Hoàng Phaolô V phong hiển thánh và lễ ngài được đưa vào lịch Giáo triều Rôma năm 1728.
Hildebrand de Soana sinh tại Toscane khoảng 1028. Sau khi tốt nghiệp ở Rôma, ngài phục vụ Đức Giáo Hoàng Grégoire VI. Ngài cùng đi theo Đức Giáo Hoàng đi lưu đày này sang nước Đức. Khi trở về Rôma dưới thời Đức Lêô IX, ngài được bổ nhiệm làm viện phụ Dòng Biển Đức tại tu viện thánh Phaolô ngoại thành, rồi làm đăc sứ của Đức Giáo Hoàng tại Pháp.
Nơi đây, ngài đấu tranh chống lạc giáo do Bérenger de Tours khởi xướng. Lạc thuyết này chủ trương không tin nhận Đức Giêsu Kitô hiện diện thật sự trong bí tích Thánh Thể. Với tư cách là đặc sứ của Đức Giáo Hoàng tại Đức (1055), ngài đã đảm bảo cho cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng Nicolas II được thành công ; vị Giáo Hoàng này phong ngài làm Tổng phó tế của Giáo hội Rôma. Sau khi làm cố vấn cho Đức Giáo Hoàng Alexandre II, Hildebrand được bầu làm Giáo Hoàng năm 1073, lấy danh hiệu Gregoire VII.
Trong mười hai năm làm Giáo Hoàng (1073-1085), ngài cương quyết thực hiện cuộc cải cách mang tên “Grégoire” : phục hồi các cơ cấu tổ chức và tập tục của Hội thánh cùng giải phóng Hội thánh khỏi các quyền hành thế tục. Ngài đã soạn thảo hai mươi bảy sắc lệnh (nhan đề Dictatus papae = lời phát biểu của Giáo Hoàng) trình bày các nguyên tắc cải cách : đó là đấu tranh chống lạc thuyết Nicolaisme (chủ trương không chấp nhận sự độc thân của linh mục), chống việc mại thánh và chống việc thế quyền trao ban chức tước, bổng lộc trong Hội thánh.
Tuy nhiên, các quyết định này của Đức Giáo Hoàng đã khơi dậy cuộc Tranh luận về việc Trao chức vụ thánh (Investitur) : Vì chống lại các sắc lệnh trên nên bị phạt vạ tuyệt thông, hoàng đế Henri IV xin Giáo Hoàng ân xá tại Canossa tháng 1 năm 1077. Nhưng ông vội vàng trả thù bằng cách cho bầu một Phản Giáo Hoàng tại Rôma (Đức Clément III).
Đức Giáo Hoàng Grégoire VII bị buộc phải rời Rôma và qua đời trong lúc bị lưu đày tại Salerne, nhưng vẫn xác tín mình đã đấu tranh vì chính nghĩa cao quí. Dẫu rằng cuộc đấu tranh xem ra thất bại, song về sau cuộc cải cách Grégoire đã thành công thật sự. Đức Grégoire VII đã đi vào lịch sử như là một trong các vị Giáo Hoàng quan trọng nhất.
2. Thông điệp và tính thời sự
a. Phụng Vụ nhấn mạnh đến “Tinh thần dũng cảm và lòng nhiệt thành bênh vực công lý” là đặc điểm trong triều đại Giáo Hoàng của Đức Grégoire VII, là con người “rất cao cả khi phán đoán, khi mong muốn và khi hành động” (Đức Piô XII). Khi lên ngôi Giáo Hoàng vào lúc Hội thánh đang chịu đựng cách ác liệt hai tệ nạn gắn liền nhau : đó là Hội thánh bị lệ thuộc vào các ông hoàng và hàng giáo sĩ lại suy đồi, thánh nhân vẫn theo đuổi chương trình của mình, nhận định rõ ràng các vấn đề của thời cuộc, với tất cả ý chí nghị lực để hoàn thành công cuộc cải cách của mình, xứng đáng với tên gọi cuộc cải cách “Grégoire”.
Vì nhận thấy nhu cầu thiết lập trước hết quyền tối thượng của Giáo Hoàng, nên ngài đã gợi hứng cho Đức Nicolas II ra sắc lệnh dành cho các Hồng y đặc quyền bầu cử Giáo Hoàng (1059). Ngài cũng không chấp nhận các ông hoàng có quyền bầu chọn các giám mục, vì đó chính là nguyên nhân làm suy đồi hàng giáo sĩ. Ngài biết rằng công cuộc cải cách của mình sẽ không thành nếu không có một hàng giáo sĩ xứng đáng và mẫu mực.
b. Do bởi uy tín trong cuộc sống thánh thiện cũng như các đức tính phi thường, Đức Grégoire đã trở nên người tôi trung cao cả của Hội thánh. Một khi đã được bầu làm Giáo Hoàng, ngài đã tận dụng mọi năng lực lo cho “Hội thánh là hiền thê của Chúa, là nữ chúa và hiền mẫu của chúng ta, để Hội thánh lấy lại vẻ đẹp của mình khi luôn sống tự do, trong sạch, khi giữ vững được đặc tính Công giáo” (Thư của thánh Grégoire VII gửi mọi tín hữu, trích dẫn các bài đọc – Kinh sách).
Tuy nhiên, cũng như “thánh Phêrô, vị Tông Đồ trưởng, là cha của mọi Kitô hữu và là mục tử thứ nhất sau Đức Kitô”, cũng thế “Hội thánh Rôma là mẹ và là thầy của mọi Giáo Hội” (sđd).
Thánh Grégoire VII, tôi trung của Đức Kitô, đã đứng lên vững vàng như một tảng đá lớn để bênh vực Hội thánh, đến mức độ chịu bách hại và chịu lưu đày. Nhưng với niềm xác tín đấu tranh cho công lý, vào lúc cuối đời, ngài nói : “Tôi đã yêu thích công lý và oán ghét sự bất công, vì thế tôi phải chết trong cảnh lưu đày.”
Cùng ngày 25.05
THÁNH MARIE-MADELEINE DE PAZZI, Trinh nữ
(1566-1607)
Lễ nhớ
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Bà sinh tại Florence năm 1566, thuộc dòng dõi quí tộc Pazzi và nhận tên thánh rửa tội là Catherine. Lúc mười tuổi, người rước lễ lần đầu và dâng mình cho Chúa, nguyện sống đồng trinh. Năm 1582, khi gần tròn mười sáu tuổi, người thiếu nữ quí tộc này chọn Dòng Cát-Minh Saint-Marie-des-Anges ở Florence. Nơi đây, Bà được gia nhập cộng đoàn với tên gọi Marie-Madeleine.
Sống trong thời nhiểu nhương được đánh dấu bằng cuộc cải cách của Luther và việc truyền bá nền văn hóa tân ngoại giáo của thời Phục hưng, Marie-Madeleine cống hiến đời mình và vận động tất cả để canh tân đời sống thiêng liêng trong Hội thánh mà người nhiệt tình yêu mến. Vì thế, Bà không ngần ngại dâng lên Giáo Hoàng và các giám mục những thông tri cần thiết để theo đuổi công cuộc cải cách.
Vốn sức khỏe yếu kém, người nữ tu trẻ này phải chịu đựng những đau đớn trong thể xác, nhưng nhất là những thử thách trong tâm hồn. Các cơn cám dỗ khủng khiếp công hãm. Bà nói : “Tôi không biết tôi có còn là một thọ tạo có lý trí nữa hay không. Tôi không thấy điều gì tốt ở nơi tôi ngoại trừ một ít thiện chí, đó là không bao giờ xúc phạm vương quyền của Thiên Chúa.”
Tuy nhiên, Bà cũng được các ơn thị kiến, xuất thần mà qua những giây phút ấy, người nhận lãnh các dấu thánh. Bà viết ra các suy tư của mình (De Revelatione et de Probatione = Mạc khải và minh chứng). Cũng như các tác phẩm của Catherine de Sienne, các suy tư của Marie-Madeleine phản ánh các cảm nghiệm thần bí và một sự khôn ngoan sâu sắc.
Sau khi được bổ nhiệm làm phó bề trên Đan viện, Bà đào tạo các nữ tu Cát-minh luôn trung tín với các đòi hỏi nơi cuộc đời thánh hiến của họ. Lúc qua đời, Bà mới được bốn mươi mốt tuổi. Lời nhắn gởi cuối cùng, Bà nói với các nữ tu vây quanh mình : “Tôi xin các chị em như một ân huệ cuối cùng, là chỉ yêu mến Chúa mà thôi, là đặt nơi Người tất cả niềm hy vọng của các chị em và cam chịu tất cả vì yêu mến Người.”
Sau khi được Đức Giáo Hoàng Urbain VIII phong chân phước, Bà được Đức Clément IX phong hiển thánh năm 1669. Thành phố Florence tôn kính Bà là một trong các thánh bảo trợ của họ.
2.Thông điệp và tính thời sự
a. Thánh Marie-Madeleine đặc biệt cháy lửa yêu mến nồng nàn và tràn đầy nhiều ân huệ cao siêu (xem lời nguyện). Bà hiến thân cho Chúa từ thuở thiếu thời, và nguyện sống trinh khiết từ lúc lên mười. Trọn cuộc đời Bà là một chuỗi đi lên không ngừng trong công việc thực thi lòng yêu mến Chúa. Bà than thở : “Ôi tình yêu của con, lạy Chúa, không ai hiểu được Ngài ! không ai yêu mến Ngài !” hay “Amate lAmore ! Amata lAmore ! = Hãy yêu mến Tình yêu ! Hãy yêu mến Tình yêu!”.
Lòng yêu mến này đi đôi với sự gắn bó dũng cảm tuân theo thánh ý của Thiên Chúa, được biểu lộ qua việc thực thi các lời khấn dòng (khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục) và trung tín hoàn thành các nhiệm vụ trong Dòng Cát-minh. Nên Bà vẫn lặp lại với các Nữ tu rằng : “Ý muốn của Chúa… Các chị em không cảm thấy sự dịu dàng khi nói đến ý muốn của Chúa sao?” Vì ao ước sống kết hiệp luôn mãi với Đức Kitô chịu khổ nạn trên thập giá, Bà đã chọn phương châm này : “Trăm chiều thử thách nhưng không chết.”
b. Marie-Madeleine là nhân chứng cho tình yêu và cũng là vị thánh tán dương công việc của Chúa Thánh Thần trong bản thân mình và trong mọi tâm hồn “Tự hiến cho Chúa Thánh Thần” “Như một mạch suối, Người đến trong linh hồn, làm cho linh hồn chìm đắm trong Người… Người đến trong linh hồn để kết hợp với linh hồn trong sự thinh lặng thẳm sâu.
Bằng tình yêu nhiệt nồng, Người ngự đến trong tâm hồn chúng ta”. Các Bài đọc – Kinh sách cũng góp thêm một lời kinh dâng Chúa Thánh Thần : “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến. Khi ngự xuống nơi Đức Maria, Người đã làm cho Ngôi Lời nhận lấy xác phàm… Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến. Người là đấng nuôi dưỡng mọi ý tưởng thanh khiết, là nguồn mọi tâm tình nhân ái, là nơi tràn đầy mọi tư tưởng trong sạch.”
Câu xướng đáp của bài đọc nhắc nhớ chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí làm cho chúng ta trở nên nghĩa tử và chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên xiết khôn tả” (Rm 8,15.26).
Ngày 26.05
THÁNH PHILIPPE NÉRI, Linh mục
(1515-1595)
Lễ buộc
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Philippe Néri sinh tại Florence năm 1515, theo học tại tu viện Dòng Đa-minh San Marco, nơi đây ngài say mê các văn bản của Savonarole. Năm mười tám tuổi, ngài đến nhà chú gần núi Cassin để tập nghề buôn bán nhưng lưu lại đó không lâu vì thích sống tại Rôma hơn.
Trong Thành Đô muôn thuở, người chọn lối sống hoàn toàn thích hợp với mình : Như một người “Lữ thứ của Chúa, không nhà không cửa, nhưng tự do”. Trong trang phục ẩn sĩ, ngài chuyên tâm khổ chế và cầu nguyện, tham gia các lớp triết học và thần học, hoạt động “Tông Đồ cho người ở đường phố”, thăm viếng các tù nhân, phục vụ bệnh nhân trong các bệnh viện… Tính tình cởi mở và vui vẻ của thánh nhân thu hút lòng thiện cảm của mọi người : Người ta gọi thánh nhân là “Pippo il Buono”. (Philípphê nhân hậu).
Năm 1548, ngài qui tụ khoảng mười lăm người vào “Tu hội Chúa Ba Ngôi” nhằm chăm sóc các kẻ hành hương nghèo khó và các bệnh nhân. Ngài được thụ phong linh mục năm ba mươi tám tuổi, và gia nhập cộng đoàn các Tuyên úy nhà thờ San Girolamo. Không có nội quy, không lời khấn dòng và cũng không có cộng đoàn, mặc dù các ngài sống chung dưới một mái nhà.
Kể từ năm 1552 Dòng Oratoire bắt đầu phát triển : đây là một phương pháp hoạt động Tông Đồ đặt cơ sở trên việc cầu nguyện, giảng thuyết và hát xướng thánh ca. Năm 1575, Dòng Oratoire được Đức Giáo Hoàng Grégoire XIII phê chuẩn thành Hội dòng các linh mục và giáo sĩ. Các linh mục sẽ sống chung thành cộng đoàn, phục vụ Dòng Oratoire, nhưng không tuyên khấn.
Tu hội của Phippe Néri lan tràn ở Ý và khắp châu Âu. Hội Oratoire tại Pháp được khai sinh nhờ công lao của Hồng y Bérulle. Còn tại Anh, chính Hồng y Newman đã du nhập hội vào năm 1848.
Các thánh như Charles Borromée, Ignace de Loyola, Camille de Lellis đều liên hệ với Phippe Néri, cũng như nhà soạn nhạc Palestrina và sử gia Baronius đều đi theo con đường của thánh nhân.
Phippe Néri qua đời, thọ tám mươi tuổi được phong chân phước năm 1615 và phong hiển thánh năm 1622. Ngài được tôn kính làm “vị Tông Đồ thứ hai của thành Rôma”.
2. Thông điệp và tính thời sự
a. Thánh lễ được mở đầu bằng câu tiền xướng ca ngợi ơn gọi của Philippe Néri “được sai đi mang Tin Mừng cho người nghèo khó và đem lại sự giải thoát cho kẻ bị áp bức” (tiền xướng nhập lễ).
Ngài được mệnh danh là “Kẻ lữ thứ của Chúa” hay “người Nghệ sĩ xảo thuật” và tự hiến làm Tông Đồ loan báo Tin Mừng bằng cách áp dụng phương pháp của Dòng Oratoire, lấy cầu nguyện, giảng thuyết và hát thánh ca làm cốt lõi. Vì quan tâm đến những kẻ sống bên lề xã hội và những người nghèo khổ nhất, nên ngài cũng đến với đám thanh thiếu niên trên đường phố và tại nơi họ sinh sống.
Nhờ sức lôi cuốn của ngài chinh phục, nào thợ thủ công, kẻ bán hàng quán, các tù nhân và bệnh nhân đều được ơn sám hối. Ngài để ra hằng giờ để giải tội. Ngài khơi dậy các sáng kiến phù hợp nhằm đánh thức lương tâm của họ để họ tin Chúa và sống theo Tin Mừng. Như thế thánh nhân trở nên người cổ vũ cho phong trào “hành hương bảy thánh đường” khiến người dân xa rời với lễ hội hóa trang thường được tổ chức tại Rô-ma. Với sự đồng cảm và sáng suốt, ngài không chủ trương thay đổi con người từ bên ngoài, nhưng bằng cách yêu mến họ và gợi đến các ưu điểm nơi những kẻ đương thời.
b. Lời nguyện nhắc đến “Chúa Thánh Thần đốt lửa yêu mến trong lòng thánh Philippe Néri và hun đúc tâm hồn thánh nhân cách lạ lùng”.
Là nhà chiêm niệm trước khi trở thành người hoạt động, thánh nhân thường thích lặp đi lặp lại câu này : “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy thắp lên trong con ngọn lửa yêu mến Chúa”. Ngọn lửa yêu mến Chúa đây đã “bùng cháy” lên và mở rộng tâm hồn ngài theo nghĩa cụ thể. Lòng mến Chúa nồng nàn cũng trở nên lòng cậy trông, tình âu yếm, niềm vui, mạnh mẽ thúc đẩy thánh nhân đến với tha nhân, nhất là những ai xa rời Hội thánh.
c. Qua lời nguyện trên lễ vật, chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta hoạt động để làm “Vinh danh Chúa và phục vụ anh em trong niềm vui luôn mãi” theo gương thánh Philippe Néri.
Với tính tình vui vẻ và cách xử sự đầy hóm hỉnh, chúng ta có thể nói được rằng ngài chính là niềm vui cho mọi người. Tất cả những ai được lôi cuốn vào niềm vui của ngài đều thấy được rằng niềm vui ấy bắt nguồn từ chính Chúa Thánh Thần đang ngự trong tâm hồn Philippe trước khi lan tỏa xung quanh. Ngài nói : “Niềm vui tăng sức mạnh cho tâm hồn, và làm cho chúng ta kiên vững trong đường ngay lành … Hãy vui lên, nhưng đừng phạm tội … Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sự bình an đích thật và gìn giữ chúng ta trong niềm vui luôn mãi.”
d. Lời nguyện hiệp lễ nhấn mạnh đến “niềm khao khát các nguồn sống chân thật” nuôi sống tâm hồn Philippe Néri và thúc đẩy ngài cầu nguyện : “Lạy Chúa Giêsu của con, con muốn yêu mến Ngài. Lạy Chúa Giêsu, xin Ngài đừng tin Philippe này … Con đã nói với Ngài rằng con không biết Ngài. Con tìm Ngài mà chẳng thấy. Xin hãy đến với con…”
Để đạt đến các nguồn sống chân thật này, Philippe luôn tìm mọi giây phút thanh tĩnh một mình để cầu nguyện, chiêm niệm … Ngài nói : “Bạn hãy đi trong trần thế như đi trong sa mạc” sự cầu nguyện của ngài đạt đỉnh cao trong Thánh lễ : dâng Thánh lễ là thời điểm quan trọng nhất trong ngày. Ngài chia sẻ lòng sùng mộ này với các môn đệ của mình và không ngần ngại mời gọi mọi người siêng năng rước lễ, trong thế kỷ mà việc rước lễ thật là hi hữu… Cũng thế, ngài chọn việc xưng tội làm phần chủ yếu trong công tác rèn luyện đời sống thiêng liêng.
Thánh Philippe Néri là con người đáng yêu và quảng đại, thanh khiết, khiêm tốn, hoạt động và chiêm niệm ; cũng như việc ngài thực thi đời sống Tông Đồ và đề cử nếp sống ấy cho các con cái thiêng liêng của mình là các linh mục Dòng Oratoire : đó là lòng khiêm tốn, bác ái, cầu nguyện và niềm vui. Như thế thánh nhân và nếp sống Tông Đồ của ngài vẫn luôn mãi là mẫu mực mang tính hiện thực một cách kỳ lạ đối với chúng ta.
Ngày 27.05
Thánh Augustin de Cantorbéry, Giám mục
(+ 604 hay 605)
Lễ nhớ
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Việc tôn kính thánh Augustin de Cantorbéry chỉ được đưa vào lịch Giáo triều Rôma năm 1882, sau khi tái thành lập hàng Giáo Phẩm Công giáo tại nước Anh (1850). Nhưng tên ngài đã có trong kinh cầu các thánh, sau tên của Grégoire Cả mà ngài cùng chia sẻ tước hiệu vị Tông Đồ của nước Anh.
Người ta không biết gì về cuộc đời của Augustin trước 596, năm người được làm bề trên Đan viện thánh Anđrê ở Coelius, Rôma. Năm 597 Đức Giáo Hoàng Grégoire Cả phái ngài sang rao giảng Tin Mừng cho dân tộc Anglo-Saxon tại Anh, dẫn đầu một nhóm khoảng bốn mươi đan sĩ. Dân tộc này gốc Đức, vẫn còn bán khai và ngoại đạo, đã chiếm lĩnh vùng Đông nam hòn đảo Anh quốc, đuổi người Celte đang sinh sống tại đó sang phía tây (xứ Galles, Cornouailles) hay sang vùng Armorique (Bretagne).
Sau khi được thụ phong giám mục, Augustin lập tòa tại Cantorbéry, trong vương quốc Kent, và được vua Ethelbert tiếp đón nồng hậu. Sau khi cưới Berthe là một thiếu nữ theo Kitô giáo và là con gái của Caribert, vua Paris, vua Ethelbert liền gia nhập Kitô giáo, xin được rửa tội cùng lúc với rất đông quần thần của mình.
Từ Cantorbéry, giám mục Augustin hoạt động rộng khắp nước và tổ chức Giáo hội tại nước Anh. Được sự tư vấn và đồng tình của Đức Giáo Hoàng Grégoire, thánh nhân thiết lập các tòa giám mục tại Luân đôn, York, Rochester. Thật thế, sau khi nhóm đan sĩ thứ hai từ Rôma đến, năm 601, ngài nhận dây Pallium cùng tước hiệu Tổng giám mục tiên khởi của nước Anh. Như thế, Cantorbéry trở nên tòa Tổng giám mục. Tuy nhiên, các giáo sĩ Breton ở miền Tây quá buồn phiền vì bị người Saxon xua đuổi khỏi quê hương của mình, nên đã không hợp tác với thánh nhân.
Thánh Augustin qua đời năm 604 hoặc 605. Thi hài của ngài được mai táng tại Cantorbéry, trong thánh đường hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Thánh đường này ngày nay mang tên thánh Augustin.
2. Thông điệp và tính thời sự
a. Ước mơ lớn lao của Đức Giáo Hoàng Grégoire Cả là được thấy dân tộc Anglo bán khai và ngoại đạo, được biến đổi thành các “thiên sứ” tức là Kitô hữu, nay đã thành hiện thực nhờ ánh sáng Tin Mừng soi chiếu “trên các dân tộc Anh quốc qua lời giảng dạy của thánh Augustin de Cantorbéry” và các đồng bạn của ngài (lời nguyện).
Mặc dầu không tỏ ra nơi mình một cá tính mạnh mẽ, Augustin de Cantorbéry trung tín hoàn thành sứ vụ rao giảng Tin Mừng và mục tử trong sự hợp tác chặt chẽ với Đức Giáo Hoàng Grégoire.
Giáo Hoàng hằng gửi thư để động viên ngài. Người viết : “Nhờ ơn Thiên Chúa toàn năng tác động và nhờ công lao vất vả của hiền huynh, dân Anh đã được ánh sáng đức tin chiếu soi, sau khi đã xua đổi bóng tối lạc lầm…” Đức Giáo Hoàng còn khuyên ngài nên khiêm tốn : “Hiền huynh phải vui mừng vì những phép lạ bên ngoài lôi cuốn tâm hồn người Anh đến ân sủng bên trong ; nhưng hiền huynh phải sợ rằng giữa những phép lạ xảy ra, tâm hồn yếu đuối lấy làm tự phụ mà nâng mình lên.”
b. Trong ngày lễ của thánh Augustin, chúng ta cầu xin “cho những kết quả do công khó của người làm ra, tồn tại mãi trong Hội thánh và sinh hoa trái dồi dào” (lời nguyện).
Quả thật, Cantorbéry cũng gợi lại sự rạn nứt xảy ra ở thế kỷ XVI giữa Giáo hội Anh quốc và Hội thánh. Không quên đi chặng đường đã qua trên con đường đại kết, chúng ta hãy tiếp tục cầu xin Chúa “thương ban cho mọi người thuộc mọi đất nước và mọi ngôn ngữ một ngày kia được đoàn tụ quanh bàn tiệc thánh trên Nước Trời” (Kinh Tạ Ơn trong Thánh lễ xin ơn Hòa Giải, số 2).
***
Tại Pháp ngày 30.05
THÁNH JEANNE DARC, Trinh nữ
Thánh quan thầy thứ hai của nước Pháp
(khoảng 1412-1431)
Lễ buộc
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Thánh Jeanne darc bị kết án hỏa thiêu tại Rouen năm 1431. Lễ nhớ thánh nữ được cử hành ngày 30 tháng 5, nhằm kỷ niệm ngày tử đạo của Bà. Còn toàn thể nước Pháp ấn định mừng lễ Bà vào chúa nhật sau ngày 8 tháng 5, để kỷ niệm ngày Bà giải phóng thành phố Orléans (08.05.1429). Bà được Đức Giáo Hoàng Piô X phong chân phước vào năm 1909 và Đức Bênêđíctô XV phong hiển thánh năm 1920 ; sau cùng được Đức Piô XI công bố làm thánh bảo trợ thứ hai của nước Pháp.
Có lẽ Jeanne dArc sinh ngày 6 tháng 1 năm 1412, ở Domrémy, trong thung lũng La Meuse, vùng Lorraine. Cha mẹ là nông dân giàu có. Bà được giáo dục trong tinh thần đức tin Công giáo theo linh đạo của các Dòng hành khất (thường xuyên xưng tội và rước lễ, làm việc bác ái, tôn sùng đặc biệt danh thánh Chúa Giêsu và một số thánh như : Đức Trinh nữ Maria, thánh Micae, thánh Catherine dAlexandrie, thánh Marguerite).
Từ thiếu thời, cô gái Jeanne bé nhỏ đã tập sống hoàn toàn tuân theo ý Chúa. Vì thế, vào tuổi mười ba, theo như lời thánh nhân làm chứng, thì Bà bắt đầu nghe được các “tiếng nói” siêu nhiên hướng dẫn Bà sống kết hiệp với Chúa và hiểu được tương lai của mình : “Trước hết, thánh Micae nói tôi là một cô bé ngoan và Chúa sẽ ban ơn giúp đỡ tôi. Người còn nói tôi phải đi cứu giúp vua nước Pháp… Rồi Thiên sứ nói với tôi rằng Người thương xót cho vương quốc Pháp”.
Thời ấy được đánh dấu bởi cuộc chiến Trăm Năm, Pháp đối nghịch với nước Anh (1337-1453). Với sự hỗ trợ của nhóm Bourguignons, người Anh đã xâm chiếm một phần lớn vương quốc Pháp. Được công tước miền Bourgogne ủng hộ, Henri VI gốc Anh là vị “vua hợp pháp” của Paris chỉ nắm vững được miền bắc Pháp. Trong lúc đó, hoàng tử Charles làm “vua xứ Bourges”, tự cho mình là vị vua chính thống, lại nắm vững miền Nam. Như thế, Domrémy ở giữa hai miền nước Pháp.
Ý định của Jeanne dArc thật rõ ràng : người Anh ở nước Anh, người Pháp ở nước Pháp, và hoàng tử Charles là vua chính thống, được phong vương tại Reims trong tư cách là người đại diện Thiên Chúa trên trần gian. Được sự hỗ trợ của những người tin tưởng vào sứ mạng của mình và các “tiếng nói” Bà nhận được, thánh nữ cùng lúc đã phải đối đầu với sự thù nghịch của những kẻ xem người là điên rồ, dối trá hay ranh ma.
Ngày 12 tháng 2 năm 1429, vị đại diện vua Charles VII ở Vaucouleurs (Meuse) là đại úy Robert de Baudricourt, đã cấp cho Jeanne một toán quân hộ tống Bà đến Chinon, để tiếp kiến vua Charles. Sau khi xét thấy người còn trinh tiết và chí khí anh dũng, vua cho phép Nàng trinh nữ được tham gia các chiến dịch quân sự. Với hiệu kỳ manh tên “Jhesus Maria”, kiếm và áo giáp đầy đủ, cùng người hầu cận và linh mục tuyên uý, Bà tham gia vào các chiến dịch dẫn đến cuộc giải vây Orléans thành công khỏi tay người Anh ngày 8 tháng 5 năm 1429.
Lúc ấy, danh tiếng Jeanne dArc lan truyền khắp nước Pháp. Chiến thắng ở Orléans mang lại niềm tin cho các đoàn quân và nhiều thành phố khác cũng được giải phóng : như Auxerre, Troyes, Châlons… Như thế con đường dẫn đến Reims đã được khai mở.
Ngày 7 tháng 7, Charles VII được phong vương tại Reims : Jeanne tay cầm cờ, đứng bên cạnh đức vua. Ngày 8 tháng 9, khi tham gia vào cuộc công hảm thành Paris, Jeanne bị thương. Cuối tháng 3 năm 1430, Bà đến vùng bắc Ile-de-France để chiến đấu chống quân Bourguignons, đồng minh của Anh.
Nhưng các người theo phe Jean de Luxembourg đang phục vụ cho công tước vùng Bourgogne, đã bắt Bà làm tù binh ngày 23 tháng 5 và bán Bà cho quân Anh. Người Anh muốn Tòa án Tôn giáo kết án Bà, nên đã nhờ giám mục Pierre Cauchon thành Beauvais do người Anh đặt lên, cùng với Jean le Maitre, thuộc Dòng Đa-minh là đại diện vị thẩm tra của Pháp tại Rouen. Người ta kết tội Jeanne dArc : a/ đã mặc trang phục đàn ông, điều này đã bị giáo luật nghiêm cấm ; b/ đã toan tự tử để thoát thân vì Bà đã gieo mình từ trên tháp cao của lâu đài Beaulieu-en-Vermandois ; c/ vì các thị kiến của Bà bị xem là dối trá và là tang chứng cho trò pháp thuật ; d/ đã không chịu tuân phục Giáo hội.
Phiên tòa khai mạc tại Rouen ngày 9 tháng 1 năm 1431 và kết thúc khi tuyên bố rằng Jeanne dArc thờ tà thần, đồng bóng, ly khai, bội giáo, dối trá và bói toán… vậy, hoặc “phạm nhân” sẽ công khai tuyên bố bác bỏ các sai lầm của mình, hoặc sẽ bị giao cho tòa án chính quyền. Trong một phút giây giao động, Jeanne đã đồng ý “từ bỏ” (ngày 24 tháng 3).
Nhưng sau đó Bà vội vàng rút lời và mặc lại trang phục đàn ông (ngày 28 tháng 3). Như vậy một phiên tòa mới được gấp rút thành lập, và Nàng trinh nữ bị kết án hai lần lạc giáo và phải chịu hỏa thiêu. Ngày 30 tháng 5 năm 1431, Jeanne dArc đã bị thiêu sống trên quảng trường chợ cũ tại Rouen. Lời cuối cùng đám đông dân chúng, chen chúc trên quảng trường, nghe được là “Ôi, lạy Chúa Giêsu !”.
Năm 1455, đặc biệt nhờ sáng kiến của Jean Brehal là vị tân thẩm tra Tối Cao của Pháp, người ta mở một phiên tòa thẩm tra mới nhằm phục hồi danh dự Jeanne dArc. Vì thế, ngày 7 tháng 7 năm 1456, dưới sự chủ trì của Đức Cha Juvénal des Ursins, Tổng giám mục giáo phận Reims, các ủy viên Tòa thánh công bố rằng vụ kiện và bản án nói trên đã “bị bôi nhọ bởi sự gian trá, vu khống, bất công, mâu thuẫn và sai lầm rõ ràng…” do đó “vô nghĩa, vô hiệu lực, không có giá trị, không đủ thẩm quyền”. Quyết định này đã được phổ biến long trọng trong các thành phố chính của vương quốc.
Nhân vật Jeanne dArc đã không ngừng gợi hứng cho các họa sĩ và các nhà điêu khắc. Họ thường minh họa Bà trong hình ảnh người chiến binh, mình mặc áo giáp, tay cầm thanh kiếm, tay cầm cờ hiệu mang tên Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Người ta cũng trình bày Bà đang cầu nguyện hoặc đang lắng nghe các tiếng nói thần thánh. Rất nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh và nghệ thuật đã ca tụng Nàng trinh nữ Orléans.
Chúng ta chỉ kể nơi đây tác phẩm Jeanne dArc trên giàn hỏa thiêu là bản nhạc kịch tôn giáo của Paul Claudel, âm nhạc của Arthur Honegger : gồm mười một cảnh làm sống lại các giai đoạn chính trong đời thánh nữ, cho đến cuộc hy tế cao cả.
2. Thông điệp và tính thời sự
a. Lời nguyyện nhập lễ nhấn mạnh trước hết sự kiện Chúa đã chọn thánh Jeanne dArc “để bảo vệ quê hương của người chống kẻ xâm lăng”. Ý thức mình cần phải hoàn thành sứ mạng Trời giao phó, Bà không ngần ngại và không lùi bước trước hiểm nguy nào, tham gia vào các trận chiến và cổ vũ đồng bào mình hiệp nhất để đánh đuổi ngoại xâm.
Trong khi phải trải qua cuộc kiểm tra thể chất lẫn tinh thần tại Poitiers, Bà tuyên bố : “Nhân danh Chúa, các chiến binh sẽ chiến đấu và Chúa sẽ cho họ chiến thắng.” Với người Anh đang chiếm đóng, Bà hô lớn “Nhân danh Vua cả trên trời, tôi kêu gọi anh em hãy quay trở về Anh quốc”. Tại phiên tòa Rouen, thánh trinh nữ nói với các thẩm phán : “Tôi chỉ đến với nước Pháp do lênh của Thiên Chúa. Bởi vì Thiên Chúa ra lệnh như thế, Người có quyền thực hiện. Giả như tôi có cả trăm cha lẫn trăm mẹ, và giả như tôi là nữ tử của đức vua, tôi cũng sẽ ra đi chiến đấu như vậy”.
Tuy nhiên, Bà muốn nói rõ điều này : “Tôi đã mang quân kỳ khi tấn công là để tránh sát hại bất cứ người nào. Không bao giờ tôi giết một ai cả” (Bài đọc – kinh sách).
b. Bài đọc một trong Thánh lễ (Kn 8, 9-15), khi ca tụng lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa, đã nhấn mạnh rất nhiều đến sự thánh thiện và vẻ cao cả chân thật của Jeanne dArc. Dẫu là một thôn nữ không biết đọc biết viết, chỉ thuộc Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng và Kinh Tin Kính do mẹ dạy, Bà vẫn đứng đầu nước Pháp để hoàn thành sứ mạng Thiên Chúa giao phó. Tôi đã quyết định cưới đức Khôn Ngoan làm người chung sống suốt đời, vì tôi biết Đức Khôn Ngoan sẽ khuyên bảo tôi làm điều thiện, sẽ trợ lực cho tôi khi tôi gặp buồn phiền lo lắng… Tôi sẽ thống trị chư dân (8, 9.14).
Nhất là trong cuộc thẩm tra, Jeanne đã tỏ ra khôn ngoan đến lạ lùng. Bà cầu nguyện : “Lạy Chúa nhân từ, để tôn vinh cuộc khổ nạn thánh thiện của Chúa, và nếu Ngài thương yêu con, thì xin Ngài mạc khải cho con biết những gì con phải trả lời cho các người trong Hội thánh.” Các câu trả lời của Bà đã làm nổi bật một nhân cách phi thường và đáng ngạc nhiên.
Vị thẩm phán hỏi Bà : “Cô có biết cô đang sống trong ân sủng của Chúa không?”. Jeanne khí khái trả lời : “Nếu tôi không được ở trong ân sủng Người, thì Người sẽ đặt tôi vào đó. Và nếu tôi được ở trong đó, thì Thiên Chúa sẽ gìn giữ tôi ! Tôi sẽ là người khốn khổ nhất trần gian, nếu tôi biết mình không được sống trong ân sủng Chúa !”
c. Khi cầu nguyện trên lễ vật : “…Lạy Chúa, xin ban cho chúng con được yêu mến Ngài trong mọi sự và trên hết mọi sự”, chúng ta gợi đến việc Jeanne dArc hoàn toàn gắn bó với ý muốn thánh thiện của Chúa : “Con xin tin cậy và tùng phục Thiên Chúa muôn loài muôn vật… Vâng, lạy Chúa, Ngài đáng chúng con phụng sự Ngài trên hết. Con tin tưởng vào vị thẩm phán của con, đó là Vua cả trời đất. Con van nài Chúa và kêu cầu Đức Giáo Hoàng” (Vụ kiện Jeanne).
Sự gắn bó này được thể hiện qua niềm tin tưởng tuyệt đối và được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện và các bí tích. Trước khi chịu tử đạo, thánh nữ van nài: “Xin cho tôi được lãnh nhận các bí tích sám hối và bí tích Thánh Thể”. Như thế Bà nên mạnh mẽ trong đức tin và có thể đương đầu với khổ hình hỏa thiêu, trong khi thì thào giữa đám lửa cháy: “Lạy Chúa Giêsu, lạy Chúa Giêsu…” Tiền xướng hiệp lễ trích dẫn Tv 22, thật rất phù hợp : Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng (c. 4).
***
Ngày 31.05
ĐỨC MARIA THĂM VIẾNG BÀ ELISABETH
Lễ kính
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Ngày xưa, lễ Đức Maria thăm viếng Bà Êlisabét được mừng vào ngày 2 tháng 7 trong tuần bát nhật lễ sinh nhật Gioan Tẩy Giả, nay được chuyển vào ngày 31 tháng 5, phù hợp với việc cải cách lịch Giáo triều Rô-ma theo sắc lệnh của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (1969). Vì thế, lễ này ở trong khoảng cách ba tháng tính từ lễ Truyền tin (25 tháng 3) đến lễ sinh nhật thánh Gioan Tiền Hô (24 tháng 6).
Nguồn gốc lễ này có từ thế kỷ VI. Lễ được thánh Bônaventura và Dòng Phanxicô phổ biến ở khắp Tây Phương và nhờ Đức Giáo Hoàng Boniface IX truyền bá trên toàn thể Giáo hội La tinh năm 1389. Tuy nhiên, lễ này chỉ được thực sự lan truyền ở Phương Tây sau Công đồng Bâle mà thôi (1441).
2. Thông điệp và tính thời sự
a. Trong “Mầu nhiệm” Thăm Viếng, “phụng vụ gợi lại cho chúng ta hình ảnh Đức Trinh nữ Maria diễm phúc cưu mang người Con của mình, đang trên đường đến với Êlisabét để yêu thương giúp đỡ Bà cùng nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ” (Đức Phaolô VI, Tông huấn Marialis cultus, số 7).
Biến cố này đề cao Đức Maria trong cuộc thăm viếng Bà Êlisabét, nhưng hơn nữa, còn đề cao cuộc gặp gỡ giữa Đấng Mêssia – được Đức Maria cưu mang – với vị Tiền Hô của Người đang nhảy mừng trong lòng Mẹ.
b. Lời nguyện nhấn mạnh trước hết đến việc Đức Maria phục vụ người chị họ dưới sự linh ứng của Chúa. Đức Trinh nữ Maria là nữ tỳ của Chúa (Lc 1, 38) và cũng là người đến với kẻ khác để phục vụ họ : Bà Êlisabét nói : Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? (Lc 1, 43)
c. Chúa Thánh Thần linh ứng cho Đức Trinh nữ Maria thăm viếng người chị họ, thì cũng chính Người lại linh ứng cho Mẹ để chúc tụng Đấng đã đoái thương nhìn tới nữ tỳ hèn mọn của Người (bài Tin Mừng Thánh lễ : Lc 1, 39 – 56)
Bài ca Ngợi khen (Magnificat) của Đức Trinh Nữ Maria là một thánh thi ca ngợi lòng tri ân riêng tư của Đức Trinh Nữ (c. 46-50) trước khi ca tụng tâm tình cảm tạ của dân Giao ước (c. 51-55). Đức Maria nói : Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả ; Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường, kẻ đói nghèo Người ban của đầy dư … vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham và cho con cháu đến muôn đời.
d. Trong một trích đoạn được đưa vào Các bài đọc – kinh Sách, Bède le Vénérable đã đề cao niềm vui của Đức Maria khi Thần trí Mẹ hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ. “Nhờ đặc ân lạ lùng mà Mẹ được cháy lửa mến yêu thiêng liêng đối với Đấng Mẹ hoan hỉ cưu mang trong thân xác mình. Mẹ thật có lý để vui mừng một cách đặc biệt hơn các vị thánh khác trong Đức Giêsu… vì thế, trong Hội thánh có thói quen rất tốt lành là hằng ngày mọi người hát thánh thi của Đức Mẹ khi nguyện kinh chiều”.
Niềm vui của Đức Maria – là hình ảnh của Hội thánh – cũng trở nên niềm vui của toàn dân Giao ước : “Vui ca lên nào, thiếu nữ Sion : Vì kìa Thiên Chúa đến ngự trong nhà ngươi…” (xướng đáp).
Thứ bảy trong tuần thứ 3 sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống
TRÁI TIM VÔ NHIỄM ĐỨC MẸ
Lễ nhớ
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Tông huấn Marialis cultus của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đặt ngày lễ này trong các ngày lễ “biểu lộ các đường hướng đang hình thành trong việc sùng kính Đức Maria ngày nay” (số 8). Lễ này bắt nguồn từ ngày 6 tháng 2 năm 1648, khi thánh Jean Eudes tổ chức mừng tại Autun ngày lễ Phụng Vụ đầu tiên kính Trái Tim Đức Mẹ.
Ngày 21 tháng 7 năm 1855, chính Đức Piô IX đã phê chuẩn Thánh lễ và các bản văn Phụng Vụ riêng của ngày lễ. Nhưng trước khi trở thành một ngày lễ riêng, thì lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ đã được đưa vào Phụng Vụ để được đồng kính nhớ khi Hội thánh cử hành lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Ngày 8 tháng 12 năm 1942, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 25 ngày Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã dâng Hội thánh và loài người cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Năm 1944, ngài ấn định lễ này vào ngày 22 tháng 8 cho toàn thể Giáo hội La Tinh. Sau đó, ngày 21 tháng 11 năm 1964, khi bế mạc khoá 3 Công đồng Vaticano II, Đức Phaolô VI lặp lại việc dâng hiến này.
Hiện nay, lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ được mừng vào ngày thứ bảy tuần thứ 3 sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, tức hôm sau lễ thánh Tâm Chúa Giêsu.
2. Thông điệp và tính thời sự
a. Theo Kinh Thánh, “Trái tim” là nền tảng cho mối liên lạc tôn giáo và đạo đức của con người với Thiên Chúa ; nó cũng là nơi gặp gỡ giữa con người và Chúa.
– “Chúa đã làm cho trái tim Đức Trinh nữ Maria nên cung điện xứng đáng của Chúa Thánh Thần” (lời nguyện nhập lễ). Nên Đức Maria có thể hát lên rằng : “Hồn tôi hân hoan vui sướng…” (tiền xướng nhập lễ) ; “Hồn tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa” (Thánh Vịnh).
Như thế trái tim Đức Maria là nguồn mạch cho sự tạ ơn này. Toàn thể Hội thánh được mời gọi tham dự vào sự tạ ơn ấy, bởi lẽ Thiên Chúa đã bao bọc Người bằng sự vô tội và mặc cho Người áo cứu độ. Nhưng cũng vì Người mà Đức Chúa sẽ làm trổ hoa Công chính và trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân (bài đọc một : Is 61,9 –11).
b. Tin Mừng Luca đã hai lần ghi chú : Còn Bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng (2,19) – Mẹ Người (Bà Maria) thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng (2,51).
– Đức Maria là hình ảnh của Hội thánh và là mẫu gương cho mọi tín hữu. Theo gương Đức Trinh Nữ, “trái tim” họ cũng trở nên nơi chứa đựng một ý nghĩa và một sự mạc khải nào đó chỉ được tỏ hiện đầy đủ dưới ánh sáng Phục Sinh trong cầu nguyện và chiêm niệm.
Thánh Laurent Justinien nói : “Khi Đức Maria đối chất trong tâm hồn những gì Người đã hiểu biết với những điều đã đọc, đã nghe hay đã thấy, thì Người đã tiến triển rất nhiều về công đức và lớn lên trong đức tin dường bao!…Hỡi tâm hồn tín trung, hãy noi gương Người. Để thanh tẩy tâm linh và thoát khỏi căn bệnh tội lỗi, bạn hãy bước vào ngôi đền nội tâm của mình. ” (Bài đọc – kinh sách)
c. Lúc Sứ thần truyền tin, khi đón nhận Lời vào Trái Tim Vô Nhiễm, Đức Maria đã xứng đáng cưu mang Lời trong chính cung lòng trinh nữ của mình. Như thế, Người “đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn và thân xác” (LG số 53).
– Với gương Đức Maria, đầy ân sủng, Thiên Chúa mời gọi chúng ta bắt chước Mẹ để trở nên Đền thờ Chúa vinh quang ngự (xem lời nguyện nhập lễ). Bởi lẽ “lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta” (LG, số 67).
Do đó, “hy lễ thanh tẩy tâm linh đẹp lòng Thiên Chúa không phải được hiến tế trong ngôi đền vật chất, nhưng trong ngôi đền nội tâm mà Chúa Kitô rất thích thú bước vào” (thánh Laurent Justinien : Bài đọc – kinh sách).
Tại Luxembourg
Thứ bảy sau chúa nhật IV Phục Sinh
ĐỨC BÀ AN ỦI KẺ ÂU LO
ĐẤNG BẢO TRỢ CHÍNH CỦA LUXEMBOURG
Lễ trọng
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Đức Trinh nữ Maria được tôn kính dưới tước hiệu Đấng an ủi kẻ âu lo từ cuối thế kỷ XV. Nhưng việc tôn sùng này chỉ được phổ biến ở Luxembourg đầu thế kỷ XVII.
Thật thế, năm 1625 cha Dòng Tên Jacques Broquard đã xây dựng một nhà nguyện tại Luxembourg, ở cửa ra vào thành phố. Tại nhà nguyện này, ngài ta tôn kính bức tượng Đức Maria bồng Chúa Hài Nhi, với hàng chữ : Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, Đấng An Ủi Kẻ Âu Lo. Chẳng bao lâu nhà nguyện trở nên địa điểm cầu nguyện và hành hương. Hàng đoàn người tuôn về, bởi rất nhiều dấu lạ được diễn ra tại nơi đây.
Ngày 20 tháng 2 năm 1678, theo lời yêu cầu của các vị thẩm quyền, Đức Trinh Nữ Maria được công bố là Đấng bảo trợ chính cho Luxembourg, dưới tước hiệu Đấng An Ủi Kẻ Âu Lo.
Cuối thế kỷ XVIII, đền thánh được xây dựng tại cửa thành ấy, đã bị xúc phạm và phá hủy. Do đó, tượng Đức Trinh Nữ bồng Chúa Hài Nhi được chuyển vào thánh đường chính của thành phố. Thánh đường ấy trở thành nhà thờ chính tòa, khi Luxembourg được nâng lên hàng giáo phận năm 1870.
2. Thông điệp và tính thời sự
Phụng Vụ Thánh lễ và các Giờ Kinh nhấn mạnh đến ý nghĩa và các nền tảng thần học của các ngày lễ này
a. Lời nguyện gợi lại rằng Đức Maria, Mẹ của Con Một Thiên Chúa và cũng là Mẹ chúng ta. Do đó, Mẹ trở nên nguồn mạch ban ơn che chở, nâng đỡ và ủi an. Công đồng Vaticano II công bố : “Thực vậy, từ những thời rất xa xưa, Đức Trinh nữ đã được tôn kính dưới tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”và các tín hữu cùng khẩn cầu đã ẩn náu dưới sự che chở của Người trong mọi cơn gian nan khốn khó … Người chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành” (LG 66 và 68).
Chính nhờ Mẹ mà Chúa an ủi dân Người đã chọn, và chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của Người (bài đọc một : Is 49, 13 – 15), vì dưới chân thập giá, Người đã làm cho Mẹ nên Mẹ của nhân loại : Đây là mẹ con … (bài Tin Mừng Thánh lễ : Ga 19,25-27).
b. Bài đọc – Kinh sách giới thiệu một trích đoạn của thánh Bênađô ca tụng lòng thương xót và sự chăm sóc của Đức Trinh Nữ Maria đối với toàn thể nhân loại : “… Chúng con ca tụng lòng trinh khiết của Mẹ, chúng con khâm phục đức khiêm tốn của Mẹ.
Nhưng đối với những người khốn khổ, bất hạnh như chúng con đây, lòng thương xót của Mẹ trở nên dịu dàng hơn, quí giá hơn… Lạy Đức Trinh Nữ diễm phúc, nào ai có thể đo lòng thương xót bao la và thẳm sâu của Mẹ được chăng ? … Thật thế, nhờ Mẹ mà nhiều kẻ được vào thiên đàng và nhiều người không sa vào hỏa ngục… Ước gì từ nay lòng thương xót của Mẹ làm cho trần gian nhận thấy ân sủng Mẹ đã lãnh nhận nơi Chúa. Nhờ lời cầu nguyện thánh thiện của Mẹ mà tội nhân được ơn tha thứ, bệnh nhân được ơn lành mạnh, người yếu đuối được nên can đảm, và kẻ âu lo được nâng đỡ ủi an …”
c. Lễ Đức Bà an ủi kẻ âu lo được mừng vào mùa Phục Sinh đã nhấn mạnh rõ ràng hơn rằng “việc nâng đỡ ủi an kẻ buồn phiền âu lo trước hết dựa trên nền tảng Đức Kitô chiến thắng sự chết. Đức Trinh Nữ chịu thống khổ ngày thứ sáu Tuần thánh cũng là hiền mẫu của Đấng đã phục sinh” (Livre des jours).
Lời nguyện kính Đức Bà Luxembourg
Lạy Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Hội thánh, là đấng an ủi kẻ âu lo, chúng con tin rằng, trong cuộc Phục Sinh vinh hiển của Mẹ, Mẹ luôn hiện diện với toàn thể dân tộc chúng con cũng như với từng con cái Mẹ.
Đã hơn ba thế kỷ nay, Mẹ được tôn sùng giữa lòng dân tộc này, trong thánh đường này. Mẹ hằng tham dự vào mọi giai đoạn trong lịch sử chúng con, vào những ngày hạnh phúc cũng như những giờ phút tăm tối nhất của chúng con.
Hôm nay đây, chúng con trông cậy Mẹ đang hiện diện tích cực để giúp chúng con đáp lại hoàn hảo ý muốn Chúa Cha trên đời sống chúng con : xin Mẹ dạy chúng con được như Mẹ, không khiếp hãi để mở rộng lòng mình dưới tác động của Chúa Thánh Thần đang tái sinh chúng con, hầu chúng con tin tưởng mạnh mẽ hơn, cầu nguyện trung kiên hơn, và lãnh nhận trách vụ của chúng con trong Hội thánh và trong trần thế, theo gương Con Mẹ, Đấng Cứu Độ chúng con.
Chúng con hoàn toàn cậy trông Mẹ, vì Mẹ là Mẹ chúng con. A-men.