MỤC VỤ PHỤNG VỤ
Phụng Vụ Cử Hành Với Những Hình Ảnh
Lm.Ant Nguyễn Đức Khiết
CỬ HÀNH VỚI CÁC THỪA TÁC VỤ VÀ PHẬN VỤ
I. Chủ thể của việc cử hành Phụng vụ Bí tích.
Toàn thể cộng đoàn, nghĩa là Thân Thể Chúa Kitô kết hợp với Thủ Lãnh của mình, cùng cử hành Phụng vụ. “Các hoạt động Phụng vụ không phải là những hoạt động riêng tư, nhưng là những cử hành của Hội Thánh, là “bí tích hiệp nhất”, là Dân thánh dược quy tụ và tổ chức dưới quyền của các giám mục. Vì vậy, các hoạt động đó thuộc về toàn thể Hội Thánh, diễn tả và ảnh hưởng trên Hội Thánh. Tuy nhiên, có liên quan khác nhau với từng chi thể, tùy theo khác biệt về phẩm trật, phận vụ và sự tham dự sống động” (PV 26)
Như vậy, Giáo Hội là chủ thể của việc cử hành Phụng vụ.
II. Cử hành với các thừa tác vụ và phận vụ khác nhau
Trong Thân Thể Giáo Hội, “các chi thể không cùng một chức năng” (Rm 12,4 ; x. Ep 4,7.11-12 ; 1Cr 12,4-7 ; 1Cr 12,28 ; 1Cr 14,26). Một số người đã được Thiên Chúa mời gọi, trong và qua Giáo Hội, để đảm nhận phận vụ đặc biệt trong cộng đoàn. Những người này được tuyển chọn và thánh hiến nhờ Bí tích Truyền Chức. Qua đó, Chúa Thánh Thần cho họ khả năng hành động nhân danh Đức Kitô là Đầu để phục vụ mọi chi thể của Giáo Hội. Các thừa tác viên có chức thánh (ministres ordonnés) là hình ảnh” của Đức Kitô Tư Tế.
Trong Thánh Lễ, “Giáo Hội là bí tích” được biểu lộ cách đầy đủ ; vì thế, thừa tác vụ giám mục nổi bật với vai trò chủ sự Thánh Thể, cùng hiệp thông với ngài là thừa tác vụ linh mục và phó tế (GL 1142).
Để giúp các tín hữu thực thi chức tư tế cộng đồng của mình, còn có những tác vụ đặc biệt khác… Những người đảm nhận các tác vụ này không có chức thánh (ministère commun ou laique). Phận vụ (fonction) của họ được các giám mục xác định tùy theo truyền thống phụng vụ và nhu cầu mục vụ. “Ngay cả những người giúp lễ, đọc sách, dẫn giải và những người thuộc ca đoàn cũng chu toàn tác vụ phụng vụ đích thực” (PV 29).
Quy chế tổng quát sách Lễ Rôma 2000 vừa nói đến chủ thể của việc cử hành Phụng vụ là toàn thể Giáo Hội, vừa nói đến các tác vụ khác nhau khi cử hành :
“Việc cử hành liên quan đến toàn thể Thân Thể Hội Thánh, cùng biểu lộ và làm nên Thân Thể này, cũng như liên quan đến mỗi chi thể bằng nhiều cách khác nhau tùy theo sự khác biệt của chức thánh, phần việc và sự tham dự hiện tại. Qua cách thức ấy, dân Kitô, “dòng giống được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, chủng tộc thánh thiện, dân được thủ đắc” bầy tỏ tính cách trật tự liên kết và có phẩm trật của mình.
Nên khi lo phần việc (fonction) của mình, hết mọi người, thừa tác viên có chức thánh cũng như giáo dân, chỉ làm và làm trọn công việc thuộc về mình” (QCTQ 91).
1. Thừa tác viên Lời Chúa (ministre de la Parole)
Việc đọc “các bài đọc” (lectures) là công việc hoặc của một thừa tác viên “thuộc định chế” (ministre institué ở đây là thầy đọc sách), hoặc một thừa tác viên được công nhận, hoặc một người được chỉ định.
Đức Phaolô VI, trong Tự sắc Ministeria quaedam đã nói về vai trò của thầy đọc sách (lector) như sau : “Thầy được đặt lên để đọc Lời Chúa trong cộng đoàn phụng vụ. Thầy sẽ công bố các bài đọc Thánh Kinh (trừ Phúc âm) trong các Thánh Lễ và các nghi lễ Phụng vụ … điều khiển việc ca hát trong nhà thờ… chăm lo để các tín hữu lãnh nhận các Bí tích cách xứng đáng… Để thi hành chức vụ này… thầy phải chuyên cần suy gẫm Thánh Kinh”.
Khi không có thầy đọc sách, cộng đoàn không thể trao việc đọc Thánh Kinh cho bất cứ ai, và dù là những người có kinh nghiệm đọc trước công chúng, vẫn không thể chỉ định vào phút cuối cùng.
Nên dự trù nhiều người đọc, có những giọng đọc hợp cho các bài có âm vang thi ca, có những bài kể chuyện, có những bài giảng dậy hoặc huấn dụ.
2. Thừa tác viên diễn giảng
Ngay từ những thế kỷ đầu, đã có một mối liên hệ chặt chẽ giữa tác vụ giám mục (ministère épiscopal), chức năng giáo huấn (fonction enseignante) và việc giải nghĩa Thánh Kinh trong các cộng đoàn. Sau đó, chức năng này được chia sẻ cho các linh mục, đôi khi cho các phó tế, thậm chí cho các giáo dân có khả năng. Nói chung, tác vụ này gắn liền với chức năng chủ tọa các buổi cử hành.
Bộ Giáo luật mới 1983, điều 766 dự trù các giáo dân có thể giảng trong một nhà thờ hoặc một nhà nguyện khi nhu cầu đòi hỏi trong một số trường hợp, hoặc có ích lợi trong những hoàn cảnh riêng, chiếu theo quy định của Hội đồng giám mục, đồng thời vẫn phải tôn trọng điều 767, 1. Theo điều khoản này, bài diễn giảng Phúc âm, thành phần của Phụng vụ, vẫn phải dành cho linh mục hoặc thầy Phó tế.
Quy chế tổng quát sách Lễ Rôma 2000 số 66 khẳng định rằng việc diễn giảng thường là do chính vị chủ tế hay một trong các vị đồng tế được vị chủ tế nhờ, hay đôi khi, tuỳ nghi, là phó tế, nhưng không bao giờ là giáo dân. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt và có lý do chính đáng, một giám mục hay một linh mục hiện diện trong buổi cử hành mà không đồng tế có thể đảm nhận việc giảng.
3. Các thừa tác viên của lời cầu nguyện cộng đoàn
Lời cầu nguyện của cộng đoàn được bầy tỏ và triển khai thành nhiều tiếng nói khác nhau, từ những lời mời gọi của chủ tế : “Chúng ta hãy cầu nguyện” đến các ý chỉ cầu nguyện do thầy phó tế hoặc một giáo dân nêu lên trong Lời nguyện chung, rồi đến Lời nguyện Nhập Lễ, Tiến Lễ, Kinh Tạ ơn, Lời nguyện Hiệp Lễ, vv.. Biết bao lời cầu nguyện khác nhau cùng với những thừa tác viên khác nhau.
4. Việc ca hát
Lời ca tiếng hát là hình thức phát biểu tập thể của cộng đoàn, với những chức năng khác nhau, như người hát Thánh vịnh đáp ca, ca đoàn, người chơi đàn phong cầm và các nhạc khí khác.
Lời ca và tiếng hát cũng như âm nhạc phải phục vụ và nuôi dưỡng bầu khí cầu nguyện. Bởi vậy, các người phụ trách về ca hát và âm nhạc phải hiểu biết và theo dõi diễn tiến của cuộc củ hành. Do đó, người sở trường về âm nhạc, phải có một sở trường tương xứng về Phụng vu, thì mới chu toàn tốt đẹp chức năng của họ trong cộng đoàn Phụng vụ.
5. Vai trò chủ tọa
Chủ tọa (présidence) là công việc quan trọng và có ý nghĩa nhất trong một cộng đoàn phụng vụ. Từ La Tinh “prae-esse” ở đây có gốc chữ là “ngồi ở phía trước”. Sự hiệp nhất của cộng đoàn được nói lên qua vai trò của vị chủ tọa.
Vai trò chủ tọa vừa có tính tác động, vừa có tính huyền nhiệm . tác động, vì vị chủ tọa có nhiệm vụ điều hành cuộc hội họp, làm cho việc cử hành diễn ra đúng theo như nghi thức, trong tinh thần đức tin, để mọi người tham gia cách tích cực và có hiệu quả ; huyền nhiệm, vì người chủ tọa là hình ảnh của Chúa Kitô. Ngài là đầu của Giáo hội địa phương, người đầy tớ của anh chị em, hiện diện và hành động giữa lòng Dân Chúa.
Như vậy, toàn thể Giáo Hội cử hành, nhưng chỉ một người chủ tọa. Quy chế tổng quát nói đến vai trò chủ tọa như sau :
“Chỉ một vị tư tế và cùng vị đó phải thi hành nhiệm vụ chủ tọa từ đầu đến cuối, trừ phần dành cho giám mục khi có ngài tham dự” (QCTQ 108)
[NB : Nếu giám mục không cử hành Thánh lễ và để cho người khác cử hành, chính ngài nên mang thánh giá ngực, dây Stola và áo choàng trên áo Alba, chủ tọa phần Phụng vụ Lời Chúa và ban phép lành cuối lễ” (QCTQ 92 ; Nghi Lễ Giám Mục, 175-186)
Vị tư tế, với tư cách là chủ tọa, đọc các kinh nguyện nhân danh Hội Thánh và cộng đoàn tập họp, ví dụ Lời nguyện nhập lễ, lời nguyện tiến lễ và lời nguyện hiệp lễ, và nhất là Kinh Tạ Ơn QCTQ 30.