Những điều cần lưu ý khi cử hành thánh lễ

Những Điều Cần Biết Trước Khi Cử Hành Thánh Lễ

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TRƯỚC
KHI CỬ HÀNH THÁNH LỄ

Vinhsơn Nguyễn Thế Thủ

Đại Chủng Viện Thánh Giuse
1999

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TRƯỚC
KHI CỬ HÀNH THÁNH LỄ

Mục Lục

CHỮ VIẾT TẮT

ĐT : Thánh Bộ Lễ Nghi 7-3-1965, “ Lễ Nghi phải giữ khi đồng tế”
IO : Huấn thị Inter Oecumenici, ngày 26-9-1964
GL : Giáo Luật 1983
NTAT : Nghi Thức An Táng 1972
NTGM : Nghi Thức Giám Mục “Coeremoniale Episcoporum 1984”
NTPC : Nghi Thức Phong Chức 1989
NTRT : Nghi Thức Rửa Tội Trẻ Nhỏ 1969
NTTS : Nghi Thức Thêm Sức 1971
NTXD : Nghi Thức Xức Dầu Bệnh Nhân 1972
PV : Hiến chế về Phụng vụ của Công Đồng Vatican II
QC : Quy Chế Tổng Quát về Sách Lễ Rôma 1975
QĐ : Quy Định Tổng Quát về Giờ Kinh Phụng Vụ
RM : Sách Lễ Rôma ấn bản việt ngữ 1992

A. NGHI THỨC THÁNH LỄ

I. Nghi thức đầu lễ

1. Ca nhập lễ:

Mục đích để mở đầu việc cử hành phụng vụ, giúp giáo dân hiệp nhất, hướng tâm hồn họ vào Mầu nhiệm sắp cử hành và đi kèm với cuộc rước của linh mục và người giúp lễ (QC 25, 83)

Ca nhập lễ có thể được hát hay đọc cho phù hợp với cử hành phụng vụ (ngày lễ hay mùa phụng vụ). Bản văn bài hát này phải được chuẩn nhận (QC 26).

Khi đi rước nên chắp tay để trước ngực (NTGM 107).

2. Chào và xông hương bàn thờ:

Linh Mục và các thừa tác viên cúi mình sâu trước bàn thờ (QC 84)

Có hai cách cúi: Cúi đầu và cúi mình (QC 234, NTGM 68, 69,70)

1. Cúi đầu: đối với tên Chúa Giêsu, tên Đức Maria và tên vị thánh được kính trong ngày.

2. Cúi mình: Trước bàn thờ; Mình Thánh Chúa; trước giám mục; trước và sau khi xông hương cho ai; lúc xin phép lành trước khi công bố Tin Mừng.

Sau khi chào bàn thờ, linh mục xông hương bàn thờ (nếu cần).

Có thể tùy nghi xông hương trong bất cứ hình thức thánh lễ nào, trừ những trường hợp cấm nói rõ trong các cử hành đặc biệt (ví dụ: lúc đọc TM trong Lễ Lá, Thứ Sáu Tuần Thánh…)

Những lúc cần xông hương: (QC 235-236; NTGM 84-98)

– Khi đi rước ra bàn thờ, (không mang bình hương khi đi rước về sau thánh lễ)

– Xông hương bàn thờ lúc đầu lễ,

– Khi đi rước Sách Tin Mừng và trước khi công bố Tin Mừng,

– Xông hương lễ vật, bàn thờ, chủ tế, đồng tế và dân chúng (chỉ cần xông hương chung cho các đồng tế một lần là đủ – NTĐT 31)

– Khi giơ Mình Thánh và Chén Thánh lên, sau lúc truyền phép.

Xông hương cách nào ? (NTGM 92)

– Xông hương ba lần, mỗi lần hai cú trước: Mình Thánh Chúa, Thánh Giá và Tượng Chúa, lễ vật, Sách Tin Mừng, Nến Phục Sinh, Chủ tế, đồng tế và dân chúng.

– Xông hương hai lần, mỗi lần hai cú trước: Di tích hay hình ảnh các thánh được để ra công khai cho chúng ta tôn kính.

3. Linh Mục làm dấu Thánh giá và chào dân chúng (QC 28)

Có ba mẫu chào đầu lễ trong Sách Lễ Rôma trang 566. Khi chào cộng đoàn, linh mục giang tay đọc một trong ba công thức trên. Linh mục có thể nói vài lời để dẫn ý cho cộng đoàn, hầu giúp họ chuẩn bị tâm hồn tham dự vào mầu nhiệm sắp được cử hành.

4. Nghi thức sám hối (QC 29)

Chọn một trong ba công thức sám hối của sách lễ Rôma (RM 422; 566-567);

Nếu dùng mẫu 1 (RM 422) với kinh thú tội, thì sau đó sẽ đọc kinh thương xót;

Nếu dùng hai mẫu khác ở tr 566-567 thì bỏ kinh thương xót (QC 30).

Có thể thay thế nghi thức sám hối bằng:

– Nghi thức làm phép và rảy nước thánh trong tất cả các lễ Chúa nhật (RM 1051)

– Các cuộc rước kiệu trọng thể với nghi thức riêng: Lễ Tro (RM 183), Lễ Lá (RM 244).

– Có thể bỏ phần sám hối khi đọc Giờ Kinh Phụng Vụ trong thánh lễ (Ca nhập lễ, lời chào của chủ tế, ca vịnh, kinh vinh danh, lời nguyện đầu lễ) (QĐ 94).

– Có thể thay đổi nghi thức sám hối để giúp cho người tín hữu tham dự cách tích cực vào mầu nhiệm sắp cử hành: (Bộ Phụng Tự, Chỉ Dẫn về Thánh Lễ cho Trẻ Em, 1/11/1973; số 40). Ví dụ:

a. Hai hay ba câu gợi ý sám hối trong tương quan với chủ đề thánh lễ. Cộng đoàn đáp bằng một câu thưa.

b. Lời gợi ý sám hối chung – Thinh lặng – Gợi ý – thinh lặng…

c. Lời gợi ý sám hối. Cộng đoàn hát một bài sám hối…

Nếu trong lời gợi ý đã dùng công thức theo dạng: “Xin Chúa thương xót chúng con”, thì không đọc lại kinh thương xót nữa.

Nên kết thúc nghi thức sám hối bằng lời nài xin Thiên Chúa tha tội, chẳng hạn: “Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời. Amen”.

5. Kinh vinh danh

Đọc hoặc hát kinh này trong các Chúa nhật trừ các Chúa nhật mùa vọng và mùa chay. Cũng đọc hoặc hát trong các lễ trọng và lễ kính và trong các dịp lễ đặc biệt long trọng (QC 31)

6. Lời nguyện nhập lễ (QC 32, 88)

Linh mục chắp tay mời gọi: “Chúng ta dâng lời cầu nguyện”

Cộng đoàn thinh lặng đôi chút

Linh mục giang tay đọc lời nguyện với câu kết dài

Cộng đoàn thưa: Amen

Trong thánh lễ có ba lời nguyện: Nhập lễ, dâng lễ và hiệp lễ. Vậy Chủ tế chỉ đọc: “Chúng ta dâng lời cầu nguyện” trước hai lời nguyện nhập lễ và hiệp lễ mà thôi (RM 423, 509).

7. Việc chọn lời nguyện nhập lễ (QC 323)

Bất cứ thánh lễ nào thì phải đọc lời nguyện riêng của thánh lễ ấy, trừ khi được chỉ thị các khác. Các lễ nhớ thì đọc lời nguyện riêng hoăc chung. Các lễ ngoại lịch thì chọn theo mẫu và mùa phụng vụ trong Sách lễ.

Những ngày trong mùa thường niên, có thể chọn một trong 34 bài lễ của các Chúa nhật thường niên, tùy theo nhu cầu mục vụ của giáo dân (RM 372).

Sau lời nguyện nhập lễ, mọi người ngồi nghe Lời Chúa. Khi ngồi, linh mục nên để hai lòng bàn tay úp trên đầu gối (NTGM 109)

II. Phụng vụ Lời Chúa

1. Các bài đọc kinh thánh được công bố tại giảng đài. Mọi người ngồi nghe (không cầm sách dò bài). Dứt bài đọc thì tung hô: Tạ ơn Chúa (QC 89)

Trong các Chúa nhật và lễ trọng có thể đọc một hoặc hai bài kinh thánh trước Phúc Âm, nhưng phải liệu sao đừng để thiệt thòi cho ích lợi thiêng liêng của giáo dân (HĐGM 11 – 1 – 1971; Bộ Phượng Tự, Chỉ dẫn về thánh lễ trẻ em, 1-11-1973, số 42; Quy Chế Sách Lễ Rôma 1975, số 318)

2. Thánh vịnh sau bài đọc phải liên quan với mỗi bài đọc, do đó việc lựa chọn tùy thuộc các bài đọc. Cũng có thể dùng một số Thánh Vịnh theo mùa phụng vụ hay theo từng loại vị thánh để giúp cộng đoàn hát hay đọc cho dễ (QC 36).

Người xướng Thánh Vịnh sẽ đứng ở giảng đài hay một nơi khác thuận tiện (QC 36, 272).

3. Ca tiếp liên đi sau bài đọc và trước Halleluia. Đọc ca tiếp liên trong hai lễ trọng: Phục Sinh và Hiện xuống, còn các lễ khác được tuỳ ý (QC 40)

Halleluia đi sau bài đọc kinh thánh hay ca tiếp liên, được hát hay đọc trong các mùa, trừ mùa chay (QC 38).

Đang lúc xướng Halleluia, linh mục bỏ hương. Kế đó, ngài chắp tay cúi mình trước bàn thờ và đọc: “Lạy Thiên Chúa toàn năng xin thanh tẩy tâm hồn và môi miêng con, để con công bố Tin Mừng của Chúa cho xứng đáng”. (QC 93)

4. Linh mục đọc Tin Mừng như thế nào ? (QC 95; NTGM 74, RM 425)

Ngài đứng ở giảng đài quay về phía dân chúng, tay chắp, chào dân chúng: Chúa ở cùng anh chị em, lấy ngón cái phải ghi dấu thánh giá chỗ đầu bài Tin Mừng và đọc: Tin Mừng Chúa Giêsu theo…, rồi ghi dấu thánh giá trên trán, miệng và ngực. Mọi người thưa: Lạy Chúa vinh danh Chúa, và cũng ghi dấu thánh giá trên mình cùng một cách thức. Sau đó linh mục xông hương ba lần, mỗi lần hai cú: giữa, trái và phải. Đọc xong TM, linh mục xướng: Đó là Lời Chúa, rồi hôn sách TM, Ngài đọc thầm: Nhờ những lời Tin Mừng vừa đọc, xin Chúa xóa tội chúng con.

5. Linh mục giảng tại ghế hay giảng đài tùy chọn (QC 97, 272)

Buộc phải giảng các Chúa nhật và lễ trọng khi có giáo dân tham dự, trừ khi có lý do quan trọng. Cũng nên giảng các lễ khác khi có giáo dân tham dự (QC 42; RM 425).

Bài giảng cần khai triển những gì ? (IO 54; QC 41)

– Một khía cạnh nào đó của các bài đọc kinh thánh.

– Một bản văn thuộc phần chung hay phần riêng của thánh lễ ngày đó.

Trong bài giảng cần lưu tâm đến mầu nhiệm được cử hành và nhu cầu của người nghe. Cũng cần làm nổi bật ý nghĩa các mùa phụng vụ trong năm.

6. Kinh tin kính

Do linh mục xướng trước tiên, kế đó cả cộng đoàn cùng tuyên xưng (IO 52 a)

Phải đọc kinh tin kính các Chúa nhật và lễ trọng. Cũng có thể đọc trong các dịp lễ khá trọng thể (QC 44)

Khi đọc kinh tin kính từ: “ Bởi phép Chúa Thánh Thần” đến “và đã làm người” mọi người cúi mình. Riêng hai lễ

Truyền Tin và Giáng Sinh thay vì cúi mình, mọi người sẽ qùy (RM 426; QC 98)

7. Lời nguyện chung

Nên có lời nguyện chung trong các thánh lễ có giáo dân tham dự (QC 45)

Chủ tế đọc lời dẫn (chắp tay) và lời nguyện kết thúc (giang tay)(IO 56; QC 47)

Các ý nguyện thường là: cho nhu cầu Hội Thánh, cho chính quyền và thế giới, cho những người đang gặp khó khăn, cho cộng đoàn địa phương. Cũng cần lưu tâm đến nhu cầu của buổi lễ đặc biệt hôm đó (QC 46)

Không nên vay mượn lời nguyện chung của người khác cách máy móc. Có thể tham khảo một số mẫu lời nguyện chung trong Sách Lễ Rôma việt ngữ 1992, trang 1056- 1066, rồi mỗi cộng đoàn tự soạn lời nguyện chung cho mình (tham khảo thêm “Lm Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ, Một vài quy tắc khi soạn lời nguyện chung hay lời nguyện cho mọi người, Đại Chủng Viện Thánh Giuse, Tp HCM, 1999).

III. Phụng vụ Thánh Thể

1. Chuẩn bị lễ phẩm

a. Trang trí bàn thờ: bàn thờ phải phủ một tấm khăn phù hợp với kích thước và sự bài trí (QC 268). Khi cử hành phụng vụ, cần có những đèn nến để tỏ lòng cung kính và mừng lễ. Đèn có thể để trên bàn thờ hay chung quanh bàn thờ, miễn sao đừng gây cản trở cho người giáo dân thấy những cử hành đang diễn ra tại đó (QC 269). Trên hay bên cạnh bàn thờ phải đặt một thánh giá mà cộng đoàn có thể nhìn thấy rõ ràng (QC 270).

b. Sửa soạn bàn thờ: Trải trên bàn thờ một khăn thánh (corporal), khăn lau chén (purificatoire), chén và dĩa thánh để dâng lễ (calice), các bình đựng bánh lễ cho giáo dân (ciboires) và sách lễ. (QC 49)

c. Tiếp nhận lễ vật: Các lễ vật là những tặng phẩm để đáp ứng nhu cầu thánh đường và cứu trợ người nghèo. Chỉ có bánh và rượu được dùng để thánh hiến mới đưa lên bàn thờ, còn các lễ vật khác phải để vào một nơi thuận tiện ngoài bàn thờ (QC 49, 101).

2. Dâng bánh rượu (QC 102 – 103; RM 427 – 428)

Linh mục hai tay nâng dĩa bánh cao một chút và đọc công thức: “Lạy Chúa là Chúa tể càn khôn…”. Giáo dân đáp: “Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời”. Sau đó, linh mục đặt đĩa bánh trên khăn thánh.

Tiếp theo, linh mục rót rượu và một chút nước vào chén thánh, đang khi đó ngài đọc thầm: “Cũng như giọt nước này hòa chung với rượu…”

Sau khi hòa nước vào rượu, linh mục trở về giữa bàn thờ và nâng chén thánh cao một chút rồi đọc công thức: “ Lạy Chúa là Chúa tể càn khôn…”, Giáo dân đáp: “Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời”. Rồi ngài đặt chén thánh lại trên khăn thánh.

Sau khi dâng bánh rrượu, linh mục cúi mình trước bàn thờ có lễ vật đọc thầm: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin thương nhận chúng con đang hết lòng khiêm nhường thống hối, và xin cho lễ tế chúng con dâng trước Tôn Nhan hôm nay được đẹp lòng Chúa”.

3. Xông hương lễ vật và rửa tay

Xông hương lễ vật theo kiểu đơn giản cũng giống như khi xông hương Phúc âm, tức là ba lần, mỗi lần hai cú; được chia ra như sau: giữa, trái và phải (NTGM 92).

Phải xông hương lễ vật trước rồi mới xông hương bàn thờ và thánh giá sau. Khi xông hương bàn thờ thì đi từ phía phải sang phía trái, và sẽ xông hương thánh giá khi đi ngang nơi đặt thánh giá (NTGM 93).

Sau khi xông hương, linh mục rửa tay, đang lúc đó ngài đọc thầm: “Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con đã phạm, xin Ngài thanh tẩy”. Rửa tay xong, ngài trở về giữa bàn thờ, quay về phía giáo dân, giang tay mời gọi: “Anh chị em hãy cầu nguyện, để lễ vật của tôi cũng là của anh chị em…” (RM 428)

4. Lời nguyện tiến lễ

Linh mục giang tay đọc lời nguyện tiến lễ với câu kết ngắn. Không bắt đầu lời nguyện với câu: “Chúng ta dâng lời cầu nguyện” (QC 32, 107; RM 428). Giáo dân thưa: Amen.

5. Lời tiền tụng (QC 108, RM 429)

Linh mục giang tay đọc: “Chúa ở cùng anh chị em”. Kế đó ngài nâng hai tay cao và đọc: “Hãy nâng tâm hồn lên”. Rồi giữ nguyên hai tay dang, ngài đọc tiếp: “Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta”. Sau đó ngài giang tay tiếp tục đọc lời tiền tụng cho đến hết.

Linh mục chắp tay cùng với giáo dân hát hoặc đọc: Thánh Thánh Thánh.

Cần lưu ý: Các lễ trọng thường có lời tiền tụng riêng đi liền với bản văn của các lời nguyện khác của lễ trọng đó. Các mùa phụng vụ đặc biệt như Phục Sinh, Chay, Giáng Sinh và Vọng sẽ có những chỉ dẫn cụ thể trong từng thánh lễ. Một số lễ kính cũng có lời tiền tụng riêng, nhưng nếu không có, thường Sách Lễ Rôma sẽ chỉ cho biết chọn mẫu lời tiền tụng nào. Lễ nhớ chung các thánh thường không có lời tiền tụng riêng, nhưng sẽ theo mẫu chung của loại thánh mà chúng ta muốn mừng. Các lễ ngoại lịch cũng theo quy luật trên, nghĩa là nếu mừng lễ mà có lời tiền tụng riêng thì dùng lời tiền tụng đó, nếu không sẽ chọn lời tiền tụng theo loại của lễ muốn mừng.

Được phép hát lời tiền tụng và phải tôn trọng bản văn của lời tiền tụng đã được phê chuẩn (RM 429).

6. Các kinh tạ ơn

Có bốn kinh tạ ơn thông thường (RM 483 – 504); Ngoài ra còn một số kinh tạ ơn cho các dịp đặc biệt như:

– Hai kinh tạ ơn cho thánh lễ hòa giải (RM 511 – 518)

– Ba kinh tạ ơn cho thánh lễ trẻ em (RM 519 – 532)

– Bốn kinh tạ ơn cho các dịp đặc biệt của Giáo Hội và thế giới (RM 533 – 554).

7. Cách thức đọc các kinh tạ ơn

Kinh tạ ơn I, II và III có thể đọc với bất cứ lời tiền tụng nào, miễn là lời tiền tụng đó phải hợp với lễ kính và mùa phụng vụ (QC 322 a,b,c)

Kinh tạ ơn IV có lời tiền tụng riêng, không thay đổi. Do đó khi xử dụng kinh này thì phải đọc tất cả, chứ không thể bỏ lời tiền tụng mà chỉ giữ lại phần sau (QC 322 d).

Khi dùng các kinh tạ ơn có lời tiền tụng riêng (trừ kinh tạ ơn II), thì phải giữ nguyên lời tiền tụng riêng đó, cả trong thánh lễ đáng lẽ phải dùng lời tiền tụng theo mùa (QC 322 đ)

8. Phần tường thuật Chúa lập phép Thánh Thể

– Khi nài xin Chúa Thánh Thần xuống của lễ, linh mục đặt hai tay trên lễ vật, lòng bàn tay hướng về lễ vật.

– Khi đọc công thức truyền phép, linh mục cầm bánh hay chén thánh nâng lên một chút, hơi cúi mình và đọc chậm rãi công thức đã định.

– Sau mỗi lần truyền phép Mình hay Máu Chúa, linh muc đưa cao Mình hay Máu Chúa cho giáo dân thấy để mọi người tôn thờ. Kế đó linh mục đặt Mình hay Máu Chúa lại trên khăn thánh, rồi chính ngài sẽ cúi mình sâu để thờ lạy.

– Sau khi truyền phép Mình và Máu Chúa xong, chính chủ tế sẽ cất lời tung hô: “Đây là Mầu Nhiệm Đức tin”.

9. Các lời chuyển cầu

Linh mục giang tay đọc các lời chuyển cầu. Phó tế hay giáo dân không được phép đọc các lời nguyện trong thánh lễ, nhất là kinh tạ ơn hay làm những việc chỉ dành riêng cho linh mục chủ tế (GL 907)

Không ai được phép tự tiện thay đổi, thêm bớt điều gì trong kinh tạ ơn nếu không được Sách Lễ hay Tòa Thánh dự trù trong những phần được phép thích nghi (PV 22; QC 10).

10. Việc xướng tên giám mục

Tên của Giám Mục hay Đấng bản quyền giáo phận phải được xướng lên trong lời cầu xin. Cũng được phép xướng tên các giám mục phó hay phụ tá (QC 109).

Khi thánh lễ được cử hành trong một giáo phận khác cho giáo dân thuộc giáo phận mình, chẳng hạn khi đi hành hương, du lịch, nghỉ mát… thì sẽ xướng tên giám mục của mình trước rồi đến tên giám mục địa phương sau (A. Bugnini, TTK Bộ Phượng Tự, 9-10-1972. Cf. Báo Phụng vụ 16, 6/1973, tr 5)

11. Vinh tụng ca

Linh mục cầm dĩa với Bánh và Chén Thánh, nâng cả hai lên và tung hô: “Chính nhờ Đức Kitô…”. Mọi người thưa: Amen

Sách Lễ không dự trù cho người giáo dân cùng đọc vinh tụng ca với linh mục chủ tế, mà họ chỉ đáp lại lời tung hô đó bằng tiếng Amen. Do đó cần tôn trọng quy luật này của phụng vụ (QC 55 h).

12. Kinh Lạy Cha

Sau vinh tụng ca, linh mục chắp tay đọc lời nhắn nhủ trước kinh Lạy Cha, rồi giang tay đọc kinh Lạy Cha cùng với giáo dân (QC 110, RM 506)

13. Đọc kinh Lạy Cha xong,

một mình linh mục giang tay đọc kinh: “Lạy Cha xin cứu chúng con…” rồi cũng giang tay đọc kinh: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã nói với các Tông Đồ rằng…” (QC 111-112, RM 506-507)

Kế đó, linh mục giang tay, rồi chắp lại hướng về giáo dân chúc bình an: “ Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em”(QC 112, RM 507)

Có thể tùy nghi mời gọi giáo dân chúc bình an cho nhau (QC 112)

Cách thức chúc bình an là: chủ tế chắp tay cúi đầu chào giáo dân, đồng thời giáo dân hai bên quay vào nhau cúi đầu chào (HĐGM 8-1-1970)

14. Kinh Chiên Thiên Chúa (QC 56, 113-115, RM 507-508)

Linh mục bẻ Mình Thánh và bỏ một phần nhỏ vào Chén Thánh, và đọc thầm công thức: “Xin Mình và Máu Chúa Giêsu…”. Sau đó Ngài cũng đọc thầm kinh: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, con sắp rước Mình và Máu Thánh Chúa…”
Đang lúc linh mục bẻ Bánh Thánh, thì giáo dân đọc kinh Chiên Thiên Chúa.

Sau khi bỏ một phần nhỏ Bánh Thánh vào Chén Máu Chúa cũng như đọc các kinh liên hệ, linh mục cúi mình sâu để thờ lạy trước khi cầm Bánh Thánh nâng trên dĩa, quay về phía giáo dân và đọc: “ Đây Chiên Thiên Chúa…”. Linh mục sẽ giữ Mình Thánh Chúa trên cao cho đến khi giáo dân đọc xong kinh: “Lạy Chúa con chẳng đáng…” rồi mới để Mình Chúa xuống khăn thánh và rước lễ.

15. Rước lễ (QC 116, RM 508-509)

Khi rước Mình Chúa, linh mục đọc: “Xin Mình Thánh Chúa Kitô gìn giữ con, cho con được sống muôn đời”. Khi rước Máu Chúa, linh mục đọc: “Xin Máu Thánh Chúa Kitô gìn giữ con, cho con được sống muôn đời”.

Nên cho giáo dân rước Mình Thánh được truyền phép ngay trong thánh lễ vừa được cử hành (QC 56 h).

Đang khi giáo dân rước lễ thì hát ca hiệp lễ. Bài ca hiệp lễ phải diễn tả sự đồng tâm hiệp nhất, niềm vui, tình huynh đệ của những người được rước Mình Thánh Chúa (QC 56 i).

16. Tráng chén và lời nguyện hiệp lễ

Sau khi rước lễ, linh mục thu lại các mụn Bánh Thánh và tráng chén. Có thể tráng chén ngay trên bàn thờ, hoặc tại một bàn phụ, hoặc sau thánh lễ (QC 120).

Rước lễ xong, có thể giữ một thời gian thinh lặng để cầu nguyện, hoặc hát một Thánh Vịnh hay bài ca tạ ơn nào đó (QC 56 k, 121).

Linh mục kết thúc phụng vụ Thánh Thể bằng lời nguyện hiệp lễ, ngài đứng tại bàn thờ hay tại ghế rồi giang tay đọc lời nguyện. Lời nguyện hiệp lễ được bắt đầu bằng câu: “Chúng ta dâng lời cầu nguyện” và được kết thúc bằng câu kết ngắn. (QC 32, 122, RM 509)

IV. Nghi thức kết thúc

1. sau lời nguyện hiệp lễ (QC 123, RM 510).

Linh mục có thể loan báo điều gì đó cho giáo dân sau lời nguyện hiệp lễ.

2. Lời Chào và chúc lành (QC 123-124, RM 510 và 575-594)

Linh mục giang tay rồi chắp lại để chào giáo dân: “ Chúa ở cùng anh chị em”. Sau đó ngài ban phép lành, bằng cách đưa tay phải lên cao vẽ thành một hình thánh giá trước mặt dân chúng và đọc công thức: “Xin Thiên Chúa toàn năng là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em”.

Trong một số lễ trọng và lễ đặc biệt sẽ có công thức riêng, linh mục cần chuẩn bị trước để chúc lành cho dân chúng (Sách Lễ Rôma trang 575-594).

3. Giải tán (QC 124-126, RM 510)

Linh mục chắp tay quay về phía giáo dân và nói: “Lễ đã xong chúc anh chị em ra về bình an”.

Sau đó linh mục hôn bàn thờ rồi cúi mình chào bàn thờ và ra về.

Nếu ngay sau thánh lễ còn có một cử hành phụng vụ nào khác, thì bỏ nghi thức kết thúc, tức là bỏ lời chào, lời chúc lành và giải tán dân chúng.

B. THÁNH LỄ ĐỒNG TẾ

I. Luật dâng lễ đồng tế

Giáo Hội đề cao việc dâng lễ đồng tế, tuy nhiên việc ấn định quy luật đồng tế trong giáo phận thuộc quyền của giám mục (PV 57, QC 155)

Các linh mục được tự do dâng lễ riêng, tuy nhiên không bao giờ được phép dâng hai thánh lễ khác nhau trong cùng một lúc và ở cùng một nhà thờ. Cũng không được phép dâng lễ riêng ngày thứ Năm Tuần Thánh (PV 57, ĐT 1).

Khi thánh lễ đã bắt đầu, không được phép tiếp nhận ai vào đồng tế nữa (ĐT 8, QC 156)

Không được phép đồng tế trong các dịp lễ cưới, lễ giỗ, lễ an táng…trừ khi là các lễ an táng linh mục, tu sỹ hay cha mẹ các vị ấy (HĐGM 12-01-1972; cf. Báo Phụng Vụ số 8, 2/1972, tr 9

II. Thể thức chung khi dâng lễ đồng tế

Mọi thánh lễ đồng tế phải cử hành theo những quy luật của thánh lễ cử hành một mình, trừ những gì luật đồng tế chỉ rõ phải làm cách khác (QC 159)

III. Phẩm phục đồng tế

Các vị đồng tế sẽ mặc phẩm phục như khi dâng lễ một mình, nhưng khi có lý do chính đáng, thì mình vị chủ tế mặc đầy đủ phẩm phục, còn các vị đồng tế sẽ mặc áo dài trắng và dây các phép theo màu của mùa phụng vụ (QC 161; ĐT 12)

Khi không đủ dây màu theo mùa phụng vụ, thì màu trắng có thể thay thế cho các màu khác (ĐT 12)

Màu tím có thể thay thế màu đen trong thánh lễ cầu cho người qua đời (QC 308 d)

IV. Nghi thức đầu lễ

Chủ tế và đồng tế đi rước tới bàn thờ, các ngài bái chào và hôn bàn thờ như khi dâng lễ một mình (QC 163)

V. Phụng vụ Lời Chúa

Các vị đồng tế ở tại ghế và đứng ngồi như vị chủ tế (QC 164)

VI. Phụng vụ Thánh Thể

Các vị đồng tế không nên đứng qúa đông trên bàn thờ, cần sắp xếp thế nào để không cản trở giáo dân thấy việc cử hành đang diễn ra trên bàn thờ (QC 167)

Trong kinh tạ ơn, những phần mà các vị đồng tế được phép đọc chung với chủ tế, thì các ngài phải đọc nhỏ tiếng và phải để tiếng của vị chủ tế được nghe rõ hơn (QC 170)

Khi đọc kinh xin ơn thánh hóa trên lễ vật, các đồng tế giơ hai tay về phía lễ vật, lòng bàn tay úp xuống (ĐT 39 a, QC 174 a, 180a, 184 a, 188a)

Khi đọc lời truyền phép Mình và Máu Chúa, nếu thuận tiện, các đồng tế đưa tay mặt về phía Bánh và Chén Thánh, lòng bàn tay quay ngang (ĐT 39 c, QC 174 c, 180 c, 184 c, 188 c; Notitiae 1, 1965, tr 143. Tham chiếu R. Cabié, LEucharistie, trong LEglise en prière, tome 2 của A.G. Martimort, Desclée 1983, tr 245 )

Sau mỗi lần truyền phép Mình hay Máu Chúa, tất cả mọi người sẽ hướng mắt lên Bánh hay Chén Thánh rồi cúi mình sâu để thờ lạy (ĐT 39 c, QC 174c, 180c, 184c, 187c)

Sau khi truyền phép, có thể để cho một hoặc hai vị đồng tế thay phiên đọc những lời chuyển cầu theo chỉ dẫn của Sách Lễ. Vị đồng tế sẽ giang tay đọc đến hết phần đã được chỉ định, trong khi đó các vị đồng tế khác đứng chắp tay và lắng nghe (ĐT 40, QC 175, 181, 185, 189).

Các vị đồng tế sẽ đọc hay hát Vinh tụng ca với chủ tế (ĐT 42, QC 191).

VII. Nghi thức hiệp lễ (ĐT 43, QC 192)

Chủ tế sẽ chắp tay và đọc lời nhắn nhủ trước kinh Lạy Cha, sau đó ngài sẽ giang tay đọc kinh này cùng với các đồng tế và giáo dân.

Những phần tiếp theo sau kinh Lạy Cha sẽ diến tiến như thánh lễ bình thường, và các việc này sẽ do vị chủ tế đảm nhận.

Cử chỉ trao ban bình an giữa các vị đồng tế là cúi đầu chào nhau (HĐGM 8-1-1970)

Các vị đồng tế sẽ rước Chúa dưới hai hình.

VIII. Nghi thức kết lễ

Chủ tế làm mọi việc cho tới cuối lễ như thường, còn các vị đồng tế đứng tại chỗ. Trước khi rời bàn thờ, chủ tế hôn kính bàn thờ. Cần lưu ý, Quy Chế Sách Lễ Rôma không dự liệu cho các đồng tế hôn bàn thờ cuối lễ (QC 207-208)

C. LINH MỤC ĐƯỢC PHÉP SÁNG TÁC NHỮNG CÔNG THỨC NÀO TRONG THÁNH LỄ

1. Những lời kêu mời sau đây vị chủ tế được tự do xếp đặt: (QC 11, 41, 47)

– Lời mời gọi đầu lễ sau khi chào giáo dân,

– Trước các bài đọc trong phụng vụ Lời Chúa,

– Bài giảng lễ,

– Lời mời gọi và kết thúc của Lời nguyện chung,

– Trước lời Tiền Tụng để dẫn vào Kinh Tạ Ơn,

– Sau lời nguyện hiệp lễ và trước khi giải tán dân chúng.

2. Những lời kêu mời đã có sẵn trong Sách Lễ nhưng xét theo bản chất không buộc phải đọc nguyên văn, do đó có thể thích thi với hoàn cảnh cụ thể (QC 11). Những lời kêu mời này giống như “những bản mẫu”, để dựa vào đấy mà chủ tế thích ứng với cộng đoàn phụng vụ. Đó là những lời kêu mời:

– Lời kêu mời thống hối: “Anh chị em hãy nhìn nhận tội lỗi…”

– Lời kêu mời trước kinh nguyện Thánh Thể: “Anh chị em hãy cầu nguyện để…”

– Lời kêu mời trước kinh Lạy Cha: “Vâng lệnh Chúa Cứu Thế…”

(Hồng Y Arthur Tabera, Tổng Trưởng Bộ Phượng Tự, 27-4-1973 gởi các Chủ Tịch HĐGM; Báo Phụng Vụ 17, 8/1973, tr 12)

D. CÁCH GIỮ TAY TRONG PHỤNG VỤ

I. Chắp tay

Chắp tay là giữ tay chắp lại để trước ngực, ngón phải đè lên ngón trái theo hình thánh giá. Nên chắp tay mỗi khi cử hành phụng vụ, lúc đi rước hay đi đứng trên cung thánh, trừ khi đang phải mang vật gì (NTGM 107).

II. Giang tay

Trong truyền thống Giáo Hội, mỗi khi giám mục hay linh mục đọc các lời nguyện thì đứng, đồng thời nâng và dang hai tay ra (NTGM 104).

Trong thánh lễ, những lúc linh mục giang tay: lời nguyện đầu lễ, lời nguyện kết của lời nguyện chung, lời nguyện tiến lễ, lời mở đầu và kinh tiền tụng, lời chuyển cầu trong kinh Tạ Ơn, kinh Lạy Cha, các lời nguyện của linh mục sau kinh Lạy Cha và trước khi chúc bình an cho dân chúng và lời nguyện hiệp lễ.

* Giang tay ra rồi chắp lại khi nào ?

Lời chào đầu lễ: “Chúa ở cùng anh chị em”, lời chúc bình an sau kinh Lạy Cha: “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em” và lời chào kết lễ: “Chúa ở cùng anh chị em”.

III. Giơ hai tay (NTGM 105-106)

Giơ hai tay trên dân chúng để chúc lành, đặc biệt khi đọc các công thức chúc lành trọng thể để kết thúc thánh lễ (NTGM 105, RM 575)

Chủ tế và đồng tế cùng giơ hai tay trên lễ vật và các vị đồng tế đọc chung lời nguyện với chủ tế để nài xin ơn Thánh Thần trước lúc truyền phép (Nghi thức thánh lễ đồng tế).

Các linh mục đồng tế thinh lặng giơ hai tay đặt trên đầu các tiến chức linh mục trong thánh lễ phong chức linh mục (NTPC 130, 158).

Các linh mục đồng tế thinh lặng giơ hai tay về phía các thụ nhân của bí tích thêm sức, trong khi đó chỉ mình giám mục đọc lời nguyện (NTTS 25)

IV. Giơ tay phải

Ban phép lành cho giáo dân khi kết thúc bất cứ buổi cử hành phụng vụ nào: thánh lễ, giờ kinh…

Ban phép lành trên các sự vật theo nghi thức các á bí tích.

Đưa về phía Dầu Thánh khi giám mục đọc lời nguyện thánh hiến dầu vào Lễ Dầu Thứ Năm Tuần Thánh.

Đưa về phía Bánh hay Chén Thánh lúc truyền phép: lòng bàn tay đưa quay ngang. (Notitiae 1, 1965, tr 143. Tham chiếu R. Cabié, LEucharistie, trong LEglise en prière, tome 2 của A.G. Martimort, Desclée 1983, tr 245)

V. Ngón cái tay phải

Để ghi hình thánh giá lúc đọc Tin Mừng hay trên mình (RM 425)

Để ghi hình thánh giá cho những người sắp nhận bí tích thánh tẩy (NTRT 40)

Để xức dầu trong các bí tích thánh tẩy, thêm sức, truyền chức và xức dầu bệnh nhân (NTRT 125, NTTS 27, NTPC 161, NTXD 76)

E. PHẨM PHỤC THÁNH

I. Phẩm phục chung

Mọi thừa tác viên khi thi hành nhiệm vụ trong cử hành phụng vụ cần mặc áo dài trắng với dây thắt lưng, trừ khi áo được may không cần dây.

Không được lấy áo các phép (surplis) thay áo dài trắng (aube), rồi sau đó mặc áo lễ (chasuble) hay đeo dây cổ (étole) bên ngoài (QC 297).

II. Trang trí phẩm phục thánh

Việc trang trí không hệ tại do đính nhiều thứ rườm rà, mà lệ thuộc chất liệu và hình thức. Những hình ảnh hay biểu tượng trên phẩm phục phải có nội dung linh thánh, và phải tránh những gì bất xứng với tính cách đó (QC 306).

III. Phẩm phục khi đồng tế

Các vị đồng tế sẽ mặc lễ phục như khi dâng lễ một mình, nhưng khi có lý do chính đáng, có thể các ngài chỉ mặc áo dài trắng với dây cổ, còn vị chủ tế thì mặc đầy đủ như khi dâng lễ một mình (QC 161)

Cấm không được mang dây cổ trên áo dòng đen (soutane) khi đồng tế. Tuyệt đối cấm mang dây cổ trên y phục đời để cử hành thánh lễ hay cử hành các bí tích khác. (A. Bugnini, TTK Bộ Phụng Tự, 29-7-1974, Báo phụng vụ 25, 12/1974, tr 6)

IV. Phẩm phục khi đi xa

Được phép mặc áo lễ mà không có áo dài trắng. Áo lễ này phải may làm sao trùm cả thân xác đến gót chân, rồi bên ngoài mang dây đeo cổ. Áo lễ có thể luôn luôn cùng một mầu, còn dây cổ sẽ thay đổi theo mùa và ngày phụng vụ. Tuy nhiên chỉ xử dụng loại áo lễ này khi thật cần thiết và có phép của HĐGM (A. Bugnini, Báo phụng vụ 25, 12/1974, tr 6)

F. QUY LUẬT VỀ VIỆC LỰA CHỌN THÁNH LỄ THEO NHU CẦU

I. Phân loại (QC 329)

Các lễ theo nhu cầu có ba loại:

– Những lễ có nghi thức riêng, tức là những thánh lễ đi đôi với việc cử hành một bí tích hay một á bí tích nào đó (thêm sức, truyền chức, hôn phối, chúc phong viện phụ, khấn dòng…)

– Những lễ cho nhu cầu khác nhau theo hoàn cảnh, hay vào từng thời kỳ nhất định.

– Những lễ ngoại lịch do lòng đạo đức của giáo dân để kính nhớ những mầu nhiệm của Chúa, Đức Maria hay các thánh.

II. Các trường hợp cấm cử hành hoặc cho phép

1. Luật cấm cử hành bất cứ lễ nào theo nhu cầu, kể cả lễ an táng, trong các trường hợp sau đây:

– Tam nhật Vượt Qua tưởng niệm cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Đức Kitô,

– Các lễ trọng buộc (Giáng sinh, Hiển Linh, Thăng Thiên và Hiện Xuống)

– Các Chúa nhật Mùa Vọng, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh. (Lịch công giáo 1998-1999, tr 11)

2. Chỉ có lễ an táng mới được phép cử hành khi gặp phải các lễ sau:

– Các lễ trọng không buộc,

– Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời,

– Thứ Hai, Thứ Ba và Thứ Tư Tuần Thánh,

– Các ngày trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh.

3. Lễ an táng, hoặc lễ có nghi thức riêng, hoặc lễ do lệnh của Đấng Bản Quyền địa phương được phép cử hành khi gặp phải các lễ sau đây:

– Các Chúa nhật Mùa Giáng Sinh và Mùa Thường Niên,

– Các lễ kính.

4. Lễ an táng, hoặc lễ có nghi thức riêng hoặc lễ do lệnh của Đấng Bản Quyền địa phương hoặc lễ cầu hồn khi vừa được tin người chết, hoặc lễ giỗ đầu được phép cử hành khi gặp các lễ sau đây:

– Các ngày từ 17 đến 24 tháng 12 (giai đoạn 2 của Mùa Vọng)

– Các ngày trong Tuần Bát nhật Giáng Sinh,

– Các ngày thường trong Mùa Chay.

5. Lễ an táng, hoặc lễ có nghi thức riêng , hoặc lễ do lệnh của Đấng Bản Quyền địa phương, hoặc lễ cầu hồn khi vừa được tin người chết, hoặc lễ giỗ đầu, hoặc lễ tùy nhu cầu theo sự xét đoán của linh mục chủ tế hay vị phụ trách thánh đường được phép cử hành khi gặp các lễ sau đây:

– Các lễ nhớ bắt buộc,

– Các ngày thường từ đầu Mùa Vọng cho đến hết ngày 16 tháng 12 (giai đoạn 1 của Mùa Vọng),

– Các ngày thường trong mùa Giáng Sinh kể từ ngày 2 tháng 1,

– Các ngày thường trong Mùa Phục Sinh sau Tuần Bát Nhật.

6. Lễ an táng, hoặc lễ có nghi thức riêng , hoặc lễ do lệnh của Đấng Bản Quyền địa phương, hoặc lễ cầu hồn khi vừa được tin người chết, hoặc lễ giỗ đầu, hoặc lễ tùy nhu cầu theo sự xét đoán của linh mục chủ tế hay vị phụ trách thánh đường, hoặc lễ theo nhu cầu của lòng đạo đức giáo dân, hoặc lễ cầu hồn hằng ngày được phép cử hành khi gặp các lễ sau đây:

– Các lễ nhớ không bắt buộc,

– Các ngày thường trong Mùa Thường Niên.

G. QUY LUẬT VỀ VIỆC CỬ HÀNH THÁNH LỄ HÔN PHỐI

(Trích yếu từ “Sách Nghi thức giám mục”, ấn bản 1984 số 603 và “Nghi thức hôn phối”, bản dịch việt ngữ 1996 của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, số 11. Cf. Lịch công giáo 1998-1999, tr 8)

1. Không được phép cử hành thánh lễ hôn phối trong những ngày sau đây:

– Các lễ trọng buộc cũng như không buộc,

– Các Chúa nhật Mùa vọng, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh,

– Lễ Tro và các ngày trong Tuần Thánh,

– Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời (2/11),

– Các ngày trong Tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh.

Khi gặp những ngày này, buộc phải cử hành bản văn phụng vụ và đọc tất cả các bài Sách Thánh của ngày lễ hôm đó. Tuy nhiên vẫn đọc lời cầu nguyện cho đôi tân hôn sau kinh Lạy Cha và lời chúc lành riêng cho họ vào cuối lễ (RM 845-858).

2. Có thể cử hành thánh lễ hôn phối khi trùng với các Chúa nhật Mùa Giáng Sinh và Mùa Thường Niên, với điều kiện:

– Nếu thánh lễ Chúa nhật đó có cộng đồng giáo xứ tham dự, thì cử hành bản văn phụng vụ của lễ Chúa nhật, nhưng trong số các bài đọc có thể đọc một bài về hôn phối.

– Nếu thánh lễ Chúa nhật này không có cộng đồng giáo xứ tham dự (mà chỉ có những người thuộc gia đình hôn lễ) thì được phép cử hành toàn bộ bản văn và bài đọc của thánh lễ hôn phối.

H. QUY LUẬT VỀ VIỆC DỜI CÁC LỄ TRỌNG

1. Phân loại: Các loại lễ trọng được phân ra: (RM 97)

– Lễ trọng kính Chúa, Có 16 lễ trọng và kính Chúa trong lịch chung:

– 10 lễ trọng (Phục Sinh, Giáng Sinh(25/12), Lên Trời, Hiện Xuống, Ba Ngôi, Mình Máu Thánh, Thánh Tâm, Truyền Tin (25/3), Hiển Linh, Kitô Vua)

– 6 lễ kính (Gia Thất, Dâng Chúa vào Đền Thánh (2/2), Chúa chịu Phép Rửa, Biến Hình (6/8), Suy Tôn Thánh Giá (14/9), Cung Hiến Đền Thờ Latran (9/11).

– Lễ trọng kính Đức Me Có 13 lễ trọng, kính và nhớ về Đức Mẹ trong lịch chung:

– 3 lễ trọng: Mẹ Thiên Chúa (1/1), Mông Triệu (15/8), Vô Nhiễm Nguyên tội (8/12)

– 2 lễ kính: Đức Maria thăm Bà Elisabét (31/5), Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria (8/9),

– 5 lễ nhớ bắt buộc: Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ (thứ bảy tuần thứ ba sau lễ Hiện Xuống), Đức Maria Nữ Vương (22/8), Đức Mẹ Sầu Bi (15/9), Đức Mẹ Mân Côi (7/10), Đức Mẹ Dâng Mình Trong Đền Thờ (21/11)

– 3 lễ nhớ tự do: Đức Mẹ Lộ Đức (11/2), Đức Mẹ núi Cát Minh (16/7), Cung Hiến Đền Thờ Đức Bà Cả (5/8) và các Thánh Có 21 lễ trọng và kính các thánh trong lịch chung:

– 4 lễ trọng: Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Maria (19/3), Sinh Nhật Gioan Tẩy Giả (24/6), Phêrô và Phaolô, Tông Đồ (29/6), Các Thánh Nam Nữ (1/11)

– 17 lễ kính: Phaolô Tông Đồ trở lại (25/1), Lập Tông Tòa Thánh Phêrô (22/2), Máccô, Tác Giả Tin Mừng (25/4), Philiphê và Giacôbê Tông Đồ (3/5), Matthia, Tông Đồ (14/5), Tôma, Tông Đồ (1/7), Giacôbê, Tông Đồ (25/7), Lôrensô, Phó Tế Tử Đạo (10/8), Batôlômêô, Tông Đồ (24/8), Matthêu, Tông Đồ Thánh Sử (21/9), Các Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Gabriel và Raphael (29/9), Luca Thánh Sử (18/10), Simon và Giuda, Tông Đồ (28/10), Anrê, Tông Đồ (30/11), Têphanô, Tử Đạo Tiên Khởi (26/12), Gioan, Tông Đồ Thánh Sử (27/12), Các Thánh Anh Hài (28/12). có ghi trong lịch chung (tức lịch phụng vụ trong Sách Lễ Rôma, trang 100-111)

– Lễ trọng riêng (lễ kính tước hiệu nhà thờ, thánh bổn mạng, cung hiến nhàthờ…)

2. Không được phép cử hành các lễ trọng khi các lễ này trùng với các Chúa nhật Mùa Vọng, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh. Trong trường hợp này, để khỏi bị mất lễ trọng đó, Giáo Hội cho phép dời lễ trọng này vào ngày thứ hai ngay sau Chúa nhật bị trùng lễ, chứ không phải ngày thứ bảy như những quy định cũ (Bộ Phụng Tự, 22-4-1990).

3. Được phép cử hành các lễ trọng ghi trong lịch chung, khi các lễ này trùng vào các Chúa nhật Mùa Thường Niên và Mùa Giáng Sinh (vd: Lễ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô 29/6). Các lễ kính Chúa có ghi trong lịch chung (vd: Dâng Chúa trong Đền Thánh 2/2, Chúa Biến hình 6/8, Suy tôn Thánh Giá 14/9, Cung Hiến Đền Thờ Latran 9/11) và lễ cầu cho mọi tín hữu đã qua đời 2/11, có vị trí ưu tiên trên các Chúa Nhật Mùa Thường Niên và Mùa Giáng Sinh (xem Bảng thứ tự ưu tiên các lễ, RM 96-98).

4. Được phép cử hành các lễ quen gọi là “kính trọng thể” vào các Chúa nhật Mùa Thường Niên và Mùa Giáng Sinh; nghĩa là các lễ này đã được mừng theo lịch chung ở trong tuần rồi, nhưng vì lợi ích mục vụ cho giáo dân, có thể được mừng lại cách trọng thể hơn, một lần nữa vào Chúa nhật Thường Niên kế đó, miễn là phải tôn trọng thứ tự ưu tiên được sắp xếp trong bảng chỉ dẫn của sách Lễ Rôma (tr 97). Ví dụ các lễ trọng hay lễ kính nằm trong danh mục số 3, 4, 5. Các lễ trọng như: Thánh Tâm Chúa, Mẹ Thiên Chúa (1/1), Mẹ lên Trời (15/8), Mẹ Vô Nhiễm (8/12), Các Thánh (1/11), Phêrô và Phaolô (29/6), Sinh Nhật Gioan tẩy giả (24/6)… Các lễ kính như: Chúa Biến hình (6/8), Suy Tôn Thánh giá (14/9), Cung hiến nhà thờ Latran (9/11)…

I. VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH

1. Phân loại: Việc kính nhớ các thánh chia làm bốn loại:

– Lễ trọng: Các Thánh (1/11); Giuse (19/3), Phêrô và Phaolô (29/6), Sinh Nhật Gioan tẩy giả (24/6).

– Lễ kính: Mỗi vị thánh tông đồ, Máccô (25/4), Luca (18/10), Lôrensô (10/8), Têphanô (27/12), Anh Hài (28/12)…

– Lễ nhớ bắt buộc: Têrêsa Hài Đồng (1/10), Phanxicô Xaviê (3/12)…

– Lễ nhớ tự do: Cosma và Đamianô (26/9), Martinô Porét (3/11)…

2. Khi các lễ Trọng kính thánh trùng với Chúa nhật Mùa Thường Niên hay Mùa Giáng Sinh, thì dùng bản văn phụng vụ của lễ kính thánh đó thay vì bản văn của lễ Chúa nhật Thường Niên.

3. Trong các lễ kính người ta sẽ đọc kinh vinh danh. Nếu lễ kính thánh rơi vào ngày thường của Mùa Vọng hay Mùa Chay, vẫn đọc kinh vinh danh, mặc dù theo luật, các ngày Chúa Nhật Mùa Vọng và Mùa Chay không đọc kinh này (QC 31). Nếu lễ kính thánh rơi vào bất cứ Chúa nhật nào kể cả Mùa Thường Niên, thì sẽ cử hành bản văn lễ Chúa nhật chứ không dùng bản văn kính thánh.

4. Không cử hành lễ nhớ bắt buộc khi lễ này rơi vào bất cứ Chúa nhật nào trong năm.

5. Lễ nhớ bắt buộc sẽ trở nên không bắt buộc, nghĩa là được phép đọc lời nguyện nhập lễ của vị thánh đó, còn tất cả bản văn phụng vụ và các bài đọc phải theo ngày trong tuần, khi lễ nhớ bắt buộc rơi vào các ngày sau đây:

– Các ngày trong tuần Mùa Vọng từ 17-24/12,

– Các ngày trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh,

– Các ngày trong tuần thuộc Mùa Chay (vd: Perpêtua và Phêlixita 7/3…)

6. Lễ nhớ bắt buộc sẽ trở thành lễ nhớ tự do, nghĩa là được phép chọn lựa hoặc bản văn phụng vụ của lễ về vị thánh đó, hoặc bản văn phụng vụ của ngày trong tuần, khi lễ nhớ bắt buộc rơi vào các ngày sau đây:

– Các ngày trong tuần thuộc Mùa Vọng trước ngày 17/12,

– Các ngày trong tuần Mùa Giáng Sinh kể từ ngày 2/1,

– Các ngày trong tuần Mùa Phục Sinh.

7. Lễ nhớ tự do sẽ được cử hành hay không tùy vị chủ tế và cộng đoàn tham dự.

8. Để phân biệt các lễ về vị thánh, lịch công giáo thường ghi chú bậc lễ bên cạnh ngày kính nhớ các ngài. Các lễ nhớ tự do thường được in nét nhỏ và không ghi bậc lễ, các lễ nhớ bắt buộc được in nét lớn và có ghi chú “lễ nhớ”, các lễ kính được chú thích “lễ kính” và các lễ trọng được nhấn mạnh bằng “Lễ trọng”.

K. QUY LUẬT VỀ VIỆC CỬ HÀNH LỄ CẦU HỒN

1. Trong các lễ cầu cho những người đã qua đời, lễ an táng chiếm vị trí cao nhất. Có thể cử hành lễ an táng trong mọi ngày trừ những ngày sau đây:

– Các lễ trọng buộc (Giáng Sinh, Hiển Linh, Thăng Thiên và Hiện Xuống)

– Tam Nhật Vượt Qua,

– Các Chúa nhật thuộc Mùa Vọng, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh (QC 336).
Khi vừa được tin người chết hoặc ngày giỗ đầu, có thể cử hành lễ cầu hồn ngay cả trong những ngày sau:

– Tuần Bát Nhật lễ Giáng Sinh,

– Các lễ nhớ bắt buộc,

– Những ngày trong tuần thuộc Mùa Chay, trừ Thứ Tư Lễ Tro và Tuần Thánh (QC 337).

2. Trong lễ an táng, nếu có nghi thức tiễn biệt ngay sau thánh lễ, thì bỏ nghi thức kết thúc mà tiếp ngay nghi thức tiễn biệt. Chỉ cử hành nghi thức tiễn biệt khi có quan tài (QC 340).

3. Màu phụng vụ của lễ an táng thông thường là màu tím hay màu đen. Tuy nhiên mỗi HĐGM có quyền định liệu màu sắc cho lễ an táng để diễn tả rõ nét niềm hy vọng vào Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô (NTAT 24)
(Thánh Bộ Phượng Tự, 25/1/1972, Nghi Thức An Táng; Bản dịch pháp ngữ của các HĐGM trong khối pháp ngữ, 2/2/1972 ; vd: HĐGM Canada cho phép dùng màu trắng trong lễ an táng)

4. Người tín hữu khi sống thuộc giáo xứ nào, thì khi chết sẽ được cử hành lễ an táng tại giáo xứ đó. Cũng có thể cử hành an táng tại một nơi khác, nhưng phải thông báo cho cha sở riêng của người qúa cố biết (GL 1177).

5. Những người nào được an táng theo nghi thức Công giáo ? (GL 1183)

– Các tín hữu công giáo,

– Các người dự tòng chưa kịp lãnh phép Thánh Tẩy trong Giáo Hội Công Giáo,

– Các kitô hữu trong các Giáo Hội ngoài Công Giáo khi họ thỉnh cầu, và khi họ không có thừa tác viên để cử hành nghi thức riêng cho họ.

6. Những người nào không được an táng theo nghi thức công giáo ? (GL 1184)

– Những người bội giáo, lạc giáo và ly giáo cách công khai,

– Những người chủ tâm hỏa thiêu xác mình để chống lại đức tin kitô giáo,

Những người phạm tội công khai mà việc cử hành nghi lễ an táng cho họ có thể gây gương xấu cho những người khác.

MỤC LỤC
A. Nghi thức thánh lễ 3
B. Thánh lễ đồng tế 18
C. Linh mục được phép sáng tác những công thức nào trong thánh lễ 21
D. Cách giữ tay trong phụng vụ 22
E. Phẩm phục thánh 24
F. Quy luật về việc lựa chọn thánh lễ theo nhu cầu 26
G. Quy luật về việc cử hành thánh lễ hôn phối 29
H. Quy luật về việc dời các lễ trọng 30
I. Việc kính nhớ các thánh 33
K. Quy luật về việc cử hành lễ cầu hồn 35

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *