Phụng Vụ Cử Hành Trong Thân Xác

MỤC VỤ PHỤNG VỤ

Phụng Vụ Cử Hành Trong Thân Xác

Lm.Ant Nguyễn Đức Khiết

Phụng Vụ Cử Hành Trong Thân Xác

 

I. CỬ HÀNH TRONG THÂN XÁC

Chúng ta không đến tham dự Phụng vụ với một con người trừu tượng, nhưng với một con người là hồn – xác. Hồn và xác, giác quan và tâm linh, bên trong và bên ngoài nơi con người, không phải là hai yếu tố đặt kề nhau, tách biệt nhau, nhưng hiệp nhất với nhau trong một con người duy nhất. Vì thế, không thể có một Phụng vụ ngoài thân xác.

Phụng vụ của con người chỉ có thể cử hành trong thân xác mình, được biểu lộ trong những dáng điệu và cử chỉ của thân xác.

1. Không thể có cử hành mà không có những dáng điệu và cử chỉ.

Con người là “hữu-thể-sống-trong-thế-giới” (être-dans-le-monde) và sống ở đời, cũng như hiện diện bên người khác là nhờ thân xác. Thân xác làm cho tôi có mặt trong cuộc đời và là dấu hiệu sự hiện diện của tôi bên cạnh người khác. Thân xác có những cử chỉ, dáng điệu, ví dụ tôi nói, tôi đi, tôi đứng, tôi chào hỏi, tôi thinh lặng, vv.

Chính cử chỉ và dáng điệu làm cho tôi hiện diện trong đời, với tha nhân. Khi diễn tả cũng như khi truyền thông, cử chỉ thường đi trước, bổ túc và kéo dài lời nói. Cử chỉ có ngôn ngữ riêng. Trước khi có tiếng nói đã có cử chỉ. Cử chỉ làm cho người ta hiểu nhau mặc dù ngôn ngữ bất đồng. Ngay cả khi không nói, cử chỉ vẫn cần, dù diễn ra im lặng. Im lặng cũng là một cử chỉ. Phụng vụ cần phải có những cử chỉ, dáng điệu.

“Thờ phượng trong Thần Khí” (Ga 4,24) cũng phải biểu lộ trong thân xác (Rm 12,1). Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể, không chỉ mặc lấy tinh thần con người, mà còn cả thân xác nhân loại. Ngài không chỉ nói mà thôi mà còn biểu lộ qua nhiều cử chỉ, dáng điệu nữa.

Không thể có cộng đoàn thuần tuý thiêng liêng. Không thể có Giáo Hội thuần túy thiêng liêng. Cũng không thể có việc tham dự vào cộng đồng mà lại không có những dáng điệu và cử chỉ PV 30. Quy chế tổng quát của Sách Lễ Rôma 2000 đã nói đến ý nghĩa của cử chỉ và đáng điệu trong Phụng vụ là hướng tới sự đồng tâm hiệp nhất và biểu lộ đặc tính cộng đoàn của Phụng vụ :

“Điệu bộ chung của thân thể mà mọi người tham dự phải giữ là dấu chỉ tính tập thể và hiệp nhất của các phần tử cộng đoàn Kitô hữu tập họp cử hành Phụng vụ thánh : nó biểu lộ và khích lệ tâm hồn cũng như tình cảm của các người tham dự” (QCTQ, 42).

2. Những khó khăn liên hệ đến cử chỉ Phụng vụ.

a. Đối với những cử chỉ và dáng điệu được ấn định sẵn, như trong Phụng vụ, ta thấy có nguy cơ là chúng dần dần trở thành việc giữ chữ đỏ mà thôi. Chú trọng quá đến cử chỉ thân xác sẽ có hại cho cái cốt yếu là tâm hồn. Thật vậy, ta phải có một tâm hồn để cử hành hơn là chỉ chú trọng những cử chỉ bên ngoài. Những cử chỉ bên ngoài phải nảy sinh tự nhiện và bột phát từ những tâm tình bên trong.

b. Việc lập đi lập lại các nghi thức dễ làm cho các cử chỉ mất hiệu năng : cử điệu dễ trở thành máy móc khi người ta không còn biết ý nghĩa của chúng nữa. Rồi dần dần trở nên vô hồn, vô nghĩa, giả tạo và dừng lại cái bên ngoài.

c. Con người ngày nay, nhất là người trẻ, thường ưa thích những cử chỉ và dáng điệu tự nhiên, cho nên họ không mấy cảm tình với những gì là quy tắc cứng nhắc.

d. Cử chỉ đích thực là cử chỉ bộc phát, phát xuất tự thâm tâm và biểu lộ tất cả con người. Trong khi đó, nghi thức lại do quy ước và định chế đặt ra. Vì vậy, đôi khi, người ta đối lập cử chỉ thuộc nghi thức với cử chỉ bộc phát. Bộc phát đích thực hoà hợp sự tự do bên trong với cách biểu lộ bên ngoài.

3. Mục vụ về việc cử hành trong thân xác.

a. Dầu sao, trong Phụng vu truyền thống, cách biểu lộ cá nhân, những cử chỉ và dáng điệu cũng vẫn do các quy tắc chữ đỏ ấn định. Các quy tắc này, đôi khi được linh mục, phó tế, hay một người có nhiệm vụ thuyết minh, nhắc lại cho cộng đoàn để cho các dáng điệu được đồng nhất.

b. Cử chỉ và điệu bộ thân thể của vị tư tế, phó tế, các thừa tác viên, cũng như của giáo dân nhằm làm cho toàn bộ cuộc cử hành toát ra vẻ đẹp, nét thanh cao và đơn sơ, làm cho ý nghĩa thật sự và đầy đủ của các phần khác nhau được nhận thức và làm cho mọi người tham dự được sốt sắng (QCTQ, 42). Từ đó, các cử chỉ và dáng điệu thân thể phải được biểu lộ thế nào mà không cầu kỳ, giả tạo, “làm điệu” nhưng phải đơn sơ, trung thực, biểu lộ tâm tình bên trong. Nếu không như thế, những cử chỉ và dáng điệu có thể làm hại hơn là giúp ích.

c. Mục vụ về dáng điệu và cử chỉ không ở chỗ ra lệnh độc đoán. Tốt hơn, chính các thừa tác viên nên nêu gương trước và nhấn mạnh nhiều đến việc đi sâu vào những thái độ đức tin được biểu lộ qua cử chỉ.

II. CÁC DÁNG ĐIỆU KHI CỬ HÀNH

1. Ngồi :

Đây là dáng điệu giúp người nghe trong tư thế thoải mái. Trong cộng đoàn thời các tông đồ, các Kitô hữu đã làm như thế (x. 1Cr 14,30 ; Cv 20,9). Phúc âm cũng cho thấy Maria, em gái Martha, ngồi bên chân Chúa Giêsu để lắng nghe Ngài (Lc 10,39). Chúa Giêsu, khi 12 tuổi, ngồi giữa các luật sĩ để nghe và hỏi các ông (Lc 2,46).

Vì vậy, dáng điệu ngồi rất thích hợp để các tín hữu lắng nghe các bài đọc, hát hay đọc thánh vịnh đáp ca, khi nghe diễn giảng và tùy nghi ngồi khi giữ thinh lặng thánh sau hiệp lễ (QCTQ, 43).

2. Đứng :

Tự cơ bản, đứng là tư thế phải có để bước đi, đứng được coi là dáng điệu của con người, biểu lộ địa vị của con người tự do.

Trong Phụng vụ Kitô giáo, thánh Gioan Kim-Khẩu ghi nhận rằng đứng là tư thế cơ bản của vị chủ tế, theo như truyền thống Cựu ước (Hc 50,12-13) (S. Jean Chrysostome, In Epist. Ad Hebraeos Homil. 18, 1 :PG 63, col. 135-136).

Đối với các tin hữu, đây cũng là tư thế cơ bản trong Phụng vu : đứng để tiếp đón và chào mừng, là dấu hiệu của sự tôn kính. Vì thế, các tín hữu đứng khi chủ tế tiến vào cung thánh và khi rời khỏi, khi tung hô Alleluia và nghe Phúc âm.

Đứng còn là tư thế thông thường để cầu nguyện chung trong cộng đoàn (Mt 11,25). Vì vậy, cộng đoàn đứng khi hiệp nhất với các lời nguyện của vị chủ tế, trong lời nguyện cho mọi người, trong kinh Lạy Cha.

Ngày xưa, dân Israel đã đứng nghe lời Thiên Chúa (Xh 20,21 ; Nkm 8,5 ; Ed 2,1 ; Đn 10,11), cũng như họ đứng khi cầu nguyện (Nkm 9,5 ; Mt 6,5 ; Lc 18,11-13).

Sách Khải huyền cho ta thấy các kẻ được chọn đứng lên để cảm tạ Thiên Chúa và Chiên Con (7,9 ; 15,2). Đó là tư thế của những kẻ sống lại. Nhờ đứng, người Kitô hữu bầy tỏ địa vị của mình là con cái Thiên Chúa.
(Ga 5,1 ; Ep 6,1-4).

Sau hết, đứng là dáng điệu mang ý nghĩa vượt qua. Người Do thái đứng ăn chiên Vượt Qua, chuẩn bị ra đi về đất hứa (Xh 12,11). Người Kitô hữu biết rằng thế gian này không phải là nơi ở vĩnh cửu, vì thế họ đứng chờ Đức Kitô đến (Lc 21,28) ; và theo cách làm thời xưa, thì chính lúc đứng, họ tham dự vào cuộc Vượt qua của Đức Kitô Phục sinh và nhận của ăn đàng trong bàn tiệc cánh chung của Bí tích Thánh Thể. Để làm dấu chỉ đã được sống lại, người Kitô hữu đứng trong mùa Phục sinh và ngày Chúa nhật mỗi khi đọc kinh “Lạy Nữ vương Thiên đàng”, hoặc kinh Truyền tin, đây là cách làm đã từng được Tertulianô coi là truyền thống.

Trong Thánh Lễ, “cộng đoàn đứng từ đầu ca nhập lễ hoặc khi vị tư tế tiến tới bàn thờ cho đến hết lời nguyện nhập lễ, khi hát Alleluia trước Tin Mừng, khi công bố Tin Mừng, khi đọc kinh Tin Kính và lời nguyện cho mọi người ; từ lời mời anh chị em hãy cầu nguyện trước lời nguyện tiến le cho đến hết lễ, trừ những gì sẽ nói sau” QCTQ, 43.

3. Cúi mình, qùy gối, phủ phục.

a. Cúi mình là khi người ta đứng, đầu cúi xuống, để tỏ lòng tôn trọng và thờ kính. Đây là dáng điệu thông thường của dân Chúa trong lúc linh mục xin Thiên Chúa chúc lành cho dân.

b. Quỳ gối diễn tả tâm tình thống hối, khiêm nhượng trước Thiên Chúa. Ngày xưa, vào những ngày ăn chay, người ta qùy gối cầu nguyện. Từ thời Trung Cổ, quỳ gối gắn liền với nghi lễ sám hối, là dấu hiệu của ăn nân đền tội. Theo thánh Basiliô, quỳ gối là “minh chứng bằng hành động rằng tội lỗi đã làm chúng ta ngã quỵ trên đất” )S. Basile, Traité du Saint Esprit 27, SC 17, p. 236-237). Trong một số trường hợp, quỳ gối diễn tả lời khẩn cầu (như lúc đọc hay hát kinh cầu các thánh).

Nhưng, quỳ gối trước hết là dáng điệu của việc cầu nguyện riêng. Sách Công vụ cho ta nhiều dẫn chứng về việc qùy gối cầu nguyện riêng : Stêphanô trước khi tử đạo (Cv 7,50); Phêrô bên cạnh xác bà Tabitha (Cv 9,40), Phaolô và các tín hữu ở Milet (Cv 20,30), hay ở Tyrô (Cv 21,5). Cựu ước thường nhắc đến dáng điệu này, như một cách kính trọng nhà vua (Kn 41,43 ; Et 3,2), một cử chỉ tôn thờ (1V 19,18), một cách cầu nguyện tha thiết (1V 8, 54 ; 2V 1, 43). Ta cũng thấy dáng điệu này trong Phúc âm (Lc 5, 8), và theo Luca, đó cũng là cách Đức Giêsu cầu nguyện ở vườn cây dầu (Lc 22, 41).

Trong Thánh Lễ, cộng đoàn sẽ quỳ khi truyền phép Mình Thánh, Máu Thánh, trừ phi vì lý do sức khoẻ, vì nơi chặt hẹp, hoặc vì quá đông người dự lễ, hay vì những lý do chính đáng khác không thể quỳ được. Những người không quỳ khi truyền phép thì phải cúi mình sâu (QCTQ, 43).

c. Phủ phục là một dáng điệu cầu nguyện rất cơ bản trong nhiều tôn giáo, chẳng hạn Hồi giáo.

Dáng điệu này nói lên thái độ tự hủy, phát xuất từ chiều sâu tôn giáo của con người, thường được Thánh Kinh nhắc đến như là cử chỉ kính trọng vị thủ lãnh (St 19,1), nhất là đối với Thiên Chúa thì đó là cử chỉ thờ phượng (St 17,3 ; 1Cr 14,15) và nài xin (Mt 8,2 ; Lc 5,12). Marcô nói Đức Giêsu “sấp mình xuống đất” (Mc 14,35), Mathêu nói Đức Giêsu “sấp mặt xuống” (Mt 26,39) cầu nguyện tại vườn cây dầu.

Trong Phụng vụ, cử chỉ này được diễn tả trong một vài trường hợp họa hiếm chẳng hạn như trong Nghi Lễ phong chức (lúc hát kinh cầu các thánh), trong Nghi Thức ngày thứ sáu tuần thánh (chủ tế phủ phục hoặc quỳ) . Cử chỉ càng hiếm thì càng bộc lộ nhiều.

4. Bước đi

Trong các cử hành, cũng có lúc đổi chỗ. Những người sắp lãnh nhận một Bí tích hoặc chu toàn một nhiệm vụ tiến đến nơi dành cho họ.

Trong Thánh lễ, có những hình thức bước đi như “việc vị tư tế cùng với phó tế và các thừa tác viên tiến tới bàn thờ, việc phó tế kiệu sách Tin Mừng đi đến giảng đài trước khi công bố Tin Mừng, việc giáo dân tiến dâng lễ phẩm và tiến lên hiệp lễ. Nên liệu sao cho các hành động và đi rước đó được diễn ra cách đẹp đẽ ? (QCTQ, 44).

Trong Phụng vụ, những bước di chuyển này là những động tác thuộc chức năng, ví dụ như người đọc sách thánh tiến lên giảng đài, người xướng ý nguyện trong Lời nguyện chung, các thầy giúp lễ, vv.)

Còn có những hình thức bước đi như trong các cuộc rước kiệu. Dáng điệu này gợi lại cuộc trẩy hội tưng bừng của khách hành hương đến nơi Thánh. Trong Cựu ước cũng có những cuộc rước như thế (2S 6 : x. Lc 2,41) rập theo mẫu hành trình từ Ai cập về Đất hứa (Ds 9,10 ; Gs 6).

Các sách Phụng vụ dự liệu những cuộc đi kiệu khác nhau trong năm : các ngày cầu mùa (ngày giờ tùy HĐGM ấn định), rước kiệu sám hối và cầu bình an, có hát kinh cầu các thánh, lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, ba cuộc đi kiệu khác để kính nhớ ba biến cố trong cuộc đời Chúa : ngày 2 tháng 2, Chúa Nhật lễ Lá và đêm Vọng Phục sinh.

Điều chúng ta cần ghi nhớ là những cuộc rước kiệu phụng vụ không nhằm khoa trương, nhưng phải là cuộc rước của một cộng đoàn cầu nguyện.

III. CÁC CỬ CHỈ TRONG CỬ HÀNH

Ngoài những dáng điệu vừa nói, cử hành phụng vụ còn dùng một số cử chỉ đặc biệt :

1. Những loại cử chỉ khác nhau :

Những cử chỉ trong Phụng vụ luôn bao gồm hai khía cạnh : tác dụng và biểu trưng Nhưng có những cử chỉ diễn tả khía cạnh tác dụng nhiều hơn, có những dấu chỉ lại mang tính biểu trưng nhiều hơn, ví dụ : giơ tay ra để đón nhận Mình Thánh Chúa, giơ cao Mình Thánh cho cộng đoàn chiêm ngắm và tung hô, bẻ Bánh Thánh, phân phát Bánh thánh cho người ta rước lễ, vv. Các cử chỉ này gắn liền với tác dụng nghi thức, nên ta phải tìm hiểu ý nghĩa của chúng trong các cử hành. Ta chỉ đề cập đến ở đây một số cử chỉ thường dùng :

a. Những cử chỉ đi kèm theo lời nói để nêu rõ giá trị của lời nói : chẳng hạn cử chỉ linh mục giơ tay về phía giáo dân để chào, giơ tay lên nài xin Thiên Chúa, hoặc đặt tay trên lễ vật trong kinh Epiclèse, cử chỉ mọi người đấm ngực để nói lên mình là tội nhân đang sám hối. (x. Lc 18,13 ; 23,45).

b. Những cử chỉ có tính cách biểu trưng, diễn tả một thực tại thuộc lãnh vực khác, chẳng hạn cử chỉ chúc bình an nói lên “sự hiệp thông cộng đoàn và lòng thương mến nhau” QCTQ, 82, cử chỉ ngước mắt nhìn lên (x. Ga 11,41 ; 17,1 ; Cv 7,55), cử chỉ nhìn đăm đăm (Lc 4,20 ; 6,20 ; Cv 5,5), nhìn xuống (Lc 18,23 ; 24,5). Những cử chỉ như thế phải có ý nghĩa, chẳng hạn cử chỉ linh mục rửa tay nói lên “lòng ao ước được thanh tẩy nội tâm” QCTQ, 76). Đặc biệt, cử chỉ bẻ bánh trong Thánh Lễ, không chỉ có một lý do thực tế, nhưng còn có ý nói lên rằng “các tín hữu tuy nhiều, nhưng vì cùng hiệp thông một bánh ban sự sống là Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại vì phần rỗi thế gian, nên trở thành một thân thể” (QCTQ, 83).

2. Một vài cử chỉ đặc biệt.

a. Những cử chỉ diễn tả thái độ kính trọng và tôn thờ, chẳng hạn cúi đầu hay cúi mình :

– Cúi đầu khi đọc danh Ba Ngôi, và tên thánh Chúa Giêsu, Đức Trinh Nữ Maria và vị thánh trong Thánh Lễ kính vị này ;

– Cúi mình hay cúi sâu khi chào kính bàn thờ, khi đọc các kinh “Lạy Thiên Chúa toàn năng xin thanh tẩy” và “Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin thương nhận”, khi đọc câu trong kinh Tin Kính “Bởi phép Chúa Thánh Thần”, khi đọc câu trong Kinh Tạ ơn I : “Chúng con nài xin Cha”. Thày phó tế cũng cúi mình khi xin phép lành trước lúc công bố Tin Mừng. Ngoài ra, vị tư tế cũng nghiêng mình một chút khi đọc các lời của Chúa lúc truyền phép (QCTQ, 275).

b. Xông hương (đốt trầm) : cử chỉ này rất thịnh hành trong các nghi lễ Đông phương, cũng như đã có từ xa xưa trong Phụng vụ của Môsê (Xh 30,1 ; Lc 1,8). Cử chỉ này là biểu tượng của kinh nguyện dâng lên trước thánh nhan Chúa (QCTQ, 75) và là dấu chỉ của lòng tôn kính (QCTQ, 276) như Thánh Kinh đã nói (x. Tv 140,2 ; Kh 8,3).

Quy chế tổng quát sách lễ Rôma 2000 đã giải thích ý nghĩa biểu tượng của việc xông hương nhu sau : “Vị tư tế có thể xông hương lễ phẩm đặt trên bàn thờ, sau đó thánh giá và chính bàn thờ, để nói lên rằng lễ phẩm và lời nguyện của Hội Thánh ví như hương trầm bay lên trước nhan Chúa. Sau đó, vị tư tế, vì thừa tác vụ thánh, và giáo dân, vì phẩm giá Phép Rửa, có thể được thầy phó tế hay người giúp lễ nào khác xông hương” (QCTQ 75).

c. Hôn: Theo người Do thái, hôn là dấu chỉ tôn thờ (Xh 31,27). Đối với người Kitô hữu, hôn trong Phụng vụ được coi là dấu chỉ tình yêu huynh đệ và hoà giải (Rm 16,16 ; 1Cr 16,20 ; 2Cr 13,12 ; 1Tx 5,26 ; 1Pr 5,14).

Trong Thánh Lễ, Phụng vụ dậy phải hôn sách Phúc âm và bàn thờ để tỏ lòng tôn kính (QCTQ, 49, 134, 273).Tuy nhiên, nếu cần, HĐGM có thể thay thế bằng cử chỉ khác tương đương, tùy theo văn hoá (QCTQ, 273, 390).

3. Những cử chỉ tay.

a. Giơ tay cầu nguyện

Đối với các kinh nguyện dành riêng cho linh mục, thì ít ra trong Thánh lễ, linh mục phải giơ tay mà đọc. Đây là cử chỉ cầu nguyện đã được thực hành từ thời xa xưa, được nhiều tác giả Kinh Thánh nói đến (Xh 9,29 ; Tv 27,2 ; 43,21, vv.). Như hình vẽ trong các hang toại đạo cho thấy, trong một thời gian dài, mọi tín hữu đã dùng cử chỉ này (1Tm 2,8).

Giơ tay cầu nguyện là cử chỉ khẩn cầu và tự hiến (x. Gr 65,2 ; Ac 1,17 ; Tv 118,48). Tertulianô và nhiều giáo phụ khác còn xem cử chỉ này như nhắc lại hình ảnh Đức Kitô trên thập giá.

b. Chấp tay cầu nguyện

Ít ra ở Tây phương, có thể đây là sự bắt chước cử chỉ của một thuộc hạ tỏ lòng kính trọng vị lãnh chúa của mình. Tuy nhiên ở Đông Á cũng có cử chỉ này, như cử chỉ tham thiền.

IV. THINH LẶNG VÀ KÊU LỚN TIẾNG TRONG CỬ HÀNH

1. Thinh lặng trong các buổi cử hành.

Buổi cử hành nào cũng có những lúc thinh lặng (PV 3) là vì người ta không thể nghe được Thiên Chúa trong tiếng ồn ào, nhưng trong thinh lặng (1V 19,11-13 ; Xh 8,1 ; Tv 130,2). Trong các buổi cử hành cũng như trong âm nhạc, thinh lặng giúp ta định rõ tiết điệu, làm tâm hồn ta khao khát và tận hưởng việc Chúa hiện diện.

Trong Phụng vụ có hai thứ thinh lặng : thinh lặng để nghe và thinh lặng để suy niệm. Thinh lặng để nghe bài đọc hoặc theo dõi tác động giúp mỗi người cảm nghiệm được ý nghĩa đầy đủ của lời nói, cử chỉ và bài hát. Thinh lặng để suy niệm Lời Chúa, để chuẩn bị cầu nguyện, để thống hối, để cảm tạ. Bản chất của sự thinh lặng tuỳ thuộc vào lúc phải giữ trong Thánh Lễ (QCTQ, 45).

Trong Phụng vụ Thánh Lễ, có nhiều hình thức thinh lặng :

– Thinh lặng giây lát trong nghi thức sám hối đầu Thánh lễ giúp ta hồi tâm (QCTQ, 51).
– Thinh lặng sau lời mời gọi của linh mục “chúng ta hãy cầu nguyện” giúp ta chuẩn bị cầu nguyện (QCTQ, 54)
– Thinh lặng sau bài đọc và sau bài giảng giúp ta suy gẫm vắn tắt những gì đã nghe (QCTQ, 56 ; 66)
– Thinh lặng sau mỗi ý nguyện của lời nguyện chung giúp cộng đoàn cầu nguyện (QCTQ, 71)
– Và nhất là sự thinh lặng lâu hơn sau khi rước lễ đưa ta vào tâm tình ca ngợi và cầu xin (QCTQ, 88)

2. Lời kêu xin và kinh cầu.

a. Lời kêu xin: nếu thinh lặng làm cho việc cầu nguyện riêng được tốt hơn, thì cộng đoàn lại thường cầu nguyện bằng cách kêu lớn tiếng, hoặc trong lời tung hô hoặc trong lời khẩn cầu

Kêu xin là một tiếng kêu khẩn nài. Lời và âm không giống với tiếng hát tung hô. Lời phải vắn tắt và âm phải linh động. Lời khẩn cầu phổ thông cổ xưa là kinh Kyrie eleison (Xin Chúa thương xót chúng con).

b. Kinh cầu: Lời kinh mang hình thức đối đáp, với những công thức ngắn. Sau một ý nguyện hay một lý do cầu xin được xướng lên, cộng đoàn lập lại một lời kêu xin khần cầu. Hình thức đon giản nhất của kinh cầu được thấy trong kinh “xin Chúa thương xót chúng tôi” (Kyrie eleison), trong lời nguyện cho mọi người, trong phần lời cầu của Giờ kinh Phụng vụ : Kinh Sáng và Kinh chiều.

Riêng về Kinh cầu các thánh (Litanie des saints) được hát hay đọc trong các buổi cử hành trọng thể, như trong Nghi thức ban các Bí tích khai tâm vào đêm vọng Phục sinh, các Thánh Lễ Truyền chức, thánh hiến trinh nữ, Cung hiến Thánh đường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *