Phụng Vụ Cử Hành Với Những Hình Ảnh

MỤC VỤ PHỤNG VỤ

Phụng Vụ Cử Hành Với Những Hình Ảnh

Lm.Ant Nguyễn Đức Khiết

 

PHỤNG VỤ CỬ HÀNH VỚI NHỮNG HÌNH ẢNH

Trong tất cả các tôn giáo, một trong những chức năng hàng đầu của phụng tự là làm cho cái vô hình trở nên hữu hình. Đối với con người, vũ trụ vạn vật đã là một phản ánh của Đấng Tạo Hoá, nhưng nghệ thuật sẽ hoàn thành và làm thêm phong phú những gì được xem là dấu chỉ của những thực tại vô hình.

I. Các ảnh tượng thánh

Các ảnh tượng có thể giúp con người tôn giáo đi từ cái hữu hình sang cái vô hình, chiêm ngắm cái hữu hình để tiếp xúc với thế giới vô hình. Tuy nhiên, ảnh tượng có nguy cơ làm cho con người tôn thờ ngẫu tượng khi con người đồng hoá thần linh với “hình ảnh” của thần linh, dùng hình ảnh của thần linh để bóp méo thần linh.

Để bảo toàn sự thánh thiện của Thiên Chúa, Luật Môsê cấm sử dụng các hình ảnh để tượng trưng các thực tại linh thiêng : “Ngươi sẽ không làm một hình tượng hoặc một hình ảnh nào của những gì ở trên trời cao, hoặc ở trên mặt đất, hoặc ở trong nước dưới đất. Ngươi sẽ không phục lạy trước các hình ảnh này để tôn thờ chúng” (Xh 20,4-5).

Ảnh tượng không thể minh hoạ Thiên Chúa vô hình và khôn tả, nhưng việc Con Thiên Chúa nhập thể đem lại cho ảnh tượng một vai trò tôn giáo mới :

“Thiên Chúa không có thân xác, không có diện mạo, nên tuyệt đối không thể diễn tả bằng hình ảnh. Nhưng giờ đây, Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm và sống giữa loài người, nên tôi có thể họa lại Thiên Chúa mà tôi đã thấy…Chúa đã lấy đi tấm màn che, chúng tôi được chiêm ngắm vinh quang Chúa”. (T Gioan Damascênô, Về ảnh tượng thánh, 1, 16 ; x. GL 1159)

Từ thời kỳ các hang toại đạo, Giáo Hội đã luôn sử dụng các ảnh thánh. Giáo Hội vẫn luôn thực hành như thế, mặc dầu, một đàng đã có những lạm dụng và những sai lạc, và đàng khác đã có những chống đối mạnh mẽ. Những cuộc đấu tranh gay go nhất đã diễn ra hồi thế kỷ 8, khi có trào lưu phá hủy các ảnh tượng, sau một thời kỳ các ảnh thánh phát triển rất mạnh. Các cuộc tranh luận này đã dẫn tới Công đồng Nixê II năm 787, với việc bảo vệ các ảnh tượng và lấy mầu nhiệm Nhập thể làm nền tảng cho việc tôn kính các ảnh thánh :

“Trung thành với đạo lý của các thánh giáo phụ và truyền thống Hội Thánh Công Giáo, vì biết rằng đạo lý này được Chúa Thánh Thần linh hứng, chúng tôi định tín chắc chắn và chính xác rằng : các ảnh tượng thánh đáng tôn kính, cũng như các mẫu Thánh Giá quý báu và sống động, dù được vẽ, chạm trổ hay làm bằng chất liệu thích hợp, phải được chưng bày trong các nhà thờ, trang trí trên các dụng cụ và y phục thánh, vẽ trên tường và trên tranh, đặt trong nhà và ngoài đường. Đối với ảnh tượng của Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa và Đấng Cứu Độ chúng ta, ảnh tượng của Đức Maria, Thánh mẩu Thiên Chúa, và của các thiên thần, các thánh và những người công chính cũng thế” (Nixê II : DS 600 ; GL 1161)

II. Những chức năng của ảnh tượng thánh :

Trong Phụng vụ, các ảnh tượng có những chức năng khác nhau :

1. Thêm vẻ đẹp và nét kính trọng.

Con người tôn giáo luôn chú tâm đến các đồ thờ phượng mà họ cho là “đồ thánh”, khác với những vật dụng được dùng trong đới sống thường nhật . Vì vậy, người ta trang điểm các vật dụng phụng vụ này bằng những mầu sắc, hoa văn, bằng các chất liệu quý như các loại đá quí hoặc vàng bạc, chẳng hạn như các ảnh thánh, chén lễ, áo lễ, bàn thờ, sách phụng vụ, kính mầu, các nhạc cụ, vv…)

Con người tôn giáo bầy tỏ lòng yêu mến, sùng kính, muốn dành cho Thiên Chúa những gì là cao qúi nhất, và cũng là để nâng tâm hồn lên với Chúa khi chiêm ngắm những hình ảnh này.

2. Giúp giáo huấn.

Kinh Thánh dùng lời nói để truyền đạt sứ điệp Tin mừng, còn ảnh tượng thánh thì dùng hình ảnh. Lời nói và hình ảnh bổ xung cho nhau trong việc huấn luyện đức tin. Đức tin được giảng dậy qua những câu chuyện Thánh kinh. Lời Chúa được trình bày bằng những hình ảnh, gợi lại các nhân vật, thái độ của các nhân vật kinh thánh.

3. Nói lên mầu nhiệm.

Tất cả các dấu chỉ dùng trong Phụng vụ đều quy về Đức Kitô. Các ảnh tượng về Đức Mẹ và các thánh cũng vậy, vì biểu thị Đức Kitô vinh hiển nơi các ngài (x. GL 1161). Hình ảnh đưa ta vào thế giới “bí tích” của Kitô giáo. các ảnh thánh đều ít nhiều nói về Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, về mầu nhiệm và lịch sử cứu độ, giúp con người bước vào mầu nhiệm Phục sinh với tất cả niềm tin. Qua các ảnh tượng, chúng ta thấy con người “được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa”, đã “được biến đổi nên giống Thiên Chúa”. ( x. Rm 8,29 ; 1Ga 3,2).

4. Giúp cầu nguyện và thêm lòng yêu mến :

Công Đồng Nixê II (787) đã bênh vực cho các ảnh thánh với lý do các ảnh thánh là sức bổ dưỡng cho lòng đạo đức của các tín hữu :

“Họ càng nhìn ngắm các ảnh tượng Chúa Kitô, Đức Mẹ, các thiên thần và các thánh, họ sẽ càng nhớ đến các Đấng có hình ảnh đó, và họ càng cố gắng bắt chước các ngài, muốn tỏ lòng cung kính và mến yêu các ngài, chứ không “thờ lạy” các ảnh này, vì sự thờ lạy chỉ được dành cho một mình Thiên Chúa…

Tôn kính một ảnh thánh là để tôn kính Đấng các ảnh thánh tượng trưng. Ai tôn kính một ảnh thánh là có ý tôn kính Đấng mà ảnh thánh này là hình ảnh” (Nicée II, Mansi XIII, 377-380)

Thánh Gioan Damascênô nói lên sự gắn bó giữa vẻ đẹp của các hình ảnh thánh với tâm tinh cầu nguyện khi chiêm ngắm : “Vẻ đẹp và mầu sắc của ảnh tượng thúc đẩy tôi cầu nguyện” (Về ảnh tượng thánh 1,27)

III. Nghệ thuật trong Phụng vụ.

Đức Phaolô VI đã nhắc đến vai trò quan trọng của nghệ thuật trong Phụng vụ và kêu gọi các nghệ sĩ hãy sáng tác những công trình nghệ thuật thánh :

“Thừa tác vụ của chúng ta là rao giảng và làm cho người ta nhìn thấy và cảm xúc được thế giới của tinh thần, thế giới của cái vô hình, của cái bất khả ngôn, của Thiên Chúa. Nghệ thuật diễn tả thế giới vô hình bằng những hình thức dễ thấy, dễ hiểu, trong đó các bạn là những bậc thầy… Nghệ thuật của các bạn chính là chiếm giữ được các kho tàng của bầu trời tinh thần, để phủ lên chúng những lời nói, những mầu sắc, những hình ảnh để mọi người dễ nhìn thấy chúng”. Phaolô VI, Diễn văn đọc trước các nghệ sĩ, 7-5-1964

Vì thế, bàn thờ, các chén thánh, ảnh tượng thánh, y phục phụng vụ, nến Phục sinh, các sách phụng vụ, vv, đều cần phải được nghiên cứu nghệ thuật hầu phục vụ tốt cho nhà Chúa và cho dân Chúa.

Tuy nhiên nghệ thuật thánh cần gắn với nét đơn sơ cao qúy và chân thật. Quy chế tổng quát Sách Lễ Rôma 2000 nhắc nhở :

“Việc trang trí thánh đường nên chuộng vẻ đơn sơ cao qúy hơn là hào nhoáng. Khi lựa chọn các vật dụng để trang trí, nên dùng đồ thật và theo hướng góp phần giáo huấn các tín hữu và phù hợp với sự trang nghiêm của nơi thánh” (QCTQ 292 ; 325)

Vì hình ảnh là một thứ ngôn ngữ, một dấu chỉ biểu tượng, cho nên ta phải lưu ý đến nghệ thuật, vẻ đẹp, sự trang nhã của các vật dụng dùng trong Phụng vụ, trên hết là Bàn Thờ, Thánh Giá, các sách Phụng vu. Nhưng ta cũng không được coi thường những vật dụng ít quan trọng hơn. Quy chế tổng quát sách lễ Rôma 2000 đã nhắc nhở :
“Phải lưu tâm một cách đặc biệt đến các sách phụng vụ, nhất là sách Tin mừng và sách Bài đọc, vì được dùng để công bố Lời Chúa, và do đó đáng được tôn kính đặc biệt. Trong cử hành Phụng vụ, chúng là dấu chỉ và biểu tượng của những thực tại siêu nhiên, nên phải xứng đáng, được trang hoàng và đẹp đẽ” (QCTQ 349).

“Trên hết, phải lưu tâm đến những gì có liên quan trực tiếp đến bàn thờ và cử hành Thánh Lễ, như Thánh Giá bàn thờ và Thánh Giá cầm khi rước kiệu” (QCTQ 350).

“Phải hết sức cố gắng để trong cả những vật dụng ít quan trọng, các đòi hỏi về nghệ thuật được bảo đảm, luôn phối hợp sự đơn sơ trong nhã với nét thanh tú” QCTQ 351.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *