Phụng Vụ Cử Hành Như Thế Nào?

MỤC VỤ PHỤNG VỤ

PHỤNG VỤ CỬ HÀNH NHƯ THẾ NÀO?

Lm.Ant Nguyễn Đức Khiết

PHỤNG VỤ CỬ HÀNH NHƯ THẾ NÀO?

Mỗi ngày lễ có nghi thức riêng của nó : nghi thức lễ Giáng sinh không giống nghi thức lễ Phục sinh, nghi thức mừng Tết không giống nghi thức mừng lễ Quốc khánh. Mỗi lễ cũng có những biểu tượng riêng để nói lên những ý nghĩa : bánh có hình khúc cây của lễ giáng sinh không phải là chiếc bánh của lễ Ba vua, vv.

Tuy nhiên, khi quan sát cách cử hành các ngày lễ, ta thấy rằng không thể có ngày lễ, nếu không có nghi thức và việc sử dụng các dấu hiệu và biểu tượng.

Từ buổi đầu của phong trào Phụng vụ, và nhất là từ khi cuốn sách Les signes sacrés (Những dấu hiệu thánh thiêng) của Guardini ra mắt độc giả, (x. R. Guardini, Von heiligen Zeichen, Rothenfelds, 1922, réed. 1927 ; trad. franc. Par R. dHarcourt, Les signes sacrés, Spes, 1933) các sử gia về Phụng vụ và thần học gia đã chú tâm tới tầm quan trọng và vai trò của các “dấu hiệu” trong Phụng vụ. Lý do bởi vì Phụng vụ và Bí tích luôn luôn sử dụng dấu hiệu (signe) và biểu tượng (symbole)

I. BIỂU TƯỢNG NÓI LÊN Ý NGHĨA

Trong đời sống nhân loại, dấu hiệu và biểu tượng chiếm một chỗ rất quan trọng. Con người là hồn và xác, giác quan và linh thiêng, diễn tả và tiếp nhận các thực tại thiêng liêng qua dấu hiệu và biểu tượng vật chất. Các thực tại mà con người muốn cử hành, muốn tôn kính, có cơ sở vật chất, hoặc vật lý, nhưng vượt lên trên thế giới vật chất, chẳng hạn như người đàn bà là má tôi, mảnh đất là quê hương tôi, vv, nhưng cái điều mà tôi tôn kính thì vượt quá lãnh vực vật chất ; đó là tình mẫu tử của mẹ tôi, đó là lịch sử quê hương tôi, vv. Những thực tại mà con người cử hành, tôn kính đều thuộc lãnh vực tinh thần, tâm tình, tôn giáo.

Con người có tính xã hội, nên cần dấu hiệu và biểu tượng để giao tiếp với tha nhân qua ngôn ngữ, cử chỉ, hành động. Tất cả những gì quan trọng đối với con người đều phải được bầy tỏ, nói lên và truyền thông cho “ai khác” với tất cả con người của mình. Làm sao nói lên được không khí êm dịu của lễ giáng sinh, nếu không dùng những bài thánh ca êm ái và những ánh sáng dịu dàng ? Làm sao tỏ bày sức mạnh của một dân tộc, nếu không dùng những cuộc duyệt binh hùng tráng và những cuộc đốt pháo bông huy hoàng ? Làm sao cho người khác biết tình yêu của ta, nếu không có những đấu hiệu và biểu tượng của tình yêu ? Tất cả con người của chúng ta phải tham dự vào việc cử hành, không những trí tuệ và trí nhớ của ta, mà cả mắt ta, tai ta, khứu giác và miệng lưỡi ta !

Trong tương quan với Thiên Chúa cũng thế. Để thực hiện cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa vô hình và con người là hồn xác, thì Phụng vụ và Bí tích, xét như một hành động của con người, cũng chỉ có thể được cử hành với việc sử dụng các dấu hiệu và các biểu tượng.

1. Những dấu hiệu để truyền thông.

Khi con người phải liên lạc với một ai đó ở xa mình, và nhất là vượt quá tầm tri giác của mình, thì người ta phải nhờ đến một hệ thống truyền thông bằng dấu hiệu, chẳng hạn : dấu hiệu bằng âm thanh như để gọi, dấu hiệu bằng cử chỉ nếu người kia ở xa hơn, rồi xa hơn nữa thì dùng dấu hiệu ánh sáng, điện thoại, thư tín, vv. Như vậy, truyền thông chỉ có thể được thực hiện bằng và nhờ các dấu hiệu. Các dấu hiệu khác nhau thường thích ứng với quãng cách khác nhau.

Các dấu hiệu có nhiều thể loại khác nhau. Có những dấu hiệu tự nhiên, không do người ta tạo ra, như khói là dấu hiệu của lửa. Một loại khác là các dấu hiệu quy ước : đó là những dấu hiệu do người ta quy định với nhau để truyền thông một thông tin, chẳng hạn như các dấu hiệu đi đường, phép lịch sự, vv.

Nhưng còn một loại dấu hiệu phong phú hơn nhiều, bởi vì không những cung cấp một thông tin, mà còn mang đến cho con người một tâm tình và một ý nghĩa vượt quá những gì mà dấu hiệu bày tỏ : đó là những
biểu tượng.

Tất cả các dấu hiệu đều có chung những yếu tố sau :

a) Khởi đầu bao giờ cũng có một yếu tố hữu hình, ví dụ : khói chỉ lửa, bảng hiệu để chỉ đường, lá cờ để chỉ quốc gia;

b) Nhờ yếu tố hữu hình này, chúng cho thấy một cái gì khác mà người ta không nhìn thấy, hoặc vượt ra ngoài tầm của giác quan, ví dụ như lửa, chỗ giao lộ, quê hương ;

c) Rồi trong khi các dấu hiệu tự nhiên và quy ước hướng ta về một yếu tố hoặc một vật thể hữu hình khác, thì dấu hiệu biểu tượng hướng ta tới một thực tại ngoài tầm kinh nghiệm cảm giác của ta, ví dụ như bông hồng biểu tượng tình yêu, chiếc khăn tay nói lên nỗi nhớ, suối nước gợi lên hình ảnh nguồn mạch sự sống, ngọn lửa nói lên tình yêu nóng bỏng, vv.

* Một số biểu tượng tự nhiên (như nước, lửa) có tính lưỡng năng, nghĩa là có thể nói lên những thực tại trái ngược nhau, tùy theo hoàn cảnh được sử dụng ; chúng có thể chỉ sự sống, hoặc sự hủy diệt.

* Các sự vật có khả năng trở thành biểu tượng chỉ thực sự là biểu tượng do việc được người ta sử dụng có một mục đích : uống rượu không nhất thiết là biểu tượng sự chúc mừng. Bởi vậy, nó chỉ là biểu tượng khi người ta tỏ ý bằng hành vi cụng ly”.

* Luôn có một sự liên hệ giữa biểu tượng và cách hiểu của một nền văn hoá. Nhiều biểu tượng mang ý nghĩa khác nhau tùy theo nền văn hoá, chẳng hạn mầu trắng lại là mầu tang chế tại nhiều nước Đông Nam Á, và bánh mì ở các nước này không có ý nghĩa như ở Tây phương

2. Chức năng của biểu tượng.

Là thân xác và tâm linh, con người cần đến các “vật thể” để nói lên những thực tại “tinh thần”. Nhiều ngành khoa học đã phân tách sự kết cấu của biểu tượng, trong số này có khoa ký hiệu học (sémiologie) là khoa học về các ký hiệu và khoa ngữ học (linguistique) nghiên cứu các từ như là những ký hiệu.

Triết gia Paul Ricoeur đã định nghĩa biểu tượng như sau :

“Tôi gọi biểu tượng là bất cứ cấu trúc nào để nói lên một ý nghĩa trực tiếp, đệ nhất và là nghĩa chữ (sens littéral), rồi ý nghĩa này lại chỉ thêm một ý nghĩa gián tiếp, đệ nhị và là nghĩa bóng (sens figuré). Y nghĩa thứ hai này chỉ có thể nắm bắt được xuyên qua ý nghĩa thứ nhất kia”. Paul Ricoeur, Le conflit des interprétations, Seuil, Paris, 1969, p. 16..

Chức năng biểu tượng là khả năng của con người để nhận ra có những thực tại cách biệt (khác) với mình và tự hình dung ra các thực tại đó, mặc dầu chúng không có mặt, chẳng hạn khi tôi nhìn một vật kỷ niệm của mẹ tôi, tôi cảm thấy bà đang có mặt với tôi lúc này, dù bà xa tôi cả ngàn dậm, rồi tôi hình dung ra tình mẫu tử và tình mẫu tử này có thể làm tôi rung động.

Chúng ta dễ nhận thấy tầm quan trọng của chức năng này trong đời sống con người, nhất là đối với vũ trụ tôn giáo, và đặc biệt là đối với các Bí tích và Phụng vụ, như Quy chế tổng quát sách Lễ Rôma 2000 nói rõ :

“Việc cử hành Thánh Lễ, cũng như toàn bộ Phụng vụ, được thực hiện qua các dấu chỉ khả giác, nhờ đó đức tin được nuôi dưỡng, củng cố và diễn tả. Vì thế, phải hết sức lo liệu, lựa chọn và sắp xếp các hình thức và các yêu tố Hội Thánh đã đề ra, để tùy theo hoàn cảnh nhân sự và nơi chốn, các hình thức và yếu tố đó giúp đắc lực hơn cho việc tham dự tích cực và đầy đủ, đồng thời đáp ứng cách thích hợp hơn lợi ích thiêng liêng của tín hữu” QCTQ 20.

II. CÁC DẤU HIỆU VÀ BIỂU TƯỢNG TRONG PHỤNG VỤ

Biểu tượng theo phân tích của F. Isambert (F. Isambert, Rites et efficacité symbolique, essai danthropologie sociologique, Cerf, 1979). gồm ba phương diện: “xét như là biểu nghĩa” (en tant que signifiant), biểu tượng có một ý nghĩa ; xét như là một đối tượng khả giác, biểu tượng bén rễ trong vũ trụ vật chất ; và trong mức độ của mối dây liên hệ giữa hai khía cạnh trên, biểu tượng là sự kiện của một sự đồng tình (consensus), nó mang tính xã hội.

Vì vậy, các dấu hiệu dùng trong Phụng vụ có thể thay đổi ý nghĩa theo thời gian, lệ thuộc vào các nền văn hoá. Từ đó, ta thấy có việc thích nghi Phụng vụ vào các nền văn hoá khác nhau.

Hiến chế Phụng vụ đã nói đến “các quy tắc để thích nghi với tâm tình và truyền thống của dân tộc” (x. 37- 40). Quy chế tổng quát của Sách Lễ Rôma 2000 đã dành chương IX, chương cuối cùng và hoàn toàn mới của Sách Lễ Rôma, ấn bản mẫu thứ ba (từ số 386- 399) để nói đến các “Thích nghi thuộc quyền giám mục và Hội đồng Giám Mục”.

1. Những dấu hiệu bắt nguồn từ Giao ước

Các dấu hiệu và biểu tượng mà dân Israel đã sử dụng trong Phụng vụ Do thái giáo không chỉ là những cuộc cử hành sự tuần hoàn của vũ trụ hay những lễ hội dân gian, nhưng còn là dấu hiệu của Giao ước, biểu tượng của những kỳ công Thiên Chúa đã làm cho dân Ngài. Trong các dấu chỉ của Phụng vụ Cựu ước, có thể kể việc cắt bì, xức dầu để thánh hiến các vua và tư tế, đặt tay, các lễ vật, và nhất là lễ Vượt qua. Giáo Hội nhận ra nơi những dấu chỉ đó hình ảnh tiên trưng cho các Bí tích của Giao ước mới GL1150.

2. Những dấu hiệu được Đức Kitô sử dụng

Khi giảng dậy, Đức Giêsu thường dùng những dấu hiệu trong thiên nhiên để diễn tả mầu nhiệm Nước Thiên Chúa (x. Lc 8,10). Ngài thực hiện việc chữa lành và củng cố Lời Ngài giảng bằng những dấu hiệu hữu hình hay hành động biểu trưng (x. Ga 9,6 ; Mc 7,33-35 ; 8,22-25). Ngài đem lại ý nghĩa mới cho những biến cố và dấu hiệu của Cựu ước, nhất là biến cố Xuất hành và Vượt qua (x. Lc 9,31 ; 22,7-20), vì chính Ngài là ý nghĩa của mọi biểu trưng này GL 1151.

Trong các cử hành Phụng vụ và Bí tích, một mặt Giáo Hội sử dụng những dấu hiệu và biểu tượng Tân ước hoàn tất các biểu trưng Cựu ước, mặt khác, thanh luyện và tiếp nhận tất cả sự phong phú của những dấu hiệu và biểu tượng trong thiên nhiên và trong đời sống xã hội của nhân loại.

III. NGHI THỨC NHƯ CUỘC HÀNH TRÌNH

Như chúng ta đã nói ở trên, các sự vật có khả năng trở thành biểu tượng chỉ thực sự trở thành các biểu tượng nếu được người ta sử dụng vào một mục đích. Bây giờ, sau khi tìm hiểu về biểu tượng, ta cần phải xem hành trình của chúng theo cách mà các nghi thức vận dụng chúng.

Đâu là những đặc điểm của nghi thức (rite) ?

Từ “nghi thức” (rite) có gốc là một từ An-Au “Rtam”, nghĩa là “trật tự”. Nghi thức là một việc làm có quy trình (chứ không phải một tâm tình). Việc phải làm là điều đã được dự trù để đạt tới hiệu quả mong muốn. “Nghi thức chủ ý nhắm vào một hiệu quả” Antoine Vergote, Dette et désir, Seuil, Paris, 1978, p. 131.

Nghi thức là một việc làm có quy trình (thứ tự) và được lập đi lập lại. Đó là việc làm mà bất cứ ai cũng phải làm y như thế, nếu muốn đạt được kết quả. Người ta chỉ chết có một lần, nhưng nghi thức an táng sẽ
diễn ra y hệt cho mọi người và cho mỗi người, khi người đó chết.

Nhà nhân chủng học Lévi-Strauss nói rằng các nghi thức là “phương tiện giúp ta trực tiếp nhận thấy một số những giá trị mà các phương tiện của trí tuệ sẽ khó mà làm cho tâm hồn cảm nghiệm trực tiếp được”. Đó là cái làm ta cảm xúc, chiếm đoạt lấy ta, làm rung động tất cả con người của ta, không phải do lý trí, nhưng do cảm xúc, nhờ đó, trong một nghi thức, người ta cảm thấy, sờ thấy, nghe thấy, nhìn thấy, tồi nhờ đó, tất cả con người chúng ta (hồn và xác) mới hướng về cái nhiệm mầu.

Hướng về cái nhiệm mầu, (hoặc cái linh thiêng) như cách nói của Otto, nghĩa là hướng về những gì vượt quá chúng ta và vẫn giữ một phần và một sức mầu nhiệm đối với chúng ta : ý nghĩa của cuộc đời, định mệnh, thần linh, xã hội, tha nhân, tuyệt đối, vv (Rudolf Otto, Le sacré, Payot, p. 22)
.
Nghi thức là một vận hành tiếp cận. Ý nghĩa căn bản của nghi thức là con người luôn luôn muốn đạt tới tha thể (xã hội, người bạn đời, Thiên Chúa…,) nhưng tha thể sẽ luôn vượt khỏi con người, vì bản chất của tha thể là khác ta, cách xa ta.

Nghi thức là một hành trình để tiếp xúc với tha thể (tha nhân, Đấng Tuyệt đối khác ta) và hành trình này được thúc đẩy do mong ước kết hợp với tha thân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *