Phụng vụ chư thánh tháng 6

Phụng Vụ Chư Thánh Tháng 6

Phụng Vụ Chư Thánh – Theo lịch Phụng Vụ Rôma

Tác giả: ENZO LODI

Nhóm dịch: Linh Mục hạt Xóm Chiếu

THÁNG SÁU

Mục Lục

Ngày 01.06
THÁNH JUSTIN, tử đạo (+ khoảng năm 165)
Lễ buộc

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Vào năm 1874, vị thánh tử đạo này lần đầu tiên được đưa vào lịch Giáo triều Rôma. Từ nay, lễ nhớ ngài được mừng cùng ngày với các Giáo hội Byzantin và Maronite.

Justinô sinh tại Flavia Neapolis (Naplouse, vùng Samari) vào đầu thế kỷ II, dòng dõi ngoại đạo và có lẽ gốc Rôma. Niềm khao khát học hỏi thúc đẩy ngài đến với nhiều trường phái triết học (như trường phái khắc kỷ, phái tiêu dao -Péripatéticien, phái Pythagore, Platon). Vì thế ngài đã gặp tại Êphêsô một nhà hiền triết. Ông khuyên ngài nên nghiên cứu Cựu Ước và trách ngài : “Bạn yêu thích nghệ thuật hùng biện. Nhưng chắc chắn bạn không phải là người yêu thích hành động và công lý” (Đối thoại với Tryphon, người Do Thái, 3,3).

Sau khi gia nhập Kitô giáo, khoảng năm 130, ngài đi Rôma. Tại đây, ngài mở một trường học khá nổi tiếng, và trong đám thính giả có Tatien, sau này là Giáo phụ hộ giáo. Chúng ta chỉ giữ lại được ba trong tám tác phẩm của ngài : hai quyển Minh Giáo và tập Đối thoại với Tryphon là tác phẩm lưu giữ các cuộc thảo luận với người Do Thái này.

Về cái chết của ngài, chúng ta chỉ biết qua hạnh sử kể lại cuộc tử đạo của ngài : ngài bị Crescent, triết gia phái Khuyển Nho (Cynigne) tố cáo, và bị chém đầu với sáu môn đệ khác khoảng năm 165, dưới thời tổng trấn Junius Rusticus. “Như thế các thánh tử đạo … đã dùng cái chết anh dũng của mình để tuyên xưng Đấng Cứu độ của chúng ta” (Hạnh sử)

2. Thông điệp và tính thời sự

Các lời nguyện trong Thánh lễ được trích dẫn từ bản văn viết vào năm 1874, họa lại khuôn mặt của vị thánh mà Tertullien gọi là vị “Triết gia tử đạo” (Adv. Valentinianos, 5,1).

a. Lời nguyện trong Thánh lễ gợi lên hai chủ đề chính. Trước tiên là chủ đề tử đạo : “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Justinô tử đạo ơn hiểu biết sâu xa về Đức Kitô, nhờ suy tưởng mầu nhiệm Thập giá mà thế gian coi là điên dại…” Chính sự điên dại của Thập giá được Hạnh sử nhắc lại và Bài đọc – Kinh sách đề xuất đoạn này cho chúng ta hôm nay. Nhân danh sáu người bạn của mình, Justinô trả lời trước sự đe dọa của tổng trấn Rusticus : “Nếu không tuân lệnh (tế thần), các ngươi sẽ phải chịu khổ hình không chút xót thương – Họ trả lời : Chúng tôi ao ước chịu khổ hình vì Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng tôi, để được cứu độ, vì điều ấy mang lại cho chúng tôi ơn cứu độ và làm cho chúng tôi vững tin trước tòa chung thẩm của Chúa là Thiên Chúa và Đấng Cứu độ chúng tôi.”

Trong lời nguyện, chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta, nhờ lời thánh tử đạo cầu thay nguyện giúp, “được thoát khỏi mọi tư tưởng sai lầm và cương quyết giữ vững niềm tin.” Thật thế thánh Justinô là mẫu mực cho người Kitô hữu trí thức. Ngài không ngừng tìm kiếm chân lý. Bởi lẽ nếu ngài được ơn trở lại, là nhờ cụ già hiền triết thành Êphêsô đã hướng ngài về với Đức Kitô ngang qua các ngôn sứ trong Cựu ước. Justinô đã viết trong quyển Đối thoại như sau : “Tình yêu Chúa bùng cháy trong tôi, đó là tình yêu đã từng nung nấu tâm hồn các ngôn sứ và các bạn bè của Đức Ki-tô” (tiền xướng kinh Magnificat).

Nét đặc sắc trong việc tìm kiếm chân lý của ngài là nền triết học mang lại nhiều thành quả đạo đức hơn là “duy lý”. Chính thánh nhân là người đầu tiên đã đặt mối tương quan giữa đức tin Kitô giáo và triết học ngoại giáo. Qua mối tương quan đó, những triết gia ngoại đạo Hy Lạp cổ cũng là Kitô hữu mà họ không hay, vì họ sống theo Logos germinal (chính là Đức Kitô), như Socrate và Heraclite (Minh giáo I, 46 ; II, 13). Justinô đề cao Kitô giáo qua tác phẩm Minh giáo được gửi đến hoàng đê Antonin le Pieux và hoàng đế Marc Aurèle, gửi đến thượng viện và dân tộc Rôma cũng như các kẻ ngoại đạo và các người Do Thái (Đối thoại với Tryphon) để chứng minh rằng, nhờ Logos (Ngôi lời) nhập thể, chúng ta nhận được toàn vẹn chân lý mạc khải.

b. Lời nguyện trên lễ vật gợi lại “mầu nhiệm lễ tế Tạ Ơn mà thánh Justinô đã bênh vực cách anh dũng”, trong khi lời nguyện hiệp lễ nhắc đến các “Bài học” ngài dạy. Thật vậy, chính trong tác phẩm của ngài mà chúng ta tìm thấy nét phác họa đầu tiên về các nghi thức dự tòng và nhất là Phụng Vụ Thánh Thể (Minh giáo I, 65). Tiền xướng thánh Ca Tin Mừng Benedictus là một trong những trường hợp điển hình và cho thấy yếu tố kết cấu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong kinh thượng tiến : “Qua mọi lễ vật của chúng ta, chúng ta hãy tán tụng Đấng Tạo thành trời đất muôn vật nhờ Đức Giêsu Kitô Con Chúa và nhờ Chúa Thánh Thần.” Trong quyển Đối Thoại (chương 41 và 117), Thánh Thể được gọi là “Của lễ hy tế thiêng liêng”.

c. Tác phẩm minh giáo của thánh Justinô là một “sự chuẩn bị cho Tin Mừng”, vì qua tác phẩm này, chúng ta học cách khám phá vô vàn “mầm mống của Ngôi Lời” hàm chứa trong các đạo ngoài Kitô giáo. “Các triết gia và nhà lập pháp đã khám phá và trình bày mọi nguyên tắc đúng đắn. Họ có được các nguyên tắc ấy là nhờ họ đã tìm thấy và chiêm ngưỡng phần nào Ngôi Lời”.
***

Ngày 02.06
THÁNH MARCELLIN và PIERRE, Tử đạo
(+ khoảng năm 303)
Lễ nhớ

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Thánh Marcellinô là linh mục và thánh Phêrô là nhà trừ quỉ. Lễ nhớ hai thánh tử đạo này được Đức Giáo Hoàng Vigile đưa vào lịch Giáo triều Rô-ma, được xác nhận có trong danh mục các vị tử đạo của thánh Hiêrônimô và trong tất cả các nguồn tài liệu Phụng Vụ của thế kỷ VIII. Lễ cũng đưa chúng ta trở về thời bách hại khủng khiếp do Diocletien phát động năm 303, kéo dài trong vòng mười năm. Các dòng chữ do Giáo Hoàng Damase ghi tại hầm mộ của thánh Marcellinô và Phêrô, gợi lại cuộc tử đạo của các ngài : “Hỡi Marcellinô và Phêrô, hãy lắng nghe những dòng lưu niệm cuộc toàn thắng của các bạn. Khi tôi còn nhỏ, người đao phủ đã kể cho tôi là Damase rằng : kẻ bách hại hung dữ đã ra lệnh chặt đầu bạn trong bụi rậm để không ai tìm được mộ phần của bạn. Tuy nhiên các bạn vẫn vui vẻ, và đã tự tay chuẩn bị cho mình mộ phần này”.

Hạnh tử đạo của hai thánh ở thế kỷ VI kể lại : sau khi nhờ phép lạ, người ta tìm thấy thi hài của các ngài, họ chuyển về và mai táng trong hang toại đạo mang tên Hai nhành lá thiên tuế, trên đường Labicana, gần Rôma. Bà thánh Hêlêna cho xây một thánh đường tại đó mà người ta khám phá ra hầm mộ của các ngài ở bên dưới vào năm 1887. Rồi Giáo Hoàng Virgile cho phục chế ngôi mộ của các ngài đã bị dân Goth phá hủy.

2. Thông điệp và tính thời sự

Nhờ sự tử đạo, thánh Marcellin và Phêrô “đã cùng anh dũng tuyên xưng đức tin” và nhờ gương lành của các ngài “chúng ta được gìn giữ, chở che mà giữ vững niềm tin” (lời nguyện riêng).

Chúng ta ghi tên của các ngài vào lịch Giáo triều Rôma để mãi mãi nhớ đến các ngài và phổ biến lòng tôn sùng các ngài. Ở Rôma vào thế kỷ IV, chính ngôi mộ của các ngài đã lôi cuốn nhiều người hành hương. Với tư cách là chứng nhân anh dũng và hân hoan cho niềm tin vào Đức Kitô, các ngài nhắc chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa yêu kẻ nào biết cho đi cách vui vẻ (bài đọc một : 1 Cr 9, 6-10). Vì bị thế gian ghen ghét (Tin Mừng : Ga 17,11-19), các ngài đã kín múc sức mạnh cho mình nơi Chúa (Xướng đáp – Bài đọc – Kinh sách), vì biết rằng, như Đức Giêsu đã hy sinh mạng sống cho chúng ta, chúng ta cũng phải hy sinh mạng sống của chính mình. Origène cổ vũ chúng ta nên chấp nhận sự đau khổ và phúc tử đạo như sau : “Chúng ta hãy hết sức vui mừng đón nhận những nổi khổ đau của Đức Kitô và ước gì những nỗi khổ đau ấy tràn ngập nơi chúng ta… Ai thông phần đau khổ với Đức Kitô, thì cũng thông phần ủi an với Người, tương xứng với phần đau khổ mình đã chia sẻ với Người” (Bài đọc – Kinh sách).
***

Tại Pháp ngày 02.06
THÁNH POTHIN, Giám mục
THÁNH BLANDINE, Trinh nữ
và CÁC BẠN TỬ ĐẠO
(+ Khoảng năm 177)
Lễ nhớ

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Cuộc tử đạo của 48 vị của Giáo đoàn Lyon và Vienne, bị xử tử trong cuộc bách hại do Marc Aurèle khoảng năm 177, là sự kiện nổi tiếng đầu tiên trong Kitô giáo xứ Gaule. Sự kiện này được Hạnh tử đạo của Hiêrônimô xác nhận là đã xảy ra ngày 2 tháng 6. Chính nhờ quyển Lịch Sử Hội thánh của Eusèbiô, giám mục thành Césarée (+ khoảng 338) mà chúng ta biết được Hạnh tử đạo của các ngài (Nguồn tư liệu Kitô giáo 55, V, ch.1).

Lyon là thành Lugdunum cũ, được người Rôma thành lập năm 43 trước công nguyên, ở hợp lưu sông Rhône và sông Saône đã trở thành thủ phủ của xứ Gaule vùng Lyon năm 27. Thành phố này là trung tâm hành chính, thương mại và tôn giáo quan trọng, đồng thời cũng là một trong những nơi cư trú chính của các hoàng đế Rôma đến đây xây dựng rất nhiều dinh thự. Hằng năm vào ngày 1 tháng 8, Lugdunum trở thành nơi tổ chức các lễ hội lớn về tôn giáo của hai xứ Gaule và Rôma để tôn vinh hoàng đế. Tại Gaule, Kitô giáo được du nhập từ Đông Phương qua ngã Địa Trung Hải và thung lũng sông Rhône. Lyon trở nên thành phố giáo phận, là đầu cầu hướng về thung lũng sông Rhin. Còn Vienne, tên cũ là Vienna, trên giòng sông Rhône, là thuộc địa của người Rôma thời Tibère (thế kỷ I) lại trở thành một trong các trung tâm Kitô giáo đầu tiên ở Gaule. Vienne sau này được nâng lên hàng giáo phận vào thế kỷ III rồi Tổng Giáo phận thế kỷ V.

Cuộc tử đạo của 48 Kitô hữu thuộc Giáo đoàn Lyon và Vienne được mô tả qua lá thư mà các Giáo hội này gửi cho các giáo đoàn Châu Á và Phrygie, đã được Eusèbe thuật lại nguyên văn. Chính ngay tại đấu trường đã diễn ra các cuộc tử đạo. Như thông lệ một cảnh tượng rùng rợn được phô bày cho đám dân đinh, gồm các “bộ tộc man di mọi rợ” và khát máu.

Trong các vị chứng nhân đức tin, nhiều người mang tên Hy-lạp : Pothin hay Photin (tiếng Hy Lạp : Poteinos), chín mươi tuổi, giám mục thành Lyon ; y sĩ Alexandre, quê quán Phrygie ; Biblis, Attale de Pergame, Alcibiade, Ponticus … Những người khác mang tên La Tinh như Sanctus, Maturus, Blandine… Khi nhìn thấy lòng dũng cảm anh hùng của họ, chúng ta cũng cảm kích trước sự bao dung của họ đối với những ai đã chối đạo (lapsi). Các thánh tử đạo không sợ các quan án và cầu nguyện cho các lý hình. Phần đông các ngài bị ném cho các mãnh thú trong đấu trường. Còn những ai là công dân Rôma thì bị chém đầu. Các người khác nữa lại chết ngạt trong tù. Eusèbe kể rằng : “Thi hài của các vị tử đạo bị canh gát cẩn thận, không cho ai mai táng… Sau đó, các thi hài ấy bị các kẻ gian tà đốt thành tro và rải trên sông Rhône” (Lịch sử Hội thánh V, 1).

2. Thông điệp và tính thời sự

Khi trích Thư của thánh Pothin, giám mục tiên khởi thành Lyon, Eusèbe xác nhận rằng vào lúc ấy thánh nhân đã trên chín mươi tuổi. Mặc dầu rất già yếu, “người vẫn kiên cường nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần… và làm chủ được tâm trí để làm cho Đức Kitô được toàn thắng.” Đáp lại quan tổng trấn hỏi Chúa các Kitô hữu là ai, ngài dõng dạc nói lời chứng từ đẹp đẽ này : “Nếu ngài xứng đáng, ngài sẽ được biết Người”. Sau khi chịu đủ mọi gia hình đòn vọt, người bị ném vào lao và sau hai ngày người qua đời.

Đối với thánh Blandine, người ta e rằng “chắc Bà không thể tuyên xưng đức tin được bởi vì sức khỏe quá yếu. Nhưng Bà được tràn đầy một sức mạnh lạ lùng đến nỗi làm cho những kẻ gia hình phải mệt mỏi và chán nản. Họ thay phiên nhau tra tấn Bà mọi cách từ sáng cho đến tối… Vị thánh nữ, như một vận động viên quảng đại, vẫn luôn lặp lại lời tuyên xưng của mình. Đối với Bà, đây là nguồn trợ lực, sự nghỉ ngơi, một điểm dừng giữa cuộc gia hình khi nói được rằng : Tôi là Kitô hữu ; nơi chúng tôi, không có điều gì gian ác”. Rồi Blandine bị treo vào một cây cột cho các mãnh thú xé xác. Nhưng không mãnh thú nào đụng chạm đến Bà. Dẫu “bé nhỏ, yếu đuối, bị khinh khi”, nhưng bằng lời cầu nguyện liên tục, Bà vẫn củng cố và gia tăng niềm tin cho kẻ khác, “vì người tự đồng hóa mình với Đức Kitô, người dũng sĩ vĩ đại và không thể chiến bại”. Sau cùng, Blandine bị ném vào lưới, cho con bò tót hành hung. Tuy Bà bị con vật tung lên, đạp xuống rất lâu, nhưng không cảm nhận điều gì “bởi vì người hy vọng và chờ đợi những gì người đã tin và vì người đang mải mê trò chuyện với Đức Kitô”. Thật thế, vị thánh nữ tử đạo là người cuối cùng ra chiến trường, “lòng đầy vui mừng và hoan lạc, như thể được mời dự tiệc cưới vậy”.

Thư cũng nói đến các vị tử đạo khác : Vettius Epagathus được mệnh danh là “Đấng bảo trợ các Kitô hữu… luôn sẵn sàng giúp đỡ người thân cận, rất nhiệt thành đối với Chúa, và say sưa yêu mến Chúa Thánh Thần”. Sanctus, là phó tế thành Vienne, đã đáp lại các câu hỏi bằng một lời tuyên tín duy nhất : Tôi là Kitô hữu. Maturus vừa chịu thánh tẩy. Attale, quê quán Paegame (Tiểu Á) là công dân Rôma. Biblis là “một trong những người đã chối đạo”, nhưng sau đó đã không ngần ngại tuyên bố mình là Kitô hữu và đã được thêm vào hàng ngũ các thánh tử đạo. Alexandre là y sĩ, quê quán Phrygie, “được hầu hết mọi người biết đến nhờ quá yêu mến Chúa và nói năng mạnh dạn, hăng hái tuyên xưng đức tin”. Sau cùng, Ponticus là một cậu trai mười lăm tuổi. Sau khi được phấn chấn bởi gương anh dũng của thánh Blandine, người đã không yếu đuối, sợ hãi nhưng chịu đựng mọi cực hình và đã trao phó linh hồn trong tay Chúa cách an bình.

Cuộc tử đạo của thánh Pothin, thánh Blandine và các bạn ngày ấy đã góp phần làm cho đức tin đâm rễ sâu tại đất Gaule. Ngày nay cũng thế, chính việc các Kitô hữu làm chứng cho đức tin và lòng yêu mến, sẽ làm cho đức tin sống mãi trong các thế hệ mai sau. Vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện trong ngày lễ kính các thánh tử đạo thành Lyon : “… Lạy Chúa, xin làm cho chúng con được nên xứng đáng để luôn hiểu biết Chúa nhiều hơn, ngõ hầu khi chúng con noi gương các thánh tử đạo, những việc thiện chúng con làm sẽ chứng minh được sức mạnh và quyền năng của lòng Chúa thương yêu loài người chúng con” (Đoạn kết của lời nguyện nhập lễ).
***

Ngày 03.06
THÁNH CHARLES LWANGA và CÁC BẠN, tử đạo
(1886-1887)
Lễ kính

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Người ta ấn định ngày này để nhớ đến 22 vị thánh tử đạo Châu Phi da đen, bị giết tại Ouganda giữa 26 tháng 5 ; 3 tháng 6 năm 1886 ; và 27 tháng 1 năm 1887. Ngày 3 tháng 6 nhắc lại cuộc tử đạo của Thánh Charles Lwanga và 12 bạn chịu thiêu sống sau khi chịu nhiều cực hình khủng khiếp, tại Rubaga (03.06.1886). Các ngài là những của lễ hy tế đầu tiên trong cuộc bách hại do Mwanga chủ xướng. Ông là vị vua thâm độc và khát máu trong miền Đại Hồ (Grands Lacs). Các ngài được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV phong chân phước năm 1920 và được Đức Phaolô VI phong hiển thánh năm 1964, nhân chuyến viếng thăm của ngài tại Châu Phi.

Ouganda trước tiên được các linh mục Hội truyền giáo Châu Phi (Pères Blancs) rao giảng Tin Mừng năm 1879. Năm 1882, họ bị đuổi khỏi nơi này, nhưng hai năm sau họ trở lại theo lời yêu cầu của vua Mwanga. Sau đó, chính ông lại bách hại các Kitô hữu hết sức tàn bạo.

Để trả thù, một viên chức bị bắt trong khi âm mưu chống vua Mwanga đã thúc đẩy vua trước hết giết một số Kitô hữu và giám mục Anh Giáo Hannington (1885), bị cáo gian làm gián điệp. Sau đó vua sai chém đầu Joseph Mukusu, trưởng đội những người phục vụ. Họ bị cáo là “những người cầu nguyện” (17 tháng 11 năm 1885).
Charles Lwanga là người đầu bếp mới của triều đình, đã chuẩn bị cho mười hai bạn được phúc tử đạo. Sau khi bị kết án tử hình, các ngài bị dẫn đến địa điểm hành hình ở Kampala. Trong lúc đó, người bạn của vua là André Kagwa, bị chặt đầu rồi hỏa thiêu. Hôm sau, một nhân vật nổi tiếng khác cũng bị giết cách tàn bạo, đó là Matthias K.Mulumba. Các văn kiện của vụ án phong thánh đều ví Matthias K. Mulumba như “đoá hoa đẹp nhất trên chiếc triều thiên” của các thánh tử đạo này.

Sau khi trở lại đạo và chịu phép thánh tẩy, ngài không còn quan tâm đến các danh vọng bổng lộc ban cho ngài với tư cách là nhân vật cao cấp trong triều, ngài nói : “Tôi không phải là một người nô lệ, nô lệ của Đức Giêsu Kitô sao ?”

Sau vài ngày cần thiết chờ đợi để chuẩn bị ra pháp trường và trong khi vài kiếm đồng đã bị giết chết dọc đường, người ta xiềng xích các tù nhân. Người đầu tiên phải lên giàn hỏa thiêu là Charles Lwanga. Rồi những người khác, lần lượt bị thiêu sống. Trong nhóm họ có con trai của người trưởng toán lý hình. Anh không chấp nhận được tha bổng và trả lời cha : “Vua đã ra lệnh cho cha phải giết con. Con muốn chết vì Đức Giêsu Kitô”. Jean-Marie Jamari được mệnh danh là bậc “tiền bối” do bởi dáng vẻ oai nghi trang trọng và luôn sẵn sàng giúp đỡ người thân cận, hai năm sau cũng bước theo các bạn tử đạo của mình ; ngài bị nhấn chìm trong hồ ngày 27 tháng 1 năm 1887.

Do đó, thật xứng đáng khi Đức Piô XI công bố Charles Lwanga là thánh Bảo Trợ cho Công Giáo Tiến Hành và giới trẻ châu Phi.

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Lời nguyện trong ngày lễ được mở đầu bởi câu nói danh tiếng của Tertullien, cũng là một giáo dân châu Phi : “Lạy Chúa, Chúa đã cho máu tử đạo làm nảy sinh thêm nhiều Kitô hữu…” và lời nguyện tiếp theo : “Xin cho máu của thánh Lwanga và các bạn đã tưới xuống cánh đồng Hội thánh cũng đem lại một mùa lúa dồi dào”.

Nhân chuyến hành hương sang châu Phi năm 1964, Đức Phaolô VI đã cử hành Thánh lễ phong thánh trên các hũ đựng di hài các thánh tử đạo. Như thế Ngài lặp lại truyền thống của thánh Cyprien là cử hành hy tế Tạ Ơn trên các mộ thánh tử đạo thành Carthage. Như để nhấn mạnh câu nói danh tiếng của Tertullien, Đức Giáo Hoàng tuyên bố rằng các tân thánh tử đạo này của châu Phi như thêm một mắc xích mới vào chuỗi các vị tử đạo của châu Phi xưa : “Thánh Augustinô và nhà thơ Prudence đã kể lại những thành tích đầy xúc động của các vị tử đạo ở Scillium, ở Carthage, và của các vị tử đạo trong “Đoàn Người Trắng thành Utique” (300 vị chết trong hầm vôi đang sôi). Thánh Gioan Kim Khẩu hết lời tán dương các vị tử đạo Ai-cập, cùng với thành tích của các vị tử đạo trong cuộc bách hại của những người Vandales xưa…”

b. Lời nguyện trên lễ vật gợi lại việc các thánh tử đạo trẻ tuổi đã từ chối và chống lại những lời khiếm nhã của Đức vua, họ thà chết hơn là phạm tội. Như thế, họ làm sống dậy các hành vi và cử chỉ của các thánh tử đạo vào những thế kỷ đầu tiên trong lòng Giáo hội trẻ trung vừa được rao giảng Tin Mừng từ thế kỷ XIX.

c. Lời nguyện hiệp lễ giúp chúng ta nắm được ý nghĩa hiện thực của ngày lễ nhớ các thánh tử đạo Ouganda. “Chính trong hy lễ Tạ Ơn mà các ngài đã tìm được sự dũng cảm để chịu đựng các nỗi cực hình”. Chúng ta cũng thế, giữa muôn vàn thử thách, chúng ta sẽ nhận lấy, trong mầu nhiệm hy lễ Tạ Ơn, một niềm tin và lòng bác ái tinh tuyền, không khiếm khuyết.
***

Tại Pháp ngày 04.06
THÁNH NỮ CLOTILDE (khoảng 474-545)
Lễ nhớ

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Lễ nhớ thánh Clotilde, xưa được mừng vào ngày kỷ niệm người qua đời, 03.06, nay được mừng ngày 4 tháng 6, sau ngày lễ nhớ Thánh Charles Lwanga và các bạn tử đạo.

Thánh nữ Clotinde sinh tại Lyon khoảng năm 474, con gái của Chilpéric, vua dân Burgondes ; mẹ Bà là Catérène, một phụ nữ Công giáo sốt sắng. Bà lãnh bí tích thánh tẩy theo nghi thức Công giáo. Sau khi cha qua đời (481) Bà được nuôi nấng dạy dỗ tại Genève, chuyên tâm cầu nguyện và làm việc thiện. Grégoire de Tours (Lịch sử người Franc) đã nói đến lễ cưới của Bà với Clovis I, vua người Francs. Lễ được cử hành năm 492 tại Soissons.

Tên của thánh Clotilde trước hết gợi đến sự trở lại đạo và chịu phép thánh tẩy của Clovis I. Nhưng biến cố này chỉ diễn ra sau những năm tháng đầy thử thách. Quả vậy, Grégoire de Tours viết rằng Ingomer, đứa con đầu lòng của hai người, vừa mới sinh ra và được rửa tội xong thì “chết trong khi còn đang vấn tã”. Đức vua lúc ấy đang là kẻ ngoại đạo, liền nổi giận và quở trách hoàng hậu rất nặng nề : “Nếu đứa bé được hiến dâng cho các thần linh của trẫm, chắc chắn nó sẽ sống…” Nữ hoàng không ngừng giảng dạy đạo lý cho đức vua để ngài nhận biết Thiên Chúa thật và từ bỏ tà thần.

Nhưng thánh nữ đã không còn cách nào để lay chuyển tâm hồn đức vua… Sau cùng, một ngày kia, khi quân đội của Clovis chiến đấu chống dân Alamans và gặp nguy khốn, theo lời kể của Grégoire, Clovis “ngước mắt lên trời, tâm hồn tan nát và xúc động đến rơi lệ, liền cầu nguyện thế này : Lạy Đức Giêsu Kitô, Ngài là Đấng Clotilde tuyên xưng là Con Thiên Chúa hằng sống, là Đấng mà mọi người tin chắc sẽ đến cứu giúp những ai đang đau khổ khốn khó và đem lại chiến thắng cho những ai cậy trông Ngài… Nếu Ngài cho tôi được chiến thắng quân thù, tôi sẽ tin Ngài và sẽ chịu thánh tẩy nhân danh Ngài… Ngài chính là Đấng tôi đang kêu cầu, là Đấng tôi muốn tin tưởng”.

Sau khi chiến thắng dân Alamans trong trận Tolbiac 496 và đã tái lập hoà bình, Clovis kể cho hoàng hậu nghe ngài đã thoát cảnh bại trận như thế nào. Lúc ấy, Clotilde bí mật cho mời thánh Remi, giám mục thành Reims, đến và xin ngài “gieo vào lòng đức vua lời cứu rỗi” (Lịch sử người Franc ; xem bài đọc – Kinh sách).

Sau khi sinh hạ cho Clovis bốn trai và một gái, thánh nữ trở thành quả phụ tuy vẫn còn trẻ tuổi ; Bà sắp phải trải qua những thử thách rất bi đát. Thật thế, các cuộc tranh chấp đẫm máu bùng lên giữa các con cái Bà. Một trong các con trai Bà, Clodomir, đã bị người Burgondes giết chết. Các cậu trai khác, là Clotaire và Childebert sai quân sát hại con cái của Clodomir. Duy chỉ Clodoald thoát nạn và sau này trở thành viện phụ sáng lập tu viện Novientum, ngày nay là Saint-Cloud, gần Versailles. Clodoald (hay thánh Cloud) được tôn kính như một vị thánh, được mừng ngày 7 tháng 9.

Sau cùng, vì quá buồn phiền, Clotilde quay về Tours, gần mộ thánh Martin và sống đơn sơ khiêm hạ. Bà xây dựng nhiều thánh đường và lập nhiều Đan viện. Khi Bà qua đời, năm 545, thi hài được đem về Paris. Theo như Bà mong muốn, người ta mai táng Bà trong thánh đường các thánh Tông Đồ, nơi an nghỉ của Clovis và thánh Geneviève.

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Vào thế kỷ VI, mặc dù lạc giáo Arius đang thắng thế, Clotilde vẫn trung thành với đức tin của Hội thánh. Chính nhờ Bà mà Clovis gặp được Đức Kitô và dân tộc Pháp quay về lãnh nhận bí tích thánh tẩy. Vẫn hợp thời khi lời nguyện nhập lễ nhấn mạnh đến công đức của vị thánh hoàng hậu này : “Lạy Chúa, xin đoái thương nhìn đến dân tộc nước Pháp. Ngài là Đấng đã ban cho dân tộc này ơn nghĩa đức tin nhờ lời cầu thay nguyện giúp của thánh nữ Clotilde…”

Bài đọc một trong Thánh lễ cũng nhắc đến các nhân đức và các công nghiệp của thánh nữ…Dù có những người chồng không tin lời Chúa, thì họ cũng sẽ được chinh phục nhờ cách ăn nết ở của chị em mà không cần chị em phải nói lời nào, vì họ thấy cách ăn nết ở trinh tiết và cung kính của chị em… con người nội tâm thầm kín, với đồ trang sức không bao giờ hư hỏng là tính thùy mị, hiền hòa (1 Pr 3,1-9).

b. Quyển Lịch sử người Francs cũng đề cao đức tin cao cả của Clotilde. Thật vậy, trong khi Clovis còn là kẻ ngoại đạo, nói với vợ mình về đứa trẻ thứ hai đang mắc bệnh : “số phận của nó cũng không khác số phận của anh nó : bởi vì nó đã được thánh tẩy nhân danh Đức Kitô của ái khanh, nên nó sẽ chết…”, song hoàng hậu vẫn cầu nguyện. Theo lời Grégoire de Tours kể, “nhờ lời cầu nguyện của mẹ, đứa trẻ lành bệnh theo lệnh của Chúa”. Chắc chắn, vị thánh hoàng hậu đã phải đau khổ rất nhiều, nhưng Bà vẫn luôn trông cậy vào Chúa, chuyên cần cầu nguyện và làm việc bác ái cho tới khi qua đời. Vì thế lời xướng đáp của Bài đọc – Kinh sách ghi: “Lạy Chúa, lời Ngài là đèn soi trong tăm tối… Phúc thay ai bền tâm đi theo đường lối Ngài đã chỉ dẫn”. Đàng khác, bài Tin Mừng (Mt 7, 21 – 27), khi gởi đến hình ảnh ngôi nhà xây trên đá cũng có lẽ nhắc đến “dân tộc nước Pháp”đã bền vững gìn giữ đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, kể từ thời Clovis chịu phép thánh tẩy. Do đó, lời nguyện riêng trong lễ thánh Clotilde cổ vũ chúng ta cầu nguyện để Chúa ban cho nước Pháp được “thành tâm chuyên cần” phục vụ Người.

Ngày 05.06
THÁNH BONIFACE, Giám mục và Tử đạo
(khoảng 673-754)
Lễ kính

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Cuộc tử đạo của thánh giám mục thành Mayence và 52 người bạn đã diễn ra ngày 5 tháng 6 năm 754. Trong khi dâng Thánh lễ ở Dokkum, thuộc Frise miền Bắc (Hà Lan ngày nay), các Ngài đã bị dân Frisons sát hại, dẫu rằng họ đã được các ngài loan báo Tin Mừng của Chúa. Lễ nhớ thánh Boniface ca ngợi ngài là vị Tông Đồ vĩ đại của nươc Đức. Ngài hoạt động truyền giáo đến tận vương quốc dân Francs.

Mãi đến năm 1874, theo lời yêu cầu của các Nghị phụ Công đồng Vaticanô I, người ta mới đưa lễ nhớ thánh Boniface vào lịch Giáo triều Rôma. Tuy nhiên thánh nhân đã được tôn kính không những tại Đức, mà còn ở Anh là quê quán của ngài. Nơi đây, một Công đồng đã ban tặng người tước hiệu Đấng Thánh Bảo Trợ, bên cạnh thánh Grégoire Cả và thánh Augustin de Cantorbéry.

Winfrid sinh khoảng năm 673 tại vương quốc Anglo-saxon Wessex, nước Anh. Ngài được giáo dục trong các Đan viện Biển Đức miền Exeter và Nutshulling và khấn dòng năm 715.

Vì mong ước ra đi loan báo chân lý đức tin cho dân ngoại, lần đầu tiên ngài đến Frise năm 716. Nhưng nỗ lực này kết thúc trong thất bại. Năm 719, Đức Giáo Hoàng Grégoire II trao ngài sứ vụ loan báo Tin Mừng cho những kẻ thờ tà thần ở Đức, và cho gọi ngài bằng tên của một vị thánh tử đạo người Rôma : Bonifacius. Năm 722, ngài được phong giám mục, trực thuộc Tòa thánh nên không có giáo phận riêng.

Sau khi loan báo Tin Mừng cho miền Hesse – nơi đây ngài đã hạ ngã Cây sồi thiêng Donar, gần Geismar vào năm 725 – ngài sang Thuringe, lưu lại nơi này bảy năm và lập nhiều Đan viện. Sau đó, Đức Giáo Hoàng Grégoire III trao cho ngài một cánh đồng truyền giáo mới ở Bavière và phong ngài làm Tổng giám mục năm 732. Boniface ở lại đó 9 năm, cho đến năm 741, vào thời điểm này ngài lập các giáo phận quan trọng thuộc giáo tỉnh như Salzbourg, Freising, Ratisbonne, Passau.

Để hoàn thành tốt hơn sứ vụ loan báo Tin Mừng, thánh giám mục xin Đức Giáo Hoàng Zacharie quyền đặc miễn của Giáo Hoàng cho Đan viện Fulda mà ngài vừa thành lập năm 744 : đây là quyền đặc miễn đầu tiên trong lịch sử.
Năm 747, dưới áp lực của các môi trường người Francs, xem Boniface như một người Anglo-saxon nguy hiểm, nên Pépin le Bref đã tách Boniface ra khỏi các nơi ấy. Sau cùng, vào ngày lễ Chúa Thánh Thần năm 754, ngài bị một nhóm người ngoại đạo sát hại cùng với 52 bạn, trong khi ngài đang rao giảng Tin Mừng cho miền Frise miền Bắc. Các thánh tích của ngài luôn được sùng kính tại Đan viện Fulda. Chính vì luôn trung thành tưởng nhớ đến ngài mà các giám mục Đức thường qui tụ về thành phố này.

2. Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện mới trong Thánh lễ được trích từ sách lễ Ambroise và Paris. Lời nguyện xin thánh giám mục Boniface chuyển cầu “cho chúng ta giữ vững lòng tin và lấy cả cuộc đời can đảm tuyên xưng lòng tin mà thánh tử đạo đã dùng lời nói rao giảng và lấy máu đào để chứng minh”. Nhờ tích cực hoạt động Tông Đồ trong nhiều vùng đất châu Âu, và cũng nhờ tiếp xúc dễ dàng với các Giáo Hoàng và các vị vua chúa, ngài đã hỗ trợ việc chuyển giao quyền Giáo Hoàng từ thời Byzantin sang thời Francs.

Phương pháp truyền giáo của Boniface dựa trên hai điểm chính : trước hết tìm kiếm sự hậu thuẫn của vua chúa và quan quyền mà không bao giờ phương hại sự tự do của Hội thánh ; sau đó, kêu gọi sự hỗ trợ của các Đan viện, là những trung tâm đích thực của đời sống Kitô giáo và rao giảng Tin Mừng.

Khi phân chia vương quốc của Charles Martel năm 741; Carloman được hưởng vùng Austrasie, đã nhờ Boniface giúp loại bỏ những sự lạm dụng trong việc chuyển nhượng bổng lộc danh tước, và buông lỏng kỷ cương trong giới giáo sĩ và ngay cả các đan sĩ Celte phiêu bạt. Để đạt mục đích này, Boniface đã triệu tập một Công đồng chung các giám mục Francs tại Soisson năm 742. Công đồng này kéo dài trong ba năm và đã đưa ra sắc lệnh cải tổ quan trọng trong Giáo hội Francs.

Các Đan viện là những trung tâm sinh hoạt Phụng Vụ và cũng là trung tâm văn hóa xã hội. Việc phát triển xây dựng các Đan viện là một trong những đặc điểm quan trọng trong việc thánh nhân xây dựng và tái tổ chức các Giáo hội, như ở Bavière, Thuringe hay tại các quốc gia nói tiếng Pháp. Thánh Boniface cũng là tác giả sách ngữ pháp, hệ thống đo lường và sáng tác nhiều thơ văn.

Bài đọc – Kinh sách đề xuất một lá thư của thánh giám mục Boniface qua đó chúng ta thấy được các đặc tính của vị mục tử như ngài : “… Chúng ta chớ như những con chó câm, những lính canh thinh lặng, những kẻ chăn thuê chạy trốn sói dữ ; nhưng chúng ta hãy là những mục tử chuyên chăm, biết lo lắng cho đoàn chiên Chúa Kitô, biết rao giảng mọi ý định của Thiên Chúa cho hết mọi người, thuộc mọi tầng lớp cũng như tuổi tác, cho kẻ lớn cũng như người bé, cho người giàu cũng như kẻ nghèo, trong mức độ Thiên Chúa giúp sức cho, lúc thuận tiện cũng như lúc gặp phải nghịch cảnh, theo cách thức như thánh Grégoire đã chép trong sách mục vụ” (Thư 78).
***

Ngày 06.06
THÁNH NORBERT, Giám mục (1085-1134)
Lễ nhớ

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Thánh Norbert được Đức Giáo Hoàng Honorius II bổ nhiệm làm Tổng giám mục Magdebourg, nước Đức, năm 1126, và qua đời tại thành phố giáo phận ngày 6 tháng 6 năm 1134. Lễ nhớ ngài được đưa vào lịch Giáo triều Rôma năm 1620. Lễ này đề cao ngài là nhà cải cách kiệt xuất, đã đóng góp nhiều công sức vào cuộc canh tân Hội thánh ở thế kỷ XII, đặc biệt phục hồi phẩm chất chức vụ linh mục và trở nên vị Tông Đồ hoạt động cho công cuộc cải cách Grégoire.

Robert de Gennep sinh khoảng năm 1085 thuộc dòng dõi quí tộc Gennep, tại Xanten, là một thành phố nhỏ vùng Rhénane, gần Cologne. Ngài được vào cung phục vụ Đức Tổng giám mục Frédéric I vùng Cologne, sống một đời thế tục tại đó, rồi ngài được làm tuyên úy nhà nguyện của hoàng đế Henri V. Năm 31 tuổi, ngài được hoàng đế phái dự hội nghị Ratisbonne. Ngài cùng đi với hoàng đế đến Rôma để nhận bổng lộc của Hội thánh.

Nhân gặp một trận mưa bão đầy khiếp hãi, ngài đã ăn năn sám hối. Nhưng sự sám hối đó cũng là hoa quả của lòng chính trực trước các sự lạm dụng của hoàng đế. Viện phụ Biển Đức ở Siegbourg cũng hỗ trợ ngài trong việc hoán cải này. Năm 1115 ngài được Tổng giám mục Cologne phong chức linh mục, và tình nguyện đi đây đi đó hầu thuyết giảng về công cuộc cải cách Grégoire. Chính lúc ấy, giám mục thành Laon, là Barthélémy de Joux, trao cho ngài đảm trách tu viện các kinh sĩ triều, sống theo tu luật của thánh Augustin. Tại đây, ngài thành lập một Dòng mới – Dòng Prémontrés gần Laon. Đó là ngày lễ Giáng Sinh năm 1121.

Dù liên hệ mật thiết với thánh Bênađô, Dòng của ngài vẫn ít chịu ảnh hưởng tinh thần của các tu sĩ Xi-tô, nhưng lại chịu ảnh hưởng lối sống tu sĩ Biển Đức đang có ở Siebourg và lối sống ẩn tu của Ludolphe, người đồng hương của ngài, rất được ca tụng vào đầu thế kỷ XII.

Khi đến dự hội nghị của các vương quốc Kitô giáo, Norbert ngang qua Magdebourg. Nơi đây, dân chúng đang bất hòa về việc chọn Tổng giám mục, nên họ nhất trí bầu ngài. Ngài qua đời trong giáo phận của mình, sau khi đã gặp rất nhiều trở ngại trong công cuộc cải cách mà ngài muốn đem lại cho nước Đức.

2. Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện trong ngày lễ đề cao tinh thần cầu nguyện và lòng nhiệt thành của thánh Norbert, người mà Chúa ban cho Hội thánh để trở nên một vị “mục tử chân chính”. Chính trong giáo phận Magdebourg là pháo đài tiền tuyến của các nước Kitô giáo hướng về phía Đông mà thánh giám mục đã đóng một vai trò quyết định cho Giáo hội Đức. Sau đó, cũng nhờ các anh em tu sĩ truyền giáo Prémontrés, mà ngài đã rao giảng Tin Mừng trên đất ngoại giáo, cho đến bên kia bờ sông Elbe.

Norbert đã trao dự án canh tân hàng giáo sĩ cho Đức Giáo Hoàng Gelase II, khi ngài được gặp ở Provence. Tại Reims, theo lời đề nghị của Đức Tân Giáo Hoàng Calliste II, ngài quảng đại chấp nhận sẵn sàng phục vụ giám mục thành Laon để thực hiện cuộc cải cách Grégoire. Từ đó, ngài hăng say hoạt động để thu hồi tài sản của Hội thánh đã bị các lãnh chúa chiếm đoạt, và hơn nữa để giúp hàng giáo sĩ biết quí trọng việc định cư và sự độc thân. Ngài quan tâm đặc biệt đến sự thánh thiện của các linh mục. Ngài nói : “Ôi linh mục, người không thuộc về mình, bởi vì người là đầy tớ và thừa tác viên của Đức Kitô.”

Với Phản Giáo Hoàng Anaclet II, thánh Norbert cùng với mọi thành viên Dòng mình tuyên bố ủng hộ Tân Giáo Hoàng Innocent II, giống như ngày xưa, thánh Bênađô cũng bênh vực Hội thánh và Giáo Hoàng nhân danh Đan viện Clairvaux và Phêrô khả kính cũng thế, nhân danh Đan viện Cluny.

Theo tu luật Dòng thánh Augustin, Norbert đã thành công cách tài tình khi kết hợp lối sống đan sĩ chiêm niệm với đời sống hoạt động Tông Đồ. “Người chiêm ngắm và năng suy niệm những mầu nhiệm của Thiên Chúa, rồi can đảm truyền đạt những mầu nhiệm ấy” (Bài đọc – Kinh sách). Nghệ thuật ảnh tượng thường minh họa ngài, tay cầm mặt nhật : để nhấn mạnh rằng ngài rất coi trọng bí tích Thánh Thể. Ngài xứng đáng là Tông Đồ bênh vực sự hiện diện của Chúa Giêsu ngự trong hình bánh và ruợu, khi mạnh mẽ chống lại lạc giáo của Bérenger de Tours (+1088), chỉ nhận bánh, rượu là hình ảnh tượng trưng cho Mình và Máu Thánh của Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể mà thôi.
***

Ngày 09.06
THÁNH ÉPHREM, Phó tế, Tiến sĩ Hội thánh
(khoảng 306-373)
Lễ nhớ

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV đã đưa lễ nhớ thánh Éphrem vào lịch Giáo triều Rôma năm 1920 và tuyên phong ngài là tiến sĩ Hội thánh.

Afrim (hay Éphrem) sinh tại Nisibe khoảng năm 306, vùng Mésopotamie, một tỉnh của đế quốc Rô-ma (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) ; vì “thường xuyên quan hệ giới Kitô giáo” nên ngài bị thân phụ theo ngoại giáo và không bao dung, đuổi khỏi gia đình. Sau khi được giám mục địa phương là Đức cha Jacques de Nisibe tiếp nhận, Éphrem, còn là dự tòng, trở thành người con thiêng liêng của ngài và theo lời thuật của Grégoire de Tours, ngài được dạy dỗ và siêng năng đọc, suy niệm Lời Chúa trong Kinh thánh.

Năm mười tám tuổi, ngài lãnh nhận bí tích thánh tẩy. Sau khi lưu lại Édesse một thời gian, Éphrem trở về Nisibe, nơi đây vị giám mục bảo trợ Giacôbê phong người làm phó tế. Ngài học thần học và trở thành “Yhydy”, một hình thức đan sĩ “tại gia”, với tâm nguyện sống đời khiết tịnh. Ngài sống cuộc đời nghiệm nhặt, vừa phục vụ tích cực Hội thánh, vừa điều hành trường thần học của thành phố. Một chứng nhân đã nói về ngài như sau : “Afrim, do lòng khiêm tốn, đã từ khước làm linh mục, song người hằng nâng đỡ các tín hữu, chống kẻ ngoại giáo và đã trở nên chiến sĩ nổi tiếng kháng cự quân xâm lăng Ba tư.”

Năm 363, thay vì ở lại sống dưới ách nô lệ người Ba tư, phó tế Éphrem đã di tản sang Édesse, miền đất thuộc Rô-ma, đồng thời chuyển về đó trường đại học thần học của ngài, mệnh danh là “trường người Ba tư”. Chính nơi đây ngài sống mười năm cuối đời (363 – 373), và qua đời ở tuổi sáu mươi bảy, do quá tận tụy săn sóc các bệnh nhân dịch hạch.

Éphrem được xem là người thi sĩ vĩ đại nhất của ngôn ngữ Syriaque và đã để lại cho chúng ta một tác phẩm văn học đáng kể, được dịch trước tiên sang tiếng Hy Lạp, sau đó tiếng Aram, La Tinh và Ả Rập… (xem Nguồn tư liệu Kitô giáo, nxb Cerf) : Giải thích tác phẩm Diatessaron, số 121, và thánh thi về Thiên Đường, số 137). Tài năng đa dạng của ngài được tỏa sáng trong nhiều lãnh vực : thần học, âm nhạc và thơ văn. Các thánh thi của ngài vừa kêu gọi mọi người sống đức hạnh, vừa tôn vinh các mầu nhiệm thánh và các thánh, đồng thời chống lạc giáo. Một người đồng hương của ngài nói : “Vào các chúa nhật và ngày lễ, người như một người cha đáng kính đứng giữa các trinh nữ và đàn hạc cầm hòa theo tiếng hát của họ… Như thế, toàn thể thành phố đều qui tụ quanh người.”

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Khi nhắc đến Thiên Chúa “nhiệm mầu khôn tả”, lời nguyện riêng ca tụng sự nghiệp vô song của phó tế Éphrem, người được ơn linh hứng và sức mạnh của Thánh Thần để “ca ngợi” các mầu nhiệm thánh. Các giáo đoàn sử dụng ngôn ngữ Syriaque gọi người là “Cây đàn của Thánh Thần” vì trên hết, ngài muốn nâng tâm hồn mọi người lên để chiêm ngắm các mầu nhiệm trong đạo bằng nét đẹp của thi ca. Một chứng nhân về ngài đã viết : “Khi nhận thấy dân Edesse yêu thích ca hát, người liền sáng tác thi ca để đối lại với các trò chơi, các bài khiêu vũ đang thịnh hành trong giới trẻ… Các sáng tác của người tỏa sáng những ý tưởng tinh tế và đạo lý về mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh, khổ nạn, sống lại và lên trời, cũng như về bí tích giải tội và các thừa tác viên của bí tích này, các kẻ qua đời.”

b. Khi cho thấy Đức Maria bên cạnh Thánh giá Chúa Giêsu, Tin Mừng Thánh lễ (Ga 19,25-27) muốn gợi đến sự nghiệp của thánh Éphrem. Khi ca tụng Đức Kitô, ngài cũng tôn vinh Mẹ Người nữa. Thánh Mẫu học của thánh phó tế khẳng định trước tiên sự đồng trinh của Mẹ “trước khi sinh con, đang và sau khi sinh con”; rồi ngài trình bày Mẹ như là “đấng ban phát ân sủng và sự thật”; sau cùng ca tụng đặc ơn vô nhiễm nguyên tội của Mẹ : “Lạy Chúa Giêsu, chỉ mình Ngài và Mẹ là hoàn toàn thanh khiết dưới mọi phương diện. Lạy Chúa Kitô cứu thế, nơi Ngài chẳng chút bợn nhơ ; và Mẹ Ngài chẳng vương tì tích” (Thơ của Nisibe 27,8)

c. Trong trích đoạn của thánh tiến sĩ nổi tiếng Éphrem được đề ra trong Bài đọc – Kinh sách, ca tụng mầu nhiệm Thánh Thể : “Nhờ các bí tích của Chúa, hằng ngày chúng con được tiếp đón Chúa và rước Chúa vào trong thân xác chúng con, xin làm cho chúng con xứng đáng cảm nghiệm trong con người chúng con sự phục sinh mà chúng con trông đợi. Cùng với ơn bí tích Thánh Tẩy, chúng con cất giấu kho tàng của Chúa trong thân xác chúng con, xin cho kho tàng ấy được gia tăng nhờ bàn tiệc các bí tích của Chúa. xin cho chúng con được vui mừng trong ân sủng của Chúa. Lạy Chúa, nhờ bàn tiệc thần linh của Chúa, chúng con được mang lấy kỷ niệm của Chúa trong con người chúng con, xin cho chúng con được thật sự sở hữu kỷ niệm ấy trong ngày sống lại mai sau”.

Éphrem, người Syrie, không phải là giám mục, cũng không là linh mục, nhưng đã tài tình làm nổi bật vẻ đẹp cao cả của một ơn gọi : ơn gọi phó tế. Thiên chức này mời gọi thừa tác viên lần lượt công bố, giải thích và thể hiện Tin Mừng, linh hoạt việc cử hành Phụng Vụ bằng lời kinh tiếng hát, phục vụ người nghèo, các bệnh nhân, khách ngoại kiều, trong khi vẫn sống đời tận hiến, chuyên cần khổ hạnh và chiêm niệm.

Ngày 11.06
THÁNH BARNABA, Tông Đồ (thế kỷ thứ I)
Lễ kính

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Từ thế kỷ XI lễ nhớ thánh Barnaba được cử hành ngày 11 tháng 6 tại Rôma. Ngày tháng này được thống nhất chung cho cả Đông Phương lẫn Tây Phương, kỷ niệm ngày tìm thấy thi hài của người. Kinh Nguyện Thánh Thể của Giáo triều Rôma nêu tên Barnaba cùng với Stêphanô và Matthias.

Trong Công vụ Tông Đồ, ngài được gọi là Joseph và biệt hiệu là Barnaba (người có tài yên ủi). Ngài là một thầy Lêvi, quê quán ở đảo Cypre, xứng đáng mang danh “Tông Đồ” trong Giáo hội tiên khởi. Ngài lấy tiền bán đất đem đặt dưới chân các Tông Đồ (Cv 4, 37). Loan báo Tin Mừng ở Antiochia, thành phố thứ ba của đế quốc Rôma và đã tìm Phaolô thành Tarsus đến với cộng đoàn. Hơn một năm, ngài cùng Phaolô chuyên tâm rao giảng Tin Mừng cho cộng đoàn mới trong thành phố. Nơi đây, các tín hữu lần đầu tiên nhận danh hiệu “Kitô hữu”, nghĩa là “môn đệ của Đức Kitô” (tiếng Hy Lạp : Christianos).

Barnaba theo Phaolô trong cuộc hành trình truyền giáo thứ nhất (Cv13,2-4), đi khắp đảo Cypre và khắp bờ biển miền nam Tiểu Á. Nhưng sau Công đồng Giêrusalem, năm 49, Barnaba chia tay Phaolô để cùng người anh em họ Gioan Márcô trở lại đảo Cypre. Các tư liệu xưa cho chúng ta biết ngài đã qua Rôma và bị người Do Thái ném đá gần Salamine. Có lẽ người ta đã tìm thấy thi hài của ngài tại đó, vào thế kỷ V.

Truyền thống xem ngài là một trong bảy mươi môn đệ của Chúa và cho rằng ngài là tác giả Thư gửi tín hữu Do Thái, cũng như Thư của Barnaba, có lẽ gửi từ Alexandrie. Ngược lại, chắc người ta đã đọc trong Giáo hội tiên khởi một bản Tin Mừng mang tên ngài, nhưng bản Tin Mừng này đã không đến tay chúng ta.

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Lời nguyện nhập lễ lấy lại lời ca ngợi của Công vụ khi gọi Barnaba là “Người đầy ơn Thánh Thần và lòng tin” : Khi tới nơi và thấy ơn Thiên Chúa như vậy, ông Barnaba mừng rỡ và khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa, vì ông là người tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin (Cv 11, 24).

b. Lời nguyện trên lễ vật nhắc đến “tình yêu nồng nàn đã thúc đẩy Barnaba chuyển trao ánh sáng Tin Mừng cho các dân tộc ngoại giáo”. Trước lòng hăng say hoạt động Tông Đồ của Phaolô thành Tarsus, Barnaba không phải là người đứng bên lề do khiêm tốn giả tạo, nhưng ngài muốn dành cho Phaolô tác vụ rao giảng lời Chúa (Cv 14, 12 b). Còn về phần mình, ngài vẫn tiếp tục hợp tác, nêu gương sẵn sàng hy sinh phục vụ. Chính Barnaba là người đi tìm Phaolô ở Tarsus để đưa về Antiochia và cho hội nhập vào một cộng đoàn đang dè dặt nghi kỵ, trước khi cùng nhau đem Tin Mừng cho các dân tộc ngoại giáo sống ở các bờ biển phía nam Tiểu Á.

c. Khi nhắc đến việc Đức Giêsu sai các Tông Đồ ra đi truyền giáo : Dọc đường hãy rao giảng rằng : Nước trời đã đến gần…, bài Tin Mừng Thánh lễ (Mt 10,7-13) cũng gợi lại tinh thần hành động của Hội thánh dựa trên ý muốn của Đấng sáng lập, như được mô tả trong Công vụ (xem bài đọc một : Cv 11, 21..13, 3) : Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo : “Hãy dành riêng Barnaba và Saolô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm”. Bấy giờ họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi.

Như thế việc sai đi truyền giáo được thể hiện như một hành vi trang trọng của Hội thánh (kinh nguyện, chay tịnh, đặt tay…) dâng hiến con người để phụng sự Chúa.
***

Ngày 13.06
THÁNH ANTÔN DE PADOUA,
Linh mục và tiến sĩ Hội thánh
(1195-1231)
Lễ kính

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

thánh Antôn được mừng vào ngày kỷ niệm qua đời tại Padoua 13 tháng 6 năm 1231. Ngài được Đức Giáo Hoàng Grégoire IX phong thánh năm 1232 và được Đức Piô XII phong “tiến sĩ của Tin Mừng” năm 1946.

Antôn sinh tại Lisbonne, ở Bồ Đào Nha, khoảng 1195 và nhận tên thánh rửa tội là Fernando. Năm 1210, lúc còn rất trẻ, ngài đã vào hội kinh sĩ triều của Dòng thánh Augustin tại Lisbonne, trước khi vào Đan viện thánh Giá ở Coimbra. Năm 1220, sau khi hâm mộ lý tưởng của thánh Phanxicô và mong ước được phúc tử đạo tại Đất thánh, ngài xin Dòng Phan-xi-cô tiếp nhận mình và mang tên gọi là thầy Antôn. Sau khi được sai đi truyền giáo cho dân tộc Maures, ngài ngã bệnh và quyết định trở về Bồ-Đào-Nha. Nhưng bão tố đã đẩy người đến đảo Sicile.

Năm 1221, Thầy Antôn tham dự tổng công hội Nuttes và gặp thánh Phanxicô Assise. Phanxicô nói với ngài : “Tôi thích thầy dạy môn thần học thánh cho các anh em”. Khi nhận thấy ngài có nhiều biệt tài, các Bề trên đã phái ngài sang miền bắc nước Ý rao giảng chống lạc giáo Cathare chủ trương thanh tịnh quá khích, và sang miền nam nước Pháp để chống bè rối Albigeois. Ngài tham dự Công đồng Montpellier; sau đó đến Toulouse và Puy-en-Velay. Mùa thu năm 1225, thầy Antôn ở Bourges, nơi đây đã diễn ra phép lạ con la không ăn lúa kiều mạch để quỳ lạy Thánh Thể. Năm sau, người dự công nghị Arles và được bổ nhiệm coi sóc các anh em hèn mọn (“menudets”) ở Limousin. Từ tu viện Brive-la-gaillarde do ngài thành lập, ngài hoạt động ra khắp vùng. Chính tại Châteauneuf-la-Forêt đã diễn ra phép lạ nổi tiếng của thánh Antôn bồng Chúa Hài Nhi trên tay.

Năm 1227, khi đến Ý vì được bổ nhiệm làm Giám tỉnh Romagne, ngài qua Rôma và thuyết giảng trước sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Grégoire IX. Tại Rimini, trước sự chống đối của những kẻ theo lạc giáo, Antôn bỏ đi, rao giảng cho loài cá. Ngài hô lớn : “Hỡi loài cá biển và sông ngòi, bởi vì con người không muốn nghe lời Chúa, thì này đây tôi loan báo lời Chúa cho các bạn !” Sau cùng, đến Padoua và sống tại tu viện Đức Mẹ Maria. Từ đấy, vị thánh thành Padoua lâm bệnh, mắc chứng thủy thũng. Nhưng theo lời yêu cầu của Đức Hồng y Raynaldo Conti, ngài đọc cho các tu sĩ trong Dòng chép các Bài giảng ngày chúa nhật và các Bài giảng tôn vinh các thánh.

Thứ sáu ngày 13 tháng 6 năm 1231, thầy Antôn thốt lời cuối cùng : “Video Dominum meum” (Tôi thấy Chúa) và qua đời, hưởng thọ khoảng 36 tuổi. Thi hài của người được tôn kính tại Pa-đô-va, trong Vương Cung thánh đường nổi tiếng thánh Antôn.

Người ta cầu khẩn Antôn Padoua để được tìm thấy các đồ vật bị lạc mất. Các phép lạ do lời ngài cầu thay nguyện giúp rất nhiều. Các phép lạ nổi tiếng nhất được minh hoạ trên nhiều ảnh tượng : các bích họa, các phù điêu trên tường của Titien ở Padoua, các tác phẩm Perugin, của Corrège, Murillo, Donatello, Van Dyck… thánh Antôn được minh hoạ lần lượt bằng hình ảnh ngài cầm quyển sách, một ngọn lửa, một hoa huệ tươi nở, bồng Hài Nhi Giêsu, hay đang rao giảng cho các đàn cá…

2. Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện riêng ca tụng Antôn Padoua là “vị rao giảng Tin Mừng vĩ đại” và là “đấng bênh vực kẻ nghèo hèn”. Đức Giáo Hoàng Grégoire IX nhận thấy trong lời giảng dạy của thánh nhân một sự khôn ngoan sâu sắc và nhất là lòng mến Chúa và các linh hồn thật lớn lao, nên ngài đã gọi người là “Khám Giao Ước”. Cũng vậy, Đức Piô XII đã phong ngài tước hiệu “tiến sĩ của Tin Mừng”. Vì được tràn đầy Chúa Thánh Thần và nhờ các biệt tài thuyết giảng và tranh luận, nên ngài cũng được gọi là “tai hoạ cho kẻ lạc giáo” (hay là chiếc búa giáng trên đầu kẻ lạc giáo).

Khi trích dẫn lời thánh Grégoire, Antôn tuyên bố : “Qui luật cho nhà giảng thuyết là phải thực hành điều mình rao giảng”. Rồi ngài nói tiếp : “Ai đầy thánh thiện thì nói được nhiều thứ tiếng. Nhiều thứ tiếng ở đây có ý hiểu là những lời chứng về Đức Kitô như khiêm nhường, nghèo khó, kiên nhẫn và tuân phục… Vậy chúng ta hãy nói tùy theo khả năng Thánh Thần đã ban cho … đồng thời để chúng ta được đầy tràn tinh thần ăn năn sám hối, được đốt cháy bởi lưỡi lửa của Thánh Thần mà tuyên xưng đức tin… (Bài đọc – Kinh sách). Một tác giả xưa kể : “Khi thầy nhân lành ra đi giảng thuyết, mọi công việc đều phải ngưng… Người ta đi khắp thành phố và đồng quê… Lúc ấy, họ tha thứ các xúc phạm của nhau, kẻ trộm cắp trả lại những gì họ đã cướp lấy, kẻ tội nhân sám hối ăn năn.” Le Poverello nói rằng thầy Antôn đã được lý tưởng khó nghèo của Phanxicô Assise chinh phục ; ngài đã chọn lối sống khiêm hạ và khó nghèo. Sau khi trở lại Ý vào năm 1227, ngài công kích dữ dội những kẻ cho vay nặng lãi, bóc lột người nghèo. Ngài thẳng thắn bênh vực người nghèo, đồng thời làm cho mọi người tôn trọng các lề luật để che chở họ. Ngài cũng công kích thái độ không đạo đức của một số giáo sĩ : “Nào ai có thể bẻ gãy xiềng xích phú quí, lạc thú, danh vọng đang cầm hãm các giáo sĩ và tu sĩ xấu ? …”

“Hướng đến một mục đích duy nhất : cứu rỗi các tâm hồn” : đó là mục đích mà thầy Antôn đã tự đề ra cho mình. Ngài nhắm đạt đến mục tiêu đó khi hướng tâm hồn mọi người nhớ đến lòng khoan dung của Thiên Chúa. Ngài giảng rằng : “Hỡi tội nhân đáng thương, tại sao lại tuyệt vọng về sự cứu rỗi của mình, vì vạn sự ở trần thế đều nói lên lòng bao dung và yêu thương của Chúa ? Hãy nhìn lên hai vị trạng sư : Một người Mẹ (Đức Maria) và một Đấng Cứu thế ! Không, không, với hai người trung gian như thế, lòng bao dung của Thiên Chúa sẽ không xua đuổi ngươi đâu.”

Ngày 19.06
THÁNH ROMUALDÔ, Viện phụ (951/2-1027)
Lễ nhớ

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Chúng ta cử hành lễ nhớ thánh Romualđô kỷ niệm ngày qua đời 18 tháng 6 năm 1027 tại nơi ẩn tu Val di Castro, gần Frabriano, nước Ý.

Ngài chào đời khoảng năm 951, tại Ravenna, thuộc dòng họ các công tước Onesti. Quá buồn phiền vì thân phụ phạm tội giết người trong một cuộc thách đấu, ngài vào Đan viện Biển Đức Saint-Appolinaire-de-Classe, tại Ravenna, để hãm mình đền tội. Sau khi trở thành đan sĩ theo tu luật thánh Bênađô, ngài lưu lại tu viện này ba năm, rồi đến vùng biên giới Vénétia, gần vị ẩn sĩ Marin, để sống khổ hạnh hơn. Khoảng 978, ngài tháp tùng nhà lãnh đạo thành Vénétia là thánh Phêrô Orseolo, khi ngài đến Đan viện Catalan de Cuxa. Là một đan sĩ lưu động, ngài chuyên cần sáng lập hay canh tân nhiều Đan viện, cách riêng Đan viện Classe, theo lời yêu cầu của hoàng đế Othon III.

Năm 1004, ngài xây dựng căn nhà ẩn tu ở Val di Castro ; sau đó ngài lại ra đi. Cuối cùng, ngài quyết định cư tại thung lũng Campus Maldoli, vùng Toscana. Tại đây, năm 1023, ngài thành lập Dòng Camaldule. Tiếp đó, hoàng đế Henri I trao tặng ngài Đan viện trên núi Amiata để các đan sĩ trú ngụ. Khi cảm thấy mình sắp qua đời, ngài trở về Đan viện Val di Castro, nơi đây ngài từ trần trong căn phòng ẩn tu năm 1027. Năm 1597, Đức Giáo Hoàng Clément VIII ấn định ngày lễ kính ngài vào mồng 7 tháng 2, kỷ niệm ngày chuyển thi hài của người về Fabrianô.

2. Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện trong ngày làm nổi bật công đức của vị sáng lập Dòng Camaldules : “Lạy Chúa, Chúa đã dùng thánh Romualđô để canh tân đời sống ẩn tu trong Hội thánh…” Quả thật, ngài đã thích nghi luật Dòng thánh Biển Đức để có thể xen vào đó, bên cạnh kinh nguyện Phụng Vụ và lao động, một không gian tương đối để đan sĩ có thể sống một mình với Chúa, noi gương Đức Kitô. Trong dự án của ngài, có hai loại đan sĩ : ẩn tu và tu kín (nghiệm nhặt). Đan sĩ ẩn tu sống trong các phòng tách biệt, nhưng đến nhà nguyện để cùng cử hành Phụng Vụ theo các giờ ấn định. Ngược lại, đan sĩ tu kín không ra khỏi căn phòng của mình. Việc giữ chay nghiêm nhặt trong Mùa Chay và sự thinh lặng là những đặc điểm của lối sống này, đã được Đức Giáo Hoàng Alexandre II phê chuẩn năm 1072. Nhưng về sau sự khổ hạnh nghiệm nhặt này đã được giảm bớt. Những hiến pháp đầu tiên của Dòng do chân phước Rodolphe biên soạn, chỉ được thực thi từ năm 1102.

Tuy sống ơn gọi ẩn tu, nhưng thánh Romualđô không ngừng quan tâm đến các vấn đề của Hội thánh ở thời ngài. Ngài đáp lại lời yêu cầu của hoàng đế khi phái các đan sĩ đi rao giảng Tin Mừng cho đất nước Ba Lan, miền Bohême và nước Nga. Cũng thế, ngài còn xin Đức Giáo Hoàng một phép riêng, là đi loan báo Tin Mừng tại Hungari, cho dù ngài không bao giờ vào được phần đất này.

Lời nguyện trong ngày cũng cầu xin Chúa ban cho chúng ta “biết từ bỏ chính mình mà theo chân Đức Kitô hầu đạt tới hạnh phúc Nước trời”.

Thánh Romualđô còn phải chịu nhiều thử thách trong đời sống nội tâm, vì phải chiến đấu chống ác thần đang cố gắng làm cho ngài đi lệch hướng sống nghiệm nhặt. Cuộc chiến này đôi lúc trở nên quá ác liệt đến độ ngày kia ngài phải thốt lên : “Lạy Chúa Giêsu nhân từ, Chúa đã hoàn toàn trao con cho quyền lực ác thù chống đối con sao ?” Nhưng việc khẩn cầu tên Chúa Giêsu đã giúp ngài tránh xa mãi mãi các cơn cám dỗ. Vì các đan sĩ đã nới lỏng tu luật, nên ngài bị họ bách hại, cáo gian và thậm chí dọa giết. Họ chống lại công cuộc canh tân của ngài và còn ngăn cản ngài cử hành Thánh lễ.

Bài đọc – Kinh sách trích một đoạn trong Hạnh thánh Romualđô do thánh Phê-rô Damien viết. Tác giả làm nổi bật một khía cạnh khác trong đời sống của ngài, được đánh dấu bởi bách hại và khổ hạnh. Chính ngài đã làm hại sức khỏe khi sống trong các chòi ẩn tu mất vệ sinh. Người ta đã dùng dùi cui để đuổi ngài ra khỏi Đan viện Bagno de Romagna. Ngài luôn biết cách từ khước các trách vụ trong Giáo hội, sợ rằng các trách vụ ấy sẽ trở nên công cụ để thực thi quyền hành hơn là phục vụ. Do đó, ngài trao quyền viện phụ Đan viện Saint-Apollinaire-de-Classe vào tay hoàng đế và Đức Tổng giám mục giáo phận Ravenna là Đức cha Gerbert (Giáo Hoàng Sylvestre II trong tương lai).
Là mẫu mực cho những ai muốn canh tân lối sống đan tu thế kỷ XI, thánh Romualđô biết kết hợp và dung hoà sự chiêm niệm và hoạt động. Đàng khác, ngài còn xây dựng nhiều nhà xứ để các giáo sĩ sống chung với nhau, khuyến khích các Giáo sĩ buôn bán bổng lộc rời bỏ chức vụ và các giám mục bị thoái hóa phải tôn trọng lời cam kết của họ.
Nguyện xin vị thánh ẩn tu này dạy cho chúng ta biết yêu thích sự cô tịch và cầu nguyện, biết sống đức khó nghèo trong khi vẫn tìm kiếm Thiên Chúa mãi mãi.
***

Ngày 21.06
THÁNH LOUIS DE GONZAGUE, tu sĩ
(1568-1591)
Lễ kính

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Thánh Louis de Gonzague qua đời tại Rôma ngày 21 tháng 6 năm 1591 và được phong thánh năm 1726. Lễ nhớ của ngài gợi cho chúng ta những năm tháng đầu tiên sau Công đồng Triđentinô và hoàng triều của vị quân vương trong Đế quốc thần thánh.

Louis được sinh ra gần Mantove, miền Bắc nước Ý vào năm 1568, là người con thừa kế của vị hầu tước đầu tiên của thành Castiglione, ngài Ferrante, là đô đốc của vua Ferdinand I Dòng Habsbourg. Thân phụ mong người trở thành một chiến sĩ dũng cảm và một quân vương khôn ngoan cẩn trọng. Nên ông đã đưa người đi theo ông sang Casalmaggiore. Tại đây, người ta đang chuẩn bị xuất quân đánh bọn hải tặc. Louis đã trở thành một cận vệ danh dự tại Florence trong triều của đại công tước Francesco di Medicis. Vì kinh ngạc và ghê sợ trước cảnh sa đọa ở hoàng cung, Louis dâng mình cho Chúa và nguyện sống khiết tịnh : lúc ấy ngài mới mười tuổi.

Ở tuổi mười hai, ngài được xưng tội và rước lễ lần đầu qua bàn tay của Thánh Charles Borromée. Năm 1579, ngài vào triều đình Mantoue. Từ 1581 đến 1584, ngài lưu lại Tây Ban Nha. Nơi đây, ngài được làm cận vệ cho hoàng tử Don Diego, con của vua Philippe II. Năm 1583, trong khi cầu nguyện trước tượng Đức-Mẹ-chỉ-bảo-đàng-lành, ngài cảm thấy phát sinh trong lòng mình ước muốn trở thành tu sĩ Dòng Tên.

Cho dù gặp phải những kháng cự của thân phụ, ngài vẫn từ bỏ tước hiệu hầu tước cho người em Rudolphô, để gia nhập tập viện Dòng Tên tại Rôma. Ngài sống nơi đây sáu năm, dưới sự linh hướng của thánh Robert Bellarmin. Ngài lãnh các chức nhỏ tại nhà thờ thánh Gioan-Latêranô. Trong khi chuẩn bị chức linh mục, ngài chỉ mong được đi truyền giáo và được phúc tử đạo.

Khi xảy ra nạn dịch hạch năm 1591, thánh nhân là người đầu tiên tình nguyện chăm sóc các bệnh nhân, nhưng ngài đã bị lây nhiễm trong khi di chuyển một bệnh nhân dịch hạch. Ngài qua đời lúc chỉ mới 23 tuổi, tại bệnh xá của học viện Rôma.

2. Thông điệp và tính thời sự

Các lời nguyện trong Thánh lễ làm nổi bật các nét đặc trưng nơi đời sống của vị hoàng tử này đồng thời là tập sinh của Dòng Tên, được Đức Piô XI phong làm thánh bảo trợ của giới trẻ, năm 1926.

Lời nguyện trong ngày như sau : “Lạy Chúa là Đấng ban phát mọi ơn riêng, Chúa đã cho thánh Louis de Gonzague vừa sống một cuộc đời trong trắng, lại vừa biết hy sinh hãm mình. Vì công đức và lời chuyển cầu của thánh nhân, xin dủ lòng thương nâng đỡ, để chúng con, dầu không được trong trắng như người, thì cũng biết noi gương người mà hãm mình đền tội.”

Chàng trai trẻ Louis thú nhận đã sống một cuộc đời tội lỗi trước khi được ơn trở lại. Nhưng trong thực tế, ngài luôn sống thánh thiện và không bao giờ ngừng hy sinh, hãm mình, đền tội, ngay cả tại các cung đình ở Madrid, ở Mantoue, Ferrare, Parma hoặc Turinô.

Trong Dòng Tên, ngài còn sống nghiệm nhặt hơn nữa. Không những ngài giao tiếp và giúp đỡ anh em trợ sĩ, mà còn muốn quên đi nguồn gốc quí tộc của mình, thích ra ngoài trong trang phục thô thiển, lưng đeo bị, đi ăn xin của bố thí.

Lời nguyện trên lễ vật mời gọi chúng ta tham dự vào bàn tiệc Nước trời, noi gương Louis de Gonzague. Người tập sinh này đã muốn khoác lên mình trang phục của người tải thương để chăm sóc bệnh nhân dịch hạch. Nên trang phục cưới của ngài chính là chiếc áo tình thương, đã biến ngài nên khó nghèo như Đức Kitô, song rất giàu ơn phúc bởi trời.

Lời nguyện hiệp lễ xin Chúa ban cho chúng ta sống một cuộc đời trong trắng, luôn trong tâm tình tri ân và cảm tạ.
Khi nhiễm bệnh dịch hạch, ngài tiên đoán mình sẽ phải từ trần vào ngày trong tuần bát nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa. Khi ngày ấy đến, ngài yêu cầu các tu sĩ mang của ăn đàng đến cho mình, dù rằng không có dấu hiệu nào tỏ cho thấy ngài sắp qua đời. Bài đọc – Kinh sách trích dẫn cho chúng ta lá thư ngài viết cho thân mẫu ngày 10 tháng 6 năm 1591, để nói lên niềm vui được cảm nhận khi gần lìa đời : đó là chứng từ sau cùng của một vị thánh, không những gương mẫu về đời sống nghiệm nhặt, bỏ mình (đặc biệt từ bỏ công danh sự nghiệp), và bác ái (hiến thân cho bệnh nhân dịch hạch), mà còn gương mẫu cả về niềm trông cậy. Ngài đã viết cho thân mẫu : “Thưa mẹ khả kính, sở dĩ con nói những điều đó là vì lòng những ước mong mẹ và toàn thể gia đình coi cuộc ra đi của con như một ân huệ đáng mừng. Xin mẹ lấy tình mẫu tử mà chúc lành cho cuộc hành trình này của con cho đến khi đạt đến bến bờ con vẫn niềm hy vọng.”
***

Ngày 22.06
THÁNH PAULIN DE NOLA, Giám mục
(353/4-431)
Lễ nhớ

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Lễ nhớ thánh Paulin, giám mục thành Nôla (Campanie, nước Ý) được cử hành vào ngày kỷ niệm người qua đời. Ngày tháng này được Uranus, môn đệ của ngài và danh mục các thánh tử đạo xác nhận.

Paulin sinh tại Bordeaux khoảng năm 353, thuộc dòng dõi nghị viên Rôma giàu có. Sau khi được Ausone, một người đồng hương và là một trong các thi sĩ lớn của thời ấy, rèn luyện vững vàng về khoa hùng biện và thi ca, ngài dấn thân vào đường chính trị trong khoảng hơn hai mươi năm. Như thế, ngài trở thành “quan chấp chính” tại Rôma, rồi tổng trấn Campanie năm 381. Tại Nôla, người được biết ở đấy người ta rất sùng kính thánh tử đạo Felix. Trở lại quê nhà, khi Đế quốc sụp đổ sau chiến thắng của dân Goth tại Adrianopolis năm 378, ngài cưới một phụ nữ Tây Ban Nha, Têrêxa. Họ có chung một lý tưởng Tin Mừng trong lúc Hội thánh đang gặp phải hiểm họa đánh mất căn tính tinh tuyền của mình.

Dưới ảnh hưởng của các nhân vật đầy uy tín như thánh Martin de Tours, thánh Ambroise, thánh Victrice de Rouen, Amand và Delphin, giám mục Bordeaux, ngài xin được chịu phép Thánh Tẩy. Năm 389, ngài trở về Tây ban Nha với người em, sau khi bán hết phần gia sản. Trước vẻ sững sờ của đa số bạn bè, ngài chọn lối sống gần như đan tu, nhất là sau cái chết của người con một Celsius và cuộc đời kết liễu khốc liệt của em người. Sau khi được thụ phong linh mục năm 394, theo yêu cầu của dân thành Barcelona, ngài quay về Nôla, gần nhà thờ thánh Félix. Ngài cử hành lễ nhớ thánh Félix hằng năm vào ngày 14 tháng 2 và sáng tác một bài thơ kỷ niệm ngày ấy. Ngài và phu nhân từ nay cùng chia sẻ cuộc đời thánh hiến. Họ thành lập một cộng đoàn nhỏ các nhà khổ hạnh, không ngừng giúp đỡ các nhà cứu tế để chăm sóc bệnh nhân và các người hành hương đến thánh đường thánh Félix mà họ đã sáng lập từ năm 379.

Năm 409, người dân Nôla bầu chọn Paulin làm giám mục. Ngài qua đời năm 431, thọ bảy mươi sáu tuổi, sau 25 năm làm giám mục, và mười tháng sau thánh Augustin, người mà Paulin đã gửi nhiều lá thư liên quan đến vấn đề mục vụ. Thi hài của ngài được chuyển về Rôma ; hiện nay đang được tôn kính trở lại tại giáo phận của ngài, gần mộ thánh Félix.

2. Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện trong ngày nhấn mạnh hai khía cạnh trong nhân cách đời sống thiêng liêng của thánh Paulin de Nola : đó là “lòng nhiệt thành thi hành mục vụ” và “tình thương âu yếm đối với người nghèo”.

Mặc dù có ít tài liệu về nhiệm vụ giám mục của ngài, nhưng chúng ta cũng nhận ra ý nghĩa tình bằng hữu mà ngài vẫn liên lạc với các nhân vật cùng thời ; điều này đã được xác nhận qua thư từ của ngài gửi cho Sulpice Sévère, người bạn tuổi trẻ của ngài và là môn đệ của thánh Martin de Tours (ngài cám ơn Sévère đã gởi cho ngài một chiếc áo nhặm), cũng như qua các trao đổi thư từ của người với Rufim, Augustin và Nicétas de Remesiana. Trước khi qua đời, ngài tuyên bố rằng thánh Martin de Tours và thánh Janvier (giám mục tử đạo thành Naples) đã tỏ cho biết các ngài sẽ đón mình về trời lúc từ trần. Theo Uranius viết tiểu sử của ngài : ngài được dân chúng kể cả người Do Thái hay lương dân đều thương mến luyến tiếc nhờ các đức tính bao dung và sẵn sàng phục vụ của ngài “Người thật thánh thiện, đáng ca tụng, khoan dung, khiêm hạ và tốt lành” (Uranius, De obitu 6,9).

Bài đọc – Kinh sách trích lá thư người viết cho Alypius, giám mục Thagaste và là bạn của thánh Augustin ; ngài cũng là môn đệ của thánh Augustin nữa. Qua thư, ngài ca tụng lòng bác ái và còn gửi thêm một chiếc bánh đã làm phép để tỏ tình hiệp thông : “Để biểu dương sự hiệp nhất giữa chúng ta, tôi đã gửi tới Đức cha một tấm bánh, cũng là biểu tượng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. xin Đức cha vui lòng dùng để biến bánh ấy thành lời ngợi khen Thiên Chúa”.

Một khía cạnh khác nơi cuộc đời thánh thiện của Paulin de Nola là tình yêu thương âu yếm dành cho người nghèo khó và lòng bác ái vô hạn (lời nguyện). Quả thật, ngài đã từ bỏ tất cả mọi của cải, từ bỏ gia sản khổng lồ của mình để dành cho người nghèo. Trong một bài thơ đề tặng thánh Félix, ngài viết: “Với tất cả của cải trần thế, tôi đã mua niềm hy vọng Nước Trời, bởi vì niềm hy vọng và lòng tin quí giá hơn ngàn lần của cải trần thế.” Quan niệm đạo đức của thánh Paulin cũng được thể hiện qua sự khổ hạnh : theo đó, người giàu có chẳng qua chỉ là người quản lý quảng đại các của cải của mình để mưu cầu hạnh phúc cho người nghèo khó. Còn sự đóng góp quí giá của người nghèo khó chính là cầu thay nguyện giúp, xin Chúa cứu vớt những người giàu có. Cũng thế, sự khiết tịnh là lý tưởng dành cho mọi Kitô hữu, cho dù độc thân hay đã lập gia đình.

Ngài đã biết cách liên kết phu nhân vào công việc và tác vụ của mình. Cuộc sống nghiệm nhặt của vị khổ tu cao quí này vẫn nêu cao cho chúng ta tấm gương của một mục tử nhiệt thành, nghèo khó và giàu lòng bác ái.

Cùng ngày 22.06
THÁNH JEAN FISHER, Giám mục (1469-1535)
THÁNH THOMAS MORE, tử đạo (1477-1535),
Lễ nhớ

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Đây là hai vị thánh tử đạo của Giáo hội Anh quốc vào thế kỷ XVI : Jean Fisher làm giám mục ở Rochester và Thomas More là chưởng ấn nước Anh. Các ngài cùng được Đức PiôVI phong thánh năm 1935. Lễ nhớ các ngài được cử hành vào ngày kỷ niệm Hồng y Fisher bị chém đầu ngày 22 tháng 6 năm 1535. Jean Fisher được phúc tử đạo trước, còn More cũng chém đầu sau đó vài ngày, nhằm ngày mùng 6 tháng 7.

Jean Fisher sinh năm 1469 tại Beverly, vùng Yorkshire. Ngài thụ phong linh mục năm 22 tuổi, sau khi tốt nghiệp xuất sắc trường đại học Cambridge và được tôn làm chưởng ấn trường đại học này. Ngài nổi tiếng qua các nhóm sinh hoạt tranh luận với nhóm Tin Lành, đặc biệt chống Luther và các luận thuyết nổi danh của ông (1523-1525).

Năm 36 tuổi, tuy vẫn điều hành trường Cambridge, ngài được bổ nhiệm làm giám mục Rochester, nhờ sự bảo trợ của thân mẫu vua Henri VIII, vì ngài là cha giải tội của bà. Ngài rất tinh thông không những về thần học, mà còn các môn xã hội nhân văn nữa. Ngài là bạn thân của Erasme de Rotterdam nên đã dành cho ông một bục giảng tại học viện Chúa Kitô ở Cambridge. Erasme nói về ngài : “Không còn ai lịch lãm hơn, không còn giám chức nào thánh thiện hơn.”. Do đời sống khổ hạnh, do việc ngài yêu cầu các kẻ thân thương quen biết đọc các giờ kinh Phụng Vụ và lao động, mà Tòa giám mục của ngài giống như một Đan viện.

Ngài anh dũng bảo vệ cuộc hôn nhân đầu tiên của vua Henri VIII vẫn đang còn hiệu lực theo giáo luật. Vua này tục huyền với một cung phi của hoàng hậu Catherine dAragon, là vợ hợp pháp của vua. Đó là lý do ngài bị bỏ tù lần thứ nhất vào năm 1534. Người từ chối tuyên thệ, không công nhận cuộc hôn nhân của vua Henri VIII với Anna Boleyn và thừa nhận quyền tối thượng của vua trên Giáo hội nước Anh. Vì thế, ngài bị tống giam tại tháp Luân Đôn, trước khi bị hành quyết ngày 22 tháng 6 năm 1535, một tháng sau khi Đức Giáo Hoàng Phaolô III nâng người lên hàng Hồng y.

Thomas More sinh tại Luân Đôn năm 1477. Sau khi người vợ đầu tiên qua đời, ông tục huyền và trở thành cha của bốn đứa trẻ. Tốt nghiệp đại học Oxford và Luân Đôn, ông được bầu làm Nghị viên. Ông là nhà văn hóa uyên thâm và được xem là nhà nhân bản lớn nhất của Châu Âu sau Pic de la Mirandole và Erasme de Rotterdam mà ông hằng viết thư liên lạc và đã khuyến khích ông nghiên cứu Thánh Kinh và các Giáo phụ.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của Thomas More là Ảo Tưởng (Utopie) (1516) một trong những văn bản đặt nền tảng cho triết học chính trị. Ngài đã thành công đem lại hòa bình cho Cambrai năm 1529, nên vua Henri VIII chọn ngài làm đại chưởng ấn để kế vị Đức Hồng y Wolsey. Nhưng ngài cũng không chấp thuận cuộc li hôn của nhà vua.
Năm 1532, ngài từ chức đại chưởng ấn và từ chối tuyên thệ trung thành với nhà vua. Với lời tuyên thệ này, vua yêu cầu được thừa nhận quyền tối thượng về mặt tinh thần trên Giáo hội nước Anh. Sau khi bị giam ở tháp Luân Đôn, ngài bị chém đầu ngày 6 tháng 7 năm 1535, lúc 57 tuổi, sau Hồng y Fisher 9 ngày.

2. Thông điệp và tính thời sự

Lễ nhớ hai vị thánh này chỉ được đưa vào lịch Giáo triều Rôma năm 1969. Lời nguyện Thánh lễ vọng lại ý tưởng của thánh Phaolô trong 2 Tm 4,6-7 và đã được thánh Hilaire biên soạn. Lời nguyện xác định cái chết của các thánh tử đạo “diễn tả đức tin chân chính cách hùng hồn hơn cả” và xin Chúa cho chúng ta “nhờ lời hai thánh Jean Fisher và Thomas More chuyển cầu, được luôn cam đảm dùng lời nói mà tuyên xưng đức tin và lấy cả cuộc đời mà minh chứng.”

Jean Fisher sẵn sàng đi đến chỗ hy sinh đời mình để bảo vệ đức tin. Cái chết của ngài tựa như một nghi lễ Phụng Vụ. Ngài đọc câu 3, chương 17 của Tin Mừng thánh Gioan : Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến là Giêsu Kitô. Rồi ngài nói với dân chúng : “Tôi đến đây để chết vì lòng tin của tôi vào Hội thánh Công giáo và Đức Kitô”. Sau đó, ngài đọc kinh Te Deum và Thánh Vịnh 30 (Con đây vẫn tin tưởng nơi Ngài, lạy Chúa), trước khi nghiêng đầu cho đao phủ. Các giám mục đã khuyên ngài nên nhượng bộ, ngài trả lời bằng một giọng điệu đầy chua chát : “Pháo đài đã bị phản bội ngay bởi những người lẽ ra phải bảo vệ nó.”

Thomas More được Đức Giáo Hoàng Piô XI đề cao như là “Người thật sự hoàn hảo”. Tuy nhiên ngài không tin mình xứng đáng với phúc tử đạo, bởi vì quá lo sợ về nỗi yếu đuối của mình. Đó là điều ngài đã viết cho Marguerite, ái nữ của mình, trong thư được Bài đọc-Kinh sách trích dẫn. Điều ấy cũng được biểu lộ qua tập Giải Thích về cuộc khổ nạn của Đức Kitô, được soạn thảo ngay trong tù hay trong tập Đối thoại nữa. Nhưng Thomas More biết đương đầu với cái chết với nụ cười trên môi, đến độ các lời khôi hài cuối cùng của ngài đã làm cho những ai biết suy nghĩ cũng phải tức giận.

Hai vị chứng nhân đức tin này xác tín rằng quyền tối thượng của Toà thánh bắt nguồn từ Thiên Chúa. Vào thời đó, quyền Giáo Hoàng được hiểu trên phương diện vừa đạo lẫn đời, có nguy cơ rơi vào tình trạng xung đột với quyền hạn của vua chúa, mà người ta cũng cho rằng quyền này cũng do từ Thiên Chúa. Đàng khác, quyền Giáo Hoàng cũng bị mất uy tín vì có quá nhiều Giáo Hoàng và phản Giáo Hoàng trong thời đại ly giáo.

Để kết thúc, chúng ta hãy lưu giữ câu cuối cùng trong thư của Thomas More, được Bài đọc-Kinh sách trích dẫn : “Không điều gì có thể xảy ra mà Chúa không muốn. Còn tất cả những gì Người muốn đều thật sự rất tốt, cho dù điều đó có vẻ quá xấu đối với chúng ta.”

Ngày 24.06
SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ
Lễ trọng

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả bắt nguồn từ Tây Phương, có từ thế kỷ IV và nhanh chóng phổ biến trong các thế kỷ sau. Chúng ta biết rằng từ thế kỷ XVI, tại Rôma, trước ngày đại lễ, người ta tổ chức ăn chay cách long trọng và có một Thánh lễ vọng được dâng tại phòng rửa tội của thánh Đường Latêranô (xem Sách bí tích của Vêrone). Thời trung cổ, các linh mục dâng ba Thánh lễ vào ngày này. Nghi thức Phụng Vụ mới đã làm cho lễ vọng có được bầu không khí ngày lễ trọng và được cử hành vào ban chiều.

Lễ này đi trước lễ Giáng Sinh sáu tháng, do tham chiếu vào bản văn Tin Mừng Luca (1,36) và sau lễ Truyền Tin ba tháng. Từ thế kỷ III, vài thần học gia dựa trên khuynh hướng biểu tượng ví Đức Kitô như là mặt trời để quan tâm đặc biệt đến các chí điểm trong lịch sử Cứu độ. Như thế, họ cho rằng Gioan Tẩy Giả có lẽ được hình thành trong dạ mẹ vào ngày thu phân và sinh ra nhằm ngày hạ chí, bởi vì từ thời điểm hạ chí các ngày bắt đầu ngắn đi, trong khi từ đông chí, các ngày lại dài ra. Các Giáo hội theo nghi thức Byzantin cử hành lễ Bà Êlisabét thụ thai thánh Gioan Tẩy Giả vào ngày 24 tháng 9. Có một sự đối ngẫu giữa việc Chúa Giêsu sinh ra vào mùa đông, và việc Gioan Tiền Hô sinh ra vào mùa hè. Hai ngày sinh nhật này thường là dịp cho người dân tổ chức các lễ hội truyền thống, như đốt pháo hoa dịp lễ thánh Gioan. Các giờ kinh Phụng Vụ mừng lễ sinh nhật thánh Gioan bằng mười tám điệp ca và các bài đọc lấy từ Kinh thánh, không kể các thánh thi riêng.

Tại Canađa, thánh Gioan Tẩy Giả được mừng và tôn làm “thánh bảo trợ riêng của những người dân Canađa gốc Pháp.”

2. Thông điệp và tính thời sự

Các lời nguyện trong Thánh lễ lễ vọng và chính lễ đều nhấn mạnh đến hai chủ đề trọng yếu trong các bản văn Tin Mừng. Trước mắt chúng ta, Gioan Tẩy Giả được trình bày như vị Tiền Hô của Đấng Mêssia (lời nguyện lễ vọng) và như ngôn sứ loan báo cuộc giáng lâm của Đức Ki-tô mà người gọi là “Con Chiên toàn thắng tội lỗi” (lời nguyện hiệp lễ lễ vọng và chính lễ).

Kinh Tiền tụng Thánh lễ nhắc đến cuộc đời và sứ vụ của vị Tiền Hô. Kinh mở đầu bằng cách nêu lên những lý do tại sao lễ này lại quan trọng hơn ngày lễ sinh nhật Đức Mẹ, vì lễ của Đức Mẹ chỉ là lễ kính chứ không phải lễ trọng. Các lý do chính là những điều kỳ diệu đã được thực hiện nơi Gioan Tẩy Giả. Bởi lẽ trong các con cái loài người, chính người đã được Thiên Chúa tuyển chọn và thánh hiến để dọn đường cho Chúa đến. “Chưa sinh ra, người đã nhảy mừng khi Đấng Cứu Độ trần gian ngự đến. Lúc chào đời, người đã đem lại nhiều niềm vui. Người là vị ngôn sứ duy nhất chỉ cho dân chúng nhận ra Đức Ki-tô là Thiên Chúa đến cứu độ trần gian. Hơn nữa, trong dòng sông Giorđan, người đã làm phép rửa cho Đấng thiết lập bí tích Thánh Tẩy để thánh hóa mọi người. Sau cùng người đã sẵn lòng chịu chết để làm chứng cho Đức Kitô.” Gioan Tẩy Giả không tự mãn khi rao giảng sự sám hối vì nước Thiên Chúa đang ở ngay bên. Nhưng ngài cũng loan báo rằng Đức Kitô đang hiện diện ở giữa mọi người. Do đó, người còn hơn cả ngôn sứ nữa (Mt 11,9). Gioan là một chứng nhân anh dũng đến độ đổ máu đào nhưng lòng khiêm hạ khiến ngài đứng tách biệt : Ngài phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi (Ga 3,30). Ngài xử sự như người tôi tớ, vì người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng (Ga 3,29). Trong Bài giảng được Bài đọc – Kinh sách, thánh Augustinô đã lập một bản đối chiếu giữa Đức Kitô và Gioan Tẩy Giả. Trước câu hỏi mà Gioan cho các môn đệ của mình hỏi Đức Kitô : Thầy có thật là Đấng phải đến không …? Đức Giêsu trả lời : Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi (Mt 11,2-6) Gioan không chỉ loan báo và chỉ cho thấy Đấng Mêssia, mà còn ủng hộ Người nữa.
***

Ngày 27.06
THÁNH CYRILLE DALEXANDRIE,
Giám mục, tiến sĩ Hội thánh (370-444)
Lễ nhớ

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Chính Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã phổ biến lễ nhớ thánh Cyrille dAlexandrie trong toàn thể Hội thánh, đồng thời tôn phong ngài làm tiến si Hội thánh năm 1882. Theo truyền thống các Giáo hội theo nghi thức Byzantin và cổ Ai Cập, ngài sinh năm 370 tại Alexandrie và qua đời trong thành phố này ngày 27 tháng 6 năm 444. Ngài thuộc dòng dõi danh tiếng và là cháu của Thượng phụ Giáo chủ Theophile dAlexandrie. Vì có mặt trong cuộc thảo luận kín dưới cây sồi (Conciliabule du chêne), năm 403, ngài tham gia vào các cuộc phản đối chống lại thánh Gioan Kim Khẩu, là Thượng phụ Giáo chủ Constantinople. Năm 412, ngài được làm Thượng phụ Giáo chủ, kế vị cậu mình và chống những kẻ lạc giáo, đặc biệt, ngài cho đóng cửa các nhà thờ theo giáo phái Novatien và đuổi người Do Thái ra khỏi các thành phố. Đó là thời kỳ chấm dứt khu thuộc địa người Do Thái tại Alexandrie. Hành động của ngài đã khiến vị quan tỉnh Orest phản ứng. Nhưng Orest lại bị các đan sĩ ở sa mạc Nitrie chống đối mãnh liệt. Amorius, một trong các đan sĩ, đã là nạn nhân của cuộc đàn áp. Chính trong bối cảnh đó mà Hypathie, nữ triết gia nổi tiếng theo phái Tân-Platon (néoplatocien) bị sát hại, nên người ta cho rằng, trên phạm vi luân lý, trách nhiệm về hành vi trả thù thuần túy ấy dẫu sao cũng bị gán cho Cyrille. Sau Công đồng Ephèse, Isidore de Péluse cũng cho ngài biết kẻ thù vẫn công kích và chỉ trích ngài gây nên sự bất hòa.

Tuy nhiên lòng quí mến lớn lao mà các giám mục Đông Phương cũng như Đức Giáo Hoàng Zosime dành cho Cyrille, đã chứng minh cho lòng nhiệt thành của ngài hăng hái bảo vệ đức tin và cho tài năng của ngài trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ giám mục này, là thời điểm mà ngài biên soạn phần quan trọng nhất trong tác phẩm chú giải Kinh thánh của mình. Cũng chính lúc này xảy ra vụ Nestorius, linh mục thành Antiochia trở thành Thượng phụ Giáo chủ Constantinople năm 428. Nestorius từ chối chấp nhận chỉ có một ngôi vị trong Đức Kitô. Sự phủ nhận này dẫn đến việc chối bỏ quyền làm Mẹ Thiên Chúa nơi Đức Maria. Đức Maria chỉ là mẹ của con người Giêsu mà thôi (nói cách khác là mẹ Đức Giêsu trong nhân tính). Sau khi ngài viết thư gửi Đức Giáo Hoàng Célestin ở Rôma và sau khi Giáo Hoàng đã cùng các giám mục Tây Phương họp thượng Hội đồng Tòa thánh, Cyrille được giao nhiệm vụ chuyển cho Nestorius, là giám mục Constantinople, các nghị quyết của Giáo Hoàng. Nestorius có mười ngày để rút lại các phán quyết sai lầm của mình, bằng không sẽ bị truất chức. Lá thư của Thượng Hội đồng về Nestorius đã bị hiểu lệch lạc. Người ta tố cáo Nestorius vấp phải các sai lầm của Apollinaire de Laodicée, phủ nhận nhân tính của Đức Kitô. Điều này khiến hoàng đế Théodose triệu tập Công đồng Ephèse năm 431. Trong cương vị đặc ủy của Giáo Hoàng Célestin I và thay mặt người chủ tọa Công đồng, Cyrille đã thành công khi cho Công đồng khai mạc sớm hơn. Điều này giúp ngài truất chức Nestorius trước khi các giám chức Antiochia chống đối ngài đến dự.

Tại Công đồng, trong thời gian nhóm họp các nghị phụ đọc bản tuyên xưng đức tin của Công đồng Nicée, lá thư cuối cùng của Cyrille gửi Nestorius và mười hai vạ tuyệt thông và công bố lá thư của ngài là chính truyền. Như thế Cyrile đã toàn thắng. Trong những năm kế tiếp, ngài còn phải chịu nhiều đau khổ từ phía các người ở Antiochia, dưới sự hướng dẫn của Jean dAntiochia. Cuối cùng, Cyrille phải chấp nhận một sự hòa giải. Tuy nhiên, sự hoà giải này vẫn không tổng hợp hai nền thần học lại với nhau. Hình như người kế vị Jean dAntiochia đã giải hòa với Cyrille trước khi ngài qua đời.

2. Thông điệp và tính thời sự

Khi gợi lại sự kiện Công đồng Ephèse với hơn hai trăm giám mục tham dự, lời nguyện trong ngày nhắc chúng ta rằng “Chúa đã cho thánh Cyrille giám mục xuất hiện trong Hội thánh như một người cương quyết bảo vệ tín điều Đức Maria là thánh Mẫu Thiên Chúa”. Người ta chỉ trích tính độc tài và trịch thượng của Cyrillê (chính sử gia Socrate mô tả ngài như thế). Họ cũng tố cáo ngài tỏ ra tán thành với thuyết Apolinaire, do thiếu chính xác trong ngôn ngữ khi tuyên bố vạ tuyệt thông Nestorius. Nhưng ngài đã sửa đổi bản văn của mình, mà sau đó được Hội thánh chấp thuận, vì diễn đạt rõ ràng mầu nhiệm nhập thể. Bài đọc – Kinh sách trích dẫn lá thư như là một trường hợp điển hình cho sự chính truyền hoàn hảo mà Cyrille đã gởi cho tất cả các đan sĩ ở Ai Cập trước Công đồng Ephèse để biện minh cho tước hiệu của Đức Mẹ là Théotokos (Mẹ Thiên Chúa).

Cho dù Sy-ri-lô đã có vài điểm không chính xác khi trình bày giáo điều của Công đồng Ephèse lần đầu tiên, song ngài đã khẳng định mình như người bảo vệ chân chính tín điều Nhập Thể. Chính tín điều này đặt nền tảng cho vai trò làm Mẹ Thiên Chúa nơi Đức Maria : Toàn thể cộng đồng Ki-tô giáo từ lâu đã tuyên bố tích cực tin nhận mầu nhiệm Nhập Thể, chống lại Nestorius. Lòng nhiệt thành của thánh Cyrille bênh vực chân lý của tín điều này, rất dũng cảm, kiên định, và đôi khi cuồng nhiệt nữa.

Qui Ki-tô luận (christocentrisme) trong việc tôn sùng Đức Maria luôn là tiêu chuẩn cơ bản mà chúng ta phải tuyên xưng, dựa trên đức tin của Hội thánh. Đó là điều mà thánh Cyrille nhắc nhở chúng ta khi ngài viết : “Các thánh Tông Đồ đã truyền lại niềm tin này cho chúng ta, mặc dù các ngài không nhắc đến danh xưng ấy. Chúng ta đã được các bậc tiền bối thánh thiện dạy tin như thế.”

Ngày 28.06
THÁNH IRÉNÉE, Giám mục và tử đạo
(khoảng 130-202)
Lễ Kính

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Thánh Hiêrônimô là người đầu tiên gọi Irênê là thánh tử đạo. Lễ nhớ người được danh mục các thánh tử đạo xác nhận, là ngày 28 tháng 6. Mãi đến năm 1928, khi được đưa vào lịch Giáo triều Rôma, thì việc tôn kính ngài, trước tiên trong giáo đoàn Lyon, đã có từ lâu đời bên Đông Phương. Irênê, tên gọi có nghĩa là “Hiếu hòa”, sinh tại Smyrne khoảng 130, và sống trong khu thuộc địa gồm các Kitô hữu Hy Lạp gốc Tiểu Á. Ngài là môn đệ của thánh Polycarpe, mà vị này lại là môn đệ của Tông Đồ Gioan. Ngài được nhập cư vào xứ Gaule và tham quan Rôma, nơi đây ngài gặp vị triết gia đã trở lại đạo, đó là thánh Justinô. Điều này về sau sẽ giúp ngài thu thập rất nhiều tài liệu viết về các lạc giáo quan trọng nhất, đặc biệt về Ngộ đạo (gnose = trí thức cao đẳng về Thiên Chúa và vũ trụ vạn vật, dựa trên niềm tin vào các uy thần vĩnh cửu lưu xuất từ hữu thể tối cao, các thần trung gian, và qua các uy thần đó Thiên Chúa hành động trong trần thế).

Khoảng năm 177, người ta gặp lại ngài tại Lyon, lúc ấy là trung tâm thương mại và địa lý của xứ Gaule đang còn là vùng đất truyền giáo. Đó là thời kỳ bách hại khủng khiếp của Marc Aurèle, đã sát hại hơn 50 vị tử đạo tại Lyon ngày 2 tháng 6 năm 177. Trong các vị này, có các thánh Pothin, Maturus, Sanctus, Attale, Ponticus, một thiếu niên 15 tuổi, và Blandine, Bà đi vào chốn cực hình lòng “đầy vui mừng và hoan lạc” (Eusèbe). Vào lúc ấy, các Kitô hữu rất lo lắng vì các lời tiên tri đến từ Phrygie. Nơi đây, các lời tiên tri ấy lưu hành giữa những người theo phong trào Montaniste, nhưng đã bị Đức Giáo Hoàng Eleuthère nghiêm khắc phê phán. Bởi lẽ chúng loan báo Đức Kitô sắp quang lâm, với các thần sứ vây quanh. Sau khi được thụ phong linh mục tại giáo đoàn Lyon, Irênê được phái đến với Đức Giáo Hoàng Eleuthère trong cương vị đặc sứ hòa bình giữa các Giáo hội. Khi trở lại Lyon, ngài được mời kế vị giám mục Pothin. Lúc ấy, ngài lo đấu tranh chống phong trào duy lý ngộ đạo và chăm lo rao giảng Tin Mừng cho xứ Gaule. Ngài phái các nhà truyền giáo đến các vùng trong xứ đồng thời cũng đóng vai trò làm trung gian. Theo truyền thuyết được thánh Jerôme và thánh Grégoire de Tours xác nhận, ngài được tử đạo dưới thời Septime Sévère.

2. Thông điệp và tính thời sự

Cả ba lời nguyện Thánh lễ đều nêu bật các nét đặc trưng chính của thánh Irênê :

a.Trước hết, lời nguyện trong ngày, cũng như lời nguyện trên lễ vật, đều ca tụng Chúa đã cho “thánh giám mục Irênê thành công bênh đỡ đức tin chân chính”. Giáo đoàn Lyon nhìn nhận tước hiệu tiến sĩ dành cho ngài đã biết vạch trần các thuyết sai lầm, cách riêng ngộ đạo thuyết, như thuyết của Valentin, đồng thời tố giác các hệ tư tưởng sai lầm này là những nền thần học mang tính huyền thoại đang còn sót lại. Irênê là một trong những nhà thần học lớn nhất của thế kỷ IV: Khảo luận Chống Lạc giáo của ngài bác bỏ các kiến thức sai lầm, cũng như tập Diễn giải lời rao giảng của các Tông Đồ là một tác phẩm nhỏ hơn, viết bằng tiếng Armenie, được tìm thấy vào năm 1904. Cả hai tác phẩm đều thông chuyển cho chúng ta giáo lý đức tin chân chính lấy từ các nguồn Thánh Kinh và thánh Truyền, để củng cố niềm tin và lòng mến của chúng ta (xem lời nguyện).

b. Lời nguyện trên lễ vật xin Chúa cho chúng ta, nhờ lời chuyển cầu của thánh Irênê, được biết “giữ gìn niềm tin tinh tuyền vào Hội thánh”. Các Ki-tô hữu ở Lyon gởi cho các anh em tại Tiểu Á và Phrygie, cũng như cho Đức Giáo Hoàng Eleuthère lá thư, qua đó, họ gửi gắm Irênê và ca ngợi đức tin của ngài : “Chúng con nhờ anh Irênê chuyển cho ngài các lá thư này và xin ngài xem anh ấy như là người nhiệt thành bênh vực Giao ước của Đức Kitô. Nếu chúng con biết rằng chính phẩm hàm biện minh cho tư cách đứng đắn của một con người, thì chúng con xin giới thiệu với ngài anh ấy, trước hết là linh mục của Hội thánh và quả thật là như thế” (Eusèbe de Césarée, Lịch Sử Hội thánh, V,4,2).

c. Lời nguyện hiệp lễ được diễn tả như sau : “Chính đức tin được thánh Irênê bảo vệ cho đến giọt máu cuối cùng, đã làm cho thánh nhân nên vinh hiển : Ước gì cũng chính đức tin đó mà chúng con sống cách chân thành, đem lại cho chúng con ơn công chính hóa”. Nhà thần học cao cả này đã nêu gương kiên vững trong đức tin. Lòng kiên vững này biến chúng ta nên môn đệ của Đức Giêsu Kitô : Đặc biệt ngài đã triển khai các lý chứng nơi truyền thống và của các Tông Đồ mà “đã trở thành hiển nhiên trên khắp thế giới ngõ hầu bất kỳ ai đi tìm chân lý đức tin đều có thể chiêm ngắm chân lý ấy trong mọi Giáo hội.” Rồi ngài viết tiếp : “Chúng ta có thể liệt kê các giám mục đã được các Tông Đồ thiết lập, cũng như những đấng kế vị các ngài cho đến chúng ta ngày nay. Thế nhưng, các ngài đã không giảng dạy điều gì, cũng như không quen biết người nào mà rập theo các thuyết điên rồ của họ (các thuyết ngộ đạo). Tuy nhiên, nếu các Tông Đồ đã biết các mầu nhiệm bí ẩn mà các ngài sẽ mạc khải cho những kẻ “hoàn hảo” rồi loại trừ các kẻ khác, thì các ngài sẽ thông truyền các mầu nhiệm ấy trước hết cho những ai đã được các ngài giao phó coi sóc các Giáo Hội. Bởi lẽ các ngài đòi hỏi sự hoàn hảo tuyệt đối, không thể chê được nơi những kẻ kế vị là đã được giao trọng trách giảng dạy thay cho các ngài” (khảo luận Chống Lạc giáo, III, 3,1).
Một yếu tố khác được nêu bật trong các lời nguyện Thánh lễ : “Xin cho chúng con đem hết sức mình làm cho mọi người luôn đồng tâm nhất trí” (lời nguyện) “và gìn giữ Hội thánh luôn được hiệp nhất, không hề bị lay chuyển”(lời nguyện trên lễ vật).

Tuy trung thành với Truyền thống Hội thánh, song Irênê vẫn là người biết đối thoại. Mười bốn năm sau khi ngài làm đặc sứ tại Rôma bên cạnh Đức Giáo Hoàng Éleuthère, sự hiệp nhất của Hội thánh suýt bị tan vỡ trở lại, do việc Giáo Hoàng Victor đe dọa ra vạ tuyệt thông cho các Giáo Hội Tiểu Á đang trung thành với truyền thống của thánh Gioan. Theo những điều Eusèbe cho chúng ta biết sau đó một thế kỷ (lịch sử Hội thánh) khi thuật lại các lời tranh cãi, thì Irênê đã biên thư cho Đức Giáo Hoàng Victor, “nhân danh các Giáo Hội xứ Gaule mà thánh nhân là kẻ lãnh đạo : người xác định trước hết rằng mầu nhiệm Phục Sinh chỉ được cử hành vào ngày chúa nhật. Rồi người cung kính xin Giáo Hoàng giữ các mối liên hệ hiếu hòa với những Giáo Hội này. Bởi lẽ cho dù việc tuân giữ các nghi thức của họ quả thật không giống như Giáo Hội Rôma, nhưng nó được thể hiện bởi các giám mục sống lâu đời hơn Victor như Soter, Anicet, Piô, Hygin, Télesphore hay Sixte.”

Đối với Irênê, tiêu chuẩn hỗ trợ sự hiệp nhất trong hòa bình và tôn trọng các truyền thống khác nhau, đó là quyền kế vị các Tông Đồ, biết rằng quyền này đặc biệt luôn được thực thi trong Giáo Hội Rôma. Nên ngài đã viết : “Có lẽ bản liệt kê sẽ quá dài nếu tính nơi đây những đấng kế vị các Tông Đồ trong các Giáo Hội. Chúng tôi chỉ lưu ý đến Giáo Hội lớn nhất và lâu đời nhất, được mọi người biết đến, đó là Giáo Hội được thành lập tại Rôma bởi hai vị thánh Tông Đồ rất vinh hiển, Phêrô và Phaolô. Chúng tôi sẽ chứng minh rằng truyền thống mà Giáo hội ấy nhận được từ các Tông Đồ và chân lý đức tin Giáo Hội loan báo cho chư dân, tất cả đều được chuyển giao cho chúng tôi qua quyền kế vị liên tục của các giám mục… do bởi quyền hạn đã được ban cho Giáo Hội Rôma ngay từ đầu, tất cả các Giáo Hội khác đều phải qui chiếu và tuân theo Giáo Hội (Rôma) này, nghĩa là các giáo hữu ở khắp nơi. Truyền thống các Tông Đồ luôn luôn được gìn giữ trong Giáo Hội Rôma vì lợi ích của mọi người ở mọi nơi” (khảo luận chống Lạc giáo, II,3,1-2). Chính bởi các nguyên tắc này mà Irênê đã xứng đáng với tên gọi hiếu hòa và là người xây dựng hòa bình.

d. Một đặc điểm khác của vị chứng nhân cho đức tin này là quan niệm của thánh nhân về con người. Câu danh ngôn được Bài đọc- Kinh sách trích dẫn, đã tóm tắt quan niệm ấy như sau : “Con người sống là vinh quang của Thiên Chúa, còn sự sống của con người là nhìn thấy Thiên Chúa”(khảo luận chống Lạc giáo IV). Đối với Hội thánh, điều này xác định chương trình không hề thay đổi của mình là luôn tìm kiếm sự hiệp nhất trong đức tin như thể Hội thánh chỉ có “một con tim, một tâm hồn và một miệng lưỡi” (khảo luận chống Lạc giáo I,10,2).
***

Ngày 29.06
THÁNH PHÊRÔ và THÁNH PHAOLÔ, Tông Đồ
(+ khoảng năm 67)
Lễ trọng

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Theo Lịch giỗ các thánh tử đạo (Depositio martirum) năm 354 người ta đã cử hành trọng thể lễ hai thánh Tông Đồ Rôma vào ngày 29 tháng 6 này : Mừng thánh Phaolô tại chính ngôi mộ của người trên đường Ostia và mừng thánh Phêrô tại hang toại đạo đường Appia. Tại Rôma vào thế kỷ VII, lễ này được mừng hai ngày : phần kính nhớ thánh Phaolô quả thật được dời vào hôm sau, ngày 30 tháng 6, tuy vẫn được đính kèm trong các Thánh lễ ngày 29 tháng 6. Do đó, ngày lễ hai thánh này đã được phổ biến ở Đông Phương lẫn Tây Phương. Ngày nay, Thánh lễ vọng vào ban chiều chuẩn bị cho việc cử hành lễ mừng duy nhất, kết hợp hai vị thánh Tông Đồ.

Phêrô, quê ở Bếtsaiđa, trên bờ hồ Ghênêsarét. Tên Do Thái của người là Siméon hay Simon, với biệt danh là Képhas, có nghĩa là “đá”. Tên gọi này nói lên sứ vụ Đức Giêsu giao phó cho Simon : đó là trở thành nền tảng cho Hội thánh. Theo Tertullien (thế kỷ II), thánh nhân chết vì bị đóng đinh vào thập giá và theo Origène, đầu ngài bị quay ngược trở xuống theo tập tục người Rôma khi đóng đinh các nô lệ. Các khai quật mới đây dưới vương cung thánh đường Vaticano xác nhậc các chứng cứ được lưu truyền về cuộc tử đạo của Phêrô tại Rôma (xem Clément de Rome, thư gửi các tín hữu thành Côrintô V,1-4), trên đồi Vatican khoảng năm 67; về sau, nơi đây người ta xây dựng vương cung thánh đường Constantin.

thánh Phaolô, quê tại Tarsus, ở Cilicie, ngoài tên Do Thái là Saul, ngài còn mang tên La Tinh là Phaolô. Tuy là biệt phái, xét theo lề luật, nhưng ngài đã trở lại đạo khoảng 33/35. Sau khi bị cầm tù lần thứ hai tại Rôma, có lẽ ngài đã bị chém đầu khoảng năm 67 (cũng chính Tertullien cho chúng ta biết điều này, theo lưu truyền từ xưa) tại Aquas Salvias, độ 5km về hướng nam Rôma và được mai táng trên đường Ostia, nơi đây, người ta xây vương cung thánh đường thánh Phaolô-ngoại thành.

2. Thông điệp và tính thời sự

Sách lễ đưa ra hình ảnh hai vị thánh Tông Đồ “được qui tụ để cùng chia sẻ một niềm vinh quang” và “cùng được tôn kính như nhau” (kinh Tiền Tụng).

a. Lời nguyện Thánh lễ vọng trích lại một câu trong sách bí tích của Vêron (số 1219) : “Chính nhờ các ngài mà Hội thánh Chúa đã đón nhận các lợi ích do ân sủng Chúa đem lại, nghĩa là nhờ lời giảng dạy của các ngài. Cũng thế, lời nguyện hiệp lễ lại nhắc lại điều này : “Lạy Chúa, Chúa đã dùng các lời giảng dạy của các thánh Tông Đồ mà soi sáng lòng tin của các tín hữu.” Chủ đề này được lặp lại trong lời nguyện chính lễ, ghi nhận rằng “Chính nhờ các ngài mà Hội thánh đã bắt đầu đón nhận đức tin”. Đức tin do các Tông Đồ giảng dạy được bày tỏ qua các nét độc đáo nơi cộng đoàn tiên khởi của Giáo Hội Giêrusalem, ở đó các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng (Cv 2,42).

b. Kinh Tiền tụng thực hiện một tổng hợp thần học về tính tông truyền này, khi nêu bật các khía cạnh bổ túc lẫn nhau nơi hai vị thánh Tông Đồ. Các ngài đã xây dựng Hội thánh duy nhất bằng các đoàn sủng khác nhau. “Bởi lẽ Cha cho chúng con vui mừng trong ngày lễ trọng kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Cha đã sắp đặt để thánh Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin, thánh Phaolô là người làm sáng tỏ đức tin; Thánh Phêrô thiết lập Hội thánh tiên khởi cho người Ítraen, thánh Phaolô là thầy giảng dạy cho muôn dân biết Tin Mừng cứu độ.”

Cuộc tử đạo của thánh Phêrô và thánh Phaolô vẫn luôn là dấu chỉ hợp nhất của Hội thánh ở mọi thời, như thánh Augustinô ghi nhận qua Bài đọc – Kinh sách : “Một ngày kính chung cuộc tử đạo của hai vị Tông Đồ. Nhưng hai vị xưa kia chỉ là một. Thánh Phêrô đi trước, rồi thánh Phaolô theo sau. Đối với chúng ta, ngày lễ chúng ta cử hành hôm nay là một ngày thánh, vì đã được ghi bằng máu của các Tông Đồ. Chúng ta hãy quí chuộng đức tin, đời sống, công lao khó nhọc và những khổ hình của ngài, quí chuộng những lời các ngài tuyên xưng, những điều các ngài rao giảng.”

Ngày 30.06
CÁC THÁNH TIÊN KHỞI CỦA GIÁO ĐOÀN RÔMA
(khoảng 64)
Lễ nhớ

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Lễ nhớ này luôn được cử hành tại hí trường Nero ở Vatican, để gợi lại cuộc hỏa hoạn đầy tai tiếng ngày 16 tháng 7 năm 64, sau đó rất nhiều Ki-tô hữu bị ném cho các mãnh thú, bị đốt cháy như những con dê tế thần, theo tường thuật của sử gia Tacite (Niên sử XV,44). Nhưng chỉ có cuốn danh mục các thánh tử đạo Rôma nhắc đến lễ nhớ cuộc tuẫn đạo này thường được cử hành tương đối trọng thể vào ngày 24 tháng 6. Tuẫn đạo danh lục kính nhớ vào ngày 29 tháng 6 nhiều thánh tử đạo (979) sau khi mừng hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Hồi đầu, người ta sùng kính các thánh tử đạo tiên khởi này tại Rôma trong thánh đường Đức Mẹ Sầu Bi. Sau đó, việc sùng kính này được phổ biến khắp thành phố Rôma năm 1923, rồi được công nhận với mọi nghi thức Rôma năm 1969.

2. Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện Thánh lễ diễn tả ý nghĩa của ngày lễ nhớ như sau : “Lạy Chúa vì các thánh đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ đức tin, xin cho cuộc chiến thắng vẻ vang của các ngài làm cho chúng con được bền lòng vững chí”. Quan niệm tử đạo được triển khai dần dần trong truyền thống Kinh thánh. Nếu, đối với Do Thái giáo, tuẫn đạo là một hành động tuân phục lề luật, thì các Kitô hữu trong việc lấy máu đào làm chứng đức tin cách cao cả này, đã nhận thấy thập giá của Đức Kitô, qua đó quyền năng của Thiên Chúa được tỏ hiện. Đức Kitô chịu khổ nạn vì Satan nổi lên chống đối Người. Nhưng sự phục sinh đã ló dạng trong viễn cảnh Người chiến thắng cuộc khổ nạn trong vinh quang. Người Kitô hữu tử đạo không chỉ là nạn nhân của cuộc đấu tranh khốc liệt được Satan dấy lên chống lại Đức Kitô. Nhưng trước hết, họ là người làm chứng cho quyền năng của Thiên Chúa, được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối (2 Cr 12,9). Cuộc tử đạo cũng làm chứng cho chân lý. Lòng dũng cảm của các thánh tử đạo trở nên sức mạnh chiến thắng trong cuộc chiến mà mọi Kitô hữu đều phải đương đầu để chống lại các mãnh lực sự dữ. Trích đoạn trong thư của thánh Clément gửi tín hữu Côrintô, viết vào quãng 96/98 và được đọc trong Bài đọc Kinh-Sách, nói đến “rất đông những người được tuyển chọn,vì bị đố kỵ, các ngài phải chịu nhiều cực hình đau đớn, và đã để lại cho chúng ta những tấm gương xán lạn”

Người nam, kẻ nữ vô danh này tiêu biểu cho mọi nạn nhân trong các cuộc bách hại về tôn giáo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *