Phụng Vụ Cử Hành Với Lời Ca Và Âm Nhạc

MỤC VỤ PHỤNG VỤ

Phụng Vụ Cử Hành Với Lời Ca Và Âm Nhạc

Lm.Ant Nguyễn Đức Khiết

 

PHỤNG VỤ CỬ HÀNH VỚI LỜI CA VÀ ÂM NHẠC

Trong cuộc sống, đa số các cảm giác của chúng ta đều đến từ đôi mắt và hai tai. Nhờ thính giác, chúng ta có thể quan hệ với người khác từ những lời chào hỏi xã giao cho tới những lời tâm sự thân tình. Nhờ thính giác, chúng ta nghe được các câu chuyện, các chứng từ, nghe được lời nói và giọng nói, biết được các ý tưởng và tâm tình của người khác được bộc lộ bằng lời nói hay bằng lời ca tiếng hát. Là phương tiện tiếp xúc tối hảo, thính giác làm cho chúng ta nhận ra sự có mặt của tha nhân, hiểu tha nhân, đồng cảm với tha nhân.

Trong muôn vàn “tiếng động” mà thính giác con người nhận được, lời ca tiếng hát làm cho ngưòi ta dễ đồng cảm với nhau hơn cả. Nhờ lời ca tiếng hát, chúng ta đối thoại, truyền đạt tư tưởng, bầy tỏ tâm tình, nói lên sự đồng tình với nhóm của mình. Trong lãnh vực Phụng vụ cũng thế.

Nếu lời nói có vai trò quan trọng trong Phụng vụ, thì ca hát sẽ mang lại cho lời nói một chiều kích mới là thêm cho lời nói sức rung cảm và khả năng hiệp thông của cộng đồng : nhịp điệu và lời ca sẽ mang lại cho lời nói một sức toả sáng mới.

Lời ca không thể tách rời khỏi âm nhạc, một nghệ thuật luôn được coi là có liên hệ chặt chẽ với các thực tại thần linh. Phụng vụ phải luôn khôn khéo sử dụng sức mạnh huyền diệu của âm nhạc.

I. Các chức năng của lời ca tiếng hát trong Phụng vụ :

Hiến chế Phụng vụ cho thấy thánh ca và thánh nhạc “càng liên kết chặt chẽ với nhau trong hoạt động Phụng vụ” PV 112, càng thể hiện chức năng làm dấu chỉ của mình, theo ba tiêu chuẩn chính :

– “Diễn tả lời cầu nguyện cách dịu dàng hơn ;
– cổ võ sự đồng tâm nhất trí ;
– làm cho các nghi lễ thêm phần long trọng” PV 112.

Như thế, thánh ca và thánh nhạc góp phần với lời nói và hành động của Phụng vụ để tôn vinh Thiên Chúa và thánh hoá các tin hữu PV 112 :

“Thật cảm động đến rơi lệ khi nghe anh em hát các thánh thi, thánh ca với những âm điệu du dương vang lên trong các buổi cử hành Phụng vụ. Thật là xúc động, lời ca tiếng hát rơi vào tai tôi, làm sôi sục chân lý trong tim tôi. Lòng yêu mến Chúa nâng tôi lên cao, hai dòng lệ chảy trên má tôi, tôi thấy tâm hồn mình bay bổng…” )Thánh Augustinô, Tự Thuật IX, 6, 14 ).

1. Để bầy tỏ và củng cố sự hiệp nhất của nhóm.

Trong xã hội, sự kiện cùng nhau ca hát nói lên sự gắn bó chặt chẽ của nhóm. Khi các thành viên của nhóm cùng nhau ca hát, thì họ có cảm tưởng hiệp nhất với nhau hơn là khi cùng nhau nói lên một lời. Quả thực, nhịp điệu của âm nhạc giúp người ta phát biểu đều với nhau hơn, âm điệu buộc mọi người phải hát cùng một giọng như nhau. Khi bài ca là đa âm, mỗi người hát phần trầm bổng khác nhau, thì sự hoà điệu càng làm nổi bật để tạo thành một bài ca tuyệt diệu.

2. Âm nhạc phục vụ cho lời nói.

Khi một bản văn được phổ nhạc, dù là thứ âm nhạc đơn sơ như nhạc kể truyện, thì âm nhạc sẽ làm tăng rất nhiều các giá trị nội tại của bài đó. Bởi vì, với âm nhạc, lời ca sẽ làm cho các vần của mỗi từ kéo dài hơn là khi nói suông ; các giọng lên xuống được khai thác tối đa do âm điệu ; các nhịp điệu của câu văn cũng được âm nhạc làm gia tăng; sau cùng hoà điệu sẽ gia tăng tâm tình của nội dung lời nói.

Người ta có lý để vấn nạn rằng đôi khi âm nhạc khiến cho lời ca trở thành khó hiểu, vì khó nghe được nội dung : một bản văn đọc hoặc nói, thường dễ nghe và dễ hiểu hơn ; rồi âm nhạc hay sẽ làm người ta ít chú ý đến ý nghĩa của lời Phụng vụ. Những vấn nạn này cho thấy bài ca là một toàn thể phức tạp, với nhiều yếu tố, và người hát cũng như người nghe không luôn ý thức được tất cả các yếu tố đó. Người ta nhận thấy bài ca là một thực tại âm vang, nhưng mỗi người vẫn có thể ưu tiên chú ý đến khía cạnh này hay khía cạnh khác của bài ca. Đôi khi, bài ca có thể ít rõ ràng hơn một bài đọc, nhưng sức cảm hứng của nó lại lớn hơn nhiều. Qua lời ca, những phần sâu kín nhất của tâm hồn có thể được rung động, và đó là công việc mà nội dung của các lời nói, các bài đọc khó thực hiện nổi.

3. Âm nhạc và lễ hội.

Lời ca, âm nhạc, nhảy múa là những cử chỉ của con người khi vui hội. Ta sẽ dễ hiểu tại sao ca hát và âm nhạc gắn liền với lễ hội. Bời vì, lời ca làm cho các lời nói vượt ra ngoài công dụng thường nhật của nó. Ca hát và chơi âm nhạc nói lên sự ung dung, thư thái, thanh nhàn. Và nhất là âm nhạc làm cho con người vượt lên trên tính duy dụng và duy lý trí của những lời nói và những cử chỉ.

II. Trong cử hành Phụng vụ, hát khi nào, hát thế nào ?

A. Hát khi nào ?

Hiểu được những chức năng của lời ca là bước đầu tiên để thấy lời ca và âm nhạc là một dấu chỉ rất quan trọng trong các cử hành Phụng vụ. Nói khác đi, lời ca sẽ biểu thị những thực tại được cử hành, nếu nó diễn tả được tính chất thi vị, sự hiệp nhất cộng đoàn và dấu chỉ của ngày lễ.

Thánh Phaolô đã từng nhắc nhở các Kitô hữu rằng mỗi khi hội họp trông đợi Chúa, hãy cùng nhau hát những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thánh Thần linh hứng (x. Cl 3,16) và “hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa” (Ep 5,19). Quả vậy, hát là dấu chỉ niềm vui trong tâm hồn (x. Cv 2,46). Bởi vậy, thánh Augustinô nói đúng : “Người nào yêu thì hát” (Bài giảng 336, 1 : PL 38, 1472). Và ngay từ ngàn xưa, câu “ai hát hay là cầu nguyện gấp đôi” (T. Augustinô, Tv 72,1) đã trở thành ngạn ngữ. (QCTQ 39).

Việc sử dụng ca hát trong cử hành Thánh Lễ có một tầm quan trọng đặc biệt. Dù không luôn luôn cần phải hát tất cả các bản văn tự chúng được trù liệu để hát, chẳng hạn trong các Thánh Lễ ngày thường, nhưng vì là dấu chỉ của ngày lễ, Quy chế tổng quát sách lễ Rôma 2000 mong ước rằng trong các cử hành vào Chúa Nhật và Lễ Trọng thì lo sao đừng thiếu tiếng hát của thừa tác viên và dân chúng QCTQ 40.

Đối với việc cử hành Các Giờ Kinh Phụng Vụ cũng thế : “Khi cử hành các giờ kinh Phụng vụ, không được coi việc ca hát như là một nét trang trí từ bên ngoài thêm vào kinh nguyện, mà phải coi đó là chính tiếng phát xuất từ thẳm sâu tâm hồn con người cầu nguyện và ca tụng Chúa ; lại diễn tả được đầy đủ và hoàn hảo đặc tính cộng đồng của việc thờ phượng trong Kitô giáo” (Văn kiện trình bày và quy định các giờ kinh Phụng vụ, 270)

Vì thế, “trước hết nên hát ít là các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ, để nhờ đó phân biệt được mức độ long trọng của các ngày lễ” (Ibid., 271).

“Cũng vậy, vì các giờ kinh không cùng một giá trị như nhau, nên phải hát để làm nổi bật những giờ then chốt của Kinh Nhật Tụng, tức là hai giờ Kinh Sáng, Kinh Chiều” (Ibid., 272).

B. Hát thế nào ?

Để là một dấu chỉ của Phụng vụ, lời ca phải được đặt trong cấu trúc nghi lễ, chẳng hạn như trong thánh thi, lời tung hô, đối thoại ngắn giữa chủ tế và cộng đoàn, lời công bố, vv. Từ đó, ta sẽ biết phải sử dụng lời ca và âm nhạc như thế nào cho đúng với từng thể loại :

1. Thánh thi (hymne)

Theo nghĩa hẹp, Thánh thi là các bài thánh ca có hình thức thi ca, có số chữ nhất định, có niêm luật thi ca. Theo nghĩa rộng, thánh thi là các bài ca “chúc tụng” không thuộc loại nào nhất định, ví dụ : Kinh Te Deum, Kinh Vinh Danh, Kinh Sáng danh… cũng được gọi là Thánh thi. Trong Phụng vụ Thánh Lễ, ta thấy một số bản văn được coi như thuộc thể loại thánh thi, như đáp ca, kinh Tiền tụng (préface), vinh tụng ca (doxologie). Trong các giờ kinh Phụng vụ, kinh Benedictus, Magnificat, Nunc dimittis thuộc thể loại này.

Đặc điểm của Thánh thi là lời và âm nhạc đều quan trọng như nhau (tuy nhiên, trong Phụng vụ, nhạc phải phục vụ lời).

2. Tung hô :

Ca hát thích hợp cho lời tung hô. Tung hô là một cách diễn tả của tập thể, có tính chất gọn gàng, mạnh mẽ, gây xúc động. Tung hô diễn tả một niềm vui, niềm xúc động, niềm tin, thái độ đón nhận Lời Chúa, hiệp nhất trong lời cầu nguyện. Trong cử hành Thánh Lễ, ta có những tiếng tung hô như tiếng “Amen”, “Tạ ơn Chúa” “Alleluia”, “Lạy Chúa, vinh danh Chúa”, “Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa”, “Thánh, Thánh, Thánh”, “Vì Chúa là Vua uy quyền và vinh hiển muôn đời”,những tiếng tung hô trong hình thức đối thoại, như “và ở cùng Cha”, “Chúng tôi đang hướng về Chúa”, “thật là chính đáng”.

Tung hô tùy thuộc rất nhiều vào cách cấu tạo các tiếng. Các lời tung hô càng ngắn gọn, có tiết điệu và âm vang, càng có kết quả. Một trong những định luật cơ bản của tung hô là lập đi lập lại, vừa làm cho việc biểu lộ tâm tình thêm mạnh, vừa liên kết ngay với cả cộng đoàn. Hình thức đơn giản nhất là luôn luôn lập lại cùng một công thức (giống như Kinh cầu). Ngoài ra, còn một cách lập lại cùng một câu, nhưng lần sau cao giọng hơn lần trước, ví dụ như : “Ánh sáng Chúa Kitô” làm cho lời tung hô thêm mạnh hơn.

3. Thánh vịnh.

Thánh vịnh có một vai trò quan trọng trong Phụng vụ và mang nhiều hình thức, tùy vào các cử hành Phụng vụ khác nhau :

a. Thánh vịnh đáp ca trong Thánh Lễ : gọi như thế vì nó mang ý nghĩa của việc dân Chúa đáp trả lại Lời Chúa nói với dân. Nhờ văn thể của thánh vịnh, vị trí của nó nằm giữa hai bài đọc và tiến trình của nó theo cách xướng đáp mà cộng đoàn dễ lãnh hội Lời Chúa hơn. Thánh vịnh đáp ca là thành phần trọn vẹn của Phụng vụ Lời Chúa. Nó có tầm quan trọng về Phụng vụ và mục vụ, vì giúp ích cho việc suy niệm Lời Chúa QCTQ 61

Thánh vịnh đáp ca nên được hát, ít là phần đáp của cộng đoàn. Người hát thánh vịnh hát tại giảng đài, hay tại một nơi thích hợp, trong lúc mọi người ngồi nghe và thường tham dự bằng những câu đáp, trừ khi thánh vịnh được hát lien tục, không có câu đáp QCTQ 61.

b. Ca tiền xướng (antiphona) : Trước mỗi thánh vịnh có một tiền xướng mà ta gọi là điệp ca. Điệp ca có thể được lập lại sau mỗi triệt câu (strophe).

Trong cử hành Các Giờ Kinh Phụng vụ, có thể hát hay đọc thánh vịnh một mạch từ đầu đến cuối, hay luân phiên đối đáp từng câu (verset) hay từng triệt (strophe) giữa hai bè hay hai bên của cộng đoàn, hoặc theo kiểu xướng đáp , tùy cách thức đã được truyền thống và kinh nghiệm chấp nhận Văn kiện trình bày và quy định các giờ kinh Phụng vụ, 122

c. Ca tiến cấp (Graduale) : Đây là bài ca trong bộ bình ca Grêgôrianô, gồm một câu thánh vịnh có đáp ca, do một ca viên hát đơn ca, đứng trên một bậc cao, một “cấp” cao.

d. Đáp ca (Le répons) : Đây là bài ca ngắn, gồm vài câu thánh vịnh, đựoc hát lên sau khi ca viên hát ca tiến cấp, hoặc hát lên sau một bài đọc thánh kinh ngắn.

e. Lời cầu nguyện : Lời cầu nguyện cũng có thể được hát. Nhưng đây không phải là bài đọc. Việc hát lời nguyện sẽ giúp tăng thêm dấu chỉ của ngày lễ.

4. Các câu đối thoại

Các câu đối thoại giữa chủ tế (hay phó tế) và cộng đoàn có thể được hát. Nếu hát thì sẽ dùng các hình thức âm nhạc rất đơn giản.

Quy chế tổng quát sách lễ Rôma 2000 nhấn mạnh đặc biệt đến việc hát phần này : “Nhưng khi chọn lựa những phần để hát thực sự thì hãy dành ưu tiên cho những phần quan trọng hơn, nhất là những phần do vị tư tế hay phó tế hay người giúp lễ hát, giáo dân thưa, hoặc những phần mà cả vị tư tế lẫn giáo dân cùng hát”. [Ví dụ : Kinh vinh danh, Kinh Tin Kính, Kinh Lạy Cha] QCTQ 40.

5. Hát kể chuyện

Cuối cùng, một số bài đọc (chẳng hạn trích từ sách các Ngôn sứ, các sách Khôn ngoan, các Mối Phúc, Bài Thương Khó) có thể được hát theo cung giọng kể chuyện (điệu ca kể chuyện). Đây là một lối đọc gần với lời nói hơn là lời ca. Nhưng đây là một lối đọc có đủ những yếu tố của ca nhạc : nhịp và giọng.

Chỉ đọc theo cung giọng trong những buổi cử hành thực sự có hát. Giọng kể phải tương xứng với thể loại của bản văn.

III. Các bài hát trong Thánh Lễ.

Trong cử hành Thánh lễ, ta phân biệt 2 loại các bài hát :

– Các bài hát thuộc thành phần Thánh Lễ, như Kinh Vinh Danh, “Thánh, Thánh Thánh”, “Lạy Chiên Thiên Chúa” thì không được thay thế bằng những bài hát khác QCTQ 53, 366.
– Các bài hát đi kèm theo nghi thức như ca nhập lễ, ca tiến lễ, ca bẻ bánh, ca hiệp lễ, ca kết lễ thì phải giữ những quy tắc ấn định cho các phần đó QCTQ 367.

1. Ca nhập lễ : “Khi dân chúng đã tập họp và đang khi vị tư tế và các người giúp lễ tiến vào, thì bắt đầu hát ca nhập lễ. Bài ca này có mục đích mở đầu việc cử hành Thánh Lễ, giúp giáo dân thêm hiệp nhất, hướng tâm hồn họ vào mầu nhiệm mùa Phụng vụ hay ngày lễ và đi kèm với cuộc rước của vị tư tế và các người giúp lễ”. QCTQ 47

“Ca nhập lễ được hát như sau : hoặc luân phiên giữa ca đoàn và dân chúng, hoặc luân phiên giữa một ca viên và dân chúng, hoặc tất cả do dân chúng hát, hay do một mình ca đoàn hát mà thôi” QCTQ 48.

2. Ca tiến lễ : “Khi rước lễ phẩm lên thì hát ca tiến lễ, và kéo dài bài hát ít là cho tới khi đặt lễ phẩm lên bàn thờ. Quy luật về cách hát ca tiến lễ cũng giống như cách hát ca nhập lễ. Bài hát có thể luôn đi theo nghi thức tiến dâng” QCTQ 74

3. Ca bẻ bánh : “Đang khi vị tư tế bẻ bánh và bỏ một phần vào chén thánh, thì ca đoàn hay ca viên hát đối đáp hay đọc lớn tiếng “Lạy Chiên Thiên Chúa..”, và giáo dân đáp lại. Kinh này có thể được lập đi lập lại bao lâu còn cần để kèm theo việc bẻ bánh” QCTQ 83.

4. Ca hiệp lễ : Sách lễ Rôma phân biệt ca hiệp lễ và bài hát sau hiệp lễ :

– “Đang khi vị tư tế rước lễ, thì bắt đầu hát ca hiệp lễ. Bài ca này có mục đích diễn tả sự đồng tâm hiệp nhất thiêng liêng giữa những người rước lễ, khi họ đồng thanh ca hát, đồng thời biểu lộ niềm vui trong tâm hồn và làm cho việc tiến lên rước Mình Thánh Chúa có tính cách cộng đoàn hơn. Có thể kéo dài hát ca hiệp lễ đang khi giáo dân rước lễ”. QCTQ 86.

– Sau khi cho rước lễ, vị tư tế và giáo dân tuỳ nghi cầu nguyện trong lòng một khoảng thời gian. Nếu muốn, tất cả cộng đoàn cũng có thể hát một thánh thi, một thánh vịnh hay một bài thánh ca ngợi khen nào khác” QCTQ 88

6. Ca kết lễ :

Trong QCTQ, ta không thấy nói bài ca kết lễ. Tuy nhiên, ta có thể hát một bài ca khi vị tư tế, phó tế và các người giúp lễ cúi chào bàn thờ.

IV. Về các nhạc khí :

– Hiến chế về Phụng vụ (PV 120)

a. Công nhận việc ưu tiên sử dụng đàn phong cầm trong Phụng vụ Kitô giáo trong dòng lịch sử.

b. Công nhận việc sử dụng các nhạc khí khác, nếu :

– chúng có thể phục vụ tốt cho Phụng vụ ;
– chúng phù hợp với sự trang trọng của nơi thánh ;
– chúng giúp các tín hữu cầu nguyện.

– Huấn thị về Thánh nhạc Số 62-67:

lấy lại các điều chủ yếu trên đây và nói rõ thêm :

a. Dựa vào môi trường văn hoá mà quyết định loại nhạc khí nào hợp và loại nào không hơp cho Phụng vụ.

b. Bất cứ nhạc khí nào được dùng trong Phụng vụ, cũng phải được sử dụng cách nào :
– để đáp ứng những đòi hỏi của việc cử hành Phụng vụ ;
– để gia tăng vẻ đẹp của việc phượng tự ;
– để xây dựng lòng đạo đức cho các tín hữu.

c. Trong một số nền văn hoá, hễ có hát là có đệm nhạc. Sẽ có thể giữ như thế :
– nếu tiếng nhạc khí hỗ trợ và không át lời ca.
– nếu âm nhạc giúp mọi người dễ tham dự
vào Phụng vụ và giúp cho sự hiệp nhất của
cộng đoàn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *