MỤC VỤ PHỤNG VỤ
Phụng Vụ Cử Hành Trong Thời Gian: Năm Phụng Vụ
Lm.Ant Nguyễn Đức Khiết
CỬ HÀNH TRONG THỜI GIAN: NĂM PHỤNG VỤ
Việc cử hành Phụng vụ Kitô giáo được trình bày như một chu kỳ. Trong chu kỳ một năm, Giáo Hội diễn giải toàn thể mầu nhiệm Chúa Kitô và kính nhớ ngày sinh nhật trên trời của các thánh :
“Hội Thánh là Mẹ hiền, ý thức mình có bổn phận ca tụng công trình cứu chuộc của Phu Quân chí thánh, bằng việc tưởng niệm vào những ngày ấn định trong năm. Mỗi tuần vào ngày Chúa Nhật, Hội Thánh tưởng nhớ việc Chúa Phục Sinh. Mỗi năm một lần, vào dịp lễ Phục Sinh, Hội Thánh còn cử hành hết sức trọng thể cuộc Thương Khó và Phục Sinh hồng phúc của Người.
Hội Thánh quảng diễn mầu nhiệm Chúa Kitô qua chu kỳ một năm, từ Nhập Thể, Giáng Sinh, đến Thăng Thiên, Hiện Xuống, cùng với sự mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày Chúa lại đến.
Trong khi tưởng niệm những mầu nhiệm cứu chuộc, Hội Thánh rộng mở cho các tín hữu kho tàng quyền năng cứu độ và công nghiệp của Chúa, làm cho những mầu nhiệm này hiện diện qua các thời đại, để khi tiếp xúc với các mầu nhiệm đó, các tín hữu sẽ được đầy tràn ơn cứu chuộc” PV 102.
Vào các mùa khác nhau của năm Phụng vụ, theo truyền thống xa xưa, Giáo Hội thực hiện việc huấn luyện các tín hữu, nhờ những hoạt động thiêng liêng và thể xác, nhờ việc giáo huấn, cầu nguyện, hãm mình đền tội và bác ái PV 105.
I. Lễ Phục sinh hàng năm.
Chu kỳ của năm phụng vụ dựa trên một trục xoay duy nhất là lễ Phục sinh. Trong ba thế kỷ đầu, có hai tập tục khác nhau vể ngày lễ Phục sinh. Một vài giáo đoàn bên Tiểu Á mừng lễ Phục sinh đúng vào ngày 14 tháng Nisan (ngày trăng tròn) trùng với lễ Vượt qua của người Do thái (x. Xh 12,6),. Nó có thể rơi vào bất cứ ngày nào trong tuần. Nhưng đa số các giáo đoàn mừng vào ngày Chủ nhật sau ngày 14 tháng Nisan.
Công đồng Nicê (325) đã quyết định thống nhất ngày cử hành lễ Phục sinh trong toàn thể Giáo Hội, tức là vào Chủ nhật sau ngày 14 tháng Nisan.
Mặc dù ba thế kỷ đầu có sự khác biệt về ngày cử hành lễ Phục sinh, nhưng đối tượng và cách thức mừng lễ Phục sinh thì giống nhau. Các Kitô hữu mừng biến cố Phục sinh của Chúa Kitô. Tuy nhiên, để mừng biến cố cứu độ này, họ đã dành một thời gian chuẩn bị.
Thật vậy, trong ba thế kỷ đầu, Phụng vụ lễ Phục sinh không chỉ giới hạn vào chính ngày chủ nhật, nhưng còn bao gồm một thời kỳ chuẩn bị, bắt đầu bằng việc ăn chay, dài ngắn, tùy vùng : bên Đông Phương, các tín hữu giữ chay suốt một tuần trước lễ Phục sinh, bên Tây Phương, người ta chỉ giữ chay hai ngày trước lễ. (x. Eusêbiô, Lịch sử Giáo hội V, 24, 12-13 ; Hippolitô, truyền thống tông đồ 25 ; Didascalie 5, 18)
Từ khi các Kitô hữu được tự do hành đạo (với sắc chỉ Milan của hoàng đề Constantin năm 313), lịch phụng vụ đã có nhiều thay đổi. Ngày chủ nhật trở thành ngày nghỉ việc theo sắc lệnh của hoàng đế Constantin vào năm 321.
Năm 389, hoàng đế Thêođosiô I ra lệnh bãi bỏ các lễ hội cổ truyền của Rôma, và thay thế bằng các lễ của Kitô giáo.
Điều này giả thiết là Giáo Hội đã có một niên lịch về các ngày lễ trọng.
Từ thế kỷ 4 trở đi, lễ Phục sinh được chuẩn bị trong thời gian 40 ngày (trước năm 330 bên Ai cập). Một vài giáo phụ đã để lại những bài giảng giải thích ý nghĩa của thời gian này, trong số đó có khoảng 30 bài giảng mùa chay của thánh Augustinô, 12 bài của thánh Lêô Cả về việc ăn chay cầu nguyện.
II. Mùa chay
Mùa chay 40 ngày, nguyên thủy là thời kỳ chuẩn bị cho các dự tòng lãnh nhận các Bí tích khai tâm, hoặc để giao hoà các hối nhân.
Cho tới thế kỷ thứ 3, người ta xem việc giữ chay trong tuần thánh là đủ cho việc chuẩn bị lễ Phục sinh. Giáo Hội Rôma có thói quen giữ chay 3 tuần, nhưng vào thế kỷ thứ 4, đã theo cách giữ chay 40 ngày của Giáo Hội Ai cập và của một số miền khác. Mùa chay chấm dứt vào ngày thứ năm tuần thánh, nhường chỗ cho Tam Nhật Vượt Qua (Triduum pascal).
Bốn mươi ngày mùa Chay, mùa của cầu nguyện và hãm mình, tạo nên một khung cảnh rất tốt cho những công việc chuẩn bị sau cùng của thời gian dự tòng, để những người này được tái sinh trong đêm Phục sinh (Veillée pascale). Như vậy, mùa Chay đã trở thành thời gian để cộng đồng Kitô giáo đồng hành với các anh em dự tòng, thời gian được đánh dấu bằng các buổi dậy giáo lý và khảo hạch.
Mùa Chay được khai mạc với ngày thứ tư lễ Tro. Việc bỏ tro trên đầu trước kia chỉ dành cho những người tội lỗi chờ được hoà giải vào ngày thứ năm tuần thánh, nhưng cử chỉ biểu trưng này dần dần được toàn dân thực hiện, kể cả hàng giáo sĩ và giám mục. Giáo Hội Rôma cũng đón nhận cách làm này.
Mỗi Chúa nhật trong 5 ngày Chúa nhật mùa Chay đều mang một chủ đề riêng do bài Phúc âm. Từ thời thánh Lêô Cả, người ta đã đọc bài Phúc âm kể lại việc Chúa Kitô bị cám dỗ trong hoang địa trong Chúa nhật I mùa Chay, việc Chúa biến hình (theo Mt, Mc hay Lc) vào Chúa Nhật thứ hai. Bóng tối và ánh sáng được đặt bên nhau, đó là biểu tượng của việc Dân Chúa tiến về lễ Phục sinh.
Ba Chúa nhật tiếp theo, như truyền thống từ xa xưa, người ta lần luợt đọc các bài Phúc âm liên quan đến giáo lý Phép Rửa. (x. các CN mùa chay 3, 4, 5 chu kỳ năm A) : CN 3 : Chúa Kitô gặp người phụ nữ Samaria (Ga 4,5-42) : nước nguồn – CN 4 : Chúa Kitô chữa người mù từ thuở mói sinh (Ga 9,1-41) : ánh sáng – CN 5 : Chúa cho Ladarô sống lại (Ga 11,1-45) : sự sống vĩnh cửu.
III. Tuần Thánh
Tuần Thánh được coi là bản lề giữa mùa Chay và Tam Nhật Vượt Qua : điều này thể hiện rõ nhất vào giờ kinh chiều của thứ năm tuần thánh. Tuần Thánh được khai mạc vào Chúa nhật lễ Lá.
Các lễ nghi tuần thánh bắt nguồn từ Giáo Hội Giêrusalem dưới thời giám mục Cyrillô (k. 350). Để hướng dẫn các khách hành hương đi thăm các nơi thánh cũng như giáo huấn các tín hữu địa phương về ý nghĩa của mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh, thánh Cyrillô đã tổ chức một số lễ nghi diễn ra tại Giêrusalem :
Ngày Chủ nhật lễ lá, rước kiệu từ núi cây dầu đến thánh đường Anastasis (Phục sinh). Chiều thứ năm, một buổi cử hành Thánh lễ tưởng niệm bữa Tiệc Ly (bên Tây phương cử hành việc hoà giải các hối nhân). Thứ sáu kính viếng Thánh giá tại gần nơi Chúa chịu chết. Đêm thứ bảy, canh thức cùng cử hành các bí tích khai tâm. Các tân tòng sẽ được tham dự lần đầu tiên vào mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô khi chia sẻ với các tín hữu phụng vụ Thánh Thể (Bà Egérie đã tường thuật chi tiết các lễ nghi tuần thánh mà bà đã tham dự vào khoảng năm 381).
Việc cử hành chính thức lễ Phục sinh bắt đầu từ buổi canh thức vào tối thứ bảy. Khác với người Do thái cử hành lễ Vượt qua tại gia đình, các Kitô hữu họp nhau trong cộng đoàn để mừng lễ. Trong đêm canh thức, các tín hữu cầu nguyện, đọc Sách thánh, hát Thánh vịnh cho đến tảng sáng thì cử hành Thánh Thể.
Vào cuối thế kỷ 4, xuất hiện một quan niệm mới, phân biệt việc cử hành cuộc Tử nạn và việc cử hành lễ Phục sinh. Với thánh Augustinô, ta thấy xuất hiện khái niệm về “tam nhật vượt qua”, “ba ngày rất thánh của Chúa Kitô bị đóng đinh, được an táng và đã sống lại” (thư 55 gửi Januari), trong đó mỗi ngày tưởng niệm một trong ba biến cố : ngày thứ sáu để tưởng nhới cuộc khổ nạn, ngày thứ bảy để tưởng nhớ cuộc mai táng và ngày chủ nhật để tưởng nhớ việc Chúa sống lại.
IV. Mùa Phục Sinh
Thực ra, trong các thế kỷ đầu, các Kitô hữu có thói quen kéo dài việc mừng lễ Phục sinh trong thời gian năm mươi ngày. Đây là thời gian vui mừng. Trong thời gian này, các tín hữu không qùy gối khi cầu nguyện và cũng không ăn chay x. Tertulianô, Về ăn chay 14. Từ thế kỷ thứ 4, một số ngày đã nổi bật lên trong chuỗi ngày này : đó là tuần bát nhật phục sinh, lễ Chúa lên trời và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.
1. Tuần Bát Nhật Phục sinh :
Tuần Bát Nhật này liên hệ chặt chẽ với lễ Rửa tội của người lớn. Cũng như trong mùa Chay, họ là đối tượng của việc dạy giáo lý, thì trong tuần Bát Nhật Phục sinh, Giáo Hội tiếp tục hội họp họ lại mỗi ngày, để hoàn tất việc giảng dậy cho họ hiểu về các mầu nhiệm mà họ đã lãnh nhận trong Đêm Phục sinh, gọi là “giáo lý nhiệm huấn” (catéchèses mystagogiques). Chúa nhật sau lễ Phục sinh là ngày kết thúc các nghi lễ Rửa tội của các tân tòng : họ bỏ bộ áo trắng đã mặc trong suốt tuần lễ và ngồi vào hàng ngũ các tín hữu, họ không còn như “những trẻ nhỏ”, nhưng là những người lớn. Vì thế, Chúa nhật này đã được gọi là Chúa nhật Quasi modo (dịch là : như những trẻ sơ sinh) hay Chúa nhật In albis (áo trắng)
2. Lễ Chúa lên trời :
Vào khoảng năm 370, người ta mới bắt đầu mừng kính riêng lễ Chúa lên trời, ngày thứ 40 sau Phục sinh theo như sách Công vụ kể lại. Nhưng sau hai mươi năm sau, Giáo Hội Giêrusalem vẫn chưa biết đến lễ này : họ vẫn mừng chung việc Chúa lên trời và việc Chúa Thánh Thần hiện xuống vào ngày thứ năm mươi (Lễ ngũ tuần). Một số Giáo Hội tây phương cũng làm như vậy. Sau ít năm, theo chứng từ của thánh Augustinô, giáo hoàng Lêô Cả cũng như thánh Gioan Kim Khẩu, lễ này được cử hành ở khắp nơi.
3. Lễ Ngũ tuần :
Thoạt đầu, lễ Ngũ tuần chỉ toàn thể thời gian mùa Phục sinh. Tuy nhiên, các Kitô hữu đã không quên rằng ngày thứ năm mươi sau Phục sinh được đánh dấu bởi việc thành lập Giáo Hội : Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các tông đồ và Tin mừng bắt đầu được loan báo. Nhưng họ không mừng thành một lễ riêng, bởi vì muốn giữ tính thống nhất của mầu nhiệm Phục sinh.
Chu kỳ Phục sinh chấm dứt sau 50 ngày. Việc gắn liền biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống với dịp này xem ra khá tự nhiên. Tuy nhiên, ta không có tài liệu nào mô tả cách thức mừng lễ Chúa Thánh Thần.
V. Lễ Giáng sinh và chu kỳ giáng sinh
Nói chung, trong giai đoạn đầu, các đại lễ mang ý nghĩa cánh chung, cử hành sự can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử nhân loại. Nhưng chiều kích lịch sử dần dần nổi bật hơn, khi việc cử hành lễ Chúa giáng sinh và lễ Hiển linh được du nhập vào lịch phụng vụ từ thế kỷ IV, để tưởng nhớ sự sinh ra và các biến cố thời thơ ấu của Đức Kitô.
Một điểm mới của lịch phụng vụ trong giai đoạn này là việc cử hành lễ giáng sinh, với hai truyền thống bên Đông phương và bên Tây phương. Các Giáo Hội Đông phương cử hành lễ Epiphania (Hiển Linh), còn các Giáo Hội tây phương cử hành lễ Natalis (Giáng sinh).
1. Chứng tích cổ xưa nhất về việc mừng lễ Chúa giáng sinh là một cuốn lịch tại Rôma (Chronographum) năm 354, ghi rằng “ngày 25 tháng 12 mừng Đức Kitô giáng sinh tại Bêlem”. Các nhà sử học cho rằng ngày này trùng hợp với “lễ sinh nhật của thần mặt trời bất khuất” (dies natalis solis invinci) được hoàng đế Marc Aurèle du nhập vào Rôma năm 274. Kitô giáo muốn thánh hoá ngày lễ dân gian này bằng việc thay thế đối tượng, tức là Đức Kitô, mặt trời công chính (Sol justitiae). Chủ đề này được diễn giảng nơi nhiều bài giảng của các giáo phụ (x. Lêô Cả, bài giảng 21-30 về lễ giáng sinh ; bài giảng 31-37 về lễ Hiển linh.)
Từ Rôma, lễ Giáng sinh dần dần được du nhập sang các vùng khác bên Tây phương (bắc Italia, Hispania, Gallia) và bên Đông phương. Tại Cappađoxia, người ta biết được việc mừng lễ Giáng sinh qua các chứng từ trong các bài giảng của thánh Basiliô (In Christi generationem : PG 31,1457-1476), và Grêgôriô thành Nysse (điếu văn nhân tang lễ của Basiliô : PG 46,788-818) vào dịp lễ Giáng sinh (k. 375). Lễ Giáng Sinh cũng được cử hành tại Constantinople từ năm 379, có lẽ do sáng kiến của thánh Grêgôriô thành Nazianze Bài giảng 38 : PG 36, 312-333..
2. Vào thế kỷ 4, bên Đông phương cũng đã mừng biến cố Chúa giáng sinh, nhưng với chiều hướng khác, dưới danh hiệu là Epiphania. Trong tôn giáo cổ truyền Hy lạp, Epiphania chỉ việc xuất hiện của một thần linh hay của hoàng đế. Các Kitô hữu mừng ngày Thiên Chúa tỏ hiện cho nhân loại nơi Đức Kitô. Các Kitô hữu mừng cuộc tỏ hiện này qua biến cố giáng sinh (như tại Giêrusalem, Antiokia, Syria) hoặc khi Đức Giêsu chịu phép Rửa tại sông Giođan (tại Ai cập), hoặc khi các đạo sĩ đến thờ lạy và qua phép lạ tại tiệc cưới Cana (theo Epiphaniô Salamis).
Lễ Epiphania có nguồn gốc từ Đông phương đã được du nhập vào Tây phương và thay đổi ý nghĩa. Lúc đầu, tại Gallia, đối tượng là việc Thiên Chúa tỏ mình. Vào cuối thế kỷ 5, tại Italia, nó bao hàm ba biến cố : Đức Kitô chịu phép Rửa, các đạo sĩ đến thờ lạy, phép lạ Cana. Còn ở Rôma, dưới thời Giáo Hoàng Innocentê (401-407), lễ này nhắc đến việc các đạo sĩ đến thờ lạy Chúa, và như vậy, không còn dính dáng gì với ngày Giáng sinh như là bên Đông phương. Quan niệm của Rôma ảnh hưởng trên các Giáo Hội bên Hispania và Bắc Phi.
Tại Rôma, từ thế kỷ 5, lễ Giáng sinh được mừng trọng thể với thánh lễ nửa đêm tại nhà thờ Đức Bà và một thánh lễ ban ngày tại nhà thờ thánh Phêrô. Nó còn được kéo dài ra một tuần bát nhật và kết thúc với lễ Epiphania.
3. Việc chuẩn bị mừng lễ giáng sinh bắt nguồn từ Hispania và Gallia, với tục lệ dọn mình 3 tuần trước lễ Epiphania (từ 17 tháng 12 đến 6 tháng 1), bằng việc viếng nhà thờ, ăn chay (Công đồng Zaragoza, 380-381).
VI. Mùa vọng
Mùa vọng chỉ có trong Phụng vụ của các Giáo Hội Tây phương, được thiết lập chính thức tại Rôma vào hậu bán thế kỷ 6 với năm chủ nhật và Đức Grêgôriô Cả rút lại còn 4 chủ nhật.
Từ Adventus (Mùa vọng) có nghĩa là sự lên ngôi, gần giống với từ Natale, nghĩa là ngày sinh nhật và cũng là ngày lên ngôi của Đức Vua. Vì vậy, Mùa vọng gắn liền với mùa Giáng sinh-Hiển Linh.
Chắc chắn, trong những thế kỷ đầu, đây chỉ là thời gian chuẩn bị về giáo lý và mang tính sám hối để mừng lễ Giáng sinh.
Chúng ta cần chú ý là chu kỳ giáng sinh không những nhằm thánh hoá các lễ hội dân gian ngoại giáo, nhưng còn gắn liền với các tín điều Kitô học để chống lại Ariô và Nestoriô và tuyên xưng thiên tính của Người.
VII. Mùa thường niên và các Chúa nhật mùa thường niên :
Ba mươi bốn tuần lễ từ Phép Rửa của Chúa tới mùa Chay, và từ lễ Hiện xuống tới mùa Vọng được gọi là mùa thường niên. Trong thời gian này, không có cử hành một khía cạnh nào đặc biệt về mầu nhiệm Chúa Kitô, nhưng lại tôn kính chính mầu nhiệm Chúa Kitô trong toàn bộ, nhất là trong các ngày Chúa Nhật NPV 43.
Các ngày Chúa Nhật thường niên là sự tưởng niệm hàng tuần của lễ Phục sinh ; đó là ngày của Chúa, ngày các Kitô hữu họp nhau để nghe Lời Chúa và dự bàn tiệc Thánh Thể, là ngày cử hành Phép Rửa và tưởng nhớ Phép Rửa.
VIII. Việc tôn kính các thánh :
Chúng ta thấy có một tiến trình từ việc tôn kính các thánh tử đạo (đã có từ thế kỷ 2) đến việc tôn kính các chứng nhân của Đức Kitô, trong đó nổi bật lòng tôn kính đối với Đức Maria.
1. Các tử đạo.
Các thánh tử đạo, những người bắt chước Đức Kitô, không chỉ trở nên gương mẫu mà còn là những vị chuyển cầu cho các tín hữu. Niềm xác tín này giải thích lòng tôn kính dành cho các ngôi mộ của các vị tử đạo, trên đó các thánh đường được cất lên, đứng đầu là thánh đường kính hai thánh Phêrô và Phaolô tại Rôma. Các tín hữu quen tụ họp tại các nơi này vào dịp kỷ niệm ngày các ngài hiến mạng sống để làm chứng cho Đức Kitô, được gọi là ngày sinh nhật (dies natalis).
Tuy nhiên, không phải mọi giáo đoàn đều có mồ các thánh tử đạo. Sau khi được hưởng tự do tôn giáo, các tín hữu không những trùng tu các ngôi mộ của các thánh tử đạo mà còn muốn di chuyển hài cốt của các ngài về một địa điểm nào xứng đáng hơn (thay vì nằm ở nghĩa trang chung) bên trong thành phố, hoặc về những thành phố nào không có mộ các thánh tử đạo. Đây cũng là khởi đầu của tập tục di chuyển hài cốt các thánh (một phần hay toàn phần).
2. Các chứng nhân.
Vào cuối thế kỷ 4, ngoài việc tôn kính các thánh Tử đạo, các tín hữu cũng bắt đầu tôn kính các vị đã làm chứng cho Tin mừng giống như các Tử đạo, tuy không bị giết vì đức tin : các đan sĩ, trinh nữ, thừa sai, các mục tử đã bảo vệ đức tin chống lại lạc giáo. Họ được kể vào hàng ngũ những kẻ “tuyên xưng” (confessores – confesseurs) mà trước đây dành cho những người bị tra tấn, tù đầy. Các tín hữu cũng mừng kính các vị này vào ngày họ qua đời (= ngày sinh nhật : dies natalis)
3. Đức Maria.
Việc tôn kính Đức Maria cũng phát triển vào thời này, đặc biệt từ Công đồng Ephêsô (431), với những kinh nguyện và thánh đường dâng kính Thân mẫu của Chúa Kitô. Tại Rôma, ngôi đền thờ được xây dựng thời giáo hoàng Libêriô (+366) đã được Đức Sixtô III (+446) trùng tu và dâng kính Đức Mẹ Thiên Chúa (Đền thờ Đức Bà Cả)
Các lễ trọng kính Đức Maria có những nguồn gốc khác nhau :
– Những lễ trọng đầu tiên kính Đức Maria gắn liền với mầu nhiệm Chúa giáng sinh. Tại Rôma, khoảng cuối thế kỷ 6 (giữa năm 550-595), lễ trọng nhất là ngày 1 tháng 1, mừng Sinh Nhật của Đức Maria (Natale sanctae Mariae) nằm trong tuần bát nhật lễ Giáng sinh. Giáo Hội tại Constantinople, từ thế kỷ 6, kính lễ Theotokos (Mẹ Thiên Chúa) vào ngày 26 tháng 12, liền sau lễ giáng sinh. Cũng trong chiều hướng này mà có lễ dâng Chúa trong Đền Thờ (2 tháng 2), lễ này bắt nguồn từ Giáo Hội Giêrusalem khoảng thế kỷ 5.
– Thực ra, đa số các lễ kính Đức Maria bắt nguồn từ Giêrusalem, nhưng dựa trên một tiêu chuẩn khác, đó là dõi theo những nét của cuộc đời ngài. Từ thế kỷ 5, các tín hữu đã quen cử hành lễ Đức Mẹ-ngủ (Dormitio) vào ngày 15 tháng 8 tại thánh đường được cất tại Gietsimani, để kính “mộ của Đức Maria”, giống như ngày sinh về trời (dies natalis) của các thánh Tử đạo. Từ giữa thế kỷ 6, lễ sinh nhật của Đức Maria (8 tháng 9) được cử hành tại nhà thờ nơi Chúa chữa người bất toại (Ga 5,1-17).
– Mãi đến thế kỷ 7, Giáo Hội Rôma mới du nhập ba lễ xuất phát từ Đông phương (2 tháng 2, 25 tháng 3 và 8 tháng 9).
IX. NIÊN LỊCH PHỤNG Vụ : BẢNG CÁC NGÀY PHỤNG VỤ SẮP THEO THỨ TỰ ƯU TIÊN.
Thứ tự ưu tiên trong việc cử hành các ngày phụng vụ phải nhất thiết căn cứ vào bảng quy định sau đây: (x. Những quy luật tổng quát về năm phụng vụ và niên lịch, NPV, 59-61)
I
1. Tam nhật Vượt Qua tưởng niệm cuộc Thương Khó và Phục sinh của Chúa.
2. Lễ Giáng sinh, Hiển linh, Thăng thiên và Hiện xuống.
Các Chúa Nhật Mùa Vọng, Mùa Chay và Mùa Phục sinh.
Thánh lễ an táng (QCTQ 380) – Cấm cả sáng và chiều Thứ Năm Tuần thánh.
Thứ Tư Lễ Tro.
Các ngày trong Tuần Thánh, từ thứ hai đến hết thứ năm.
Các ngày trong tuần Bát nhật Phục Sinh.
3. Các lễ trọng kính Chúa, Đức Mẹ và các thánh có ghi trong lịch chung.
Lễ cầu cho mọi tín hữu đã qua đời.
4. Các lễ trọng riêng, tức là :
a) Lễ trọng thánh Bổn mạng chính của địa phương, thành phố hay quốc gia ;
b) Lễ trọng Cung hiến thánh đường, hay ngày kỷ niệm Cung hiến thánh đường đó ;
c) Lễ trọng mừng tước hiệu của nhà thờ ;
d) Lễ trọng của dòng tu hay tu hội mừng tước hiệu, hoặc Đấng sáng lập dòng, hay Bổn mạng chính của dòng.
II
Thánh lễ có nghi thức riêng (QCTQ 372). Phải giữ các quy tắc được trình bầy trong các sách Nghi Thức hay trong chính các Thánh Lễ loại này.
Thánh Lễ tuỳ nhu cầu và ngoại lịch do lệnh của giám mục giáo phận hay cho phép cử hành QCTQ 374.
5. Các lễ kính Chúa có ghi trong lịch chung
6. Các Chúa Nhật mùa Giáng sinh và mùa Thường niên.
7. Các lễ kính Đức Mẹ và các thánh có ghi trong lịch chung
8. Các lễ kính riêng, tức là :
a) Lễ Bổn mạng chính của Địa phận.
b) Lễ kỷ niệm Cung hiến nhà thờ Chính toà.
c) Lễ kính Bổn mạng chính của miền, tỉnh, nước hay một vùng rộng lớn.
d) Lễ kính của dòng tu hay tu hội và tỉnh dòng mừng tước hiệu, Đấng sáng lập, Thánh Bổn mạng, trừ những điểm đã nói trong số 4.
(NB s. 4 : “Ngày đầu mỗi tuần, gọi là ngày của Chúa hay Chúa Nhật, Hội Thánh họp mừng mầu nhiệm Vượt Qua, do truyền thống các tông đồ bắt nguồn từ chính ngày Đức Kitô sống lại. Vì thế Chúa Nhật phải được coi là ngày lễ quan trọng nhất”).
e) Các lễ kính riêng khác của một vài nhà thờ.
f) Các lễ kính khác có ghi trong lịch địa phận, dòng tu hay tu hội.
Thánh Lễ cầu hồn khi vừa được tin một người qua đời hay trong ngày giỗ đầu QCTQ 381
9. Các ngày trong tuần thuộc mùa Vọng, từ 17 đến hết 24/12
Các ngày trong tuần Bát nhật Giáng sinh.
Các ngày trong tuần thuộc mùa Chay.
III
Thánh Lễ tùy nhu cầu và ngoại lịch theo sự xét đoán của vị phụ trách thánh đường hay của chính linh mục chủ tế (QCTQ 376).
10. Các lễ nhớ buộc có ghi trong lịch chung.
11. Các lễ nhớ buộc riêng, tức là :
a) Các lễ nhớ Bổn mạng phụ của địa phương, địa phận, miền hay tỉnh, quốc gia, một vùng rộng lớn, của dòng tu hay tu hội và tỉnh dòng.
b) Ít nhiều lễ nhớ bắt buộc riêng của một vài nhà thờ.
c) Các lễ nhớ bắt buộc khác có ghi trong lịch địa phận, dòng tu hay tu hội.
12. Các lễ nhớ không bắt buộc đã được nói tới một cách đặc biệt trong quy chế tổng quát về Thánh lễ và thần vụ, thì có thể xảy ra vào cả những ngày đã nói ở số 9. Cũng vì lý do đó, khi những lễ nhớ bắt buộc trùng với những ngày trong tuần thuộc mùa Chay, thì có thể cử hành như lễ nhớ không bắt buộc.
13. Các ngày trong tuần, từ đầu mùa Vọng cho đến hết 16/12.
Các ngày trong tuần thuộc mùa giáng sinh, từ ngày 2/1 đến ngày thứ bảy sau lễ Hiển Linh.
Các ngày trong tuần thuộc mùa Phục sinh, từ thứ hai sau tuần Bát nhật Phục sinh, cho đến hết thứ bảy trước lễ Hiện xuống.
Thánh Lễ tùy nhu cầu và ngoại lịch theo lòng đạo đức của giáo dân (QCTQ 375).
Thánh Lễ cầu hồn hàng ngày QCTQ 381, 2
Các ngày trong tuần thuộc mùa Thường niên.
TRƯỜNG HỢP CÁC LỄ TRÙNG NHAU (NPV 60, 61)
60. Nếu gặp nhiều lễ phải kính trong cùng một ngày, thì đọc thần vụ về lễ nào có địa vị cao hơn trong bảng ghi ngày phụng vụ. Nhưng trường hợp một lễ trọng bị ngăn trở, vì gặp một ngày phụng vụ có ưu tiên, thì lễ trọng ấy được chuyển sang một ngày nào gần nhất, không vướng phải những ngày đã nói trong bảng thứ tự ưu tiên, từ số 1 đến số 8, nhưng phải giữ những điều đã quy định ở số 5 trong Quy luật tổng quát về năm phụng vụ (NPV). Các lễ còn lại thì năm đó bỏ luôn.
(N.B : NPV s. 5 : Vì tầm quan trọng đặc biệt, Chúa nhật chỉ nhường chỗ cho các lễ trọng và các ngày lễ kính Chúa. Nhưng các Chúa Nhật mùa Vọng, mùa Chay và mùa Phục sinh chiếm vị trí ưu tiên trên mọi lễ kính Chúa và mọi lễ trọng. Khi gặp các Chúa Nhật này, các lễ trọng sẽ mừng vào ngày thứ hai, trừ phi các lễ đó trùng với Chúa Nhật lễ Lá hay Chúa Nhật Phục sinh.
61. Còn nếu trong cùng một ngày mà Kinh chiều II của lễ đang mừng trùng với Kinh chiều I của ngày lễ hôm sau, thì cứ dựa theo bảng ghi ngày phụng vụ trên, mà cử hành Kinh chiều của lễ nào có ưu tiên ; trường hợp hai lễ ngang nhau, thì đọc Kinh chiều II của lễ đang mừng.
X. Về việc kính trọng thể.
“Để phục vụ lợi ích mục vụ cho giáo dân, trong các Chúa Nhật Thường Niên, được phép mừng các lễ nào gặp trong tuần mà được giáo dân sùng mộ, miễn là những lễ ấy cao hơn chính ngày Chúa Nhật theo bảng ghi thứ tự ưu tiên.
Có thể mừng các lễ ấy trong mọi thánh lễ có đông giáo dân tham dự” (NPV 58).
Theo bảng thứ tự ưu tiên ở NPV số 59, thì các lễ được xếp hạng như sau :
1. Các lễ trọng kính Chúa
2. Các lễ trọng kính Đức Mẹ và các thánh có ghi trong lịch chung
3. Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời
4. Các lễ trọng riêng như lễ kính tước hiệu nhà thờ, lễ kỷ niệm cung hiến thánh đường, vv.
5. Các lễ kính Chúa có ghi trong lịch chung
6. Các Chúa Nhật Mùa Giáng Sinh và Thường Niên.
Như vậy, vào những ngày Chúa Nhật Mùa Thường niên và cả Mùa Giáng sinh đương nhiên theo luật (ipso jure) được cử hành thánh lễ quen gọi là “kính trọng thể” về những lễ liệt kê ở hạng 1, 2, 4, 5 trên đây, ví dụ :
– Các Lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đức Mẹ lên trời (15-8).
– Các Thánh nam nữ (1-11), Thánh Phêrô và thánh Phaolô tông đồ (29-6), Sinh nhật thánh Gioan Tẩy giả (24-6),
Tước hiệu nhà thờ, Kỷ niệm cung hiến thánh đường …
– Các lễ kính về Chúa trong lịch chung : Chúa hiển dung (6-8), Suy tôn Thánh giá (14-9), Cung Hiến Đền thờ Latêranô (9-11)…